Phạm Đình Lân


Quang Trung Hoàng đế: Nhân vật lịch sử hiếm có 

Tượng vua Quang Trung trước Bảo tàng viện Quang Trung (Bình Định) và một số dấu ấn thời Tây Sơn - Nguồn wikipedia

Việt Nam là một quốc gia có quá khứ thuộc địa lâu dài: 11 thế kỷ Bắc thuộc và 01 thế kỷ Tây thuộc.

Năm 1527 Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Hậu Lê, lập ra nhà Mạc. Mầm mống nội chiến giữa nhà Mạc và những người ủng hộ nhà Hậu Lê nhen nhúm. Cuộc nội chiến đầu tiên bắt đầu giữa hai họ Lê - Mạc. Nhà Hậu Lê được sự phò trợ của Nguyễn Kim rồi Trịnh Kiểm, rễ của Nguyễn Kim. Vào thập niên 1590 nhà Mạc bị quân Lê - Trịnh đánh đuổi ra khỏi Đông Đô (Hà Nội bây giờ). Theo lời chỉ dẫn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm họ Mạc chạy lên Cao Bằng và được sự che chở của nhà Minh. Từ đó đến cuối thế kỷ XVIII Việt Nam trải qua những cuộc nội chiến giữa:

– Lê - Trịnh và họ Mạc ở Cao Bằng
– Lê - Trịnh và họ Nguyễn ở phía nam vĩ tuyến 18.
– Họ Nguyễn ở Phú Xuân và quân Tây Sơn.

Việt Nam bị phân chia ra làm ba tiểu quốc thống trị bởi các họ Mạc, Lê - Trịnh và Nguyễn.

Họ Mạc hùng cứ ở Cao Bằng.
Họ Lê và chúa Trịnh kiểm soát châu thổ sông Hồng đến vĩ tuyến 18 tức Đàng Ngoài hay Bắc Hà sau năm 1672.
Họ Nguyễn kiểm soát vùng đất ở phía nam vĩ tuyến 18. Đó là Đàng Trong tức Nam Hà.

Trong bóng tối lịch sử và trước sự hỗn loạn chánh trị và xã hội, trong nước xuất hiện một Thiên tướng: Nguyễn Huệ (1753 - 1792) tức Quang Trung Hoàng Đế sau này. Đây là một nhân vật lịch sử hiếm có chẳng những trong lịch sử Việt Nam mà trong lịch sử nhân loại nữa.

Đạn dược sử dụng trong thời Tây Sơn (trái) - Gươm và súng của quân đội nhà Tây Sơn (phải) - Nguồn: wikipedia

 

Quang Trung Nguyễn Huệ: Một Thiên Tướng

Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều khi dùng chữ Thiên Tướng đầy vẻ siêu hình và huyễn hoặc không phải để tâng bốc người anh hùng đất Tây Sơn hay để khêu gợi tự ái dân tộc và nhồi nhét óc mê tín dị đoan trong cộng đồng dân tộc mà để làm nêu bật tính phi phàm của nhân vật lịch sử này. Đó là một người xuất thân trong một gia đình tầm thường, sống trong ấp Tây Sơn hẻo lánh trong tỉnh Qui Nhơn. Trình độ học vấn rất khiêm tốn. Kiến thức quân sự hoàn toàn vắng bóng.

Gọi Nguyễn Huệ là một Thiên Tướng vì tính phi phàm của ông. Năm 1771 ông mới 18 tuổi nhưng đã chỉ huy một toán quân ô hợp, võ khí thô sơ và đã biến toán quân ô hợp đó thành một đạo quân thiện chiến và bất bại suốt đời binh nghiệp của ông. Một thanh niên 18 tuổi, nếu không có khả năng và thuật chỉ huy hay lãnh đạo thực sự, thì không thể nào điều khiển đám người ô hợp như vậy dễ dàng để có những thành tích vẻ vang được.

