Phan Văn Song
Học Chuyện Người, Hành Việc Ta:
Nhựt Bổn, Những Nghịch Lý.
Tấm Gương Phấn Đấu:
Đầu năm tây, tàn năm ta, trong không khí dở dở ương ương, của tình hình của thế giới và cũng không giống ai, của cả quê nhà. Ở Tây, ở Mỹ, cũng vậy, nào Mỹ thì chạy đua tranh chức Tổng thống, nào Tây thì chạy đua, tranh chức vụ, chánh trị lãnh đạo tương lai, đấu đá nhau, trong khi nhiệm kỳ chưa mãn, nhiệm vụ đương nhiệm chưa lo xong. Còn ở quê mình, thì bọn lãnh đạo quê ta cũng vậy, chỉ biết giành nhau, tranh chức, tranh chỗ ngồi với nhau, giặc ngoài bất kể nạn ngoại xâm hán hóa, thù trong chẳng thấy nhưng Công An vẫn đánh đập đàn áp người dân, công dân mình, 40 năm hòa bình có đó, nhưng tương lai mù mịt, vẫn lo chạy gạo từng bữa, từng ngày. Tóm lại, Mỹ Tây Đức Ta gì cũng không khá cả! Thế giới Âu Tây đang trong tình trạng chiến tranh. Một cuộc chiến mới, không khai chiến rõ ràng. Xưa kia, chiến tranh có biên giới, đánh nhau giữa các quốc gia, có quân phục rõ ràng. Nay đánh nhau với một bọn khủng bố, đánh nhau với cả một văn hóa, với cả một tôn giáo, nhưng không thể nói ra được, sợ kẹt giỏ, hổng được hoàn toàn đạo đức chánh trị – polically correctness -politiquement correct.
Nhưng phải nói! Vì đấy là một con quỷ! Không lằn ranh, không biên giới, vì con quỷ ở ngay trong đất nước mình, ngay trong nhà mình. Anh hàng xóm, anh láng giềng, anh bạn cùng sở, có thể, ngày mai biến thành anh khủng bố! Chưa bao giờ, thế giới được thu hẹp như lúc nầy, hiện tượng toàn cầu hóa toàn diện như lúc nầy. Cái quần jean là thí dụ điển hình của toàn cầu hóa. Bông vải được trồng ở Pakistan Ấn độ, vải được dệt ở Tàu, may cắt cũng ở Tàu, kiểu vẽ, dựng kiểu ở Âu Tây, ở Mỹ. May xong đem qua Thổ nhĩ kỳ nhuộm xanh, làm kiểu, làm bạc màu giặt bằng đá – stone-washed… Để cuối cùng, bày bán ở các thị trường sang trọng khắp thế giới, hay có thể nghèo nàn cũng khắp thế giới, vì quần jean là loại quần thời trang, sang hèn ai cũng mặc được, hàng bình dân, hàng hiệu hàng xịn, đủ kiểu, đủ dạng, đủ dáng, sang hèn nghèo giàu, đủ cả mọi giá. Vì ngày nay, thời trang tiêu dùng, đa dụng tất cả đều toàn cầu hóa, xóa bỏ lằn ranh biên giới địa dư đã đành, xóa bỏ cả lằn ranh giai cấp xã hội. Quần jean là một điển hình. Điện thoại di động cũng là một thí dụ khác. Trên thế giới biên giới địa dư không còn, trong quốc gia, biên giới giai cấp cũng không có, chỉ còn những quan niệm sống, đạo đức, những truyền thống văn hóa dân tộc, dân chúng Việt Nam nếu không ráng giữ, nếu không cố bám giữ, sẽ bị Tàu, bị Hán tộc cướp cả linh hồn nền tảng văn hóa Việt tộc của chúng ta. Cố gắng giữ cái gốc Đại Việt, dung hòa Tam Giáo á đông cổ truyền với giáo lý thời đại âu mỹ, của tinh thần thiên chúa giáo. Dung hòa cái đạo lý, đức tánh nhịn nhục hy sanh cổ truyền đông phương với cái thực tiễn, sáng tạo, hội nhập nhanh chóng với thời cơ, hoàn cảnh tây phương. Tạo bối cảnh, nhìn bối cảnh, để xử sự theo hoàn cảnh. Lịch sử ngày nay đi nhanh, ngành tin học đã rút ngắn, thu hẹp địa cầu, cần những quyết định táo bạo nhanh chóng.
