Phan Văn Song


Hậu trường các sân khấu chánh trị:

Ông thầy tuồng vở kịch chánh trị.

.

Dưới thời nhiệm kỳ cựu Tổng thống Pháp François Hollande, dư luận xứ Pháp đã hơn một lần thắc mắc “hỏi giấy” Ngài về cái lương “khổng lồ” Ngài trả cho anh thợ hớt tóc, ngày đêm túc trực hầu hạ tóc tai Ngài – 8 000 euros mỗi tháng! Nhiệm kỳ nầy, ông tân Tổng thống Macron cũng tạo một “scandale” do tiền trang điểm, son phấn, vẽ mặt, vẽ mày, làm dáng của Ngài cũng vượt mức – 26.000 euros, chỉ cho ba tháng đầu!

Dĩ nhiên đã là Tổng thống thì phải là người của quần chúng, của toàn công dân. Vì khi ra gặp quần chúng, cộng đồng, tiếp khách, ông bắt buộc phải “chưng hình” dù có già có xấu như ma lem đi nữa, cũng phải tạo dáng đẹp đẽ vì thể diện quốc gia, vì quốc thể! Phải ví ông như  là một kịch sĩ, một diễn viên, phải tóc tai tươm tất, dồi phấn thoa son, phải khuôn mặt hồng hào, tóc tai mướt đẹp, đầy sanh khí, dù rằng tối hôm trước, vì một lý do gì đó, Ngài phải thức khuya, thiếu ngủ, “long thể” bất an!

Ngài bắt buộc phải có một dàn giá bộ sậu người săn sóc, hầu hạ… Một lực sĩ đá banh kia mà còn có người đấm bóp, còn phải có tắm hơi nóng, tắm nước đá lạnh… phải thầy thuốc chăm lo, thuốc bổ an thần, thức ăn tẩm bổ! Huống chi, là một Ngài Tổng thống, một ông Vua tân thời, dù rằng của một chế độ Cộng hòa Dân chủ! Chẳng những phải cần cả một bộ sậu giàn giá hầu cận Ngài, còn phải có một anh Thầy tuồng, nhắc chừng, vẽ bài, vẽ bản, viết tuồng,... để chàng kịch sĩ Tổng thống diễn xuất nữa! Nếu chẳng may lâu lâu gặp phải diễn viên “hát cương” ẩu, “tuýttơ” liều, nay “tuyên” một đường, mai “bố” một nẻo... kiểu Donald Trump... chắc cũng phải xẩu mình! Và anh Thầy tuồng của hí viện Cộng hòa, của một nhà hát dân chủ nầy, là anh:

Trưởng ban Nghi thức – Le Chef du Protocole

1/ Nghi thức: Vì từ cái cà vạt của Tổng thống đến chỗ cắm điện của máy điện từ, qua đến những chổ ngồi quanh bàn ăn, đều do anh Trưởng ban nghi thức – Le chef du protocole – lo lắng tổ chứccả.

Phải, chính anh trưởng ban nghi thức, kín đáo, đã sắp đặt, tổ chức, chỉ trong vòng một tuần lễ, tất cả những nghi thức của chương trình Tổng thống Huê kỳ cùng phu nhơn Donald Trump đến dự lễ Quốc khánh Pháp ngày 14 tháng 7 năm 2017.

Cũng chính anh trưởng ban nghi thức, vào vào một đêm của tháng 8 năm 2011, tại Beijing, Cộng hòa Trung Hoa Cộng sản, phải lãnh cái nhiệm vụ rất khó khăn, là phải làm sao  thuyết phục một Tổng thống Nicolas Sarkozy của Cộng hòa Pháp, quá mệt mỏi, chán ngấy bởi thái độ không thân thiện của lãnh đạo Tàu (vì bà vợ ở nhà tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma), muốn rời bỏ chương trình đang vừa công du vừa thăm viếng xứ Tàu và thủ đô Beijing, quá nản, do cuộc hành trình quá dài, và chương trình quá nặng, rằng Tổng thống không thể bỏ cuộc, vắng mặt buổi họp sáng sớm hôm sau, phải tiếp xúc, phải bắt tay toàn bộ các người tham dự, và mặc kệ, bỏ mặc, lơ là, không chiều chuộng cậu công tử Louis, đang nằng nặc, nhõng nhẽo đòi phải cùng đi chơi, đi viếng Beijing, cùng với bố. Tối hôm đó, khi đến gặp Tổng thống, để làm nhiệm vụ ấy, anh rất lo lắng, vì vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh năm trước, cũng trong một trường hợp tương tự, ông Tổng thống nóng tánh nầy, quá bực mình, nổi nóng bởi một anh thuộc hạ dám cưởng ý mình, đã đuổi ngay anh trưởng ban nghi thức tiền nhiệm, mặc dù còn đang trên đường công vụ.

