Phạm Đình Lân


Tây phương hóa

.

Hai chữ Tây Phương ngầm ám chỉ các quốc gia Âu-Mỹ sớm kỹ nghệ hóa và phát triển khoa học kỹ thuật. Các quốc gia Âu-Mỹ có những đặc điểm chung sau đây:

– Đó là những quốc gia khí hậu ôn đới, đại dương hay bán hàn đới và hàn đới.

– Người Âu-Mỹ là người da trắng theo đạo Christ tức đấng Cứu Thế Jesus (Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo, Anh Quốc Giáo).

– Các quốc gia Âu-Mỹ là những quốc gia sớm có các định chế chánh trị dân chủ. Từ năm 509 trước Tây Lịch La Mã đã có Nguyên Lão Nghị Viện kiểm soát ngân sách chi tiêu của vua chúa. Các Nghị Viên không do dân bầu. Năm 507 trước Tây Lịch vị lãnh đạo thành Athens là Cleisthemes (570 BC - 508 BC) ban hành một hệ thống cải cách chánh trị gọi là DEMOCRATIA có nghĩa quyền hành của dân tức DÂN CHỦ (Demo: nhân dân; Kratos: quyền lực). Hy Lạp và La Mã là hai cái nôi của văn minh Âu Châu từ Đại Tây Dương đến dãy núi Urals và từ Địa Trung Hải đến các nước Bắc Âu. Năm 1215 vua John nước Anh (Vua 1199 - 1216) ban hành Đại Hiến Chương Tự Do (Magna Carta Libertinum) viết bằng tiếng La Tinh. Truyền thống dân chủ của Anh bắt đầu từ đó cho đến ngày nay mặc dù Anh không có hiến pháp chi cả vì đã có Great Charter of Liberties (Magna Carta Libertinum) được vua John ban hành từ năm 1215 ở Runnymede rồi. Hoa Kỳ có hiến pháp thành văn từ năm 1787. Đó là quốc gia có hiến pháp thành văn từ ngày lập quốc đến nay vẫn còn hiệu lực với một vài tu chính án. Pháp có hiến pháp năm 1791. Từ đó đến năm 1958 Pháp thay đổi hiến pháp 05 lần. Đệ ngũ Cộng Hòa Pháp được khai sinh khi thiếu tướng Charles de Gaulle trở lại nắm chánh quyền năm 1958.

– Các quốc gia Âu-Mỹ sớm dân chủ hóa như Anh, Hoa Kỳ, Pháp đều là những quốc gia sớm phát triển khoa học kỹ thuật. Thế kỷ 18 là thế kỷ của cách mạng, của triết lý chánh trị tự do và dân chủ, của sự phát triển của chế độ đại nghị và của cách mạng kỹ nghệ ở Anh. Chủ nghĩa đế quốc (impérialisme) theo sau sự phát triển kỹ nghệ, thành quả của nền giáo dục thế tục, dân chủ và cưỡng bách. Từ thế kỷ 15, với sự phát triển hàng hải, Bồ Đào Nha sớm chinh phục thuộc địa ở Phi Châu. Họ đến Ấn Độ, chiếm Goa, đến Singapore, vượt qua eo biển Malacca để đến Indonesia. Ở Nam Mỹ họ có Brazil. Người Tây Ban Nha bành trướng ảnh hưởng ở Mỹ Châu và đến Đông Nam Á chiếm quần đảo Phi Luật Tân. Hòa Lan phát triển ảnh hưởng ở Bắc Mỹ, Nam Phi và lấn áp Bồ Đào Nha để giành ảnh hưởng trọn vẹn trên quần đảo Indonesia. Anh bành trướng ảnh hưởng ở Bắc Mỹ (Canada, Hoa Kỳ) (đụng chạm với Pháp và Hòa Lan), ở Nam Phi (đụng chạm với Hòa Lan – người Boers), ở Ấn Độ (đụng chạm với Bồ Đào Nha, Pháp), Singapore, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan bằng cách di dân Ái Nhĩ Lan và Anh sang hai vùng đất rộng lớn ở Nam Bán Cầu này. Chủ nghĩa đế quốc ra đời vào đầu thập niên 1880. Các nước Trung Đông, Bắc Phi, Đông Phi, Tây Phi, Trung Phi và Nam Phi, các nước Á Châu – ngoại trừ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan – đều trở thành thuộc địa của Anh, Pháp, Hòa Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Ý, Hoa Kỳ. Hai quốc gia to lớn và đông dân cũng không thoát khỏi sự đe doạ của các cường quốc Âu-Mỹ. Ấn Độ là thuộc địa của Anh. Goa bị Bồ Đào Nha chiếm. Pháp cùng chiếm một số tỉnh của Ấn Độ dọc theo duyên hải Ấn Độ. Vào thế kỷ 19 Trung Hoa bị các liệt cường Âu-Mỹ kể cả Nhật xâu xé. Nga có ảnh hưởng lớn ở Mãn Châu, chiếm Port Arthur (cảng Lữ Thuận); Anh chiếm Hong Kong sau chiến tranh nha phiến; Pháp thuê Guangzhouwan (Quảng Châu Loan), lập thiết lộ Hà Nội-Yunnan (Vân Nam), có tô giới ở Shanghai (Thượng Hải). Bồ Đào Nha chiếm Macao từ thế kỷ 16. Đức chiếm bán đảo Shandong (Sơn Đông) vào cuối thế kỷ 19. Việt Nam bị Pháp đô hộ. Phi Luật Tân đổi chủ từ Tây Ban Nha sang Hoa Kỳ năm 1898 sau khi Tây Ban Nha bị Hoa Kỳ đánh bại trong chiến tranh Cuba.

