Nguyễn Hiền
Tản mạn về tên họ
Cho con nghìn vàng không bằng cho con một cái tên
Hiện nay, bất cứ người Việt nào cũng đều có tên và có họ. Thông thường, nhiệm vụ của tên là để phân biệt các cá nhân với nhau trong gia đình hay trong cộng đồng nhỏ mà cá nhân đó là một thành viên. Nhiệm vụ của họ là để ghi dấu nguồn gốc của cá nhân. Muốn xác định cho thật rõ một cá nhân, người ta dùng cả tên lẫn họ (gọi đích danh): càng dùng nhiều chữ thì sự trùng hợp càng ít. Nếu cần xác định thêm nữa, thường người ta thêm năm sinh.
Chuyện người nào cũng phải có tên và họ được coi như là chuyện đương nhiên, thế nhưng có mấy ai thắc mắc về nguồn gốc của tên và họ từ đâu? Nhiều người cũng không biết là hiện nay, trong thế kỷ 21, những quốc gia mà trong đó tình trạng người dân chỉ có tên mà không có họ không phải là chuyện họa hiếm. Indonesia, hay Miến Điện là những thí dụ cụ thể. Tên bà Aung San Suu Kyi, chủ tịch đảng NLD của Miến Điện gồm có: Aung San là tên người cha, Suu là từ tên bà nội và Kyi là một phần của tên mẹ bà (Khin Kyi).
Trên lý thuyết, không thể nào tìm biết được tên đầu tiên trên trái đất là gì, vì khi đó chưa nảy sinh nhu cầu truyền tên lại cho con cái. Trong dân gian, người ta thường nói người đầu tiên của nhân loại là ông A Dong (Adam) vì tên này xuất hiện đầu tiên trong những sách Kinh Thánh Do Thái (Tenach), Kinh thánh đạo Christ (chương Sáng Thế Ký), Kinh Koran… Thực ra, Adam không phải là tên riêng, mà là tiếng Do Thái cổ (Hebrew) có nghĩa là “Con Người”. “Eva” cũng không phải là tên riêng, mà có nghĩa là “Sự Sống”. Cho dù nếu ta xem tiếp trong Sáng Thế Ký (4:1), thấy ghi “Adam ăn ở với Eva, là vợ mình, người thọ thai sanh ra Cain…”, “…Eva lại sanh em Cain, là Abel”, nhưng có lẽ phải hiểu rằng đây cũng như những truyện thần thoại cổ tích được bắt đầu bằng: “Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia ăn ở với nhau, sinh được hai người con, đặt tên là Cain và Abel”.
Tên bắt đầu có từ khi nào?
Đây là một câu hỏi khó có giải đáp. Giả sử gia đình đầu tiên tiếp tục sinh con đẻ cái, thì nhu cầu mỗi người bắt buộc phải có một tên riêng cũng chưa cần đặt ra. Theo cách sinh hoạt trong cộng đồng nhỏ thời cổ xưa, nếu muốn phân biệt, người ta sẽ lấy một từ ngữ nào đó chỉ cá tính, hình dong hay nghề nghiệp đặc biệt của cá nhân để làm thành tên. Cách gọi này ngày nay vẫn còn duy trì trong thôn xóm. Thí dụ: ông Mập, thằng Ròm, ông Hiệu trưởng, bà Bán Cơm Tấm v.v… Làng xã khi xưa có “thằng mõ”, chẳng ai cần biết đến tên của hắn! Trong phạm vi cộng đồng xã hội nhỏ, cách gọi tên như vậy, với dân trong khu vực, vừa đủ để nhận biết, vừa mang ý nghĩa thân thương. Hiện tại ở Việt Nam, khi đứa trẻ mới sinh ra, cho dù có tên chính thức trong khai sinh, nhưng biết bao đứa mang tên ‘thằng Cu”, “con Đẹt”, “Bé Em”… cho tới khi thành gia thất. Hay tên thường gọi trong xóm làng: “con ông giáo”, “vợ thầy Năm”… Như vậy, ta có thể tạm cho là tên xuất hiện từ khi con người cổ sơ đã tiến hóa tới bực có khả năng phát những âm phân biệt.
Trong nhiều quốc gia lân bang, cách ghi thêm lai lịch dòng họ vào tên thay vì dùng họ cũng còn tồn tại cho tới ngày nay. Tổng thống Sukarno của Indonesia có con gái tên Megawati Sukarnoputri, có nghĩa “con gái của Sukarno” (putri = con gái), sau cũng là tổng thống (2001-2004). Megawati: người có một vầng mây bao quanh.
Ở Tây phương khi xưa cũng có lối đặt tên như vậy, cho nên mới có những tên như Pieterszoon (con trai của Pieter), Johnson (con trai của John), Janssen (con trai của Jan)... Những tên này về sau trở thành họ. Hãy xem tên các cầu thủ trong đội bóng Iceland, tất cả các cầu thủ gốc Iceland đều mang họ tận cùng bằng -son, tức là một cách chỉ rõ hơn gia tộc của cá nhân (con trai của ông…). Ghi chú: cách đặt tên theo kiểu này phần nào cho thấy người đàn bà đóng vai phụ trong xã hội!
Trong những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha, tên viết đủ thường mang hai họ viết liền nhau: họ cha và họ mẹ, thí dụ María-Jose Álvarez Fernández có nghĩa María-Jose là con của ông X. Álvarez và bà Y. Fernández. Tại Brazil, người ta còn thêm vào sau đó ba bốn họ của ông bà tổ tiên, thí dụ José Eduardo Santos Tavares Melo Silva. Ngược với Tây Ban Nha, Brazil cho họ mẹ lên trên.
Dài dòng và rắc rối nhất là tại các nước Hồi giáo, khi tên mỗi người đều có kèm theo lai lịch quê quán dòng họ, càng danh vọng thì tên càng dài và dòng họ càng rõ hơn. Osama bin Laden có tên đầy đủ (phiên âm ra Latinh) là Usama ibn Mohammed ibn Awad ibn Ladin (ibn: con của, khi phiên âm sang tiếng Anh thì đổi là bin). Một nhà lãnh đạo Lãnh địa Mecca nổi tiếng, Hussein bin Ali… (1853 - 1931), nếu viết họ tên đầy đủ thì gần 100 từ, trải dài hơn 40 đời!
Họ có từ khi nào?
Cho đến giữa thế kỷ 14, thường dân người Pháp đa số vẫn chưa có họ, chỉ có tên. Vì nhu cầu, khi đó dân chúng bắt đầu có ý nghĩ tự tạo ra tên mới để xác định cá thể, thường là bằng cách ghép tên mẹ vào sau tên cha để thành tên cho con. Rồi để tránh trùng hợp, những tên mới lập lại được thay đổi chút ít, đơn giản hóa hay ngắt ra làm hai. Người ta đã tìm ra dấu vết sự thành lập một số họ kép, như họ Marcabrus có nguồn gốc từ tên cha Marc và tên mẹ Bruna. Đến năm 1539, pháp lệnh Villers-Cotterêts mới buộc dân Pháp phải có đủ họ và tên cho con. Một số tên làm theo kiểu ghép chữ như trên khi đó trở thành họ, lưu truyền cho tới giờ.
Ở Việt Nam, tuy có thuyết cho rằng Triệu Đà tên thực là Nguyễn Cẩn, nhưng theo tài liệu gia phả còn tìm thấy được thì Nguyễn Bặc, sinh năm 924, người có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, có thể được coi là tiền thủy tổ họ Nguyễn chính thống. Còn dân Việt bắt đầu có họ từ khi nào, là một câu hỏi khó có giải đáp chính xác. Theo các nhà nghiên cứu, người Việt bắt đầu có tên từ thế kỷ 2 trước Công nguyên, có ý kiến khác cho rằng vào khoảng đầu Công nguyên (theo Nguyễn Long Thao). Khoảng năm 39, Nhâm Diên được Trung Hoa phái sang nước ta, làm thái thú quận Cửu Chân. Tục truyền ông là người có lòng nhân chính, nên nhiều người sau đó lấy tên Nhâm đặt cho con để tỏ lòng biết ơn. Nhâm sau này trở thành một họ. Biến thể của Nhâm là Nhiệm, trở thành một tên.
Chuyện thêm họ vào tên khởi thủy là một hình thức ghi dấu lai lịch dòng họ của các gia tộc danh giá. Còn chuyện thường dân phải có họ và tên phần lớn là do nhu cầu lập sổ bộ để đánh thuế hoặc kiểm soát. Guồng máy cai trị cần biết rõ ràng nguồn gốc lai lịch của từng cá nhân trong việc thuế má, để rồi sau đó, người ta mới thấy việc dùng tên và họ giúp cho việc tổ chức quản lý hành chánh trở nên đơn giản, và việc truy tầm tội phạm được nhanh chóng. Giả sử dân Việt không có họ mà chỉ có tên không thôi thì có lẽ đã bớt thảm sát khi tội nhân chịu án tru di tam tộc, vì khó tra cứu!
