Nguyễn thị Cỏ May
Nhơn ngày giỗ đầu (21-02-2016)
Nhớ về học giả Thái văn Kiểm
Cụ Thái văn Kiểm bịnh và gia đình đưa về Việt nam dưỡng bịnh, nhiều người quen biết Cụ ở Paris đều biết. Không mấy người không ngạc nhiên. Nhưng gia đình giải thích “bịnh già, cần có người túc trực chăm nom, ở Việt nam dễ hơn”. Bà Kiểm cũng lớn tuổi, khó tự tay chăm sóc ông. Con cái lại càng khó hơn vì ai cũng đều có đời sống gia đình phải lo.
Đến lúc ông mất, thân hữu hải ngoại chỉ có phân ưu trên báo vì về Việt nam phúng điếu – là điều ai cũng muốn – nhưng không phải là việc ai cũng có thể làm được. Chắc ông ở cõi Vĩnh hằng đã niệm tình mà lượng giải cho bạn.
Hôm nay, nhơn đọc bài viết của nhà thơ Viên Linh tưởng niệm Cụ Thái học giả phổ biến trên internet mà Cỏ May mới kịp nhớ ra đúng ngày 21 tháng 02 này là ngày giỗ đầu của Cụ.
Vài kỷ niệm nhỏ
Nhắc về học giả Thái văn Kiểm là một việc rất đáng làm. Chỉ sợ việc làm vội vã sẽ không đáp ứng sự mong đợi của nhiều người. Và nhứt là không phù hợp với tầm vóc của Cụ.
Ngoài sự nghiệp biên khảo, văn học, những bài báo, Cụ Kiểm, đặc biệt hơn hết, còn là người bạn lịch sự của mọi người, của mọi lứa tuổi. Cụ chỉ có nói điều hay cho bạn, chớ không bao giờ nói điều không phải cho bạn trong lúc trong xã hội người Việt nam hải ngoại, việc tỵ hiềm “chiếu dưới, chiếu trên” là chuyện cơm bữa của cả những người bụng đầy chữ nghĩa thánh hiền!
Riêng chỉ trong giới Văn Bút Hải ngoại, chuyện tranh chấp nhau chết bỏ cái chức Chủ tịch và dai dẳng không thua chuyện Đông Châu Liệt Quốc. Cũng may máu chưa đổ, chỉ mới có mực tung tóe, giấy bay vung vít. Phải chi họ có súng cho đỡ phí phạm giấy mực!
Tôi quen biết Anh Thái Quang Trung trước, rồi mới quen biết cụ Kiểm là thân sanh của anh Trung trong một trường hợp khác hơn.
Nhơn nhắc tới Anh Thái Quang Trung, trưởng nam của Cụ Kiểm, tôi vẫn còn nhớ một số hoạt động của Anh ở Âu châu và ở Đông Nam Á do Anh nói cho biết mà thật tình tôi không hiểu về Anh. Có lẽ không hiểu vì tôi không phải là “người trong cuộc”! Về tánh tình, Anh rất bặt thiệp.
Khi Ông Trương Như Tảng vượt biển qua tới Paris, Anh đón và tổ chức một buổi ra mắt Ông Bộ trưởng Tư pháp của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt nam tại một phòng họp nhỏ của khách sạn lớn Lutétia Paris (Paris VI), đặt dưới sự chủ tọa của Cụ Dược sĩ Trần Kim Quan, một nhơn sĩ Nam kỳ, từng mang tiếng có xu hướng thân vc. Nhưng từ sau 30/04/75, tỵ nạn ở Pháp, Cụ Trần Kim Quan đã hoàn toàn thay đổi quan điểm chánh trị. Cụ chống cộng sản hết mình. Và nhơn dịp chủ tọa buổi họp báo của Ông Trương Như Tảng hôm ấy, Cụ Quan đã bày tỏ lập trường kịch liệt chống cộng sản trước báo chí và hơn 60 người tham dự. Lúc ấy, ở bên ngoài, có cuộc biểu tình của các tổ chức người Việt tỵ nạn ở Paris hô “đả đảo vc Trương Như Tảng”.
Sau đó, Anh Thái Quang Trung có mời tôi tới nhà của anh ở Paris XIII, gần Métro Corvisart, vào một buổi trưa. Tại đây, bất ngờ tôi được anh giới thiệu Anh Trà Chơn Hiếu, một người bạn của anh, cũng là người từng trong hàng ngũ Mặt Trận Giải phóng Miền nam và một hồi sau, gặp lại Ông Trương Như Tảng trong phòng bước ra, dường như ngủ dậy. Câu chuyện chung chung về tâm trạng nặng nề của những người chạy theo cộng sản bị bạc đãi quá sớm. Có một câu chuyện của Trương Như Tảng kể lại đáng nhớ hơn hết. Sáng hôm 1/5, trên khán đài xem cuộc diễn binh chào mừng ngày giải phóng Miền Nam, Ông Tảng sốt ruột chờ xem đoàn quân giải phóng đi ngang qua mà không thấy, bèn xoay qua hỏi một sĩ quan Bộ Đội Miền Bắc “Sao tôi chưa thấy quân giải phóng diễn hành, hả anh? – Quân đội ta đã thống nhất tối hôm qua rồi, anh không biết sao?”.
