Phạm Ɖình Lân
Sự ra đời và biến đổi của tên gọi
.
Có hiện hữu mới có tên gọi.
Nước ta là một nước có truyền thống nông nghiệp lâu đời. Dù vậy, vì lo sợ nạn đói do thất mùa nên cây lúa có vai trò độc tôn trong nông nghiệp. Trên thực tế có rất nhiều loại cây ăn trái miền nhiệt đới không được tìm thấy ở nước ta.
Từ ngữ mới xuất hiện dồi dào trong nước từ khi tiếp xúc với người Âu Châu qua các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo người Tây Ban Nha, Bồ Ɖào Nha và Pháp (thế kỷ XVI, XVII) và với các viên chức thuộc địa người Pháp.
Dưới đây là lược sử các tên gọi và sự biến đổi thăng trầm của chúng trong các lãnh vực hoạt động ở nước ta.
Tôn giáo
Khổng Giáo được gọi là đạo Nho. Gọi là Khổng Giáo vì do đức Khổng Tử truyền dạy.
Gọi là Lão Giáo vì do Lão Tử truyền dạy. Lão Giáo còn được gọi là Ɖạo Giáo (Taoїsme). Lão Tử là tác giả của Ɖạo Ɖức Kinh.
Ɖạo Bà La Môn là chữ dịch của Brahmanisme. Tên gọi nầy hiện ít dùng và được thay thế bằng Ấn Giáo (Hindouisme) tức đạo của người Ấn Ɖộ.
Ɖạo Phật (Bouddhisme) còn gọi là Ɖạo Thích. Giáo chủ của Phật giáo là đức Sakya Muni (nhà hiền triết tộc Sakya. Sakya: Thích Ca) âm thành Thích Ca Mâu Ni. Tu sĩ gọi là Sư (nam) hay Ni Cô (nữ).
Ɖạo Thiên Chúa được truyền giảng ở miền Bắc vào năm 1533 thời vua Mạc Ɖăng Doanh. Ban đầu gọi là đạo Gia Tô, âm từ hai âm đầu của Catholicisme. Tu sĩ Thiên Chúa Giáo gọi là linh mục hay nôm na là “Cha”. Nữ tu sĩ gọi là “Sơ”, âm từ chữ Sœur của tiếng Pháp. Nơi tế tự của đạo Thiên chúa gọi là nhà thờ, giáo đường. Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Thế Giới gọi là Tòa Thánh Vatican, đứng đầu bởi một vị Giáo Hoàng. Các thầy dạy học ở các trường Thiên Chúa là Thầy Dòng. Sư huynh (Frère) đối lại với Sœur ở các trường nữ. Các Sœur còn hoạt động ở các bịnh viện nữa.
Thảo mộc
Trái mảng cầu ngọt (sugar apple) gốc ở Trung và Nam Mỹ, nơi chịu ảnh hưởng chánh trị của người Tây Ban Nha, ngoại trừ Brazil chịu ảnh hưởng của người Bồ Ɖào Nha. Tên khoa học của mảng cầu ngọt là Annona squamosa. Chúng tôi cho rằng người Việt Nam ở miền Bắc gọi trái mảng cầu ngọt là trái NA do âm cuối cùng của chữ Annona mà ra. Chữ Annona xuất phát từ tên gọi ANNON của trái mảng cầu ngọt của bộ lạc Taino trong vùng biển Caribbean. Các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Dominicain giảng đạo Thiên Chúa dọc theo duyên hải miền Bắc từ thế kỷ XVI. Tây Ban Nha có Phi Luật Tân (1) là thuộc địa ở Ɖông Nam Á. Người Thái gọi mảng cầu ngọt là NOINA và Mã Lai là NONA, tức có âm NA sau cùng của chữ Annona.
Trái mảng cầu Xiêm (graviola, soursop) mang tên khoa học Annona muricata cũng gốc ở Mỹ Châu. Ta gọi là mảng cầu Xiêm vì tưởng Xiêm La (Thái Lan) là quốc gia gốc của trái cây nầy. Nếu Mỹ Châu là quê hương gốc của loại thảo mộc nầy thì nó do người Tây Ban Nha mang giống đến Phi Luật Tân. Từ đó hột giống đến Mã Lai, Xiêm La. Người Việt Nam tìm thấy trái cây nầy ở Xiêm sớm nhất là vào cuối thế kỷ XVIII khi Nguyễn Ánh lánh nạn ở nước nầy vào năm 1783.
Có một loại chuối rất đắc dụng ở Việt Nam từ trái, bắp chuối đến lá. Trái chín dùng để ăn, làm mứt, kẹo, bánh chuối, chuối sấy, chuối xào dừa, chuối chiên, rượu chuối, dầu chuối, chuối ép để nuôi con giấm. Bắp chuối dùng để nấu canh chua, trộn gỏi. Lá chuối dùng để gói bánh ú, bánh tét, bánh chưng. Ɖó là chuối sứ hay chuối Xiêm. Gọi là chuối sứ hay chuối Xiêm vì do các sứ bộ sang Xiêm La mang giống về vào thế kỷ XIX.
Tên khoa học của cây bình bát là Annona reticulata, tức cũng đồng với mảng cầu ngọt.Tên gọi BÌNH BÁT có thể phát xuất từ tên gọi MEAN BAT của người Khmers mà ra. Cây bình bát được tìm thấy nhiều ở Thủy Chân Lạp (Nam Bộ bây giờ) nơi bình bát mọc theo sông, rạch và mương rãnh.