Dân Hòa Lan, theo thống kê năm 2016, có hơn 15.000 họ. Với sự pha trộn dân số trên toàn cầu, có lẽ không thể biết được mỗi quốc gia có bao nhiêu họ. Tại Hoa Kỳ (“hiệp chủng” quốc), chuyện này chắc hẳn vô phương. Năm 1998, Nguyễn Vy Khanh có làm một nghiên cứu, theo ông, Việt Nam có khoảng 140 họ. Thống kê hiện nay cho biết 14 họ lớn ở Việt Nam chiếm khoảng 95% dân số. Họ Nguyễn chiếm từ 30 tới 40% dân số.
Họ được đặt như thế nào?
Kể từ khi nhân loại từ bỏ lối sống “hái lượm” để chuyển sang “săn bắt” rồi “nuôi trồng”, nam giới dần dần chiếm vai chủ động trong gia đình, xã hội. Đàn ông mặc nhiên coi họ là người giữ giòng tộc. Con sinh ra đương nhiên mang họ cha, hay dùng một cách gì đó để thấy được sự liên hệ với người cha. Tại một số quốc gia, vì lý do cấu trúc của ngôn từ, họ của người con có thể là một biến thể, nhưng gốc vẫn là từ họ của người cha. Đó là vì xã hội mặc nhiên coi người cha là người bảo bọc và kiếm cơm nuôi gia đình. Nếu xét trên căn bản sinh học, con mang họ cha là không hợp lý, vì trong nhiều trường hợp, người mà làng xóm – ngay cả với người con, đinh ninh là “cha” không phải là “người cha sinh học” của đứa bé. Thống kê tại Hòa Lan cho thấy số người sinh ra ngoài hôn thú tại quốc gia này là khoảng 1,6 triệu (khoảng 10%). Để cho nam nữ thật sự được bình đẳng, ngày nay tại một số quốc gia cha mẹ được phép chọn họ cha hay họ mẹ làm họ cho đứa trẻ mới sinh.
Họ, vì là chỉ dấu cho giòng tộc, trên nguyên tắc không thay đổi (ngoại trừ ở những quốc gia có phong tục thay đổi vần cuối của họ, nhưng đó chỉ là biến thể, cái gốc của họ vẫn được giữ). Như vậy câu hỏi đặt ra là: những họ mới vì đâu mà có?
Con số họ ở những nước mà dân chúng đã có đầy đủ tên họ từ hàng ngàn năm, như Việt Nam, Trung Quốc v.v…, không nhiều, mà ta cũng khó tìm trong lịch sử những họ đó mang ý nghĩa gì, và xuất xứ của chúng từ đâu. Tài liệu nghiên cứu cổ sử cho rằng họ Nguyễn có nguồn từ họ Ruan (阮)của Trung Hoa. Ruan là một nhạc khí cổ, tương tự đàn nguyệt.
Ở vùng Hòa Lan-Bỉ khi xưa – vài thế kỷ trước, chỉ có những gia đình danh gia vọng tộc và vua chúa mới có đầy đủ tên họ và có lưu giữ gia phả. Khi Napoléon thôn tính vùng đất thấp phía bắc vào đầu thế kỷ 19, ông ra lệnh bắt buộc mỗi người phải có tên và họ rõ ràng. Ở Hòa Lan, truyền thuyết nói rằng khi đó có những người phản đối ngầm, đặt ra những họ mang tính chế riễu như: de Hond (con chó), Kip (con gà), Naaktgeboren (sinh ra trần truồng) v.v…, nhưng người ta không tìm ra bằng chứng cụ thể minh chứng truyền thuyết này, hoặc giả chỉ có vài trường hợp cá biệt. Thí dụ họ Naaktgeboren, khi truy tầm nguồn gốc, thì thấy là do tiếng Đức Nachgeboren (sinh ra sau), tên này khi xưa thường được đặt khi đứa trẻ sinh ra sau khi người cha qua đời, tương tự như họ Posthumus cũng mang cùng ý.
Nhiều họ xưa ở Âu châu có liên hệ tới ngoại diện, nơi chốn, nghề nghiệp của một nhân vật quan trọng trong vùng. Ông trắng trẻo được mang tên White/(de) Wit/(Le) Blanc/Bianco. Ông da ngăm mang tên Brown/de Bruin/le Brun/Braun. Ông có nhà máy xay được mang tên Molenaar/(Du)moulin/Müller/Molino. Ông thợ rèn (kiêm luôn đóng móng ngựa) mang tên Smith/Blacksmith/Smid/Schmidt/Herrero (ghi chú: Họ Nguyễn vừa đánh bại họ Smith tại Úc về con số). Ông có nhà gần chiếc cầu trong xóm mang tên Brücke/(Du)pont/Bridge/(van der) Brug… Khi thêm những chi tiết để chỉ rõ ràng thì ta có những họ như: Bridgestone, Churchill, Diepgrond, (De) Villeneuve v.v…
Nhiều cư dân tỉnh Mumbai (Ấn Độ) có nguồn gốc từ Ba Tư, họ của những người này mang tên nghề nghiệp của tổ tiên. họ Daruwala có tổ tiên là người bán rượu, Kolsawala bán than, Battiwala bán đèn lồng, Mithaiwala bán kẹo…, trong đó “wala” có nghĩa là “của”.
Tại Việt Nam, vùng giáp Cambodia, có nhiều người mang họ Danh do bởi khi khai tên tuổi để vào sổ bộ để đánh thuế thân, người ta hỏi (bằng tiếng Hán): “Danh chi?” (tên gì?), thí dụ người đó trả lời: “Danh Luông”, thế là viên chức ghi vào sổ: họ Danh, tên Luông, thành chết luôn cái họ Danh.
Sau hết, trẻ vô thừa nhận cũng sẽ phải có họ và tên. Ở Hòa Lan khi xưa, thị trưởng nơi đứa bé bị bỏ rơi sẽ chọn một tên đầy đủ cho em bé. Họ Admiraal thường được chọn, còn tên sẽ là một tên phổ thông trong dân gian. Hiện nay, công việc này được giao cho nhân viên hộ tịch của thị xã, và để ghi dấu cho tương lai của đương sự, thường người ta đặt cho em bé này một họ kép mới, gồm tên của người phát giác cộng với tên đường (hay thị xã) nơi đứa bé bị bỏ rơi. Như vậy sẽ có thêm những họ mới (ghi chú: nếu đương sự khi lớn lên không thích họ và tên này thì có thể xin đổi). Ở Việt Nam, theo luật hộ tịch hiện nay, người nhận trẻ bỏ rơi làm con nuôi sẽ chọn một tên cho em bé, còn họ là họ của cha hay mẹ nuôi. Nếu không có ai nhận nuôi thì nhà nuôi trẻ sẽ chọn tên họ cho em bé.
Tên được đặt như thế nào?
Tên thì dễ đặt hơn. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam (và Trung Hoa) với các nước Âu châu có ngôn ngữ từ nguồn Latinh là con số họ của người Việt ít hơn nhiều so với con số họ tại các quốc gia Âu châu này. Vì không muốn trùng cả tên lẫn họ, người Việt giàu tên hơn người Anh Pháp Đức…, một phần cũng nhờ các họ kép tên kép và sự đồng âm dị nghĩa của tiếng Việt. Thí dụ tên Hồng có thể mang nghĩa sông Hồng, chim Hồng Hạc, màu hồng, hoa hồng v.v… Nếu chỉ tính thuần trên số đếm, người ta có thể phản bác nhận xét này, nhưng thực ra những tên tây phương giàu ở các biến thể của ngôn tự, nếu truy nguyên gốc thì con số ít hơn nhiều. Thí dụ Adel… (quý tộc) là một trong những tên phổ thông hàng đầu, có rất nhiều biến thể như Adèle, Alice, Edel, Adeline, Adelaide, Heidi v.v…
Điểm khác biệt thứ hai là người Việt hầu như không dùng tên của những người được tôn thờ để đặt cho con, như tên các vị bồ tát, Phật hay Thánh Chúa. Ngược lại, tại Âu châu, người có mang tên các thánh (Như Lucas, John, Pierre, Maria, Magda…) lại phổ thông. Tại Tây Ban Nha rất nhiều người có tên Jesús. Ngay cả tên cha mẹ cũng rất ít được người Việt dùng để đặt cho con, trái với thói tục các nước Âu Mỹ. Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ, George Walker Bush, là con của tổng thống thứ 41, George Herbert Walker Bush. Để phân biệt, người ta thêm chữ Junior (Jr.) cho ông con. Việt Nam gọi hai ông này là Bush Cha và Bush Con. Ở Việt Nam, có thể nêu một vài trường hợp họa hiếm, đó là vào thời Pháp thuộc, từ nhiều lý do khác nhau. Bác sĩ Trần Văn Đôn (bố) đặt tên cho các con – trai cũng như gái – đều là Trần Văn Đôn, chỉ khác nhau ở tên Tây đặt phía trước: André (tức bs. Trần Văn Đôn – trung tướng, cựu Phó Thủ tướng VNCH cho tới 1975), Gabrielle Antoinette và Claude. Hay trường hợp bà Henriette Bùi Quang Chiêu (nữ bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam, cha là Nghị viên Bùi Quang Chiêu) cũng tương tự. Có khi ông con (Jr.) lại dùng tên của mình một lần nữa đặt cho người con, thì người ta sẽ thêm một con số vào sau. Giám đốc thứ 6 của FBI – Robert Swan Mueller III – là con của Robert Swan Mueller Jr. và là cháu của Robert Swan Mueller.
