Phạm Ɖình Lân
Thắng chậm
Vào đầu thập niên 1970 tôi có gặp một người Hoa Kỳ gốc ở New York City mang tên Winslow. Theo cách chiết tự tiếng Anh ngây ngô, tự nhiên tôi lưu ý đến ý nghĩa của tên người mà tôi gặp trong một thời gian ngắn ngủi: Thắng Chậm. Từ đó suy diễn rộng hơn về sự thắng chậm của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ trên bàn cờ chánh trị thế giới.
Một nhóm người bị ngược đãi ở Âu Châu vì lý do chánh trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo bị đưa sang Bắc Mỹ hay tự ý rời bỏ Âu Châu để sang Bấc Mỹ và bị đặt dưới sự cai quản của người Anh, đã vùng lên đánh bại quân Anh để giành độc lập và khai sanh ra một Liên Bang, một Cộng Hòa hợp chủng với một nền quân chủ vững chắc được đảm bảo bởi một bản hiến pháp thành văn bền bỉ, hữu hiệu được thực thi từ thế kỷ XVIII đến nay.
Câu:
Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh
cho thấy sự to lớn và sức mạnh vô biên của đế quốc Anh trong quá khứ. Thế mà từ thế kỷ XVIII đế quốc Anh bị một nhóm người nhỏ trên kiên cường bất khuất đánh bại. Nhóm người nầy chẳng những làm lịch sử cho họ, quê hương họ mà còn làm ra lịch sử cho nhân loại với tấm gương dân chủ, trọng pháp, trọng nhân quyền, phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật vượt bực nhằm giúp cho con người có một cuộc sống đáng sống. Một quốc gia trẻ sớm trưởng thành với những tổ chức chánh trị, kinh tế, xã hội... hoàn toàn khác hẳn với những tổ chức cổ xưa thời chế độ quân chủ chuyên chính, phong kiến, bảo thủ và ngưng đọng tư tưởng. Quốc gia trẻ đó sớm trở thành một cường quốc trên thế giới khiến nhiều người liên tưởng đến cảnh Jacob mất thị lực đặt tay phải của ông trên đầu Ephraim (em)và tay trái trên đầu Manasseh (anh) khi chúc phúc cho hai người cháu nội, con của Joseph (Cựu Ước Kinh- Sáng Thế Kỷ – Genesis 48:13). Joseph, con của Jacob và cha của Manasseh và Ephraim, cho cha (Jacob) biết người đã đặt tay sai nhưng Jacob vẫn giữ nguyên trạng và chúc phúc cho người em (Ephraim) có sự nghiệp to lớn hơn người anh (Manasseh) (người em: Hoa Kỳ; người anh: Anh) với ý nghĩa Hoa Kỳ sẽ có sự nghiệp chánh trị, kinh tế và quân sự to lớn hơn Anh Quốc.
Chủ nghĩa Monroe ra đời năm 1823, nghĩa là 47 năm sau ngày độc lập của Hoa Kỳ, một quốc gia tân lập. Nó tạo phương tiện cho các nước Trung và Nam Mỹ quét sạch ảnh hưởng của các nước Âu Châu ở Mỹ Châu đặc biệt là Tây Ban Nha. Các Quốc gia Trung và Nam Mỹ được độc lập. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ lan rộng khắp Mỹ Châu. Sau chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ năm 1898 Cuba độc lập khỏi sự đô hộ của Tây Ban Nha. Ảnh hưởng chánh trị của Hoa Kỳ trong biển Caribbean rất sâu đậm. Tây Ban Nha mất Cuba, Puerto Rico trong biển Caribbean, đảo Guam và quần đảo Phi Luật Tân trong biển Thái Bình Dương về tay Hoa Kỳ.
Năm 1917 Hoa Kỳ tham gia đệ nhất thế chiến. Năm 1918 Đức bị đánh bại. Đức mất các hải đảo trong Thái Bình Dương và bán đảo Shantung (Sơn Đông) ở Trung Hoa. Mâu thuẫn giữa các cường quốc Âu Châu càng trầm trọng. Pháp lấy lại Alsace Lorraine mà Đức chiếm dưới thời Bismarck sau khi thống nhất nước Đức (1870), chiếm vùng than đá và kỹ nghệ của Đức và buộc Đức bồi thường chiến phí nặng nề. Anh tỏ ra không mạnh tay với Đức. Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ bị quốc hội buộc trở về với chủ nghĩa cô lập sau khi ký hiệp ước Versailles (1919).
