Phạm Ɖình Lân


Tìm hiểu tâm trạng Putin                             

 

Putin cần chiếm một ít đất đai và ngăn chặn NATO tiến về Ukraine, Belarus, Moldova nơi vùng Trans-Dniester
với
300.000 dân sẵn sàng hướng về Nga để tạo thành tích cho nhiệm kỳ ba tổng thống của ông hầu tái đắc cử nhiệm kỳ 4
(2018-2024)
để vĩnh cửu địa vị của một nhà độc tài trong định chế dân chủ

 

Ngày 01-03-2014 quân sĩ Nga không mang bảng tên hay đơn vị quân đội xuất hiện tại phi trường Simferopol, thủ đô của bán đảo Crimea, sau khi quốc hội Ukraine truất quyền tổng thống Yanukovych thân Nga. Yanukovych rời thủ đô Kiev chạy sang Nga và yêu cầu Nga đem quân vào Crimea. Bán đảo nầy thuộc Ukraine nhưng hưởng chế độ tự trị. Chánh quyền Crimea tách rời khỏi chánh quyền ở Kiev do Oleksandr Turchynov làm tổng thống lâm thời trong khi chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống dự trù tổ chức vào ngày 25-05-2014. Ngày 16-03-2014 Crimea tổ chức cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến sự sáp nhập Crimea vào Liên Bang Nga. 97% cử tri Crimea tán đồng sáp nhập bán đảo Crimea vào nước Nga! Ngày 18-03 bán đảo Crimea được nhập vào Liên Bang Nga mặc cho LHQ phủ nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-03.

Hành động chớp nhoáng của Putin làm cho Hoa Kỳ lẫn NATO lúng túng ngỡ ngàng, không biết phải giải quyết cuộc khủng hoảng như thế nào. Các nước Tây Phương thừa hiểu những biện pháp trừng phạt kinh tế hay loại bỏ Nga ra khỏi G8 không thể làm cho Nga rút quân hay bỏ bán đảo Crimea hay tiếp tục tiến xa hơn.

Để tìm hiểu những bước kế tiếp chúng ta thử tìm hiểu về nước Nga và tâm trạng của ông Vladimir Putin.

Nước Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới, trải dài trên 11 múi giờ từ Âu sang Á. Đó là một quốc gia khép kín với thế giới bên ngoài suốt chiều dài lịch sử.
Dưới chế độ Nga hoàng do dòng Romanov đại diện từ năm 1613 đến 1917 dân chúng Nga hoàn toàn không biết gì về những tiến bộ của các nước Tây Âu. Năm 1696 Nga hoàng Peter I cải trang làm một người lính sang Hòa Lan. Ông ở lại đó để học hỏi về tổ chức quân sự, hàng hải, kỹ thuật đóng tàu bè. Ông tuyển mộ nhiều chuyên viên kỹ thuật ở Tây Âu đem về Nga. Ông tây phương hóa nước Nga về giáo dục, khoa học kỹ thuật, thành lập cảng St Petersburg trên biển Baltic nhưng vẫn duy trì chánh sách cai trị độc đoán và đẫm máu. Truyền thống cai trị sắt máu của triều Romanov như rập theo gương của Nga hoàng Ivan IV vào thế kỷ XVI trước đó. Ivan IV được gọi là Ivan Khủng Khiếp vì ông thiết lập một hệ thống khủng bố đẫm máu để tiêu diệt các lãnh chúa đối lập. Hệ thống khủng bố nầy được gọi là Oprichnina. Các Nga hoàng dòng Romanov rất ghét cách mạng 1789 của Pháp. Sách báo các nước Tây Âu, nhất là Pháp, bị cấm chỉ ở Nga, kể cả thơ của Lamartine.