Dựa vào lời nói của các nhà nho tiền bối:

Học mà không biết là ngu.
Học mà biết là Hiền.
Không học mà biết là Thánh.

Chúng tôi không so sánh Quang Trung Nguyễn Huệ với hoàng đế Napoléon I của Pháp vì:

– Napoléon Bonaparte xuất thân từ một gia đình quí tộc Ý trên đảo Corse.
– Napoléon Bonaparte có học trường võ bị Brienne và nổi tiếng là một sĩ quan pháo binh từng dùng đại bác để giải tán những cuộc biểu tình của nhóm bảo hoàng trong thời cách mạng Pháp.

Chúng tôi đi xa hơn trong việc đi tìm những tương đồng giữa David thời Cựu Ước Kinh với Quang Trung Nguyễn Huệ.

1. David là một người chăn trừu ở Bethlehem. Ông được mô tả như một người đẹp trai mắt sáng, can đảm và có sức mạnh khác thường. Nguyễn Huệ là một nông dân gan dạ, mưu lược, võ nghệ cao cường, mắt sáng như điện, tiếng nói lanh lảnh như đồng.

2. Khi chăn trừu ngoài đồng thỉnh thoảng David phải đánh và giết sư tử và gấu đe dọa trừu của ông. Tương truyền rằng Nguyễn Huệ là người khoẻ mạnh và võ thuật cao cường. Ông đã đánh chết một con cọp. Có thể do thành tích này mà ông chỉ huy đạo quân ô hợp vào tuổi 18 dễ dàng và biến họ trở thành những chiến sĩ thiện chiến và bất bại.

3. David được xem như người tí hon đã giết chết người khổng lồ Goliath, người gây khiếp đảm cho quân Do Thái lúc bấy giờ, bằng một hòn đá bắn ra từ một cái giàn thun. Năm 1775 thanh niên Nguyễn Huệ, một nhà quân sự vô danh, đã đánh bại danh tướng của họ Nguyễn là Tống Phước Hiệp ở Phú Yên.

4. David là người chăn trừu, đẹp trai và chơi đàn thụ cầm rất giỏi được vua Saul yêu mến cho vào cung để đàn cho vua giải khuây khi tinh thần căng thẳng. Người chăn trừu ấy trở thành người anh hùng sau khi giết chết Goliath. Vua Saul gả công chúa Michal cho ông với điều kiện ông phải ra trận và giết hai trăm quân Philistines. Đó là cách vua Saul muốn hãm hại David vì lo sợ David chiếm lấy ngai vàng của ông vì sau khi giết chết Goliath, tên tuổi David được truyền tụng khắp cả nước. Năm 1786 Nguyễn Huệ đưa quân Tây Sơn Bắc tiến diệt họ Trịnh. Nhà Lê Trung Hưng vô quyền từ năm 1590 đến 1786 trước các chúa Trịnh. Để tưởng thưởng công lao của Nguyễn Huệ, người đánh dẹp chúa Trịnh, vua Lê Hiển Tôn gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ yêu Ngọc Hân công chúa nhưng David không yêu công chúa Michal đậm đà vì ý thâm độc của vua Saul mặc dù công chúa Michal rất yêu David. Saul gả Michal cho David trong tư thế một quân vương ban ân huệ cho một thần dân hữu công. Vua Lê Hiển Tốn gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ như đền ơn vị tướng trẻ đã cứu nhà Lê Trung Hưng ra khỏi sự lộng quyền của các chúa Trịnh.