Các cường quốc Âu-Mỹ có thuộc địa khắp nơi trên thế giới đã Tây Phuơng hoá các nước thuộc địa qua:

1. Tôn Giáo: Người bản địa thời hậu Columbus ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và trên các hải đảo trong biển Caribbean theo đạo Thiên Chúa vì ảnh hưởng của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (Brazil). 90% người Phi Luật Tân theo đạo Thiên Chúa vì quần đảo nầy đặt dưới sự đô hộ của người Tây Ban Nha. Năm 1521 Tây Ban Nha tự xác nhận chủ quyền trên quần đảo Phi Luật Tân. Tên quần đảo Philippines mà người Trung Hoa âm thành Phi Luật Tân là tên của vua Philip II (1527 – 1598 – vua: 1556 - 1598). New Guinea, Angola, Mozambique có tỷ lệ tín đồ Thiên Chúa Giáo cao hơn các tôn giáo khác là do ảnh hưởng của người Bồ Đào Nha. Tình trạng tương tự được tìm thấy ở Goa (Ấn Độ) và Macao (Trung Hoa).

Ở Việt Nam đạo Thiên Chúa được truyền giảng bởi các giáo sĩ Tây Ban Nha, thuộc dòng Dominican (Đa Minh) vào thế kỷ 16 dưới triều Mạc Đăng Doanh (vua: 1530 - 1540). Cuộc nội chiến giữa hai họ Trịnh-Nguyễn kéo dài 45 năm (1627 - 1672). Hai phe giao chiến ngưng chiến bằng cách chia đôi hai miền lấy sông Gianh làm đường ranh qua phân. Phía bắc sông Gianh là Bắc Hà hay Đàng Ngoài. Phía nam sông Gianh gọi là Nam Hà hay Đàng Trong. Ở Đàng Trong đạo Thiên Chúa do các giáo sĩ Bồ Đào Nha và Pháp dòng Jesuit (Dòng Tên) truyền giảng. Đến hậu bán thế kỷ 19 Pháp chiếm Nam Kỳ, đạo Thiên Chúa phát triển nhanh chóng ở đó. Pigneau de Behaine là một giám mục Pháp giảng đạo Thiên Chúa ở Hà Tiên, Hòn Đất. Ông là người đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp làm con tin để xin Pháp hoàng Louis XVI giúp đỡ cho Nguyễn Ánh trong cuộc nội chiến giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn (1771- 1801). Pigneau de Behaine đại diện cho Nguyễn Ánh ký hiệp ước Versailles năm 1787. Vì cách mạng 1789 bùng nổ. Vua Louis XVI không giúp đỡ gì được cho Nguyễn Ánh. Pigneau de Behaine mộ binh giúp cho Nguyễn Ánh đánh nhau với Tây Sơn. Ông chết trước khi nhà Tây Sơn sụp đổ. Người đương thời gọi ông là Cha Cả (vì ông là giám mục). Mộ của ông ở Tân Bình, tỉnh Gia Định, được gọi là Lăng Cha Cả. Lúc bấy giờ những người giỏi chữ quốc ngữ và Pháp ngữ phần lớn đều là những tín đồ Thiên Chúa Giáo như Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Philippe Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ), Trần Bá Lộc, Trần Tử Ca, Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương v.v.. Ở Bắc Bộ có Lê Duy Phụng hay Lê Bảo Phụng hay Tạ Văn Phụng, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố v.v.. Ở Trung Bộ có Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả, Trần Trọng Kim v.v..

2. Ngôn ngữ: Chữ viết của người Âu Mỹ dựa theo mẫu tự La Tinh. Chữ viết của Nga dựa theo mẫu tự Cyrillic (1) phát xuất từ mẫu tự Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia là hai quốc gia Hồi Giáo rộng lớn và đông dân. Họ có chữ viết La Tinh hóa sau khi tiếp xúc với người Tây Phương. Các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ, ngoại trừ Brazil, nói tiếng Tây Ban Nha và dùng chữ viết của nước này. Brazil chịu ảnh hưởng của Bồ Đào Nha về tôn giáo (Thiên Chúa Giáo) lẫn ngôn ngữ và chữ viết. Chữ quốc ngữ hiện hành ở Việt Nam là thành quả của những cuộc nghiên cứu ngôn ngữ La Tinh hóa của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Pháp thuộc dòng Jesuit. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes của Pháp được ghi nhận là người có nhiều công lao trong việc khai sinh ra chữ quốc ngữ để tiện việc giảng đạo. Công trình của ông được Pigneau de Behaine tiếp nối và cải thiện đôi chút để giảng dạy các tín đồ Thiên Chúa Giáo sống trong vùng Vịnh Xiêm La. Phi Luật Tân có rất nhiều thổ ngữ. Thổ ngữ được nhiều người Phi Luật Tân dùng là Tagalog. Khi tiếp xúc với người Tây Ban Nha, nhiều từ Tây Ban Nha được vay mượn trong tiếng Tagalog. Hiện nay tỷ lệ người Phi Luật Tân nói tiếng Anh rất cao. Nhưng phần lớn tên của người Phi Luật Tân là tên Tây Ban Nha như Marcos, Claudita, Arroyo, Thomasa, Aquino v.v.. Trong tiếng Việt có nhiều Hán-Việt rõ hơn là Hán gốc Guangdong (Quảng Đông – Cantonese. Thực tế Canton không phải là Quảng Đông mà là Guangzhou < Quảng Châu >, thủ phủ của Guangdong). Thí dụ: chợ: thị; con chó: khuyển, cẩu; con gà: v.v.). Khi tiếp xúc với người Pháp thì ta vay mượn và Việt hoá toàn bộ những từ Pháp ngữ trong:

thức ăn, thức uống Tây Phương không có ở Việt Nam trước đó như bíp-tết, ra-gu, cà-ri, mù-tạt, rượu bia, rượu vang (rượu chát; rượu nho), lê-mô-nát; trái ‘pomme’, bánh bít-qui, bơ, phô-mát, ba-tê-sô, xúc-xích, giăm-bông, ốp-la, ôm-mơ-lét v.v.

