Phạm Ɖình Lân


Những đức tính ‘ưu việt’ của Bác Hồ?

 

Các tài liệu Cộng Sản được các nhà nghiên cứu Tây Phương như Úc, Anh và Hoa Kỳ dùng đã gán cho Bác Hồ những đức tính hiếm cóTrong bài viết ngắn nầy chúng ta cố gắng tìm kiếm sự thật lịch sử bằng cách phân tích và chứng minh những đức tính ghi trên của Bác Hồ qua các sự kiện lịch sử…

Cả nước Việt Nam và toàn thế giới không ai không biết Bác Hồ tức Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Các tài liệu Cộng Sản được các nhà nghiên cứu Tây Phương như Úc, Anh và Hoa Kỳ dùng đã gán cho Bác Hồ những đức tính hiếm có. Từ đó người Việt Nam lẫn người ngoại quốc bàng quan, tả khuynh hay phản chiến trong thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam lần thứ hai thuộc lòng những câu như:

Các nhà báo hay học giả được chánh quyền Hà Nội cho vào Hà Nội trong thời kỳ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ‘bế quan tỏa cảng’, hạ ‘bức màn tre’ lấy làm danh dự được đọc tài liệu Cộng Sản ‘gốc’ để về nước viết sách dựa vào lập luận của Hà Nội để phổ biến trong nước họ và được đón nhận như một khám phá mới lạ. Các học giả Hoa Kỳ không ngần ngại xem Bác Hồ là George Washington của Việt Nam, nghĩa là Cha Già Dân Tộc như các sử gia Cộng Sản đã gọi. Người Việt vốn dĩ nể trọng các ký giả, nhà báo, học giả Tây Phương nên khi đọc sách của các vị ấy, họ rất thán phục với ý nghĩ không lay chuyển rằng đó là khuôn vàng, thước ngọc. Chẳng lẽ những người trán cao, kiếng dày ở những trường đại học vang danh như Harvard, Oxford, Cambridge, Sorbonne mà viết lệch lạc sao? Chánh quyền Hà Nội thành công lớn với câu hỏi đơn giản nầy vì họ chủ động tạo ra tài liệu và vừa ban ‘ân huệ’ vừa lấy lòng những học giả ngoại quốc hiếu kỳ muốn tạo thành tích lớn trong biển học bao la. Chuyện thổi phồng đức tính, tài năng và trí tuệ của các lãnh tụ là việc làm thông thường ở các quốc gia độc tài dù là độc tài Cộng Sản hay độc tài quân phiệt. Trong bài viết ngắn nầy chúng ta cố gắng tìm kiếm sự thật lịch sử bằng cách phân tích và chứng minh những đức tính ghi trên của Bác Hồ qua các sự kiện lịch sử.

 

Bác Hồ là người giản dị?

Năm 1910 Bác là một thanh niên, cha mất chức tri huyện nên bỏ học đi xuống phía Nam và tìm được một công việc trên tàu để vượt đại dương sang Pháp. Bác có một cuộc sống giản dị thì không có gì khó hiểu cả. Trong quá trình hoạt động bí mật cho Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern) ở Trung Hoa rồi về hang Pắc Bó, chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ phải giả làm ăn mày, thợ hớt tóc. Cuộc sống trong chiến khu trong đệ nhị thế chiến và trong chiến tranh Việt-Pháp bắt buộc Bác Hồ không thể không giản dị được.

Bức ảnh chụp vào thập niên 1920 cho thấy Bác Hồ không giản dị lắm. Bác mặc côm-lê, mang cà-vạt. Có ảnh chụp Bác  đội nón nỉ (feutre)  thời trang của thời bấy giờ. Ảnh chụp này cho thấy bác cũng ưa chuộng thời trang và tự Pháp hóa khi chọn cho mình tên Paul Tất Thành!

Võ Nguyên Giáp trong chiến khu với Hồ Chí Minh Các ảnh chụp hình bác mặc quần short, mang dép đứng bên cạnh Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng mặc côm-lê trắng, mang cà-vạt đen, và giầy da là những ảnh chụp có tính tuyên truyền sự giản dị hơn là sự giản dị chân thật của Bác. Các ảnh đó đề cao sự giản dị  và ‘vì nước’ của Bác và gợi lên sự diêm dúa của Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng khi ăn mặc côm-lê, cà-vạt mang giầy da trong chiến khu trong thời kỳ chinh chiến. Nếu không có lịnh và sự cho phép của Bác làm sao Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng dám ăn mặc như vậy giữa lúc cấp chỉ huy của mình ốm nhom trong chiếc áo tay ngắn và cái quần short cũ kỹ, chân mang đôi dép mòn đế?

Những bức ảnh chụp của Bác sau năm 1954 cho thấy Bác độc quyền mang dép trong khi các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... mang giầy da tử tế. Như vậy Bác độc quyền giản dị và xem như sự giản dị như một phương tiện tuyên truyền suy tôn cá nhân Bác hơn sự giản dị bẩm sinh tự nhiên.

Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong II luôn mặc áo bỏ ngoài trong các đại lễ cũng như lúc tiếp khách. Đó là sự giản dị hay sự chà đạp nghi thức ngoại giao tối thiểu của một lãnh đạo quốc gia? Ông giản dị như vậy mà mỗi lần đi đâu đều phải có nhiều toa xe lửa chở đầy ắp sơn hào, hải vị, rượu hiếm quý và phụ nữ đẹp!

