Nguyễn Chi


Tiếng rao Miệt Vườn

 

Buổi trưa miệt vườn lặng trang dưới nắng con kiến vàng còn kiếm chỗ trốn dưới tán mận hồng đào, con nhện cũng phải buồn không thèm nhả tơ mà nằm ép bụng vào lung lá cây điều đỏ. Một thiếu nữ rỗi nghề ngủ trưa ngoài võng trước hiên nhà... Một cụ bà đắn đo chiều dài độ tuổi, bà nhặt nhạnh và hái từng cây củi khô dành cho buổi cơm chiều, có lẽ?

Ngõ vào thôn nào có xa xôi gì? Tiếng còi xe còn thở dài nghe được. Văng vẳng có tiếng rao giong kim:

–  Ai ăn bánh ít không?

Gió se qua tán mận chờ đợi, tiếng rao gần hơn:

–  ... Ai ăn bánh ít, bánh tét... nhưn đậu, nhưng mỡ, nhưng chuối, nhưn dừa... hôn? ...

Nó, đứa con gái nào đó vừa chớm tuổi dậy thì, có lẽ nhà nó cũng nghèo, chí ít cũng vào loại vừa đủ ăn, chứ giàu có thì ai bán bưng bán đội?! Vâng, nó không biết rằng ở xóm này có một bé gái như nó, buổi sáng đi học, buổi chiều cũng đi bán bánh ít, bánh tét cho bà ngoại, tôi hay ghẹo nó là "... Anh Hiệp". Bởi vì "Anh Hiệp" thỏn thẻn ở cái tuổi mười hai, mười ba chưa biết mắc cỡ, còn mặc quần đùi, cắt tóc ngắn, đi chân không... "Anh Hiệp" không cất tiếng rao mời như cô bé giọng kim, mà mang đi từng nhà. Một xề với mươi đòn bánh tét, chục bánh ít... "Anh Hiệp" cứ mang đến dì Ba, cô Mười, cậu Tư, cậu Bảy... là hết, tiền đếm được trong túi chắc cũng được mươi, mười lăm ngàn. Nhưng đâu phải hôm nào cũng bán đắt? Có bữa, trời chạng vạng rồi mà tôi còn thấy Hiệp bưng xề bánh về nhà, cái mặt nó buồn như bông nhãn chiều mưa!

Thảng dưới chân thời gian, kéo dài về những tháng mười năm nẳm, khi mùa nước nổi tràn bờ, có người ngẫu hứng làm thơ:

"Tháng mười nước nổi sân đằng trước

Em bước sang nhà lấm gót chân..."

Ở đâu đó trong kẹt lá, giọt sương còn chưa buông, đã nghe tiếng rao tràn qua buổi sáng:

–  Cá linh hôn... ?

Tiếng rao ngọt ngào mà lấp lánh màu vẩy cá linh già mùa bông so đũa, tiếng rao như nhắc nhở các bà nội trợ phải biết bấm hầu, nặn mật con cá rồi đem kho khế, kho mía, kho mẳn, nấu chua... cho chồng có buổi cơm trưa ngon miệng sau nửa ngày trời không kịp nghỉ tay bồi gốc mận, bón phân nhãn... Và buổi trưa cũng già, cơn mưa chiều cũng sắp theo triều kéo đến, lại một giọng rao tự nhiên như cuộc đời phải vậy:

–  Ve chai... lông vịt!... thau nhôm... mủ bể... bán hôn?

Thời nay thì người đi mua ve chai, lông vịt lại phải gánh gồng một ít đồ dùng như thau nhựa, chảo gang, xoong nhôm, dép mủ... và tiếng rao khác đi chút ít, rao rằng:

–  Ve chai... lông vịt... Đồ cũ đổi đồ mới không?