Cũng trong vai trò anh trưởng ban nghi thức, khi máy bay của Tổng thống sửa soạn đáp xuống phi trường của Camp David, Mỹ, đã nhắc nhở Tổng thống Pháp Hollande, rằng giấy mời của Tổng thống Obama, đã rõ ràng ghi chú rằng “y phục” phải thường phục thoải mái – casual, và các người khách đến dự phải, ít nhứt, là tháo bỏ cái cà vạt ra. Vậy mà, Tổng thống Hollande vẫn không nghe. Và cuối cùng, trong buổi gặp mặt ấy, ông là vị khách duy nhứt mang cà vạt! Quê ơi là quê!

cũng chính trưởng ban than trời khi Tổng thống Hollande leo lên xe mình đóng cửa, trước khi Bà Hoàng Anh Quốc Elisabeth II leo hẳn lên xe bà. Và quê hơn nữa, ngày hôm trước Tổng thống Hollande đã, vụng về đưa tay ra bắt tay Bà Hoàng trước khi Bả chìa tay! Hoàn toàn trật chìa với nghi thức và nghi lễ của Triều đình Anh Quốc!

Cũng chính anh (trưởng ban nghi thức) cũng đã, hết hồn, chỉ trước vài giờ trước khi máy bay của Bà Hoàng Anh Quốc (cũng Bả nữa!) và của 109 nguyên thủ và đại diện các nguyên thủ các quốc gia đáp xuống vùng Normandie, để cùng tham dự kỷ niệm Ngày D-Day, ngày đổ bộ của quân đội đồng minh, 6-6-1944, mới được biết Bà Hoàng đội một chiếc nón đặc biệt cao, và chợt hiểu rằng, chiếc nón ấy của Nữ Hoàng Anh Quốc sẽ gặp khó khăn, vì cái trần của mui chiếc xe DS5 tân thời cáu cạnh dành riêng để chở Bà quá thấp, và sẽ làm bẹp chiếc nón. Và, cuối cùng vào phút chót, anh tìm tất cả mọi phương tiện (dùng cả trực thăng lớn chuyên chở), để đưa đến Normandie, một chiếc Velsatis cũ, cất trong một góc của nhà xe của Phủ Tổng thống ở Paris, với chiếc mui cao, kịp thời cứu cái nón của Nữ Hoàng Anh Quốc! Và chẳng những chỉ chuyện cái nón, cũng trong ngày ấy, trong chương trình ấy, với đầy những chi tiết, tỷ mỷ, đo lường bằng từng phút một, phải chọn một khoảng thời gian 15/20 phút để Nữ Hoàng Anh Quốc –  cũng Nữ Hoàng nữa – để cho cặp giò Bả nghỉ ngơi. Phải tìm chỗ, một căn phòng tiện nghi, trên con đường hành trình chánh thức. Và quan trọng hơn, trong thời gian Bà Hoàng nghỉ ngơi, đoàn tùy tùng Anh Quốc hộ tống Bà phải không được biết, Tổng thống Pháp sẽ lợi dụng thời gian, tại một căn phòng gần đó, để tạo một cuộc gặp gỡ kín đáo để Tổng thống và Bà Thủ tướng Đức tổ chức một cuộc họp mật giữa hai đối thủ Nga và Ukraine…

Và cũng lại chính ông trưởng ban lễ nghi Pháp, với một khuôn mặt tỉnh khô, “thật thà khai báo” kể một câu chuyện hiền lành, vô thưởng vô phạt, cho vị trưởng đoàn ngoại giao Anh quốc khi vị nầy – vì nghe thấy những đi lại xào xáo ngoài hành lang của lâu đài, nơi Bà Hoàng nghỉ chơn – bước ra khỏi phòng bà Hoàng, để hỏi lý do… Ngoại giao ơi!… bao xảo quyệt cũng vì mi! – Ô Diplomatie! que d’hypocrisie en ton nom!

