Nguyễn thị Cỏ May


Nói chuyện mát mẻ cho dịu cơn nóng hè

 

 

Mùa hè năm nay ở Âu châu, nhứt là ở Pháp, Đức, Áo, trời nóng như thiêu, như đốt. Đúng là “mùa hè đỏ lửa” nhưng lửa ở đây không phải lửa tái chiếm Cổ Thành Quảng trị, mà cái nóng bất thường của xứ ôn đới.

Tới nay, tức qua hơn cả tuần nóng trên 38°C, vẫn chưa có tin có bao nhiêu ông bà già chết. Năm 2004, nóng chỉ 34°C mà có hơn 15000 người chết. Thảm nạn nhưng chắc chắn Bảo hiểm sức khỏe của Pháp rất vui mừng vì nuôi bệnh các ông bà giá quá tốn kém mà sản xuất không có!

Tây vốn chưa quen máy lạnh. Sau năm đại nạn đó, Tây bày bán rầm rộ quạt máy và máy lạnh loại di động, nhưng năm sau, trời không nóng nữa cho tới năm nay.

Vừa rồi, chánh phủ cho phép mở cửa các nơi công cộng để cho người lón tuổi ở trong Paris có thể vào đó tránh nóng trong ngày.

Đi xe điện, bus, métro trong Paris thì phải biết. Xe không máy lạnh. Mùa hè đông người, chen nhau lên xe. Nếu phải đứng dưới nách hay sát một người bà con có họ xa “đui then”, thì cố nín thở chờ tới trạm xe ngừng, xuống xe đổi chỗ. Tránh bị ngất xỉu năm phút sau đó.

Mùa hè năm nay, phải chăng vì nhơn những ngày nóng bức mà nhiều thành phố Âu châu xuất hiện phong trào nam nữ “đi xe đạp thoát y 100%” để đánh động dư luận nhằm vừa phản ứng, vừa kêu gọi mọi người tự hạn chế dùng xe hơi, bớt ô nhiễm môi trường?

Mục đích rất hay. Nhưng trước hiện tượng nhiều người thoát y cỡi xe đạp rong ruổi trên đường phố giữa thanh thiên bạch nhựt như vậy nên đã không tránh khỏi dân chúng, kẻ hoan nghênh, người tỏ vẻ khó chịu vì cho rằng tổn thương tới vẻ thanh lịch thành phố, vi phạm đạo lý xã hội.

Nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn đoàn người thoát y cởi xe đạp trên đường phố “bằng trái tim”, thì mắt thật sự có nhìn cũng “không thấy”. Như thế có đơn giản hơn không?

Đó là việc xử dụng “con người thật” chống lại hay ủng hộ những việc làm của con người có hại hoặc có lợi cho con người!

 

70 sinh viên Đại Học Oxford (Anh) khỏa thân chơi thể thao để làm từ thiện

Cũng xử dụng “bản thân nguyên vẹn và thật” của mình để tranh đấu cho nữ quyền, tưởng nên nhắc tới Tổ chức Nữ Quyền Femen chống chánh sách độc tài của Nhà nước Nga cách nay vài năm. Các cô gái này bị TT Poutine cho đi tù. Họ chạy qua Paris, tới Vatican, biểu tình chống sự đối xử không bình đẳng đối với nữ giới. Như một vài điều luật của Giáo hội Vatican còn khắt khe với người phụ nữ.

Họ thoát y dưới trời lạnh ngay trước nhà của ông Dominique Straus Kahn ở Place des Voges, Paris, để chống ông ấy trong vụ nghi “mua bán dâm” ở khách sạn Carlton của Thành phố Lille, Miền Bắc nước Pháp. Nay ông được Tòa xử không có tội tổ chức bán dâm. Chỉ du hí tập thể thôi!

Các bà hội viên Femen tới Bảo tàng viện Louvre, hay Tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà ở Paris, luôn luôn thoát y 99%, cả khi trời lạnh, biểu tình nhằm thu hút sự chú ý của du khách, người đi đường, để hô hào ủng hộ người phụ nữ hồi giáo, chống lại luật hồi giáo đối với người phụ nữ. Họ thoát y để phản đối sự bắt buộc phụ nữ trùm khăn, không được phục sức theo tây phương vì cho rằng thân thể phụ nữ là sở hữu hoàn toàn của người phụ nữ.

Ở Bỉ cũng có phong trào phụ nữ thoát y tranh đấu cho nữ quyền, nhằm ủng hộ người phụ nữ hồi giáo. Cũng phong trào này đã biểu tình kêu gọi các chánh trị gia bỉ hãy sớm thành lập chánh phủ sau thời gian dài khủng hoảng chánh phủ. Tiếp theo, một phong trào phụ nữ khác xuống đường lên tiếng như một tối hậu thư “Trong 1 tháng nữa, các ông không lập được chánh phủ, các bà sẽ ban hành lệnh cấm vận đối với các ông”.