Chế độ Nga hoàng sụp đổ năm 1917. Nước Nga thời Sô Viết càng khép kín với thế giới bên ngoài. Tân chế độ càng sắt máu hơn cả chế độ Nga hoàng (Tzarism). Chế độ độc tài phong kiến Nga hoàng và độc tài Cộng Sản giam hãm toàn dân Nga trong một quốc gia to lớn phủ đầy băng giá.

Nước Nga nằm trên hai lục địa Âu Châu và Á Châu, nơi tiếp xúc với đế quốc La Mã ở phía tây, đế quốc Mông Cổ ở phía Đông và Nam, đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây nam và đế quốc Trung Hoa ở phía đông nam. Người Nga là người Slav, tiếp xúc với văn hóa Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo La Mã, Chính Thống Giáo Hy Lạp, văn hóa du mục Mông Cổ, văn hóa Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ và văn hóa Khổng-Lão Trung Hoa. Nơi phát xuất sự bành trướng lãnh thổ của người Slav là vùng Kiev nằm trên lãnh thổ Ukraine bây giờ. Trong quá trình bành trướng lãnh thổ theo hướng tây - đông và tây - nam người Slav phải đánh bại đế quốc Mông Cổ, đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ rồi đế quốc Trung Hoa.

Nếu nói theo Tam Quốc Chí (San Kuo Chi - San Guo Zhi) thì Tào Tháo là kẻ gian hùng độc ác, Châu Do là người hữu tài cao ngạo, hiểm độc. Nhưng cả hai đều bị bại vì kế Khổng Minh. Vậy Khổng Minh là người như thế nào? Hiền đức? Thánh thiện? Nhân cách trong sáng? Hay hơn hẳn hai vị kia về mưu mô, sự độc ác và lòng cao ngạo được che đậy khéo léo? Cùng suy nghĩ đó chúng ta thấy các đế quốc Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Hoa đều có những đặc tính như Tào Tháo và Châu Do nhưng đã thua đế quốc Nga thì đế quốc Nga như thế nào? Với tổ chức Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern) Lenin há không chinh phục thế giới mà không cần võ khí sao? Số vàng của phe Cộng Hòa Tây Ban Nha trong cuộc nội chiến 1936 và số vàng của những người Việt Nam và người Việt gốc Hoa đăng ký vượt biên bán chính thức năm 1978 há không được tìm thấy ở Moscow sao?

Người Slav là tổng hợp đức tính cứng rắn, độc đoán của người Đông Âu, lòng băng giá khép kín của một khối người thường xuyên sống dưới chế độ độc tài chuyên chính, óc chiến đấu của người du mục, tinh thần cực đoan của người miền núi, rừng và thảo nguyên khô hạn quanh Hắc Hải, biển Caspian, Azov, mưu tính thâm sâu của người Á Châu. Mặc dù người Nga là người da trắng, gốc Âu Châu nhưng tánh tình của họ có 55% bản sắc Á Châu mà chỉ có 45% bản sắc Âu Châu. Giống như người Hán, người Slav bành trướng lãnh thổ và gây chiến tranh với các nước láng giềng như Thụy Điển, Phần Lan, Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Hoa v.v... Các dân tộc sống trên lãnh thổ bị sáp nhập vào Nga phải nói tiếng Nga, mang tiếng Nga, dùng mẫu tự Cyrillic v.v... Đó là chính sách Nga hóa được thi hành dưới thời Nga hoàng cũng như dưới thời Cộng Sản.

Dưới thời Cộng Sản, Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa ra đời bao gồm nước Nga và các Cộng Hòa Sô Viết Armenia, Azerbeijan, Belarus, Estonia, Lithuania, Latvia, Moldavia, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine, Uzbekistan. Đó là những xứ theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Chính Thống Giáo và Hồi Giáo.

