Phạm Đình Lân


Tên

.

Có hiện hữu tất phải có một tên gọi. Cái bàn, cái ghế, con bò, con ngựa là những tên gọi dành cho vật vô tri và động vật được gọi là danh từ chung nên không viết hoa. Trái lại tên anh Nguyễn Văn Mỗ và chị Nguyễn Thị Mẹt là danh từ riêng phải viết hoa.

Tên của người Việt Nam có những đặc điểm sau đây:

1. Thông thường tên của người Việt Nam có ba chữ: Họ, chữ lót và tên. Thí dụ: Trần Văn Kiệt (Trần: họ; Văn: chữ lót; Kiệt: tên). Ở miền Trung và vài người miền Bắc hay người Việt gốc Hoa có tên hai chữ nghĩa là gồm có họ và tên mà thôi. Thí dụ: Võ Trụ, Trần Thanh… Sau nầy xuất hiện tên 04 chữ gồm: họ cha+ họ mẹ+ chữ lót (Văn hay Thị v.v.)+ tên. Thỉnh thoảng cũng có những tên 05 chữ gồm: Họ cha+ họ mẹ+ chữ lót (đơn hay kép)+ tên (đơn hay kép).

2. 99% các họ ở Việt Nam đều được tìm thấy bên Trung Hoa. Trong quá trình Nam tiến một số người Việt Nam mang họ Chế của người Chăm hay họ Thạch của người Khmer chẳng hạn.

3. Chữ lót thường thấy trước kia là VĂN cho nam và THỊ cho nữ. Từ thập niên 1950, 1960 chữ lót VĂN hay THỊ giảm dần..

4. Tên đẹp hay không tùy theo trình độ và hoàn cảnh sống của người đặt tên. Thời phong kiến giáo dục phát triển chậm chạp, do ảnh hưởng của thuyết chính danh định phận, phần lớn các tên đặt rất tầm thường. Làm sao dám đặt tên con của mình trùng với tên vua hay tên của một vị nào đó có uy quyền ở địa phương? Vì tên vua Minh Mạng là ĐẢM nên khi nói đến can đảm phải nói trại là CAN ĐỞM. Vì chữ lót của các vua nhà Nguyễn là PHÚC nên khi nói đến PHÚC phải nói trại thành PHƯỚC. Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX ở Nam Kỳ có đốc phủ Trần Tử Ca. Để tránh nói đến tên của vị đốc phủ giàu có và uy quyền nầy trái xoài THANH CA trở thành xoài THANH. Nhiều người trong quần chúng tin rằng đặt tên con xấu thì dễ nuôi. Cũng có người nói ngược lại rằng: Sinh con xấu phải đặt tên thằng B… Đến năm toi thằng B… cũng chết!

5. Do ảnh hưởng của sự phát triển đô thị nơi tiếp nhận các trào lưu tư tưởng và văn hóa trong lẫn ngoài nước, thị dân tiếp xúc với phim ảnh, cải lương, tiểu thuyết nên tên của trẻ em ở thành phố đẹp hơn tên của trẻ em ở nông thôn.

6. Một số tên không đồng âm nhưng đồng nghĩa giữa người Việt Nam từ Huế trở ra và từ Huế trở vào.

Huế ra Bắc

Huế vào Nam

Hoàng

Huỳnh

Phúc

Phước

Nhân

Nhơn

Thì

Thời

Nhiệm

Nhậm

Uy

Oai

Nghĩa

Ngãi

Nguyên

Ngươn

Tràng

Trường

Quí

Quới

 

KHUYNH HƯỚNG ĐẶT TÊN CON

Cha mẹ đặt tên cho con như là một thông điệp gởi đến các con sau này và cũng là ước vọng của cha mẹ về tương lai tươi sáng của con mình. Hầu hết việc đặt tên con đều dựa theo tinh thần lạc quan, hy vọng. Dù vậy cũng có một thiểu số dựa theo tinh thần bi quan yếm thế vì đang đối đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt nào đó.