Năm1945 cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội với tư cách công dân Vĩnh Thụy, Cố Vấn của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Ông ngạc nhiên về tửu lượng của Bác Hồ trong các buổi tiệc tổ chức hàng ngày khoản đãi các tướng lãnh Trung Hoa Quốc Dân Đảng như Lưu Hán, Tiêu Văn giữa lúc nạn đói còn nhan nhản ở Bắc Bộ. Nếu nhìn hình ảnh Bác Hồ ốm yếu ở tuổi 54, 55 và hình của Bác chụp vào năm 1960 tức ở tuổi 70 ta thấy bác mập mạp, hồng hào và trẻ hơn nhiều. Nếu bác dùng thức ăn giản dị như người Việt Nam thường dùng e rằng khó đạt được kết quả tốt đẹp như vậy. Không biết bác có giản dị hay không khi hút thuốc lá Hoa Kỳ Philip Morris liền miệng giữa lúc cao trào ‘chống Mỹ cứu nước’ lên cao và nhiều người không có thuốc rê để hút?

 

Bác Hồ là người khiêm tốn?

Bác Hồ khiêm tốn trước Lenin mà Bác gọi là cha, thầy, cố vấn vĩ đại, trước Stalin mà Bác nể sợ và trước Mao Zedong, người xem thường Bác khi đến chiến khu Yenan (Diên An) từ Liên Sô 1938.

Bác được 55 tuổi vào năm 1945 nhưng Bác xưng là CỤ HỒ với toàn dân Việt Nam. Bác g̣ọi người anh hùng Trần Quốc Tuấn đánh bại quân Nguyên hai lần, bằng BÁC và tự hào trước anh hồn của người anh hùng dân tộc rằng:

Tôi dắt năm châu đến đại đồng.

Một người khiêm tốn sao lại để cho cấp dưới làm thơ, đắp tượng, làm nhạc để ca tụng mình để được hưởng nhiều ân huệ? Diệp Minh Châu lấy máu mình vẽ ảnh Bác. Các văn thi sĩ, nhạc sĩ tranh nhau sáng tác thơ, văn, nhạc ca ngợi Bác Hồ. Nào là Mười Chín Tháng Năm Ngày Sinh Bác Hồ, Về Thăm Quê Bác, Lãnh Tụ Ca, Từ Thành Phố Nầy Người Đã Ra Đi, Về Hang Pắc Bó, Ca Ngợi Hồ Chủ Tịch, Tình Bác Sáng Ngời, 
Hồ Chí Minh Đẹp Nhất Tên Người, Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng v.v... Nào là hoa sen được chọn làm quốc hoa vì làng sinh quán của Bác là làng Sen tức làng Kim Liênhuyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ca dao thời đại có câu:

Tháp Mười đẹp nhất hoa sen
Việt Nam đẹp nhất là tên Bác Hồ.

Hình tượng Bác Hồ được tìm thấy khắp nơi: ở công sở, trường học, địa điểm công cộng, trong sách giáo khoa, trên tiền giấy v.v... Điều đáng lưu ý là Bác Hồ là lãnh tụ đảng Cộng Sản, đảng của người vô sản, đảng cho rằng xã hội Cộng Sản không còn giai cấp nghĩa là kịch liệt chống chế độ phong kiến và tư tưởng phong kiến. Thế nhưng:

Nhà thơ Tố Hữu Nguyễn Kim Thành, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Phạm Tuyên, họa sĩ Diệp Minh Châu được chút danh vọng nhờ dùng lời thơ, tiếng nhạc và bức ảnh Bác Hồ đẫm máu của mình. Nguyễn Văn Trỗi trở nên bất tử trong quyển Sống Như Anh nhờ hô: Hồ Chí Minh Muôn Năm  trước khi bị xử bắn ở Chí Hòa năm 1964!

 

Bác Hồ độc thân vì quá lo nghĩ đến việc nước?

Người viết cảm thấy bối rối trước ý niệm nầy. Có phải chăng trên thế giới nầy những người làm cách mạng, những người yêu nước phải độc thân mới thực sự yêu nước, yêu cách mạng? Nếu nói vậy ông Lenin, Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) và ông Mao Zedong (Mao Trạch Đông)... không làm cách mạng và không yêu nước Nga và nước Trung Hoa sao? Vì các ông ấy đều có vợ hay có trên một vợ?

Người ta sống độc thân vì:

Bác Hồ không nằm trong các trường hợp trên. Từ năm 1910 đến 1920 cuộc sống của Bác có phần vất vả nhưng Bác làm lao động và có tiền nên cách ăn diện cũng được tươm tất dễ nhìn. Thời gian sống ở Sài Gòn Bác có quen với thiếu nữ miền Nam tên là Lê Thị Huệ. Khi sống ở Pháp Bác quen với Marie Bière. Lúc phục vụ cho Borodin ở Guangzhou (Quảng Châu), Bác cưới một đảng viên Cộng Sản Trung Quốc và là y tá Zheng Xue Ming (Tăng Tuyết Minh) (1926). Ở Liên Sô Bác quen với Vera Vasilieva. Trong thời gian lập đảng Cộng Sản ở Hong Kong Bác có quan hệ mật thiết với Nguyễn Thị Minh Khai, sau nầy là vợ của Lê Hồng Phong. Năm 1943 Bác được tự do và được Chang Fa-Kwei (Trương Phát Khuê) dùng để lấy tin tức Nhật ở Đông Dương. Bác phải tuyên thệ gia nhập vào Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần dưới tên Hồ Chí Minh. Về hang Pắc Bó với Bác lúc bấy giờ có một nữ thành viên của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội là Đỗ Thị Lạc. Theo ông Trần Trọng Kim Bác chung sống với Ɖỗ Thị Lạc và có một người con gái. Những tài liệu gần đây do Bùi Tín, Vũ Thư Hiên và Dương Thu Hương tiết lộ Bác chung sống với hai thiếu nữ người Tày, Nông Thị Ngác, Nông Thị Xuân và có một người con trai. Người thiếu nữ nầy và em gái bị thủ tiêu vì chánh quyền Hà Nội muốn cho dư luận trong nước và thế giới biết Bác Hồ độc thân vì suy nghĩ quá nhiều về việc nước. Khi Nông Đức Mạnh lên làm tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam, có ký giả hỏi ông về dư luận cho rằng ông là con của Bác Hồ. Ông Mạnh chỉ trả lời vu vơ rằng tất cả người Việt Nam đều là con cháu của Bác Hồ.

Có thể còn nhiều thiếu nữ khác có liên hệ đến Bác mà chúng ta chưa được biết. Những chi tiết ghi trên cho thấy Bác vẫn có cuộc đời tình ái như mọi người nhưng sao lại không có người nào là vợ chánh thức? Và tại sao lại lánh né trách nhiệm đối với vợ và con? Để chứng tỏ Bác là một người Cộng Sản duy vật thuần thành không vướng bận chuyện tình cảm gia đình để hết lòng phụng sự cho Đệ Tam Quốc Tế? Sự độc thân là một sự hy sinh và tăng công của Bác Hồ đối với dân tộc Việt Nam và Đệ Tam Quốc Tế tức Liên Sô. Ba điều chánh yếu mà đảng viên Cộng Sản phải từ bỏ là: Gia Đình, Tổ Quốc và Tôn Giáo để trung thành với: Chủ Nghĩa Marx-Lenin, Lãnh Tụ Đảng và Đảng Cộng Sản, nghĩa là trung thành với Lenin, Stalin, Liên Sô và Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản do Lenin thành lập năm 1919.

 

Bác Hồ là người khoan dung độ lượng?

Điều nầy hoàn toàn vắng bóng nơi Bác Hồ. Thi hành theo lịnh của Stalin, Bác ra lịnh giết tất cả những người Cộng Sản được liệt vào khuynh hướng Cộng Sản Đệ Tứ (Trotskyites) như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Đỗ Bá Thê, Huỳnh Văn Phương bằng những phương tiện ghê rợn. Những người yêu nước nhưng thuộc các khuynh hướng chánh trị phi Cộng Sản như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Tân, Việt Nam Phục Quốc Hội (Cao Đài), Dân Xã Đảng (Hòa Hảo), Mặt Trận Bình Dân, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, Nhóm Thiết Thực v.v... đều bị giết chết hay thủ tiêu vào năm 1945, 1946. Một người lính Bảo Đại còn sót lại ở miền Bắc sau năm 1954 bị lao động tập trung tối thiểu 7 năm! Thân sinh bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một người hết lòng theo Bác Hồ như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, bị tố địa chủ bóc lột và bị đánh đập đến chết lúc trên 70 tuổi. Bùi Quang Chiêu, người kỹ sư Canh Nông đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp năm 1897, bị tàn sát cả gia đình năm 1945. Vì lý do gì? Giàu có và có thế lực ở Nam Kỳ? Có học vị cao? Hay vì tỏ lòng thương hại Bác Hồ mà ông gặp trên tàu Latouche Tréville năm 1911? Lúc ấy Bác Hồ mang tên Nguyễn Văn Ba. Mãi đợi đến 34 năm sau thanh niên Nguyễn Văn Ba mới có cơ hội trả thù người trí thức giàu có và có Pháp tịch nầy. Đó có phải là lòng khoan dung của Bác Hồ không?

Một người bị cha (Nguyễn Sinh Sắc) rầy vì hỗn láo với ân nhân và bạn đồng liêu của cha mình, nhà cách mạng duy tân Phan Châu Trinh, đã đoạn tuyệt với cha, chối bỏ quan hệ gia đình với những thân nhân còn lại là người có lòng khoan dung độ lượng? Dương Bạch Mai, một đảng viên Cộng Sản Pháp được huấn luyện ở Liên Sô như Bác Hồ, đã chết sau khi uống một ly nước chỉ vì có ý kiến trái ngược với ý của Bác Hồ. Ông Mai chết vì sự khoan dung độ lượng của Bác Hồ chăng?
Nếu so sánh Quang Trung Nguyễn Huệ và Bác Hồ ta thấy Bác Hồ có một số điểm trội như: sống ở Pháp, Anh, Nga và một số nước ngoài kể cả Trung Hoa; biết nói tiếng Pháp, Anh, Nga, Hoa...; được Liên Sô huấn luyện chánh trị, tình báo hai lần. Nhưng Quang Trung Nguyễn Huệ tỏ ra độ lượng và thực sự chiêu hiền đãi sĩ. Quang Trung Nguyễn Huệ không đào mồ, cuốc mả đối phương của mình khi thắng trận. Năm 1786 quân Tây Sơn đánh bại quân chúa Trịnh ở Bắc Hà. Chúa Trịnh Khải bị bắt và cắn lưỡi chết. Nguyễn Huệ cởi chiến bào của mình đắp lên xác chết của Trịnh Khải và ra lịnh cử hành đám tang của vị chúa thất trận nầy theo đúng nghi thức của một vị chúa.