Đây là lúc phải định tâm trở lại, tìm một hướng đi cho tương lai gia đình, tương lai đất nước. Với gia đình thì tùy hoàn cảnh, tùy nơi cư ngụ, với đất nước nhìn vào bối cảnh không gian môi trường. Thử đi tìm một mẫu phát triển, một kiểu sanh tồn, không gì bằng nhìn những thành quả của các quốc gia khác, của các dân tộc khác. Sống tỵ nạn ở các quốc gia âu mỹ, chúng ta thường mong, thường mơ người Việt, đất nước Việt, có một mẫu thể chế quốc gia như những quốc gia chúng ta đang cư ngụ. Như chúng ta đây, công dân của quốc gia (thứ hai) ấy, chúng ta có quyền không bằng lòng, có quyền có ý kiến, vì đấy là xây dựng, vì đấy là dân chủ. Và chỉ vì riêng với cái quyền “được ăn nói chỉ trích, đóng góp,…” ấy đó thôi, cũng đủ làm cho nhiều người công dân của nhiều quốc gia trên thế giới, xuống đường, đấu tranh, đổ máu, sẵn sàng hiến thân! Và chỉ cho cái quyền tự do đó thôi!
Chúng tôi, người viết, qua những chung đụng, học hỏi quen biết, thường ngưỡng mộ ba dân tộc, Do Thái, Đức và Nhựt, vì những đức tánh đặc biệt và riêng biệt của mỗi trong ba dân tộc ấy! (Riêng về tổ chức thành công đất nước, chúng ta có những mẫu khác như Singapore, như Đài Loan là hai đất nước có một gốc văn hóa gần “tàu và khổng tử như ta”, hay Đại Hàn gần “nhựt” hơn). Xin trở về với ba dân tộc đã có một quá khứ “gặp nạn”, như chúng ta, nói trên.
Dân tộc Do Thái với đức tánh rất tôn giáo, rất bảo vệ dân tộc, yêu quê hương đất nước, yêu lịch sử và truyền thuyết dân tộc, yêu tổ tiên, nguồn gốc, can trường, cần cù, chấp nhận mọi hoàn cảnh, với một quá khứ lịch sử đầy bị trị, bị hành hung, xua đuổi, đàn áp, nhưng sẵn sàng làm lại cuộc đời, chấp nhận lang thang, tỵ nạn. Chúng tôi, vào tuổi sanh viên, thuở Đại học, đã hai lần, mỗi lần 3 tháng, du học thực tập sanh hoạt ở một trang trại tập thể kibboutz (kibboutzim số nhiều) ở một vùng sa mạc, ở Israël-Do Thái, cạnh biên giới quốc gia Jordanie, cạnh vùng Cisjordanie phía Nam Jérusalem, lúc ấy còn thuộc Vương Quốc Jordanie, trước lúc cuộc chìến 6 ngày (5/10 tháng sáu 1967). Chúng tôi lúc ấy, có giấc mơ lấy mẫu tổ chức làng ấp vừa tự vệ vừa canh tác xây dựng ấy, để về Việt Nam đề nghị chánh phủ ta (Đệ Nhứt Cộng Hòa), thành lập những làng chiến lược, theo kiểu mẫu ấy, vừa giữ tổ chức an ninh và quốc phòng - chống xâm nhập công sản – (ấp chiến lược), một cách tổ chức khai thác tập thể nông thôn, vừa phòng vệ, vừa bình định hóa vừa kỹ nghệ hóa canh nông (nông trường tập thể).
Việt Cộng sau khi thắng trận, cũng có thể lấy cái mẫu kibboutz Do Thái (là một mẫu rất xã hội chủ nghĩa) để tạo một tổ chức một nền Canh nông khoa học, và tổ chức lại những vùng sanh sống và những vùng canh tác hậu chiến; thế nhưng… than ôi! Họ chỉ biết dùng cái trò bịp dân, dùng “kinh tế mới” hóa miền Nam năm 1975/76, là chỉ để đày đọa dân miền Nam đưa vào những nơi khỉ ho, có gáy, rừng thiêng, nước độc, vô tổ chức, hay “quá tổ chức” để đày dân, trừng phạt dân Ngụy! Một chánh sách, đuổi dân Ngụy ra khỏi thành phố, để cướp nhà cướp của dân chúng các đô thị miền Nam thôi! Thật là một sự phung phí ngu đần!
Dân tộc Đức, với cái đức tánh kỷ luật, trách nhiệm, và cần cù siêng năng, khoa học. Và cùng nước Nhựt và dân tộc Nhựt, là hai quốc gia bại trận của Thế Chiến 2 đã làm lại cuộc đời với những thành công ngoạn mục!
Việt Cộng sau 75, có thể bắt chước Đức, tiếp tục để những người dân miền Nam tiếp tục sản xuất những công kỹ nghệ sẵn có, hữu hiệu, đang làm cho guồng máy kỹ nghệ miền Nam hoạt động tốt đẹp, và có thể nhờ thế ấy làm bàn đạp, hay đòn bẩy xây dựng lại toàn đất nước Việt Nam. Thế nhưng, tiếp thu miền Nam là chỉ biết lột xác nền kinh tế, như một loài kên kên, ăn xác chết của chế độ kinh tế của miền Nam đang giãy chết, ăn cướp máy móc, dụng cụ để tháo gỡ, bán sắt vụn thôi! Lại một sự phung phí thứ hai ngu si đần độn nữa!
