Minh Hạnh


Ông Đạo Dừa

<=== “The Coconut Monk”, Richard Avedon @ The Richard Avedon Foundation

.

Vào mùa xuân năm 1968, vài tháng sau khi phỏng vấn tất cả những nhà lãnh đạo Phật giáo và Công giáo tôi đã gặp, một người bạn Việt Nam của tôi đã kể cho tôi nghe về một đại hội nghị hòa bình trên một hòn đảo ở sông Mekong được lập nên bởi một hành giả tịnh khẩu mà người ta gọi là ông Đạo Dừa. Tôi đi xe buýt bảy mươi cây số, từ Sài Gòn về hướng nam, đến thành phố Mỹ Tho cùng với một số những thầy tu mới quen. Đến nơi, với rất nhiều xô đẩy và thúc cùi chỏ, tất cả chúng tôi leo lên chiếc xuồng tam bản tại bến đò Mỹ Tho trên sông Mekong.

Con sông ở đây rộng khoảng bốn dặm, phân cắt vùng đồng bằng giữa Mỹ Tho nhỏ bé và thị xã Kiến Hòa. Cù lao Phụng nằm khuất giữa những cồn đất nhỏ khác dường như trôi nổi như những lát của trái đào cùng với món rau trộn có dừa và xoài, được trang trí bằng những cây dừa rải rác trong dòng nước nâu chảy xiết. Khi chúng tôi vừa đến, lòng vòng quanh một trong những cồn đất này, những gì tôi thấy làm tôi gần như té khỏi thuyền. Nơi đó, như một cơn ảo giác trôi bềnh bồng giữa sông, nó giống như một vườn chơi của Phật giáo Tịnh độ được cất trên các cột. Ở mũi của hòn đảo, một ngôi chùa cao chót vót nhô lên từ đỉnh núi cao hơn hai chục thước. Trên đỉnh của ngôi chùa có gắn một chữ vạn, một hình tam giác và một cây thánh giá, nhìn xuống một sân tròn khổng lồ làm nơi cầu nguyện, được phân cách bằng cách phối màu và đường hoa văn trang nhã mang tính âm dương; nhị nguyên trong chuyển động. Đèn néon rọi sáng trên đầu chín con rồng của dòng Mekong đâm ra hơn mười hai thước từ vòng cầu nguyện. Những con rồng là những hình tượng cổ xưa và đáng kính, tượng trưng cho chín nhánh của dòng sông Mekong đặc phù sa tỏa ra như cây quạt mà trên thực tế đã tạo ra vùng đồng bằng trù phú đáng kinh ngạc.

Trong khi chúng tôi tiến đến gần hơn, tiếng ồn của chiếc máy đuôi tôm nhỏ bé của chúng tôi bắt đầu nhỏ dần và biến mất bên dưới tiếng của những chiếc chuông gió lớn treo từ các góc của ngôi chùa bảy tầng. Có hàng trăm chiếc chuông như thế. Kích cỡ của chúng trông khá quen thuộc và sau đó tôi mới biết rằng chúng được làm từ vỏ đạn pháo 175 ly bằng đồng thau. Khi chúng tôi cho thuyền đi vòng quanh phía trước hòn đảo để đến cầu tàu, tôi thấy một bản đồ Việt Nam đắp nổi cực lớn và dày công, dài có tới hơn hai chục thước từ đầu này đến đầu kia, được treo lơ lửng trên dòng sông Mekong đang chảy. Bản đồ có đầy đủ các thị trấn và thành phố nhỏ như đồ chơi, cùng các dãy núi và rừng rậm. Đâm ra từ miền Bắc và miền Nam là những cây cột có đường kính khoảng hai thước, vươn lên trời để đỡ hai đầu của cây cầu có hình cầu vồng cao gần năm mươi thước từ mặt đất, mỗi đầu có một cái chòi nhỏ.

Cuối cùng khi chúng tôi vào đến khu cặp ghe, tôi thấy khoảng hai trăm tăng ni đang lễ lạy trong sân cầu nguyện chính, cúi đầu về phía ngọn núi thạch cao ngộ nghĩnh nâng đỡ các tháp của ngôi chùa và chúng trông giống như một thứ gì đó được thiết kế cho một cái sân minigolf nhưng không phải để chơi golf. Trong một động nhỏ gần đỉnh núi thạch cao nằm tại trung tâm, ông Đạo Dừa ngồi cười toe toét. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông là hiện thân của hình tướng “Đừng Lo Lắng – Hãy Vui Lên”, chỉ sự vui vẻ vĩnh viễn và huyền bí trong một thế giới đang phát rồ.