Việc đặt tên dựa theo các khuynh hướng sau đây:

1. Bình dân, giản dị

Theo khuynh hướng này cha mẹ như có vẻ không có ước vọng hay kỳ vọng gì nơi con. Họ không có lời chúc phúc cho con cũng không gợi cho con một thông điệp gì rõ ràng. Nếu là trai thì đặt tên Đực, Cu, Trai. Nếu là gái thì đặt tên Gái, Hĩm. Nếu là đứa con đầu thì đặt tên Một hay văn vẻ hơn là Nhất hay Trưởng. Nếu sinh năm Tí thì đặt tên thằng Chuột, con Tí hay văn vẻ hơn là thằng Thử, con Thử nghĩa là đặt tên dựa vào 12 con giáp gọi nôm na hay gọi văn vẻ theo Hán- Việt. Thí dụ:

Tên nôm na

Tên Hán- Việt

Chuột

Tí, Thử

Trâu

Sửu, Ngưu, Ngâu

Cọp

Dần, Hổ, Hùm

Mèo

Miêu, Mão

Rồng

Thìn, Long

Rắn

Tỵ, Xà

Ngựa

Ngọ, Mã

Mùi, Dương

Khỉ

Thân, Hầu

Dậu, Kê

Chó

Tuất, Khuyển, Cẩu

Heo

Hợi, Trư, Hy

Nếu đứa trẻ sinh vào lúc cha đang ngồi trong sòng bạc thì những tên Cơ, Rô, Chuồn, Bích, Ách, Bồi, Đầm, Tướng, Sĩ, Tượng… khó tránh được.

Những gia đình đông con thường đặt tên Út, Hết hay Thôi vì không còn muốn có thêm con nữa. Nhưng nếu sinh thêm thì có nhiều tên Út sắp theo thứ tự như Út Nhất, Út Nhì chẳng hạn.

Nếu sinh thiếu tháng thì đặt tên đứa trẻ là thằng Ki Tám (trọng lượng khi chào đời) hay con Ki Tám chẳng hạn.

Những người khó nuôi con đặt tên Gái cho con trai và tên Trai cho con gái. Ta có thằng Gái và con Trai. Thằng Gái được xỏ lỗ tai cho giống con gái; con Trai thì mặc quần áo và hớt tóc ngắn như nam phái.

Chữ lót thì đơn giản thôi. Trai có VĂN; gái có THỊ. Từ thập niên 1950 trở về sau các chữ lót VĂN và THỊ giảm đi rất nhiều.

2. Khuynh hướng nghề nghiệp

Con của các thầy thuốc Đông Y thường mang tên những vị thuốc quí đắt tiền như Sâm, Nhung, Quế, Hoài Sơn v.v…

Con gái người yêu nghệ thuật, thẩm mỹ luôn luôn có tên các loài hoa hay các loài chim quí với các tên Mai, Lan, Hồng, Cúc, Liên (Sen), Lài, Trà Mi, Hải Đường, Anh Đào, Tường Vi, Quỳnh Hoa… hay Oanh, Yến, Họa Mi, Sơn Ca, Thiên Nga, Loan, Phượng v.v… Loan và Phượng thường là tên của nữ phái mặc dù Loan là chim Phượng (Phụng – Phoenix) mái và Phượng là con trống.

Con gái của người thích truyện Lục Vân Tiên hay Đoạn Trường Tân Thanh phải mang tên Nguyệt Nga hay Thúy Vân, Thúy Kiều.

Thương nhân đặt tên con với nhiều ước vọng về Tiền, Bạc, Phú, Quí, Sang, Trọng, Giàu, Có, Của, Lộc, Tài v.v…

Con của thi sĩ thường có tên bốn mùa, thời tiết, hoa cảnh như Xuân, Hạ, Thu, Đông, Thanh, Thu, Phong, Nguyệt, Hà, Hải, Thảo, Hoa.

Nhà mô phạm ước muốn con cái sáng sủa, trí tuệ minh mẫn để thành công trong việc học hành thường chọn những tên như Trí, Tuệ, Thông, Minh, Tuấn, Tú, Châu, Đạt, Khôi, Nguyên, Trạng (trạng nguyên), Thám (thám hoa), Bảng (bảng nhãn), Hoàng Giáp hay tên của các mảnh bằng Thành Chung, Tú Tài, Cử Nhân, Tiến Sĩ hay các khoa thi tam trường ngày xưa như Hương, Hội, Đình để đặt tên cho con.

