Phạm Đình Lân


Từ đỉnh cao rớt xuống và từ thấp vươn lên cao

.

Khi cách mạng 1789 bùng nổ ở Pháp, các quốc gia quân chủ Âu Châu đều lo sợ và tìm cách dập tắt cách mạng. Sau khi đánh bại quân Áo và Nga ở Austerlitz năm 1805, Napoléon I thành lập Liên Bang Sông Rhin (Rheinbunkdakte – Etats Confederes du Rhin) gồm 16 tiểu bang Đức (không có Phổ <Prussia>). Đế triều Napoléon I kích thích lòng yêu nước của người Đức. Đế triều Pháp sụp đổ năm 1815 nhưng Đức vẫn chịu ảnh hưởng của đế quốc Áo.

Năm 1868 Otto Von Bismarck (1815 - 1898) làm tể tướng Liên Bang Bắc Đức. Chủ trương của vị tể tướng này là thống nhất nước Đức dưới sự lãnh đạo của Prussia (Phổ) và vua Wilhem I bằng ‘sắt và máu’. Để thống nhất nước Đức, Prussia phải đánh bại Đan Mạch, Áo và Pháp. Bismarck thành công trong việc đánh bại cả ba nước này để Prussia lãnh đạo nước Đức thống nhất. Năm 1870 Đức thắng Pháp. Hoàng đế Napoléon III bị bắt làm tù binh. Đức tuyên bố thắng trận và thống nhất tại điện Versailles của Pháp năm 1871. Vì bại trận, Pháp mất Alsace và Lorraine vào tay Đức. Sự thù hận qua lại giữa Đức và Pháp luân chuyển theo thời gian. Nó tiếp nối từ năm 1870 đến 1914 rồi 1940. Ba thời điểm trên làm cho tình thân hữu giữa hai nước láng giềng Pháp-Đức càng trở nên tồi tệ hơn. Trong đệ nhất và đệ nhị thế chiến Pháp bị Đức tấn công và chiếm đóng. Trong thời gian này xuất hiện hai quân nhân Pháp nổi bật: Philippe Pétain và Charles de Gaulle.

Philippe Pétain. Hình: wikipedia

Philippe Pétain (1856 – 1951) ra đời ở Cauchy-à-la Tour, hạt Pas de Calais, trong một gia đình nông dân. Một người ông họ của ông là một linh mục Thiên Chúa Giáo phục vụ trong quân đội Pháp dưới thời hoàng đế Napoléon I. Ông thuật lại cho Pétain những mẩu chuyện lý thú của quân đội Pháp dưới thời đế triều ở Ý, Thụy Sĩ và vùng dãy núi Alpes. Ông Pétain thích đời binh nghiệp do ảnh hưởng của những mẩu chuyện phiêu lưu do người ông họ thuật lại.

Pétain gia nhập quân đội Pháp năm 1876. Năm 1887 ông học trường Võ Bị St. Cyr rồi Cao Đẳng Chiến Tranh Paris. Ông thăng cấp tương đối chậm trong quân đội. Sau hàng chục năm trong quân đội, năm 1890 ông mang cấp bậc đại úy. Từ năm 1901 đến 1910 ông dạy trường Cao Đẳng Chiến Tranh nên sự thăng cấp càng chậm thêm. Khi dạy ở trường Cao Đẳng Chiến Tranh ông thường nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa Bộ Binh và Pháo Binh. Năm 1911 ông mang cấp bậc đại tá nhưng được chỉ huy lữ đoàn.

Năm 1914 đệ nhất thế chiến bùng nổ, ông mới được thăng lên thiếu tướng tham dự trận đánh Marne. Cuối năm đó ông được thăng lên trung tướng. Ông nổi tiếng trong trận đánh Verdun. Trong trận đánh này quân Pháp cầm cự với Đức cho đến thắng lợi suốt 09 tháng trường (1916). Pétain trở thành anh hùng quốc gia của Pháp sau trận đánh Verdun. Năm 1918 Đức bại trận. Philippe Pétain được vinh thăng thống chế. Ông được xem là vị thống chế nổi bật nhất so với các thống chế khác như Galliéni, Joffre, Foch. Thành công trong cuộc chiến tranh Rif ở Maroc năm 1925 thống chế Philippe Pétain bắt đầu tham gia chánh trị.