Trước khi trở sang Việt Nam lại để làm phóng viên, John Steinbeck IV đã phục vụ trong quân lực Hoa Kỳ.
Ảnh Nancy Steinbeck.

Vào cái ngày đặc biệt này, cộng đồng nhỏ khoảng bốn trăm người đã bị xáo động bởi du khách và khách tham dự lễ hội hòa bình kéo dài hai ngày. Cùng với những người khác, tôi đã thực hiện cuộc hành hương lên hòn núi tí hơn để nhận được ân phước từ Thầy. Bạn tôi giới thiệu tôi là một Phật tử người Mỹ. Ông nhíu cặp lông mày có vẻ hài hước, và bắt đầu vỗ tay. Đối với một người đàn ông tịnh khẩu, ông là một người có cách truyền thông vào bậc nhất. Tôi đã, bằng một cách nào đó, hiểu ông một cách hoàn hảo khi ông, bằng sự ra hiệu, hỏi là chẳng biết tôi có ăn thịt hay không. Tôi ra dấu, ông ngưng vỗ tay và ra hiệu cho một người phụ tá xuống núi để đến khu vực nhà bếp. Anh chàng này nhanh chóng trở lại mang theo mấy trái xoài và dừa. Ông ép tôi ăn. Ông chăm chú nhìn cho đến khi tôi ăn hết sạch những trái cây ngon ngọt. Sự nhiệt tình thực sự của tôi đã được tất cả hoan nghênh như một dấu hiệu của sự chuyển đổi, hoặc ít nhất là sự cảm thông.

Tôi giải thích với ông Đạo Dừa rằng tôi rất quan tâm đến đạo Lão và tất nhiên là đến Phật giáo. Ngày hôm trước, khi tôi ngồi như tượng trong Ban điện tín và nhìn chằm chằm vào một bản đồ trên tường, tôi nhận thấy rằng nếu người ta vẽ một vòng tròn quanh Việt Nam, một đường cong âm dương đơn giản sẽ xuất hiện. Hồ Tonlesap (tượng trưng cho âm) ở Campuchia và đảo Hải Nam (tượng trưng cho dương) ở Biển Đông, phân cách nhau bởi bờ biển cong của chính Việt Nam, đã tạo nên một biểu tượng âm dương hoàn hảo theo cách nhìn cổ điển. Trung tâm của toàn cảnh thì nằm ngay trên vùng phi quân sự khét tiếng.

Khi tôi kể cho ông nghe về phát hiện này, ông Đạo Dừa nhướng mày lên lần nữa, và ông nhìn tôi một cách nghiêm trang. Sau một hồi rất lâu, ông đột nhiên khiến một nhà sư khác chạy xuống thư phòng nhỏ đặt trong hang/trái tim của ngọn sơn tự. Khi nhà sư trở lên, ông mang theo một tấm bản đồ Việt Nam vẽ công phu và đã được khoanh một vòng tròn xung quanh nó y hệt như thế, mà ông Đạo Dừa đã tự vẽ hôm trước. Ông sắp sửa truyền rao sự khám phá vũ trụ-địa lý đầy ý nghĩa này cho các vị khách sau này như một lời giải thích cho tình trạng khó khăn của người Việt Nam; và nơi đây, cặp mắt tròn của ông đã trực nhận ra điều tương tự, phải chăng đó là sự nắm bắt được những rung động bậc sư. Đó là một khoảnh khắc cực kỳ khó xử. Các tăng ni xung quanh bắt đầu chụm đầu vào nhau khen ngợi sự chứng nghiệm và thì thầm về nhận thức tiên tri của tôi. Ông Đạo Dừa và mọi người bắt đầu ngỏ lời khen ngợi những người bạn đã mời tôi đến. Không phải ngẫu nhiên mà điều này đã đưa Phật tử người Mỹ đến cồn Phụng. Trong vòng một giờ sau đó, tôi đã trở thành một chuyện cho thiên hạ bàn tán, hay là một thứ gì đó mà tôi không chắc chắn. Dù có là thế nào đi nữa, tôi đã phải trả giá cho sự trao đổi nhỏ nhoi về sự nhận thức mang tính biểu tượng đó bằng một sự pha trộn giữa niềm tự hào lẫn bối rối trong những năm tháng còn lại mà tôi đã sát cánh bên ông Đạo Dừa, khi vụ việc này đã được lan truyền rộng rãi trong vòng tín hữu trên khắp vùng đồng bằng này.