Ở Á châu, khi từ vùng Đông (Nam) Á đi lần qua những quốc gia phía tây, ta thấy hiện tượng lấy tên các thánh hay các nhà lãnh đạo tôn giáo trở nên phổ thông hơn. Ngoài ra, nhiều người dùng pháp danh hay tên thánh. Tại Tây Tạng, cha mẹ có thể mang em bé tới một đạo sư thỉnh cầu xin ban cho pháp danh, em sẽ có thêm tên Tenzin (người nắm giữ Phật pháp, người thầy giáo của mọi người), do đó ta thấy rất nhiều người Tây Tạng tự xưng tên mình là Tenzin + pháp danh. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có pháp danh là Tenzin Gyatso. Ngang đây thiết tưởng cũng nên nêu tên Donald Phạm, con của một gia đình người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Năm 12 tuổi anh đã xuất gia quy y phái Phật giáo Tây Tạng tại Nam Ấn Độ, mang pháp danh Tenzin Drodon (Drodon: cứu độ chúng sanh) và năm 2007 anh là người Việt đầu tiên thọ giới tỳ kheo Phật giáo Tây Tạng, được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 truyền thừa và truyền giới, vào tuổi đời 21.
Năm tên (nam giới) phổ thông nhất nơi người Do Thái là tên các thánh trong Cựu Ước: Abraham, Jacob, Salomon, David, Levie. Tương tự, Ibrahim, Mohamed, Muhamad… cũng là những tên rất phổ thông trong các nước Hồi giáo (tên Mohamed cùng các biến thể của nó là tên phổ thông nhất trên thế giới). Còn tại các xứ theo đạo Christ thì người mang tên các vị thánh (nam cũng như nữ) chiếm một con số lớn, như chúng ta thấy hàng ngày trong báo chí, sách vở.
Vì quan niệm kính trọng bậc trên trong xã hội Việt Nam đã thành thói tục, cha mẹ không dùng tên của vua chúa, nguyên thủ quốc gia hay nhân vật cao cấp trong chính quyền để đặt tên cho con nếu tên này không phải là một tên phổ thông. Ngược lại, ở Âu Mỹ, nhiều trẻ gái sinh ra được mang tên Diana hay Jacqueline sau khi hai bà này trở thành nổi tiếng (phu nhân Hoàng Thái Tử Charles và phu nhân Tổng thống J.F. Kennedy). Tháng 09/1979 Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăm Ái Nhĩ Lan, chuyến viếng thăm thu được cảm tình đặc biệt của dân nước này, tới mức sau đó nhiều bé ra đời mang tên Jan-Paul. Có sự giống nhau giữa Tây và Ta hiện nay là cha mẹ lấy tên một nhân tài đương thời (tài tử, ca sĩ, cầu thủ v.v…) đặt tên cho con. Một khác biệt được ghi nhận trong việc đặt tên cho con hiện nay giữa Tây và Đông phương, là nhiều bạn trẻ Tây phương không chú ý nhiều đến ý nghĩa của tên, mà ở thanh âm, nghe sao cho êm tai (hay lạ tai, tùy trường hợp). Các nước Đông phương chưa tới giai đoạn này, đó chưa kể có những quốc gia trong đó luật đặt tên đã hạn chế sự tự tiện chọn một tên cho con.
Ngoài tên có gốc từ thần thánh trong kinh hay tên lấy từ những nhân vật trong các tác phẩm nổi tiếng, bất cứ tại quốc gia nào trên toàn thế giới, nhiều bậc cha mẹ chọn một danh từ hay tính từ cao quý tốt lành để đặt tên cho con. Tên con trai thường mang nam tính (dũng cảm, can đảm, quyền uy…). Cho bé gái, có những tên mềm dịu (bé nhỏ, tên các thứ ngọc, tên các loại hoa đẹp hay các loài chim xinh đẹp…). Cho cả hai phái, có những tên mang nghĩa trung thành, thông minh trí tuệ, mạnh, tôi tớ của thượng đế… Đặc biệt, người Việt có tục lấy những lời “giáo huấn” hay những cụm từ trong sách xưa để đặt tên cho con theo thứ tự lớn nhỏ: trung hiếu tiết nghĩa, công dung ngôn hạnh, xuân hạ thu đông, bi trí dũng, mai lan cúc trúc v.v… Người không kén chọn tên Hán Việt cầu kỳ có thể lấy ngay tên những trái cây Mít, Xoài, Ổi… hay Mạnh, Khỏe, Trẻ, Đẹp…, vừa thân thương vừa đậm tính Việt. Hoặc giản tiện, lấy ngay năm sinh theo âm lịch: Tý, Sửu, Dần, Mão…, mà đặt tên cho dễ nhớ (và cũng rất tiện trong lần giao tiếp đầu tiên, không cần hỏi tuổi để phân thứ bực). Cũng vì những lẽ trên, và do sự đồng âm dị nghĩa của từ ngữ Việt, nếu chỉ qua tên, nhiều khi khó biết người đó là nam hay nữ. Để phân biệt, ta có luật “nam văn nữ thị”. Nguyễn Văn Ngọc là nam, Nguyễn Thị Ngọc là nữ chẳng hạn.
Tại các nước Âu Mỹ, và các nước Hồi giáo thì dễ hơn, vì nhiều từ ngữ có biến thái đực cái hay trong cách viết, thí dụ: Julio/Juliet (Julia), Dennis/Denise, Adel/Adele, Amir/Amira, Johan/Johanna, Louis/Louise v.v…, có những tên nam nữ đọc giống viết khác như René/Renée. Những tên chung cho cả nam lẫn nữ rất hiếm, ta có thể kể: Dominique, José, Marie (thường được thêm chữ Jean phía trước nếu cho con trai, thành Jean-Marie)…
Những người muốn ghi dấu nơi chốn đã nuôi dưỡng gia đình hay một nơi đã làm mình quyến luyến, hoài niệm thì dùng địa danh đó, hay tên sông, tên núi nơi đó đặt cho con. Nhiều em bé người Việt sinh ra ở nước ngoài mang tên Việt, Nam hay Việt Nam. Rất tiếc, niềm hoài vọng cố hương hay ước muốn có tên gắn bó với nơi cưu mang gia đình không thể thực hiện được khắp mọi nơi vì nhiều ràng buộc. Luật quy định về tên do Napoléon ban bố ngày 11 tháng Germinal năm XI (01/04/1803), có hiệu lực trên toàn đế quốc Pháp, chỉ cho phép lấy những tên trong sách kinh thánh và cổ sử để đặt cho con cái. Tuy luật này đã bãi bỏ, nhưng những quốc gia Âu Mỹ không có tục lấy địa danh làm tên, vì theo lịch sử những quốc gia này đã có sẵn nhiều họ mang tên thành phố, do tổ tiên đặt ra và lưu truyền. Một số quốc gia Hồi giáo không cho phép lấy địa danh làm tên, với lý do là trong tên đầy đủ của Hồi giáo đã có một phần (Nisbah) chỉ quê quán.
Những ông cha (quyết định một tên con thường do người cha đóng vai chính) thích chữ nghĩa – nhất là tại Huế và miền Tây – thì chọn tên kép hoa mỹ cho con gái, lấy từ những điển tích xưa, như Bích Chiêu, Cẩm Vân, Quỳnh Chi, Vân Hạc v.v…, còn nhiều lắm, đầy dẫy trong những tiểu thuyết diễm tình. Có gia đình đặt tên con thuần một vần như Hiếu, Hạnh, Hảo, Hương hoặc Văn, Vũ, Vương, Vân. Hay ghép tên những đứa con thành một châm ngôn, một triết lý sống riêng. Tôi biết có gia đình nọ đặt tên cho các con trai lần lượt là Tiền, Tài, Thắng, Trí, Thức: thật là tuyệt vời, vừa chơi một mẫu tự T, vừa nêu ra một triết lý sống. May là bà mẹ mắn đẻ mới có đủ con trai cho ông bố thực hiện, vì xen kẽ còn có những đứa con gái!