Năm 1934 ông là tổng trưởng bộ Chiến Tranh, một năm sau khi Hitler nắm chánh quyền ở Đức (1933). Năm 1939 ông là đại sứ Pháp ở Tây Ban Nha. Từ năm 1936 tướng Franco nắm quyền ở Tây Ban Nha. Vị tướng này có đường lối thân phát xít Đức do Hitler cầm đầu.

Từ ngày 10-05 đến 25-06-1940, trong vòng 46 ngày Đức đánh chiếm Pháp, Bỉ. Lục Xâm Bảo, Hòa Lan. Ngày 16-06-1940 thống chế Pétain được cử làm thủ tướng. Ông quyết định ký hiệp ước đình chiến với Đức. Ông được Quốc Hội Pháp trao toàn quyền – ngoại trừ 80 dân biểu – với tư cách Quốc Trưởng Pháp. Đó là chánh phủ Vichy thân Đức Quốc Xã (tháng 07-1940 – tháng 08-1944). Lúc ấy Pétain 84 tuổi!

Với chánh phủ Vichy thân Đức hình ảnh của người hùng Verdun năm 1916 đã chết trong tâm não người Pháp. Chánh phủ Vichy là một chánh phủ bù nhìn của Đức.

Quốc hiệu République Française (Cộng Hòa Pháp Quốc) bị bãi bỏ và được thay thế bằng État Français (Quốc Gia Pháp)
Quốc ca La Marseillaise bị bãi bỏ và được thay thế bằng bài Maréchal, Nous Voilà (Thưa Thống Chế, Có Chúng Tôi Đây) suy tôn lãnh tụ là thống chế Pétain, vị cứu tinh của nước Pháp (le sauveur de la France).
Khẩu hiệu của cách mạng 1789 Liberté, Égalité, Fraternité (Tự Do, Bình Đẳng và Tình Huynh Đệ) bị bãi bỏ để thay thế bằng Travail, Famille, Patrie (Lao Động, Gia Đình và Tổ Quốc).

Chánh phủ Vichy theo đường lối của Đức Quốc Xã với các đặc điểm:

a. tôn thờ lãnh tụ.
b. chống chủ nghĩa Cộng Sản Marx-Lenin.
c. bài Do Thái.

Địa bàn của chánh phủ Vichy là miền nam nước Pháp với các thành phố Bordeaux, Limoges, Vichy, Lyon, Toulouse, Toulon, Marseille. Paris vẫn là thủ đô của Pháp nhưng chánh phủ Vichy không hề có mặt ở đó vì miền Bắc nước Pháp bị Đức chiếm đóng.

Lãnh tụ Philippe Pétain nắm Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp. Đó là một lãnh tụ quyền uy tuyệt đối thứ nhì ở Pháp sau vua Louis XIV. Khác với vua Louis XIV, Thái Dương Vương (Roi Soleil), Philippe Pétain chỉ là một lãnh tụ bù nhìn do Đức Quốc Xã dựng lên và điều khiển. Ông không phải là một ‘Fuhrer’ độc lập như Hitler hay một ‘Duce’ như Mussolini mà là một ‘lãnh tụ’ thỏa hiệp với Đức Quốc Xã và đóng vai bù nhìn không hơn không kém. Ông phủ nhận tinh thần cách mạng 1789 khi đổi quốc hiệu République Française thành État Français và quốc ca La Marseillaise của Pháp để thay thế bằng bài ca tung hô cá nhân ông như một ‘cứu tinh’ của nước Pháp (sauveur de la France), ‘một ngọn lửa thiêng’ (une flame sacrée).