Ngô Thời Nhiệm và Phan Huy Ích theo Nguyễn Huệ về Nam. Em của Phan Huy Ích là Phan Huy Ôn theo phe trung hưng chúa Trịnh khi quân Tây Sơn rút về Nam. Phan Huy Ôn bị bắt và sắp bị hành quyết. Phan Huy Ích xin Nguyễn Huệ tha chết cho em ông. Nguyễn Huệ chấp thuận. Nguyễn Huệ có phong thái của một quân vương khoan dung độ lượng khác với chủ trương GIẾT LẦM HƠN BỎ LỠ của Bác Hồ.

Trần Văn Kỷ, La Sơn Phu Tử, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích là những nhà nho tự nguyện hợp tác với Quang Trung Nguyễn Huệ vì nhận ra rằng vị lãnh đạo nầy thực lòng vì tương lai của đất nước chớ không dùng biện pháp võ biền để dọa nạt hay dùng lợi lộc để hấp dẫn người hiền. Các nhà nho nầy vẫn một lòng trung thành với Quang Trung Nguyễn Huệ sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ chín năm sau ngày Quang Trung mất mặc cho những nguy hiểm đến tánh mạng do kẻ chiến thắng gây ra cho họ.

Bên cạnh Bác Hồ có vô số trí thức Tây học, nổi bật nhất là các ông Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Quang Chánh (Trần Đại Nghĩa), Nguyễn Mạnh Hà (sống ở Pháp chớ không vào chiến khu kháng Pháp )... Những vị nầy có cảm nghĩ gì đối với Bác Hồ? Cảm nghĩ của họ có giống cảm nghĩ của Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhiệm, Trần Quang Diệu, Phan Huy Ích, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đối với Quang Trung Nguyễn Huệ  không? Các ông Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Quang Chánh... là những nhà trí thức Tây học có lòng yêu nước. Đó là điều đáng nể phục. Nhưng các vị ấy chưa mường tượng được rằng đối với chánh quyền Cộng Sản, yêu nước trở thành một trọng tội. Chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa quốc tế, há không cực lực lên án chủ nghĩa quốc gia (nationalism) và chủ nghĩa sô-vinh (chauvinism - ái quốc cực đoan)? Chẳng lẽ Liên Sô đào luyện Bác thành cán bộ Đệ Tam Cộng Sản Quốc Tế và trả lương cho Bác để Bác hoạt động cho Việt Nam? Điều rõ ràng là Bác không hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam từ 1925-1941 và không hề bị ở tù ở Việt Nam một ngày.
Năm 1927 Bác chạy từ Trung Hoa về Liên Sô. Năm 1933 Bác từ bịnh viện nhà tù Hong Kong trốn sang Ma Cao rồi lên Shanghai (Thượng Hải). Tại đây Bác ngồi tàu đi Vladivostok rồi dùng xe lửa xuyên Tây Bá Lợi Á về Moscow.

Các nước Cộng Sản lớn như Liên Sô, Trung Quốc có quyền yêu nước họ, có quyền sáp nhập các nước láng giềng vào nước họ nhưng các nước Cộng Sản nhỏ, chư hầu phải từ bỏ lòng yêu nước của mình để bảo vệ và khuất phục Liên Sô và Trung Quốc. Trong đệ nhị thế chiến các đảng Cộng Sản trên thế giới kể cả đảng Cộng Sản Pháp đều gào thét Bảo Vệ Liên Sô, thành trì Xã Hội Chủ Nghĩa thế giới, và gọi cuộc chiến tranh chống Đức của Liên Sô là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại! Năm 1935 hiệp ước hỗ tương Pháp-Liên Sô ký kết, đảng viên Cộng Sản Pháp được ca quốc ca La Marseillaise của họ. Đảng Cộng Sản Pháp được Stalin cho phép giám sát đảng Cộng Sản Đông Dương. Cộng Sản Pháp được giữ bản sắc Pháp của họ nhưng Cộng Sản Việt Nam phải kiên trì giữ bản sắc quốc tế mà Bác học được từ Liên Sô !!

 

Bác Hồ yêu nhi đồng và binh đẳng nam-nữ?

Xã hội Khổng Giáo là xã hội trọng tuổi tác và nam giới. Phụ nữ và nhi đồng không có vai trò lớn trong đời sống chánh trị phong kiến Khổng Giáo. Chế độ đa thê, câu nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, kính lão đắc thọ, sự vắng bóng phụ nữ trong các kỳ thi tam trường, trong quan trường, quyền kế vị vương quyền chỉ dành cho nam giới,... cho thấy vai trò của phụ nữ và nhi đồng trong xã hội Việt Nam như thế nào.