Riêng Anh Trà Chơn Hiếu rất ít nói. Có vẻ như muốn né tránh hơn. Từ đó, tôi không có dịp nghe nhắc tới anh này nữa. Có thêm vài lần gặp lại Ông Trương Như Tảng sau những chuyến đi Tàu về…
Bà vợ của ông mở Pharmacie ở Paris XX và ông yên phận sống đời một VC (Mémoires d’un VC, Flammarion, Paris, 1985 - Hồi ký của một tên VC). Trương Như Tảng và nhóm nhỏ của ông, ngày nay, kẻ quá cố, kẻ còn lại nhưng không biết “Hồn ở đâu bây giờ?”.
Rời bỏ Âu châu, Thái Quang Trung di chuyển qua vùng Đông Nam Á với một nhóm bạn mới, với những hoạt động cũng mới. Anh có kết hợp với một nhóm làm từ thiện ở Thái lan, vừa giúp đỡ vật chất, vừa chữa răng và chăm sóc sức khỏe cho những người tỵ nạn mới tới. Trong mục đích sẽ nhờ đó lôi kéo những người chưa đi định cư gia nhập tổ chức của các anh và ở lại chiến đấu.
Anh có giới thiệu tôi một người bạn sát cánh với anh ở ĐNÁ : Luật sư Lê T.T. ở Californie. Tôi có gặp vài lần. Một người rất dễ có thiện cảm. Lý thuyết của các anh là “phải tập trung hoạt động ở ĐNÁ mới có ảnh hưởng mạnh vào Việt nam vì Việt nam là một quốc gia của địa phương”.
Sau những hoạt động ở đây, Thái Quang Trung có việc làm ở Đại Học Singapour. Và từ đây, không nghe nói tới anh và nhóm của anh nữa. Có lẽ tình hình Việt nam và thế giới diễn biến quá nhanh, mọi việc không thích hợp hay không theo kịp đều bị vượt qua hết.
Từ Singapour, Thái Quang Trung về Việt nam với dự án xây dựng phát triển Việt nam. Anh bị nhà cầm quyền hà nội giam giữ mươi ngày “làm việc” cẩn thận. Sau đó, việc anh có mặt ở Việt nam được hợp thức hóa. Năm 2013, anh mất đột ngột ở Huế và an táng ở đây. Được sự tiếc thương, nhiều báo chí ở Việt nam ca ngợi sự trở về đóng góp của anh cho đất nước và chế độ. Cả báo của Việt kiều ở Paris cũng hưởng ứng. Một bài báo viết “Đau đớn quá không chỉ cho hôm nay mà cho cả phía trước, không chỉ cho VN mà còn cho cả nhân gian này”!
Lá rụng về cội.
Chỉ riêng có một việc làm của Thái Quang Trung vẫn còn lại với thời gian là anh tố cáo trên tuần báo L’Express, Paris, 1988, Hồ Chí Minh hợp tác với Lâm Đức Thụ tổ chức bán Cụ Phan Bội Châu ở bên Tàu cho Pháp lấy 500.000 đồng (Hồ Chí Minh à double visage – Hồ Chí Minh 2 mặt).
Khi viết bài này, anh bị người em phản đối quyết liệt “Nếu anh cho đăng báo, sẽ dứt tình anh em”. Anh vẫn gởi tuần báo L’Express và bài đã đăng.
Về Học giả Thái văn Kiểm
Cụ Thái văn Kiểm biên khảo về Huế. Có vài quyển viết bằng tiếng pháp về văn minh việt nam. Cụ viết báo, cũng loại biên khảo lịch sử hoặc văn học nhiều hơn viết sách.
Nếu ai khó tánh không đồng ý gọi Cụ Thái văn Kiểm là “Học giả” vì số lượng tác phẩm khiêm tốn, Cỏ May tôi xin thưa “Cụ Thái văn Kiểm rất xứng đáng được người đời gọi là Học giả”. Và Cụ là “Học giả” thiệt, đúng ý nghĩa của từ ngữ “Học giả”.
Đúng vậy. Ngoài số sách vở và bài báo viết từ những năm giữa thế kỷ qua, Cụ còn nêu cao tấm gương văn hóa truyền thống việt nam là ”tấm gương hiếu học và thành đạt”. Năm 59 tuổi, Cụ lấy văn bằng Tiến sĩ Đông phương học (Doctorat d’Université) với đề tài “Parémiologie vietnamienne, monographie des proverbes vietnamiens” (Nghiên cứu chuyên đề về cách ngôn việt nam) ở Đại học Paris VII. Tám năm sau, năm Cụ 67 tuổi, cụ trình luận án Tiến sĩ Văn chương (lúc bấy giờ bỏ Tiến sĩ Quốc gia, chỉ có Tiến sĩ thôi) với đề tài về Ngữ học “L’exicographie vietnamienne, l’œuvre lexicographique des missionnaires et vietnamisants français et des lettrés français” cũng ở Đại Học Paris VII.