Ngài (Pétain) cứu Tổ Quốc
Lần thứ nhì
Bằng sự hiến dâng đời mình,
Thiên tài và đức tin của mình.

En donnant ta vie
Ton génie et ta foi
Tu sauves la Patrie
Une seconde fois.

(trong bài Maréchal, Nous Voilà)

Thống chế Pétain lãnh đạo nước Pháp thân Đức. Trên danh nghĩa, các chánh quyền thuộc địa Pháp trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam dưới sự lãnh đạo của toàn quyền Decoux, đều thân phát xít. Trên thực tế một số quốc gia đồng minh thời bấy giờ trong đó có Hoa Kỳ và Tòa Thánh Vatican công nhận chánh phủ Vichy do thống chế Pétain lãnh đạo.

Hai nhân vật cao cấp của chánh phủ Vichy thân Đức Quốc Xã là thống chế Philippe Pétain và thủ tướng Pierre Laval (1883 - 1945).

***

Charles André Joseph Marie de Gaulle (Charles de Gaulle). Hình: wikipedia.

Charles de Gaulle (1890 -1970) là sĩ quan thuộc cấp của Pétain trước khi đệ nhất thế chiến bùng nổ. Lúc ấy Pétain mang quân hàm đại tá còn De Gaulle là một sĩ quan mới ra trường Võ Bị St. Cyr.

Charles de Gaulle sinh năm 1890 ở Lille, bắc nước Pháp. Thân sinh của ông là giáo sư lịch sử và văn chương ở một trường dòng Jesuit. Ông nội và chú ông đều là sử gia. Bà nội là một nữ thi sĩ sùng đạo Thiên Chúa.

Người ta cho rằng họ De Gaulle xuất phát từ tiếng Hòa Lan Van der Walle. Mẹ ông xuất thân từ một gia đình giàu có ở Lille. Bà mang trong người dòng máu Pháp, Ái Nhĩ Lan, Scotland và Đức.

Charles de Gaulle là người cao 1,96m, trán và mũi cao. Ông mang dòng máu văn chương và lịch sử bên nội. Ông thích đọc sách và tìm hiểu sâu rộng về quê hương của ông. Ông thích tư tưởng của Chateaubriand, Henri Bergson, Barres, Nietzche, Kant và các nhà triết học cổ Hy Lạp.

Ông vào trường Võ Bị St. Cyr năm 1909 và tốt nghiệp thiếu úy năm 1912. Ông phục vụ dưới sự chỉ huy của đại tá Philippe Pétain. Ông học hỏi rất nhiều nơi đại tá Pétain về thuật chỉ huy. Năm 1916 ông bị Đức bắt làm tù binh. Ông vượt ngục nhiều lần nhưng thất bại. Hậu quả là ông bị cắt bớt khẩu phần lương thực và thuốc là hàng ngày. Ông không được đọc báo hàng ngày dủ là báo tiếng Đức.

Pétain ghi nhận De Gaulle là người thông minh, nguyên tắc, kiến thức rộng. Nhưng vào thập niên 1930 sự rạn nứt tâm lý giữa hai người bắt đầu rõ nét. De Gaulle suy nghĩ nhiều về sự canh tân quân đội Pháp để chống trả sự xâm lăng của Đức hữu hiệu hơn. Ý kiến và những cuốn sách do ông viết ra đều không được giới hữu trách Pháp để ý đến. Những người lớn tuổi và có chức quyền lớn hơn ông có vẻ không ưa thích những ý tưởng ‘lớn lao’ và sự phòng xa thái quá của ông. Mãi đến khi Đức tấn công Pháp vào năm 1940 ông mới được vinh thăng thiếu tướng giả định và được bổ làm thứ trưởng Bộ Quốc Phòng và Chiến Tranh trong nội các Paul Reynaud. Cả thủ tướng Paul Reynaud lẫn De Gaulle đều chống hiệp ước đình chiến. Reynaud tìm cách trốn sang Anh. Thất bại, ông bị bắt và bị giam ở Đức rồi Áo cho đến năm 1945 mới về Pháp. De Gaulle sang Anh an toàn.