Ngoại Mông (Outer Mongolia) là một Cộng Hòa Nhân Dân chịu ảnh hưởng sâu đậm của Liên Sô. Xứ nầy dùng mẫu tự Cyrillic như Nga. Nhiều người ở Ngoại Mông nói tiếng Nga trôi chảy. Sau đệ nhị thế chiến các quốc gia Đông Âu trở thành những quốc gia Cộng Sản chư hầu của Liên Sô. Tượng của Stalin được dựng lên ở các thành phố lớn ở những quốc gia nầy (Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Bulgaria, Romania, Albania, Nam Tư - Yugoslavia - theo chế độ Cộng Sản nhưng không đặt dưới sự chỉ đạo của Liên Sô). Đến năm 1991 dân số Liên Sô (15 Cộng Hòa Sô Viết) lên đến 293 triệu người so với 143,5 triệu của Liên Bang Nga ngày nay.

Đến 1991 Liên Sô sụp đổ. Các Cộng Hòa Sô Viết tuyên bố độc lập. Diện Tích Liên Bang Nga bây giờ chỉ còn 17,1 triệu km2 nghĩa là mất đi 5,3 triệu km2 đất đai và trên 55% dân số so với thời Sô Viết. Người Nga như bị mặc cảm thất trận. Liên Sô rút quân ra khỏi Afghanistan trong tư thế bại trận (1988). Liên Sô sụp đổ. Các nước Cộng Sản Đông Âu độc lập. Tất cả đều hướng về Hoa Kỳ và Liên Âu. Đông Đức thống nhất với Tây Đức. Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Bugaria, Romania, Estonia, Lithuania, Latvia, Albania, Slovakia (tách rời khỏi Tiệp Khắc), Slovenia, Croatia (từ Liên Hiệp Nam Tư) nay trở thành thành viên của NATO vì quá lo sợ Nga. NATO tìm cách bành trướng ảnh hưởng sang Ukraine và Georgia sát nách với Nga.

Sự sụp đổ của Liên Sô là một niềm vui của đa số người Nga lẫn các dân tộc láng giềng của Nga. Dần dà người Nga thấy danh dự của họ bị thương tổn rất nhiều. Mới ngày nào Liên Sô lãnh đạo khối Cộng Sản và các đảng Cộng Sản trên thế giới, dạy cho các nước Cộng Sản định chế chính trị Cộng Sản, kinh tế chỉ huy và mọi hệ thống tổ chức Cộng Sản khác như chánh quyền nhân dân (Soviet), tập thể hóa nông nghiệp với nông trường quốc doanh (sovkhoz), nông trường tập thể (kolkhoz) v.v... Bây giờ Nga phải tập tễnh dân chủ hóa nước Nga và tìm hiểu về kinh tế thị trường hay kinh tế tư bản. Nga mất Ukraine như mất vựa lúa rộng 604.000 km2, quân cảng Sebastopol. Hắc Hải không còn là cái hồ riêng của nước Nga. Tân xã hội được đánh dấu bởi tệ đoan xã hội; thanh niên nghiện ngập và nhậu nhẹt bê tha. Tổng thống Yeltsin là người can đảm trong việc đấu tranh giải thể chế độ Cộng Sản bằng cách xé thẻ đảng, chống lại Gorbachov và mạnh dạn đứng trên xe tăng hô hào chống đảo chánh. Nhưng ông là người thích nhậu rượu và giải quyết các khó khăn bằng biện pháp thô bạo phi dân chủ. Yeltsin lép vế trước Hoa Kỳ. Để được tái đắc cử ông phải học kinh nghiệm vận động bầu cử của Hoa Kỳ. Uy tín nước Nga thương tổn nặng khi NATO giúp Kosovo bằng cách oanh tạc Serbia do Nga ủng hộ. Ông tỏ ra mị dân và bất lực trước những cuộc nổi dậy của người Hồi Giáo ở Chechnya. Ông cử Vladimir Putin làm thủ tướng rồi nhường quyền cho ông nầy năm 1999.