dụng cụ ăn uống, nấu nướng và gìn giữ thức ăn: cái tách, cái cúp, cái cùi-dìa, cái nĩa (không có ở nước ta trước khi người Pháp đến), cái rề-sô, cái tủ lạnh phờ-ri-gi-đe (Frigidaire: hiệu tủ lạnh), cái gát-măng-giê v.v.. Bia Qingdao (Tsingtao – Thanh Đảo) của Trung Quốc nổi tiếng là nhờ người Hoa học kinh nghiệm cất rượu bia của người Đức khi họ chiếm đóng trên bán đảo Shandong.

cây cối như cây cao-su, cây cà phê.

thực vật như cải xà-lách, xà lách son; cà rốt, cà tô mát, đậu bơ-tí-boa v.v..

âm nhạc như đờn măng-đô-lin; đờn băng-giô; đờn ghi-ta, vi-ô-lông, kèn trom-bét

thể thao như me (main – tiếng Pháp), bê-nanh-ti, chặt cót-ne, giữ gôn – Anh; banh bông, banh, tơ-nít, vô-lây, đánh bốc v.v.. Những chữ đánh bốc, nốc ao, nốc đau, bê-nanh-ti, cót-ne, gôn, vô-lây, banh-bông đều xuất phát từ tiếng Anh boxing, knock out, knock down, penalty, corner, goal, volley, pingpong v.v..

tên nước, địa danh và tên nhân vật: Việt Nam dùng sự phiên âm tên quốc gia, tên các thành phố lớn và tên nhân vật ngoại quốc trên thế giới của người Hoa âm từ các ngôn ngữ Tây Phương. Thí dụ: France: Pháp Lang Sa; England (Angleterre): Anh; Germany (Allemagne): Nhật Nhĩ Man; America (Amerique): A Mỹ Lệ Gia; Iceland (Icelande): Ích Lan; Ireland (Irlande): Ái Nhĩ Lan; Russia (Russie): Nga La Tư; Yugoslavia (Yougoslavie): Nam Tư Lạp Phu; Holland (Hollande): Hà Lan; Thailand (Thailande): Thái Lan; Paris: Ba Lê; Rome: La Mã; Washington: Hoa Thịnh Đốn; New York: Nữu Ước; Moscow (Moscou): Mạc Tư Khoa; Montesquieu: Mạnh Đức Tư Cưu; La Fontaine: Lã Phụng Tiên; Garibaldi: Gia Lý Ba Đích; Marx: Mã Khắc Tư v.v..

tên gọi: Những tên gọi Răng, Rắc, Ve, Minh, Tí, Lít, Dết, Be thoạt mới nhìn tưởng là tên Việt Nam không ngờ đó là tên âm từ tiếng Pháp Jean, Jacques, Pierre, Émile, Petit, Alice, Juliette, Robert v.v.. Vào thập niên 1960 ở miền Nam Việt Nam xuất hiện vài nhi đồng Việt Nam mang tên Bill, Bob, John, dư âm của văn hóa Hoa Kỳ trên đất Việt.

hộ tịch: Trước khi tiếp xúc với người Pháp khái niệm khai sinh, khai tử, hôn thú vắng bóng ở nước ta. Những từ trên được dịch từ acte de naissance, acte de décès, acte de marriage. Những tờ giấy này rất quan trọng trong các cuộc tranh chấp tài sản thường xảy ra trong xã hội minh chứng qua câu: Nhất hộ hôn; nhì điền thổ.

kỹ thuật: như dây lập-lòng (fil à plomb), con vít; cái bù-lon, cái tuột-nơ-vít; sô-phưa (chauffeur – tài xế), ba-ga, ghi-đông, dây sênh, cát-tê, xe mô-tô, xe hủ-lô (rouleau), xe ô-tô, cây dên (bielle), cây láp (l'arbre) v.v..

chánh trị và kinh tế: tổng thống chế (régime présidentiel), đại nghị chế (régime parlementaire), quân chủ chuyên chính, quân chủ lập hiến, phát-xít, Cộng Sản, Tư Bản, Sô-viết, tam quyền phân lập (séparation des trois pouvoirs), ngũ quyền phân lập (của Trung Hoa Quốc Dân Đảng), dân chủ, tự do, độc tài, tập đoàn lãnh đạo, cách mạng, khủng bố, chế độ quả đầu (régime oligarchique), hiến pháp, quốc hội, hành pháp, lập pháp, tư pháp v.v.. Chủ nghĩa trọng nông, trọng thương, kinh tế tư bản hay kinh tế thị trường, kinh tế chỉ huy, chủ nghĩa xã hội khuynh hướng Thiên Chúa Giáo hay khuynh hướng Cộng Sản, chủ nghĩa Dân Túy (Populisme), chủ nghĩa Vô Chánh Phủ (Anarchisme) của Mikhail Bakunin, chủ nghĩa duy vật (Materialism) hay chủ nghĩa duy tâm (Spiritualism), tự do mậu dịch, bảo vệ mậu dịch (protectionisme), phong trào nghiệp đoàn (Mouvement Syndical) v.v. đều là sản phẩm của người phương Tây. Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) khai sinh ra Tam Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I) sau khi chịu ảnh hưởng của văn hóa Hoa Kỳ và Anh Quốc qua quá trình sống ở Hawaii và học y khoa ở Hồng Kông. Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đưa ra khẩu hiệu Vì Dân, Do Dân, Bởi Dân. Khẩu hiệu này tạo nguồn cảm hứng cho:

