Lê Ngọc Vân
Tôi tưởng là tôi đã biết làm sao để thành đạt với tư cách là một người châu Á trong chính trị Hoa Kỳ. Bạn ơi, tôi đã lầm rồi
.
Nhiều AAPI (người Mỹ gốc Á châu và cư dân các hải đảo Thái Bình Dương) đã được dạy rằng nếu chúng ta cúi đầu và im lặng, một ngày nào đó chúng ta sẽ hòa vào nước Mỹ. Nhưng tôi chỉ mới khởi sự hòa nhập vào nơi đây khi tôi bắt đầu lên tiếng.
“Cút về xứ mày đi. Mày không phải là người ở đây,” bà ta la lên. Tôi choáng váng. Hôm đó là ngày 6 tháng 3 năm 2020, và một người lạ, không biết từ đâu hiện ra, vừa mới nhổ nước bọt vào tôi tại Sân bay Quốc tế Reno-Tahoe. Tin tức cho biết là có một loại vi-rút, nó đến từ Trung Quốc, nhưng phải còn vài ngày nữa đất nước này mới thực sự bắt đầu chịu áp lực của Covid-19. Còn về phần cá nhân, lúc ấy tôi chỉ đang cố gắng làm sao lấy được vé bay đến San Francisco.
Tôi nhìn ra xung quanh, nước bọt chảy dài trên má, và tôi thấy cả tá nhân chứng đang quay sang hướng khác. Đối với họ, điều đó chưa từng xảy ra bao giờ. Theo bản năng, tôi nhún vai: "Có vẻ như tôi nên mang theo chiếc ô che đó!" Đây không phải là lần đầu tiên chuyện như thế này xảy ra với tôi. Tôi gượng cười và lủi nhanh đi. Xét cho cùng, tôi là người Mỹ gốc Việt.
Có lẽ tôi đã học được cách tiếp cận này – là giảm bớt căng thẳng; hòa nhập trở lại – từ cha mẹ tôi, những người đã trốn khỏi Việt Nam trên một chiếc ghe dài 12 mét và đã cho ghe bơi vòng quanh các trại tị nạn trước khi đến Hoa Kỳ vào năm 1981 với không có gì khác ngoài hy vọng. Họ, giống như nhiều người Mỹ gốc Á khác thuộc các thế hệ nhập cư gần đây, tin rằng cách tốt nhất để thành công ở Mỹ là tránh sự chú ý và tránh gây rắc rối cho người khác. Nếu mình cứ cúi đầu, suy nghĩ chín chắn, và tập trung vào việc cho con cái mình có được một nền giáo dục chính quy và có một nghề nghiệp ổn định, mọi thứ sẽ đâu vào đó. Cuối cùng thì mình sẽ thành công, được trọng vọng, nhiều người biết đến. Mình sẽ không còn là người nước ngoài nữa.
Còn một phần ẩn ý nữa của lời hứa: Đưa má bên kia chỉ là chuyện nhất thời, một hình thức ra giá thấp cho chúng ta trong xã hội. Khi chúng ta đã thành đạt, nếu chúng ta theo đúng đường, không làm con thuyền chòng chành quá nhiều, chúng ta sẽ có quyền lực.
Một cuộc biểu tình chống lại sự thù ghét người châu Á tại Los Angeles vào Chủ Nhật,
ngày 28 tháng 3 năm 2021. | Ảnh AP / Richard Vogel
Năm vừa qua đã làm cho mọi chuyện rõ ràng một cách đau đớn, nếu trước đây không có chuyện như vậy, thì điều đó hàm chứa sự dối trá.