Bác Hồ có sống ở Âu-Mỹ, học hỏi ít nhiều về vai trò của phụ nữ và nhi đồng trong sinh hoạt chánh trị dân chủ lẫn độc tài. Trong các cuộc biểu tình ở Âu Châu phụ nữ và trẻ em dẫn đầu để quân lính không nỡ lòng nổ súng. Vì vậy có Nữ Thần Tự Do!

Về phương tiện tâm lý cha mẹ nào chẳng yêu con. Con thích cái gì thì cha mẹ thường chiều theo. Con ưa người nào thì cha mẹ cũng ưa người đó. Ít ra 75% người đàn ông chìu theo ý vợ mình. 25% còn lại rồi cuối cùng cũng đi theo con đường của 75%  vừa nói. Trong xứ dân chủ các ứng cử viên được phụ nữ, thanh thiếu niên, nhi đồng ưa chuộng và ủng hộ đều đắc cử vẻ vang. Trong xứ độc tài thanh thiếu niên, nhi đồng là công cụ phục vụ đắc lực cho chế độ như những đội SA, SS, của Đức Quốc Xã hay Thanh Niên Cộng Sản Đoàn (Komsomol) ở các nước Cộng Sản. Chế độ độc tài dùng sự tập họp có phụ nữ tham dự để thu hút người khác phái hầu biến họ thành người trung kiên của chế độ hay thực thi mỹ nhân kế trong công tác gián điệp. Độc hại hơn, chế độ độc tài Cộng Sản dùng vợ, con cái trong các gia đình để theo dõi và tố giác chồng, cha họ nếu có tư tưởng hay hành động chống lại chế độ. Đó là điều Bác Hồ được học hai lần ở Liên Sô. Ở các nước dân chủ Tây Phương cũng có cảnh vợ con tố chồng và cha phạm tội hình hay hộ chớ không phải tội chánh trị vì ở xứ dân chủ người dân được quyền nói lên ý kiến của mình dù rằng ý kiến đó trái ngược với đường lối của chánh phủ. Họ chỉ phạm tội khi bạo động mà thôi. Những bà vợ và con tố chồng và cha ở các nước dân chủ không được chánh phủ cấp ban khen như ở các nước Cộng Sản.

Bác Hồ không yêu nhi đồng hay không đấu tranh cho sự bình quyền nam-nữ mà dùng nhi đồng và phụ nữ như một phương tiện hữu hiệu để phục vụ cho cứu cánh chánh trị: dùng trẻ em làm liên lạc viên, liệng lựu đạn ở các nơi công cộng (chợ búa, rạp hát, bến xe, nhà hàng, trường học v.v...), ám sát những đối thủ chánh trị của Cộng Sản v.v... Bác yêu nhi đồng hay dùng nhi đồng phục vụ chánh trị như Kim Đồng, ‘cây đuốc sống’ Lê Văn Tám tẩm xăng để làm nổ kho đạn trên đường Richaud (sau nầy là đường Phan Đình Phùng rồi Nguyễn Đình Chiểu) ở Đa Kao? Bây giờ sợ dư luận quốc tế biết và lên án nên phải vội vã cho rằng chuyện ‘cây đuốc sống’ Lê Văn Tám là hư cấu. Chuyện anh hùng Hồ Văn Mên cũng là chuyện tưởng tượng? Bác có một con gái với Đỗ Thị Lạc và một con trai với Nông Thị Ngát mà không nhìn, có vợ mà không nhận thì làm cách nào Bác yêu nhi đồng và tôn trọng phụ nữ được? Xã Hội Cộng Sản do Bác dầy công lập ra có đa thê không? Nói không là ngụy biện. Nếu có thì nữ quyền vẫn chưa được tôn trọng. Còn việc phụ nữ có quyền đi học và làm việc trong các cơ quan nhà nước đã có từ thời Pháp thuộc. Trường Áo Tím tức trường Gia Long được xây ở Sài Gòn năm 1911, năm Bác Hồ tìm một công việc lao động trên tàu Latouche Tréville và được sang Pháp bằng đường biển.

 

Bác Hồ đoàn kết dân tộc? 

Bác Hồ không ngừng kêu gọi đoàn kết và điều khiển ban nhạc trình diễn bài Kết Đoàn. Điều nầy cho thấy không có đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Bác.

Khi yếu người Cộng Sản kêu gọi:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Khi đắc thắng thì:

Bí với bầu ai mạnh thì hơn.

Như lời ca của một bài hát của nhi đồng Cộng Sản thời đại.

Khẩu hiệu:

Trí, phú, địa hào
Đào tận gốc, trốc tận rễ

của đảng Cộng Sản Đông Dương đã được cụ thể hóa bằng cảnh máu đổ thịt rơi của Trí, Phú, Địa, Hào trong những năm 1930, 1931, 1932, 1940, 1945, 1953, 1954, 1955, 1956 trong Phong Trào Nghệ Tĩnh Sô Viết, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Mùa Thu, Cải Cách Ruộng Đất. Sự kỳ thị giai cấp, kỳ thị địa phương, triệt phá tôn giáo dưới chế độ Cộng Sản, hai cuộc chiến tranh Việt Nam sau đệ nhị thế chiến phá nát đoàn kết dân tộc. Giữa người Cộng Sản Stalinist (Đệ Tam Quốc Tế) và Cộng Sản Trotskyite (Đệ Tứ Quốc Tế) đã có những cuộc thanh toán đẫm máu một mất một còn. Giữa người Cộng Sản thân Liên Sô và người Cộng Sản Maoist đã ngấm ngầm thanh toán lẫn nhau thi làm sao có sự đoàn kết rộng rãi trong cộng đồng dân tộc một khi Cộng Sản:

Bảo Đại, vị vua kém cỏi của nhà Nguyễn nhưng lại tạo được sự đoàn kết dân tộc hơn bác Hồ gấp trăm lần. Ông không đụng chạm đến các tôn giáo trong nước, không chủ trương đổ máu, không triệt hạ một giai cấp nào trong nước, không lừa dối ai, không chủ trương đổ máu vô tội vạ, không quị lụy một nhân vật ngoại quốc nào, không nguyền rủa, nói xấu người truất phế ông v.v... Ông chua xót khi thấy nước phân ly trong khi Bác Hồ phấn khởi nhận sự chia cắt đất nước rồi sung sướng tạo thêm một cuộc chiến tranh khác dưới chiêu bài thống nhất đất nước. Ai chết và ai giết ai  trong cuộc chiến?
Làm thế nào Bác Hồ tạo được đoàn kết dân tộc khi quá nặng căm thù giai cấp, phân biệt bạn thù, thẳng tay đàn áp những ai không chịu làm nô dịch cho Liên Sô và Trung Quốc, thiết lập quá nhiều nhà tù, trại tập trung cải tạo v.v... Một triệu người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 và trên  3 triệu người Việt Nam rời bỏ quê hương đi tìm tự do và lẽ sống bất chấp mọi hiểm nguy trên biển cả và trong rừng già Cambodia sau năm 1975, gần nửa triệu ‘ngụy quân’ và ‘ngụy quyền’ bị giam hãm trong các trại cải tạo. Nhiều người mất tất cả: nhà cửa, vợ con và cả mạng sống của họ nữa. Con cái hoàn toàn không có tương lai. Đó là những nhân tố tạo đoàn kết dân tộc sao?

 

Bác Hồ là cha già dân tộc, đỉnh cao trí tuệ?

Trong lịch sử Việt Nam có nhiều anh hùng dân tộc, những người giải phóng xứ sở khỏi ách nô lệ của ngoại bang và sáng lập vương triều nhưng không vị nào tự nhận mình là Cha Già Dân Tộc. Không vị nào có mồ mả giữa kinh đô và có tên như Bác Hồ. Ngay cả các vua chúa Trung Hoa, những người kiêu căng nhất thế giới, cũng không được như Bác Hồ ở Việt Nam. Bác lãnh đạo cuộc chiến chống Pháp, đất nước phân ly, nhiều người ta thán vì nghèo đói, chết chóc, thiếu tự do. Chinh chiến liên tục làm hàng chục triệu người chết, bị thương, ly xứ quán. Nhưng Bác được tôn là Cha Già Dân Tộc. Bắt chước Stalin, thuộc hạ của Bác gọi bác là ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ.

Nhìn cuộc đời của Bác chúng ta thấy Bác không có sự sáng tạo hay nét đặc trưng nào. Bí danh Nguyễn Ái Quấc của Bác trước kia là bút hiệu tập thể của nhóm Ngũ Long (Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn An Ninh): Nguyễn, Le Patriote. Nếu Bác là người viết sách chánh trị bằng tiếng Pháp như Le Procès de la Colonisation Française, Le Dragon de Bambou, tại sao trong Đại Hội thành lập đảng Cộng Sản Pháp ở Tour cuối năm 1920 Bác không hiểu gì khi các đại biểu bàn cãi nhau về Đệ Nhị và Đệ Tam Quốc Tế khiến Bác phải hỏi: “Quốc Tế nào giúp cho các dân tộc thuộc địa?”.

Khẩu hiệu Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc được lấy từ tôn chỉ của Tam Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I) của Quốc Dân Đảng Trung Hoa (Kuo Min Tang):

         Dân Tộc: Độc Lập
         Dân Quyền: Tự Do
         Dân Sinh: Hạnh Phúc

Bí danh Hồ Chí Minh vay mượn từ bí danh của Hồ Học Lãm (1884-1942), một đại tá Quốc Dân Đảng Trung Hoa gốc người Việt Nam. Ông là chú của Hồ Tùng Mậu. Hồ Học Lãm rất có uy tín đối với chánh phủ Nanjing (Nam Kinh). Vợ ông là người Hoa. Chính ông Hồ Học Lãm thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội  ở Nanjing năm 1936. Năm 1941 Hồ Chí Minh dùng danh xưng nầy cho Mặt Trận của ông. Đó là Mặt Trận Việt Minh.

Là người không có óc sáng tạo nên Bác Hồ rất giáo điều khi trở thành Cộng Sản do Liên Sô đào tạo.

Mao Zedong là người mạnh dạn biến chủ nghĩa Marx- Lenin tập trung vào giới công nhân kỹ nghệ thành chủ nghĩa Mao tập trung vào giới nông dân cho phù hợp với hoàn cảnh của xứ ông nơi 90% dân số là nông dân. Ông tỏ ra ương ngạnh đối với Stalin. Mao đã Hán hóa  chủ nghĩa Marx-Lenin như tổ tiên ông đã Hán hóa Phật Giáo.