5. David tha chết cho vua Saul hai lần vì nghĩ đến tình quân - thần. Nguyễn Huệ cởi áo nhung bào đắp mặt chúa Trịnh Khải cắn lưỡi tự sát khi bị Nguyễn Văn Tráng bắt để lãnh tiền thưởng và ra lịnh cử hành đám tang của vị chúa này long trọng theo nghi lễ của nhà lãnh đạo. Ông cũng tha chết cho tiến sĩ Phan Huy Ôn theo sự khẩn cầu của tiến sĩ Phan Huy Ích. Sau việc Bắc tiến thành công, có sự bất hòa nhau giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ đem quân vây thành Qui Nhơn (Hoàng Đế Thành). Nguyễn Nhạc biết không thể đương cự lại Nguyễn Huệ nên đứng trên thành mà khóc. Nguyễn Huệ ra lịnh rút quân để tránh cảnh anh em nồi da xáo thịt. Điều này cho thấy Nguyễn Huệ là người rất tình cảm. Nếu xét theo hiệu năng chánh trị theo lý thuyết gia chánh trị Machiavel (1469 - 1527) thì tình cảm là một nhược điểm có thể dẫn đến thất bại chua cay trong đời sống chánh trị. Tình huynh đệ, sự bao dung và lòng nhân ái cho thấy Nguyễn Huệ là người có dũng tâm và tự tin vào khả năng của mình. Ông là một tướng lãnh nhưng không có óc hiếu chiến và hiếu thắng.

6. David và Nguyễn Huệ được xem là hai vị tướng bất bại xây dựng vương nghiệp bằng những chiến thắng quân sự. Lúc sinh thời Nguyễn Huệ đánh bại họ Nguyễn, họ Trịnh, quân ngoại viện Xiêm giúp cho họ Nguyễn và quân Mãn Thanh xâm lăng dưới chiêu bài giúp vua Lê Chiêu Thống phục hồi vương quyền.

7. Quang Trung Nguyễn Huệ đánh đuổi quân xâm lăng phương Bắc trong 06 ngày năm 1789. Một chiến thắng tương tự cùng thời gian 06 ngày được tìm thấy ở Do Thái năm 1967 trước liên minh Ai Cập - Jordan - Syria.

 

Một vị tướng cẩn trọng và mưu lược

Quang Trung Nguyễn Huệ là một danh tướng trên chiến trường. Ông là người can đảm, tự tin, biết đánh giá TA và ĐỊCH một cách trung thực, khách quan và chính xác. Tự tin nhưng không khinh địch, không chủ quan và không kiêu ngạo. Ông biết khai thác óc mê tín dị đoan của tướng Phạm Ngô Cầu, người trấn giữ Thuận Hóa, dùng kế ly gián giữa Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể trước khi mở cuộc tấn công vào Thuận Hóa năm 1786. Khi Thuận Hóa thất thủ ông ra lịnh xử tử Phạm Ngô Cầu để làm gương cho các tướng lãnh Tây Sơn: làm tướng mà mê tín dị đoan và đầy đọa quân sĩ phục dịch cực khổ. Khi quân sĩ trong thành mệt nhoài Nguyễn Huệ ra lịnh tấn công.

Cổng thành Phú Xuân thời Nguyễn sơ nhưng vua Quang Trung được cho là chưa từng ở đây
(Ảnh do Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm)

