Nguyễn thị Cỏ May


Nỗi ám ảnh tổ tông

 

Trước Quốc Hội, ngày 13 tháng giêng 2015, Thủ tướng Pháp, Ông Manuel Walls, tuyên bố “Nước Pháp đang trong cuộc chiến chống khủng bố, chống thánh chiến và Hồi giáo cực đoan, nhưng không chống một tôn giáo nào.”.

Sau đó tất cả dân biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhơn trong vụ khủng bố do Hồi giáo gây ra vào tuần trước ở Paris và vùng phụ cận. Có lẽ sự thành tâm trong phút tưởng niệm là một sức mạnh thiêng liêng làm bật dậy tinh thần yêu nước ở mọi người nên tất cả bỗng nhiên cùng cất tiếng hát quốc ca “La Marseillaise” một cách vô cùng trang nghiêm, điều hi hữu xảy ra lần đầu tiên từ năm 1918. Xưa nay, quốc ca chỉ hát khai diễn trận banh mà thôi.

Chánh phủ và Quốc Hội cùng bày tỏ lòng cảm ơn lực lượng an ninh.

Sau cùng, toàn thể Dân biểu đồng loạt vỗ tay hoan nghênh chủ trương cứng rắn của Thủ tướng Walls chống khủng bố, bảo vệ nước Pháp, thể hiện một sự đoàn kết chưa từng có.  Vì cả nước cùng đứng trước chung một hiểm họa Hồi giáo.

Những tên khủng bố của tuần trước đã bị tiêu diệt, nhưng hiểm họa khủng bố vẫn còn. Sau tờ Charlie Hebdo, phải chăng sẽ tới số phận của tờ “Le Canard Enchaîné”, một tờ báo trào phúng khác kỳ cựu ở Paris? Ban biên tập tờ báo này cho biết đã nhận được những lời đe dọa ngay hôm sau vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo. Hơn nữa, tờ Charlie Hebdo, ấn bản đặc biệt phát hành 7 triệu số, đã gây nhiều vụ biểu tình hận thù ở nhiều nước Hồi giáo, đòi trả thù cho giáo chủ Mohamet của họ.

Từ nay, Chánh phủ Pháp cho biết sẽ thẳng tay trừng trị những kẻ nào “ca ngợi khủng bố”, “xách động khủng bố”, dưới bất kỳ hình thức nào.

Trong lúc đó Hồi giáo cũng cương quyết đẩy mạnh khủng bố để chống lại các nước Tây Âu, từng bước Hồi giáo hóa Âu châu, bắt đầu ở nước ưu đãi người nhập cư Hồi giáo, mục tiêu trước mắt là khủng bố. Mục tiêu sau cùng là khôi phục lại Đế chế Hồi giáo, xóa tan nỗi ám ảnh tổ tông!

 

Một vài nét về Hồi giáo

Vào năm 610, trong một cái hang động ở tỉnh Hedjaz của xứ Arabie, một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, một hôm, bỗng nghe được một tiếng nói dạy ông phải loan báo cho mọi người biết có một Đấng Thiêng liêng duy nhứt. Người đàn ông đó là Mohamet.  Ông là người xứ La Mecque, mồ côi, chủ gia đình có con, tâm tánh u buồn. Hai mươi hai năm sau, ông trở thành một giáo chủ được kính trọng và cũng đáng sợ. Nhưng ông chết đầy hào quang bao phủ. Chỉ trong vòng một thế kỷ, tín đồ của ông chinh phục cả thế giới, từ xứ Maroc qua tới miền bắc Ấn Độ. Hồi giáo ra đời và ngày nay có hơn một tỷ tín đồ.

Nhưng giáo chủ Mohamet là ai? Đời sống của ông như thế nào? Mọi người ai cũng kinh ngạc về sự thành công truyền giáo. Chính sự thành công này xác nhận khả năng thuyết phục của sứ điệp của giáo chủ. Hồi giáo dựa trên kinh Coran và cả đời sống của giáo chủ, với tình yêu, những tức giận, những ham muốn, những tín điều của ông (phẩm đầu), sự kế vị, hôn nhơn, trả thù,… (phẩm Médine - tên thành phố nơi sau cùng ông cư ngụ).