Tổ chức, tiên liệu, nhắc nhở, khuyên nhủ, cố vấn, đối mặt với những bất ngờ, hát cương, nhập đề ngay, sáng kiến nhanh, quyết định nhanh,… xuất khẩu thành thơ, đối ứng bất ngờ, nhanh, chụp giựt, nhưng phải hợp thời hợp cảnh, đó là tất cả tài nghệ, ứng phó, nhanh nhẩu, nghề nghiệp của vai trò trưởng ban nghi thức của Điện Élysée, Phủ Tổng thống Pháp. “Muốn thực hiện đúng vai trò của nghiệp vụ nầy, không cần một người am hiểu thời thế, lão luyện sự đời, không cần một người miệng lưỡi, khéo léo, chỉ cần một người siêu nghề tiếp vụ, với con mắt thiên nhãn ngó, đặt, theo dõi mọi nơi”. Laurent Stefanini, 6 năm phục vụ ở Phủ Tổng thống, sau 5 năm làm việc ở Phủ Thủ tướng Matignon tả nghề mình. Nay, về hưu, nhường vai trò lại cho anh cựu phụ tá, Fédéric Billet, vào tháng 5 năm 2016, để tiếp tục công vụ, với năm cuối cùng của Tổng thống François Hollande, và nay, với Tổng thống Emmanuel Macron.

Từ ngữ “Nghi thức – Protocole đến từ chữ hy lạp “protos” nghĩa là thứ nhứt – premier – first. Người giữ chức vụ trưởng ban nghi thức, tuy với một chức vụ chỉ ngang hàng với chức vụ Đại sứ, có một đặc quyền là đi vào mọi nơi, cổng/cửa “trước – số một” ông Tổng thống mình phục vụ, mỗi khi anh đi cùng, làm việc với Tổng thống. Anh vào mọi phòng ốc, trước vị nguyên thủ, nhiệm vụ thứ hai là nhắc nhở tên tuổi chức vụ các vị khách. Một bổn phận nữa là phải đạo diễn mọi thái độ, nhắc chừng, khi cần đi chậm, khi cần đi nhanh, nào chớ quên, nào nên nhớ…

Ngày 11 tháng Giêng năm 2015, sau khi khủng bố Hồi giáo quá khích Daesh giết hại 17 người ở Paris, khi được lệnh phải tổ chức cuộc diễn hành cộng hòa – la marche républicaine để ủng hộ nước Pháp và Paris đau thương, với 44 nguyên thủ quốc gia tham dự. Khi cần phải tiếp tất cả từng nguyên thủ một tại Điện Élysée, anh trưởng ban phải bố trí một người phụ tá đứng sau một chiếc cột, với một bản listing có hình để “thổi tên từng vị một, với tên gọi chức tước đàng hoàng –  tiếng Pháp lắm rắc rối, khi thì chỉ Ông – Monsieur, khi thì Ngài – Monseigneur, khi thì Son Altesse, lúc lại Son Excellence…!. Bộ Ngoại Giao Pháp, Quai d’Orsay, có một “bộ sậu 105 người” chuyên cái nghiệp nầy. Hệ thống gồm tiếp vụ, thông ngôn, phiên dịch, nghi lễ, chỉ đặc biệt để tiếp khách – 750 lần một năm, chỉ riêng nội cho năm 2016 thôi! Riêng một bộ phận chỉ lo cho phần đặc quyền, đặc nhiễm ngoại giao – immunité diplomatique, với toàn phần các nhơn viên ngoại giao các sứ quán ở Pháp. Sở đặc nhiệm nầy rất bân rộn, vì chỉ ở ngay trên đất Pháp đã có tất cả 10.000 diplomates – ngoại giao nhơn, và 40.000 “người có quy chế đặc biệt – personnes à statut particulier”. Đất Pháp cũng là nơi có rất nhiều tư thất riêng hay nhà phụ – résidences secondaires của nhiều nguyên thủ hay thủ tướng ngoại quốc, vào khoảng trên 60 chục căn.