Mê và ngưỡng mộ ba dân tộc ấy, để tìm một mẫu “nào đó” cho đất nước Việt Nam, và cho dân tộc Việt Nam, ngày mai hậu Cộng Sản.
Dân tộc Việt Nam ta có đầy đủ những đức tính để thành công như ba quốc gia kia. Đất nước Việt Nam ta có đầy đủ điều kiện để phát triển và thành công như ba quốc gia kia!
Thiên hạ đều một ý than rằng, Việt Nam kém phát triển vì đất nước Việt Nam ta nghèo! Chưa chắc! Nhựt Bổn, nghèo tài nguyên hơn chúng ta! Đức cũng không giàu gì hơn chúng ta! Đức có nhiều mỏ than, nhưng than của Đức là than đá lignite, than loại tầm thường, làm sao ví được như than Hòn Gai, là than mỡ thượng hạng! Thế nhưng, Đức với than đá nghèo nàn, là một cường quốc. Ta với than mỡ Hòn Gai, trái lại, lạc hậu và kém phát triển, tổng sản lượng đứng gần áp chót thế giới!
Nước Đức: Sau thế chiến thứ 2, toàn đất nước Đức là những đám gạch vụn, Đức thua trận, mất người mất của, gia đình phân tán, thiệt hại nhiều. Nhưng chỉ sau 10 năm, là đã có mặt (dù chỉ còn một nửa nước, Tây Đức) tranh đua kinh tế với các quốc gia Tây Âu. Vì toàn dân nước Đức, mặc dù bị Đồng Minh chiếm, chia làm 4 khu vực, rồi 2 khu vực, một lòng, xây dựng lại đất nước và cơ đồ.
Còn Việt Cộng? Việt Nam thống nhứt, thắng trận, thắng cả một cường quốc số một thế giới là Huê kỳ. Nhưng, hoạt động chánh là chỉ lo vét của, ăn cắp, trừng trị những người bên thua cuộc. Cướp của, giành xé một xác chết, quên hẳn giữ những của cải còn lại để làm dụng cụ đòn bẩy để xây dựng. Cả nước vẫn tiếp tục chia làm hai phe, một bên liên hoan ăn nhậu trên xác chết, bỏ phí thời gian chỉ để giành để giựt những món, những của dư, của thừa, của những gia tài bên thua trận, vứt bỏ, đày đọa bên thua trận, sống tạm bợ, dở sống dở chết, chồng tù đày, vợ con đói khổ. Cái hố hận thù ngăn cách ấy biết chừng nào mới lấp được? Dĩ nhiên, ăn cướp mãi, của cải như núi cũng hao cũng mòn. 10 năm sau, năm 1985, cạn tiền cạn bạc, Việt Nam chết đói. Và Việt Nam từ nay đã biến thành một nền kinh tế nghèo đói, một xã hội hoàn toàn tụt hậu. Và cả đến ngày nay 2015/16, kinh tế Việt Nam vẫn còn đội sổ thế giới trong nhiều khu vực.
Nhựt Bổn: Chúng tôi rất ngưỡng mộ phong cách người Nhựt và cách tổ chức thể chế chánh trị và nền kinh tế Nhựt Bổn. Chúng tôi vẫn mong, vẫn mơ Việt Nam ta và dân tộc Việt ta, lấy mẫu Nhựt Bổn, làm mẫu phát triển. Nhựt Bổn là một đất nước nghèo nàn, không có tài nguyên, thiên nhiên bạc đãi. Cái giàu và sức mạnh của Nhựt Bổn là Con Người Nhựt Bổn.
Còn Con Người Việt Nam?
Con người Việt Nam ta có khác chi? Cùng một gốc văn hóa Khổng Giáo! Như vậy, Khổng Giáo không phải là một “hàng rào cản trở”. Dẫu rằng, dưới thời Nhà Nguyễn, Khổng Nho cản trở tiên tiến, nhưng là do đám quan lại, trí thức Tống Nho, thủ cựu, ngu đần cũng như quan lại trí thức nước Nhựt trước thời Minh Trị, họ cũng thủ cựu lạc hậu kém gì ta đâu?
Thế nhưng, nước Nhựt may mắn, có một vị Vua sáng suốt, có những vị quan trung thần, khi cần cải tổ, biết nhịn nhục nghiến răng bỏ cái cổ truyền, học cái tân tiến, áp dụng, chuyển biến, cải tổ. Khi cần học hỏi, biết dẹp tự ái dân tộc, khiêm nhường học hỏi. Phát súng thần công của chiến thuyền Perry thức tỉnh vua quan Nhựt bổn, đưa Nhựt bổn vào kỷ nguyên tiên tiến. Phát súng thần công bắn vào thành Thăng Long, buộc thống đốc Hoàng Diệu phải tự vận, nhưng vẫn không thức tỉnh được cái ngu đần của Vua tôi nhà Nguyễn. Trái lại, đưa Việt Nam vào 150 năm tăm tối, 100 năm lệ thuộc thực dân Pháp! Sau thế chiến 2, ráng lắm, sức sanh tồn và tự hào dân tộc cũng chỉ được 30 năm vừa giữ hồn Việt vừa giữ nước Việt chống giặc Cộng Sản ngoại lai. Thế rồi, cuối cùng, cũng đành để Việt Cộng và Cộng Sản quốc tế lường gạt vừa dân tộc ta, vừa bọn đồng minh khờ khạo, bán đứng cả nước lẫn dân cho quan thầy Tàu Cộng thôi!