3. Khuynh hướng tôn giáo và đạo đức

Ba tôn giáo lâu đời ở Việt Nam là Khổng, Lão và Phật Giáo. Đạo Thiên Chúa được truyền giảng ở Việt Nam vào thế kỷ XVI, XVII và phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XIX. Tín đồ đạo Thiên Chúa chiếm lối 8% dân số Việt Nam.

Những người có khuynh hướng tôn giáo và đạo đức thường đặt tên con bằng những chữ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Hiền, Đức, Dung, Hạnh, Thiện, Hòa, Nhã, Thanh, Tịnh, Hành, Giáng Tiên, Giáng Ngọc v.v… Người theo đạo Phật chuộng hoa Sen (Liên Hoa), biểu tượng của sự thanh cao vì gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Người theo đạo Thiên Chúa chuộng Bạch Huệ, một loại hoa trắng đơn giản có hương thơm được chưng trước bàn thờ Đức Mẹ. Bạch Huệ cũng là tên thường đặt cho con gái. Người Việt Nam dùng hình ảnh trong tranh Tam Đa, tranh Ngũ Phúc để đặt tên con. Đó là Phúc, Lộc, Thọ, Trinh, Tường. Chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo nhà thơ Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu) viết:

Trai thì TRUNG, HIẾU làm đầu.
Gái thì TIẾT, HẠNH làm câu trau mình.

Trung, Hiếu, Tiết, Hạnh cũng là những tên tốt theo tinh thần Khổng Giáo.

Ông Nguyễn Sinh Sắc là một phó bảng, một nhà Nho tất nhiên chịu ảnh hưởng tư tưởng Khổng Giáo. Ông đặt tên hai người con trai của ông là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung. Khiêm cung là một đức tính khả kính và khả quí của con người trong xã hội. Cảnh nghèo vì chưa đỗ đạt trong kỳ thi Hội để lấy tiến sĩ để được triều đình bổ nhiệm ra làm quan khiến ông đổi tên ông từ Huy sang Sắc (Sắc: bằng sắc) và tên và chữ lót của hai người con trai của ông:

- Nguyễn Sinh Khiêm thành Nguyễn Tất Đạt
- Nguyễn Sinh Cung thành Nguyễn Tất Thành tức là ông Hồ Chí Minh sau này.

Riêng phần ông, ông đổi tên Huy ra SẮC như một lời nguyền: (bằng) SẮC TẤT ĐẠT THÀNH. Việc đổi tên của ông và tên cũng như lót của hai người con trai của ông có lẽ xảy ra vào năm 1900 như một lời thề ước với vợ ông vừa mới chết vì gia cảnh thiếu thốn. Sự việc nầy xảy ra trước kỳ thi Hội năm 1901. Trong kỳ thi này ông được chấm đậu phó bảng và được bổ nhiệm phục vụ tại bộ Lễ cùng với nhà cách mạng Phan Châu Trinh.

4. Khuynh hướng yêu nước

Chế độ thuộc địa Pháp ở Việt Nam và cuộc cách mạng 1789 tạo nguồn cảm hứng cho những người yêu nước chống lại sự hiện diện của người ngoại quốc trên đất nước mình. Tinh thần cách mạng 1789 làm cho một số trí thức tân học không có cái nhìn thiện cảm và sợ sệt đối với chế độ quân chủ xây dựng trên nền tảng Khổng Giáo. Sự ra đời của các đảng phái cách mạng như Việt Nam Quang Phục Hội, Tân Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đông Dương Cộng Sản Đảng, Việt Nam Phục Quốc Hội, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội và cuộc kháng chiến chống Pháp thời hậu đệ nhị thế chiến tạo cảm hứng cho những người có khuynh hướng yêu nước đặt tên con bằng những chữ: Việt, Nam, Ái, Quốc, Dân, Chủ, Lập, Chiến, Sĩ, Dũng, Hùng, Lược, Hòa, Bình, Thắng v.v. Tên của người Việt Nam thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp và vươn lên từ năm 1945 về sau. Vào thập niên 1950 nhiều tên đẹp xuất hiện ở miền Nam do ảnh hưởng của các đào, kép cải lương và tiểu thuyết trên báo chí mà ra.

5. Kỳ vọng vào tương lai con cái

Người Việt Nam thường nói:

Con hơn cha, nhà có phúc.