Trước tiên, tôi đã không thấy điều đó xảy ra, nhưng sự hiểu biết ngày càng sâu rộng hơn về những bài học sinh tử của Việt Nam đã được nhà sư sống trong rừng này tiếp tục một cách kỳ diệu, với thái độ lập dị đã chỉ ra rằng lòng thương hại và sự hóm hỉnh làm cho tình thương và lòng trắc ẩn từ một tâm hồn đơn giản là không thể làm được. Đối với tôi bài học này chưa bao giờ trở nên lỗi thời.

Năm tháng tôi phục vụ trong quân đội ở Việt Nam đã để lại trong tôi ký ức là phải có một mục tiêu rất thực tiễn. Tôi luôn cảm thấy thất vọng vì vai trò trong quân đội của mình và mong muốn được ở gần mọi người mà không bị màu xanh ô liu làm mất đi con người thực của mình. Chẳng mấy chốc, tôi bắt đầu xuống cồn Phụng mỗi cuối tuần trên chiếc xe máy nhỏ của riêng tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc ở vùng quê và cảm thấy mình không còn là một cái đích nhắm béo bở trong trang phục của kẻ xâm lăng. Đôi vai tôi nhẹ tênh khi tôi chạy xe dưới ánh mặt trời lấp lánh trên chiếc xe máy nhỏ dưới những tàng dừa. Tôi cảm thấy rất an tâm với mọi người và khi tôi nói đúng giọng hơn, tôi bắt đầu mất đi khái niệm là tôi không phải là người Việt Nam.

Trên cồn Phụng, nỗi đau chung về cuộc chiến rất là thành thực và xuyên qua mọi rào cản văn hóa khiến tôi cảm thấy mình giống như một trong số hàng triệu con cá chép đang bơi dọc theo dòng nước nâu giàu phù sa của sông Mekong, mà sự đại lượng của nó rong ruổi từ miền trung Tây Tạng rồi tỏa ra nơi đồng bằng này và vào Biển Đông. Tôi đã có hạnh phúc nơi đây. Có lẽ còn hạnh phúc hơn tôi đã từng có trong đời. Hòn đảo đã trở thành nơi ẩn náu của tôi trong năm năm sau đó.

Bất kỳ loại hành trang hạnh phúc nào cũng là cuộc chơi do ông Đạo Dừa bày ra. Ông là hình ảnh người cha mà tôi mong mỏi và chúng tôi chia sẻ tình cảm sâu đậm cho nhau. Những mâu thuẫn, định tâm giữa sự hỗn loạn, chuyển đổi và sự khoan khoái rũ bỏ tiêu cực, tất cả dường như có thể xảy ra ở nơi đây. Một cuộc phô diễn trái thông tục của các biểu tượng xoay tròn quanh một cây cột trước gió. Một vòng tròn xoay làm biểu tượng cho Đức Phật với những cánh tay quàng quanh Chúa Kitô; bên mặt kia, Đức Mẹ Đồng Trinh Maria ôm lấy Đức Bồ tát Quan Thế Âm từ bi. Luôn luôn, với tiếng chuông thay cho hòn đạn, sự hung hãn đã được chuyển hóa.

Để đáp lại sự hiển thị phi thường của chủ trương yêu chuộng hòa bình cụ thể này, và với ấn tượng theo kiểu diễn viên kiêm nhạc sĩ Harpo Marx của ông như một vị Phật, mối tương thông của tôi với ông Đạo Dừa đã tăng tiến thêm lên.