Vladimir Putin sinh năm 1952 ở Leningrad trong một gia đình khiếm tốn. Mẹ là công nhân, cha là một binh sĩ Hải Quân sau chuyển sang ngành NKVD tức ngành mật vụ trong chế độ Cộng Sản. Dưới chế độ Cộng Sản, được tuyển làm công an, mật vụ là một danh dự lớn lao, chứng tỏ người được tuyển là người có lý lịch thuần túy công nhân vô sản được chế độ tín nhiệm 100%. Ông nội của Putin là Spiridon Ivanovich Putin là người đầu bếp cho Lenin rồi cho vợ Lenin và nhà độc tài Stalin. Putin thừa hưởng lý lịch Cộng Sản trong sáng của cha và ông nội để được học đại học Leningrad về ngành Quốc Tế Công Pháp với luận án Nguyên Tắc Giao Thương Tối Huệ Quốc Trong Luật Pháp Quốc Tế. Ông gia nhập KGB năm 1975. Trong thập niên 1980 ông phục vụ ở Dresden, Đông Đức. Do đó ông nói tiếng Đức trôi chảy và biết nhiều về tâm lý người Đức. Đến năm 1991 ông mang cấp bậc trung tá KGB. Sau khi Liên Sô sụp đổ ông làm việc cho thành phố Leningrad. Đây là lúc ông thi thố những điều đã học tại đại học Leningrad về bang giao quốc tế. Leningrad được cải danh thành St Petersburg. Thị trưởng St Petersburg là giáo sư Anatoly Sochbak cử ông làm giám đốc Ủy Ban Ngoại Vụ liên lạc và kêu gọi các nước ngoài đầu tư. Năm 1996 ông phục vụ ở phủ tổng thống ở Moscow với tư cách phó Quản Lý trong coi Tài Sản Phủ Tổng Thống.

Putin làm thủ tướng năm 47 tuổi nhưng ông tỏ ra là một nhà chánh trị chững chạc, thành công và có hoài bão lớn hơn người tiền nhiệm của ông.

Yeltsin nhậu rượu quá nhiều nên lúc nào trông cũng mệt nhừ và có vẻ quên lãng mọi việc trong nước.

Putin sinh động hơn, cương quyết và khéo léo hơn. Putin học luật, biết nhu đạo, biết cỡi ngựa, cỡi mô-tô, biết cầm súng, biết cách làm cho người khác thán phục và sợ hãi với tư cách là người có năng khiếu hoạt động trong ngành tình báo, mật vụ KGB. Đôi khi ông thích cởi trần để phô trương sức mạnh cùa bắp thịt. Ông là người hiếu thắng và hiếu chiến có tính toán. Năm 2013 Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) thăm viếng Moscow với bà vợ đẹp và ăn mặc thời trang. Liền sau đó Putin nghĩ ngay đến việc ly dị bà vợ của ông để chung sống với một nữ lực sĩ đẹp và trẻ hơn ông 30 tuổi!

Tổng thống Yeltsin và tướng Alexander Lebed có vẻ khiếp sợ chiến tranh Chechnya do những người Hồi Giáo quá khích khởi động từ năm 1994 đến 1996. Tướng Lebed ký hiệp ước chấm dứt chiến tranh Chechnya 1996. Khi ứng cử tổng thống năm 1996 ông tỏ ra là người phản chiến (Afghanistan lẫn Chechnya), yêu hòa bình để chứng minh ông thích hợp với chế độ dân chủ. Ông chỉ được 14,8% phiếu bầu. Đến năm 1999 chiến tranh Chechnya tái phát. Nhiều quân sĩ Nga bị khủng bố giết chết. Năm 2000 Putin đắc cử tổng thống nhiệm kỳ đầu. Ông cương quyết đánh dẹp những người Hồi Giáo cực đoan tiến hành Thánh Chiến (Jihad) với Nga. Ông thành công trong việc chấm dứt chiến tranh Chechnya bằng võ lực năm 2004.