Cử nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, một nhân sĩ Bắc Hà, liên lạc với quân Tây Sơn khi quân chúa Trịnh chiếm Thuận Hóa năm 1774, giúp cho Nguyễn Huệ biết về các tướng lãnh ở Bắc Hà cũng như tình hình Bắc Hà dưới sự cai trị của vua Lê, chúa Trịnh. Sau khi chiếm Thuận Hóa trong tay quân Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh yêu cầu Nguyễn Huệ Bắc tiến. Có thể Nguyễn Huệ cũng có ý này nhưng giả vờ nhún nhường cho rằng Bắc Hà có nhiều nhân tài và binh hùng tướng mạnh nên ông chưa dám nghĩ đến việc Bắc tiến. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh khoác lác nói rằng đất Bắc Hà không còn nhân tài nào ngoài Chỉnh mà Chỉnh đã theo Tây Sơn rồi. Lúc ấy Nguyễn Huệ nghiêm sắc mặt và cho Chỉnh biết người mà ông sợ là Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh hoảng hốt. Nguyễn Huệ tìm cách trấn an Chỉnh nhưng vẫn thử Chỉnh thêm một lần nữa bằng cách viện lẽ rằng ông không dám Bắc tiến vì không có lịnh của Nguyễn Nhạc. Lúc ấy Chỉnh càng lộ óc bất phục tùng cấp trên của mình khi cho rằng cứ hành động rồi trình báo sau. Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc Hà. Nguyễn Hữu Chỉnh là người tiền đạo. Nguyễn Huệ loan truyền khẩu hiệu Phù Lê Diệt Trịnh. Mặt khác ông làm cho tướng Định Tích Nhưỡng và quân sĩ Bắc Hà mất ngủ vì suốt nhiều ngày liên tiếp họ được tin quân Tây Sơn đến nhưng vẫn không thấy gì cả. Đến khi thấy thuyền xuất hiện thì quân sĩ của chúa Trịnh dùng tên bắn xối xả vào các chiếc thuyền không người chèo và không có quân sĩ mà chỉ có những tượng gỗ. Khi quân Tây Sơn xuất hiện thực sự thì quân của Đinh Tích Nhưỡng đã mệt mỏi, tên bắn gần hết nên họ chỉ biết tháo chạy mà thôi.

Quân Mãn Thanh vào Thăng Long khi dân chúng miền Bắc chuẩn bị đón Tết năm Kỷ Dậu. Được tin này Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang, cho quân sĩ ăn Tết và bí mật chuyển quân ra Bắc bằng một phần đường phía bắc của đường mòn Hồ Chí Minh sau này. Việc chuyển quân vừa nhanh vừa bí mật đến nỗi Sun She-yi (Tôn Sĩ Nghị), tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông & Quảng Tây - Kwang tung & Kwang si) đóng quân ở Thăng Long và vùng phụ cận không hay biết gì cả. Để gia tăng sự kiêu ngạo và thiếu cảnh giác của Tôn Sĩ Nghị, hoàng đế Quang Trung gởi cho Tôn Sĩ Nghị một bức thơ với lời lẽ sợ sệt và khuất phục. Quả nhiên Tôn Sĩ Nghị tỏ ra đắc chí và có cảm giác đang thụ hưởng cảnh bất chiến tự nhiên thành đến nỗi Hà Hồi, Ngọc Hồi thất thủ mà ông ta không hay biết gì cả.

 

Một tướng lãnh không có tinh thần quân phiệt

Vị cố vấn thân tín của Quang Trung Nguyễn Huệ là Trần Văn Kỷ. Qua Trần Văn Kỷ hai nhân sĩ Bắc Hà là tiến sĩ Ngô Thời Nhiệm và Phan Huy Ích theo người anh hùng trẻ tuổi (33 tuổi) về Phú Xuân để góp phần vào việc xây dựng quê hương. Quang Trung hoàng đế gởi thơ mời La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân hợp tác với nhà Tây Sơn. Lúc bấy giờ trên thực tế có ba chánh quyền:

a. Từ Bến Ván, Quảng Nam, ra Bắc là lãnh thổ của Tây Sơn Quang Trung (Tây Sơn Phú Xuân)

b. Từ phía nam Bến Ván đến Bình Thuận là lãnh thổ của Tây Sơn Nguyễn Nhạc (Tây Sơn Qui Nhơn)

c. Từ Bình Thuận vào Nam là địa bàn hoạt động của Nguyễn Ánh với sự giúp đỡ tích cực của giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc)

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tu Tiên ở Hà Tĩnh. Ông khéo léo khước từ lời mời của hoàng đế Quang Trung. Vị hoàng đế trẻ không dùng quyền uy sẵn có để đe dọa người dám từ chối sự mời mọc của mình. Trái lại ông kiên nhẫn gởi thơ mời nhà nho tu Tiên nhập thế để cùng chung lo việc nước. Cảm kích vì nhiệt huyết muốn phát triển quê hương của vị hoàng đế trẻ cũng như thái độ trọng hiền của ông, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân để góp phần vào việc phát triển giáo dục quốc gia.