Một ngày nọ, ông Đạo Dừa gọi tôi tới. Ông mời tôi lưu lại lâu hơn với ông trên đảo. Ông đưa cho tôi chiếc gáo dừa khất thực, và tôi đã thuận theo ông. Đêm đó, vừa chợp mắt, tôi bị đánh thức dậy, và tất cả các vị tăng dẫn tôi vào cái cốc lớn trên núi thạch cao và trao cho tôi chiếc áo choàng màu hạt dẻ (thực đúng là đồ ngủ) của giáo phái. Chấp nhận áo tràng và các quy tắc của cộng đồng như họ, tôi dọn đến một túp lều nhỏ mà chúng tôi đã dựng trên nóc của một xà lan bằng gỗ cũ.

<=== Ông Đạo Dừa (trên cùng) tại Cồn Phụng với các nhà báo Hoa Kỳ,
luôn cả Steinbeck (dưới cùng), 1969. Nik Wheeler/Alamy.

.

Vắng bóng chiến tranh, và tiếng gầm gừ của con rồng của lòng không sân hận là phần có thể cảm nhận rõ ràng nhất, và cũng là điều bí ẩn thường thấy tại những nơi chịu ảnh hưởng của ông Đạo Dừa. Nó dường như ngự trị khắp không gian, và tôi muốn nói là điều này hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen. Có một thứ gì đó làm phát sinh ra lòng nhân hoặc sự tự kiềm chế nhằm xua tan một cuộc cãi vã vô bổ, nhưng có một cái gì đó sâu sắc hơn đang diễn ra nơi đây. Thực sự hoàn toàn không có chiến tranh, cũng không có những xung động chớm nở của tranh chấp trên hòn đảo này. Trên đảo và cả xung quanh, đúng vậy. Nhiều buổi tối, tôi thường ngồi ăn thơm trong túp lều tranh dưới ánh trăng, nhìn hai bên bờ sông giận dữ với những viên trái pháo và đạn bắn rít qua lại trên đầu, trong khi ánh đèn màu từ vòng tròn cầu nguyện của ông Đạo Dừa ôm lấy nỗi buồn và những chiếc chuông lớn của cồn Phụng ngân vang, trao đổi với sự đau khổ và làm tản mát nó đi.

Từ quan điểm luận lý hoặc từ cái nhìn của khách bộ hành, ông Đạo Dừa khá điên rồ. Bài giảng của ông ta thật là nực cười, mặc dù trên thực tế ông đánh đu trong một thế giới chính trị tuyệt vọng được bao quanh bởi một chiến trường điện tử. Ông ta làm cho trí óc người nghe quay cuồng, nhưng phong cách của ông thì lại ngấm sâu vào trái tim. Một bộ óc phân tích thuần túy không khi nào có thể thấu được tầm nhìn của ông.

Người mà bạn nhận lãnh sự giáo hóa có hoàn toàn vượt ra khỏi tầm tay hay phản ánh sự thật, thường là một vấn đề không thể tránh khỏi. Điều này càng ngày càng xảy ra khi chúng ta phải lớn lên về mặt tâm linh và phải chịu trách nhiệm cho sự thật của chính mình, thay vì giấu đằng sau một học thuyết chết cứng hoặc bất kỳ chiếc áo bào mới nào của các vị vua già nua. Nhưng ở Việt Nam, khi với những người mà tôi gặp đâu đó đang cố gắng tàn sát lẫn nhau, tôi thấy thật dễ chịu để thoải mái với những điều thiết thực có thể bàn cãi mà ông Đạo Dừa đưa ra.

Ông Đạo Dừa hồi đó là tổng thể mọi sự sáng tạo của riêng ông. Khi tôi gặp ông, ông chỉ cao chưa tới thước rưởi. Trước kia ông cao hơn, nhưng ông đã té từ cây nơi ông đang ngồi nhập định và bị gãy lưng. Ông đã yêu cầu các môn sinh đừng lo lắng, và cứ đưa ông ta trở lại nơi cái cây của mình. Phần dưới lưng của ông trở thành dễ chịu nhất và hòa nhập với tư thế ngồi. Cánh tay ông dường như mọc từ ngực chứ không phải từ vai. Thần sắc ông là một pha trộn sự nghiêm túc một cách trào lộng cộng với sự chấp nhận lan rộng tới mọi việc, ngoại trừ chiến tranh. Tuy nhiên, hiện thực chiến tranh không làm ông rối trí.