Trong đệ nhị thế chiến liên hệ giữa thiếu tướng De Gaulle và thống chế Pétain càng căng thẳng hơn. Pétain thân Đức. De Gaulle chống Đức với hy vọng giải phóng nước Pháp khỏi sự xâm chiếm của Đức. Thủ tướng Anh Winston Churchill cho ông dùng đài BBC gởi thông điệp về Pháp, chống sự xâm lăng của Đức, lên án thống chế Pétain ‘phản quốc’. Thiếu tướng De Gaulle bị tòa án Vichy xử tử hình khiếm diện.

De Gaulle gặp vô vàn khó khăn và tủi hổ trong thời gian sống lưu vong và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Đức ở hải ngoại. Ông cảm thấy tự ái cá nhân và tự ái quốc gia bị xúc phạm ít nhiều bởi các quốc gia đồng minh.

Trong Ngũ Cường, Trung Hoa và Pháp là hai quốc gia bị Nhật và Đức chiếm đóng. Trung Hoa có chánh phủ kháng chiến ở Chongqing (Trùng Khánh) do Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) cầm đầu. Pháp không có chánh phủ kháng chiến trong nước. Pháp có chánh phủ Vichy thân Đức do Philippe Pétain lãnh đạo ở phân nửa phía nam nước Pháp. Trung Hoa có chánh phủ Nanjing (Nam Kinh) thân Nhật do Wang Ching Wei (Uông Tinh Vệ) lãnh đạo.

Trong các đại diện các chánh phủ lưu vong ở Anh trong đệ nhị thế chiến De Gaulle là người có danh vị khiêm tốn nhất. Ông chưa phải là một thiếu tướng thực thụ trong khi Pháp có nhiều thống chế, đại tướng, đô đốc nhưng không có người lãnh đạo kháng chiến chống Đức khi Pháp bị xâm chiếm. De Gaulle gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập Lực Lượng Pháp Tự Do. Ông chỉ tập hợp một số sĩ quan cấp úy và một vài sĩ quan cấp tá. Tướng Georges Catroux, cựu Toàn Quyền Đông Dương do đô đốc Émile Muselier, Thierry d’Argenlieu là những vị tướng đầu tiên hưởng ứng Lực Lượng Pháp Tự Do do De Gaulle khởi xướng ngay từ năm 1940.

Khó khăn khác là Hoa Kỳ, Tòa Thánh Vatican, Liên Sô đều công nhận chánh phủ Vichy. Tổng thống Roosevelt của Hoa Kỳ và thủ tướng Churchill của Anh đều công nhận tư cácch và lòng yêu nước của De Gaulle. Nhưng trên lập trường lợi ích quốc gia thì đó là nhân vật chánh trị rất tự do và rất độc lập. Vai trò của Pháp trong việc chống phe Trục lu mờ trong tâm não của tổng thống Roosevelt. De Gaulle không được mời tham dự các hội nghị quốc tế giữa các nhà lãnh đạo Tam Cường (Hoa Kỳ, Anh, Liên Sô) trong các hội nghị ở:

- Tehran năm 1943 (Roosevelt - Churchill - Stalin)

- Cairo (1943- Roosevelt - Churchill - Chiang Kaishek)

- Yalta (1945 - Roosevelt - Churchill - Stalin)

- Potsdam (1945 sau khi tổng thống Roosevelt mất) - Harry Truman - Churchill rồi Attlee <đảng Lao Động > - Stalin.