trong Tam Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I). Sun Yat Sen và gia đình họ Tống bên vợ ông đều là tín hữu Tin Lành thấm nhuần văn hoá phương Tây. Các học giả Li Dazhao (Lý Đại Triều), Chen Duxiu (Trần Độc Tú) là những người mang chủ nghĩa Marxism vào Trung Hoa. Ở Việt Nam Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh sau nầy) là người được Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản đào luyện để mang chủ nghĩa Cộng Sản thâm nhập vào Việt Nam ngay từ năm 1925 từ Guangzhou (Quảng Châu) (Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội). Chủ nghĩa Marxism có mặt khắp thế giới phát xuất từ phương Tây. Chủ nghĩa này bành trướng vững mạnh sau khi Lenin thành lập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern) năm 1919. Những chữ Sô-viết, Bôn-xê-vít, Men-xê-vít, Kom-sô-môn trong tiếng Việt đều phát xuất từ Nga như Soviet (chánh quyền nhân dân), Bolshevik (Cộng Sản phái đa số), Menshevik (Cộng Sản phái thiểu số), Komsomol (Thanh Niên Cộng Sản Đoàn).

'Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh’. Do đó tiếng Anh thịnh hành khắp thế giới. Tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thương mại quốc tế vì Anh và Hoa Kỳ là hai cường quốc kinh tế và thương mại có tầm vóc lớn trên thế giới.

Ấn Độ có:

Anh ngữ là quốc ngữ của Anh, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan. Nó có vai trò quan trọng ở Nam Phi (ngôn ngữ thứ hai), Singapore, Hong Kong và nhiều quốc gia Phi Châu. Ở Singapore 42% dân số sinh ngoài Singapore. Vì vậy tiếng Anh rất quan trọng đối với đảo quốc có trình độ phát triển kinh tế và thương mại quan trọng nhất ở Đông Nam Á nầy. Người lập quốc Singapore, Lee Kuan Yew (1923 - 2015), há không học ở Anh Quốc sao? Ngày nay 190 quốc gia trên thế giới ngày nay đều học và biết tiếng Anh. Anh ngữ nối kết các dân tộc sống trên Trái Đất.

Kinh tế thị trường hay kinh tế chỉ huy đều xuất phát từ các nước Tây Phương. Khái niệm về ngân hàng sớm chào đời ở Assyria (Trung Đông) vào năm 2000 trước Tây Lịch, rồi Hy Lạp, La Mã từ ngàn năm trước. Theo vài tài liệu, ngân hàng cổ xưa ở Âu Châu là ngân hàng Taula de la Ciutat ở Barcelona, Tây Ban Nha, thành lập năm 1401.

Địa danh ngân hàng

Năm thành lập

Barcelona, Tây Ban Nha

1401

Hamburg, Đức

1590

London, Anh

1672

New York, Hoa Kỳ

1784

Nhật Bản là quốc gia Á Châu đầu tiên sớm canh tân đất nước bằng cách học hỏi những nét ưu việt của Tây Phương nhưng vẫn giữ sắc thái văn hóa, chánh trị đặc thù của Nhật Bản. Nhật không quan tâm đến chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ, cách mạng 1789, 1830, 1848, cách mạng vô sản Nga 1917, những chủ nghĩa xã hội duy vật hay Thiên Chúa Giáo nhưng để ý đến tinh thần kỷ luật và cần cù lao động của người Đức dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Tể Tướng Otto Von Bismarck (1815 - 1898), sức mạnh của Anh Quốc trên biển cả và thương trường quốc tế và sức mạnh kinh tế và khoa học kỹ thuật của Hoa Kỳ. Nhật Bản Tây Phương hóa với tinh thần sáng tạo và tiến thủ độc đáo. Họ học nơi Tây Phương để vươn lên để được bình đẳng hay vượt qua chớ không phải để hàng phục và bị Tây Phương đồng hoá. Hiến pháp 1889 của họ phỏng theo hiến pháp của Đức. Nó không do Quốc Hội Lập Hiến soạn thảo mà do ông Ito và ủy ban thảo hiến của ông viết ra. Nhật là một quốc gia quân chủ lập hiến. Thiên Hoàng luôn luôn được tôn kính yêu vì như từ thuở lập quốc năm 600 trước Tây Lịch. Sau 30 năm canh tân Nhật chứng minh thành quả của việc Tây Phương hóa bằng cách đánh bại Trung Hoa năm 1894, đánh bại Nga vào năm 1904 ở Mãn Châu và 1905 ở eo biển Tsushima (eo Đối Mã) bằng võ khí do chính họ chế tạo ra. Nhật đóng vai cường quốc Âu Châu trong Bát Quốc Liên Quân năm 1901 ở Beijing (Bắc Kinh). Họ không quan tâm đến Marxism và Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản do Lenin thành lập. Họ sớm hội nhập với chủ nghĩa đế quốc khi tách rời đảo Taiwan ra khỏi Trung Hoa (1895) theo tinh thần hoà ước Shimonoseki. Họ chiếm nửa đảo Sakhalin của Nga sau khi đánh bại Nga. Họ gây ảnh hưởng trên bán đảo Shandong sau khi Đức bại trận trong đệ nhất thế chiến. Họ xua quân vào Mãn Châu và thành lập Manchukuo (Mãn Châu Quốc) năm 1932, xâm lăng Trung Hoa năm 1937. Nhật Bản phỏng theo chủ nghĩa của tổng thống Monroe của Hoa Kỳ với khẩu hiệu Châu Mỹ của người Mỹ Châu để khai sinh ra chủ thuyết Đại Đông Á Thịnh Vượng Chung vào thập niên 1930 với khẩu hiệu Châu Á của người Á Châu..