Đại dịch đã cho thấy người Mỹ gốc Á và người dân các đảo trên Thái Bình Dương (nhóm AAPI) thực sự có ít quyền lực như thế nào trong xã hội Mỹ. Với sự nhanh nhạy đến kinh ngạc, những người có bộ dạng là người châu Á, đối với hàng xóm của họ, đã từ một “thiểu số kiểu mẫu” giờ trở thành một mối đe dọa có thể lây lan theo cách nào đó, kiểu người mà bạn sẽ bị phỉ nhổ ở sân bay. Các y tá người Mỹ gốc Philippines đang chết vì Covid-19 với một tỷ lệ đáng ghê tởm; còn trong cơn đại dịch, người Mỹ gốc Á đã thấy tỷ lệ thất nghiệp dài hạn tăng gấp đôi, nhiều hơn bất kỳ nhóm nào khác. Vụ xả súng ở Atlanta vào tháng trước, nhắm vào ba doanh nghiệp nhỏ do người châu Á làm chủ và giết chết tám người, trong đó có sáu phụ nữ gốc Á, là một điểm sôi sục bi thảm, một vụ cho thấy sự căm ghét nhóm AAPI và thù ghét phụ nữ đã bung ra để trở nên công khai và trơ trẽn. Đặc biệt, phụ nữ châu Á cảm thấy gánh nặng của cái xu hướng đáng lo ngại này; họ là nạn nhân của ít nhất 2/3 các cuộc tấn công đã được báo cáo.
AAPI từng là mục tiêu của sự gia tăng mang tính lịch sử về tội phạm do thù hận trong năm qua, nhưng phải chờ đến một thảm kịch kinh hoàng ở Atlanta để đất nước này thừa nhận rằng chúng tôi bị gạt ra ngoài lề, là mục tiêu cho người ta nhắm tới một cách có chủ ý, và gây lo sợ cho gia đình và cuộc sống của chúng tôi. Và một video lan truyền khắp nơi quay cảnh một người phụ nữ châu Á 75 tuổi đánh kẻ đã tấn công mình và đã quyên góp gần 1 triệu đô la với mục đích giúp bà hồi phục để chống lại nạn phân biệt chủng tộc, làm cho quốc gia này phải nhận ra rằng những người thuộc nhóm AAPI đã ngã bệnh và mệt mỏi vì phải im tiếng và đau khổ trong im lặng .
Làm thế nào để chúng ta thay đổi một xã hội coi chúng ta như là kẻ vô hình? Việc này đòi hỏi những ai đang nắm quyền phải cung cấp cơ hội và ban hành các chính sách bao trùm khắp nơi, công nhận rằng AAPI không được hưởng đặc quyền trên toàn cầu và họ không chỉ đơn giản là người sống cận kề người da trắng. Đúng thế, nó đòi hỏi các cộng đồng da màu khác phải hỗ trợ AAPI và cùng liên minh với nhau. Nó đòi hỏi sự đầu tư tài chính sâu rộng vào các tổ chức chính trị và dân sự của AAPI, các mạng lưới nghề nghiệp và sự cố vấn.
Trong gần hai thập kỷ, tôi đã làm việc trong chính phủ cũng như trong khu vực tư nhân, và điều tôi nhận ra là chúng ta sẽ cần phải làm điều gì đó khác tiếp theo nữa – việc đó có thể không thoải mái, nhưng giờ thì nó đã quá trễ rồi. Các AAPI sẽ cần phải ngưng làm những gì gia đình chúng ta đã dạy chúng ta về việc hòa hợp. Chúng ta phải ngưng giả vờ rằng các quy tắc là công bằng và tất cả chúng ta đều được đối xử bình đẳng như mọi người, ngưng hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ không còn bị coi như đó là điều đương nhiên và chúng ta sẽ được ghi nhận cho công việc của mình. Hãy thôi vui sướng với chút ít chúng ta được hưởng sau khi làm việc chăm chỉ. Ngưng xin lỗi vì chúng ta là như thế và bắt đầu đặt cược vào chính mình.
Các tình nguyện viên của Cơ quan Tuần tra An toàn Khu Phố Tàu ở San Francisco đang giúp giữ an toàn
cho cư dân trước các tội ác bạo lực chống lại các thành viên của cộng đồng AAPI. | Justin Sullivan / Getty Images
Các cộng đồng da màu khác, các nhóm bị gạt ra ngoài lịch sử khác đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa và tiến bộ lâu dài sau khi thách thức hiện trạng một cách mạnh mẽ. Người Mỹ gốc Á cũng phải làm như vậy.