Hồi giáo thiết lập trên đức tin về một Đấng Thiêng liêng duy nhứt, nhưng trước nhứt, Hồi giáo vốn là một thứ luật pháp mà mọi tín đồ phải thực thi nghiêm ngặt. Mà phải qui chiếu theo đúng văn bản Coran hay theo ý nghĩa ghi lại trong hoàn cảnh lịch sử của xứ Arabie  hồi thế kỷ VII và người ta có thể diễn dịch theo thời gian? Chính điều này là nguyên nhơn của nguyên nhơn gây ra những cuộc “thánh chiến” cho tới ngày nay giữa những người Hồi giáo với nhau.

 

Thánh chiến (djihad)

Coran là nền tảng tư tưởng chỉ đạo thánh chiến. Theo Giáo sư Mohammed All Amir-Moezzi, Giám đốc Nghiên cứu ỏ Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội, Paris, chuyên về Hồi giáo, thì kinh Coran được viết từng bước theo dòng những cuộc xung đột giữa những người Hồi giáo. Ngày nay, nhiều sử gia, cổ ngữ học, khảo cổ học, khám phá văn bản, hình khắc trên đá,… bắt đầu có cái nhìn về giáo chủ Mohamet, về Coran khác hơn những gì đã phổ biến. Giáo chủ Mohamet trở thành Đấng Tiên tri sau khi đã chết. Lúc sanh tiền, ông cũng là người bình thường.

Phải chăng Tuần báo Charlie ở Paris hôm 7/1/2015 bị khủng bố vì biếm họa Giáo chủ Mohamet? Thật ra không phải biếm họa Giáo chủ là phạm thánh nên bị khủng bố trả thù. Theo Hồi giáo, mọi phổ biến bằng hình tượng Giáo chủ đều bị tuyệt đối cấm. Trong những tranh ảnh cho tới thề kỷ XVIII có hình Mohamet thì hình ông phải được phủ kín mặt hoặc ẩn trong một mảng lửa. Nhưng phái Chiite, trái lại, cho phổ biến hình Mohamet rộng rãi, từ Thổ-nhĩ-kỳ qua tới Ấn-độ.

Djihad là thánh chiến, nhưng từ ngữ “thánh chiến”, theo sử gia Jacqueline Chabbi, chỉ xuất hiện từ thế kỷ IX. Trước kia, Giáo chủ Mohamet động viên đông đảo người của bộ lạc để làm chiến tranh vì chỉ có chiến tranh mới là phương tiện giúp mọi người thoát khỏi cảnh đói khổ ở sa mạc. Chính Giáo chủ đưa ra khái niệm “djihad – thánh chiến” là tấn công những đoàn lạc đà, đánh cướp những ốc đảo giàu có để thu hồi thực phẩm. Sau này, các phe phái Hồi giáo đánh nhau chỉ vì quyền thừa kế Giáo chủ. Có 4 Giáo chủ thừa kế từ năm 632 tới năm 661. Tất cả chết vì bị ám hại.

Phục hồi Đế chế Hồi giáo sẽ đem lại cho người Hồi giáo một ý nghĩa nào đó cho đời sống tâm linh của họ. Giúp họ xóa tan nổi ám ảnh tổ tông?

Đối với thế hệ Hồi giáo trẻ ngày nay, Mohamet là hiện thân của quyền chánh trị và tôn giáo. Những người thừa kế cũng tập trung trọn vẹn hai quyền ấy. Nhưng sự thừa kế lâm vào cảnh “huynh đệ tương tàn” do thừa kế thiếu tính chính thống, không được mọi phe phái thừa nhận. Theo phái Chiite, Giáo chủ thừa kế phải được Giáo chủ tiền nhìệm chỉ định. Nhưng phái Sunnite chủ trương Giáo chủ phải là người được cộng đồng Hồi giáo chấp thuận. Ở Irak, dân Hồi giáo tín nhiệm ông Abou Bakr al-Baghdadi làm Giáo chủ và lãnh đạo cuộc thánh chiến để thực hiện hoài niệm về Đế chế Hồi giáo trên toàn thế giới.

Thánh chiến – djihad còn hàm nghĩa về công pháp là làm chiến tranh để mở rộng lãnh thổ Hồi giáo ra những vùng đất của những người không phải Hồi giáo đang cai quản. Mục tiêu thiết thực của thành chiến không phải nhằm truyền giáo mà nhằm mở rộng Đế chế Hồi giáo. Do đó, thánh chiến – djihad trong bản chất là tấn công, chiếm  đoạt cho mục tiêu cuối cùng là người Hồi giáo phải thống trị toàn thế giới. Vì đó, thánh chiến – djihad có nghĩa là bành trướng lãnh thổ Hồi giáo nên luôn luôn là trọng tâm của mọi người Hồi giáo.