3. Y phục: Khắp thế giới ngày nay đều mặc Âu phục tức áo sơ-mi tay ngắn hay tay dài, mặc quần sọt (short) hay quần dài, mang cà vạt, đội nón nỉ. Đầu hớt tóc ngắn, cằm được cạo râu nhẵn nhụi. Sang trọng hơn thì mặc áo bành-tô (paletot); chân mang giày da; cổ mang cà-vạt ngũ sắc. Phụ nữ ở thành phố không còn để búi tóc mà uốn tóc quăn. Nữ quyền được đề cao. Phụ nữ được đi học và làm việc ở các cơ quan công quyền. Đôi guốc hay đôi dép được thay thế bằng đôi dép da hay đôi giầy cao gót của phụ nữ Âu-Mỹ.

Xem phim Hong Kong mà thấy nhân vật chính trong phim mặc quốc phục Trung Hoa với áo cao cổ, nút thắt bằng vải thì người xem tự nhiên có cảm giác đó là một nhân vật ít cởi mở, tánh tình bảo thủ gay gắt khó chịu.

Cái tông-đơ, dao cạo của thợ hớt tóc, cái bàn ủi than hay bàn ủi điện, cái máy may, sợi dây thắt lưng da… vắng bóng ở các quốc gia thuộc địa trên thế giới. Chúng là sản phẩm của các quốc gia Tây Phương tức các quốc gia Âu-Mỹ.

Vài lãnh tụ quốc gia trên thế giới mặc quốc phục như thủ tướng Ấn Độ, các quân vương Á Rập Hồi Giáo nhưng trên áo quần của các vị ấy có ấn dấu của đường kim, sợi chỉ và mảnh vải sản xuất từ các nước Tây Phương. Đôi giày mà các vị ấy mang cũng phảng phất ấn dấu Tây Phương.

Để nêu gương canh tân Thiên Hoàng Meiji (Minh Trị) hớt tóc ngắn, để râu kiểu Napoléon III, mặc lễ phục như các quân vương Âu Châu. Mạnh dạn hơn, Thiên Hoàng Meiji tham dự các buổi dạ vũ như gởi một thông điệp rằng cái gì người Tây Phương làm được người Nhật cũng làm được. Dân chúng Nhật ăn mặc như người Âu-Mỹ. Phụ nữ Nhật ăn mặc như phụ nữ Âu-Mỹ nhưng không vì vậy mà chiếc áo kimono bị mai một. Ở Nhật áo kimono đắt hơn Âu phục phụ nữ rất nhiều. Nó được mặc trong những ngày trọng đại mà thôi. Bộ quân phục hakama của các hiệp sĩ Nhật ngày xưa đã được thay thế bằng quân phục của quân sĩ Âu-Mỹ. Ngày nay quân sĩ khắp thế giới đều mặc quân phục Âu-Mỹ, mang giày ống với quân hàm phỏng theo tổ chức quân đội của các nước Tây Phương.

Phan Châu Trinh là nhà nho Việt Nam hớt tóc ngắn, để râu cá chốt, mặc Âu phục, mang cà-vạt và mang giày da. Ông là nhà nho thấm nhuần tư tưởng Khổng-Mạnh nhưng ông mạnh dạn đả kích Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ở Nhật năm 1906 và vua Khải Định khi thăm viếng Pháp năm 1922. Ông là phó bảng không hướng về văn hóa Trung Hoa mà hướng về DÂN CHỦ Tây Phương. Ông sống ở Paris nhưng không quan tâm đến Paris Công Xã hay cách mạng 1917 của Nga. Ông là nhà nho cách mạng đầu tiên quan tâm đến sự phát triển và độc lập KINH TẾ và sự mở mang DÂN TRÍ trong sự nghiệp đấu tranh của mình.

4. Văn hóa và tư tưởng chánh trị - xã hội: Các thuộc địa của Pháp đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hóa Pháp thời thế kỷ triết học (thế kỷ 18) và thế kỷ lãng mạn (thế kỷ 19). Những tác phẩm Esprit des LoisContrat Social của Montesquieu và Jean Jacques Rousseau được dịch sang Nhật ngữ và Hoa ngữ. Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) (2) là người có công đưa giáo dục Tây Phương vào nước Nhật. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội theo gương của ông ấy. Nhà cách mạng duy tân Phan Châu Trinh đọc Esprit des LoisContrat Social qua bản dịch bằng Hoa ngữ. Hai học giả Trung Hoa quan tâm nhiều đến cuộc canh tân theo gương Meiji (Minh Trị) vào hậu bán thế kỷ 19 là Kang Yu Wei (Khang Hữu Vi) và Leang Ki Chao (Lương Khải Siêu). Ảnh hưởng của văn thơ lãng mạn Pháp rất đậm nét ở Việt Nam vào thập niên 1930. Từ năm 1865 Pétrus Trương Vĩnh Ký cho ra đời tờ Gia Định Báo, tờ báo đầu tiên của Việt Nam. Các ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký viết và dịch hàng trăm quyển sách từ Pháp ngữ ra quốc ngữ hay ngược lại. Nhà văn Hồ Biểu Chánh đưa Don Rodrigue trong Le Cid của Corneille và Jean Valjean trong Les Misérables của Victor Hugo vào trong tiểu thuyết của ông. Ông là tiểu thuyết gia đầu tiên ở Việt Nam. Trương Minh Ký dịch Ngụ Ngôn La Fontaine và nhiều tác phẩm Pháp ngữ khác. Sau ông có Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh am tường quốc ngữ, Pháp ngữ, Hán tự. Quốc ca La MarseillaiseL’internationale (Quốc Tế Ca) ảnh hưởng đến phong trào yêu nước và phong trào Cộng Sản ở Trung Hoa và Việt Nam.