Georgia, tiểu bang nơi gia đình tôi có trại gà và coi đó như nhà mình, là nơi phát sinh sự tỉnh thức của giới AAPI – một cuộc đánh thức bắt đầu ngay cả trước khi xảy ra vụ xả súng ở Atlanta và nó đã giúp Joe Biden giành chiến thắng trong tiểu bang. Nhưng ngay cả khi được như vậy, việc gom quyền lực chính trị thực sự đã được minh chứng là khó khăn. Các đảng phái chính trị vẫn không cho rằng cộng đồng AAPI có nguồn nhân tài dồi dào trong chính trị hoặc có nhiều ảnh hưởng giống như các nhóm khác. Đó là mặc dù trong cuộc bầu cử vừa qua đã có kỷ lục về số cử tri AAPI đi bầu, về số các ứng cử viên AAPI chính thức và dự khuyết được bầu, về hoạt động gây quỹ và sự tham gia. Ở các cấp chính quyền cao nhất, chúng ta vẫn còn chưa được lộ mặt rõ ràng – chẳng có một ai đứng đầu một ban ngành hành pháp nào cả.
Tích lũy quyền lực mang đến rủi ro. Nó dính líu đến loại xung đột công khai mà nhiều người trong chúng ta đã được dạy là phải tránh. Nhưng đó cũng là cách thực sự duy nhất để thay đổi cấu trúc chính trị và quan liêu vốn không đối xử với chúng ta một cách nghiêm túc.
Trong đời tôi, đây là một nhận thức lâu dài và đau đớn, học được sau nhiều năm cố gắng leo lên các nấc thang của chính trường Hoa Kỳ và chính trị toàn cầu. Chẳng có gì gọi là quan trọng khi tôi đạt được một nấc nào đó; hay tranh được một chỗ thực tập quý giá, được một học bổng hoặc đảm nhiệm một chức vụ có uy tín; hoặc những hy sinh cá nhân và gia đình mà tôi đã phải chịu vì công việc của nhóm, của tổ chức và của sứ mệnh. Tôi thấy mình bế tắc, không thể vào được vai trò lãnh đạo mà những người khác đã được đề bạt vào. Tôi đã không đứng trên một cái thang. Tôi đang chạy trên máy chạy bộ, làm việc chăm chỉ nhưng chẳng đi đến đâu cả. Giống như cộng đồng AAPI rộng lớn hơn, tôi đang ẩn mình trong các cấu trúc không phục vụ cho tôi – nó không nhìn tôi một cách nghiêm túc. Thách thức đối với tôi – và đối với cộng đồng chính trị rộng lớn hơn mà tôi là một thành viên trong đó – là tìm ra khi nào và bằng cách nào, để nói “đủ” và thay vào sự chịu đựng là chống lại những cấu trúc đó.
***
Kỷ niệm đầu tiên của tôi về chính trị là xem cuộc tranh luận bầu cử tổng thống năm 1992 giữa Tổng thống George H.W. Bush, Bill Clinton và Ross Perot với mẹ tôi. Tôi đã bị mê hoặc. Vì vậy, tôi thường nghe nói về tổng thống da đen, người Latinh hoặc phụ nữ đầu tiên trong tương lai. Nhưng chưa một lần tôi nghe những lời bàn tán xôn xao về một tổng thống người châu Á. Tôi hỏi mẹ rằng liệu một ngày nào đó tôi có thể tranh cử tổng thống được hay không. Bà dừng lại và nói nhỏ với tôi: “Làm chính trị rất nguy hiểm. Và họ không nghĩ mình là người Mỹ đâu. Cứ chú tâm vào chuyện học hành đi”.
Tôi cho rằng bà đang phóng đại về mối nguy hiểm, nhưng tôi sớm biết rằng bà đã đúng về phần cuối. Tháng sau đó, tôi nghĩ đến việc tranh cử chức lớp trưởng lớp năm ở trường tiểu học ngoại ô của tôi. Khi tôi nói với một trong những người bạn cùng lớp của mình, tên ấy giải thích ngắn gọn rằng “không ai bỏ phiếu cho người ăn thịt chó”. Sau đó, tôi thấy có một bức tranh trên bàn, vẽ tôi đang nuốt chửng một người bạn bốn chân có lông. Bọn trẻ cười phá lên. Tôi đã khóc trong phòng tắm một mình cho đến khi ai đó hỏi tôi có phải vì điểm toán của tôi không.