Ở điểm này chúng ta thấy Quang Trung Nguyễn Huệ hơn hẳn những tướng lãnh như Napoléon Bonaparte hay các chúa Trịnh xây dựng quyền hành tột đỉnh bằng võ nghiệp.

 

Có viễn kiến phát triển quê hương

Hoàng đế Quang Trung thực sự nắm quyền vỏn vẹn có 03 năm (1789 - 1792). Chúng ta không có tài liệu nào nói rõ vì sao hoàng đế Quang Trung mất ở tuổi 39 tính ra tuổi ta là 40. Nói theo các thầy bói toán Đông Phương thì hoàng đế Quang Trung mất khi gặp sao Thái Bạch. Trên thế giới có nhiều vị vua chết trẻ vì say đắm tửu sắc bởi có nhiều cung phi mỹ nữ. Trường hợp này không đúng với hoàng đế Quang Trung. Không một tài liệu khá tín nào cho thấy ông là một người sa đọa, lắm vợ, nhiều con. Không tài liệu khả tín nào cho thấy ông là một hôn quân, bạo chúa, hại dân, hại nước, tham nhũng, thối nát. Một danh tướng trên ngôi Thiên tử mà chết ở tuổi 39 chứng tỏ người ấy suy nghĩ rất nhiều đến đất nước:

– Làm sao độc lập với cường lân phương Bắc?
– Làm sao đủ mạnh để giữ được độc lập và không phải triều cống cường lân phương Bắc?
– Phải làm gì để tách rời khỏi Hán tự?
– Phải làm gì để phát triển một nền giáo dục độc lập? phát triển kinh tế?
– Phải làm gì cho dân chúng an cư lạc nghiệp? v.v…

Với 03 năm trên ngai vàng, hoàng đế Quang Trung cố mang lại cho đất nước một khí thế mới so với 16 năm dưới triều hoàng đế Thái Đức tức Nguyễn Nhạc hay 09 năm dưới triều vua Cảnh Thịnh, con của Quang Trung hoàng đế.

Trần Văn Kỷ là cố vấn của hoàng đế.

Trần Quang Diệu là viên tướng tài và tận tụy. Ông là người xứng đáng trông coi việc binh bị trong nước.

Ngô Thời Nhiệm và Phan Huy Ích lo việc ngoại giao với Trung Hoa để đất nước được thái bình, dân chúng được an cư lạc nghiệp.

Đồng tiền cổ với bốn chữ "Quang Trung đại bảo" - Nguồn: wikipedia

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đặc trách về thư viện, giáo dục. Quang Trung hoàng đế muốn dùng chữ Nôm thay thế chữ Hán. Các công văn được viết bằng chữ Nôm. Cuộc cải cách này bị các nhà nho bảo thủ kịch liệt phản đối. Nên có câu:

Nôm na là cha mách qué.

Ước mong xây dựng và phát triển quê hương của Quang Trung Nguyễn Huệ không gặp điều kiện thuận lợi vì:

– thời gian ngự trị của Quang Trung quá ngắn ngủi.
– dân Bắc Hà còn hoài Lê và chúa Trịnh. Các nhà nho đều muốn bảo trì chữ Hán.
– dân chúng trên đồng bằng sông Cửu Long ủng hộ họ Nguyễn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ánh tức vua Gia Long sau này. Một số dân trên đồng bằng Đồng Nai - Cửu Long là người Minh Hương phò giúp cho họ Nguyễn rất đắc lực về mặt tài chánh. Dĩ nhiên họ muốn duy trì chữ Hán thay vì chữ Nôm. Họ Nguyễn chuộng Khổng Giáo và sẵn sàng phục tùng và triều cống Trung Hoa để vương quyền được Bắc quốc công nhận. Bắc triều là ngọn hải đăng của các vua nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX. Trung Hoa bế quan tỏa cảng. Việt Nam cũng bế quan tỏa cảng. Trung Hoa bị các nước Âu Châu xâu xé. Việt Nam bị Pháp xâm chiếm. Trong chừng mực nào đó các nhà lãnh đạo ở Việt Nam quá nặng đến quyền hành mà quên hẳn số phận và tương lai của đất nước và dân tộc. Cuộc nội chiến giữa các họ Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn đều là những cuộc tranh giành quyền hành.