Từ trái sang phải: Henri Giraud, Franklin Roosevelt, Charles de Gaulle và Winston Churchill
trong hội nghị tháng 01/1943 tại Casablanca. Hình: www.iwm.org.uk

Tướng De Gaulle chỉ dự hội nghị với Roosevelt và Churchill ở Casablanca trên lãnh thổ thuộc địa của Pháp năm 1943. Cùng có mặt trong hội nghị này có tướng Henri Giraud, người được tổng thống Hoa Kỳ hậu thuẫn. Tướng Henri Giraud trở thành đối thủ chánh trị đối với De Gaulle.

Tướng De Gaulle được Churchill, Stalin, tướng Eisenhower– người chỉ huy quân đội Đồng Minh ở Âu Châu, và dư luận Pháp ủng hộ nên tên tuổi của Henri Giraud bị lu mờ và chìm trong quên lãng.

***

Ngày 06-06-1944 quân đội Đồng Minh đổ bộ lên Normandie. Tháng 09 năm ấy tướng Leclerc giải phóng Paris. Leclerc cũng là vị tướng giải phóng thành phố Strasbourg. Ông trở thành vị đại tướng được sự tín nhiệm của De Gaulle.

Nước Pháp được giải phóng. Tướng De Gaulle lãnh đạo Chính Phủ Lâm Thời.

Thủ tướng Pierre Laval của chánh phủ Vichy chạy trốn sang Tây Ban Nha và bị bắt đưa về Pháp. Thống chế Pétain được Đức đưa sang Đức. Năm 1945 Pétain và Laval đều bị đưa ra tòa án về tội ‘phản quốc’. Cả hai đều bị tuyên án tử hình.

Pierre Laval bị hành quyết.

Tướng De Gaulle nghĩ đến công lao của thống chế Pétain trong đệ nhất thế chiến nên chuyển bản án tử hình thành bản án tù chung thân. Thống chế Pétain bị giam giữ trên đảo Île d’Yeu ngoài khơi Đại Tây Dương và mất ở đó năm 1951, thọ 95 tuổi.

Người hùng Verdun trở thành người tù chung thân vì tội phản quốc. Người thuộc cấp của ông, De Gaulle, lên án ông ‘phản quốc’ và bị chánh quyền do ông đứng đầu xử tử hình khiếm diện.

Tướng De Gaulle nuôi mộng khôi phục sự vĩ đại của nước Pháp thời hậu đệ nhị thế chiến bằng cách tái chiếm thuộc địa. Tướng Leclerc được cử chỉ huy Quân Đội Viễn Chinh Pháp ở Đông Dương. Đô đốc Thierry d’Argenlieu được cử làm Cao Ủy Đông Dương (Haut Commissaire) tương đương với chức Toàn Quyền Đông Dương (Gouverneur Général) trước đó. Cuộc chiến tranh Pháp-Việt bắt đầu nhen nhúm.

Ngày 26-01-1946 tướng De Gaulle rời nội các lâm thời vì sự chống đối của các chánh đảng ở Pháp. Ông rời khỏi chánh quyền sau khi thành lập Rassemblement du Peuple Français (Tập Đoàn Công Dân Pháp) như một đoàn thể chánh trị sau này.

Năm 1947 tướng Leclerc chết vì tai nạn phi cơ và được thụy phong thống chế.

De Gaulle được xem là người giải phóng nước Pháp (Libérateur de la France) trong đệ nhị thế chiến. Dù vậy ông chỉ nắm chánh quyền lâm thời từ ngày 03-06-1944 đến ngày 26-01-1946 mà thôi.

Là một quân nhân, tướng De Gaulle không có óc võ biền cũng không có khuynh hướng độc tài.

Là một nhà giải phóng nước Pháp, ông không kiêu căng, tự mãn cũng không có ý đồ bám giữ hay vĩnh cửu quyền hành. Ông hành xử công việc vì lợi ích của nước Pháp và nhân dân Pháp chớ không vì lợi ích của cá nhân ông. Ông rút lui khỏi chánh trường khi dân chúng muốn như thế. Đó là sự tôn trọng ý dân vậy.