Cây và trái bình bát (ifarmer.vn)
Cây sầu riêng gốc ở Mã Lai, quần đảo Indonesia. Người Mã Lai gọi sầu riêng là Durian (trái có gai – Duri:gai). Từ Mã Lai sầu riêng được đưa sang Xiêm La (Thái Lan). Người Thái âm chữ Durian của Mã Lai thành Thurian. Trên đảo Penang của Mã Lai có một tu viện Thiên Chúa Giáo. Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm được các linh mục và chủng sinh Thiên Chúa Giáo đem giống từ Penang về trồng ở những vùng có nhiều giáo dân ở miền Nam như Cái Mơn (Bến Tre – trước thuộc Vĩnh Long), Nhị Bình (Gia Ɖịnh), Bình Nhâm, Hưng Ɖịnh (Thủ Dầu Một – Bình Dương). Tên gọi sầu riêng là âm của chữ Thurian hay Thurieng của Xiêm La.
Cây măng cụt gốc ở Mã Lai và Indonesia. Người Mã Lai gọi măng cụt là manggishutan. Từ đó người Anh gọi là mangosteen và Pháp gọi là mangoustan. Người Việt Nam gọi là măng cụt, âm từ cách gọi mangkut của người Xiêm (Thái).
Măng cụt (https://vuonsinhthai.com.vn/)
Có một loại trái dâu, vỏ trái được phủ bằng một màn mỏng trắng mịn được gọi là dâu miền dưới vì xuất phát từ các quốc gia ở phía nam Việt Nam như Mã Lai và Indonesia. Loại dâu nầy còn được gọi là dâu bòn bon vì trái tròn như viên kẹo tròn. Theo tiếng Pháp bonbon là viên kẹo.
Người Việt Nam có học chữ nho ngày xưa có nghe qua lúa mì, lúa mạch, cao lương, kê, cây thông, cây tùng, cây bách, cây bạch quả … qua sách vở Trung Hoa.
Tên khoa học của cây cóc là Spondias cytherea. Tên gọi cây CÓC hay trái CÓC phát xuất từ âm cuối cùng của tên gọi MAKOK của người Thái. Người Khmers gọi là Mokak. Người Lào gọi là KOOKHVAAN. Chữ KOOK gợi ít nhiều âm từ chữ CÓC.
Người Việt Nam biết cây thốt nốt vào đầu thế kỷ XVIII khi đặt chân trên đồng bằng sông Cửu Long. Tên gọi thốt nốt xuất phát từ tên gọi THNAOT của người Khmers. Người Thái gọi là NOT. Trong tỉnh An Giang có quận Thốt Nốt.
Cây và trái thốt nốt (Ảnh internet)
Khi tiếp xúc với người Pháp, người Việt Nam ở thành phố mới biết trái nho, trái “pomme” (chúng tôi không muốn dịch trái “pomme” là táo vì dễ bị ngộ nhận với trái táo, táo Tàu, táo gai hoang dại nhỏ như hạt tiêu), cải xà lách (salade), cà tô mát (tomate) sau còn gọi là cà chua vì có vị chua, cải xà lách son (cresson), khoai lang Tây (pomme de terre) vì giống khoai lang và vì gốc ở phương Tây, cải cà-rốt (carotte), măng tây (asperge), su hào, cải nồi, cải bắp (chou) v.v.. Cây cao su (Caoutchouc), cây cà-phê (caféier), cây phi-lao (filao) xa lạ đối với người Việt Nam nay trở nên quen thuộc.
Năm 1957 miền Nam Việt Nam bắt đầu trồng cây Avocado đầu tiên do Phi Luật Tân tặng. Mới nghe tên gọi Avocado, người Việt Nam tưởng là AVOCAT của tiếng Pháp nên đặt cho nó cái tên cây TRẠNG SƯ (Avocat: trạng sư, luật sư theo tiếng Pháp). Sau mới biết AVOCAT của tiếng Pháp là ABOGADO của tiếng Tây Ban Nha chớ không phải AVOCADO nên đổi tên gọi cây trạng sư ra cây BƠ vì trái chín mềm và có vị béo như bơ (beurre). Người Việt Nam ở Hoa Kỳ gọi thẳng là trái avocado.
Ɖộng vật
Ɖọc lịch sử thấy các quan thái thú Tàu bắt dân ta lên rừng tìm sừng tê giác, xuống biển mò ngọc trai, chúng ta thấy nước mình giàu lắm. Biển có ngọc trai. Rừng có sừng quí dùng làm thuốc. Vậy mà ở Lái Thiêu có một nhà thuốc Bắc có hình con tê giác to bằng tấm bảng trong trường học. Không biết người địa phương biết tê giác hay không nhưng chỉ nghe gọi đó là nhà thuốc CON TRÂU chớ không gọi tên bảng hiệu nhà thuốc hay tên con tê giác.
Khi tiếp xúc với người Pháp, người Việt Nam thấy người Pháp ăn lễ Giáng Sinh bằng con gà to lớn gấp chục lần con gà giò ở nước mình. Họ gọi đó là GÀ TÂY vì xuất phát từ phương Tây và do người Tây ăn.
Con chó to lớn gấp ba,bốn lần chó cò ở nước mình được gọi theo người Pháp là chó Bẹt-Giê (berger).
Con Kangaroo được gọi là đại thử (chuột to), chuột túi. Sau thấy nó giống chuột nhưng không thuộc dòng họ với chuột nên gọi theo tên gốc là Kangaroo.
Dựa vào cách gọi của người Trung Hoa, chiết tự chữ HIPPOPOTAME ra HÀ MÃ (HIPPO: con ngựa) tức con ngựa dưới sông. Có người nhìn thấy hà mã không giống ngựa mà giống heo nên còn gọi là HEO NƯỚC nữa.