Muốn giữ quyền hành sau cuộc đảo chánh đẫm máu năm 1527 Mạc Đăng Dung phải tự hạ nhục mình, dâng sổ đinh, sổ điền cho nhà Minh và cắt các động ngoài biên giới dâng cho nhà Minh. Sau khi họ Mạc bị đánh đuổi ra khỏi châu thổ sông Hồng họ chạy lên Cao Bằng và nhờ sự che chở của nhà Minh để có chánh quyền trên một vùng đất nhỏ hẹp đến năm 1677. Họ Mạc bị nhà Thanh bỏ rơi khi bị họ Trịnh tấn công vì chọn lộn chủ!

Nguyễn Ánh không ngần ngại cầu viện Xiêm La (1784) rồi Pháp theo sự cố vấn của giám mục Pigneau de Béhaine. Chính vị giám mục này ký hiệp ước Versailles năm 1787 nhân danh Nguyễn Ánh trước sự hiện diện của hoàng tử Cảnh. Nói rõ hơn đó là hiệp ước do hai người Pháp ký: Thượng thơ Ngoại Giao De Montmorin và Pigneau de Béhaine. Nếu Pháp giúp Nguyễn Ánh khôi phục quyền hành thì Việt Nam nhường đảo Côn Nôn và Sơn Trà cho Pháp v.v... Việc này may mắn không xảy ra vì cách mạng bùng nổ ở Pháp nên vua Louis XVI không giúp đỡ cho Nguyễn Ánh và hiệp ước không được thi hành.

Vua Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh đánh đuổi quân Tây Sơn để phục hồi ngai vàng (1789).

Những chuyện trên không khác gì chuyện Hoàng Sa, Trường Sa và các hiệp ước ký kết giữa Trung Quốc và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về biên giới và biển đảo năm 1999 và 2000 bao nhiêu. Vì quyền hành các nhà lãnh đạo xem đất nước như vật trong túi muốn trao đổi, buôn, cho, dâng hiến như thế nào cũng được.

– dân Bắc Hà hay Nam Hà đều chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo sâu đậm nên có cái nhìn bất lợi cho nhà Tây Sơn. Họ xem nhà Tây Sơn là ngụy triều thiếu chính danh. Vì không xuất thân từ những gia đình trâm anh thế phiệt? Vì không được Bắc triều công nhận? hay vì dám đương đầu lại với Bắc triều?

 

Một vị anh hùng được mọi người kính nể

Tranh Ngọc Hân công chúa của họa sĩ Văn Ba trong Dinh Độc Lập - Nguồn: wikipedia

Nhà Tây Sơn đi vào lịch sử từ năm 1771 đến 1801. Suốt 30 năm ấy người ta ít biết đến hoàng đế Thái Đức (Nguyễn Nhạc), Nguyễn Lữ hay vua Cảnh Thịnh mà chỉ biết đến Quang Trung Nguyễn Huệ mà thôi. Nguyễn Huệ đã giựt sập chế độ phong kiến ở Nam Hà và Bắc Hà, đánh tan quân Xiêm La và quân Mãn Thanh trong chiến dịch 06 ngày. Họ Nguyễn, Lê và Trịnh rất oán ghét ông nhưng luôn luôn mô tả ông là một người không thể xem thường với lý lịch nông dân, sinh quán hẻo lánh, học vấn khiêm tốn v.v… Nguyễn Hữu Chỉnh xây mộng mưu bá đồ vương bằng đạo quân Tây Sơn đã phải thất vọng vì Nguyễn Huệ đã đọc được ý đồ của ông.