Cũng những ngày tháng đơn lẻ tiếng rao ấy, có lúc người ta còn nghe cả tiếng tiêu thiến heo, điệp vận với tiếng ve sầu rúc vào ngõ ngách của làng quê. Và thật may mắn cho ông thợ thiến heo nào đó, được thiến mở hàng bằng một con chó. Tôi có quen một anh thợ, anh cho tôi biết:" ... Bữa nào thiến xong con chó mở hàng, thì bữa đó thiến heo mỏi tay cũng còmn người gọi...". Bây giờ thì thoảng mới nghe tiếng tiêu buồn buồn ấy, vì công việc này cập nhật vào số tay các trạm thú y.

Năm nào cũng vậy, cái mùa nước rong tháng mười rồi cũng ròng ra biển, nắng ráo đường bờ. Người ta lại thấy một người đạp xe đạp, gác đôi thùng nhôm lên chiếc đòn được cột dính ở yên sau. Bằng chất giọng đàn ông đục màu phù sa, người ấy cất tiếng rao, làm con trao trảo giật mình bay trốn vào tán cây trứng cá. Rao rằng:

–  Cá vồ nuôi hôn...?

Ngấn ngấn ban trưa, từ máy phát thanh của nhà ai đó, giọng ca ngọt ngào, trẻ trung của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn đang xướng giọng câu một bài hát "Tình Anh Bán Chiếu" của nghệ sỹ Viễn Châu. Và người nghe cái tình bài hát cũng buồn nào kém tiếng rao trưa:

–  Chiếu hôn?...

Vậy rồi những quán "thịt cầy bảy món" mọc lên như nấm, tỷ lệ thuận với mật độ dân cư, thì người bán chiếu năm xưa, nay cũng đổi tiếng rao, mà theo tánh linh của con chó cho hay có chuyện ác cảm chẳng lành. Lũ chó rủ nhau tru tréo phía sau tiếng rao, làm cho không khí rộn vang khắp ngõ. Họ rao như vầy:

–  Chiếu đổi chó hôn...?... Chiếu hôn?...

Có nghĩa là vừa bán chiếu, vừa mang chiếu đổi chó, rồi mới đem chó bán cho quán thịt cầy. Thế là rựa mận, xào lăn, nướng vỉ, bó xổ, hon, lẩu... nóng hổi trên bàn thực khách đưa cay. Người ta nói: những ai đi đổi chó thì phải manh trong người một sợi râu cọp, một móng cọp hay một miếng da cọp... để khi chộp cổ chó, con chó mới run mà sợ đến té đái!... Xoong, nồi cũng được chở theo xe đạp đểi đi đổi chó. Họ rao:

–  Chó đổi xoong nồi hôn?...

Thường thì nhà ai cũng có những món đồ hư, đồ cũ, đồ bể... xuất phát từ phố chợ, nghề mua đồ cũ hình thành. Và tiếng rao du nhập vào các ngõ đường quê, tiếng rao dài như mười vòng xích líp xe đạp.

–  Đồng hồ hư, quạt máy hư, tủ lạnh, tivi, cát sét hư, bàn ủi điện, máy giặt hư, tăng phô hư, bình điện hư... bán hôn ?...

Không có cái gì bằng kim loại bị hư hỏng hoặc cũ mà họ không mua. Mua tất, có lẽ cái mẻ kho Thạch Sùng chắt lưỡi cũng có thể được mua hoặc lượm về để thổi vàng, nấu bạc... Đó là tiếng rao thượng vàng hạ cám ngày nay. Tiếng rao như xoi mói lên tàn cây vú sữa, như chọt chĩa vào những thế kỷ cổ sơ. Họ rao:

–  Đồng tiền xưa, bạc cắc xưa, đồng hồ đeo tay cũ, đồng hồ xưa, lục bình cũ, lư đồng, lư thau, kẽm gai, sắt vụn, phim phổi cũ... bán hôn ...?

Và cái nghề thu mua đồ cũ nghiễm nhiên ở một vị trí quan trọng trong tiếng rao để mua. Cạnh nhà tôi có anh Ba Khoa cũng làm cái nghề thu gom đồ cũ, đồ hư... ấy. Anh biết phân kim lấy bạc từ những tấm phim X quang, đến những phụ kiện trong loại máy truyền tin và vi tính IBM cũ... Anh nói: "Nhiều khi mua được những vỏ đồng hồ cũ như Tugaric, Willer... có lốc kê vàng 14... đem về mình lột ra cũng có lời...". Nhưng ngày đó là ngày trúng mánh và không ít hôm dầm mưa dãi nắng... đạp xe tháo mồ hôi hột, lột da chân mà cũng chẳng mua được một món đồ có giá trị ngầm, ngoài những thứ rác rưởi khác, ngày đó coi như lỗ nặng, lỗ đến thâm kim con mắt ếch.

