Mặc Khách


Phiếm luận về tiếng Huế ngày xưa

.

Huế nguyên là đất đế đô, nơi sinh trưởng của vua chúa, chốn triều đình quan lại, đa số tao nhân mặc khách đều tụ họp về đây. Do đó mà tiếng nói của xứ Huế, trang nhã thanh tao, có khi lại nặng mùi “bề trên” hoặc kiểu cách đến buồn cười.

Chúng ta thử nghe một người địa vị hơi thấp kém một chút, “hầu chuyện” (1) một ông hoàng: “Tớ nghe đức ông se, nên đem dâng một cân đường phèn để đức ông xơi với nước trà buổi sáng”. Phải gọi ông hoàng là ngài, đức ông hay tôn ông và tự xưng mình là “tớ”. Còn con đức ông thì gọi bằng “mệ”. Đức ông chỉ có se chứ không bao giờ đau, chỉ có xơi chứ không ăn, và đức ông cũng không ngủ, ngài chỉ ngơi hay giấc. Cho nên có chữ “cơm xơi”, “cơm thời”, tức là thứ cơm của ông hoàng bà chúa, của các cụ các quan. Còn vua thì ngự thiện, chứ không xơi không thời.

Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa tai nghe

Ông hoàng không ăn thì vua cũng không chết. Vua chỉ có băng hay thăng hà. Khi ngài thăng hà rồi thì không bỏ vào hòm mà bỏ vào tử cung để đưa lên an táng tại tôn lăng, nói một cách văn hoa là ninh lăng. Nơi chôn ông hoàng không dùng chữ mộ mà dân chúng thì mồ mả.

Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm.

Bây giờ không còn vua chúa nữa lối dùng chữ trở nên tự do. Những cái mả xây cất bằng ngói gạch, hơi đồ sộ một chút nhiều người gọi bừa là lăng.

Ngoài cái lối nói năng có tôn ty trật tự dân Huế thường hay dùng chữ.

– Tui đã biết trước, đa ngôn thì đa quá (2), nói lắm rồi răng cũng sinh chuyện cho mà coi!

– Hai vợ chồng nớ cũng lạ, không khi mô nghĩ đến chuyện tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn (3), hễ hết gạo là xách rá đi mượn hàng xóm.

– Tui nghĩ thằng hai Bụi cũng gan thiệt, đơn thương độc mã (4) mà dám tới chọc tổ ong vò vẽ mà chơi!

Có khi người ta dùng luôn cả một câu dài!

Hắn với tui cùng ở chung một xóm, nhưng hắn khinh tui nghèo, có khi mô hắn thèm đặt chưn vô nhà tui mô. Cơ chi tui mà giàu có, thì dẫu ở trên năm non tí tè hắn cũng bò tới.

– Bác ơi! Hơi mô mà trách móc cho mệt! Thói đời là rứa rồi: Bần cư trung thị vô nhơn vấn, Phú tại sơn lâm hữu khách tầm! (5)

Thỉnh thoảng người ta lại dùng điển: Tui tưởng mời hắn ăn cho vui, chớ kéo cả họ Tạ như rứa thì biết lấy chi mà dọn!

(Trong tuồng Sơn hậu, sau khi Tạ Ôn Đinh lên cầm quyền, con cháu trong họ Tạ đều được cất nhắc lên chức này chức khác).

Ngoài lối nói chữ nho đúng theo nghĩa của nó, người Huế còn nói một cách lắt léo mà ngay cả người Trung Hoa cũng không sao hiểu nổi.

Chê một cô nào già người ta bảo là bách diệp. Bách là trăm, diệp là lá, trăm lá tức là tra lắm. Người Huế thường dùng chữ tra hơn là chữ già: ông tra thì mụ cũng tra, tra đời không trót thế, chữ tới hơn chữ đến, chữ đặng hơn chữ được và chữ tui chứ không dùng chữ tôi v.v…

Thấy một cô gái không chồng mà chửa, người ta cười bảo nhau: “Con Huế nết na như rứa, ai ngờ lại trung hưng. Thằng cha mô đó cắc cớ thiệt!” Trung hưng là một chữ của lịch sử: nhà Trần Trung Hưng, nhà Lê Trung Hưng tức là đương suy sụp nửa chừng lại dấy lên. Nhưng đây là cái bụng nổi lên. Cũng cùng một nghĩa với câu: Phềnh phềnh lớn giữa lớn ra, mẹ ơi! con chẳng ở nhà được đâu. Ở nhà làng bắt mất trâu… (Bắt trâu là một lối phạt vạ mà gia đình cô gái chửa hoang phải nạp cho xã).

Về lối nói lắt léo, bóng gió thì đó cũng là một sở trường của dân Huế. Cười mấy ông dượng tò te với cháu vợ hay bà gia thương yêu rể quá trớn, người ta nói: Đi đâu cho ngái cho xa, ở đây với dượng bằng ba lấy chồng. Hay: Mụ gia yêu rể mỗi điều mỗi yêu.

Quan lại Huế xưa - Ảnh: internet

Muốn cho được trang nhã, văn hoa, ngoài lối dùng chữ nho, dân Huế hay đem vào trong câu nói những thành ngữ, tục ngữ hay ca dao.

– Nói chơ, đèn nhà ai sáng nhà nấy, mụ đã hay ho chi hơn ai mà đòi xăm lo vô chuyện người khác.