Nhựt Bổn có “Thần Giáo với những kamis truyền thống với truyền thuyết Thái Dương Thần nữ – Amaterasu” thì Việt Nam ta cũng có đạo Tổ tiên, thờ cúng Ông Bà, thờ thần làng, thờ ông Chìa Vôi, ông Thiên, ông Địa. Tất cả những thần thánh ấy không phải là mê tín là dị đoan, mà còn là gốc gác, sắc thái của một văn hóa. Phải giữ lấy để được giữ mãi một linh hồn Đại Việt, một bản sắc Đại Việt, với truyền thuyết với huyền sử, 18 đời Vua Hùng, với Cha Rồng Mẹ Tiên Âu Cơ Trăm Trứng và tình nghĩa đồng bào (thế giới gọi người cùng quê là đồng hương, đồng tổ quốc, chỉ có người Việt Nam gọi nhau là “đồng bào” vì cùng một bọc 100 mà ra), hay Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương…
Bài viết hôm nay, người viết chúng tôi xin múa rìu qua mắt thợ, không dám qua mặt các anh chị em đã tốt nghiệp, du học, hoặc tỵ nạn sống ở nước Nhựt. Tôi chỉ tìm tòi moi móc những cái hay cái dở và chia sẻ cái nghịch lý của Nhựt Bổn một cách hàn lâm thôi! Với một thiên nhiên đầy khó khăn bạc đãi, người Nhựt đã biến đất nước họ thành thiên đường, biến công dân họ thành những công dân được cả thế giới ngưỡng mộ. Quý bạn nào nhận chúng tôi còn nhiều thiếu sót hay sai trái, xin tự nhiên bổ túc, sửa sai, và như vậy mong rằng sẽ có một diễn đàn tham luận đầy thú vị. Xin đa tạ và tiếp nhận mọi ý kiến.
Phấn Đấu Trong Những Nghịch Lý:
1/ Nghịch Lý Địa Dư:
Đất Nước và Con Người:
Nước Nhựt có 126.818.000 dân sống trên 377.944 cây số vuông, đứng hàng thứ 10 các quốc gia đông dân nhứt thế giới. Nhựt Bổn núi non nhiều hơn đồng bằng, nên 3/4 dân chúng chen chúc nhau sống trong những đô thị khổng lồ.
Các quần đảo Nhựt, từ thời khai thiên lập địa, đã được nhiều dân tộc chiếu cố đến cư ngụ. Từ thời thượng cổ đã có nhiều đợt di dân khác nhau, có khi đến từ các hải đảo miền Nam Thái Bình Dương, với những sắc dân gốc mã lai-mélanésien, có lúc đến từ lục địa Á Châu với các sắc dân gốc mông cổ – mongoloïde. Tất cả, nhiều đợt, nhiều thời kỳ, thay nhau đổ bộ đến chiếm đất và sanh sống trên các các quần đảo Nhựt, và dần dần xô đẩy dân gốc Nhựt nguyên thủy, Aïnos lên tận cùng phía Bắc đảo Hokkaïdo. Sự pha trộn các sắc dân khác nhau nầy đã nhanh chóng tạo thành một dân tộc hợp chủng có sắc thái đặc biệt Nhựt Bổn, và giữ vững sắc thái ấy suốt nhiều thế kỷ với một truyền thống chống tất cả những lai căng ngoại xâm cho đến năm 1945. (Hãy so sánh với sự hình thành của dân tộc Việt ta)
Dân số thống kê năm 1721 là 26 triệu dân Nhựt. Không thay đổi đến khoảng giữa thế kỷ thứ 19. Tuy chỉ số sanh sản cao, nhưng do một chánh sách cho phép phá thai, và tỷ lệ tử vong thiếu nhi rất cao – do tình trạng kém vệ sanh sản khoa và dưỡng nhi, nên con số cũng không thêm.