Ông Đạo Dừa thật đặc biệt. Ông thường cột tóc dài quanh đầu, đuôi tóc nhét vào phía sau. Ông cho là điều này có thể tượng trưng cho vương miện gai của Chúa Giê-Su. Đôi khi ông thả chùm tóc dài như đuôi ngựa xuống lưng, mà ông nói nó gợi ra hình ảnh Phật Di Lặc, vị Phật tương lai. Rồi sau đó, ông lại kéo nó quấn đầy như râu dưới cằm và nhét nó qua tai. Tôi quên mất không nhớ ông muốn ám chỉ ai. Abe Lincoln chăng? Các biểu tượng này luôn là một món quảng cáo hay, thế nhưng đầu gối ông Đạo Dừa và ngoại hình tổng thể của ông phản ánh nhiều năm thực hành ngồi và lễ lạy như máy.

Ông Đạo Dừa lúc nào cũng đeo một cây thánh giá lớn bên ngoài áo tràng màu vàng, y phục của tăng sĩ Phật giáo. Nó nằm quanh cổ áo tròn và rộng, tương tự như những gì một anh hề có thể mặc. Tôi chưa bao giờ thấy chuyện như thế. Tôi tò mò hỏi ông Đạo Dừa là từ đâu mà có nó. Ông viết nguệch ngoạc một ghi chú mà khi dịch ra thì nó có nghĩa “Đó thực ra là một cái khăn choàng. Tôi đã phát minh ra nó. Tôi chỉ ăn rau, nhưng dường như tôi luôn làm rơi vãi đồ ăn của mình.”

Phát hiện ra được con mắt bão yên bình, tôi tự cảm thấy mình hơi ích kỷ, nhưng ông Đạo Dừa với thái độ rộng lượng đã ép tôi phải mời bạn bè từ Sài Gòn xuống để trải qua vài đêm trên đảo, cùng tận hưởng sự bình yên ông đã tạo. Hầu hết bạn bè của tôi là các nhiếp ảnh gia chiến trường, làm việc cho các mạng lưới săn tin và điện tín. Họ cũng nhận thấy cồn Phụng và chủ nhân miếng đất này là nơi ẩn trú duy nhất có sẵn khi những ủng hộ cho chủ nghĩa hiện sinh đã cạn kiệt. Nhanh chóng, ông Đạo Dừa nhận ra rằng ông đã gầy dựng được một ban quảng bá đến công chúng qua tôi và những bạn mồ-côi-trong-chiến-tranh mới quen này. Thế là, bằng một cách nào đó, cả bể cá đã đưa AP, UPI, Time với Newsweek, CBS, BBC và truyền hình Pháp, rồi cả National Geographic đến với ông.

Vào một đêm rằm, ông Đạo Dừa đã quyết định hành động. Tôi bị đánh thức vào khoảng 4 giờ sáng bởi anh bạn Đạo Phúc, tín đồ duy nhất biết tiếng Anh của ông Đạo Dừa. Gió thổi những gợn sóng nhỏ trên sông Mekong, và Phúc quàng chiếc áo choàng của anh lên người tôi trong cơn lạnh khi chúng tôi đi qua sân cầu nguyện tròn rộng để lên trên ngọn núi thạch cao. Sao mai đã mọc trên tàn dừa trên dòng sông, trăng vẫn treo cao trên trời, còn ông Đạo Dừa đang dùng bữa sáng với dừa và ớt đỏ cay xé. Ông ngỏ ý là muốn muốn tôi lên Sài Gòn và thu xếp cho bạn bè nhà báo của tôi đến ăn trưa với tư cách là khách của ông ở Chợ Lớn, khu phố Tàu trong vùng ngoại ô Sài Gòn. Xe máy của tôi đã được ràng sẵn vào một chiếc ghe tam bản đang chờ để đưa tôi lên bờ. Khi chúng tôi cặp bến, tôi bắt đầu thấy lo cho cái xóm nhỏ này. Tôi biết rằng nếu ông Đạo Dừa y hẹn đến ăn trưa và rời đảo, ông có nguy cơ bị cầm tù. Còn đối với bản thân tôi, tôi đánh cuộc với tờ chiếu khán và uy tín của mình. Nói cách khác, chuyện này đúng là giống như là tùy viên báo chí của tay phóng viên Soupy Sales.