Trở lại với tiếng rao để bán, còn phải kể đến những người bán chổi lông gà để quét nóc nhà (chổi sào), quét bàn, chổi làm bằng dây nilon, chổi chà làm bằng cọng dừa, tàu cau, lá ráng... và họ còn đèo theo trên xe đạp những cái lồng trúc... thoạt trong họ đèo, họ mang đã là vất vả rồi, đừng nói gì đến đoạn đường dài trong ngày phải đạp và rao:

–  Chổi hôn?

Anh Bảy Thôi, người ở tận Châu Đốc đến ở trọ trong xóm tôi, là người đã nhiều năm trong nghề, cho biết: "Có ngày anh đi từ đây (ấp 7 - Đạo Thạnh Mỹ Tho), sang đến tận Ba Tri, rồi vòng qua Chợ Lách (Bến Tre)... trở về. Cũng có khi anh ngược về Long An, vô tận Cần Giuộc, Cần Đước. Bình quân mỗi ngày anh đạp cả trăm km đường cả đi lẫn về. Ngày nào trúng thì bán được dăm ba chục cây chổi, kiếm lời khoảng bốn năm chục ngàn. Còn ngày đói bụng thì coi như đói bụng, mỏi chân... chán chường húp nước đá lạnh, hút thuốc gùi trong những quán nghèo thôn nội.

Tương tợ như họ, lại còn số người đi bán rao không có chữ "hôn". Họ rao:

–  Bơm gaz, sửa quẹt...

–  Bật lửa, bơm gaz...

Đi bán vé số cũng là một kế sinh nhai của những ai cam phần thôi nghề, thất nghiệp. Có người đi bộ, có người đạp xe. Và tiếng rao cũng rải dài theo những đoạn đường quê nắng mưa thắc thỏm đồng lời.

–  Vé số đây...

Không ai rao "vé số hôn". Và mỗi ngày rải niềm hy vọng cho 100 người họ cũng kiếm lời được 26.000 đồng, gọi là cũng đủ no cơm ngày đó.

Có một chút tuổi thơ của tôi còn sót rớt đâu đó trên những lá mận hồng đào kiến đụt, cái thuở mỏng mảnh gió sớm sương khuya... văng vẳng từ con lộ nhựa Nguyễn Tri Phương (đường Ấp Bắc, Mỹ Tho, Tiền Giang bây giờ) vọng đến tai tôi đang còn ngái ngủ, là những tiếng rao xa xa mà nghe âm ấm chân răng mình.

–  Bánh mì đây, bánh mì nóng giòn, bánh mì đây...

Và rồi đến tôi cũng lộp cộp cái thùng mốt và leng keng cái chuông bằng thau, lội bộ xuống hãng kem Hương Cảng, đếm cà rem thẻ về đi bán rao. Tôi ít rao mà lắc chuông thì nhiều, thỉnh thoảng cũng trổ giọng thổ ra mà rao:

–  Cà rem đây - cà rem đậu xanh đây...

Ấy là cái thời tôi lên bảy lên mười Chứ còn bây giờ, ngoài những ai đạp xe chở thùng cà rem phía sau và lắc cái chuông rõ bự phía trước tay cầm, thỉnh thảng họ còn cất tiếng rao mời:

–  Cà rem đậu xanh, nước cốt dừa, đường cát đây...

Còn lại thì họ đạp xe thùng xập xình tiếng nhạc hoặc rò rè điệp khúc của Wals, thay cho những tiếng rao khản giọng, khàn hơi. Có lẽ một vài người già bị phá giấc ngủ trưa mà đâm ra bực bội những tiếng nhạc rao mời đôi khi khiếm nhã ấy.