Ở Á Châu Trung Hoa bực tức Tam Cường (Anh, Pháp, Hoa Kỳ) trao bán đảo Shantung cho Nhật. Đệ nhất thế chiến lưu lại một hậu quả tâm lý to lớn ở các thuộc địa của Anh và Pháp trên thế giới: Anh và Pháp không phải là cường quốc vạn năng không thể đánh bại được.
Sự thành công của Lenin trong Cách Mạng Tháng 10 (tính theo lịch sử Julian) năm 1917 như mang lại một luồng gió cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa Anh, Pháp, Hòa Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha,Tây Ban Nha,Ý v.v... với bản Luận Cương Về Vấn Đề Dân Tộc Và Thuộc Địa. Với bản luận cương nầy và với sự ra đời Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern) năm 1919 Lenin có tham vọng đào tạo cán bộ Cộng Sản Quốc Tế phục vụ cho Liên Sô, chủ yếu là Nga và Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Những cán bộ được Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản đào tạo về nước lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc giành độc lập khỏi các đế quốc Âu-Mỹ để tự đặt mình vào quỹ đạo của Liên Sô. Ɖó là cách tóm thu thuộc địa của các đế quốc Âu Mỹ vào tay Nga bằng xương máu của người bản địa dưới danh nghĩa giải phóng thuộc địa và giải phóng công-nông vô sản
Ở các quốc gia thuộc địa nghèo khó tỷ lệ người nghèo chiếm 95% tổng dân số. Các cán bộ Cộng Sản Quốc Tế được đào luyện và hưởng trợ cấp của Liên Sô đều có tên Nga, được công nhận như công dân Nga. Họ phục vụ cho quyền lợi của nước Nga, có tên và quốc tịch Nga và chíu kỷ luật sắt của đảng Cộng Sản Quốc Tế như đã thấy trong thời kỳ Đại Thanh Trừng vào thập niên 1930 dưới thời Stalin.
Ảnh hưởng của Hoa Kỳ lớn mạnh trên khắp thế giới sau đệ nhị thế chiến vì Hoa Kỳ đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại phe Trục Đức-Ý-Nhật. Trong chiến tranh lạnh với Liên Sô khắp thế giới đều nghe những lời ca ngợi Liên Sô với những lời lên án độc địa dành cho Hoa Kỳ với những xú danh như đế quốc, tân thực dân, đế quốc sừng sơỏ, sen đầm(1) quốc tế, đế quốc xâm lược. Trong đệ nhị thế chiến, khi Liên Sô bị Đức tấn công, các đảng Cộng Sản trên lục địa Âu-Á đều kêu gọi xả thân cứu thành trì Xã Hội Chủ Nghĩa, dùng phim ảnh đề cao cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Sô v.v… Và người ta cũng tốn nhiều công sức và bút mực để đề cao xe tăng Liên Sô tấn công người Ba Lan và Hung Gia Lợi biểu tình đòi tự do năm 1956 rồi người Tiệp Khắc năm 1968. Khối Cộng Sản lớn mạnh và được mô tả như một khối đoàn kết ‘keo sơn’ vững chắc và có chánh nghĩa như chống thực dân, chống đế quốc, chống tư bản áp bức, chống kỳ thị giai cấp, chống kỳ thị chủng tộc v.v…
Ấn Độ đưa ra thuyết trung lập và cổ xúy việc thành lập các quốc gia không liên kết. Danh nghĩa như thế nhưng Ấn Độ nghiêng về Liên Sô hơn là Hoa Kỳ. Các quốc gia không liên kết phần lớn là các nước có quá khứ thuộc địa nên ít thiện cảm với Hoa Kỳ. Các phe do Hoa Kỳ yểm trợ như Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch), Pháp trong chiến tranh Việt-Pháp 1945-1954, Cuba của Batista, Việt Nam Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu v.v… đều là phe thua. Những cái thua đó mang sự đau đớn cho người thua và sự lo nghĩ và ray rứt triền miên cho người thắng.