Thấy một động vật có vú giống ngựa, trên mình có sọc rằn ri màu trắng xen lẫn màu xanh thì gọi đó là ngựa rằn (zèbre).
Thấy một động vật có vú và sinh con có mặt giống hươu, nai nhưng cổ dài cả thước nên gọi là hươu cao cổ (giraffe)
Gọi là con vẹt vì đó là loài chim có bộ lông xanh (vert/verte tiếng Pháp) và có thể nói được tiếng người. Nên có câu: Nói như vẹt (parler comme un perroquet). Vẹt âm từ tiếng Pháp Verte.
Có một giống vịt to con, sinh nhiều trứng và nở nhiều con được gọi là vịt Xiêm vì người Việt Nam biết nó lần đầu tiên ở Xiêm vào cuối thế kỷ XVIII. Tên khoa học của loại vịt to con có màu lông xanh-đen hay màu trắng toát là Cairina moschata. Người Anh gọi là turkey duck hay Muscovy duck. Nguồn gốc của loại vịt nầy không phải Xiêm La (Thái Lan) như cách gọi của người Việt Nam mà là Mễ Tây Cơ và Brazil trên lục địa Mỹ Châu. Người Tây Ban Nha chiếm Mễ Tây Cơ năm 1521. Cùng năm nầy Magellan cũng đặt chân trên quần đảo Phi Luật Tân và nhận đó là thuộc địa của Tây Ban Nha. Có thể loại vịt vừa nói được người Tây Ban Nha đưa vào Phi Luật Tân. Từ Phi Luật Tân giống vịt nầy được du nhập vào Mã Lai rồi Xiêm La (Thái Lan).
Vịt Xiêm (Ảnh: /http://kythuatnuoitrong.edu.vn/ & https://www.kaieteurnewsonline.com/)
Có một loại cá lia thia rất bạo tợn được gọi là cá Xiêm vì xuất phát từ Xiêm La. Tên khoa học của cá Xiêm là Betta splendens. Người Anh gọi là Betta fish hay Siamese fighting fish.
Dụng cụ ăn uống, thức ăn, thức uống
Dụng cụ dung để ăn và uống ở nước ta là đôi đũa tre, cái muỗng sành và ly sành. Khi tiếp xúc với người Pháp thì một số ít người Việt Nam Tây học hay dân thành phố biết dùng nĩa và muỗng kim khí cán dài được gọi là cùi-dìa (cuillère). Cái tách uống nước do chữ TASSE của Pháp mà ra.
Tiếp xúc với người Ấn Ɖộ, người Nam Bộ biết món cà-ri (carry – curry), bánh rế, bánh cay.
Bánh rế (Ảnh: https://phanthietvn.com/)
Khỏi phải bàn luận, thức ăn Guangzhou (Quảng Châu) được hưởng ứng đặc biệt. Thức ăn hàng ngày là hủ tiếu, mì, bánh bao, xíu mại, bánh tiêu, dầu-chá-quảy, xôi lạp xưởng, cơm chiên Yangzhou (Dương Châu), gà, vịt, heo quay, heo sữa quay, cháo thập cẩm, vịt tiềm Bắc Kinh, gà xối mỡ, gà hấp cải bẹ xanh, cua biển xào, tả-pín-lù, cù lao (lẩu) v.v. Không người ngoại quốc nào thành công trong việc mở tiệm nước và nhà hàng bằng người Hoa ở Việt Nam.
Tiếp xúc với người Pháp, người Việt Nam biết bơ (beurre), phô-mai (fromage), sữa bò (lait concentré), nước ngọt làm từ cam, chanh, cà phê, rượu la-ve hay bia (bière – beer), rượu chát (rượu vang do chữ Vin của Pháp mà ra), đường củ cải đường khác với đường mía. Về thức ăn chịu ảnh hưởng của người Pháp thì có các món ra-gu (ragoût), ba-tê gan ngỗng (paté de foie), giăm-bông (jambon), xúc-xích (saucisse), ba-tê-sô (paté chaud), bánh bít-qui (biscuit), bánh mì, súp củ hành, món Chateaubriand, món bíp-tết (beefsteak), gà tây quay hay nấu cà-ri, thịt thỏ nấu với rượu nho (civet de lapin), các loại thịt hộp, nước chấm maggie, nước xốt (sauce) v.v..
Người Việt Nam giữ thịt cá không sình thối bằng cách muối mặn với hành, tiêu, tỏi, ớt, gừng, riềng hay phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Nên có câu: Cá không ăn muối cá ươn.
Người Tây Phương giữ thịt, cá bằng tủ lạnh. Tủ lạnh còn làm ra đá (ice – glace). Từ đó có nước đá bào, nước đá nhận có hương vị si-rô đỏ, vàng và cà-rem (crème), sau gọi là kem. Ly cà-phê-sữa-đá bán trong tiệm nước người Hoa có ba chất liệu ngoại nhập: đá, cà-phê, sữa đặc (lait concentré sucré).
Sườn non của heo gọi là thịt cốc-lết (côtelette). Phần thịt mềm và ngon gọi là thịt phi-lê (filet). Trong món steak món filet mignon là món đắt tiền nhất.
Trong thời gian lánh nạn ở Xiêm La, Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng biết một loại canh rau thường thấy trong các bữa ăn của người Xiêm. Ɖó là canh Xiêm Lo (phát âm của người Quảng Nam từ chữ Xiêm La).
