Huỳnh Thục Vy
Tản mạn về người Việt xấu xí
Người Việt mình hay đặt các giao ước dân sự trên nền tảng tình cảm chứ không có thói quen tạo lập sự minh bạch bằng luật pháp hay các định chế tương tự.
Những ai hay rêu rao về nguyên tắc tình cảm trong các mối quan hệ thường chính là kẻ lợi dụng nó để giành lấy lợi thế cho mình. Tôi luôn thấy sợ hãi điều ấy. Bởi điều đó không những không gìn giữ được tình yêu thương giữa người với người mà khiến tình cảm của những người thật lòng và tử tế bị kẻ xấu lợi dụng. Trong khi kẻ xấu không dùng tình cảm để đối đãi với tha nhân nhưng lại có thẩm quyền chê trách người dùng các nguyên tắc bảo đảm khác (thay cho tình cảm) trong quan hệ với họ.
Một ví dụ hay gặp: một người cho bạn mượn tiền sẽ bị trách móc, dè bỉu nếu yêu cầu người mượn kí kết các giấy tờ vay mượn theo pháp luật; hoặc bạn muốn chuyển tiền cho bên thứ hai, nhờ người đó giao cho bên thứ ba và yêu cầu bên thứ hai giải trình, ngay lập tức bạn sẽ bị cho là không tôn trọng họ. Không biết đến bao giờ thì sự minh bạch và nhu cầu kiểm chứng mới được chúng ta tôn trọng để tình cảm cá nhân không trở thành đầu mối cho động cơ trục lợi của con người. Tôi từng nghe kể nhiều về những việc anh em ruột thịt, bà con thân tộc cho nhau mượn đất đai, tiền bạc mà không có khế ước được thị thực trước pháp luật; thế rồi một thời gian dài trôi qua, bên mượn nghiễm nhiên không trả tiền và làm chủ luôn mảnh đất đã mượn. Ban đầu giao ước được thực hiện dựa trên mối quan hệ tình cảm và sự tin tưởng thân tộc nhưng rõ ràng sự ràng buộc lỏng lẻo ấy khiến các giao ước bị đặt sẵn trước nguy cơ đổ vỡ vì luôn có khả năng một bên sẽ vì động cơ tư lợi mà phá bỏ cái nguyên tắc mà trước đó họ dựng làm nền tảng: tình cảm.
Vậy đó, văn hoá Việt Nam làm cho các mối quan hệ giữa người và người vốn đã phức tạp trở nên rắc rối bội phần. Không có bất cứ nguyên tắc nào được tôn trọng nhất quán từ đầu đến cuối. Tình thương, Lễ nghĩa và Phép tắc chỉ là vũ khí để người ta làm tổn thương nhau chứ không phải là nguyên tắc bền vững để đối đãi thủy chung với nhau. Đối với tôi, dù một nguyên tắc không hoàn hảo nhưng nếu nó được tôn trọng nhất quán thì nó cũng góp phần điều chỉnh các mối quan hệ sao cho chúng diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp và không gây bối rối. Tôi rất sợ thứ văn hoá nói một đàng làm một nẻo của người Việt và người Tàu. Bởi vậy, tôi luôn đề cao luật pháp hơn bất cứ nguyên tắc đạo đức không mang tính cưỡng hành nào.
Đây là vài ví dụ về sự khác biệt một trời một vực giữa giá trị và hành động trong nền văn hoá nói một đàng làm một nẻo. Chúng ta một mực cho rằng người chồng phải là gia trưởng, nhưng là kiểu gia trưởng như Tú Xương, suốt ngày uống rượu, đùa cô đầu và bình thơ, để cho vợ lặn lội nuôi “đủ năm con với một chồng”. Chúng ta chưa bao giờ nhận thức được rằng quyền lực và vai trò phải đi đôi với trách nhiệm; chỉ có loại quyền lực độc tài mới cho phép việc hưởng quyền lợi mà không phải gánh vác trách nhiệm. Chúng ta một mực nói về tình yêu thương, về quan hệ thân tộc gia đình để thúc ước người tử tế hoặc yếu thế, nhưng sau đó sẵn sàng phá bỏ những nguyên tắc này để giành lợi thế cho mình. Chúng ta luôn tự hào là xã hội mình có nền tảng gia đình vững chắc hơn xã hội Tây phương, nhưng có được mấy gia đình là tổ ấm tình yêu và bệ phóng cho nhân cách; có mấy cặp vợ chồng sống với nhau tới già vì tình yêu chứ không phải vì những cản trở về luật pháp, kinh tế và văn hoá? Rõ ràng xã hội và văn hoá này là nơi khởi xuất những mấm mống của hành động nước đôi giả dối… Tôi sợ cách sống đó hơn cả nhà tù chế độ độc tài. Tôi thực sự mong con cháu mình sẽ được nhìn thấy người lớn nói sao làm vậy, yêu là yêu, ghét là ghét và nếu tình cảm là nguyên tắc tối thượng trong đời sống chúng ta, hãy để nó là chuẩn mực để chúng ta sống và chết. Còn nếu quyền lợi là tất cả đối với chúng ta, hãy để cuộc tranh giành quyền lợi đó diễn ra trước con mắt giám sát và chế tài của luật pháp. Vậy thôi.