Tây phương cũng có trò này, tuy hiếm hơn. Có thể kể nơi đây trường hợp ba cô công chúa, con của vua Willem-Alexander và hoàng hậu Máxima của Hòa Lan, với tên bắt đầu bằng A cho giống phụ vương: (Catharina)-Amalia, Alexia và Ariane.
Và cuối cùng là cha mẹ có thể chọn một từ ngữ để ghi nhớ một sự việc nào đó có liên quan đến em bé. Tên Posthumus được đặt khi người cha qua đời trước khi đứa bé sinh ra. Mẹ chưa kịp tới nhà bảo sanh thì em bé đã ra đời, do đó nó mang tên Rớt. Tên Út khi cha mẹ quyết định em bé này sẽ là đứa chót – tuy nhiên nhiều khi Trời chẳng chiều lòng người, nên đã có những người mang tên Thêm hay Út Nhỏ v.v… Tháng 04/2018 cô gái Mỹ gốc Việt Laura Lê 21 tuổi viết trên Twitter là cho tới giờ cô mới biết được lý do của tên này, đó là vì mẹ cô chuyển bụng hơn nửa ngày mới sinh, cho nên cha cô đặt tên là “Lâu Ra”, chuyển sang tên tiếng Mỹ là Laura. Bạn đừng cười. Tên “Lâu Ra” thuộc loại hiếm, nhưng không phải cực hiếm. Theo luật, nhân viên phòng hộ tịch có thể từ chối tên nào mang rõ nghĩa mạt sát, phạm thánh, xấu xa hay những tên trùng với một họ đã có sẵn mà chưa có ai mang tên đó. Người cha có thể khiếu nại và tòa án sẽ phán quyết. Thí dụ vài tên sau đây ở Hòa Lan đã bị phòng hộ tịch từ chối: Urine (thực ra từ này là giống cái của Uranus), Ego, Methadon, Sovietina, Geisha, F … (hai tên chót sau khi kiện đã được tòa phán quyết chấp thuận).
Thay tên đổi họ
Sử Việt Nam có ghi những vụ thay đổi họ để lánh nạn hay do hình phạt. Cuối đời Nhà Lý, khi vua Lý Anh Tông mất năm 1175, nhà vua không có con trai nối dõi, truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ lúc đó đang nắm chức Thái Sư, vì muốn soán ngôi nên thông dâm với hoàng hậu, rồi ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, cháu trai của mình. Nhà Lý chấm dứt. Trần Thủ Độ sau đó ra tay tàn sát và tận diệt con cháu nhà Lý, "nhổ cỏ phải nhổ tận gốc", năm 1232 Trần Thủ Độ bắt người họ Lý phải đổi hết sang họ Nguyễn. Một số sợ bị giết đã phải bỏ nước ra đi trước đó. Năm 1226, Hoàng Thân Lý Long Tường (cháu 6 đời của vua Lý Thái Tổ) cùng với 6000 quan quân và thân thuộc nhà Lý bỏ trốn khỏi đất Đại Việt bằng thuyền lên phương Bắc. Khi tránh bão ở đảo Đài Loan, chừng 200 người xin ở lại tị nạn, số còn lại đi tiếp tới Cao Ly (hiện nay là Nam-Bắc Hàn), trở thành thủy tổ của họ Lee tại đây.
Cuối thế kỷ 16, hậu duệ Mạc Đăng Dung nổi lên mưu cầu khôi phục lại nhà Mạc. Bị họ Trịnh đánh tan, những người mang họ Mạc phải đổi tên khác để tránh họa tru di. Phần lớn những người này đổi sang họ Hoàng (thí dụ tổng đốc Hoàng Diệu vốn dòng họ Mạc) hay họ Phạm, một số người đổi sang họ Nguyễn hay nhiều họ khác. Rồi khi Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) thắng quân Tây Sơn, thống nhất đất nước năm 1802 thì một số lớn người mang họ Trịnh vì sợ nhà Nguyễn trả thù (do ân oán từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh) cho nên đã đổi sang họ Nguyễn. Đồng thời, vua Gia Long cho những người mang họ Nguyễn hưởng nhiều quyền lợi, nên một số người – kể cả tội nhân, đổi sang họ Nguyễn để cầu lợi. Chú thích: để thưởng công, vua có quyền thay tên (ban cho tứ danh), thí dụ đại thần Nguyễn Tri Phương vốn tên là Nguyễn Văn Chương, năm 1850 được vua Tự Đức cải tên thành Nguyễn Tri Phương như ta học trong môn sử.
Vào thế kỷ 19, khi Pháp muốn kiểm kê dân số, bắt mọi người đều phải có họ và tên, và để cho nhanh chóng, những người chưa có họ hay chưa tìm được họ sẽ “phải” mang họ Nguyễn. Qua những biến động chính trị nêu trên, họ Nguyễn hiện nay chiếm khoảng 40% dân Việt (tuy vậy vẫn đứng hàng thứ 17 trên thế giới, theo thống kê của Forebears). Chú thích: Theo Forebears (https://forebears.io, số liệu năm 2018) – nơi lưu giữ số liệu của khoảng 11 triệu họ khác nhau, có khoảng gần 22 triệu người trên thế giới mang họ Nguyen hay Nguyễn, và khoảng 200.000 người trên thế giới mang những họ (do khai khi định cư ở nước ngoài) như Nguyenvan, Nguyenthi…. Con số này theo tôi chính xác hơn số gần 40% do Lê Trung Hoa đưa ra. Ông Lê Trung Hoa có lẽ chỉ tính trên con số người tộc Kinh.
Phân bổ các họ của người Việt (Wikipedia, chiếu theo thống kê của Lê Trung Hoa –
Họ và tên người Việt Nam, 2005)
Khi chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong lập nghiệp, rồi trở thành nhà Nguyễn với vua Gia Long, luật kỵ húy nghiêm ngặt hơn ngoài bắc. Để tránh tên các vua nhà Nguyễn, Hoàng phải đổi thành Huỳnh, Phúc đổi thành Phước, Nguyên đổi thành Nguơn hay Ngươn v.v…
Chuyện cải tên do vua chúa không hẳn chỉ xảy ra hồi xưa. Vùng giáp giới Lào, có hai dân tộc Vân Kiều (Bru) và Pa Cô được “vinh dự” mang họ Hồ, do gợi ý của một người theo cộng sản, khi luật ra năm 1956 quy định là mọi người dân đều bắt buộc phải có đủ họ và tên. Tên Mai Chí Thọ cũng là do Hồ Chí Minh nghĩ ra để cải tên cho Phan Đình Đống trong một dịp nói chuyện thân mật với các đồng chí thân cận.
Chế độ thuộc địa cũng gây nên sự thay tên đổi họ, do các đế quốc tự cho mình có bổn phận khai hóa. Họ Gomes ở các quốc gia Tây Phi là do khi Bồ Đào Nha chiếm các vùng đất này, họ đã bắt thổ dân nhất loạt phải mang họ Gomes.
Di cư là một cơ hội bằng vàng để thay đổi tên họ. Người Việt tị nạn cũng dùng cách này vì nhiều lý do: muốn dứt hẳn quá khứ, tên không đẹp, hoàn cảnh gia đình v.v… Nói nào ngay, ông cố ông sơ của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng làm vậy. Khi từ Đức di cư sang Hoa Kỳ, gia đình đã cải tên Drumpf thành Trump, vì tên Drumpf ở Mỹ khó đọc và nghe không hay. Trong sinh hoạt hàng ngày, nhiều người Việt định cư ở nước ngoài lấy thêm một tên tục có âm quen thuộc để dùng trong giao tiếp. Thập niên ’70, ’80, người Việt ở Mỹ đặt tên con là Kimberly hay Elizabeth để dễ gọi tắt là Kim hay Ly (vẫn giống tên tiếng Việt), nhưng sau này họ thấy không cần thiết. Nay thì nhiều trẻ có tên kép – tên đầu tiếng Anh hay Pháp, Đức…, tên sau tiếng Việt. Những tên nghe thô tục nếu phát âm theo ngôn ngữ bản xứ, như tên Dung, Dũng, Phúc… tại các quốc gia dùng tiếng Anh, thường chỉ được dùng để giao tiếp trong cộng đồng Việt. Trần Trung Trực, tên rất có ý nghĩa, viết không dấu có thể thành “Trần Trùng Trục”! Nguyễn Ngọc Hùng Dũng đã thành ca nhạc sĩ Việt Dzũng, cũng như Cựu thiếu tướng Ngô Du, trưởng đoàn Quân sự 4 bên của VNCH trong hòa đàm Paris, vì muốn xác nhận âm D, không phải Đ, nên đã đổi thành Ngô Dzu.
