Đinh Yên Thảo
Tháng Năm, cổ tích Uất Kim Hương
Công chúa Juliana gởi tặng Canada 100,000 cây hoa Tulip, mà chẳng biết ai dịch sang tiếng Việt
với cái tên rất đẹp, Uất Kim Hương. (Hình: Đinh Yên Thảo)
Tháng Năm, mùa của những nụ Uất Kim Hương nở rộ khắp Canada. Đỏ, xanh, tím, vàng..., những nụ hoa đủ sắc màu vươn mình đón mừng cái nắng ấm trở lại. Đây là thời gian của lễ hội Uất Kim Hương – The Canadian Tulip Festival. Một lễ hội hoa tulip được xem là lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm tại thành phố Ottawa, thủ phủ Canada và liên quan đến câu chuyện của một nhân vật hoàng tộc tị nạn người Hà Lan.
Tháng Năm năm 2020 này cũng đánh dấu 75 năm Hà Lan được giải phóng khỏi Đức Quốc Xã trong Đệ Nhị Thế Chiến. Và lễ hội tulip tại Ottawa chỉ được tổ chức online vì dịch bệnh. Nhưng không vì thế mà câu chuyện rất đẹp về một nàng Công chúa xứ Hà Lan, người đã đem lại cho xứ sở lá phong này một lễ hội truyền thống rực rỡ trong trên dưới 70 năm qua sẽ bị lãng quên.
"Xưa lắm rồi, có một nàng công chúa ..."
Không phải chuyện cổ tích nào cũng mở đầu như vậy, dù câu chuyện này cũng có nàng công chúa bằng xương thịt của một thời đại tân thời. Đó là những năm đầu của Đệ nhị Thế chiến, khi bàn chân Đức Quốc Xã đã giẫm nát cả Châu Âu. Như nhiều gia đình chính khách hay Hoàng tộc Âu Châu khác, Công Chúa Juliana – Công chúa Hà Lan lúc bấy giờ, đơn độc cùng hai con nhỏ đã chọn thủ phủ Ottawa của Canada làm nơi tị nạn trong khi Hoàng tử Bernhard, chồng nàng, qua lại London cùng chính phủ lưu vong Hà Lan.
Là một Công chúa đã từng thoát khỏi những kiểu cách Hoàng tộc ngay cả trước khi lưu vong như chạy xe đạp nơi công cộng, gởi con vào trường công lập, trang phục như những người thường dân..., Công chúa Juliana hòa nhập vào cuộc sống Canada một cách thanh đạm và bình dân. Juliana tự đi chợ, sắp hàng xem phim và thậm chí giúp trông con cho một người hàng xóm tại một khu nhà ở Rockcliffe. Cá tính mạnh mẽ của bà được bày tỏ ngay trong phát biểu khi bà đặt chân đến Canada tị nạn rằng “Đừng bao giờ nói đến chữ tội nghiệp với tôi. Tội nghiệp chỉ dành cho những người yếu đuối, còn hoàn cảnh như thế này chỉ làm chúng tôi mạnh thêm mà thôi”. Quả là một nàng công chúa nhiều bản lãnh và đầy cá tính.
Nhưng dù vậy, chính phủ Canada cũng đã hết lòng ưu ái và cưu mang cho những người tị nạn như gia đình Công chúa Juliana. Năm 1943, hai năm trước khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, công chúa Juliana hạ sinh Margriet, người con gái thứ ba của bà ngay tại một bịnh viện của Ottawa. Đây là lần đầu tiên người của hoàng tộc Hà Lan “khai hoa nở nhụy” bên ngoài lãnh thổ Hà Lan. Nhưng để giữ cho Margriet những quyền thừa kế về ngôi vị trong hoàng gia Hà Lan về sau, chính phủ Canada đã thông qua một sắc lịnh tạm thời, công nhận phòng sinh của Công Chúa là lãnh thổ của Hà Lan và về mặt pháp lý, người con gái của Công chúa Juliana được coi như đã được sinh hạ tại Hà Lan.
Biết ơn về những cưu mang và giúp đỡ của chính phủ Canada, ngay khi hồi hương và trở lại cương vị Hoàng gia sau khi chiến tranh kết thúc, Công chúa Juliana gởi tặng Canada 100.000 cây hoa Tulip, mà chẳng biết ai dịch sang tiếng Việt với cái tên rất đẹp, Uất Kim Hương, loại hoa đầy đặc trưng cho xứ sở Hà Lan. Bà cũng tuyên bố rằng hàng năm sẽ gởi tặng Canada những cây hoa Tulip để bày tỏ sự biết ơn của mình. Hoa Tulip đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của tình thân hữu giữa Canada và Hà Lan. Nó thu hút mọi người bởi vẻ đẹp tự thân và cả câu chuyện đầy tình người của nàng Công chúa, nên năm 1953, lễ hội Uất Kim Hương tại Ottawa ra đời và tồn tại đến ngày nay. Những năm gần đây, ước tính khoảng hơn 2 triệu hoa Uất Kim Hương đã được chuẩn bị và cho nở rộ liên tục trong khoảng thời gian tháng Năm.
Thành phố Ottawa đẹp và thơ mộng. Con kinh đào Rideau uốn quanh thành phố và những kiến trúc độc đáo trải dài cùng những cảnh quan nhân tạo đã tạo cho Ottawa một nét quyến rũ tuyệt vời. Khu vực trung tâm với toà nhà Quốc hội cùng những công sở chính quyền có cấu trúc như những toà lâu đài uy nguy là một nét riêng thu hút một lượng du khách thường xuyên khá lớn, nên những dịp lễ hội như thế này lại càng thêm đông đúc.
Tháng Năm là thời gian của lễ hội Uất Kim Hương -
The Canadian Tulip Festival. (Hình: Đinh Yên Thảo)
Hai bên đường, khu công viên, dọc kinh đào... đều có tulip. Ghé thăm công viên Dows Lake, một trong những điểm hội tulip, người trảy hội đông đảo. Người lên, kẻ xuống chiêm ngưỡng những luống hoa đủ loại, đủ màu tulip. Có khá nhiều màu sắc và nhiều chủng loại hoa tulip đầy lạ lẫm được trồng và trưng bày nơi đây. Nhiều du khách đứng mải mê chụp hoa từng góc độ. Nếu họ có nghe câu chuyện về nàng công chúa Hà Lan, ắt những nụ Uất Kim Hương kia sẽ trở nên lộng lẫy hơn. Về đêm có cả pháo bông và nhiều nhạc hội ngoài trời vào những ngày lễ hội này.
Công chúa Juliana, người trở thành Hoàng Hậu Hà Lan qua đời năm 2004, ở tuổi 94. Bà sống lặng lẽ những ngày cuối đời nhưng hàng năm vẫn gởi tặng Uất Kim Hương cho Canada. Có lẽ cái đẹp của sự biết ơn từ một người tị nạn dành cho đất nước cưu mang mình, đã tạo nên một lễ hội quốc gia mang tầm mức thế giới này thêm nhiều ý nghĩa hơn. Một câu chuyện cổ tích thời đại rất đẹp. Và chắc rằng câu chuyện cổ tích này sẽ mãi là câu chuyện kể cho du khách của những ngày hội tháng Năm Ottawa, nếu một lần ghé qua.
.
Đinh Yên Thảo
(Trích từ voatiengviet.com)