Trong tất cả các đức tính cộng đồng tốt đẹp tôi đề cao ý thức về sự công bằng nhất, bởi ngay cả khi bạn không yêu thương tha nhân thì ý thức công bằng cũng điều chỉnh tốt các mối quan hệ gia đình và xã hội của bạn. Quyền lợi ích kỷ nhiều lúc giết chết tình yêu thương nhưng khi bạn ý thức được rằng người khác cũng có quyền, tự do và nhân phẩm như mình thì nhận thức này sẽ phần nào ngăn bạn khỏi hành động lỗi đức công bằng. Thực vậy, bạn không cần dùng tình cảm để biện minh, hãy tự hỏi không một chút dối lòng rằng bạn đã thực sự đối đãi công bằng với người thân, bạn bè và những người xung quanh khác chưa, rằng họ cũng là con người với đầy đủ phẩm giá như bạn. Người muốn hoàn thiện mình cần liên tục đặt câu hỏi này trong cuộc sống. Ý thức công bằng bắt nguồn từ sự nhận thức sâu sắc về nhân quyền, nhân phẩm và tự do của mỗi cá nhân. Sự nhận thức ấy có hai nguồn tác động chính: thứ nhất, là sự công minh của luật pháp và tính hiệu quả hệ thống thi hành luật pháp; và thứ hai, là nếp văn hoá được tạo nên từ các giá trị tự do văn minh và nền giáo dục đại chúng tốt đẹp. Thật không may, xã hội Việt Nam thiếu hẳn các nguồn động lực để thúc đẩy con người tôn trọng sự công bằng, dù bằng cách tự ý thức hay bắt buộc.
Không cần phải thương yêu, chỉ cần công bằng với nhau, chúng ta sẽ không lừa dối người phối ngẫu của mình bằng việc ngoại tình? Chỉ cần công bằng, các ông chồng sẽ không ngồi thong thả cho vợ phục vụ mình tối tăm mặt mũi. Chỉ cần công bằng, chúng ta sẽ không giành lấy phần tài sản đáng lẽ ra thuộc về anh chị em mình. Chỉ cần công bằng, chúng ta sẽ không lấn chiếm đất của hàng xóm. Chỉ cần công bằng, chúng ta không buộc vợ chồng, con cái hay người thân khác của mình phải cúc cung phục vụ mình mà không đền đáp, ít nhất là bằng thái độ tử tế. Chỉ cần công bằng, chúng ta sẽ không bòn rút công quỹ, không bổ nhiệm cho kẻ hối lộ mình mà gạt bỏ người tài. Chỉ cần công bằng, chúng ta không chen lấn lên trước khi xếp hàng…
Có những trường hợp muốn đạt được sự công bằng cần phải có pháp luật. Nhưng cũng không ít những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống chúng ta có thể dùng ý thức để thay đổi hành vi và cách đối đãi với tha nhân. Thế nhưng tôi cảm nhận được, xã hội Việt Nam hôm nay không khác thời cá lớn nuốt cá bé. Trong gia tộc cũng vậy, có trẻ con và người hiền lành luôn bị hiếp đáp, người già yếu và mất năng lực hành vi thì càng bị ngược đãi. Rõ ràng chúng ta vừa không coi trọng tình thương, vừa lỗi đức công bằng. Các giá trị tôn giáo không đóng góp được gì nhiều trong đời sống tinh thần của dân chúng. Rõ ràng, chùa chiền và nhà thờ được xây dựng ngày càng nhiều nhưng có mấy ai sống bằng lòng từ bi, bác ái đâu. Nhà Phật có từ “bồ đề tâm kiên cố” nhưng Hoà thượng Thích Viên Định Nguyên Viện trưởng Viện Hoá Đạo Giáo hội Phật giáo VNTN từng nói với người viết: “Con ơi, đây là thời buổi của chùa chiền kiên cố”. Công giáo có câu “đức tin không hành động là đức tin chết” nhưng có mấy ai tin Chúa mà thực hiện đúng điều răn quan trọng nhất “các con hãy thương yêu nhau”?
Xã hội Việt Nam bước từ xã hội quân chủ bán khai, đến bảo hộ thực dân, rồi cộng sản với hai mươi năm của nền dân chủ non yếu Việt Nam cộng hoà chứa đầy tàn dư của xã hội truyền thống. Bốn mươi năm qua cả đất nước nằm dưới nền chuyên chế của một loại vua mới-độc tài cộng sản vô pháp vô thiên, ý thức về sự công bằng của người dân Việt Nam chưa kịp hình thành đã bị chôn vùi. Ngày xưa, người Việt chất phác, thuần hậu nên dù không biết về ý niệm công bằng họ cũng đối đãi với nhau bằng tình làng nghĩa xóm; dù không ít trường hợp người ta dùng mối quan hệ thân tộc, làng xóm để ngược đãi nhau. Ngày nay, xã hội Việt Nam con người vừa ít lòng nhân và hầu như không có chút ý thức công bằng nào. Thật đáng lo!
Huỳnh Thục Vy