Tên tiếng Việt còn gặp một nạn rắc rối nữa là sự chọc ghẹo qua hình thức nói lái. Có khi tự thân nó có thể đọc lái, như Mai Liên (Miên lai), Thu Cúc (thúc cu), Lâm Đồng (đâm l.) v.v... Có khi người ta thêm vào một từ để có thể đọc lái theo nghĩa tục, như Thu… Đạm, Công… Ngủ, Đức… Cống, anh Bốn… Lù v.v… Trên thực tế, những tên này chỉ tạo nên hỗn danh cho cá nhân để đùa chơi trong giới học sinh sinh viên, không là nguyên nhân đưa tới lá đơn xin đổi tên.
Theo phong tục tại một số quốc gia, sau đám cưới, đàn bà nhận luôn họ của chồng. Trên giấy tờ, họ nguyên thủy có thể được thêm vào phía sau, trở thành họ kép. Thời xưa, phái nữ ít tham gia vào các chức vụ trong xã hội, chuyện đổi họ sau khi thành hôn không thành vấn đề, vì trong sinh hoạt cộng đồng, người ta dùng tên. Rắc rối là trong thời đại hiện nay, nhiều gia đình cơm không lành canh không ngọt. Bà vợ mang họ X làm trong cơ quan, lấy chồng họ Y, đổi sang họ Y. Sau đó ly dị, trở về họ X và rồi tái giá với ông mang họ Z, thành bà Z. Người gọi điện thoại tới ngỡ ngàng, rồi vụ thay tên đổi họ kiểu này lại còn tố cáo thêm một ‘bí mật đời tư’: “à bà ta ly dị rồi”!
Ở Việt Nam có nhiều bà vợ lấy luôn tên ông chồng trong mọi sinh hoạt chính thức. Bà (Nguyễn Văn) Thiệu, bà (Nguyễn Cao) Kỳ… chẳng hạn. Bà luật sư Ngô Bá Thành, nhân vật nổi tiếng của VNCH (Chủ tịch Hội Phụ nữ Đòi Quyền Sống) nhũ danh Phạm Thị Thanh Vân, nhưng bà luôn lấy tên chồng trong mọi hoạt động, trong khi chồng bà là một nhân vật mờ nhạt. Ông chồng lấy tên vợ là chuyện hiếm vô cùng, nhưng khi lục tìm trong các giai thoại, tôi biết một trường hợp: đó là Mai Bá Trác, chồng ca sĩ Khánh Ly, thường được bạn bè gọi đùa một cách thân mật là “Ông Khánh Ly”!
Một người cùng lúc mang hai tên tại Việt Nam hiện tại cũng không lạ, nơi những gia đình có lệ gọi tên tục theo thứ tự. Thí dụ con gái thứ ba, trong nhà và xóm giềng quen tên chị Tư, lấy chồng “anh Hai”, bên chồng chị ta trở thành “chị Hai”, về bên ngoại vẫn là “chị Tư” như cũ. Theo một giải thích, gọi con theo thứ tự từ lớn tới nhỏ tại Việt Nam là do khi xưa trong gia đình người ta kiêng gọi con bằng cái tên chính thức trên giấy tờ hộ tịch (vì nó hoa mỹ, sợ bị thần bắt?), những tên tục theo kiểu “thằng Đẹt”, “con Tý”… không có nhiều, do đó cách giản tiện và dễ nhớ nhất là gọi theo thứ tự sinh trước sinh sau. Với người ngoài, cách gọi này còn có cái lợi lớn là họ biết ngay ai là anh chị, ai là em, và nhà có đông con hay không. Việt Nam không phải ngoại lệ. Dân hạ lưu trên đảo Bali (Indonesia) cho tới giờ cũng thường đặt tên con theo thứ tự, từ lớn tới nhỏ là: Wayan, Made, Nyoman và Ketut. Tới đứa con thứ 5 thì trở lại Wayan, và thêm chữ Balik, thành Wayan Balik.
Tại vài quốc gia, sự thay tên đổi họ dễ dàng như thay đổi áo. Thí dụ như ở Thụy Điển, người ta có thể dễ dàng xin thay đổi họ và tên nhiều lần. Sau khi thành hôn, nhiều cặp lấy luôn tên vợ hay tên chồng, cặp khác tự nghĩ một tên mới hoàn toàn cho cả hai, thành một gia tộc hoàn toàn mới. Dĩ nhiên có một số điều lệ ràng buộc, như không được lấy tên vua làm tên mới cho mình, hay tên mới này phải là một tên đã có nhiều người sở hữu (trên 2000).
Sau hết, cũng có thể kể thêm là pháp danh nhận được sau khi quy y tam bảo, và tên thánh sau khi làm lễ rửa tội (mặc dù Giáo hội Công giáo năm 1983 đã bãi bỏ luật buộc người Công giáo phải lấy tên thánh).
Đó là tự ý đổi tên họ. Nhiều người đến xứ lạ lập nghiệp bắt buộc phải thay tên đổi họ, giản dị chỉ vì lý do ngôn tự. Những người tại các nước có chữ “rồng rắn” khi định cư ở các quốc gia dùng mẫu tự abc đương nhiên phải cải tên (thường là phiên âm) để dân bản địa có thể đọc được và họ tên mới có thể được thâu nạp vào trong hệ thống hồ sơ. Nhờ phép bính âm, chữ Trung Quốc đã được Latinh hóa (theo chuẩn quốc tế ISO-7098) thành chữ Pinyin, paspoort Trung Quốc và vài nước dùng Pinyin có ghi cả hai ngôn ngữ. Paspoort các nước dùng tiếng Ả Rập hiện nay cũng theo hình thức này. Tóm lại, toàn cầu hóa bắt buộc mọi người phải chuyển tên mình sang mẫu tự La Mã. Ngặt nghèo hơn, các “râu ria” thêm thắt vào các mẫu tự (như dấu giọng, dấu ă, ơ, č…) phải bỏ hết nếu không có ký hiệu nào thay thế. Một số ngôn ngữ, nhờ quy ước thời đánh điện tín bằng ký hiệu morse, vẫn còn có thể nhận ra mẫu tự gốc. Cựu giám đốc FBI, Robert Swan Mueller III là giòng dõi gia đình Müller, đến Hoa Kỳ lập nghiệp năm 1855 (ký hiệu dùng cho morse của ü là ue).
Trước đây không lâu, Đức có một danh sách các tên được phép dùng, khi làm khai sinh, cha mẹ phải chọn một tên trong danh sách này. Đây là nỗi khổ của dân nhập cư Đức, họ có cảm giác bị mất luôn gốc rễ của mình. Cho tới giờ, một số quốc gia theo Hồi giáo vẫn lưu hành danh sách tên chính thức, nếu cha mẹ không chọn tên trong danh sách này để đặt cho đứa trẻ mới sinh (ngay cả khi không sống nơi quê nhà) thì sau này chúng sẽ bị thiệt thòi rất lớn về quyền lợi, nhất là quyền thừa kế gia sản.
Do cách viết khác nhau trong các ngôn ngữ Anh-Pháp-Đức v.v…, ta có thể tưởng tượng giả sử tổng thống Nga Владимир Путин muốn định cư tại những quốc gia Âu Mỹ thì ông ta có thể chọn một trong các tên sau: Vladimir Putin (Anh), Vladimir Poutine (Pháp), Vladimir Poetin (Hòa Lan), Wladimir Putin (Đức)…
Có những tên được chuyển âm cách tài tình. Ở Hòa Lan có họ Jauw khá phổ thông, đây là từ họ Đào hay họ Dao (tiếng Hán Việt). Đào Chu Hằng được chuyển sang tiếng Hòa Lan là Johan Jauw (phát âm từa tựa như Chu Hằng Đào). Học giả nổi tiếng người Chăm, Dohamide, còn có tên Đỗ Hải Minh. Tên của thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Lào, Kaysone Phomvihane là phiên âm tiếng Lào từ tên Việt của ông (Nguyễn Cai Song).
Người thuộc các quốc gia có ngôn ngữ viết theo abc thì dễ chịu hơn. Do toàn cầu hóa và số hóa, tiếng có gốc Latinh được dùng rộng rãi, tên viết theo abc không nhất thiết phải chuyển âm hay dịch sang các ngôn ngữ “rồng rắn”. Trong giao dịch, người Việt ở Nhật thường chuyển âm tên của mình sang tiếng Katakana để thuận tiện hơn, hay những người có tên gốc Hán Việt ở Đài Loan, Hongkong… có thể dễ dàng chuyển tên của mình sang tiếng Quảng Đông.