Cộng Sản chiếm lục địa Trung Hoa. Thế giới Cộng Sản có thêm một quốc gia Cộng Sản đông dân nhất thế giới. Với tư cách quốc gia ‘đàn anh’ Liên Sô phải viện trợ cho một khối dân nghèo đói vì chiến tranh và sự thối nát của chánh quyền khiến cho xã hội đầy dẫy bất công và tham nhũng giữa lúc Liên Sô bị Đức tàn phá nặng nề trong đệ nhị thế chiến. Những công trình xây dựng do các kế hoạch ngũ niên mang lại đều bị Đức phá hủy sạch. Bây giờ Liên Sô phải cưu mang một khối người đông đảo nhất trên thế giới dưới sự lãnh đạo của Mao ZeDong (Mao Trạch Đông), một người cần sự giúp đở của Liên Sô, nhưng luôn luôn muốn tranh quyền lãnh đạo trong khối Cộng Sản với Liên Sô. Sau khi chiếm lục địa, Mao Zedong sang Moscow. Ông phải chờ cả tháng mà không được Stalin tiếp đến nổi giận đòi trở về Beijing. Năm 1950 Stalin lạnh lùng ra lịnh cho đại diện Liên Sô tại LHQ rời phòng họp để Hội Đồng Bảo An LHQ bỏ phiếu đưa quân vào bán đảo Triều Tiên để cứu Nam Hàn. Làm như thế Stalin muốn Hoa Kỳ và Trung Quốc đụng độ nhau tức là mượn bàn tay kẻ thù đập vào mặt người ‘đồng chí’ láng giềng đầy tham vọng. Sự đoàn kết ‘keo sơn’ của khối Cộng Sản bắt đầu rạn nứt vào năm 1957 khi Khrushchev ngưng viện trợ kỹ thuật cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Trận giặc miệng bắt đầu giữa hai nước Cộng Sản to lớn. Năm 1969 Liên Sô và Trung Quốc giao chiến nhau trên đảo Damansky mà Trung Quốc gọi là Chen Pao (Chân Bảo).
Cộng Sản Việt Nam đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ nhờ sự viện trợ tích cực của Cộng Sản Trung Hoa. Người chiến thắng sao lại phải chấp nhận chia đôi xứ sở? Đánh đuổi Pháp ra khỏi nước để rước hai ngoại nhân to lớn và nguy hiểm hơn Pháp gấp vạn lần: Trung Quốc và Liên Sô. Về mọi mặt chế độ Cộng Sản ở miền bắc vĩ tuyến 17 không có điểm trội nào để so sánh với chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam trước năm 1954 cả.
Việc tổ chức tổng tuyển cử dự trù vào năm 1956 bất thành. Khoảng 20.000 cán bộ Cộng Sản không tập kết ra Bắc năm 1954 bắt đầu hoạt động lại ở phía nam vĩ tuyến 17. Số cố vấn Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam gia tăng dưới thời tổng thống John F. Kennedy. Cuối năm 1960 Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời. Hoạt động dưới cờ MTDTGP gồm các cán bộ Cộng Sản nằm vùng, các du kích tân tuyển ở nông thôn và cán binh Cộng Sản hồi kết bằng đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua lãnh thổ Lào và Cambodia.
Năm 1964 đã có dấu hiệu của sự hiện diện của quân Cộng Sản miền Bắc ở miền Nam Việt Nam. Từ 1968 về sau sự hiện diện của bộ đội Cộng Sản miền Bắc trên chiến trường miền Nam càng ngày càng rõ nét hơn. Tình hình miền Nam trở nên đen tối, rối ren sau cuộc đảo chánh ngày 01-11-1963 với những xáo trộn chánh trị qua những cuộc biểu tình Phật Giáo rồi Thiên Chúa Giáo, sinh viên, học sinh và những cuộc đảo chánh ngày 30-01-1964, 13-09-1964, 19-02-1965, việc lật đổ nội các Trần Văn Hương và bắt giữ vài thành viên trong Thượng Hội Đồng Quốc Gia (12-1964), việc tranh chấp giữa quốc trưởng Phan Khắc Sửu và thủ tướng Phan Huy Quát. Năm 1965 quân đội nắm chánh quyền ở Việt Nam Cộng Hòa với tướng Nguyễn Văn Thiệu (quốc trưởng - Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia) và Nguyễn Cao Kỳ (thủ tướng - Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương).