Tôi chưa bao giờ ứng cử vào một chức vụ công cộng. Nhưng tôi vẫn muốn tham gia vào hoạt động công ích. Tôi nghĩ rằng đại diện cho đất nước của chúng tôi ở nước ngoài với tư cách là con trai của những người tị nạn làm chủ trại gà sẽ nắm bắt tốt nhất làm sao để nước Mỹ trở nên nổi bật – giấc mơ Mỹ. Năm 2004, tôi có kỳ thực tập lớn đầu tiên, tại Bộ Ngoại Giao, Văn phòng Công Chúng Vụ. Phần ăn trưa bỏ trong chiếc túi nâu dành cho sinh viên thực tập hàng tuần là điểm nổi bật của trải nghiệm, nơi chúng tôi được gặp gỡ các quan chức cấp cao và những chính trị gia được bổ nhiệm. Diễn giả của chúng tôi sẽ đi vòng quanh và hỏi chúng tôi về những gì chúng tôi đã làm. Tôi thường là người thiểu số duy nhất ở đó, và khi họ đến gặp tôi, họ không ngần ngại hỏi tôi đã làm việc ở khu vực nào của Châu Á. Tôi nhận được qua đó một thông điệp rõ ràng: phạm vi rộng lớn hơn của chính sách đối ngoại và quy chế pháp lý không dành cho những người như tôi.
Báo cáo gần đây về sự thiếu đa dạng của Bộ Ngoại Giao cho thấy rằng kể từ đó đã không có tiến bộ nào đạt được. Trên thực tế, nó còn trở nên tồi tệ hơn. Ngày nay, chỉ có 13% dịch vụ điều hành cấp cao đến từ các cộng đồng da màu. Đối với những người đã lọt vào vòng trong, sự kiêu căng có thể bị cắt đứt bằng cả hai cách: Dân biểu Andy Kim (Dân Chủ, tiểu bang New Jersey) mới đây cho biết là khi ở trong Bộ, ông đã bị cấm làm những việc có liên quan đến Bán đảo Triều Tiên. Bạn có thể tưởng tượng là nếu Bộ Ngoại Giao cấm tỷ lệ lớn nhân viên là người gốc châu Âu làm việc trong các vấn đề châu Âu thì nó sẽ ra sao? Hoặc giả định rằng bất kỳ nhân viên da trắng nào phải chuyên lo những chuyện về châu Âu?
Cá nhân tôi rút ra được một kết luận mà tôi biết nhiều đồng nghiệp cũng đạt được: Nếu tôi muốn thành công trong hoạt động công ích ở Hoa Kỳ, tôi không những chỉ cần xa lánh nền tảng người Mỹ gốc Việt của mình, mà còn phải tích cực chạy trốn khỏi nó.
Sau đó, sự nghiệp suôn sẻ của tôi đã đưa tôi đến Đồi Capitol, là Liên Hiệp Quốc, làm công tác viện trợ quốc tế ở Afghanistan và một số tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu. Trong những công việc này, tôi nhận thấy ba xu hướng. Đầu tiên là mọi ông chủ của tôi đều là người da trắng. Thứ hai, nhiều đồng nghiệp thiểu số đã rời bỏ vì họ không nghĩ rằng sẽ có cơ hội thăng tiến trong tương lai của mình. Thứ ba, không có cơ hội được ai đó cố vấn cho tôi. Là người Mỹ gốc Á trong dòng công việc này, tôi cô đơn vô cùng.
Quốc hội là nơi đặc biệt thách thức. Mặc dù năm 2021 đã có sự đa dạng mang tính lịch sử giữa các cấp bậc được bầu chọn, nhưng đội ngũ nhân sự cấp cao vẫn kém đa dạng. Nhân viên người Mỹ gốc Á cho biết họ gặp khó khăn trong việc đảm bảo thăng chức vì họ “trông có vẻ hiền lành”.
Năm 2014, tôi được chuyển đến Sacramento để làm công việc đối ngoại và nội các cho Thống đốc tiểu bang California là Jerry Brown. Giám sát toàn bộ các vấn đề về chính sách và các phòng ban là một thách thức và là công việc đầy ngập ở một tiểu bang có 40 triệu cư dân với nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới. Nhưng tôi cũng đã tham gia rất nhiều cuộc họp với các tổ chức và với những hiệp hội không cảm thấy hài lòng với chính quyền, những người vận động hành lang, cùng các quan chức và nhân viên dân cử đã bị bỏ quên. Tôi đã sớm nhận ra rằng nhiều bên đã cố gắng lợi dụng tôi. Có lẽ là do tôi chưa quen với chính trị nhà nước. Hoặc, có thể họ nghĩ rằng một người châu Á sẽ có nhiều khả năng chia rẽ hơn. Nhiều lần, những lời hứa mà chúng tôi đã đồng ý đã bị phá vỡ. Các cuộc họp thường mang tính thù địch, và đôi khi đe dọa.