Qua tên và họ, trong nhiều trường hợp người ta có thể đoán ra gốc gác. Các tên tận cùng bằng -ev/-evna, ov/ovna, -vich là tên Nga và vài nước quanh đó. Tên tận cùng bằng -qa, -qi là tên Hồi giáo. Người mang họ bắt đầu bằng Mac (hay Mc) như McDonald, Mac Arthur thường là người xứ Scotland. Họ O’… (như O’Hara, O’Neill, O’Reilly v.v…) là họ phổ thông tại Ái Nhĩ Lan. Tên họ người Nhật giàu âm o, a, i…và rất ít phụ âm kép. Người dân trong một nước còn có thể qua tên biết được người đó xuất xứ từ vùng nào: người mang tên Huỳnh, Thới, Ngươn, Phước… là những cư dân có gốc từ Thừa Thiên trở xuống Nam (do luật kỵ húy do chúa Nguyễn ban hành chỉ được thi hành ở Đàng Trong). Người Indonesia mang tên tận cùng với -dodo, -jojo… là người có xuất xứ từ Java. Tại Hòa Lan rất nhiều người dân vùng Friesland có họ với âm chót là -stra, -ma. Còn những họ với âm chót -inge, -eenge… là họ đặc thù của dân vùng Drenthe, v.v…. Ở Hoa Kỳ, chỉ qua tên, người ta có thể biết ngay người đó thuộc dân tộc bản địa nào: người Cherokee, Apache, Sioux… có những tên phổ thông khác nhau. Stalin, tên khai sinh (phiên âm sang Anh ngữ) là Ioseb Besarionis dze Jughashvili, cụm vần “-ashvili” cho thấy ông là người gốc Georgia. Nông Đức Mạnh chẳng cần khai, ai cũng biết ông là người gốc dân tộc Tày, do họ Nông đặc thù.
Những họ phổ thông nhất tại các quốc gia Âu châu, theo nghiên cứu của Jakub Marian
Họ và tên được dùng trong thực tế ra sao?
Tên và họ trong đời sống hàng ngày
Chỉ cần để ý một chút, ta sẽ thấy là ngay cả trong thời đại hiện nay, tên họ chính thức đầy đủ rất ít khi được dùng trong sinh hoạt thường nhật. Nói trắng ra, tên họ chính thức có lẽ chỉ được dùng trong giấy tờ hồ sơ cá nhân. Trong đời sống hàng ngày, tên (nguyên chữ hoặc có thể gọi tắt nếu tên quá dài) hay tên tục được dùng nhiều nhất khi giao tiếp thân mật trong gia đình, bạn bè hay giữa những người cùng đẳng cấp. Nguyên tắc chung trong giao tiếp là sự đồng thuận của cả hai bên. Vì thế, tùy theo hoàn cảnh sinh hoạt, một người có thể mang nhiều tên, cho mỗi trường hợp họ sử dụng một tên thích hợp cho sinh hoạt đó.
Tên và họ trên các phương tiện truyền thông
Cho tới giờ, vẫn không có một quy luật thống nhất cho cách nêu tên trong các phương tiện truyền thông. Dường như người ta theo quy tắc bầy đàn, một người nào đó xướng ra và mọi người theo. Cũng có thể, giữa tên và họ, người ta sẽ chọn cái nào ít phổ thông nhất, để người nghe hay đọc biết ngay đó là người nào. Chỉ có cách này mới giải thích được vì sao người ta gọi “cụ Hồ” mà lại nói “cụ Diệm”, báo chí cũng vậy: “…, Ho said” và “…, Thieu declared”. Nhưng cũng không giải thích được vì sao báo chí lại gọi tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa – Dương Văn Minh, với cả tên lẫn họ, hay gọi tắt chỉ một tên Minh: “…, (president Duong Van) Minh said”.
Trung Quốc và một số quốc gia chịu ảnh hưởng Trung Quốc như Việt Nam, Cambodia, Nam-Bắc Hàn, trong giao dịch dùng họ trước tên, ám chỉ dòng tộc quan trọng hơn tên cá nhân (trong khi đó Thái và Lào cũng trong vùng nhưng dùng tên trước họ như Tây phương). Người Âu Mỹ khi nêu tên đích danh thì gọi tên trước họ, phải chăng cá nhân chủ nghĩa nơi họ lớn hơn? Người Hồi giáo gọi tên và theo sau là nguồn gốc dòng họ (con của ai). Cách sử dụng họ trước tên khiến những người Trung Quốc, Việt Nam… khi nhập cư vào xứ Âu Mỹ đã “phải” lộn ngược họ tên lại, với rắc rối đi kèm theo là những họ kép thường bị xé ra, mất cả ý nghĩa lẫn sự nhận biết dòng tộc. Chữ lót “văn” và “thị” nhiều khi trở thành tên. Rồi dần dà, tên trước họ sau (Andrew Nguyen, Linda Le…) đã trở thành phổ thông. Ở đây, điều khó tìm ra lời giải thích có luận lý vì sao người Việt ở Mỹ, Pháp… thường dùng tên họ như vậy ngay cả khi giao dịch với người Việt. Một lý do họ nêu ra là “nhập gia tùy tục”. Chưa hẳn. Các vị nguyên thủ hay nhân vật cao cấp Việt Nam – và cả Trung Hoa hay Nam-Bắc Hàn, từ trước tới nay, khi đi công du, các phương tiện truyền thông đều loan tin với họ trước tên: Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Thiệu, Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình, Kim Jong-un. Chưa bao giờ chúng ta nghe: Chi Minh Ho, Van Thieu Nguyen hay Jinping Xi. Phải chăng vì vấn đề nổi tiếng hay không nổi tiếng?
Các nghệ sĩ thường có nghệ danh: nhà văn nhà thơ thì có bút hiệu, ca sĩ thì có tên đi hát v.v…. Người chơi mạng xã hội thường có tên cho “Avatar” của mình. Còn những người hoạt động bí mật thì có bí danh. Điệp viên có bí số. Dân buôn hương bán phấn không bao giờ dùng tên thật. Chúng ta biết đến diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng hay nhà văn Võ Phiến v.v…, những người nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ, nhưng mấy ai biết tên trên giấy tờ của những người này (Nguyễn Kim Phụng & Đoàn Thế Nhơn) vì giữa tên thật và nghệ danh chẳng có chút đầu mối liên lạc. Cũng như bộ ba đảng viên cộng sản cao cấp: Mai Chí Thọ - Lê Đức Thọ - Đinh Đức Thiện, những người sống ở Nam Việt Nam mấy ai biết đó là ba anh em ruột với tên thật là: Phan Đình Đống, Phan Đình Khải và Phan Đình Dinh.
Nói chung, giới văn nghệ sĩ và những người hoạt động bí mật có điểm chung, đó là người ta chỉ biết đến qua những bút danh và bí danh. Có những nhân vật có nhiều bút danh (bút hiệu) hay bí danh. Nhà văn/nhà báo Duyên Anh (tên thật Vũ Mộng Long) có hơn 10 bút danh khác nữa, trong số này có Thương Sinh, Lệnh Hồ Xung, Bếp Nhỏ… là những bút danh nhiều người biết. Nhà văn/nhà thơ/phóng viên Minh Đức Hoài Trinh (tên thật Võ Thị Hoài Trinh) còn có 3 bút danh khác là Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có những sáng tác dưới 5 tên khác, ngoài tên thật. Hồ Chí Minh là một trong số hơn 170 bí danh và bút danh khác nhau của Nguyễn Sinh Cung, với mục đích tung hỏa mù để đánh lạc hướng quân địch và cả nhân dân, trong số này các bút danh T.Lan, Trần Dân Tiên, C.B. để lại nhiều tiếng chê cười của hậu thế về sự tự cao tự đại hay tính nhỏ mọn của những bài viết dưới những bút danh này. Dường như trên thế giới này các đảng viên Đảng Cộng Sản VN là những người thích dùng bí danh nhất. Bí danh góp phần trong thành công cách mạng ra sao, vẫn là câu hỏi để ngỏ, chờ những nhà nghiên cứu.
Nói về bí danh trong hoạt động của các nhân vật lịch sử, có thể rút ra hai nhận xét. Thứ nhất: tại Việt Nam và Trung Quốc chuyện sử dụng bí danh phổ thông hơn tại các quốc gia Âu Mỹ; và thứ hai: dường như các nhân vật cộng sản thích bí danh hơn những nhân vật… không cộng sản. Phải chăng vì Việt Nam và Trung Quốc trọng văn hơn võ, cho nên thiếu tinh thần… thượng võ, không dám (hay không muốn) xưng tên thật khi đối đầu kẻ địch, khác hơn người Tây phương: “My name is Bond, James Bond”? Cũng vì trọng văn, nên bí danh cũng là một cách thể hiện hoài bão chăng? Còn người cộng sản, do hoàn cảnh phải lẩn trốn sự truy nã, hay vì bản chất của họ như vậy? Lenine, Staline, Trotsky, Hoa Quốc Phong, Đặng Tiểu Bình, Hồ Chí Minh…, và tên phổ thông của nhiều nhân vật cộng sản nữa, thảy đều là bí danh. Tại sao Phan Văn Hòa phải lấy tên khác là Võ Văn Kiệt và các bí danh Sáu Dân, Chín Dũng…? Phải chăng vì “Phan Văn Hòa” nghe yếu quá, và không dễ dàng tiếp cận với dân Nam Bộ quen xưng hô theo thứ bực lớn nhỏ trong gia đình? Nhưng tại sao hai tay tổ cộng sản ở Trung và Nam Mỹ là Fidel Castro và “Ché” Guevara lại không có bí danh? Hay họ có máu anh hùng hơn những người cộng sản Á châu?