Nghi thức của Phủ Thủ Tướng do Bộ Ngoại giao lãnh, với một ê kíp riêng, 4 người. Riêng Phủ Tổng thống gồm khoảng chục người và ăn ở hẳn tại chỗ, ở Phủ. “Tổng thống Pháp là người giao tế rộng, đặc biệt với ngoại quốc”, Laurent Stefanini nói rõ. Nào G7, G8, G20, rồi các hội nghị thượng đỉnh, nào Pháp thoại, nào Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ La tinh… rồi thương mãi, môi trường, khí tượng…song phương, đa phương… ấy là chưa kể những tiếp đón, hay những đi viếng thăm các nguyên thủ bạn, tuần nào cũng có, tháng nào cũng có. Anh trưởng ban nghi thức biến thành một trưởng ban nhạc, có khi cả một nhà đạo diễn, viết tuồng, tạo tuồng, dựng tuồng, luôn luôn phải tạo dựng một không khí chánh trị một màn kịch chánh trị an lành, mưa thuận gió hòa, mặc dù trong một chánh trường quốc tế đầy sôi động. Những màn bắt tay, những bài hát đầy nụ cười, những khúc nhạc đầy ôm nhau, vỗ lưng nhau, từ cách hôn tay, siết tay, đứng gần, đứng xa, hàng hai, hàng ba, xa gần… đều có nghĩa cả, đó là những nhịp của những khúc dạo, khi moderato, khi moderato nhưng cantabile, có khi staccato, giựt gân, nhưng phải làm dịu lại để qua vivace…. Thế giới là vậy…, trình diễn, đi đêm… cười trước mặt, đâm sau lưng. Chưởi nhau, hù nhau hôm nay, bạn hiền hôm sau! Không bạn muôn đời, không thù muôn kiếp!

Nhưng “Nếu được, nên tổ chức tại nhà mình, nhiều lợi thế hơn! Nơi đây mình là chủ nhà, chủ tình hình, chủ chương trình!” Laurent Stefanini nhắc rõ. Nhưng khi, chẳng may, nếu thất thế, phải làm khách mời, anh trưởng ban nghi thức phải đi trước một tuần, vài ngày, dò đường, thương thuyết chương trình “được tiếp” cho đầy thuận lợi cho “xếp mình”: từ nơi nghỉ ngơi, nơi họp, các phòng ốc tươm tấp phải “đáng giá vai vế, gương mặt quốc gia, quốc thể”, tươm tất, ngon lành, sang trọng là cái dỉ nhiên rồi, và không được xa nơi phái đoàn làm việc, với đầy đủ hệ thống an toàn và thông tin, nếu cần, phải đi hẳn vào chi tiết… như đầy đủ những ổ điện để cắm điện cho các tất cả các máy điện tử của phái đoàn, từ viết đến in ấn, chụp sao hình... Một trận chiến về “ego diplomatique – tự ái, quốc thể ngoại giao” vì tất cả mọi phái đoàn đều cho mình là quan trọng cả, không ai nhường ai. Thí dụ phòng riêng làm việc của phái đoàn Pháp nếu quá xa phòng họp, sẽ làm mất thì giờ vị Tổng thống mình, và khi cần tiếp vận mất thì giờ đi lại…Vì Pháp là… đệ nhị quốc gia Liên Âu, đệ…? của thế giới! Phải cần một nơi để sửa sang, chỉnh hình… Ngài Tổng thống, lúc trang điểm, khi cắt tóc, lúc nghỉ ngơi, khi xả uế…!

2/ Nghi lễ: Thiên hạ thường nhầm lẫn nghi thức – procole với nghi lễ – cérémonial!