Trước Putin có Yuri Vladimirovich Andropov (1914-1984), giám đốc KGB, nắm chức chủ tịch nước và tổng bí thơ đảng năm 1982 sau khi Brezhnev chết đột ngột. Ông nầy nổi tiếng hiếu sát trong các cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu ở Hung Gia Lợi năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968, Afghanistan năm 1979, Warsaw năm 1981. Putin hơn hẳn Andrpov về thể lực, thời gian cầm quyền và chánh sách độc tài uyển chuyển. Andropov dùng những biện pháp đẫm máu dễ dàng hơn Putin vì lúc bấy giờ Liên Sô theo chế độ độc tài chuyên chính vô sản. Putin đang sống trong thời kỳ dân chủ hóa .Trong người ông vẫn còn dòng máu Cộng Sản, tính khí độc đoán, thích phô trương sức mạnh bắp thịt và sức mạnh quân sự, thích được đề cao, có tham vọng là người lịch sử của nước Nga và vĩ nhân thế giới trong các vấn đề quốc tế như Bắc Hàn, Iran, Syria, Ai Cập, Venezuela, Cuba v.v...

Putin không che giấu sự ngưỡng mộ của ông đối với nhà độc tài Stalin. Nhà độc tài nầy là người Georgia nhưng đã mang lại cho người Slav danh dự và nhiều đất đai trong thời gian ngắn nhất từ năm 1922 đến 1949. Trong thời gian nầy nước Nga trở thành cường quốc có kỹ nghệ nặng đúng hạng nhì trên thế giới từ một nước Nga phong kiến tương đối lạc hậu so với Tây Âu. Nước Nga có thêm trên 5 triệu km2 đất đai để thành lập Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết gọi tắt là Liên Sô. Sau đệ nhị thế chiến Liên Sô có thêm 7 quốc gia chư hầu ở Đông Âu và các nước Cộng Sản đàn em trung kiên như Cuba, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rồi Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam v.v...

Đế Quốc Nga   Thời Gian  Diện Tích
Thời Nga Hoàng 1721-1916 (195 năm) 21.8 triệu km2
Thời Sô Viết  1922-1991 (69 năm ) 22.4 triệu km2

Chiến tranh Georgia năm 2008 và việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên Bang Nga cho thấy Putin biến thế bị động thành thế chủ động để thỏa mãn tự ái của dân tộc Nga và nêu cao uy tín cá nhân của mình bất chấp công pháp quốc tế. Ngay cả Gorbachov cũng hoan nghinh việc sáp nhập Crimea vào nước Nga. Putin kết hợp khéo léo đường lối độc tài mà ông đóng góp nhiều công sức để củng cố và duy trì thời Sô Viết trong khung chế độ dân chủ thời hậu Cộng Sản để nối gót Stalin. Ông làm thủ tướng năm 1999 - 2000, tổng thống đắc cử hai nhiệm kỳ từ năm 2000 đến năm 2008. Đến năm 2008 ông không được ra tranh cử đúng theo sự qui định của hiến pháp. Ông lui về làm thủ tướng (2008-2012) để đưa Dmitry Medvedev ra tranh tổng thống. Trong thời gian ông làm thủ tướng từ năm 2008-2012 hiến pháp Liên Bang Nga tu chính kéo dài nhiệm kỳ tổng thống lên 6 thay vì 4 năm. Năm 2012 ông Putin đắc cử tổng thống tạm xem như nhiệm kỳ thứ ba. Nhiệm kỳ nầy sẽ chấm dứt năm 2018.