Ở Hoa Kỳ, Canada, Ireland… có những tên “tạm” để dùng chung trong các vấn đề pháp lý, kiện tụng, khi không xác định được tên thật của đương sự hay muốn nói chung chung. Đó là những tên như John Doe (nam), Jane Doe (nữ), Janie Doe hay Johnny Doe (bé gái hay bé trai). Đây đó ta có thể thấy những bài báo bị dịch sai tên vì người dịch không hiểu ý nghĩa của họ “Doe” này.
Nói về tội phạm, tại mọi quốc gia, có luật (hoặc quy định bất thành văn) cho các phương tiện truyền thông trong việc nêu danh tính nghi can hay phạm nhân. Thường thì trong trường hợp nghi can tại các xứ Âu Mỹ, truyền thông sẽ chỉ nêu tên tắt cộng chung với mẫu tự đầu của họ. Lý do là để bảo mật đời tư, nghi can có nghĩa là có khả năng sau này tòa sẽ xử vô tội. Chỉ khi nào người phạm tội là nhân vật của quần chúng, hay phạm nhân tội đại hình có tang chứng rõ ràng thì sẽ nêu cả tên lẫn họ, vì trong những trường hợp này bí mật đời tư không còn quan trọng nữa. Ở Việt Nam, tội lớn tội nhỏ gì cũng mang cả tên lẫn họ lên báo (luôn cả hình không che mặt), với lý do là để răn đe người khác. Trên thực tế, do luật lệ khác nhau giữa các quốc gia, đã xảy ra những chuyện nực cười. Hòa Lan tôn trọng tuyệt đối đời tư cá nhân, trong khi ở Bỉ, quốc gia láng giềng giáp giới phía nam thì giới hạn này lại khác. Vì thế, khi Pim Fortuyn, chủ tịch đảng LPF của Hòa Lan năm 2002 bị ám sát, hung thủ bị bắt khi còn cầm súng, báo chí Hòa Lan đưa tin Volkert v/d G. là thủ phạm. Chỉ cần đi qua biên giới Hòa Lan-Bỉ, mua tờ báo là biết ngay đích danh thủ phạm là Volkert van der Graaf, hàng xóm biết rõ hơn người trong nhà. Năm 2018, vụ án với cái chết của em Nicky Verstappen không tìm ra manh mối đã xếp hồ sơ 20 năm, giờ lại được gia đình vận động khơi ra. Với bằng chứng DNA, cảnh sát Interpol được lệnh truy nã Jos Brech. Truyền thông Hòa Lan loan tin rầm rộ cả tuần lễ với đủ tên họ, thế nhưng khi ông ta bị bắt thì truyền thông Hòa Lan rút lại, ta chỉ còn nghe tên Jos. B., mặc dầu ai cũng biết Jos này là ai rồi.
Tên và đẳng cấp xã hội
Thời xưa, xã hội tổ chức đơn giản. Người ta trọng những người có chức vị cao, có sản nghiệp đồ sộ hay có một nghề nghiệp “cao quý”. Những ngành nghề khi xưa chưa phức tạp, vì con người có tính hướng thượng nên trong những gia đình vọng tộc con cái thường theo nghề của cha mẹ, gọi là nếp nhà. Cha mẹ luôn khuyến khích con cố gắng đạt thành công hơn trong sự nghiệp. “Con hơn cha là nhà có phúc”. Cha hay mẹ là bác sĩ thì nhiều phần con cũng là bác sĩ. Cha mẹ là doanh gia thành đạt thì thường truyền cơ sở lại cho con cháu và hướng dẫn chúng khuếch trương thêm. Sự giúp đỡ lẫn nhau trong thân thuộc, trong vòng bạn bè, biết chụp bắt cơ hội đúng lúc, cộng thêm tư chất của vài cá nhân trong nhiều thế hệ đã tạo nên những gia tộc nổi tiếng. Có người tin là có một số yếu tố ngoại vật chất có ảnh hưởng, như thần linh, âm đức, địa lý phong thủy đã phù trợ cho hiện tượng có vài gia đình gây được thanh thế lâu dài, nhưng ở đây không bàn sâu thêm về những yếu tố này.
Những gia tộc được coi là giàu có nhất thế giới, cả về tiền tài lẫn quyền lực (có tiền là có quyền), ta có thể kể:
– Gia tộc Rothschild, chuyên về những hoạt động trong lãnh vực tài chính trong hơn 350 năm, là "những kẻ môi giới và cố vấn cho các vị vua của châu Âu kiêm những kẻ cầm đầu phe cộng hòa tại châu Mỹ".
– Gia tộc Rockefeller, còn gọi là vua dầu hỏa, với John D. Rockefeller, sáng lập viên Standard Oil Company năm 1870. Sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, căn cứ trên Luật Cấm Độc Quyền, năm 1911 ra án lệnh bắt SO Cty phải phân rã thành 7 công ty nhỏ (với các thương hiệu xăng dầu nổi tiếng như Esso, ExxonMobil, Chevron, BP, Texaco v.v…), nhưng Rockefeller vẫn gián tiếp chi phối các công ty này.
– Gia tộc Morgan, qua vụ cùng gia tộc Rothschild cho Bộ Tài chính Mỹ vay gần 100.000 tấn vàng để cứu nguy kinh tế năm 1893, sau đó nhờ uy thế đã vươn lên thành những tập đoàn lớn nhất nước Mỹ, trong đó có GE, AT&T và US.Steel. Gia tộc này đang sở hữu kho dự trữ vàng tư nhân lớn nhất thế giới.
– Gia tộc Du Pont, làm giàu và gây thanh thế từ kỹ nghệ chế tạo thuốc súng, và là công ty đầu tiên cung cấp Plutonium để Hoa Kỳ chế bom hạt nhân.
– Gia tộc Bush, đế chế chính trị, tiêu biểu với hai tổng thống Bush cha và Bush con.
Đương nhiên, không phải người nào mang những họ này là thuộc hàng danh giá. Gia tộc phân nhánh, có hưng thì có suy. Họ Du Pont, xuất xứ từ Pháp, là một họ phổ thông tại quốc gia này, với những biến thể như du Pont, Dupont… Ở Việt Nam khi xưa người ta truyền tụng “Họ Thân không dân, họ Hà không nhà”. Họ Thân ý nói những người mang họ kép Thân Trọng, toàn làm quan chức (gần như không có ai là dân). Họ Hà ý nói họ kép Hà Thúc, cả họ ở nhà chính phủ cấp, không (cần phải) có nhà riêng. Đương nhiên đây là nói quá lên thôi, không phải ai mang họ này cũng có danh vọng, nhất là sau biến động 1975, mọi sự đảo lộn.
Trong phạm vi từng quốc gia, có những gia tộc làm nên sự nghiệp trong một lãnh vực nào đó, như Ford (xe hơi), Bata (giày dép và phụ tùng thời trang) v.v… Ở Hòa Lan có gia tộc Brenninkmeijer nổi tiếng từ khi gia đình mở tiệm C&A vào năm 1841, khai mở con đường bán quần áo may sẵn rẻ tiền, hiện nay có nhiều chi nhánh ở khắp Âu châu và hiện nay lan sang cả Á châu lẫn Bắc và Nam Mỹ. Hay gia tộc Heineken, với thương hiệu bia Heineken có từ năm 1873 cùng nhiều thương hiệu bia lớn khác như Amstel, Murphy’s, Wieckse…., hiện đứng hàng thứ 3 trên thế giới về bia. Ở Ấn Độ, gia tộc Nehru-Gandhi là gia tộc đầy quyền lực chính trị với ba thủ tướng. Ở Việt Nam, dòng họ Phan Huy là một dòng họ giàu truyền thống văn chương khoa bảng suốt nhiều thế hệ, nhiều người trong dòng họ này có công lớn trong những nghiên cứu về văn hóa văn học (Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Lê…). Cựu thủ tướng Phan Huy Quát cũng thuộc gia tộc này. Gia tộc của cố nhạc sĩ Trần Văn Khê là một gia tộc có truyền thống nhạc cổ và sân khấu tuồng trải dài gần hai thế kỷ. Nhưng thường thì thời kỳ hưng thịnh của một dòng họ danh tiếng chỉ được dăm ba thế hệ, như dòng họ của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy (Cẩn), dòng họ Nguyễn Tường (với một số nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo)…
Liên hệ giữa tên và thể chất, nghề nghiệp
Điều chắc chắn là tên có liên hệ đến một phần lớn sinh hoạt cá nhân. Vấn đề là sự liên hệ đó như thế nào.