Trong lịch sử, thánh chiến đã đưa Hồi giáo mở rộng nước Hồi giáo từ Maroc chạy dài qua tới Ấn Độ.

Các nước Tây Âu dù có không chủ trương “thế tục hóa, nhập cư, hội nhập, cộng hòa,…” đi nữa, thì Hồi giáo cũng tìm mọi cách tấn công để sau cùng biến vùng này trở thành nước Hồi giáo.

Trong vụ Charlie vừa rồi ở Paris, có không ít thanh niên Pháp gốc Hồi giáo đã thách thức từ chối phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhơn trong vụ khủng bố, còn nói rõ nếu tưởng niệm thì sẽ tưởng niệm những thánh tử đạo kia.

Không biết người dân Pháp, sau biểu tình ủng hộ Charlie, còn thấy “trăng lưỡi liềm” hãy còn sáng trên nền trời Pháp hay không?

 

Nỗi ám ảnh tổ tông

Giáo chủ Mohamet nằm xuống, vấn đề kế vị bắt đầu phân hóa trong máu và nước mắt dân Hồi giáo. Lúc sanh tiền, ông là hiện thân của người lãnh đạo chánh trị và tôn giáo. Chánh quyền Hồi giáo vì đó phải là một chánh quyền mang tính thần quyền, califat. Nên ngày nay, nhũng người làm “thánh chiến” ở Syrie và Irak là để thiết lập một “Nhà nước Hồi giáo”.

Năm 1923, Mustafa Kemal Ataturk, xóa bỏ đế quốc Hồi giáo, xóa bỏ luôn chế độ thần quyền đã tồn tại 600 năm, thiết lập cho nước Thổ-nhĩ-kỳ của ông nền Cộng hòa Độc lập và không tôn giáo (laique) và ông trở thành Tổng thống. Nắm chánh quyền, ông “thế tục hóa” tư pháp, giáo dục, giải phóng phụ nữ khỏi cưỡng chế Hồi giáo, cưỡng bách chữ viết theo mẫu tự la-tinh.

Ông cuồng nhiệt chống lại di sản của Đế quốc Hồi giáo để thiết lập cơ sở canh tân đất nước. Chẳng may ông mất sớm nên dự tính của ông chưa kịp hoàn thành.

Nhưng Ông Tareq Oubrou, (Viện trưởng Hồi giáo ở Bordeaux, Pháp, tác giả “Một chức sắc nổi giận – Un imam en colère, Bayard, 2012, Paris), giải nghĩa phản ứng của những người Hồi giáo làm khủng bố, làm thánh chiến vì nước Thổ-nhĩ-kỳ trở thành Cộng hòa thế tục ròng, rũ bỏ 600 năm Đế chế Hồi giáo: “Nhiều người Hồi giáo đau đớn vì biến cố này như họ bị nguyền rủa. Như mang một thứ tội tổ tông mà chỉ có thực hiện được Đế chế Hồi giáo trở lại thì mới mong chuộc được tội.  Một thứ hoài niệm hoang tưởng!”.

Dầu sao, đó cũng là một thứ mặc cảm tội lỗi. Tội lỗi của người con trai phản bội Cha, Giáo chủ Mohamet!

Vì Mohamet luôn luôn là ngọn hải đăng, là la bàn của người Hồi giáo.

Từ đó chúng ta có thể hiểu người Hồi giáo làm khủng bố nhằm vào các nước dân chủ vì các nước dân chủ tây phương là mô hình ảnh hưởng các nước Hồi giáo thay đổi. Họ phải biến các nước Tây phương thành Hồi giáo, dưới sự cai trị của Đế chế Hồi giáo trên nền tảng ý hệ Coran và luật Charia.

Hồi giáo hóa các nước dân chủ tây phương, cơ cấu hóa xã hội dân chủ tây phương theo luật Hồi giáo là mục tiêu thật sự của thánh chiến. Và cũng để phục hận.

 

Nguyễn thị Cỏ May

 


Cái Đình - 2015