Điều đó nghe có vẻ giống như chính trị mang tính quyết liệt, nhưng nó còn hơn thế nữa. Tôi biết vì cuối cùng tôi đã gây được một hệ thống bạn cùng chí hướng. Tôi bắt đầu tham gia các cuộc họp với một đồng nghiệp không phải là người châu Á ngồi chung với tôi, và nó đã mang lại kết quả. Các cuộc họp trở nên ít đối đầu hơn và các thỏa thuận được tôn trọng. Những người tôi gặp thường ngạc nhiên rằng tôi có đẳng cấp ngang hàng với các đồng nghiệp của họ, hoặc tôi là người dẫn đầu trong một vài vấn đề nào đó. Có lần tôi nói với một vị dân cử đã nghỉ hưu về các quy tắc giao ước của mình, bà ấy gật đầu ra vẻ quen thuộc với điều đó và cười toét miệng trong sự đồng ý: Tôi đang làm chính xác những gì những phụ nữ như bà đã làm vào những năm 1980, khi họ chọn cánh đàn ông đi cùng họ đến các cuộc họp để tiếp trợ.
Ngoại trưởng Antony Blinken chào mừng Hạ nghị sĩ Andy Kim, (Dân Chủ - N.J.),
sau phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện tại Capitol Hill vào Thứ Tư,
ngày 10 tháng 3 năm 2021, tại Washington. | Ting Shen / Pool/AP
***
Rồi còn một vấn đề khác: Quyền lực cấp cơ sở. California, với gần 6 triệu AAPI, chiếm 15 phần trăm dân số (và đang tăng lên), là tiểu bang có số AAPI lớn nhất, chiếm gần một phần ba tổng số AAPI ở Hoa Kỳ. Tiểu bang tự hào có hai trưởng văn phòng lập pháp AAPI trên toàn tiểu bang (rất có thể sẽ có được ba trong thời gian tới) và 14 nhà lập pháp tiểu bang. Tuy nhiên, cảm giác tràn ngập trong tôi là những người nắm quyền không coi trọng các thành phần AAPI.
Điều này một phần là do các AAPI với tư cách là một nhóm, được coi là non hơn về chính trị và ngây thơ hơn về cách chơi trò chơi. Cộng đồng AAPI có xu hướng ít lên tiếng hơn và dễ hòa đồng hơn nên chỉ thỉnh thoảng mới được đưa vào cuộc. Kết quả là luôn có một nhóm khác xếp hàng trước. Tôi thậm chí đã từ chối một số cuộc gặp với các nhà lãnh đạo hoặc tổ chức của AAPI phần lớn vì tôi không muốn trở thành “người châu Á tập trung vào các vấn đề châu Á”. Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu của sự yếu kém, hoặc là không thực sự phù hợp.
Nhìn lại, tôi thấy xấu hổ vì đã không cố gắng hơn một chút – để sử dụng bất kỳ tình trạng hoặc ảnh hưởng nào mà tôi đã đạt được để làm được nhiều hơn cho cộng đồng của mình. Bởi vì “phù hợp” không giúp được gì nhiều. Tại nơi làm việc, tôi bắt đầu đụng vào cùng một cái trần bằng tre (thuật ngữ chỉ cái rào cản không cho người gốc Á tiến lên địa vị cao – chú thích của người dịch) mà các bạn khác đã gặp. Những phản hồi mà tôi nhận được thường mâu thuẫn và bao gồm những bình luận rằng tôi quá trầm lặng, quá ồn ào, quá háo hức, quá xa cách, quá trung thực, quá kín tiếng. Tệ hơn nữa, tôi được cho là mình không thể hiện được kỹ năng lãnh đạo thực sự. Tôi đã tìm kiếm mọi nguồn lực có thể để tiến thân trong tư cách là một nhà lãnh đạo. Nhưng đã không có gì dẫn đến thành công sâu đậm hơn trong lĩnh vực của tôi hoặc cho tôi một xác nhận về sự thành thạo mà tôi đang tìm kiếm.