Mặc dù Hoa Kỳ đưa trên nửa triệu quân sang miền Nam Việt Nam, oanh tạc miền Bắc, tích cực viện trợ cho quân đội VNCH, Hoa Kỳ vẫn không thành công trong chiến tranh Việt Nam lần thứ hai. Họ chỉ thành công trong việc rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam một cách danh dự bằng sự ký kết hiệp định Paris (1973). Họ bị trói tay vì phong trào phản chiến lớn mạnh trên thế giới và ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Tổng thống Nixon (Cộng Hòa) từ chức. Quốc hội Dân Chủ ngưng viện trợ cho VNCH mặc dù cuộc chiến leo thang và Hoa Kỳ đưa quân vào miền Nam Việt Nam dưới thời tổng thống Johnson thuộc đảng Dân Chủ. Phong trào phản chiến quá mạnh đến nỗi tổng thống Johnson bỏ ý định tái tranh cử. Sự hiện diện của quân sĩ Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam giúp cho sự kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Hồ Chí Minh có kết quả mỹ mãn. Hai năm sau ngày ký kết hiệp định Paris Cộng Sản Việt Nam chiếm miền Nam Việt Nam bằng võ lực. Say men chiến thắng vì đã đánh bại đế quốc Pháp (1954) và đế quốc Mỹ sừng sỏ để thống nhất đất nước (1975), Cộng Sản Việt Nam mạnh dạn nói rằng Cộng Sản Việt Nam có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào dù mạnh đến đâu và xuất phát từ đâu. Kết quả của chiến thắng của Cộng Sản Việt Nam tạm tóm lược như sau:
Tình đoàn kết ‘keo sơn’ Cộng Sản được thể hiện bằng chiến tranh giữa Cộng Sản Việt Nam (thân Liên Sô) và Khmer Đỏ (thân Trung Quốc) và chiến tranh biên giới giữa Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Hoa (2-1979). Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) cho Cộng Sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn một bài học vì Hà Nội ký kết hiệp ước an ninh với Liên Sô, cho tàu chiến Liên Sô xử dụng quân cảng Cam Ranh (1978) và vì Cộng Sản Việt Nam xâm lăng Cambodia và lật đổ chánh quyền thân Trung Quốc do Pol Pot lãnh đạo. Số quốc gia Cộng Sản gia tăng nhưng chiến tranh giữa các nước Cộng Sản lại bùng nổ. Kinh tế Liên Sô vốn dĩ đã kém lại phải chạy đua võ trang với Hoa Kỳ, tiêu hao vì chiến tranh Afghanistan, lại phải viện trợ các nước Cộng sản đàn em đã dày công lập ra nhiều quốc gia Cộng Sản! Liên Sô hoàn toàn thất bại trong cuộc xâm lăng Afghanistan.
Các nước Tây Phương tẩy chay Thế Vận Hội Moscow năm 1980. Năm 1988 Liên Sô rút quân ra khỏi Afghanistan. Liền sau đó chánh phủ Cộng Sản Afghanistan do Liên Sô dựng lên bị lật đổ. Năm 1989 Cộng Sản Việt Nam rút quân khỏi Cambodia để hội nhập vào cộng đồng thế giới và thỏa mãn một trong những yêu sách của Beijing. Hà Nội lạnh chân khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu năm 1989. Năm 1990 tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh cùng thủ tướng Đỗ Mười, cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng và đại tướng Võ Nguyên Giáp sang Chengdu hội mật với chủ tịch Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) và thủ tướng Li Peng (Lý Bằng). Một mật ước được ký kết với những điều kiện gắt gao dành cho Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam để nối lại bang giao bị băng giá suốt 15 năm qua như một sự trừng phạt đối với quốc gia đàn em ‘phản trắc’ ngã theo Liên Sô chống lại Trung Quốc, chủ nợ của hai cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ đó đến nay các chánh quyền Cộng Sản Việt Nam đều do những đảng viên Cộng Sản do Trung Quốc lựa chọn và chuẩn nhận.