Putin cố tạo thành tích to lớn bằng mọi giá để kích thích tự ái dân tộc của người Nga. Họ mua danh dự bằng mọi tổng thống độc tài, một xã hội đầy dẫy tệ đoan và một nền kinh tế ngưng động. Putin ngăn chặn sự tấn công của Hoa Kỳ vào Syria sau việc Syria dùng võ khí hóa học vào tháng 08 năm 2013 bằng cách đưa tàu chiến sang Syria và hứa gia tăng viện trợ hỏa tiễn cho Assad chống phi cơ. Khi Hoa Kỳ lúng túng và chùn bước, ông đề nghị Assad chấp nhận hủy bỏ võ khí hóa học mà Syria có và được Assad đồng ý để tránh bị Hoa Kỳ tấn công giữa lúc Assad phải đương đầu với phe nổi dậy kéo dài cuộc nội chiến từ năm 2011. Uy tín quốc tế Putin lên cao vì giúp cho đàn em hữu hiệu và giúp cho Hoa Kỳ không tấn công một quốc gia Hồi Giáo thứ ba trong khi Hoa Kỳ đã rút quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011 và sẽ rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Putin còn làm trung gian cho Liên Âu và Hoa Kỳ thương thuyết với Iran về các lò nguyên tử của nước nầy.

Putin không ngần ngại chi tiêu trên 50 tỷ Mỹ Kim vào Thế Vận Hội Mùa Ɖông ở Sochi. Thế Vận Hội được tiến hành tốt đẹp, khác với sự lo ngại bị khủng bố phá hoại của nhiều người. Các lực sĩ Nga chiếm nhiều huy chương nhất. Uy tín Putin lên cao mặc dù Thế Vận Hội không mang về cho Nga một ngưồn tài chánh tương xứng với số tiền đã bỏ ra để xây dựng thao trường, mở mang và sửa chữa đường sá v.v... Uy tín của ông càng lên cao khi sáp nhập Crimea vào Liên Bang Nga trong chớp mắt mà không tốn một viên đạn sau khi Quốc Hội Ukraine truất phế tổng thống thân Nga là Yanukovych ở Kiev.
Việc Nga đưa quân vào Crimea viện lẽ bảo vệ người Nga và người nói tiếng Nga rồi sáp nhập Crimea bằng một cuộc trưng cầu dân ý làm cho các nước vùng Baltic như Estonia, Lithuania, Latvia lo sợ vì các quốc gia nầy từng bị sáp nhập vào Liên Sô năm 1940 và ở ba quốc gia trên cũng có một số người Nga sinh sống. Nhưng họ còn chút an ủi và hy vọng được bảo vệ vì họ là thành viên NATO! Hoa Kỳ và Liên Âu bối rối chưa biết những bước sắp tới của Putin là gì. Hàng loạt dự đoán về những bước kế tiếp của Putin:

– Putin muốn tái lập Liên Sô?
– Phân chia Ukraine mà người Nga có thói quen xem như “tiểu Nga quốc”?
– Chỉ dằn mặt NATO đừng bám sát Nga qua ngã Ukraine, Georgia?
– Ngăn chận không cho Ukraine trở thành thành viên NATO?

Điều chắc chắn là Ukraine khó yên ổn với Nga. Lướt nhìn tổng quát, Ukraine có trên 17% người Nga sinh sống. Riêng ở các oblast (tỉnh) phía đông gần biên giới Nga như Donetz, Luhansk, Kharkiv và phía nam như bán đảo Crimea tỷ lệ người Nga xê dịch 50-70% . Đó là những nơi dồn phiếu cho Yanukovych trong cuộc bầu cử năm 2010. Nga tập trung quân dọc theo biên giới phía đông nhưng vẫn luôn luôn cho rằng họ không có ý định xăm lăng Ukraine. Tuy nhiên họ nhấn mạnh rằng họ có quyền can thiệp quân sự để bảo vệ người Nga và người nói tiếng Nga ở Ukraine. Nếu nói đến người nói tiếng Nga thì họ có quyền can thiệp bất cứ nơi nào trên xứ Ukraine vì dưới thời Sô Viết, Stalin cấm dạy tiếng Ukraine trong trường học nên người Ukraine nói tiếng Nga rất đông.