Joseph Broz Tito là người gia nhập đảng Cộng Sản Nga, có vợ Nga, từng làm mật vụ cho Nga và được Stalin chỉ định làm lãnh đạo đảng Cộng Sản Nam Tư sau khi Milan Gorkic  (1904-1937) bị hành quyết theo lịnh của Stalin. Tito là con của một người thợ rèn, trình độ học vấn không quá lớp ba. Ông được Stalin tín nhiệm, có lý lịch Cộng Sản Nga, có vợ Nga, nói được tiếng Nga. Nhưng đến năm 1948 ông không tuân lịnh Stalin và tự vạch cho xứ Nam Tư của ông một chế độ Cộng Sản riêng biệt độc lập với Moscow.

Kim II Sung (1912-1992) (Kim Nhật Thành) là lãnh tụ Cộng Sản Bắc Hàn chịu ảnh hưởng sâu đậm của Stalin lẫn Mao Zedong. Đảng kỳ Cộng Sản Bắc Hàn có phần khác với đảng kỳ Liên Sô, Trung Hoa và các nước Cộng Sản khác.  Nó gồm có hình búa, liềm và cây bút. Đó là một sáng tạo đầy can đảm khác biệt với Mao, người xem trí thức không bằng cục phân, và Hồ Chí Minh, Trần Phú chủ trương giết sạch trí, phú, địa, hào như Stalin làm ở Liên Sô. Nhờ cây bút mà Bắc Hàn có một đội ngũ khoa học kỹ thuật có khả năng đóng tàu lặn, làm hỏa tiễn và sản xuất cả bom nguyên tử dù phần đất nầy thường xuyên bị nạn đói.

Bismarck (1815-1898) tham chánh ở Phổ (Prussia) năm 1862 thời vua Wilhelm I. Dưới sự lãnh đạo của ông, Phổ đánh bại Đan Mạch năm 1864 về vấn đề Schleswig-Holstein. Năm 1868 Phổ đánh bại đế quốc Áo trong cuộc chiến 7 tuần. Chiến thắng nầy giúp cho Bismarck thống nhất nước Đức độc lập khỏi đế quốc Áo (1870). Ông trở thành tể tướng (Chancelor) của nước Đức thống nhất (1871) kiêm tể tướng nước Phổ. Năm 1870 Phổ đánh bại Pháp. Hoàng đế Napoléon III bị bắt làm tù binh. Hai hạt Alsace, Lorraine bị sáp nhập vào nước Đức.
Dưới sự lãnh đạo của Bismarck Phổ đánh bại ba quốc gia Âu Châu: Đan Mạch (1864), đế quốc Áo (1866), Pháp (1870) để thống nhất nước Đức 39 tiểu bang dưới sự lãnh của hoàng đế Wilhelm I (vua nước Phổ). Bismarck  biến nước Đức nông nghiệp thành một nước kỹ nghệ và một cường quốc ở Âu Châu. Hoàng đế Wilhelm I mất. Hoàng đế kế vị là Wilhelm II ganh tỵ với uy tín của Bismarck. Năm 1890 Bismarck bị ép từ chức. Bismarck rất ghét hoàng đế Wilhelm II. Ông yêu cầu ghi trên mộ ông hàng chữ: Đây là nơi an nghỉ của nô bộc của Hoàng Đế Wilhelm I nhằm chứng minh ông kính trọng hoàng đế Wilhelm I nhưng không kính trọng Wilhelm II. Hoàng đế Wilhelm II gây ra đệ nhất thế chiến. Khi Đức bại trận ông bỏ chạy sang Hòa Lan. Chế độ quân chủ Đức sụp đổ (1918). Người Đức không gọi Bismarck là Cha Già Dân Tộc nhưng dựng tượng ông ở nhiều nơi để tưởng nhớ công lao to lớn của ông. Ông được phong tước CÔNG (Duke). Mộ của ông được gọi là LĂNG BISMARCK. Người dân Đức gọi như vậy sau khi ông bị hoàng đế Wilhelm II cưỡng ép từ chức.

Charles de Gaulle là người giải phóng nước Pháp trong đệ nhị thế chiến và là người thành lập Đệ Ngũ Cộng Hòa. Ông phục hồi uy thế của nước Pháp trên thế giới sau cuộc chiến tranh Đông Dương với sự lớn mạnh của Thị Trường Chung Âu Châu. Ông mất năm 1970 và được chôn trong một làng hẻo lánh. Trên mộ bia của ông chỉ có một hàng chữ đơn sơ: Charles de Gaulle (1890-1970).

Ben Gurion được người Do Thái xem là người lập quốc. Ông lãnh đạo quốc gia tân lập nầy chiến thắng liên quân Á Rập để cứu vãn nền độc lập và sự hiện hữu của nước Do Thái ở Trung Đông năm 1948. Năm 1956 quân Do Thái chiếm bán đảo Sinai trong cuộc khủng hoảng kinh đào Suez. Năm 1963 ông rời khỏi chánh quyền. Năm 1970
ông về làng Sde Boker trong sa mạc Negev để trồng trọt và chăn nuôi. Ông mất năm 1973 và được chôn bên cạnh mộ của vợ ông trong làng Sde Boke trong sa mạc.