Tôi đã liên lạc với tất cả mọi người mà tôi đã từng đưa tới hòn đảo, nhiều người trong số họ đã có lòng yêu mến ông Đạo Dừa. Bữa trưa là một bữa tiệc thịnh soạn được chuẩn bị và phục vụ bởi vài tín đồ của ông Đạo Dừa có trụ sở tại Sài Gòn, là người chủ một cửa tiệm thuốc bắc. Ông Đạo Dừa thoạt đầu không xuất hiện, nhưng vào khoảng giữa bữa ăn, ông tới trên một chiếc Buick Century đời 1954 với mui sơn vàng nghệ. Mặc dù ông không muốn rời băng ghế sau, nhưng ông đã đưa cho tôi một bản phác thảo về kế hoạch của ông. Ông muốn cho các bạn bè trong nhóm báo chí truyền thông của tôi biết rằng vào ngày hôm sau ông sẽ đến phủ tổng thống, và sau đó đi bộ theo con lộ lớn đến Tòa Đại sứ Hoa Kỳ để trình bày kế hoạch mới về hòa bình vừa được bổ túc cho các đại diện của Lyndon Johnson.

Pha trộn giữa Phật giáo, Lão giáo và Cơ Đốc giáo, ông Đạo Dừa thúc đẩy không mệt mỏi
cho một kết cuộc hòa bình của chiến tranh. Ảnh Keystone Picture USA/Alamy Stock Photo

Sau bữa trưa, cả lũ chúng tôi lại tiếp tục công việc riêng của mình. Ông Đạo Dừa đã mất dạng cùng với chiếc xe của ông, gieo trong chúng tôi mối lo sợ về những chuyện lộn xộn mà chúng tôi biết sẽ theo bất kỳ cuộc biểu tình tuần hành nào trên đường phố Sài Gòn. Ông Đạo Dừa đã tìm cách rời khỏi hòn đảo của ông bằng cách lên xe ở một khúc hẻo lánh nào đó của dòng sông, nhưng tin tức về sự hiện diện của ông ta ở băng sau xe hơi trên một con phố ở Chợ Lớn đã bắt đầu loan truyền ồn ào khắp thành phố.

Do đã thấy các phương pháp đánh phủ đầu được sử dụng để phá vỡ các cuộc biểu tình trên đường phố ở Việt Nam, tôi đã lo lắng cho ông. Quần chúng thì nóng máu, còn cảnh sát thường tàn nhẫn. Giải pháp tôi nghĩ, là đến Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ngay lập tức và lưu ý họ rằng một nhà sư yêu chuông hòa bình muốn ghé qua và gửi thư cho Tổng thống Johnson. Những tham tá chính trị đối xử với tôi một cách lịch sự, và sau khi thông báo cho họ về các hoạt động của ngày hôm sau, tôi ra về với cảm giác rằng một chút ngoại giao này sẽ làm mọi thứ trôi chảy. Tôi đã rất ngây thơ. Ngày hôm sau, bạn bè của tôi và tôi hẹn gặp nhau ở một con đường bên hông, gần dinh. Mọi thứ trông khá bình thường, có lẽ trừ tôi ra – một người Tây phương trong bộ đồ ngủ màu nâu hạt dẻ. Xe của ông Đạo Dừa dỗ ở một góc phố và khi ông bước ra, một nửa số dân đang đi trên đường dừng lại, nhìn chằm chằm vào ông và bắt đầu cười khúc khích với nhau, hoặc cung kính đảnh lễ ông thánh rừng rú này. Nửa còn lại hóa ra là cảnh sát mặc thường phục, nhiều người trong số họ dường như đã theo dõi tôi kể từ khi tôi rời Tòa Đại sứ Mỹ ngày hôm trước. Xe cảnh sát nhanh chóng đâm ngang, chặn đường đến dinh, cho nên ông Đạo Dừa bắt đầu đi bộ về phía tòa đại sứ. Ông đã mang một quả dừa có sẵn dấu hiệu hòa bình ở phía dưới. Trên thực tế, mọi trái dừa đều có dấu hiệu này, nhưng ông nghĩ rằng có thể có cơ hội hiếm hoi là tổng thống Mỹ có thể bị tác động đủ để ra tay ngăn chặn chiến tranh qua dấu hiệu đáng yêu từ thiên nhiên mang nghĩa hòa hợp toàn thế giới này.