Một nhà hoạt động biểu tình tại cuộc mít tinh bảo vệ các cộng đồng AAPI
vào ngày 21 tháng 3 năm 2021 tại Washington, DC.
Cuộc biểu tình nhằm phản ứng lại vụ xả súng tại tiệm spa ở Atlanta,
Georgia khiến 8 người thiệt mạng. | Alex Wong / Getty Images
Cuối cùng, khi đang đảm nhiệm một công việc bên ngoài hành lang quyền lực thông thường, tôi đã gặp được một bước ngoặt. Tháng 8 năm ngoái, cha mẹ tôi gọi điện cho tôi, buồn bực vì một số người hàng xóm đã nói với hai người rằng họ không muốn kết giao với cha mẹ tôi nữa. Những người hàng xóm đổ lỗi cho cha mẹ tôi vì đã đưa Covid-19 đến đất nước của chúng tôi. Cho dù hai người đã xây dựng được một doanh nghiệp địa phương, tích cực tham gia vào cộng đồng của họ và tạo dựng mối quan hệ trong suốt 20 năm, họ vẫn bị coi là vật tế thần cho những bệnh tật của người khác.
Bài học cho tôi: Khi cố gắng tránh nổi bật, cố gắng hòa nhập, dân Á châu đã không chiếm lấy quyền lực, mà từ bỏ nó. Tôi phải làm những gì hoàn toàn xa lạ với tôi: lên tiếng, ngừng hối lỗi về việc tôi là ai, tôi từ đâu đến và tôi có những kinh nghiệm sống ra sao. Sau khi cha mẹ tôi nhận được cái tin khủng khiếp đó, tôi đã viết bài báo đầu tiên của mình trên tờ báo địa phương của chúng tôi ở Georgia, tờ Albany Herald, nêu bật những đóng góp mà người nhập cư đã thực hiện cho đất nước chúng ta trong trận chiến âm ỉ chống lại Covid-19 này. Đó là lời phản bác lại những kẻ hành hạ cha mẹ tôi. Sau khi bài báo được xuất bản, tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng bố mẹ tôi đã nhận được lời xin lỗi từ những người hàng xóm của họ.
Đó là một sự khởi đầu.
****
Tôi đã tìm ra được nguồn cảm hứng. Trong những tháng kế tiếp, tôi đã nói chuyện với giới truyền thông người Mỹ gốc Á về quyền đại diện. Tôi đã viết (hoặc cùng chung viết) 23 bài xã luận phản biện trong các báo và tạp chí ở cấp khu vực cũng như ở cấp quốc gia về chính sách có ảnh hưởng đến các cộng đồng dễ bị tổn thương. Tôi đã tổ chức các cuộc gây quỹ để tập hợp những người lần đầu tham gia chính trị. Gióng lên tiếng nói về di sản châu Á mà tôi đã làm là một điều không thoải mái, nhưng đó là cách duy nhất để tiến thêm.
Nhiều đồng nghiệp AAPI của tôi cũng quyết định tham gia vào kỳ bầu cử năm 2020, với một số trong bọn họ đó là lần đầu tiên – sự tham gia lịch sử, dưới nhãn quan của tôi, đã được thúc đẩy bởi một kết hợp của sự sụp đổ kinh tế của các doanh nghiệp nhỏ do AAPI sở hữu, sự gia tăng mạnh mẽ trong tội phạm do thù ghét nhắm vào nhóm AAPI và sự trưởng thành của các tổ chức dân sự AAPI. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu của AAPI tăng 91 phần trăm so với năm 2016. Và, nhờ vào dân số lớn và ngày càng tăng của chúng tôi ở các tiểu bang màu tím quan trọng như Arizona, Georgia, Nevada và Pennsylvania, chúng tôi đã giúp một tay để trao chức vụ tổng thống cho Joe Biden và Thượng viện Hoa Kỳ cho đảng Dân Chủ.
Đã có một số thừa nhận từ giới tinh hoa Washington rằng cử tri AAPI đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử, và cộng đồng này đã phải chịu đau khổ trong năm vừa qua. Chính quyền Biden đã lên án bạo lực chống lại cộng đồng AAPI, gồm cả một nghị quyết, ra lệnh treo cờ rũ và tổ chức cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo AAPI ở Georgia sau vụ xả súng ở Atlanta, và hỗ trợ một phiên điều trần của quốc hội bàn về sự phân biệt đối xử nhắm vào AAPI. Đáp lại lời chỉ trích gần đây là chính phủ chưa làm đủ, chính quyền Biden đã công bố các bước bổ sung để chống lại nạn phân biệt đối xử và bạo lực nhắm vào AAPI.