Trái lại, dưới thời đại Minh Trị, dân số tăng lên nhanh. Vua Minh Trị khuyến khích sanh đẻ. 32 triệu năm 1872, 50 triệu năm 1914. Ngài không khuyến khích phá thai. Và với một chánh sách y tế sản khoa và dưỡng nhi hoàn hảo hơn, chánh quyền Minh Trị cần một nước Nhựt đông dân, để phát triển. Thế nhưng, cái gì quá cũng có hại, chánh sách ấy chẳng chốc đem lại khó khăn, vì nhơn mãn, vì “đất chật người đông”. Một quan niệm “di dân, bành trướng Nhựt tộc” ra đời. Người Nhựt cần phải đi tìm đất mới. “Phải bành trướng” biến thành một chủ nghĩa. Chánh sách bành trướng để tìm đất mới, tìm đất sống, và đất canh tác, thành lập đồn điền, tạo thuộc địa bắt đầu ngay từ cuối thế kỷ thứ 19 đến 1945, lúc thất trận. Cả một lý thuyết, cả một chủ nghĩa, chánh trị “bành trướng” định hướng nền chánh trị nước Nhựt suốt thời kỳ ấy.
(Hãy so sánh với các chủ nghĩa, thương mãi, tìm hương liệu, hay thực dân, tìm đất mới, tìm chơn trời mới của các quốc gia hàng hải Tây âu, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hòa Lan, Pháp, Anh… Khác chi?)
Năm 1945, nước Nhựt bại trận. Hậu quả hai quả bom nguyên tử, đất nước Nhựt tan tành. Vừa phải xây dựng, vừa phải gánh vác nặng nề tiếp rước trên 6 triệu người “Nhựt kiều”, từ những thuộc địa bắt buộc hồi hương, gồm vừa các quân nhơn, vừa các dân Nhựt thuộc địa từ Mãn Châu, Cao Ly trở về, người dân Nhựt lúc ấy sống một thời kỳ cơ cực và nhục nhã vì đất nước bị ngoại quốc cai trị và chiếm đóng. Huê Kỳ, trong chánh sách quân quản, cũng buộc Nhựt Bổn thua trận, phải từ bỏ “chánh sách sanh sản” để bài trừ “tư tưởng bành trướng” của Nhựt.
Ngày 28 tháng 6 năm 1948, Quốc hội Nhựt ra Luật Sanh Sản Lựa Chọn, hợp pháp hóa chánh sách tiệt trùng (stéréliser) và phá thai lựa chọn (không cho sanh những thai nhi bệnh hoạn, hay dị hình, bẩm tật). Hai Tôn Giáo lớn Phật Giáo và Thần giáo Nhựt-Shintoisme, không là những cản trở trong chánh sách ấy (phá thai và lựa chọn thai nhi). Chánh sách tiệt trùng, dùng để xử các tội phạm nguy hiểm cho thể có hậu họa di căn giết người, đồng thời để bắt buộc các bệnh nhơn có di căn, có nguy cơ di truyền (tinh) những bệnh tật hiểm nghèo nguy hiểm cho xã hội, như bệnh máu loãng-hémophilie, bệnh bạch tạng-albinisme, hoặc những bệnh tâm lý, tâm thần điên loạn kiểu schizophrénie…
Nước Nhựt là quốc gia đầu tiên có chánh sách kiểm soát sanh sản để hạn chế con số dân chúng (Tàu sau nầy bắt chước). Nhưng đối với nông dân, chánh sách ấy không hiệu quả cho lắm. Dân số Nhựt vẫn tiếp tục tăng, và nhơn đôi từ 1948 đến ngày nay.
Tỷ lệ sanh sản tăng mạnh từ 1948 đến khoảng giữa năm 1950, 28%. Từ 1950, tỷ lệ sanh sản từ từ giảm nhẹ nhẹ đến 1990, và giảm nhanh đến ngày nay. Nhưng nhờ kỹ thuật y tế tân tiến, nhờ khoa học, số tử suất cũng giảm theo, dân chúng Nhựt, tuy sanh sản ít, nhưng sống thọ hơn. Tuổi thọ trung bình ở Nhựt ngày nay rất cao Nam 80, Nữ 86 tuổi, nên nhơn số Nhựt vẫn không giảm, chỉ có già hơn thôi.