Ɖịa lý, chánh trị & kinh tế
Từ ngữ chánh trị ở nước ta tương đối nghèo nàn vì trải qua nhiều thế kỷ lệ thuộc ngoại bang rồi chế độ quân chủ chuyên chính. Làm chánh trị, nói chánh trị đồng nghĩa với tù tội, lưu đày và tru di tam tộc hay cửu tộc.
Nhà cách mạng Phan Châu Trinh biết tác phẩm Contrat Social của Jean Jacques Rousseau hay De l’Esprit des Lois của Montesquieu qua bản dịch của Trung Hoa.
Người Trung Hoa âm tên ông Rousseau là Lư Thoa và Montesquieu là Mạnh Ɖức Tư Cưu. Washington được âm thành Hoa Thịnh Ɖốn; La Fontaine: Lữ Phụng Tiên; Napoléon: Nã Phá Luân v.v.. Contrat Social dịch thành Xã Ước. De l’Esprit des Lois dịch thành Vạn Pháp Tinh Lý.
Nước Pháp (France) âm thành Pháp Lang Sa. Hispaniola, Spain, âm thành I Pha Nho rồi Tây Ban Nha. America âm thành A Mỹ Lợi Gia, sau đổi thành Mỹ Châu. Yugoslavia âm thành Nam Tư Lạp Phu, sau gọi gọn ngắn là Nam Tư. Germany được âm thành Nhật Nhĩ Man, sau là nước Ɖức. Asie Mineure dịch thành Tiểu Á Tế Á; Proche Orient thành Cận Ɖông, sau được gọi là Trung Ɖông, tức nửa đường đi đến phương Ɖông chớ không phải đó là phương Ɖông như người Âu Châu tưởng trước đó.
Vài tên nước, nếu biết tiếng Anh thì hiểu nghĩa dễ dàng nhưng nếu âm ra Hoa ngữ hay Pháp ngữ thì không có nghĩa gì cả. Thí dụ: Thailand âm thành Thái Lan (Hoa ngữ) hay Thailande (Pháp); Iceland âm thành Ích Lan (Hoa ngữ) hay Islande (Pháp).
Thailand là đất của người Thái, ám chỉ Yunnan (Vân Nam), miền hữu ngạn sông Ɖà, Lào, Xiêm La tức Thái Lan bây giờ!
Island là đảo lạnh, băng giá.
Những chữ Thái Lan, Ích Lan theo Hoa ngữ hay Thailande, Islande của tiếng Pháp không có nghĩa gì cả vì đó là tiếng dịch âm. Iceland sau được dịch thành Băng Ɖảo rất hợp với tên gốc.
Greenland được người Trung Hoa âm thành Gelinlan (Cát Lam Lan) và Pháp âm thành Groenlande. Cả hai địa danh Cát Lam Lan và Groenland đều không gợi lên nghĩa của tên gọi Greenland (Ɖất Xanh – Thanh Thổ).
Ɖông Kinh tức Thăng Long được người ngoại quốc âm thành Tonking hay Tonkin với nghĩa là Bắc Kỳ chớ không phải Ɖông Kinh (Thăng Long, Hà Nội). Ɖây là trường hợp âm và nghĩa khác nhau.
Gia Ɖịnh là một địa danh ở phía nam Biên Hòa. Thành Gia Ɖịnh (citadelle de Gia Ɖịnh) và Gia Ɖịnh Thành (Cochinchine) khác nhau. Thành Gia Ɖịnh là cái thành sau nầy là sân banh Citadelle trên góc đường Albert 1er (Ɖinh Tiên Hoàng, Ɖa Kao) và Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự). Gia Ɖịnh Thành tức Nam Kỳ (Nam Bộ) sau nầy. Ông Aubaret dịch quyển Gia Ɖịnh Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Ɖức ra Pháp ngữ dưới tựa đề Description de la Basse Cochinchine rất chính xác.
Tranh vẽ thành Gia Định bị quân Pháp tấn công ngày 17 tháng 2 năm 1859 (https://commons.wikimedia.org/ )
Cách mạng Tân Hợi năm 1911 tạo sinh khí cách mạng và chính trị cho các nhà yêu nước hoạt động bí mật ở Việt Nam và trong các tỉnh miền Hoa Nam. Sự chào đời của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ɖồng Chí Hội ở Guangzhou (Quảng Châu) năm 1925 và Việt Nam Quốc Dân Ɖảng ở Hà Nội năm 1927 khiến cho khí thế cách mạng vươn lên cao. Từ ngữ chánh trị xuất hiện và lưu hành lúc bí mật, lúc công khai như: cách mạng Tân Hợi, cách mạng tháng 10, quân chủ chuyên chính (monarchie absolue), quân chủ lập hiến (monarchie constitutionelle), hiến pháp (constitution), chế độ đại nghị (régime parlementaire), chế độ tổng thống (régime présidentiel), tam quyền phân lập (séparation de trois pouvoirs), ngũ quyền phân lập (séparation de cinq pouvoirs - ở Trung Hoa), độc lập (indépendance), tự do (liberté), dân chủ (démocratie), tam dân chủ nghĩa (Triple démisme hay Tridémisme - San Min Chu I), chủ nghĩa đại đồng (Communisme – Chủ Nghĩa Cộng Sản), nhân quyền (droit de l’homme), dân quyền (droit du citoyen), dân sinh (people’s livehood - moyens d’ existence du peuple), Ɖệ Tam Quốc Tế (3ème Internationale), Ɖệ Tứ Quốc Tế (4ème Internationale), cách mạng ở một nước, cách mạng thường trực trên thế giới v.v.. Chủ nghĩa Cộng Sản có những từ đồng nghĩa như chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa xã hội (Socialisme). Ɖệ Tam Quốc Tế đồng nghĩa với chủ nghĩa Stalin (Stalinisme) và Ɖệ Tứ Quốc Tế đồng nghĩa với chủ nghĩa Trotsky (Trotskyisme). Từ năm 1949 có thêm chủ nghĩa Cộng Sản khuynh hướng Mao (Maoisme). Khuynh hướng nầy chớm nở ở Trung Hoa sau năm 1927. Trung Hoa là tiền trạm quảng bá chủ nghĩa Tam Dân và chủ nghĩa cộng Sản vào Việt Nam. Do đó từ ngữ chánh trị, kinh tế, thương mại… đều là những từ kép Hán-Việt.