– Mợ tưởng tui cần mợ lắm à? Không mợ chợ cũng đông, mợ đi vô Quảng ai trông mợ về.

– Tui không ngờ mợ tệ như rứa! Cậu ăn của chú mạ tui đến lút mày lút mặt mà hễ tui nói động đến cậu là cậu réo tên tục chú mạ tui ra mà chưởi. Rõ đồ phản Trụ đầu Châu, ăn cơm của Phật đút (đốt) râu thầy chùa.

– Chuyện có dính chi hắn mô, rứa mà khi không ách giữa đàng mà mang vô cổ, có rứa mới trợn trắng con mắt ra.

– Chao ui! Hay ho chi mô có! Dột từ trên nóc dột xuống! Phủ ăn đường phủ, huyện ăn đường huyện, chỉ có thằng dân là khổ.

– Tui đã nói với hắn nhiều lần, buôn Ngô buôn Tàu, không giàu bằng buôn hà tiện, nếu biết khéo tém dặt một chút thì làm chi đến nổi phải mang công mắc nợ!

Như ta đã thấy ở trên cùng với cái lối dùng chữ nho một cách lắt léo, như trung hưng, bách diệp v.v… thì khi dùng tiếng Việt cũng có cái lối lắt léo như vậy nhất là mượn những tiếng đồng âm:

– Bác say hung rồi, để cháu dắt bác về cho rồi!

– Say chi mà say! Say sưa sáo bổ à? Tao mà say thì đứa mô tỉnh?

(Say là những cái cọc, khi giăng sáo bắt cá những ngư phủ thường đóng để giữ sáo, mà hễ say đóng sưa thì sáo phải ngã).

– Thiệt là vô can mà xé vải ra, can đi can lại, công đà nên công!

Can là may để nối hai khổ vải với nhau cho dài ra hoặc may cho vải khỏi xơ. Dùng chữ can vải theo nghĩa can là liên can. Ý nói việc không dính líu gì đến mình, rây vào làm gì cho sinh chuyện.

Từ chỗ dùng chữ lắt léo đến chỗ nói lái chỉ cách nhau có một bước.

Chồng bảo vợ: “Nhà thì nhiều con nít, mình mua thứ cá long hội ni về làm chi không biết”. Cá long hội dùng để nói những loại cá vụn vặt nhiều xương vì “long hội” là lôi họng.

Không đáng vai anh mà tự xưng là anh, không đáng vai chú mà tự xưng là chú thì người ta nói mỉa: “Anh chi mà anh! Anh quẻ a?” (Anh quẻ là ẻ quanh). Hoặc: “Chú chi? Chú trong họ” (chú trong họ là chó trong hụ - hụ tức là cái hũ).

Lại có câu đố cũng dùng lối nói lái:

Thợ rèn, thợ bạc ngồi co,
Kẻ kềm, người búa biết thò vào đâu.

Câu trên dùng để đố cây me đất. Me đất là mất đe. Một khi đã bị mất hòn đe thì thợ rèn, thợ bạc đều phải ngồi co tức là khoanh tay không làm gì được.

Vì là một bài phiếm luận nên tôi không bàn kỹ và cũng không đưa vào nhiều ví dụ, nhưng với đôi nét chấm phá về tiếng Huế này tôi muốn gợi ý các bạn, nhất là bạn trẻ, nên tìm hiểu sâu thêm tiếng nói của cha anh xưa để chọn lấy những điều tinh túy đặng giữ gìn bản sắc ngôn ngữ của quê hương.

.

Mặc Khách

_____________

1. Kẻ nhỏ không có quyền nói chuyện với người lớn, chỉ được phép “hầu” chuyện mà thôi.

2. Đa ngôn đa quá: nói nhiều lỗi lầm nhiều.

3. Chứa lúa phòng đói, chứa áo phòng lạnh.

4. Một mình một ngựa một giáo.

5. Nghèo ngay giữa chợ không người hỏi, giàu tại rừng sâu có khách tìm.

***

Chú thích thêm của BBT www.caidinh.com

Giọng Huế và tiếng Huế đích thực có thể được phân làm hai loại : Huế Dinh (Thành Nội, Tả Ngạn và Hữu Ngạn Sông Hương, Kim Long, Vỹ Dạ và Cồn Dã Viên) và Huế Sịa (làng Sịa và các vùng thôn dã trong tỉnh Thừa Thiên, từ biên giới tỉnh Quảng Trị cho đến chân đèo Hải Vân). Huế Dinh nói chậm rãi nhỏ nhẹ trong khi giọng Huế Sịa gần như Quảng Trị hơn là Huế. Ví dụ “lên trên đụn cát” là Huế Dinh, “lên côi độn” là Huế Sịa. Đèo Hải Vân phía Bắc, khu Lăng Cô nói tiếng Huế Sịa. Xuống đèo phía Nam làng Nam Ô nói giọng Quảng Nam. ví dụ “côm không eng thì boả choá eng” (cơm không ăn thì bỏ cho chó ăn). Và người ta nói, giọng Huế mà chúng ta thường nghe cư dân ở Huế nói bây giờ là giọng Phường Đúc (những người miền khác đến Huế làm việc thời nhà Nguyễn được phân bổ cho ở vùng này và họ bị bó buộc phải giữ thứ giọng lai miền ngoài để phân biệt với thứ dân).


Cái Đình - 2020