5. Dương Lịch (Gregorian Calendar): Loài người đã biết làm lịch từ lâu. Trên thế giới tạm tóm tắt có 03 loại lịch: Dương Lịch, Âm Lịch, Âm-Dương Lịch.

Lịch Gregorian hiện hành là Dương Lịch.

Lịch của Trung Hoa, lịch Hồi Giáo là Âm Lịch.

Lịch Pachanga của Ấn Độ là Âm-Dương Lịch.

Dương Lịch Gregorian ra đời năm 1582. Các quốc gia Âu Châu chịu ảnh hưởng Thiên Chúa Giáo La Mã dùng lịch nầy. Các quốc gia theo Chính Thống Giáo như Nga, Hy Lạp theo lịch Julian.

Việt Nam theo lịch Gregorian khi bị người Pháp đô hộ. Âm Lịch và Dương Lich tồn tại song song ở Việt Nam và Trung Hoa. Âm Lịch được dùng trong những ngày lễ lịch sử, giỗ chạp, Tết nguyên đán v.v.. Nông dân Việt Nam làm mùa, xem Tử Vi dựa vào Âm Lịch.

Trung Hoa theo Dương Lịch sau cách mạng Tân Hợi 1911 cụ thể là năm 1912.

Nga chuyển từ lịch Julian sang lịch Gregorian (Dương Lịch) sau cách mạng 1917 (lịch Gregorian đi trước lịch Julian 13 ngày), cụ thể là năm 1918.

Nhật Bản dùng Dương Lịch vào năm 1873, 05 năm sau cuộc canh tân của Meiji . Từ đó về sau Nhật Bản không cử hành Tết nguyên đán như trước.

Thái Lan dùng Dương Lịch vào năm 1889.

Thổ Nhĩ Kỳ dùng Dương Lịch vào năm 1917.

Ngày nay Dương Lịch được dùng khắp thế giới. Đó là sự Tây Phương hóa của các quốc gia trên hoàn vũ vậy.

6. Sự giải phóng con người: Hiến pháp và luật pháp Tây Phương giải phóng con người với ý niệm con người sinh ra đều bình đẳng và được hưởng tự do và các quyền căn bản của con người (tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do di chuyển v.v.) và quyền sống, quyền học hành, quyền lập hội và các quyền căn bản khác. Văn hóa Tây phương dân chủ hóa sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân loại. Nó giựt sập những hình phạt ghê rợn như ném đá tử tội cho đến chết, tru di tam tộc ở các nước quân chủ chuyên chính trên thế giới. Nó làm suy yếu ý niệm nam trọng nữ khinh; trai năm thê bảy thiếp thường thấy trong xã hội phong kiến Khổng Giáo, Hồi Giáo, Ấn Giáo. Sự kỳ thị nam-nữ gạt bỏ 50% dân số ra ngoài mọi sinh hoạt của quốc gia. Phụ nữ Việt Nam chỉ được quyền đi học và làm việc ở các cơ quan công quyền vào đầu thế kỷ 20 mà thôi.

Trớ trêu thay! Ở Việt Nam luật pháp thuộc địa lại nhân đạo hơn luật pháp của vua chúa. Luật pháp thuộc địa minh định rõ rằng ai phạm tội thì bị trừng phạt chớ không có cách trị tội tập thể dưới dạng tru di tam tộc thường thấy dưới chế độ quân chủ chuyên chính (bản án Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15 và Cao Bá Quát vào thế kỷ 19). Nam Kỳ (Nam Bộ) là thuộc địa (colonie) của Pháp. Luật pháp ở Nam Kỳ là luật pháp của Pháp trong khi Trung Kỳ (Trung Bộ) và Bắc Kỳ (Bắc Bộ) là đất bảo hộ (protectorat) nơi vẫn còn các vua nhà Nguyễn và luật pháp Nam triều. Luật pháp của Pháp không gay gắt như luật pháp Nam triều.

Năm 1908 dân chúng Quảng Nam, Quảng Ngãi biểu tình chống thuế. Ông nghè Trần Quí Cáp dạy học ở Nha Trang gởi thơ cho một người bạn ở Quảng Nam để bày tỏ sự vui mừng về việc làm của những người đồng hương Quảng Nam của ông. Bức thơ của ông bị phát hiện. Chiếu theo luật pháp Nam triều ông bị xử chém ngang lưng vì hưởng ứng loạn đầu bào, từ ngữ dành cho dân Quảng Nam cắt tóc ngắn trước khi đi biểu tình chống thuế. Chánh quyền thuộc địa Pháp từng dùng luật Nam triều do các quan án sát Việt Nam xử án những nho gia yêu nước như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La Nguyễn Thành, Trần Quí Cáp, Lương Văn Can v.v. để củng cố sự đô hộ của họ trên bán đảo Đông Dương. Vì hai chế độ tư pháp khác nhau giữa Nam Kỳ và Trung-Bắc Kỳ mà tiến sĩ Phan Văn Trường và nhà cách mạng duy tân Phan Châu Trinh không về Hà Nội hay Quảng Nam từ Paris vào thập niên 1920 mà về Sài Gòn và Gia Định. Năm 1922 khi vua Khải Định và hoàng tử Vĩnh Thụy (Bảo Đại) sang Pháp ông bị Phan Châu Trinh kịch liệt đả kích. Nếu Phan Châu Trinh về Quảng Nam biết đâu ông bị luật Nam triều xử tội khinh quân hay một tội chống Pháp nào đó!