Năm 1991 Liên Sô sụp đổ. Cộng Sản Việt Nam càng lệ thuộc vào Trung Quốc hơn nữa. Nếu đúng như tin rò rỉ của Wikileak thì đến năm 2020 Việt Nam trở thành một quận của Trung Quốc. Thỉnh thoảng cờ Trung Quốc có 5 sao nhỏ chầu ngôi sao lớn xuất hiện ở Việt Nam. Ngôi sao thứ năm đó là Việt Nam. Lại có bản đồ của Hà Nội nằm trong tỉnh Guangdong (Quảng Đông) như nhắc nhở bản đồ xứ Nan Yue (Nam Việt) thời Chao To (Triệu Đà). Beijing (Bắc Kinh) hạ nhục Cộng Sản Việt Nam đủ cách. Nào Hồ Chí Minh là người Hakka gốc Taiwan (Đài Loan). Nào tướng Võ Nguyên Giáp không có công gì trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Nào Lý Công Uẩn là người Hoa. Nhà Trần của Việt Nam gốc ở Phúc Kiến. Nào Việt Nam là đứa con hoang trở về... Công an và quân đội Cộng Sản Việt Nam có bổn phận đàn áp và hạ ngục những ai biểu tình chống Trung Quốc hay đặt vòng hoa tưởng niệm những chiến sĩ Cộng Sản bỏ mình vì đánh nhau với Trung Quốc ngoài biên giới và trên Biển Đông. Bộ trưởng bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh cho rằng vấn đề biển đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam là chuyện gia đình giữa anh em với nhau. Thứ trưởng bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vinh luôn luôn trung thành với lập trường Ba Không để vừa lòng Beijing và xem đó là sự yêu chuộng hòa bình! Tất cả đều tranh nhau tuân thủ Bốn Tốt, Mười Sáu Chữ Vàng và tâng bốc Trung Quốc để được sự lưu ý của Beijing khi tuyển lựa thành phần lãnh đạo trong Đảng và cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Nhìn đoạn đường lịch sử đã qua, khó lòng đề cao lòng yêu nước và sự sáng suốt của chủ tịch Hồ Chí Minh, người du nhập chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam. Năm 1920 tại đại hội Tours Nguyễn Ái Quấc, bút danh tập thể của nhóm Ngũ Long ở Paris bị Nguyễn Tất Thành dùng làm bí danh của mình, không hiểu tại sao các đại biểu bàn cãi sôi nổi về Đệ Nhị Quốc Tế và Đệ Tam Quốc Tế đến nỗi ông phải hỏi: “Quốc Tế nào giúp cho các dân tộc thuộc địa?” và được một đại biểu vô danh nào đó trong đại hội trả lời: “Đệ Tam Quốc Tế” vừa được Lenin thành lập năm 1919. Nguyễn Ái Quấc (Hồ Chí Minh sau nầy) trở thành người Cộng Sản sau khi nghe câu trả lời của một đại biểu dảng Xã Hội trong đại hội thành lập đảng Cộng Sản Pháp. Ông phấn khởi khi đọc bản Luận Cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa như đã tìm được chân lý cao siêu vi diệu. Ông không cần đặt vấn đề tại sao Lenin không lo cho nước Nga nghèo đói và đầy bất công áp bức lại đi lo cho các nước thuộc địa xa xôi và xa lạ? Chỉ vì được Liên Sô đào luyện làm cán bộ Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế với tên Nga (Lin, Nilovsky) để phục vụ cho Liên Sô, chủ yếu là nước Nga và Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern), mà ông Hồ Chí Minh đã khóc sướt mướt khi nghe tin Lenin chết và không ngần ngại gọi Lenin là cha, là thầy, là cố vấn vĩ đại trong khi ông gọi người anh hùng đánh bại quân Mông Cổ hai lần, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là ‘bác’ và tự xem mình có sự nghiệp lớn lao đối với loài người khi viết:
Tôi dắt năm châu đến đại đồng.
Hồ Chí Minh xem Lenin như ngọn hải đăng. Ông Hồ có biết Lenin là người có tham vọng tóm thu thiên hạ bằng xương máu của các dân tộc thuộc địa dưới sự lãnh đạo của các cán bộ Cộng Sản Quốc Tế do Liên Sô đào tạo và tài trợ như ông không? Lenin muốn biến đệ tam quốc tế (Comintern) thành một ‘tôn giáo’ mô phỏng theo tổ chức của Giáo Hội Thiên Chúa La Mã. Karl Marx là ‘giáo chủ’; Lenin là ‘giáo hoàng’, Moscow là Thánh Địa của thế giới Cộng Sản. Đảng viên đảng Cộng Sản là những người thoát ly gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo (các tôn giáo đã có trên thế giới) để phục vụ nhiệt thành cho Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản tức nước Nga và tôn kính ‘giáo chủ’ Karl Marx và ‘giáo hoàng’ Lenin, Stalin và những người lãnh đạo đảng Cộng Sản khác ở Liên Sô. Lenin không giàu óc sáng tạo. Ông thèm thuồng tổ chức của Hoa Kỳ và ngưỡng mộ sự điện hóa của nước nầy. Ông mơ ước có được tổ chức của Hoa Kỳ để tóm thu thiên hạ! Cộng Sản chọn ngày 01 tháng 05 làm ngày Quốc Tế Lao Động và ngày 08 tháng 03 là Ngày Phụ Nữ. Hai ngày đó há không phải là thành quả đấu tranh của lao động và phụ nữ Hoa Kỳ sao? Những từ Những Bông Hoa Nhỏ, Tem Phiếu Lương Thực, Quản Lý, Cung Thiếu Nhi...há không dịch từ Little Flowers, Food Stamps, Management, Children’s Palace...của Hoa Kỳ?