Thời gian 1946 - 1958 giúp cho ông điều chỉnh quan điểm chánh trị quốc tế của mình. Nước Pháp bị tàn phá trong đệ nhị thế chiến. Chiến tranh vừa chấm dứt, nước Pháp phải lặn hụp trong chiến tranh tái chiếm thuộc địa ở Việt Nam. Chiến tranh làm cho kinh tế Pháp càng suy kiệt.

Nếu Việt Minh phải nhờ đến 80% chi viện từ Trung Quốc thì Pháp phải nhờ Hoa Kỳ giúp đỡ 80% chi phí chiến tranh ở Đông Dương. Kết quả cuộc chiến không mang danh dự về cho nước Pháp.

Cuộc đấu tranh võ trang giành độc lập của Việt Nam tạo cảm hứng cho Algérie nơi Pháp có nhiều đồn điền trồng nho để làm rượu. Algérie ở gần Pháp nên giới quân sự Pháp muốn duy trì chánh sách thuộc địa ở quốc gia Bắc Phi Hồi giáo này. Đó là nguồn gốc việc trở lại chánh quyền của tướng De Gaulle năm 1958.

Điều làm cho các quân nhân Pháp thất vọng là De Gaulle trao trả độc lập cho Algérie thay vì tiếp tục chiến tranh bám giữ thuộc địa. De Gaulle năm 1958 khác với De Gaulle năm 1945. Tướng Salan cầm đầu tổ chức O.A.S. (Organisation de l’Armée Secrète: Tổ Chức Quân Đội Bí Mật) chống tổng thống De Gaulle. Nhóm này ám sát hụt tổng thống De Gaulle vài lần.

Tổng thống De Gaulle thành lập Đệ Ngũ Cộng Hòa. Pháp là một quốc gia đa dạng theo chế độ đại nghị lâu đời nhưng quyền hành tổng thống Đệ Ngũ Cộng Hòa giống như quyền hành của tổng thống Hoa Kỳ. Chức vụ thủ tướng vẫn còn nhưng do tổng thống chọn.

Tổng thống De Gaulle luôn luôn độc lập với Hoa Kỳ. Ông muốn Pháp là một cường quốc nguyên tử thứ tư trên thế giới sau Hoa Kỳ, Liên Sô và Anh. Và ông đã thực hiện được ước muốn đó. Ông chấn hưng nền kinh tế nước Pháp: gia tăng giá trị đồng Franc (đồng Phật-lăng) mới, bang giao thân thiện với Tây Đức, củng cố và phát triển hoạt động của Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu. Ông chỉ trích việc Hoa Kỳ đưa quân vào Nam Việt Nam, ngăn chận Anh vào Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu và rút khỏi NATO (Minh Ước Bắc Đại Tây Dương). Bang giao giữa Pháp-Hoa Kỳ và Pháp-Anh không mấy tốt đẹp dưới chánh quyền De Gaulle thời Đệ Ngũ Cộng Hòa.

Vừa mới nhậm chức đầu năm 1961 tổng thống Kennedy tìm cách thăm viếng Paris với hy vọng làm giảm bớt sự căng thẳng giữa Pháp và Hoa Kỳ qua sự hiện diện của đệ nhất phu nhân, Jacqueline Kennedy, một người Mỹ gốc Pháp. Tổng thống De Gaulle muốn có một Âu Châu mạnh về kinh tế lẫn quân sự giữa hai khối đối nghịch trong Chiến Tranh Lạnh: Hoa Kỳ và Liên Sô. Thực tế Anh Quốc không tự xem mình là một quốc gia Âu Châu. Tổng thống De Gaulle kết thân với Tây Đức và chủ trương một Québec Tự Do! Đó là những đụng chạm ngoại giao giữa nước Pháp thời De Gaulle với Anh và Canada.