Quả nhiên, chỉ có vài tuần sau đó là Bỉ có chánh phủ mới, sau 541 ngày dân chúng sống dưới “chế độ vô chánh phủ”.

 

Kỳ diệu quyền lực phụ nữ!

Trong gần đây, báo chí loan tin, với cả hình ảnh 70 sinh viên nam nữ của Đại Học Oxford ở Anh, tình nguyện cởi bỏ hết y phục, cùng chơi thể thao, để lấy tiền gây quỹ giúp những hoạt động từ thiện.

Ai cũng biết Oxford là một trong những Đại Học nổi tiếng nhứt tại Anh và cả trên thế giới. Như để khẳng định thêm sự nổi tiếng của mình, một số sinh viên của trường còn gây sự chú ý khi đồng loạt trút bỏ hết cả xiêm y để thực hiện bộ ảnh ở nhiều môn thể thao như bóng bầu dục, bơi lội, bóng rổ, đấu kiếm,...

Tổng cộng phong trào này đã thu hút được 70 sinh viên của trường tham gia. Tất cả đều đang vừa học tập vừa tham gia các Câu Lạc bộ thể thao tại trường. Bộ lịch được làm từ những tấm hình khỏa thân nghệ thuật này sẽ được bán với giá 10 bảng Anh và toàn bộ sẽ được chia cho các tổ chức từ thiện.

Được biết những bức ảnh đen trắng sinh viên khỏa thân đều lấy bối cảnh trong khuôn viên cũng như những sân thể thao của trường. Một thành viên của đội đấu kiếm, sinh viên Grace Segall, có mặt trong bức ảnh bày tỏ cảm tưởng của mình: “Có cảm thấy ngại ngùng khi nhìn tất cả chúng tôi đều như nhộng. Nhưng chúng tôi chỉ khỏa thân trong chốc lát. Sau cùng, phải thừa nhận đó là một trải nghiệm tuyệt vời”.

Một nữ sinh viên khác phát biểu “Tôi nghĩ hoạt động này rất bổ ích. Tôi thực sự khó quên với một số bức ảnh, đẹp và dễ gây ấn tượng mạnh ở người xem. Như bức bơi lội hay bức ảnh chụp 2 cô gái rất tự nhiên đang thể hiện những động tác tennis khi trên người không một mảnh vải che thân”.

Nếu xem ảnh, thêm chút con tim, thì ảnh khỏa thân sẽ trở thành ảnh nghệ thuật tuyệt vời và mang đầy ý nghĩa “những tấm lòng trẻ vì người khác” trong đó!

 

Phong trào thế giới những người đi xe đạp khỏa thân

Năm 2015 là năm thứ 102 của “Tour de France”, đua xe đạp vòng quanh nước Pháp. Năm nay, cuộc đua khởi hành ngoài nước Pháp và chọn Thành phố Utrecht của Hòa-lan là giai đoạn đầu tiên vì nơi đây dân chúng có một nếp sống xe đạp rất hay, rất gợi cảm. Lần đầu tiên, “Vòng quanh nước Pháp” khởi hành tại Amsterdam là vào năm 1954.

Nhưng năm nay, “Tour de France” khởi hành ở Hòa-lan bị chìm bởi “Phong trào đi xe đạp của những người thoát y 100%” thu hút gần như hầu hết khán giả. Những người này không phải đua Vòng quanh nước Pháp và tranh “Cúp Tour de France”, mà để động viên mọi người tự hạn chế xử dụng xe hơi, nhứt là trong lúc trời quá nóng, để tránh ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống. Phong trào những “người khỏa thân đi xe đạp” không phải riêng của Hòa-lan, mà cả Âu châu và toàn cầu. Đó là “Mouvement Cyclonudiste International”, tiếng anh là “World Naked Bike Ride” (WNBR).

 

Một chút lịch sử của Phong trào đi xe đạp thoát y 100%

Phong trào “Những người đi xe đạp khỏa thân” ra đời năm 2001 ở Saragosse xứ Tây-ban-nha (Espagne) dưới tên gọi “Ciclonudista”.

Hai năm sau, “World Naked Bide Ride” (WNBR) ra đời với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ. Năm 2004, Phong trào lan rộng trên qui mô quốc tế với 28 thành phố lớn của các nước Tây phương gia nhập. Tới năm 2010, Phong trào WNBR gồm có 75 thành phố của 20 quốc gia làm thành viên.