Chủ trương tiêu diệt Trí, Phú, Địa, Hào của đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ thỏa mãn lòng ganh tỵ và tính hiếu sát của đông đảo người KHÔNG CÓ (tiền bạc, vốn liếng học hành, vị thế trong xã hội) đối với thiểu số người CÓ, những thành phần có khả năng đóng góp hữu hiệu vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc hầu mang lại sự phồn vinh và phú cường cho quê hương. Chủ trương nầy giết sạch chất xám và phá nát sự đoàn kết dân tộc. Để làm gì nếu không phải là để đưa đất nước vào vòng nô dịch Liên Sô và Trung Quốc trơn tru và dễ dàng hơn? Suy ra cảnh tượng nầy còn ghê rợn, khủng khiếp hơn cả việc Pol Pot giết sạch 1/3 dân số Cambodia trong vòng 3 năm cầm quyền. Ở Cambodia dân Khmer không oán hận lẫn nhau. Họ là nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot. Sau 30 năm chinh chiến triền miên và thời hậu chiến tranh, Cộng Sản Việt Nam gây cảnh đổ máu vô tội vạ đối với người đồng chủng, đồng văn và đồng lịch sử. Cảnh ‘máu gọi máu’ thời chiến và cảnh tiêu diệt tận gốc rễ người đồng chủng thua cuộc bằng những sự hành hạ thể xác, tinh thần, tước đoạt quyền sống, ngăn chặn sự phát triển tương lai của con cháu họ gợi lại cách đối xử dã man và tàn bạo thời chiếm hữu nô lệ. Người Cộng Sản Việt Nam nặng về việc cướp chánh quyền để có nhiều tiền bạc và của cải vật chất chớ có thiết tha gì đến đất nước và dân tộc đâu. Từ Quốc Gia (Nation) hầu như vắng bóng hay được hiểu với nghĩa thù nghịch xấu nhất của nó. Có đảng yêu nước nào không có Quốc Gia? Tại sao lại ghét tên gọi bình thường và vô tội nầy.
Hai cuộc chiến tranh Việt Nam suốt 30 năm sau đệ nhị thế chiến dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh với tư cách lãnh tụ đảng Cộng Sản Việt Nam (dù mang nhiều tên khác nhau như đảng Cộng Sản Đông Dương, đảng Lao Động) chẳng những tàn phá đất nước mà còn đưa toàn dân tộc vào cảnh chém giết nhau đẫm máu. Ông Hồ đã đưa quê hương vào cảnh tang tóc, dân tộc vào cảnh máu đổ thịt rơi để ông trở thành người chiến sĩ Cộng Sản gương mẫu được huân chương Lenin ‘cao quí’ năm 1967 vì đã đánh hai đế quốc Pháp và Mỹ để biến Việt Nam thành một nước Cộng Sản lệ thuộc Liên Sô và Trung Quốc. Cộng Sản Việt Nam đánh Hoa Kỳ cho Liên Sô và Trung Quốc yên ổn xây dựng đất nước giữa lúc hai nước ấy không dám đụng đến Hoa Kỳ. Dân tộc Việt Nam đổ máu, đổ mồ hôi và đổ nước mắt cho cái danh hiệu Cominterchik của ông Hồ Chí Minh. Nước Việt Nam, ‘bên thắng cuộc’, man rợ và đưa đất nước vào bờ vực vong nô như xưa!! Đó là lòng yêu nước và sự sáng suốt của Bác Hồ và đảng Cộng Sản Việt Nam hay sao?
Ở Cuba không ai phủ nhận học vị và sự tranh đấu của ông Fidel Castro chống nhà độc tài Batista được sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Chế độ Cộng Sản được thành lập ở Cuba. Cuba trở thành tin đồ chống đế quốc Mỹ ở Tây Bán Cầu. Cuba và Cộng Sản Việt Nam tự hào là hai nước giữ hòa bình cho Liên Sô ở Tây Bán Cầu và Đông Nam Á nên nhận nhiều viện trợ từ Liên Sô. Khác với Hồ Chí Minh, Fidel Castro không phải là người Cộng Sản được Moscow huấn luyện. Trước năm 1959 Cuba là quốc gia sản xuất nhiều mía, đường, thuốc lá. Thuốc xì gà Cuba nổi tiếng trên thế giới. Ngành du lịch phát triển. Các vũ trường, khách sạn, nhà hàng hấp dẫn nhiều du khách đến Cuba, nhất là khách Hoa Kỳ. Nhưng từ năm 1959 đến nay kinh tế Cuba suy lụn. Xứ nổi tiếng sản xuất đường trở thành nơi dân chúng thiếu đường. Nhưng Fidel Castro được các tổng thống tả khuynh ở Nam Mỹ như Hugo Chavez, Ortega, Morales... ngưỡng mộ. Venezuela giúp đỡ Cuba dầu hỏa với giá tượng trưng vì Chavez luôn luôn xem Fidel Castro là sư phụ. Năm 2015, qua trung gian của đức giáo hoàng Francis, bang giao bình thường giữa Cuba và Hoa Kỳ được thiết lập. Ngày 05-07-2015 tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên sau 20 năm Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập bang giao bình thường. Cuộc viếng thăm đặc biệt nầy diễn ra khi Hoa Kỳ và Cuba mở sứ quán ở hai nước. Việt Nam không ngừng tái diễn cảnh ‘đi trước về sau’ trên mọi lãnh vực.