Từ ngữ về kinh tế có vẻ nghèo nàn trong một nước nông nghiệp có trên 90% dân số làm nghề nông nhưng không có ruộng đất. Họ phải mướn đất của các chủ điền để canh tác và trả nợ bằng lúa thu hoạch được. Người Cộng Sản gọi chủ điền là địa chủ và tá điền là bần nông vô sản hay bần cố nông.
Người Hoa ở Việt Nam có ưu thế về phương diện kinh tế. Họ âm chữ company (compagnie) thành Công Xy. Sau mới đổi thành Công Ty.
Régie được dịch từ Sở, sau đổi thành công quản. Régie d’alcool (RA): công quản rượu tức rượu công-xy hay rượu máy. Régie d’opium (RO): công quản á phiện.
Patente được âm thành ba-tăng. Có nơi gọi là giấy chấp, sau đổi thành môn bài.
Mercantilisme dịch thành chủ nghĩa trọng thương.
Ploutocratie dịch thành phú hào, tài phiệt.
Gọi là nhà băng dựa vào âm chữ banque của Pháp hay bank của Anh, sau đổi thành ngân hàng. Theo tiếng Anh, bank có nghĩa là bờ sông. Vì các ngân hàng đầu tiên thiết lập trên bờ sông để tiện việc giao dịch với khách hàng chở hàng hóa đến nơi tiêu thụ bằng đường thủy.
Người Việt Nam ở Nam Kỳ biết dùng tiền giấy, tức chỉ tệ (papier-monnaie/paper money) vào thập niên 70 của thế kỷ XIX.
Giấy bạc Đông Dương in hình 3 thiếu nữ với trang phục truyền thống Lào, Campuchia, Việt Nam (zingnews.vn)
Người trông coi về tiền bạc của một công ty là ông tài phú. Ɖó là cách gọi của người Hoa. Thủ quỹ (caissier) là tên gọi mới của tài phú.
Thời Pháp thuộc tiếng Pháp được lưu hành trên bán đảo Ɖông Dương. Dù vậy tiếng Anh cũng được tìm thấy trong các bộ môn thể thao và trên các mặt hàng sản xuất như Made in Cholon (Sản xuất hay Làm ở Chợ Lớn) hay Trade Mark, gọi nôm na là nhãn hiệu cầu chứng, hiện nay dịch sát nghĩa là thương hiệu.
Quân sự
Khi người Pháp xâm chiếm nước ta, nhiều tên gọi mới ra đời trên mọi lãnh vực hoạt động.
Người Pháp gọi lính là soldat. Từ đó có lính săn-đá, thành săn-đá (soldat). Caporal thì gọi là cai, sau nầy là hạ sĩ (cạp-rằng cũng là âm của chữ caporal); sergeant là đội, sau nầy là trung sĩ; adjudant: ông ách; aspirant: chuẩn úy. Sĩ quan một gạch trên cầu vai gọi là quan một, sau gọi là thiếu úy; hai gạch là quan hai tức trung úy; ba gạch: quan ba tức đại úy; bốn gạch: quan tư tức thiếu tá, năm gạch: quan năm tức đại tá. Trung tá cũng mang năm gạch nhưng có lằn chỉ giữa các gạch.
Chữ capitaine của Pháp dễ gây hiểu lầm. Trong Bộ Binh capitaine là đại úy (quan ba). Trong Hải Quân ta có:
- Capitaine de corvette: thiếu tá Hải Quân.
- Capitaine de frégate: trung tá Hải Quân.
- Capitaine de vaisseau: đại tá Hải Quân.
Thật sai lầm khi gọi Francis Garnier là đại úy. Ông là một sĩ quan Hải Quân lỗi lạc, từng là Thanh Tra Bản Xứ Vụ (Inspecteur des Affaires Indigènes như tỉnh trưởng) ở Chợ Lớn. Vậy chữ capitaine dành cho Francis Garnier không phải là đại úy mà là đại tá như đại tá Henri Rivière, người chỉ huy quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai vào năm 1882. Chính Francis Garnier là người chỉ huy một toán lính Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất năm 1873. Francis Garnier và Henri Rivière đều bị giặc Cờ Ɖen giết chết.
Ở Hốc Môn có thành ông Năm, tức thành do một vị đại tá chỉ huy.
Ở Sài Gòn có thành Ô-Ma do chữ Camp Aux Mares mà ra vì trong khuôn viên thành có nhiều chỗ trũng. Trời mưa nước đọng thành vũng như những cái ao (mares) trong thành vậy. Cho đến thập niên 1950 nhiều người còn câu ếch dọc theo bờ rào thành Ô-Ma trên đường Nancy trước trường Petrus Ký.