Lực lượng nhiếp ảnh gia và phóng viên của chúng tôi đã mau mắn chụp lấy được cơ hội, khi một toán nhỏ gồm mười tăng ni đang trên đường tiến về khu nhà mà cơ quan Hoa Kỳ đặt trụ sở. Cảnh sát thực sự đã đối xử nhã nhặn với ông Đạo Dừa. Ban chỉ huy trung ương đã làm một bước sai lầm là cử viên đại úy chỉ huy chiến dịch là người có gia đình ở Kiến Hòa, nơi ông Đạo Dừa được hết mực tôn sùng như thần thánh. Trên thực tế, ông già biết anh ta từ khi còn là thằng bé con. Sự đau khổ và bối rối hiện lên nét mặt của vị chỉ huy khi anh cố gắng thuyết phục ông Đạo Dừa vui lòng trở về cồn của mình và đừng gây rắc rối. Nhưng ông Đạo Dừa cứ tiến bước và cười toe toét như mọi khi, lại còn chỉ ngón tay lên trời với cách chứng nghiệm như thể khen cho thời tiết hay chỉ vào nơi cực lạc trên không trung.

Lúc chúng tôi đến tòa đại sứ, một đại đội thủy quân lục chiến đã bao quanh tòa nhà và ràng cổng chính bằng một sợi khóa xích lớn. Khi nhìn lên, tôi thấy khoảng bốn mươi quân nhân khác trên mái với bốn ụ súng máy 50 ly chĩa thẳng xuống chúng tôi. Máy bay trực thăng võ trang bắt đầu lượn vòng trên cao để bảo vệ vùng đất của Hoa Kỳ chống lại ông thầy cao thước rưởi của tôi. Tại màn trình diễn này, ông Đạo Dừa ngồi xuống vỉa hè và cự tuyệt di chuyển đi nơi khác. Sau hai mươi phút, có ai đó trong tòa đại sứ bắt đầu nhận thức được rằng một ông già nhỏ bé đang tạo ra một cảnh tượng lố bịch từ cảnh sát và quân lực của Hoa Kỳ, chỉ đơn giản bằng một trái dừa.

Vì ông già dường như có được cả một nửa binh đoàn báo chí cổ vũ, bầu không khí bắt đầu thay đổi thành một cuộc vui kỳ lạ. Ông Đạo Dừa bắt đầu chuẩn bị bữa trưa của mình trên đường phố. Đến lúc này, đám đông người Việt, vượt qua sự hồi hộp, đã rú lên cười. Cuối cùng, một nhân viên ngoại giao cao lớn và người không đẫm mồ hôi bước ra và nhận bức thư qua cửa có chấn song sắt. Ông từ chối nhận trái dừa với lý do tổng thống Hoa Kỳ không thể nhận quà từ các chức sắc nước ngoài. Ông Đạo Dừa hài lòng và rời chỗ. Một lần nữa, với cảnh sát hộ tống, ông bị đưa trở lại cồn Phụng với lời đe dọa sẽ bị mắc tội nặng hơn nếu ông đặt chân lên đất liền một lần nữa. Để hỗ trợ cho quan điểm này, một cuộc đột kích đã diễn ra trong khi ông vắng mặt, và ba mươi nhà sư thân cận nhất của ông Đạo Dừa đã bị bắt giữ.

Trong bức thư, ông Đạo Dừa đã yêu cầu LBJ cho mượn hai mươi chiếc máy bay vận tải khổng lồ để chở ông và những tín đồ theo ông, cùng với vật liệu xây cất, đến khu phi quân sự trên vĩ tuyến thứ mười bảy giữa Bắc và Nam Việt Nam. Nơi đó, giữa sông Bến Hải, ông Đạo Dừa sẽ xây một ngọn tháp cầu nguyện vĩ đại và sẽ lên đỉnh để tịnh, không cần ăn uống. Cùng với ba trăm tăng ở một bên bờ sông và ba trăm ở bên kia, ông sẽ cầu nguyện trong bảy ngày đêm. Ông cam đoan với tổng thống Mỹ rằng dự án này sẽ mang lại hòa bình cho Việt Nam.