Lee Kwan Yew (Lý Quang Diệu) là người lập ra đảo quốc Singapore năm 1965. Singapore là quốc gia phồn vinh và trật tự nhất ở Đông Nam Á.

Quốc Gia Diện Tích Dân Số    GDP Lợi tức/ người
Việt Nam   330.000km2  90 triệu  359 tỷ M.K 4.000 M.K
Singapore 650km2  6 triệu  328 tỷ M.K 61.000 M.K

Bismarck, Charles de Gaulle, Ben Gurion, Lee Kwan Yew đều là những khuôn mặt vĩ đại trên thế giới có công trạng to lớn đối với quốc gia và dân tộc Đức, Pháp, Do Thái, Singapore. Người Đức, Pháp, Do Thái, Singapore không quên ơn những người lãnh đạo đã đem vinh quang, phồn vinh cho đất nước và tự do, no ấm cho dân tộc. Các vị ấy không hề xưng CỤ, CHA GIÀ DÂN TỘC, ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ, cũng không có bài thơ hay khúc hát ca tụng họ lúc họ còn sống và có quyền tước, cũng không có tranh ảnh hay hình tượng đặt khắp các nẻo đường hay những nơi công cộng như hình tượng Bác Hồ.

 

đỉnh cao trí tuệ Bác Hồ đã đưa nước Việt Nam về đâu?

Ngày nay Việt Nam vẫn còn là một nước Cộng Sản nhưng thoát khỏi sự thiếu ăn nhờ theo kinh tế tư bản (kinh tế tự do – kinh tế thị trường) chớ không phải nhờ những điều mà Bác học ở Liên Sô đem về nước thực hành. So với hai nước Cộng Sản kém cỏi như Bắc Hàn và Cuba, Việt Nam vẫn còn kém hơn! Việt Nam không thể so sánh với Bắc Hàn về khoa học kỹ thuật và huy chương Thế Vận Hội. Việt Nam kém hơn Cuba trong việc đào tạo bác sĩ có khả năng chuyên môn cao và số huy chương Thế Vận Hội. Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam chỉ hơn Cambochia và Lào nhưng nếu so về vẻ mỹ quan, vệ sinh và trật tự thành phố hay an ninh xã hội chưa hẳn Việt Nam hơn hai quốc gia láng giềng nhỏ bé nầy.

***

Ở Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên ngày xưa người ta được dạy để xem lời dạy của Khổng Tử, Mạnh Tử là khuôn vàng thước ngọc. Không ai có ý tưởng gì khác hay ngược lại lời nói của Khổng-Mạnh. Tư tưởng con người bị giới hạn và lụn dần. Qua thời gian các ‘khuôn vàng thước ngọc’ bắt đầu sai lệch nhưng không ai dám sửa đổi hay biết cách sửa đổi. Vì vậy các quốc gia Đông Phương không có tiến bộ trong khi các quốc gia Tây Phương có những nhà tư tưởng, nhà khoa học mạnh dạn đưa ra những tư tưởng mới, những sáng kiến và phát minh mới mà tiền nhân họ chưa có. Can đảm như Galilei (1564-1642) dám chịu ngục hình khi quả quyết trái đất quay. Chủ nghĩa Cộng Sản rơi vào vết mòn Trung Cổ khi cưỡng ép mọi người phải xem tư tưởng của Marx, Lenin, Stalin, Mao Zedong, bác Hồ... là “khuôn vàng thước ngọc”. Ai có tư tưởng ngược lại phải chịu ngục hình. Karl Marx tiên đoán chủ nghĩa tư bản dãy chết 100 năm sau ngày Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản chào đời (1848-1948). Điều nầy đúng không? Có vô số điều cần phải suy nghĩ thận trọng và tỉ mỉ hơn:

Chủ nghĩa Cộng Sản biến dạng để trở thành một mãnh thú có hình thù quái dị. Xã hội vô giai cấp bắt đầu xuất hiện nhiều QUAN CHỨC quyền uy và phú quí. Chế độ của người VÔ SẢN biến họ thành những ĐẠI GIA sau khi theo kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khẩu hiệu NGƯỜI CÀY CÓ RUỘNG của đảng Cộng Sản Đông Dương trở thành cơn ác mộng trong các cuộc Cải Cách Ruộng Đất trong vùng Việt Minh chiếm đóng năm 1953 và ở miền Bắc sau năm 1954. Ngày nay khẩu hiệu đó có nghĩa trái ngược: NGƯỜI CÀY MẤT RUỘNG vì các QUAN CHỨC Cộng Sản “qui hoạch” và cướp đất của dân cày để bán cho các công ty ngoại quốc.

Những điều bất biến trong tư tưởng người Cộng Sản Việt Nam, hậu duệ của Bác Hồ, là VÔ TỔ QUỐC, CƯỚP CHÁNH QUYỀN và BÁM CHẶT NÓ bằng hệ thống công an, mật vụ và quân đội để tạo thành vương triều như họ Kim và Castro đã làm ở Bắc Hàn, Cuba và vương triều Cộng Sản thế tập luân phiên như Trung Quốc và Việt Nam ngày nay. Có phải chăng đó là những nét ưu việt mà Bác Hồ lưu lại?

Tôi xin dừng bút ở đây để người đọc suy gẫm, phản bác hay bổ sung những sai sót.

 

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2014