Nhưng trong khi những cử chỉ này là những tín hiệu quan trọng, thì liệu có những nanh vuốt chính trị đằng sau chúng hay không? Đây phải chăng sẽ là ưu tiên sau vòng tin tức kế tiếp? Điều mà cộng đồng AAPI cần là sức mạnh và tầm ảnh hưởng thực sự. Chúng ta cần những người ngồi chung bàn, những người được kính trọng, có thẩm quyền ban hành quyết định và có thể hành động mạnh mẽ thay mặt cho cộng đồng của chúng ta với quyền tiếp cận chính trị không bị cản trở.
Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth (Dân Chủ - Illinois) bày tỏ sự kính trọng khi chiếc quan tài phủ cờ
của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg được đặt tại Hoa Kỳ, Thứ Sáu,
ngày 25 tháng 9 năm 2020, ở Washington. | Olivier Douliery / Pool/AP
Thật là sốc khi vào năm 2021, lần đầu tiên sau gần 30 năm, Nội các không có thư ký thuộc nhóm AAPI. Chính quyền Biden đã hứa sẽ tái lập và mở rộng Sáng kiến Nhà Trắng về mặt AAPI nhưng vẫn chưa bổ nhiệm vị giám đốc. Và mặc dù người ta đã đồng ý bổ nhiệm một quan chức cao cấp AAPI cho Nhà Trắng, chiếu theo đòi hỏi từ các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tammy Duckworth (Dân Chủ - Illinois) và Mazie Hirono (Dân Chủ - Hawaii), không có gì đảm bảo rằng những lựa chọn này sẽ có được sự giúp đỡ và cửa ngõ dẫn vào, hoặc quan trọng nhất, được những người nằm ở vòng trong cùng của Nhà Trắng coi trọng. (Khi các thượng nghị sĩ lần đầu tiên đưa ra sự thiếu đại diện AAPI trong Nội các, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã trả lời rằng gốc gác Nam Á của phó tổng thống mang nghĩa là đã có đại diện của AAPI trong Nội các, điều này làm bà Duckworth không vui, bà nói với các phóng viên: “Đó không phải là điều bạn sẽ nói với đám Black Caucus (nhóm nghị sĩ gốc Phi châu – chú thích của người dịch) là: ‘Ồ, bạn đã có Kamala rồi mà, chúng tôi sẽ không đưa thêm người Mỹ gốc Phi châu nào vào Nội các vì bạn có Kamala’ – tại sao bạn lại nói điều đó với AAPI?”)
Ngoài Nhà Trắng ra, tôi muốn thấy các chính trị gia – bao gồm cả các thượng nghị sĩ mới nhất của chúng tôi, Jon Ossoff và Raphael Warnock (Dân Chủ - Georgia), và Alex Padilla (Dân Chủ - California) – chứng minh rằng họ là đồng minh của cộng đồng AAPI chứ không phải chỉ là những người ngoài cuộc chính trị.
Nhưng người Mỹ gốc Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương có nhiều quyền lực hơn là họ vẫn nghĩ, để có thể thay đổi cái cấu trúc chính trị mà nó đã cho họ ra ngoài vòng. Họ là đơn vị bầu cử phát triển nhanh nhất ở các tiểu bang ngang ngửa như Florida, Georgia, Nevada, North Carolina và Texas. Khi các cuộc bầu cử được quyết định bởi ít tiểu bang hơn và có tỉ số sít sao, AAPI có thể tạo bước thang trong các cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai và mang ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong Quốc hội. Đã đến lúc cộng đồng của tôi nắm lấy sức mạnh đó – và đòi hỏi nó.