Dưới triều Nguyễn nước ta là một quốc gia độc lập nhưng phải triều cống Trung Hoa. Từ năm 1806 đến 1918 Việt Nam có tổ chức các kỳ thi Hương (lấy cử nhân), thi Hội (lấy tiến sĩ) và thi Đình (phân cấp hạng tiến sĩ). Trong Lục Bộ (Bộ Lại < Nội Vụ >, Bộ Lễ < Tôn Giáo, Ngoại Giao, Giáo Dục >, Bộ Công < Công Chánh >, Bộ Hình  < Tư Pháp >, Bộ Binh < Quốc Phòng >, Bộ Hộ <.Tài Chánh >) không có bộ Giáo Dục. Bộ Lễ đặc trách về nghi lễ, tôn giáo, ngoại giao và giáo dục. Mãi đến năm 1932 mới có Bộ Học (Giáo Dục). Các trường công lập ở các địa phương chỉ nở rộ dưới thời Pháp thuộc! Quốc Tử Giám ở kinh đô chỉ dành cho con quan học mà thôi. Chương trình học chỉ xoáy vào thơ văn và tư tưởng tuyệt đối đúng của đức Khổng Tử (Confucius) hay Mạnh Tử (Mencius). Nhân tài là những nhà thơ, những người am tường Hán tự, lời dạy của Thánh Hiền và sự quán thông tư tưởng và hành động của một số nhân vật danh tiếng của Trung Hoa. Tiến sĩ Phan Thanh Giản được cử giữ thành Vĩnh Long (1867). Phó bảng Hoàng Diệu được cử giữ thành Hà Nội (1882). Cả hai vị đều dùng cái chết của mình để nói lên sự bất lực của nhà nho trong sứ mệnh quốc phòng trước sức mạnh của võ khí và cơ giới Tây Phương. Hai thất bại trên cho thấy:

– sự sử dụng nhân sự không đúng chỗ

– quân bình lực lượng không tương xứng. Địch có các sĩ quan chỉ huy tốt nghiệp các trường quân sự. Cấp chỉ huy quân sự của ta là các nhà nho đỗ đạt trong các kỳ thi tam trường. Địch dùng súng ngắn, súng dài, đại bác có tầm tác xạ xa. Ta dùng gươm giáo, gậy gộc để chống trả.

– thói quen đề cao kẻ SĨ và khinh thường binh nghiệp. Cho dù canh tân quân đội với binh khí thô sơ cũng không đương cự lại võ khí của Tây Phương lúc bấy giờ. Trung Hoa là quốc gia mà Việt Nam thán phục cũng không làm được gì trước sức mạnh của võ khí phương Tây.

Các nước phương Tây sớm thi hành chế độ cưỡng bách giáo dục, đề cao một nền giáo dục thế tục, dân chủ và thực dụng với các bộ môn toán học, vật lý, hóa học, vạn vật học để đào tạo những nhân tài cống hiến sở học của họ vào việc phát triển quốc gia làm cho dân giàu, nước mạnh về kinh tế, thương mại lẫn quốc phòng.

So với xu hướng phát triển của xã hội loài người từ hậu bán thế kỷ 18 về sau, xã hội Khổng Giáo của chúng ta phô bày một số nhược điểm đại cương như sau:

a. không ai được quyền có tư tưởng hay ý kiến trái ngược với lời dạy của Đức Khổng Tử. Tính bất biến nầy dẫn đến sự ngưng đọng toàn diện của mọi sáng kiến và sáng tạo bởi Đức Khổng Tử là biểu tượng của sự Hoàn Hảo rồi.

b. Nam trọng, nữ khinh (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô). Tại sao có sự bất bình đẳng kỳ lạ ngay trong gia đình? Con gái không được đi học, không được học nghề của gia đình (nữ sinh ngoại tộc), không được hưởng gia tài của cha mẹ nếu có chồng v.v.

c. Trai năm thê bảy thiếp. Gái chính chuyên một chồng: Ý niệm này tự nó thiếu thăng bằng. Tự nó phá vỡ công bằng và bình đằng trong xã hội. Nếu có câu đối ngược lại thì xã hội ra sao? Chế độ đa thê khó đảm bảo hạnh phúc trong gia đình. Để nuôi đông đảo con cái, nếu có quyền hành, e khó thoát cảnh tham nhũng, thụt két, hối lộ v.v.. Hạnh phúc vẫn bị sứt mẻ cho dù có thừa tiền bạc để mang no cơm, ấm áo cho gia đình. Đó là chưa nói đến sức khỏe và tuổi thọ của người chồng đa thê. Đàn ông có 07 điều bỏ vợ (Thất Xuất: 1. không con trai 2. không thờ kính cha mẹ chồng 3. dâm dật 4. ác tật 5. trộm cắp 6. ghen tuông 7. lắm điều khẩu thiệt). Đàn bà chỉ có 03 điều được bảo vệ không bị chồng bỏ (Tam Bất Xuất: 1. ăn ở với chồng lúc hàn vi 2. để tang bên nhà chồng 03 năm 3. không có nơi nương tựa nếu bị chồng bỏ).

d. Sống vì mồ mả; không ai sống cho cả bát cơm. Thật không thực tế vì sự ràng buộc vô hình này. Nó không phù hợp với hoàn cảnh chánh trị và xã hội và nhiều yếu tố phức tạp khác không ai có thể tiên liệu được. Nó cũng là sự trói buộc óc phiêu lưu mạo hiểm và cầu tiến tự nhiên của con người. Nó không tạo chân trời sáng hay tương lai vui tươi, hạnh phúc cho hậu thế mà ràng buộc hậu thế vào những nấm mồ thê lương, ảm đạm cho đến cuối đời.