Thành Ô-Ma ở đất Sài Gòn xưa (https://chieuanhquan.wordpress.com/)
Ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) có thành săn-đá (soldat), sau nầy là trường Công Binh.
Khi người Pháp mới đến thì chữ police được dân chúng gọi là mã tà theo cách gọi của người Mã Lai ở Singapore. Sau âm chữ police thành phú-lít. Sau nầy mới gọi là cảnh sát nhưng người bình dân biết mã tà hay phú-lít mà không biết cảnh sát!
Chữ sen-đầm âm từ chữ gendarme. Sau gendarme được dịch là hiến binh.
Sûreté có nghĩa thông thường là an ninh, nghĩa thường được phổ biến lẫn lộn trong quần chúng là mật thám, lính kín. Sûreté d’État được dịch thành Sở Liêm Phóng. Nguyên từ có nghĩa là an ninh quốc gia. Reserche (rờ-sẹt) cũng được gọi là lính kín.
Sở cẩm là âm đầu của chữ Commissariat de Police (sở Cảnh Sát). Từ chữ đầu của chữ Commissaire (Ủy Viên) ta có chữ ông Cò, sau mới gọi một cách thanh nhã là cảnh sát trưởng.
Cấp chỉ huy quân đội mang súng ngắn gọi là súng lục liên hay súng sáu. Súng lục vì chỉ có 6 viên đạn. Lính thì dùng súng MÚT do chữ MOUSQUETON mà ra. Súng Mút còn được gọi là súng trường vì chiều dài của nó. Súng cà-nông (canon) sau gọi là đại bác. Chữ đạn mọt-chê do chữ mortier mà ra. Gọi là trái bom do chữ bombe mà ra. Chữ pompe (ống bơm), pomme (trái pomme), bombe (trái bom) đều âm thành BOM.
Phú-lít không có súng mà chỉ có ma-trắc (matraque – dùi cui) và cái síp-lê (sifflet – tu hít).
Lính tập (tirailleur) mặc đồ ka-ki vàng, mang giày bốt (botte – giày ống), đầu đội ca-lô (calot). Từ đó có câu:
Lính tập về làng như Thần Hoàng về miếu.
Lính tập thời Pháp thuộc (Ảnh: https://www.hinhanhlichsu.org/)
Lính phú lít mặc quần sọt (short) trắng, áo sơ mi (chemise) tay ngắn màu trắng. Chân mang giày bố trắng, đầu đội nón cối (casque) trắng. Cách ăn mặc của lính phú lít na ná giống cách ăn mặc của của các thầy giáo. Phú lít có dùi cui, sip-lê. Thầy giáo thỉnh thoảng cũng mặc quần tây dài, áo sơ mi tay dài (manchette) có bành tô (paletot) khoác bên ngoài, mang cà-vạt (cravate), chân mang giày da, túi có đồng hồ tròn gọi là đồng hồ trái quit.
Lính phú-lít (Ảnh: Carl Mydans)
Xe bọc sắt với nhiều bánh kim khí chạy trên dây xích gọi là xe tăng do chữ tank mà ra. Về sau xe tăng được gọi là chiến xa.
Xe Jeep gọi là xe con cóc. Xe chở lính gọi là xe nhà binh. Xe lớn nhất gọi là xe nhà binh 10 bánh do công ty GMC sản xuất.
Những từ đồn bót, lô-cốt, tua, hầm tăng-sê đều có gốc ngoại ngữ poste, blockhouse, tour, tranchée mà ra.
Hành chánh & tư pháp
Dưới triều Nguyễn đứng đầu tỉnh có tổng đốc (tỉnh lớn), tuần vũ (tỉnh nhỏ). Ɖứng đầu phủ có tri phủ. Người đứng đầu huyện là tri huyện. Các chức vụ nầy vẫn còn ở Trung Bắc Kỳ (đất bảo hộ) dưới thời Pháp thuộc.
Ở Nam Kỳ các chức vụ tổng đốc, tri phủ, tri huyện không còn sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Ɖông (Biên Hòa, Gia Ɖịnh, Ɖịnh Tường) năm 1862 rồi ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) năm 1867. Thoạt tiên người trông coi việc cai trị trong tỉnh ở Nam Kỳ gọi là Inspecteurs de Affaires Indigenes (Thanh Tra Bản Xứ Vụ). Phần lớn các vị nầy là sĩ quan Hải Quân Pháp. Dưới tỉnh là quận (délégation) do quận trưởng đứng đầu (délégué). Các quận trưởng (délégué) là người Pháp hay các đốc phủ xứ người Việt. Dần dà người đứng đầu tỉnh được gọi là chánh tham biện. Các chánh tham biện đều là người Pháp. Mãi đến thời chánh phủ Bảo Ɖại (1949 - 1955), người trông coi việc hành chánh tỉnh mới được gọi là tỉnh trưởng và chức vụ nầy do người Việt Nam đảm nhận.
Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Trung Bắc Kỳ là đất bảo hộ (protectorat) nên triều đình Huế vẫn còn chút ảnh hưởng. Luật Nam triều vẫn còn áp dụng. Nó không còn ảnh hưởng ở Nam Kỳ, nơi áp dụng luật của Pháp không khắc nghiệt như luật Nam triều phỏng theo luật của Trung Hoa. Án sát là người xử án dưới triều Nguyễn. Ɖó là quan tòa ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc, sau gọi là thẩm phán. Người biện hộ cho người phạm tội hay người bị kiện được gọi là thầy kiện, trạng sư rồi luật sư. École de Droit et d’Administration được gọi là trường Hậu Bổ như trường Quốc Gia Hành Chánh (École Nationale d’Administration) hay Học Viện Quốc Gia Hành Chánh sau nầy (National Institute of Administration).