Mục đích chỉ nhằm bảo vệ con người trong tư cách trọn vẹn của con người – quyền làm một con người (Le droit d’être un homme) – trong một thế giới quá máy móc và mất nhân tính. Chọn đi xe đạp để giảm yếu tố máy móc chi phối đời sống con người và làm cho mọi người ý thức đến tính “mong manh” hay “tính cây sậy” của chính mình.

Thoát y 100% là để ý thức đến thân thể của mình một cách cụ thể và bìết chấp nhận nó một cách toàn diện trước mọi người. Biểu tình khỏa thân còn biểu hiện một tinh thần lễ hội bằng cách thực hiện sự khỏa thân xã hội nhờ đó làm cho con người gần lại trong bầu khí thoải mái, tươi mát, nhân bản.

Từ đây, Phong trào WNBR hoạt động hằng năm. Ở Bắc Bán cầu vào mùa hè, từ cuối tháng 6 và Nam Bán cầu, vào mùa thu, cuối tháng 3.

Từ đây, khẩu hiệu của Phong trào là “Love your Body, Love your Bike”.

 

Phong trào đi xe đạp thoát y ở Pháp

Phong trào những người đi xe đạp hoàn toàn trần truồng đang nở rộ trên khắp thế giời. Ở Úc, hôm chủ nhựt 8 tháng 3 vừa qua, hằng trăm người khỏa thân 100% đạp xe trên đường phố Melbourne, để báo động dư luận sự nguy hiểm của người đi xe đạp trong thành phố và đồng thời cổ võ cho cách di chuyển không gây ô nhiễm xã hội.

Ở Luân-đôn, hằng trăm người đi xe đạp khỏa thân biểu tình từ Piccadilly tới Công trường Trafalgar. Cùng mục đích chống tập quán “bước ra khỏi cửa là leo lên xe hơi”, Phong trào WNBR biểu tình liên tiếp nhiều cuối tuần ở Chicago, Potland, Los Angeles, NY,… (Huê kỳ) và ở Mexico có tới 3000 người nhiệt tình tham dự. Họ đạp xe đạp khỏa thân suốt 19km làm cho dân chúng địa phương không khỏi kinh ngạc. Có nhiều người la ó và huýt sáo miệng ầm ĩ. Mexico vốn là một thành phố bảo thủ mà 3000 người dám khỏa thân đạp xe trên đường phố. Điều này có vượt quá giới hạn của nền đạo lý công giáo không? Tuy Phong trào WNBR tuyên bố rõ “Đây là một Phong trào hoàn toàn không có tính khiêu dâm, trái lại mang đậm màu sắc và đầy tính sáng tạo”.

Riêng ở Pháp, hằng năm, cứ tới mùa hè, là có hằng ngàn người thoát y cỡi xe đạp lượn quanh trên đường phố Paris cổ kính. Nhưng năm 2010, Thị xã Paris bác bỏ đơn xin phép biểu tình tuần hành xe đạp khỏa thân tuy hồ sơ được soạn thảo rất công phu.

Nhưng những người muốn tổ chức tuần hành bằng xe đạp và khỏa thân không chịu thua. Họ tổ chức lại hàng ngũ chỉnh tề, hệ thống hóa chặt chẽ. Qua năm sau, họ tuần hành ở Marseille, thành phố lớn ở Miền Nam nước Pháp. Và năm 2014, họ vừa biểu tình ở Marseille và cả Paris. Họ chiếm được cảm tình của dân chúng đi coi.

Ra đời 25 tháng giêng năm 2007, Phong trào WNBR Pháp qui tụ ngay từ lúc đầu được 540 người tham dự chánh thức. Mùa hè năm nay, WNBR Pháp biểu tình ở Paris tuy luật pháp phạt 15000 euros về tội “khỏa thân nơi công cộng”.

Sau thời gian dài be bờ ngăn cộng, khi cộng sản bất ngờ sụp đổ, phe thế giới tự do bỗng như bị hụt hẫng. Về mặt xã hội, cuộc bạo loạn tháng 5/68 làm bật gốc rễ kỷ cương xã hội pháp. Tiếp theo, các chánh quyền xã hội hô hào “tục hóa xã hội” lại thêm một lần nữa làm cho đời sống xã hội mất phương hướng, trật tự cũ bung gốc nhưng chưa được thay thế bằng những giá trị qui chiếu mới.

Khỏa thân đạp xe phải chăng là một hiện tượng con người giờ đây muốn tìm về với chính mình một cách triệt để, vứt bỏ tất cả vướng mắc?

 

Nguyễn thị Cỏ May

 


Cái Đình - 2015