Trong những năm tiếp đó ông Đạo Dừa đã cùng tôi tham dự nhiều màn diễn. Trong vài dịp, tôi đã gần như bị ném ra khỏi đất nước, và có lẽ hào quang của sự lập dị của ông đã cứu tôi. Dù sao, sau biến cố đầu tiên này và cuộc thử thách lòng tin tưởng của tôi, tôi không nghĩ là tôi đã thực sự nghiêm trang lại như một nhà báo đàng hoàng. Tôi, cũng như vậy, đã biến thành một mối phiền toái và một tên điên khùng. Tạp chí Time có chạy một bức ảnh tôi mặc áo tràng với chú thích:

John Steinbeck IV
Lòng khao khát cho Thiền?

Trong vài năm tiếp theo đó, với sự tự xoay sở và với sự giúp đỡ của những người bạn mới khác, ông Đạo Dừa đã trốn khỏi hòn đảo của ông nhiều bận, nhưng lần nào cũng bị cảnh sát đưa trở lại, và cuối cùng họ đã cử một đội tàu tuần tra quanh đảo. Một đồn cảnh sát được thành lập ở vòng ngoài của khu chùa và quân đội bắt đầu mở những cuộc tuần tra nhỏ trên đảo. Có lần, phi công máy bay trực thăng Hoa Kỳ nghịch ngợm thả lựu đạn cay vào giữa vòng cầu nguyện trong lúc cử hành nghi lễ, nhưng chưa có lần nào vùng của ông Đạo Dừa bị đạn xuyên qua.

Bây giờ đã mọi chuyện đã qua. Hồ Chí Minh đã nằm trong mộ, cũng như ông Đạo Dừa. Lúc đầu, tôi nghe nói là ông Đạo Dừa đã rời đảo và quay trở lại Thất Sơn. Đó là vào năm 1973. Sau đó, vào năm 1986, trong một nhà hàng Việt Nam ở Paris, tôi tình cờ nghe thấy tên của tôi và của một số người Việt Nam lưu vong. Cộng sản đã cố gắng biến hòn đảo thành một điểm thu hút khách du lịch hậu chiến. Sau này tôi mới biết rằng ông Đạo Dừa đã bị Bắc Việt quản thúc tại gia và cuối cùng đã bị giết. Khi tôi nhìn thấy ông lần cuối cùng, chúng tôi đã không nói lời từ giã. Ông lấy tay chậm mắt, một giọt nước mắt hiếm hoi. Rồi lại toét miệng cười, ông chỉ lên bầu trời nơi ông sống. Ký ức đã mờ nhạt nhưng tôi không thể nào quên.

.

Nguyên tác: The Coconut Monk, một chương trong tác phẩm The Other Side of Eden: Life With John Steinbeck IV. Tác giả John Steinbeck IV & Nancy Steinbeck.
Người dịch: Minh Hạnh

________

Chú thích của BBT: John Steinbeck IV là con của văn hào John Steinbeck Jr., Nobel Văn Chương 1962, tác giả các tác phẩm nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt như East of Eden (Phía Đông Vườn Địa Đàng), Of Mice and Men (Của Chuột và Người), The Grapes of Wrath (Chùm Nho Phẫn Nộ)…. John Steinbeck IV (1946-1991) là nhà báo Hoa Kỳ và cũng là nhà văn, nhưng không nổi tiếng như cha ông. Ông là người có tư tưởng chống chiến tranh, đã mặc áo nhà tu và ở với ông Đạo Dừa một thời gian. Ông mất trên bàn mổ khi cuốn hồi ký nói trên (Bên Kia Vườn Địa Đàng: Cuộc Sống Với John Steinbeck IV) đang viết dở dang, và vợ ông, Nancy Steinbeck, sau đó đã viết tiếp. Tác phẩm này đã được xuất bản năm 2001 và tái bản năm 2019.

Một số kiến trúc trên Cồn Phụng trong bài viết có tên tiếng Việt: khu vực ông Đạo Dừa và các tín đồ tu tập có tên Chùa Nam Quốc Phật. Sân cầu nguyện tròn là "sân Chín Con Rồng", khu vực có ngọn tháp có tên Tháp Hòa Bình, vời cửu trùng đài là tên gọi ngọn tháp (9 tầng, không phải 7 tầng). Hai cái chòi (tháp) nhỏ ở hai bên đầu cầu có tên "Miền Bắc Hà Nội" và "Miền Nam Sài Gòn".


Cái Đình - 2020