Sự kỳ vọng của cha mẹ vào tương lai con cái được gói ghém trong câu chúc tụng:

Chúc trẻ lớn lên làm ăn cướp,
Cướp tiền, cướp bạc, cướp công danh.

Về cướp tiền, cướp bạc thì có những tên: Giàu, Tiền, Bạc, Vàng, Kim Cương, Ngọc Bích, Ngọc Thạch, Phú, Quí, Sang, Trọng, Sung.

Về cướp công danh thì có những tên: Huyện, Phủ, Tuần, Tổng, Trưởng, Thượng, Cống (người có Cử Nhân), Nghè (người có Tiến Sĩ), Trạng, Khôi, Nguyên, Tấn, Tiến, Công, Hầu, Bá, Danh, Quân, Quyền, Tước v.v…

6. Khuynh hướng bi quan yếm thế

Người bi quan yếm thế có thể là người bẩm sinh bi quan yếm thế, người chịu ảnh hưởng của sự thanh tịnh vô vi của Đạo Giáo (Taoism) hay người bất toại công danh thất bại liên tục trong quá trình sống. Con cái của những vị này sẽ mang tên: Bần, Hàn, An, Bi, Bế, Bất Thông, Bất Tri, Bất Minh v.v…

7. Khuynh hướng Tây phương hóa (Westernization- Occidentalisation)

Người Pháp đô hộ Việt Nam không đầy một thế kỷ nhưng đã để lại cho nước ta một số di sản vật chất, văn hóa và tôn giáo như đường sá, cầu kỳ, dinh thự, chữ quốc ngữ, đạo Thiên Chúa. Chế độ thực dân không có gì tốt nhưng những di sản nói trên không có gì xấu. Nó đánh dấu một bước tiến vượt bực trong ngành kiến trúc, xây dựng, phát triển giáo dục và giao lưu tôn giáo. Nhiều người Tây học bắt đầu đặt tên con bằng tên Pháp không phải muốn Tây phương hóa (Westernization) hay Âu hóa (Europeanization) với ước vọng canh tân đất nước mà chỉ để tập sống cho hợp thời trang thời thuộc địa mà thôi. Khuynh hướng đặt tên Pháp chia ra làm ba loại:

a. đặt hẳn tên Pháp như Denis, Robert, Jules, Pierre, Jean, Jacques, Alice, Marie, Jacqueline v.v…

b. đặt tên Pháp âm tiếng Việt hay âm từ một phần của tiếng Pháp. Khi mới nghe người ta tưởng là tên Việt Nam. Không biết đây là ý muốn của cha mẹ đứa trẻ hay là sự nhầm lẫn của các chánh lục bộ khi làm khai sinh vì không rõ tiếng Pháp. Dưới đây là các tên tiếng Việt gốc Pháp:

Tên Việt

Gốc tên Pháp

Răng

Jean

Rắc

Jacques

Giọt

George

Săng

Vincent

Be

Robert

Rinh

Jules

Lít

Alice

Dết

Juliette, Henriette

Petit

Coeur

Gros, Carreau

Bích

Pique

Minh

Émile

Oảnh

Vingt

On

Un

Bon

Point

De

Pierre

Nết

Ernest

c. tên Pháp của người nhập Pháp tịch (naturalisé) ngay khi còn ở Việt Nam. Trong trường hợp đó tên của con cái là một tên Pháp đặt trước tên cha như một cái họ dài. Thí dụ: cha tên Nguyễn Văn Ba; con trai tên Vincent. Tên đứa bé là Vincent Nguyễn Văn Ba. Thân sinh ông Phạm Ngọc Thảo là Phạm Ngọc Thuần các anh em của ông đều có gốc Phạm Ngọc Thuần và chỉ khác nhau ở tên Albert, Gaston, Lucien mà thôi. Tên đúng theo khai sinh của ông Phạm Ngọc Thảo là Albert Phạm Ngọc Thuần. Thân sinh của bà Nam Phương Hoàng Hậu là Nguyễn Hữu Hào có Pháp tịch. Tên Pháp của bà là Marie Thérèse và tên Việt là Lan. Tên Pháp tịch của bà là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào. Theo Việt Nam thì tên bà là Nguyễn Hữu Thị Lan.