Từ thập niên 70 của thế kỷ XIX, ở Nam Kỳ xuất hiện những thầy thông (thông ngôn), thấy ký (ký lục), cò-mi (commis; Tham tá), huyện hàm (huyện sĩ Lê Phát Ɖạt), tổng đốc hàm (tổng đốc Phương, tổng đốc Lộc), đốc phủ (đốc phủ Tôn Thọ Tường) v.v.
Năm 1945 Bắc Kỳ được gọi là Bắc Bộ; Trung Kỳ: Trung Bộ và Nam Kỳ: Nam Bộ.
Thời quốc trưởng Bảo Ɖại (1949 - 1955) Bắc Bộ đổi thành Bắc Việt; Trung Bộ: Trung Việt và Nam Bộ: Nam Việt. Vào thời nầy có chức thủ hiến (thû hiến Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt) tựa như chức tổng trấn dưới thời vua Gia Long vậy.
Vào thời kỳ đất nước qua phân, chức thủ hiến được đổi thành đại biểu chánh phủ ở miền Nam Việt Nam (phía nam vĩ tuyến 17). Bắc Việt được cải thành Bắc Phần; Trung Việt: Trung Phần và Nam Việt: Nam Phần dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.
Ở miền Bắc các danh xưng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ vẫn được duy trì. Phủ (préfecture) không còn nhưng huyện vẫn còn. Chức tri huyện bị bãi bỏ vì quá khứ phong kiến của nó. Danh chức dưới chế độ Cộng Sản (Xã Hội Chủ Nghĩa) rất dài dòng như chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh (tỉnh trường), Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện v.v.. Người có thực quyền không phải là ông chủ tịch mà là ông bí thơ đảng ủy.
Gíao dục
Dưới chế độ quân chủ không có trường công lập ở các địa phương. Cũng không có cơ sở đào tạo thầy dạy học. Người dạy học thời phong kiến gọi là thầy đồ. Ɖó là thầy dạy học tư ở nhà. Không phải xã nào cũng có thầy đồ. Ɖó là chữ rút gọn của chữ SINH ƉỒ, tức tú tài. Ɖó là người đậu tam trường hương thi. Trên thực tế có nhiều thầy đồ có cử nhân (đậu tứ trường hương thi), tiến sĩ (hội thi) và được bổ làm quan. Sau hưu trí hay từ chức về làng mở trường dạy học cho vui hay để mưu sinh. Nhiều thầy đồ không đậu thi hương nhưng dạy môn sinh thi hương để lấy cử nhân.
Thầy đồ và trường học xưa (https://dongsongcu.wordpress.com/)
Dưới thời đô hộ của Pháp nhiều trường công lập được xây cất ở các địa phương.
Ngày xưa các thầy đồ là thầy giáo tư thục. Trường là cái nhà của ông thầy.
Dưới thời Pháp thuộc trường nhà nước là trường công lập, học sinh không phải đóng học phí. Trường tư thục cũng có cơ sở lớn lao; ban giảng huấn có đầy đủ cấp bằng để được đứng lớp. Trường tư thục lâu đời và nổi tiếng là tư thục Taberd ở Sài Gòn. Sau có các trường nổi tiếng khác như Thăng Long (Hà Nội), Pellerin (Huế), Huỳnh Khương Ninh, Lê Bá Cang, Nguyễn Văn Khuê (Sài Gòn) v.v..
Trường Lasan Taberd (Ảnh: https://nl.pinterest.com/)
Ɖiều khiển trường học có một đốc học, sau nầy gọi là hiệu trưởng. Hiệu trưởng trường Trung Học gọi là Proviseur.
Thầy giáo gọi là giáo viên (instituteur, institutrice, maître, maîtresse dạy tiểu học), giáo sư (professeur nếu dạy trung học và Professeur nếu dạy đại học). Thầy đồ ngày xưa dạy chữ Hán. Giáo viên thời Pháp thuộc dạy chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh và Pháp ngữ.
Học tiểu học thì gọi là học trò (écolier). Học trung học thì gọi là học sinh (élève). Học đại học thì gọi là sinh viên (étudiant).
École élémentaire: trường tiểu học (thi bằng tiểu học CEPCI). Vào thập niên 70 của thế kỷ XX trường tiểu học được gọi là trường Cấp I.
Collège: Trung học đệ nhất cấp (thi lấy bằng Brevet hey Diplôme). Sau đổi thành trường Cấp II. Trường Cấp I & Cấp II nhập chung lại vào thập niên 70 của thế kỷ XX ở Việt Nam Cộng Hòa.
Lycée: Trung học đệ nhị cấp (thi tú tài I và tú tài II), sau gọi là trường Cấp III.
Khoa học kỹ thuật
Trong lãnh vực khoa học kỹ thuật tất cả các tên gọi đều được âm từ tiếng Pháp như con vít (vis), bù lon (boulon), cây dên (bielle), cây láp (l’arbre), cái ê-tô (étau: cái kẹp), cái mỏ-lết (molette), cái tuột-nơ-vít (tournevis), cái bích-tông (piston), nồi sô-de (chaudière), khí ốc-xy (oxygène), khí cạt-bô-ních (gaz carbonique), ba-dơ (base), ác-xít (acide), cồn (alcool), ê-te (ether) v.v..