*****
Các quốc gia thù nghịch gán cho Hoa Kỳ đủ thứ tội ghê gớm như đế quốc sừng sỏ, sen đầm quốc tế, tư bản bóc lột, chánh trị và ngoại giao kém, kỳ thị chủng tộc, thiếu tư tưởng sâu sắc v.v… Bài viết ngắn ngủi nầy không phải là bài tranh luận những điểm yếu ghi trên đúng hay sai. Nhưng chúng ta chỉ cần hỏi ngược những quốc gia thù nghịch đã đưa những lời phê phán nặng nề đó rằng trong quá trình phát triển quốc gia nước nào trên thế giới không có những điểm yếu ghi trên? Nga? Trung Quốc? Cộng Sản Việt Nam? Pháp? Anh? Nhật? Đức?... Khi thế giới lâm nạn sao phải nhờ ‘đế quốc sừng sỏ’ cứu giúp? Quốc gia nào trên thế giới vươn lên từ tình trạng bị trị sang vị thế lãnh đạo thế giới? Nhờ yếu tố nào mà đạt được thành quả kỳ diệu như vậy? Quốc gia nào có chiến tranh giải phóng nô lệ? Quốc gia nào luôn luôn cứu giúp các các quốc gia khác khi bị thiên tai? Quốc gia nào giúp các nước khác mà không kể công hay chiếm đất của quốc gia được giúp đỡ? Quốc gia nào nơi đó mỗi con người không phân biệt màu da, tôn giáo, nam, nữ phái, tuổi tác hay quốc tịch miễn là người sinh sống trong nước đều có quyền được bảo vệ an ninh, quyền sống, quyền làm người? Quốc gia nào trên thế giới có tổng thống da đen mặc dù người da đen chỉ chiếm 14% tổng số dân trong nước? Quốc gia nào cống hiến nhiều cho nhân loại bằng những khám phá và phát minh khoa học kỹ thuật? Quốc gia nào lãnh nhiều giải thưởng Nobel về mọi lãnh vực hoạt động của loài người trên thế giới? Quốc gia nào có lòng nhân ái và khoan dung khi giúp cho kẻ thù của mình phát triển và sinh tồn vững mạnh? Những câu hỏi có vẻ dài nhưng câu trả lời không có gì khó khăn cả.
Hoa Kỳ rất ‘người’, nghĩa là rất xoàng nhưng lại có những đức tính hiếm hoi lạ thường. Họ thừa sức mạnh để thắng người khác nhưng thắng người bằng mọi giá đôi khi đồng nghĩa với sự tàn bạo. Họ thừa sức mạnh để thắng Cuba nhưng họ vẫn kiên nhẫn chờ 56 năm để tạo ra cảnh không có kẻ thắng người thua. Trong quá khứ Ấn Độ thân Liên Sô và luôn luôn đâu lưng với Hoa Kỳ. Phải mất 2/3 thế kỷ Ấn Độ mới thân thiện với Hoa Kỳ. Từ 1958 đến 2010 chế độ quân nhân Miến Điện tự xem Miến Điện là một quốc gia Xã Hội Chủ Nghĩa ít nhiều thân Cộng Sản Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn. Nhưng nay Miến Điện đã xoay chiều ít nhiều. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hướng về Hoa Kỳ có vẻ khó khăn, ngượng ngập, sự ngượng ngập của người ‘thắng cuộc’ đi vận động sự giúp đỡ của người ‘thua cuộc’ vì đang bị cường lân đồng đảng, đồng chủ nghĩa Marx-Lenin-Mao hiếp đáp hạ nhục. Sự thăm viếng trễ tràng nầy không có nghĩa là Cộng Sản Việt Nam chuyển trục sang Hoa Kỳ và Hoa Kỳ bỏ quyền lợi to lớn của họ ở Trung Quốc để cưu mang Việt Nam nhưng nó đánh dấu một bước tiến dài trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước khi ông Nguyễn Phú Trọng chính thức mời tổng thống Obama thăm viếng Việt Nam và nhấn mạnh đến sự hợp tác toàn diện kể cả vấn đề an ninh và quốc phòng. Sau lưng tổng bí thơ Nguyễn Phú Trọng còn có nhiều đồng chí thân Trung Quốc và tình báo Trung Quốc. Nguyễn Phú Trọng học chủ nghĩa Marx-Lenin ở Liên Sô và được Trung Quốc đưa lên chức tổng bí thơ sau khi ông tự cải biến ý thức hệ Nga sang chủ nghĩa Maoist. Không biết uy thế và thế lực của ông như thế nào. Chỉ biết rằng trong cuộc tranh chấp nội bộ giữa ông và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông có vẻ là người thua cuộc đến nỗi không dám gọi đích danh ông Dũng mà chỉ gọi đồng chí X... Người bàng quan nhận xét Cuba giã từ võ khí như tựa phim Adieu aux Armes . Trái lại Cộng Sản Việt Nam kiếm tiền để mua võ khí. Vẫn không biết mua võ khí để làm gì?