Người anh trưởng của tác giả bài viết này có tên Pháp: Jules. Cha chúng tôi bị rơi vào thế bắt buộc phải đặt tên Pháp mặc dù không muốn cũng không đủ sức để chạy theo thời trang thuộc địa. Số là khi anh trưởng còn nằm trong bụng mẹ cha tôi chọn cho anh một cái tên Việt Nam. Tên nào nói ra cũng bị trùng với ông này, bà nọ bên nội, bên ngoại bên cha và bên nội và ngoại của bên mẹ. Cuối cùng cha tôi phải đầu hàng và chọn cho anh trưởng tôi tên Jules mà bà ngoại hay gọi anh là Rinh!

Trong thời kỳ đất nước qua phân ở phía nam vĩ tuyến 17 có một số cố vấn Hoa Kỳ. Học sinh Việt Nam ở miền Nam học hai sinh ngữ Pháp và Anh. Học sinh ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, học sinh gốc miền Bắc và Trung sớm chọn Anh ngữ làm sinh ngữ I và Pháp ngữ làm sinh ngữ II. Sau năm 1960 tỷ lệ học sinh học Anh ngữ cao hơn học sinh học Pháp ngữ.

Những trí thức Tây học thuộc thế hệ 1920, 1930 du học ở Pháp âm thầm sang học ở Hoa Kỳ như các ông Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Ngọc Linh, Huỳnh Văn Lang, bà Phan Thị Nguyệt Minh… Về nước những vị này là những trí thức Mỹ học phùng thời. Tiếng Anh được dạy trong học đường, Hội Việt Mỹ, Thư Viện Mỹ, các trường sinh ngữ tư thục của những người học tiếng Anh ở Hong Kong, Anh Quốc và Hoa Kỳ dạy. Anh Dương Thanh Điền sớm dạy Anh văn ở Hội Việt Mỹ từ thập niên 1960 vì khi học ở Pétrus Ký dưới thời Pháp thuộc anh sớm theo học Anh văn do ông Huỳnh Cẩm Chương, một người Việt gốc Hoa, mở trường dạy Anh Văn tư thục đầu tiên ở Sài Gòn trên đường Arras (đường Cống Quỳnh). Tư trào ái Mỹ nở rộ khi hàng trăm ngàn quân sĩ Mỹ được phái sang chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Vài trẻ em Việt Nam bắt đầu có tên tiếng Anh như Bill, Bob, John, Jack. Số trẻ em có tên Anh không nhiều lắm. Đôi khi đó chỉ là tên gọi trong nhà chớ không phải là tên trong khai sinh.

***

Việc đặt tên con là việc thông thường thế mà cũng không dễ dàng ở nước ta như ta tưởng. Trong một xã hội muốn đặt tên tốt cho con cũng không được thì xã hội ấy như thế nào? Đó là xã hội mà người cầm quyền, người đi trước rào rấp đường tiến thủ của người đi sau. Thảo dân, những người đi sau không được quyền có tên đẹp đừng nói chi đến việc học hành để tiến thân. Chuyện người anh trưởng của tôi mang tên Tây là một chuyện nhỏ trong gia đình nhưng cũng đáng suy nghĩ. Đặt tên để làm gì mà không muốn người ta gọi cũng không muốn cho bất cứ ai có tên trùng với mình? Một chuyện nhỏ như vậy đã rắc rối phức tạp thì có việc gì to tát hoàn thành trơn tru tốt đẹp được? Chỉ vì tên của một ông đốc phủ mà tên của trái xoài mất đi một chữ!!

Việc đặt tên con không thể xem thường được. Tên gần như là định mệnh của người mang tên. Trên Địa cầu có bao nhiêu người tên Bần giàu có, phát đạt? Có bao nhiêu tên Rớt đậu cấp bằng cao? Có bao nhiêu người có tên thô tục được bổ nhiệm giữ những chức vụ chỉ huy? Những người mang tên xấu hay thô tục bị bạn bè châm chọc làm sao học được. Vì vậy trách nhiệm của cha mẹ khi đặt tên cho con không nhỏ. Đặt tên còn nói lên ước vọng của cha mẹ vào tương lai của con mình. Hy vọng không mất tiền sao không dám hy vọng?

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2017