Nạn Nhơn Mãn:
Từ năm 2010, (127,3 triệu), dân số Nhựt giảm dần. Theo thống kê, với mức giảm, năm 2050 nước Nhựt chỉ còn 100 triệu dân thôi, là một con số lý tưởng cho diện tích nước Nhựt. Thế nhưng cái nguy hiểm của hiện tượng dân số Nhựt là sự già nua của dân số. 26% dân số là những người trên 65 tuổi tức ở tuổi hưu trí. Và 3% Tổng dân số gồm người trên 85 tuổi, tuổi cần nhiều săn sóc. Do đó Nhựt ngày nay là quốc gia tiên tiến “già” nhứt thế giới! Do đâu vậy? (Đức cũng đang ở tình trạng như vậy!) Con số đầu tiên phải để ý là tỷ lệ xác suất thụ thai (xác suất số con sanh của một phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi) của phụ nữ Nhựt: 1,4 con, không đủ để giữ dân số. (Trong các quốc gia tiên tiến con số phải 2,1 – nghĩa là mỗi phụ nữ đến tuổi thụ thai phải sanh trên hai đứa trẻ). Do đâu? Phụ nữ Nhựt ngày nay không thích ở nhà “nội trợ” nữa. Đời sống hai vợ chồng đi làm không thích hợp với một gia đình đông con. Các hệ thống trợ dưỡng nhi không cung cấp đủ: nhà trẻ, mẫu giáo, tổ chức đưa rước con trẻ vân vân …vẫn chưa đầy đủ. Ngày nay, nước Nhựt đang lão hóa một cách nhanh chóng. Dân số thiếu niên dưới 15 tuổi chỉ 13% của tổng dân số Nhựt. Vì quá phát triển, mức sống tân tiến cao, mắc mỏ. Vì phải đấu tranh kiếm sống, nên thanh niên, thanh nữ Nhựt không có thì giờ nghĩ đến xây dựng lứa đôi, tỷ lệ đám cưới giảm hẳn. Tỷ lệ ái ân, tình dục cũng giảm hẳn. Thống kê một bản nghiên cứu xã hội cho biết, 50% thanh niên Nhựt không nghĩ đến tình dục, 37% dân số Nhựt từ 15 đến 34 tuổi chưa biết thế nào là “làm tình”. Với thanh nam từ 20 đến 24 tuổi, tỷ lệ ấy lên đến 41%.
Tử suất năm 2014 lại tăng vọt, từ 6,2% vọt lên 10%. Số người già quá nhiều. (Ở Pháp cũng vậy năm 2015, tuổi thọ trung bình của Pháp tụt xuống - hiện tượng lần đầu tiên từ 10 năm nay - tuổi thọ nữ Pháp từ 86,2, nay xuống 85,7 mất 5 tháng; tuổi lão nam 78,5 rồi còn 77,3, mất 10 tháng. Phe ta, thế hệ ta bắt đầu nên “ăn tiệc thượng thọ” 6 tháng một lần cho chắc ăn đi nhé!).
Xã hội lão hóa là một bài toán nan giải của các quốc gia tiên tiến ngày nay. Âu Tây cũng như Nhựt Bổn. Lão hóa tạo những khó khăn kinh tế: quỹ hưu trí, quỹ y tế và an sanh xã hội, đều do nguồn cung cấp của sức lao động của hai thế hệ thanh niên và trung niên, bộ máy kinh tế, từ công nghiệp, thương mãi dịch vụ, sẽ thiếu công nhơn, tay nghề. Đời sống đòi hỏi một sản xuất cao, đòi hỏi thời gian phục vụ dài, sức ép lao động, nhiều người về tuổi hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục làm việc vì trình trạng thiếu công nhơn, thiếu phục vụ, do đó kỹ nghệ “người máy rô bô” rất phát triển để bớt nhơn công phục vụ. Tỷ lệ tự tử cũng khá cao (đứng hàng thứ 8 thế giới) cũng do đó.
Một giải pháp: di dân, cho nhập cư các người ngoại quốc có tay nghề cao. Giải pháp được các quốc gia Âu Mỹ sử dụng. Nhưng người Nhựt rất bảo thủ, bảo tồn văn hóa Nhựt, phong tục, tập tục Nhựt, chống tất cả những ngoại xâm, kể cả văn hóa. Con số người di dân rất thấp, khoảng 2,1 triệu người, đa số người Nam Hàn và Tàu.
Đất Chật, Người Đông: Đại Đô Thị và Tập Hợp Đô Thị:
Một đặc biệt của Nhựt Bổn là các Đại Đô Thị và những Tập Hợp Đại Đô Thị. Tập Hợp Đại Đô Thị Nhựt Bổn là một hành lang dọc bờ Thái Bình Dương dài trên 1500 cây số và hẹp khoảng 100 cây số chiều ngang. Những Đô thị chánh là những đồng bằng có sẵn từ thuở bán khai đã tạo dựng nước Nhựt Bổn với những đô thị cũ như Tokyo hay Osaka (vùng Tokaido) sau đó vươn lên phía Bắc vùng thành phố Sendai và phía Nam vùng của thành phố Fukuoka. Trên 100 triệu dân chen chúc nhau sống ở đây (80% dân số Nhựt). Tập Hợp Đại Đô Thị thực sự là một chuỗi dài các Đại Đô Thị. Riêng chung quanh Vịnh Tokyo đã có 33 triệu cư dân họp thành một Tập Hợp Đại Đô Thị lớn nhứt thế giới (Tokyo, Chiba, Kawasaki, Yohohama) - chỉ riêng Tokyo là trong bốn đô thị lớn nhứt thế giới với New York, London và Paris, 17 triệu dân trong vùng tam giác Kansai (Osaka, Kobe, Kyoto) và cộng thêm thành phố Nagoya đã là 8 triệu dân rồi. Xe lửa tốc hành Shinkansen là gạch nối các đô thị liền nhau từ năm 1964 (chưa đầy 20 năm sau đám gạch vụn điêu tàn của các thành phố thất trận).