Tuy nhiên, điều đó sẽ đòi hỏi các AAPI xông xáo thách thức chương trình văn hóa nào yêu cầu họ phải im lặng. Họ cần nắm lấy chính trị, lên tiếng về di sản của họ và cho người ta thấy rõ ràng những gì họ cần – ngay cả khi điều đó mang nghĩa là sẽ xảy ra xung đột. Thay vì cố gắng trộn vào, họ cần tìm kiếm những vai trò nổi tiếng, được đại chúng biết rộng rãi, qua cách tranh cử. (Cho dù Đại hội lần thứ 117 là kỳ họp đa dạng nhất về chủng tộc và sắc tộc trong lịch sử, nhưng chỉ có 17 thành viên AAPI trong Quốc hội, hơn 3% một chút và thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ AAPI của cử tri). Họ cần phải xuất hiện và cố vấn cho các nhà lãnh đạo trẻ trong tương lai và xây dựng các liên minh lâu bền với các cộng đồng da màu khác.
Các tình nguyện viên tham gia Tuần tra An toàn Khu Phố Tàu vào ngày 23 tháng 3 năm 2021
tại San Francisco, California. | Justin Sullivan / Getty Images
Không rõ bên nào sẽ được hưởng lợi nhiều hơn qua việc đánh thức nhóm AAPI một cách mới mẻ này. Bởi vì các cử tri AAPI rất đa dạng, dựa trên sự dàn trải trong thu nhập, tuổi tác, lịch sử và mối liên hệ với trải nghiệm của người Mỹ có trên 50 sắc tộc và hơn 100 ngôn ngữ, việc dùng một cây cọ để quét sơn cho chiếc lều AAPI không chỉ là lười biếng về mặt trí tuệ mà còn nguy hiểm cho các chính đảng. Một số người Mỹ gốc Hoa và người Mỹ gốc Nhật có mối dây liên hệ gia đình ở Hoa Kỳ có thể đi xa hơn so với hầu hết người Mỹ gốc Âu, trong khi các cộng đồng AAPI mới hơn đến Hoa Kỳ để tị nạn, và có ít cơ hội kinh tế hơn và kỳ vọng sống ngắn hơn các cộng đồng da màu khác. Chúng tôi rất đa dạng, không đảm bảo sẽ bỏ phiếu kín cho bất kỳ bên nào.
Tuy nhiên, chúng tôi luôn chú ý đến những bên sẽ nhắm mục tiêu là chúng tôi, lắng nghe và phục vụ chúng tôi. Chỉ có 30% cử tri người Mỹ gốc Á được khảo sát trên toàn quốc vào tháng 9 năm ngoái cho biết họ đã có ít nhất một số liên hệ từ Đảng Dân Chủ trong năm qua. Chỉ có 24% cho biết họ có liên hệ từ Đảng Cộng Hòa. Nếu các bên có thể tiếp cận AAPI qua các công cụ bằng ngôn ngữ và đề cập đến các vấn đề của họ, cử tri AAPI sẽ đáp ứng. Mặt khác, các AAPI cần tin rằng họ có thể có được quyền ăn nói trong các thỏa thuận.
Nếu hàng trăm tin nhắn tôi nhận được trong những tuần gần đây cho tôi biết mọi chuyện, thì có nghĩa là nhiều người bạn Mỹ gốc Á của tôi đã sẵn sàng cho một sự thay đổi. Ngay cả những AAPI thờ ơ nhất về mặt chính trị cũng đột nhiên sẵn sàng chiến đấu. Những người da trắng và các cộng đồng da màu khác cũng đang bắt đầu hỗ trợ AAPI trong cuộc đấu tranh để được coi là người Mỹ bình đẳng.
Tuy nhiên, để năng lượng này tồn tại được, các AAPI cần phải hình dung lại họ là ai, họ muốn gì và khả năng của họ – để đặt cược vào chính mình. Chỉ sau khi làm như vậy, tôi mới bắt đầu cảm thấy mình thuộc về mình.
.
Jeff Le
Nguyên tác: I Thought I Knew How to Succeed as an Asian in U.S. Politics. Boy, Was I Wrong. Trích từ: Politico, 03.04.2021
Người dịch: Lê Ngọc Vân
_________
Jeff Le sinh ra và lớn lên ở Nam California năm 1982, một năm sau khi cha mẹ anh đến Mỹ sau những năm dài lăn lóc ở các trại tị nạn. Hiện anh là một đối tác chính trị của Dự án An ninh Quốc gia Truman. Anh từng là Phó Giám đốc Đối ngoại và Quốc tế, cũng từng là Phó Thư ký Nội các cho cựu Thống đốc California Jerry Brown từ năm 2014-2019.
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/toituonglatoidabiet.htm