Năm 1965 tổng thống De Gaulle tái đắc cử vẻ vang nhờ những thành quả đã đạt được 07 năm trước. Năm 1968 Paris được chọn làm địa điểm hòa đàm giữa các phe lâm chiến trong Chiến Tranh Việt Nam II. Cùng năm này sinh viên và công nhân Pháp biểu tình rầm rộ ở Paris chống chánh phủ De Gaulle. Năm 1969 tổng thống De Gaulle tổ chức trưng cầu dân ý. Thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, ông từ chức. Năm 1970 ông mất trong làng Colombey-les-Deux-Églises, hạt Haute Marne. Đám tang của ông rất đơn giản với vài chục dân làng đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trên mộ bia của ông chỉ có dòng chữ: Charles de Gaulle 1890 - 1970. Khi hay tin tướng De Gaulle mất, tổng thống Georges Pompidou than rằng: “Tướng De Gaulle đã mất. Nước Pháp trở nên góa bụa.”

Mộ của Charles de Gaulle tại Colombey-les-Deux-Église. Hình: wikipedia

***

Philippe Pétain đã đạt cấp bậc quân sự cao nhất khi đệ nhất thế chiến chấm dứt. Ông mang danh hiệu ‘anh hùng’ trong trận Verdun, vẫn biết rằng trận Verdun chỉ là sự cầm cự anh dũng chớ không phải là một chiến thắng quân sự.

Đệ nhị thế chiến bùng nổ. Một phần lãnh thổ phía bắc nước Pháp bị Đức xâm chiếm. Lần này Pétain không đánh Đức mà thỏa hiệp với Đức và trở thành quốc trưởng toàn quyền và được xem là vị ‘cứu tinh’ của Pháp. Ký kết và thỏa hiệp với quốc gia xâm lăng, hủy bỏ quốc hiệu République Française, quốc ca La Marseillaise và khẩu hiệu Liberté, Égalité, Fraternité của thời cách mạng 1789 lại được xem là ‘cứu tinh’ của nước Pháp sao? Vị cứu tinh già suýt bị đội hành quyết xử bắn trở thành người tù chung thân trong ngục thất Île d’Yeu ngoài khơi Đại Tây Dương.

Charles De Gaulle vươn lên từ một thiếu tướng giả định sau khi tốt nghiệp trường Võ Bị St. Cyr 28 năm! Vì sự nghiệp giải phóng nước Pháp, bản thân ông phải chịu lắm nỗi đắng cay, tủi nhục với người đồng chủng (Pétain, Laval và các tướng lãnh có thâm niên quân vụ cao hơn ông), quốc gia đồng minh (Anh, Hoa Kỳ) và quốc gia thù địch (Đức, Ý). De Gaulle là người phớt tỉnh, cao ngạo thanh cao. Ông không xem sự nghiệp cứu nước là một sự đầu tư danh vọng và sự nghiệp cá nhân với những danh vị thủ tướng, tổng thống, quốc trưởng, chủ tịch truyền tử lưu tôn mà là bổn phận và trách nhiệm chung của toàn dân. Ông là một thành viên trong cộng đồng dân tộc đó.

Không tượng đồng bia đá.
Không quan tâm đến những lời tung hô hay một bài ca suy tôn lãnh tụ.
Không kiêu sa, tự mãn, tự hào với hương danh ‘người giải phóng nước Pháp’ (libérateur de la France).
Không để tâm đến một đám tang linh đình của một danh nhân.
Không cần biết lịch sử có ghi tên mình hay không.

Hữu xạ tự nhiên hương.
Cái gì THẬT là thật.
Cái gì GIẢ là Giả.
Không thể biến THẬT thành GIẢ hay biến GIẢ thành THẬT được.

Tên tuổi của Charles de Gaulle không bao giờ phai trong tâm não người Pháp vì những việc làm của ông là thật và kết quả của chúng là thật và hữu ích cho các thế hệ mai hậu.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.      

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/tudinhcaorotxuong.htm


Cái Đình - 2020