Năm 1950, Nhựt Bổn là quốc gia đứng hàng thứ 5, về đông dân nhứt thế giới. Năm 2015 xuống hàng thứ 10, và năm 2050 sẽ xuống hàng thứ 17. Lúc ấy Nhựt hy vọng đem dân số xuống còn độ 100 triệu dân và với cái đà ấy, số dân Nhựt sẽ còn khoảng 86 triệu dân năm 2060.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Sendai chứng mình rằng dân chúng Nhựt đang đi trên con đường “tự hủy diệt”. Dân số đang lão hóa, và tỷ lệ sanh sản càng ngày càng giảm. Để kêu gọi thức tỉnh quần chúng Nhựt, Giáo sư Hiroshi Yoshida trưởng ban chương trình nghiên cứu trên đang tạo một đồng hồ dân số để báo động và kêu gọi tình yêu nước cũng dân chúng Nhựt bổn.
Đây là một thách thức lớn, cho những năm tới của nước Nhựt, làm sao thoát khỏi tình trạng mất dân số!
2/ Nghịch lý Kinh tế:
Nghèo Tài Nguyên, Giàu Tài Lực
Có thể tóm tắt trong một câu. Sự giàu có phát triển của Nhựt Bổn là do cái nghèo nàn của đất nước Nhựt. Nhựt giàu có nhờ phẩm chất của Con Người Nhựt, nhưng nay lại khổ vì số lượng của người Nhựt.
Nhựt Bổn, một đất nước vì nghèo tài nguyên, nên bắt buộc phải giao thương, sáng tạo, lấy công làm lời, lấy tài lực thay tài nguyên.
Năm 1954, Nhựt Bổn được thế giới sắp vào hạng (theo tiêu chuẩn kinh tế thời ấy) là một quốc gia “kém mở mang”, lạc hậu, với sản lượng đầu người là 250 dollars một năm. Thế chiến thứ hai vừa chấm dứt.
Nạn nghèo thời ấy là nạn nghèo do thời thế. Cái nghèo do hoàn cảnh, chiến tranh vừa chấm dứt, vừa thua trận, bị hai quả bom nguyên tử, bị quân đội chiến thắng quân quản đất nước, hoàn toàn mất chủ quyền. Ngày nay, Nhựt Bổn vẫn nghèo, nhưng là một cái nghèo do bối cảnh. Mà nước Nhựt nghèo thật, không có tài nguyên thiên nhiên, không có đất đai mầu mỡ, không có dầu khí năng lượng, không có cả không gian đất đai cư ngụ sanh tồn. Thế mà nước Nhựt giàu có, có lúc đứng hàng thứ hai về mặt kinh tế trên thế giới.
Nghịch lý ấy, nhiều dân tộc nhiều quốc gia cũng đã trải qua! Phải! Dân tộc Anh, dân tộc Hòa Lan vào thế kỷ thứ 19. Khác với Pháp, với Tây Ban Nha, dân Anh và dân Hòa Lan không đủ đất để canh tác trồng trọt, nuôi sống hay hầm mỏ, kim cương đá quý, họ rất nghèo. Dân Anh và dân Hòa Lan phải mưu sanh để sanh tồn, bằng thương mãi, trao đổi, tạo tài chánh, làm trung gian ngân hàng, phiêu lưu, đi buôn xa, đi tìm đất mới, của lạ, vật lạ, bán buôn trao đổi. Nhờ vậy dân tộc Anh và dân tộc Hòa Lan là những thủy thủ giỏi, những tay đi biển hạng cừ, vua hàng hải, vua đi buôn, sáng chế và chẳng mấy chốc là những tiên phuông trong cách mạng kỹ nghệ. Vì không có tài nguyên, nên phải sáng tạo nhập cảng nguyên liệu để biến chế, do đó kỹ nghệ chế biến được tạo thành, phát triển.
Ở Nhựt Bổn, dưới thời kỳ Minh Trị cũng vậy, viên đại bác của thuyền trưởng Perry Mỹ đã thức tỉnh đám quan lại Nho giáo Nhựt và biến những samourai lạc hậu thành những chiến tướng của những ngành kỹ nghệ tiên tiến. Từ năm 1970, Nhựt Bổn tung tất cả tài năng, tài lực vào bản hòa tấu kinh tế kỹ nghệ thế giới. Chẳng chốc, năm 1985, Nhựt Bổn đứng hàng thứ hai thế giới về xuất cảng công thương nghệ. Nhựt cũng đầu tư vào khắp thị trường thế giới, đặc biệt ở thị trường Huê Kỳ, một thị trường sống động, giàu có. Nơi đấy Nhựt đã thành công với ngành xe hơi, ngành số một của Mỹ đến nỗi phải lãnh tai họa, bị một làn sóng phản kháng của dân Mỹ để bảo vệ thị trường ngành xe nhà. May quá, Hiệp ước TPP (Trans Pacific Partnership Agreement – Hiệp ước Đối tác các Quốc Gia Xuyên Thái Bình Dương – trong ấy có cả Việt Nam), vừa ký vào ngày thứ hai mồng 5 tháng 10 năm 2015 vừa qua tại Atlanta, từ nay, sẽ giảm mối lo cho Nhựt Bổn. Từ nay xe Nhựt nhập cảng vào Mỹ sẽ không bị “chiếu tướng” bằng một thuế nhập cảng nặng nề nữa. Và Tập đoàn hãng xe hơi Toyota, đã số một thế giới, lại lên hương.