Nếu công chúa Michal, ái nữ của vua Saul, yêu David thì công chúa Ngọc Hân của vua Lê Hiển Tôn cũng thực lòng yêu Quang Trung Nguyễn Huệ. Điều này không đúng với công chúa nước Áo là Marie Louise với hoàng đế Pháp Napoléon I. Vua Saul ganh tỵ với David và tìm cách hãm hại David. Vua Lê Hiển Tôn xem Nguyễn Huệ là người ơn. Vua Lê Chiêu Thống oán ghét Quang Trung Nguyễn Huệ nhưng kính nể ông.

Quang Trung Nguyễn Huệ lưu lại cho người biết ông nhiều ấn tượng đặc biệt đến nỗi sau khi ông mất người ta vẫn trung thành với ông và sẵn sàng chấp nhận chết vì lưỡi gươm của kẻ thù của ông.

Napoléon I có nhà ngoại giao Talleyrand và thống chế Ney. Năm 1814 trước sức ép của liên minh các nước quân chủ Âu Châu vây hãm Paris, Napoléon I phải thoái vị và bị đầy ra đảo Elba ở Ý. Talleyrand và thống chế Ney ngả theo chế độ mới do vua Louis XVIII đại diện và được sự tiếp sức và hỗ trợ của liên minh Anh - Áo - Phổ - Nga. Chính thống chế Ney chỉ huy quân sĩ đón bắt hoàng đế Napoléon I khi trốn khỏi đảo Elba trở về Pháp. Trong đêm tối dày đặc và giữa đám quân súng lên nòng và sẵn sàng nã đạn, Napoléon I dõng dạc hô to: Ta là hoàng đế Napoléon. Kẻ nào muốn giết hoàng đế mình cứ nổ súng! Tất cả quân sĩ đều hô to: Hoàng đế vạn tuế! Vạn tuế! Thống chế Ney đành phải theo quân sĩ cùng hoàng đế Napoléon tiến về Paris.

Tiến sĩ Ngô Thời Nhiệm và Phan Huy Ích không giống Talleyrand.

Tướng Trần Quang Diệu và vợ, nữ tướng Bùi Thị Xuân, không giống thống chế Ney. Vua Gia Long thuyết phục Trần Quang Diệu theo nhà Nguyễn để được hưởng phú quí thay vì bị hành hình. Trần Quang Diệu xin được về quê làm ruộng để đóng thuế cho triều đình. Vua Gia Long từ chối đề nghị này. Trần Quang Diệu chấp nhận bị xử lột da! Trước khi chết ông chỉ xin vua Gia Long một ân huệ duy nhất: tha chết cho mẹ ông. Vua Gia Long chấp nhận đề nghị này. Vợ tướng Trần Quang Diệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, và con gái bị voi giày.

Với trình độ học vấn của Quang Trung hoàng đế, nếu ông không có nét phi phàm, lòng nhiệt huyết, sự tận tụy và thuật xử thế hơn người thì không sao ông chinh phục sự mến phục và trung thành của các nhà nho như Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, tướng Trần Quang Diệu và vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân. Nên nhớ các vị này trung thành với Quang Trung Nguyễn Huệ sau khi người anh hùng dân tộc đã mất 09 năm rồi.

Chấp nhận sống ẩn dật trong cảnh thiếu thốn nghèo khổ và chấp nhận những cái chết ghê rợn để bày tỏ lòng trung thành đối với một người đã mất nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải là việc dễ làm và thường thấy trong kiếp nhân sinh.

Một nén hương lòng cho người anh hùng dân tộc và những tâm hồn cao thượng của những người nuôi ước vọng xây dựng một đất nước độc lập và giàu mạnh bằng công sức, tài năng và trí tuệ của mình.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2016