Ta chỉ cần xem những người Việt định cư ở Hoa Kỳ, Pháp, Nhật v.v… thì có thể rút ra kết luận là: một tên không xa lạ với dân bản xứ là một yếu tố giúp cho sự giao tiếp được dễ dàng với cộng đồng, mở rộng con đường thăng tiến trong xã hội. Nếu không như thế, chẳng ai cần lấy thêm một tên Mỹ, tên Pháp, cũng không phải suy nghĩ đặt tên con ra sao cho thuận tai người bản xứ. Dân những nước Hồi giáo, vì bị ràng buộc trong những luật về tên, giữ nguyên những tên nghe lạ tai. Đây cũng là một yếu tố làm những sắc dân này dễ bị mang tai tiếng.
Các nhà nghiên cứu đã hỏi 200 người đàn ông có họ Tailor (thợ may) hoặc Smith (họ này có nguồn gốc từ blacksmiths - thợ rèn) về tuổi tác, chiều cao và cân nặng, cũng như sức khoẻ và sức bền thể thao. Họ nhận ra những người mang họ Tailor có xu hướng thấp người, nhẹ cân và nhỏ nhắn hơn những người mang họ Smith.
Vào năm 2013, một phóng viên người Anh chuyên viết chuyên mục cho tạp chí The Sun, Katie Hopkins, thừa nhận rằng có liên hệ giữa tên gọi và những định kiến về hoàn cảnh kinh tế xã hội của một đứa trẻ.
Năm 2010, một cuộc nghiên cứu tại Úc của nhóm Alison Booth, Andrew Leigh và Elena Varganova trên 4000 đơn xin việc “ngụy tạo” giống y nhau – chỉ trừ tên người, thuộc 4 nhóm dân khác nhau, đã cho thấy là muốn được kết quả như người mang tên Anh thì người mang tên Aboriginals phải tốn thêm 35% công sức, người mang tên Tàu mất thêm 68%, người Ý mất thêm 12% và người có tên xuất xứ từ Trung Đông mất thêm 64%.
Cũng trong năm này, tại thành phố Gent (Bỉ), các cơ sở đã đồng thuận ký tên trong một thỏa ước với chính quyền địa phương là sẽ tìm mọi cách ngăn ngừa kỳ thị chủng tộc. Thế nhưng 7 năm sau, vào năm 2017, cuộc thăm dò của trường đại học trong thành phố này vẫn nhận thấy người có quê quán nước ngoài sẽ chịu hậu quả là có 30% kém cơ may được nhận qua phỏng vấn xin việc. Với giới trẻ, họ bị thiệt thòi tới 50%.
Trong một cuộc nghiên cứu tại Đại học Ryerson và Đại học Toronto (Canada) vào năm 2011, gần 13.000 lá đơn xin việc “hư cấu” đã gởi tới 3.000 chỗ tìm việc. Họ nhận thấy là những người có tên Trung Quốc, Ấn Độ hay Pakistan có 28% ít cơ may được gọi phỏng vấn, so với các ứng viên có tên Anh.
Tuy nhiên, có những cuộc nghiên cứu không cho kết quả tương tự, thí dụ như một công trình nghiên cứu trong kế hoạch Horizon 2020 mang tên “Growth, Equal Opportunities, Migration and Markets” (GEMM) với mục đích, qua khảo sát thực địa, phân tích và xác định chỗ đứng của những nhóm dân thiểu số trong thị trường lao động. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 5 quốc gia: Đức, Hòa Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Anh Quốc. Đã có khoảng 11.000 đơn xin việc “giả” (hư cấu, tự soạn theo những tiêu chuẩn định sẵn) đã được gởi cho những nơi đang tuyển nhân viên cho các công việc: chuyên viên tin học, đầu bếp, chuyên viên kinh doanh (sales), kế toán, nhân viên bán hàng và người đứng nơi quầy hướng dẫn. Những đơn xin việc này, kèm theo bản lược giải cá nhân (CV), có nội dung giống y nhau, chỉ khác ở tên ứng viên (được chọn qua những tên phổ thông tại nước của ứng viên) và nguyên quán. Các “ứng viên” có nguyên quán thuộc 52 quốc gia của mọi châu lục. Công trình nghiên cứu được thực hiện bởi phân khoa Xã Hội và Ứng Xử, đại học Amsterdam. Kết quả thu lượm được từ công trình nghiên cứu này (công bố năm 2017) làm nhiều người ngạc nhiên, vì không hẳn người bản xứ dễ được thu nhận hơn người nhập cư. Trong mỗi ngành nghề, người ta sẵn có một số ấn tượng là một sắc dân nào đó thích hợp với công việc đặc biệt. Thí dụ nhiều người có sẵn định kiến là dân Ấn Độ siêng năng và giỏi về ngành vi tính, người Hàn Quốc giỏi tính toán, người Mỹ thông thạo trong cách xếp đặt công việc…
Tạm thời chúng ta nên gác vấn đề này qua một bên, vì khi xin việc còn có nhiều yếu tố ngoại lai góp phần: sự tương tác giữa ứng viên và nhân viên tìm việc, diện mạo bề ngoài, và các biến động xã hội trong khoảng thời gian đó. Các văn phòng tìm việc, muốn chắc ăn, có khuynh hướng từ chối những ứng viên người nước ngoài, đó là sự thực.
Cuối cùng, có lẽ nhiều bạn đọc thắc mắc là tên phải chăng có liên hệ đến vận mệnh. Muốn vậy, ta phải trở ngược dòng lịch sử 25 thế kỷ. Vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, nhà toán học và triết học vĩ đại người Hy Lạp Pythagore và các môn đệ của ông đã có nhiều nghiên cứu và chiêm nghiệm về số học. Pythagore là người đã nêu ra định đề về hình học nổi tiếng để tính cạnh huyền của một tam giác vuông. Nhóm Pythagore tin tưởng rằng thế giới đều có thể biểu đạt được bằng quyền năng của những con số. Dù đó là hữu hình hay vô hình, dù là vật chất hay nhận thức, mọi sự đều có thể quy đổi thành số. Pythagore là người thấy rõ được sức mạnh của các con số, ông cho rằng chúng là nền tảng của vũ trụ cũng như số phận của con người. Từ đó nhóm này đã khai sinh ra hội thần số Pythagore. Sau này người ta phát triển nó thành một ngành trong chiêm tinh bói toán, gọi là Thần Số Học (Numerology). Có thể nói Thần Số Học là môn khoa học tiên đoán về cuộc sống của con người thông qua những phương pháp tính, dựa vào tên (3 số) và ngày tháng sinh (2 số).
Thần Số Học chính xác như thế nào là do sự nhận định của mỗi người, chúng ta có thể tự đặt câu hỏi: như thế những người giỏi Thần Số Học có thể đưa lời khuyên cho người nào đó là họ phải xin đổi tên thành một tên mới để cải số xấu thành tốt hay sao? Cũng có thể, vì lý do tâm lý: người ta đã chứng minh được là sự tự tin đóng một vai trò tích cực trong thành quả của công việc.
***
“Cho con nghìn vàng không bằng cho con một cái tên”, câu ngạn ngữ được truyền qua nhiều thế hệ. Đúng vậy. Tên không chỉ là một từ suông để phân biệt cá nhân với nhau. Tên còn chuyển tải mong muốn, là ước nguyện và là tình yêu thương của bố mẹ muốn gửi gấm vào một phần vận mệnh của con cái. Một tên đẹp, dễ nhớ và có ý nghĩa sẽ tạo được sự hãnh diện, tự tin nơi người mang cái tên đó và dễ tạo quan hệ trong xã hội. Do đó, không nên coi nhẹ việc chọn tìm một tên thích hợp cho con cái. Thật là buồn khi cha mẹ thấy đứa con khi lớn lên không thích tên nó đang mang, hay bị mặc cảm do bạn bè mang tên ra chế riễu chọc ghẹo. Một sự thực phũ phàng là: khi một cá nhân không có nhiều giao tiếp với xã hội, cái tên chính thức trên giấy tờ gần như vô dụng. Thay vào đó là tên tắt hay tên tục, dùng hàng ngày trong gia đình và trong cộng đồng xã hội nhỏ, nói lên cái văn hóa đặc thù của từng vùng lãnh thổ, hay từng quốc gia. Có những người, cho tới khi qua đời, bạn bè và thân nhân mới biết tên thật của họ. Nhiều người, khi lâm chung đã được cấp một paspoort với một cái tên mới tinh để có thể cầm nó sang cõi Phật hay vào nước Chúa.
.
Nguyễn Hiền