Và cũng đôi khi mắc cười với những giọng rao nhao nhào giữa trưa nghe không rõ tiếng:

–  Ai ngủ hôn?

Không phải đâu! Đó là tiếng rao của chị bán tàu hũ, nước đường lá dứa. Lại gần nghe kỹ mới biết là chị rao: "Ai ăn tàu hũ hôn". Lại có những câu rao, nghĩ ngẫm mà nghe mắc cười. Rằng:

–  Đúc lọt hôn?

Đó là "ai ăn bánh đúc, bánh lọt hôn?". Lại có một giọng đàn ông người miền Bắc thì rao rằng: "Chưn đạp gai tét giò đây" phải hiểu giùm tiếng rao ấy là: Bánh chưng, bánh đạp, bánh gai, bánh tét, bánh giò... Và trên đường vào Phú Mỹ, có lần tôi nghe tiếng rao lẫn trong bụi đỏ đường chiều:

–  Lò hôn?

Thoắt nghe bằng suy nghĩ khôi hài nói ngược thì không sao nhịn cười. Ấy vậy mà khi cuốc bộ đến gần thì tôi mới biết sự suy nghĩ để cười của mình là xúc xiểm người già, tôi tự trách mình vô lễ với cụ già luống tuổi có hàm râu thưa, đang nặng nhọc kéo chiếc xe lò đất nung sau lưng; giá như tôi có tiền sẵn trong túi, chắc rằng tôi phải mua giúp ông già một cái lò than ấy để chuộc lỗi và để ông vơi bớt nặng nhọc. Cũng giọng nói người già rao mời:

–  Dao à kéo...

Cụ già lưng còng tóc bạc ấy vẫn phải kề vai mà vác trên một cái chân bò gỗ, lỉnh kỉnh những đá mài, đá quay, ê tô, kềm, giũa và dao mài sắt... Hằng ngày cụ vẫn lội bộ như vậy, để đi mài sắt cho người đời từng con dao, cái kéo. Tôi cảm thấy vai mình đau đáu dáng ông đi.

Tôi lại lầm lũi đi về trong cái tiếng "hôn" thật xa, mà ngọt ngào như mận chín quê mình. Tiếng rao của chị bán chè như câu hò bên mé kia bờ sông Bảo Định:

–  Ai ăn chè đậu đen, nước cốt dừa, đường cát hôn?

Và tôi biết ở miệt vườn quê tôi, một vùng ven thị xã Mỹ Tho ngày xưa, nay đã mọc nhiều hơn những mái nhà mới được ra riêng, tiếng rao có lúc lẫn khuất trong ngày xưa tuổi nhỏ, mà cũng có khi rờn rợn cõi lòng giữa buổi trưa nay! Thế mà cũng có người đi bán hàng rong miệt vườn không cất lên tiếng rao. Đó là những anh, những chị đi bán bong bóng, bán đồ chơi trẻ em... Lỉnh kỉnh trên xe đạp thôi thì lỉnh kỉnh những món đồ nhựa cùng với mấy gói kẹo me, kẹo bọc đường... Rồi bong bóng bày, giắt suốt từ đằng trước ra sau, che lấp cả chu hàng.

Tất cả là để có manh áo, bát cơm, tất cả là để mưu cầu cuộc sống gia đình không nhiều thì ít, cũng được phần tươm tất. Họ chính là những người tự trọng và khiêm tốn trước cuộc đời. Tiếng rao và bước chân của họ đã làm xôn xao chốn miệt vườn, góp phần làm đẹp cuộc sống. Tôi quí trọng họ, quí trọng tiếng rao mời dù rằng không có tiền mua cũng chẳng có gì để bán cho họ. Tôi chỉ cất giữ trong tôi niềm vui ấy trong yên tĩnh miệt vườn! Như tôi đã từng cất giữ tiếng chim rúc ra, rúc rích trên chót đọt cây sọp già trong mùa sọp chín.

.

Nguyễn Chi
(Trích từ Tuyển tập Hương đồng quê)


Cái Đình - 2020