Trước khi người Pháp đến, nhà cửa ở nước ta là nhà tranh vách đất hay nhà ngói âm dương, vách cây, nền đất, không cửa sổ. Từ khi tiếp xúc với người Pháp, nhà gạch, ngói móc có cửa sổ bắt đầu xuất hiện ở thành phố và rải rác ở nông thôn. Từ đó có những tên gọi xi-măng (ciment), gạch ca-rô (carreau), dây lập-lòng (fil à plomb), bê-tông (béton), bê-tông cốt sắt (béton armé), ban-công (balcon) v.v..
Xe ô-tô hay xe hơi âm từ chữ automobile; xe cà-rết âm từ chữ charrette; xe lô âm từ chữ location (xe chở mướn); xe buýt âm từ chữ autobus; xe bù-ệt âm từ chữ brouette, sau còn gọi là xe cút-kít và thanh nhã hơn là xe cải tiến thời học tập cải tạo sau 1975; xe hủ lô âm từ rouleau, tức xe ống cán; xe cam-nhông âm từ chữ camion, sau trở thành xe vận tải nặng; đường rầy xe lửa do chữ rail mà ra, sau nầy gọi là thiết lộ, đường hỏa xa v.v.. Việt Nam đâu có sản xuất xe hơi mà biết cái vô-lăng (volant), cái săm (chambre), cái lốp (enveloppe), cái ma-ni-quên (manivelle) v.v..
Xe lửa hay tàu hỏa thì có hoa-gông (wagon), nhà ga (gare), đường rầy (rail)
Xe máy hai bánh gọi là con ngựa sắt. Không thấy máy móc gì mà chỉ thấy người ra sức đạp nên không gọi là xe máy nữa mà gọi là xe đạp. Ɖáp lại với xe đạp có xe gắn máy Velo Solex.
Một thời Velo Solex (Ảnh: Wilbur E. Garrett – Sài Gòn, 1961)
Xe mô-bi-lết (do hiệu xe Mobylette).
Xe máy hai bánh gọi là con ngựa sắt. Không thấy máy móc gì mà chỉ thấy người ra sức đạp nên không gọi là xe máy nữa mà gọi là xe đạp. Đối lại với xe đạp có xe gắn máy Velo Solex, xe mô-bi-lết (do hiệu xe Mobylette), xe bình-bịt vì tiếng nổ của xe sau gọi là xe mô-tô, hai chữ đầu của hiệu Motobecane. Xe đạp thì có dây sên âm từ tiếng Pháp chaîne; cái cạt-te (carter), cái phanh (frein), cái ghi-đông (guidon), cái bọt-ba-ga (porte-bagage), xe đạp đàn ông gọi là xe ống tuýp (tube) v.v..
Trong việc ăn mặc có nhiều thay đổi lớn. Nào là quần sọt (short), áo sơ-mi (chemise), cái cà vạt (cravate), áo măng-tô, áo bành tô (paletot), áo đuôi tôm (redingote), nón phớt hay nón nỉ (feutre), nón cối (casque), cái bê-rê (béret), giày đơ-cu-lưa (deux couleurs), giày béc-ca-na (bec de canard), bàn máy may (machine à coudre hiệu Singer) v.v..
Bưu điện được gọi là nhà dây thép. Tem thơ âm từ chữ timbre. Thoạt tiên không biết gọi là chi chỉ thấy dán trên thơ nên gọi là con niêm. Sau thấy có hình con cò nên gọi là con cò. Cuối cùng nghe Tây nói là timbre nên âm thành con tem cho đến bây giờ.
“Con cò” đây chính là con tem sử dụng tại các thuộc địa Pháp, phát hành trong các năm 1859-1865.
Người Việt miề̀n Nam gọi hình tượng trên tem là “con cò,” nhưng thật ra, đây là hình con đại bàng.
Mầu “xanh lục” là con tem giá mặt 5c, tức 5 xu (https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg)
Mandat postal được âm thành măng-đa. Về sau dịch thành bưu phiếu (ngân phiếu gởi qua bưu điện).
Ingenieur được gòi là bác vật như bác vật Lưu Văn Lang sau gọi là kỹ sư.
Agent technique được gọi là đốc công như cán sự sau này.
Travaux Publiques dịch thành Trường Tiền, Sở Lục Lộ sau đổi thành Công Chánh.
****
Từ ngữ cũng có gốc gác, lý lịch. Chúng cũng có những biến đổi và cải thiện cho phù hợp với đà phát triển của dân tộc sử dụng chúng.
Vay mượn từ ngữ không có gì là nhục nhã cả. Quốc gia nào trên thế giới ít nhiều cũng có vay mượn từ ngữ của nhau. Hoa Kỳ la quốc gia dồi dào từ ngữ nhất thế giới vì:
1- Hoa Kỳ sản xuất nhiều vật mới hàng năm. Hàng năm từ điển Hoa Kỳ có thêm từ 3.000 đến 5.000 từ mới.
2- Hoa Kỳ là quốc gia hợp chủng nên sự vay mượn từ ngữ từ các sắc tộc sống ở Hoa Kỳ và trên thế giới rất phong phú và đa dạng.
Sự vay mượn từ ngữ không phải trả tiền lời, tiền vốn chi cả. Nhật Bản, Trung Hoa khá không vay mượn từ khoa học và kỹ thuật của người Âu-Mỹ sao? Vay mượn để làm vốn phát triển thì sự vay mượn đó hữu ích và cần thiết khác với tinh thần vay mượn để vay mượn đơn thuần không có mục đích rõ ràng! Đó là dạng vay mượn vô sản xuất vậy.
.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
______________________________________
(1) Phi Luật Tân: âm từ chữ Philippines tức quần đảo của vua Philip II của Tây Ban Nha.
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/suradoivabiendoi.htm