Năm 1990, Cụ được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa học Hải ngoại (L’Académie de Sciences d’Outre-Mer) ở Paris làm Hội viên-Liên hợp (Membre-Associé). Cơ quan khoa học này được thành lập năm 1922, số 15, đường Pérouse, Paris XVI. Tổng số Hội viên gồm nhiều thành phần chuyên môn khác nhau như về quân sự, chánh trị, văn học,… là 275 người. Trong tổng số này, có hơn hai mươi Hội viên việt nam.
Hàn Lâm Viện Khoa học Hải ngoại khác với Hàn Lâm Viện Pháp quốc là không đòi Hỏi hội viên phải có sự nghiệp nghiên cứu khoa học quan trọng. Phần lớn là những quan quyền, có công với thuộc địa pháp. Hoặc dân gốc thuộc địa pháp có công hay đóng góp cho Pháp về văn học, khoa học,… Nếu là người pháp, thì có đóng góp bằng sự hiểu biết của mình về các thuộc địa.
Cụ Thái văn Kiểm xuất thân là công chức từ thời Pháp qua tới thời Đệ II Việt nam Cộng hòa. Trong hành chánh, Cụ lên tới Giám đốc. Chứng tỏ Cụ trước sau là một mẫu người ôn hòa, biết xử sự với mọi người.
Trước 1975, Cụ tùng sự ở Bộ Ngoại giao với tư cách Cố vấn Văn hóa ở các Tòa Đại sứ VNCH. Chức vụ sau cùng là Đại diện VNCH ở Kinshasa (Congo). Ngày 30/04/1975, Cụ giữ nhiệm sở, kéo cờ Mặt Trận Giải phóng Miền nam và chờ Chánh phủ Cách mạng Lâm thời tới để Cụ bàn giao. Nhiều người phê phán thái độ này của Cụ là theo vc.
Nên hiểu Cụ Thái văn Kiểm trước sau vẫn là một công chức tận tâm. Cụ luôn luôn hành xử theo tinh thần và trách nhiệm cao của người công chức. Cả từ thời thực dân pháp với chánh quyền thực dân!
Cụ thường bảo Cỏ May tôi hãy gọi cụ bằng anh, người bạn vong niên nhưng tôi vẫn gọi Cụ bằng bác vì bạn với Anh Thái Quang Trung. Có lẽ cách ứng xử này mà Cụ dành cho tôi nhiều quí mến.
Việt nam và “NƯỚC”
Trong bài tưởng niệm Học giả Thái văn Kiểm, nhà thơ, chủ báo Viên Linh có ý đặt vấn đề “Tại sao các quốc gia trên thế giới phần lớn dùng chữ “đất - land,” để chỉ quê hương tổ quốc của họ, duy nhất chỉ có Việt Nam dùng chữ “nước-water” để chỉ quê hương tổ quốc của mình?”. Và phải chăng vì vậy mà từ huyền thoại tới những sự kiện lịch sử vẻ vang hay đau thương đều xảy ra trên sông nước?
Theo Cụ Thái văn Kiểm “…chữ NƯỚC (uống) là NÁC mà dân Bình Trị Thiên và dân Mường vẫn còn nói. Thần thoại Lào có nhắc tới ông Vua NÁC (Thủy tề). Từ chữ NÁC đó sanh ra chữ NƯỚC có nghĩa là đất sống, như khi Nguyễn Hoàng vào tới Quảng Trị, dân đem dâng 3 vò nước, ngụ ý Ngài sẽ lập quốc ở miền Nam Hà. Người xưa nghĩ không có nước để uống thì cũng như không có đất để ở,...”.
Nhưng người Việt nam cũng nói QUỐC là NƯỚC, Gia là Nhà. Và có ai nghĩ tại sao cả hai chữ “Quốc” và “Thủy” đều được diễn nôm là NƯỚC dưới cùng một tự dạng 渃 ? (Gs Hán Nôm Nguyễn văn Sâm nói rõ 2 hán tự Quốc và Thủy đều được diễn nôm cùng 1 cách viết – Chữ NƯỚC này do ông viết cho).
Và ngoài nguồn gốc văn minh sông - nước (văn minh lúa nước) ở ĐNÁ, người Việt nam còn có cách nói rút gọn khá đặc biệt. Như “Ở đằng kia”, ở “Đẳng”, “Con nhỏ ấy”, “Cỏn” và “Đất nước” còn lại “NƯỚC”!
Nguyễn thị Cỏ May