Nghi lễ là một phần phụ thuộc của nghi thức. Nghi lễ là những thể thức sắp đặt hệ thống ưu tiên thứ tự trong các vai vế các yếu nhơn ngoại giao hay quốc thể.

Tháng 7 năm 1804, Napoléon I – cũng Napoléon I – đã viết ra bảng hệ thống hóa nghi lễ cho các yếu nhơn quân đội, công chức và cả tang lễ. Bảng nghi lễ nầy được Đệ tam Cộng hòa Pháp tái áp dụng vào năm 1907, và được tân thời hóa vào năm 1989 bởi Tỉnh ủy Cộng hòa – Préfet Jacques Gandouin, cũng do ông cập nhựt lại năm 1995. Chiếu bảng nghi lễ nầy, Tổng thống Cộng hòa Pháp là vai thứ nhứt của mọi nghi lễ nước Pháp, kế đến là Thủ tướng, đến Chủ tịch Thượng Viện, vai thứ tư là Chủ tịch Hạ Viện, sau đến các cựu tổng thống, các cựu thủ tướng,… tất 61 hạng người cuối cùng là Chủ tịch Công ty Quốc gia các kiểm soát viên ngân khố – Président de la Compagnie nationale des commissaires aux comptes…

Càng sắp hàng cao, càng quan trọng, thì phải đến sau, và khi cần phát biểu một ý kiến, càng phải nói sau cùng, và càng quan trọng càng rời nơi họp đi về càng sớm. Đó là lễ nghi của xứ Pháp. Và nhức đầu hơn, khi gặp phải những khách mời ngoại quốc. Trộn thứ tự thế nào để khỏi phật lòng thiên hạ đây? Cả người nhà, cả khách quý! Nghi lễ buộc rằng, theo cùng một hàng chức vụ, ưu tiên cho người lớn tuổi. Theo lẽ thường, một vị lãnh đạo già nua một quốc gia tý con, nghèo yếu ưu tiên hơn anh lãnh đạo trẻ tuổi tài cao một quốc gia tiên tiến cường quốc. Đó là lý, nhưng về tình thì phải thương thuyết mặc cả trả giá thiệt hơn. Ngoại giao… trường tình… tuồng hát!

Bàn ăn cũng thế, chỗ ngồi quan trọng, chủ nhà ngồi giữa, xong bên phải, rồi đến bên trái… Sắp đặt ai nói trước, ai nói sau… đều do anh trưởng ban nghi thức đạo diễn cả. Nhưng có khi cũng bị ọc rơ – hors jeu. Như khi lễ nhậm chức của tân Tổng thống Hollande do cựu Tổng thống Sarkozy trao tay cho tân Tổng thống… Trên đường nhậm lễ, bỗng bà bồ của tân Tổng thống, bà  Valérie Trierweiler, nổi hứng bất tử, rời phái đoàn, đi bắt tay các quan khách, báo hại ông Tổng mới chờ, ông Tổng cũ cũng chờ… phái đoàn phải ngưng, nghi lễ trễ nải… Bài vở bể, tuồng hát bắt đầu phải cương...

Nghi thức, nghi lễ là do con người, không qua con người và cá tánh con người được!

Thế kỷ XVII, Vua Louis XIV, có nói “ Nhơn dân, quân chúng, công dân, thần dân của chúng ta, không thể thấu hiểu nỗi chiều sâu của triều đình, chỉ biết nhìn và đánh giá vào bề ngoài, mặt nổi, nên chỉ biết nhìn vào nghi thức, nghi lễ và phẩm trật để tỏ lòng mến mộ và khâm phục – Les peuples sur qui nous régnons, ne pouvant pénétrer le fond des choses, règlent d’ordinaire leur jugement sur ce qu’ils voient au dehors, et c’est le plus souvent sur les préséances et les rangs qu’ils mesurent leur respect et leur obéissance”!

Dù là tuồng hát, nhưng nghi thức, nghi lễ rất cần thiết cho thuật trị dân. Đau!

Hồi Nhơn Sơn, đầu mùa gió lạnh
Phan Văn Song


Cái Đình - 2017