Đối với Cộng Sản Trung Hoa và Cộng Sản Việt Nam, Hoa Kỳ thắng rất chậm. Trung Quốc và Việt Nam đã theo kinh tế thị trường, tức kinh tế tư bản, dù họ gượng gạo thêm những chữ “theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”. Ɖảng Cộng Sản có búa liềm, chủ nghĩa Marx-Lenin-Mao được nhắc nhở cầm chừng. Không ai nhiệt thành với những chuyện mông lung đó nhưng chúng là phương tiện giữ chánh quyền lâu dài cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản. Các lãnh tụ Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam như Jiang Zemin, Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) Xi Jinping (Tập Cận Bình), Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng... đều mặc vết-tông, mang cà vạt màu chớ không mặc áo lãnh tụ như Mao Zedong hay Deng Xiaoping. Jiang Zemin, Xi Jinping, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang đều đi công du nước ngoài với vợ. Tình yêu đô-la, vàng thỏi và các tiện nghị vật chất xa xí được tìm thấy tại tư dinh của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam. Họ được cải danh thành Đại Gia hay Tư Bản Đỏ. Chuyện 16 tấn vàng xảy ra ở Việt Nam sau ngày 30-04-1975. Cộng Sản Việt Nam đã có lãnh tụ tỷ phú đô-la ngay từ ngày Đại thắng Mùa Xuân. Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam hiện nay là tỷ phú hay triệu phú có điền sản và có con học ở nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài, quí nhất là quốc tịch Hoa Kỳ. Hàng năm có hàng trăm tỷ Mỹ kim của những gia đình’tư bản đỏ’ được đưa vào Hoa Kỳ và hàng trăm tỷ Mỹ kim được đưa sang các nước Âu Châu dân chủ khác.
Khi kinh tế Nhật vươn lên cực điểm, người ta bi quan cho rằng Hoa Kỳ bị Nhật qua mặt. Khi đồng Euro ra đời, người ta thấy đồng đô-la bị cạnh tranh nặng nề. Khi kinh tế Trung Quốc lên hàng thứ nhì. Trung Quốc phóng vệ tinh nhân tạo, đóng tầu ngầm, phi cơ, xe tăng, làm hỏa tiễn và diễn binh rầm rộ. 57 nước trên thế giới kể cả các nước đồng minh Hoa Kỳ như Anh, Pháp, Đức, Ý cùng Trung Quốc thành lập ngân hàng nhằm mục đích cạnh tranh và thay thế đồng đô-la bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (?). Người ta thấy Hoa Kỳ lép vế, thua nặng vì mang trên 17 trillion (17.000 tỷ) tiền nợ. Với số nợ to lớn như vậy cuộc sống của người Hoa Kỳ vẫn như xưa tựa như lúc quân Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam năm 1973 nhưng vị thế Hoa Kỳ trên thế giới vẫn không thay đổi. Người che giấu ưu thế và phô bày sự yếu thế của mình là người như thế nào? Câu trả lời của người đọc trở thành mục đích của bài viết nầy.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
_______________
Chú thích:
(1) Chữ ‘sen đầm’ âm từ chữ gendarme của Pháp. Gendarme là hiến binh.
(2) Pol Pot là người Khmer gốc Hoa. Sau ba năm cầm quyền ở Cambodia (1975-1978), Khmer Đỏ của Pol Pot giết sạch 1/3 dân số Cambodia tức lối 2,5 triệu người!