Sau gần 2 tuần lễ sáp nhập bán đảo Crimea vào nước Nga Putin điện thoại cho tổng thống Obama của Hoa Kỳ đề nghị thảo luận về vấn đề Ukraine mà không có đại diện chánh phủ ở Kiev. Ngoại trưởng Kerry vội vã gặp ngoại trưởng Nga Lavrov ở Paris ngày 30-03-2014. Cuộc hội đàm không có kết quả cụ thể nào vì Nga muốn liên bang hóa Ukraine nhằm tăng quyền cho địa phương để khi cần, các địa phương tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vào Liên Bang Nga như Crimea mà Nga không cần phải đưa quân xâm lăng như vào đầu tháng 03 vừa qua. Ngày 06-04 những người thân Nga bắt đầu bạo động ở Donetz, Kharkiv và Luhansk. Họ không đông đảo nhưng có tổ chức chặt chẽ. Nga có thể dựa vào những cuộc bạo động nầy để can thiệp quân sự vào các tỉnh đông bộ Ukraine khi những người biểu tình thân Nga bị chánh phủ Kiev đàn áp. Dư luận Hoa Kỳ, Liên Âu và thế giới như im lặng chấp nhận sự việc đã rồi. Chuyện Crimea chìm trong im lặng và quên lãng.

Putin cần chiếm một ít đất đai và ngăn chặn NATO tiến về Ukraine, Belarus, Moldova nơi vùng Trans-Dniester với 300.000 dân sẵn sàng hướng về Nga để tạo thành tích cho nhiệm kỳ ba tổng thống của ông hầu tái đắc cử nhiệm kỳ 4 (2018-2024) để vĩnh cửu địa vị của một nhà độc tài trong định chế dân chủ. Trong cương vị tổng thống ông không có khả năng làm cho nước Nga có nền kinh tế phú túc ngoại trừ việc xuất cảng dầu hỏa và khí đốt và bán võ khí, phi cơ, tàu chiến. Vì vậy ông phải nghĩ đến việc lập thành tích bằng cách phô trương sức mạnh quân sự với các nước láng giềng, cựu Cộng Hòa Sô Viết, và với NATO và Hoa Kỳ để thỏa mãn tự ái dân tộc Nga. Ukraine là nước láng giềng quan trọng và dễ bắt nạt đối với ông vì:

 

Trong tình hình nầy không biết cuộc bầu cử tổng thống Ukraine dự trù tổ chức vào ngày 25-05-2014 sẽ ra sao?
Nếu ông Putin có mộng bành trướng lãnh thổ như Stalin đã làm thì ông khó thực hiện được. Liên Âu (28 nước) và NATO là một khối vững chắc. Đa số các quốc gia nầy đều là những quốc gia kỹ nghệ với nền kinh tế ổn cố. Hoa Kỳ là đồng minh thân thiết của họ. Trong tư thế chân vạc của thế giới Tam Cường (Hoa Kỳ-Nga-Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc), nếu Putin đi quá đà, chiến tranh giữa Nga và các nước Tây Phương bùng nổ. CHNDTQ là đệ tam cường quốc hưởng lợi. Vào thập niên 1960 Mao Zedong (Mao Trạch Đông) trông chờ một cuộc xung đột võ trang giữa Liên Sô và Hoa Kỳ vì cuộc khủng hoảng Cuba để CHNDTQ vươn lên. Thời gian căng thẳng với Tây Phương càng kéo dài bao nhiêu thì căn bịnh kinh tế của Nga càng trầm trọng bấy nhiêu. Chắc chắn Nga sẽ làm hòa với Tây Phương nhưng mỗi bên phải nhượng bộ một bước như là sự cứu vãn danh dự cho nhau. Ukraine sẽ là nước chịu thiệt thòi ít nhiều. Putin sẽ theo bước chân của Stalin bằng cách đưa Hoa Kỳ sang Đông Á để được gần với CHNDTQ hơn.

 

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2014