Sự thành công đặc biệt của Nhựt Bổn ấy chứng mình cho chúng ta một sự thật căn bản: chẳng phải sự giàu có do tài nguyên, tài vật, hầm mỏ, dầu khí thiên nhiên, đá quý, mà đất nước giàu mạnh phú cường, mà do sáng kiến, tài năng Con người. Đất Nước giàu mạnh là do Con người. Tài nghệ Con Người hơn hẳn Tài Nguyên Thiên Nhiên
Vì vậy xin quý lãnh đạo Việt Nam, quý nhà viết sử, quý nhà kinh tế bỏ đi cái câu giáo đầu muôn thuở, là “đất nước ta rừng vàng, bạc biển, tài nguyên giàu có, thiên nhiên đãi ngộ” đi!
Và tài năng Con Người do đâu ra? Do ngành Giáo Dục! Giáo Dục, Huấn Nghiệp, Nghiên Cứu, Sáng Kiến. Nhựt Bổn cải tiến liên tục hệ thống huấn luyện, từ nghiên cứu, đến huấn luyện nghề nghiệp. Chính nhờ kỹ thuật cao mà các sản phẩm Nhựt Bổn được thị trường chọn lựa. Làm láo ăn gian, làm ẩu làm dối kiểu Việt Nam, kiểu Tàu khó vươn lên được. Vì vậy cái nghịch lý kinh tế chỉ là một cái nhìn thoáng qua thôi!
Sức Mạnh của Con Người:
Phải, Con Người nếu muốn, thì làm được tất cả. Phải có ý chí và quyết tâm. Đúng! Nhưng chưa đủ, phải có tổ chức và kỷ luật! Nghệ thuật thành công của Nhựt Bổn là dung hòa được hai khu vực kỹ nghệ, được tổ chức khác nhau. Khu đại công ty, nổi tiếng mà thế giới đều biết đến và ngưỡng mộ. Và các tiểu công nghệ, hoặc làm gia công hoặc là vệ tinh các đại công ty. Nhưng cái đặc biệt là hoàn toàn gần như không có công ty quốc doanh, nhà nước gì cả. Hệ thống quốc doanh rất nhỏ chỉ 3%. Toàn là tư nhơn, tư hữu cả. Khác hẳn với Việt Nam ngày nay, và cả với Pháp nữa!
Và Việt Nam?
Việt Nam muốn như Nhựt Bổn phải hoàn toàn giao cho giới tư nhơn điều hành quản trị các xí nghiệp. Tư nhơn hóa thực sự chứ không phải lột quân phục, Đảng phục, tư hữu hóa các xí nghiệp quốc Doanh Việt Nam, bằng thường dân hóa cán bộ đảng viên Đảng Cộng sản đâu! (Kiểu Nga, kiểu Tàu ngày nay)
Tư hữu hóa công thương nghiệp Việt Nam là mở cửa cho tư nhơn vào đầu tư, chia cổ phần cổ phiếu, và để tư nhơn quản trị.
Muốn vậy phải tổ chức giáo dục đào tạo những quản trị viên thực sự có nghề nghiệp, kinh nghiệm quản trị,… Sau 40 năm cướp nước, cầm quyền Cộng Sản đã xóa bỏ tánh tự tin, tánh tự chủ của người dân Việt Nam. Muốn làm thương mại phải có một văn hóa thương mại, trung tín thật thà, tự tin vào sức mạnh của mình. Đằng nầy, với văn hóa và não trạng Cộng Sản là một văn hóa nói láo, nói gạt, không nói sự thật, dấu diếm, sợ sự thật, không trung, không tín… thì làm sao làm ăn, trao đổi thương mại với ai được?
Vì vậy phải thay đổi não trạng, thay đổi văn hóa, vứt bỏ con đường Xã hội Chủ nghĩa. Thay thế chế độ do Đảng Cộng sản đề xướng, bằng một chế độ Tự do, do người dân thật tình, thực sự làm chủ. Khoa học, tổ chức, nghề nghiệp, kỷ luật, trật tự, đạo đức, giữ chữ Tín với khách, trọng chữ Trung với dân… đó là những điều kiện để có một Việt Nam tương lai phú cường và hạnh phúc.
Hồi Nhơn Sơn, những ngày cuối năm Dê.
Phan Văn Song