e. Xã hội 04 giai tầng Sĩ, Nông, Công, Thương: Xã hội trọng vọng và đề cao kẻ SĨ hơn các nghề còn lại. Điều này vẫn còn ảnh hưởng với câu: Muốn có tiền đi làm hành chánh của thời hiện đại. Đó là những người nhàn nhã, ngồi nhà mát ăn bát vàng, tránh nắng, trốn mưa trong một nước nông nghiệp có tỷ lệ mù chữ cao. Đó là ước vọng ích kỷ của con người hoàn toàn thất lợi cho sự phát triển và mở mang công thương nghiệp đòi hỏi sự động não và óc phiêu lưu mạo hiểm. Một quốc gia có nhiều người ăn không ngồi rồi, không làm động đến móng tay nhưng thụ hưởng sự giàu sang phú quí thì quốc gia ấy ra sao?

f. Trọng người cao niên nhưng không chú trọng đến việc đào tạo và nâng đỡ mầm non: Nhân danh tuổi tác và kinh nghiệm người cao niên vô tình ngăn chặn đường tiến thủ của thế hệ trẻ với ý niệm MĂNG không đủ cao và không cứng chắc bằng TRE. Thế hệ cao niên giữ lấy kinh nghiệm của mình như một của quí cho đến chết. Thế là có cuộc đấu tranh ngấm ngầm giữa TRE và MĂNG, giữa LÃO NIÊN và THANH NIÊN. Chuyện gì sẽ xảy ra khi TRE tàn mà MĂNG đã bị luộc trong nồi khi mới mọc lên khỏi mặt đất?

****

Không thể chối cãi rằng các quốc gia sớm Tây Phương hóa đều là những quốc gia thoát khỏi cảnh nghèo đói, lạc hậu và chém giết nhau đẫm máu.

Nhật Bản là quốc gia Á Châu Tây Phương hóa thành công nhất thế giới. Mãi đến thập niên 1980 về sau Trung Quốc mới Tây Phương hóa thành công về phương diện kinh tế lẫn kỹ nghệ quốc phòng.

Nước láng giềng Thái Lan cũng có những tiến bộ vượt hắn Việt Nam. Hoàng tử Chulalongkorn (1853 - 1910) có một nữ giáo sư người Anh hướng dẫn. Khi lên ngôi dưới niên hiệu Rama V (1868 - 1910) nhà vua có nhiều sáng kiến canh tân như Meiji của Nhật vậy. Kết quả cuộc canh tân mà Thái Lan (lúc ấy chưa có quốc hiệu này mà là Xiêm La – Siam) thu nhận được không thể so sánh với Nhật nhưng so với Việt Nam thì họ vượt xa. Thái Lan được độc lập, vẹn toàn lãnh thổ trong khi Việt Nam bị Pháp đô hộ. Người Thái được hưởng hòa bình, thái bình; tình huynh đệ Thái tộc keo sơn bền vững trong khi Việt Nam phải trải qua nhiều cảnh đổ máu dưới nhiều dạng khác nhau:

– bài và giết đạo Thiên Chúa vào thế kỷ 19 từ thời Minh Mạng đến thời Tự Đức.

– các cuộc nổi loạn vào thế kỷ 19 (Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Lê Văn Khôi, Nồng Văn Vân, Lâm Sâm, Lê Duy Cự, Tạ Văn Phụng, giặc Chày Vôi ở Huế v.v.)

– chiến tranh với Xiêm La về vấn đề Ai Lao và Cambodia (1827, 1833)

– khởi nghĩa chống Pháp (1860 - 1940), chống Nhật (1940 - 1945)

– phong trào Sô Viết Nghệ Tĩnh, Quảng Ngãi (1930 - 1932)

– Nam Kỳ khởi nghĩa (1940)

– chiến tranh Việt Nam I (Chiến Tranh Việt - Pháp 1945 - 1954)

– đất nước chia đôi (1954 - 1975).

– chiến tranh Việt Nam II (1960 - 1975)

– sự sát phạt của người chiến thắng đối với người chiến bại (1975 - 1995)

– chiến tranh với Khmer Đỏ (1978 - 1989)

– chiến tranh biên giới Hoa-Việt (1979 - 1984)

– chiến tranh Hoa-Việt trên biển Đông (1988)

Suốt 150 năm từ năm 1825 đến 1975 luôn luôn có đổ máu ở Việt Nam dưới dạng này hay dưới dạng khác. Những thảm cảnh nầy xé nát sự đoàn kết dân tộc, hủy diệt niềm tin của dân chúng vào tương lai đất nước và cản trở sự xây dựng và phát triển quê hương.

Không quốc gia nào phồn vinh nhờ chinh chiến. Càng đổ máu càng gây thêm hận thù và chia rẽ dân tộc.

Không quốc gia nghèo khổ nào được nể trọng và độc lập thực sự trên chánh trường quốc tế.

Đó là chân lý chánh trị bất di dịch với thời gian và không gian.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

____________________

(1) Do tên của St. Cyril (826- 869). St Cyril và anh là Methodius (815- 885) là hai vị Thánh Tông Đồ của giáo hội Chính Thống Giáo người Slav ở Bulgaria. Cả hai vị là người bảo trợ của Thư Viện Quốc Gia Bulgaria.

(2) Fukuzawa Yukichi (1835- 1901) sáng lập ra trường Đại Học Keio nổi danh của Nhật và Viện Nghiên Cứu Bịnh Vi Trùng. Ông có sáng kiến Tây Phương hóa (Westernization) trước khi Thiên Hoàng Meiji canh tân xứ sở năm 1868.


Cái Đình - 2020