Nguyễn thị Cỏ May
Nhơn ngày Lễ Mẹ
Nhắc lại gương sáng một Bà Mẹ tranh đấu Nữ Quyền đầu tiên
Giữ mục “Paris có gì lạ không em?” hằng tuần mà lại nói chuyện ở nơi khác nhiều hơn chuyện Paris. Nay, Cỏ May xin nói chuyện của xứ mình.
Hằng năm, ở Pháp, cứ tới chủ nhựt thứ tư của tháng năm là Ngày Mẹ. Năm nay, ngày lễ sẽ nhằm ngày 29 tháng năm. Nhưng ngày Lễ Mẹ vào cuối tháng năm còn là một chọn lựa chưa có gì đáng tin cậy lắm. Ngày Lễ Mẹ tuy trở thành ngày lễ quốc tế nhưng vẫn không thống nhứt. Cùng ở Âu châu, Anh chọn ngày Lễ Mẹ vào chủ nhựt thứ tư của Mùa Chay (Carême), Bỉ và Thụy sĩ chọn chủ nhựt thứ hai của tháng năm cũng như Mỹ và phần còn lại các quốc gia nói tiếng Anh trên thế giới.
Ngày Lễ Mẹ ở Pháp đã có từ đầu thế kỷ XX, hoàn toàn không liên hệ với Giáo hội la-mã mà do quyết định chánh phủ vận động phụ nữ đông đảo chịu khó sanh đẻ để bổ sung dân số pháp sau Đệ I Thế chiến. Nhưng mãi tới năm 1950, ngày Lễ Mẹ mới được chánh thức ban hành.
Ở Pháp ngày nay còn có thêm lễ Bà Nội, Bà Ngoại, lễ Cha sau đó. Rất tiếc ông nội, ông ngoại bị bỏ quên!
Lễ Mẹ là quan trọng hơn hết. Cử hành lễ là tới thăm viếng mẹ, quà biếu cho mẹ và có thể mời mẹ đi ăn nhà hàng một bữa. Quà được chọn nhiều nhứt là bông hoa đẹp.
Nhiều bà Việt nam ở ngoại quốc cũng đã bắt đầu cảm động về ý nghĩa của Ngày Lễ Mẹ. Các bà bảo nhau “Nhờ ở đây, mình mới được con cái dành cho mình một ngày hằng năm để thăm viếng, cho quà, mời đi ăn. Chớ ở Việt nam, chắc trớt quớt rồi!”.
Không thiếu những bà trao đổi với nhau kinh nghiệm về câu chuyện nhận quà của con cái nhơn Ngày Lễ Mẹ. Phần lớn các bà nhận quà mà thật sự không hài lòng vì món quà không thích hợp với nhu cầu hoặc thị hiếu. Ở Mỹ, thì có thể đem đổi món khác hoặc trả lại lấy tiền. Ở Pháp, thì cất trong tủ giữ làm kỷ niệm hoặc chờ có dịp, đem bán chợ trời. Nhưng bà nào cũng vui vẻ nhận, cảm ơn con rối rít. Các bà phải có thái độ ngoại giao đó vì nếu không, sợ năm sau, con cái chẳng những không có quà mà chúng nó còn không thèm tới thăm viếng nữa.
Sau mấy chục năm sống làm thân vong quốc, mọi người đều học được nếp văn minh của xã hội tây phương.
Bởi hồi còn ở Việt nam, có bà nào biết Ngày Lễ Mẹ là gì đâu.
Văn hóa việt nam thật sự có nét đẹp nào khả dĩ bằng Ngày Lễ Mẹ để đề cao địa vị người mẹ và bộc lộ lòng hiếu thảo của con cái đối với mẹ hay không? Nếu không có hay không còn, thì tại sao?
Người Mẹ trong văn hóa việt nam
Bà Mẹ Việt nam trong văn hóa và trong đời sống thực tế vẫn chiếm một địa vị quan trọng. Đặc tính của văn hóa việt nam là trọng tình và có nguồn gốc mẫu hệ. Cơ sở nông nghiệp nên mọi sanh hoạt đều giới hạn trong thửa ruộng, mảnh vườn, cái nhà và vai trò người phụ nữ hay người mẹ là mái ấm gia đình. Về sau, nho giáo thống trị làm phai nhạt vai trò trụ cột của người mẹ vì đề cao vai trò người cha. Nhưng người bình dân vẫn cố giữ quân bình tâm thức “Của chồng, công vợ”.
Khi nói về văn hóa việt nam, căn bản, trọng tình hay trọng Phụ nữ, tức trọng Người Mẹ, Giáo sư Trần văn Đoàn (Ban Triết của Đại Học Đài loan, Đài Bắc) chọn lối suy diễn dựa theo những nguyên lý “Dưỡng, Dục, Lạc” (Trần văn Đoàn, The metaphysical principe of Maternity in vietnamese culture, University Leiden, Hòa lan, 7/2002). Những nguyên lý này dẫn ông tới kết luận “Mẫu tính” là nền tảng văn hóa việt nam. Mà văn hóa mang đậm nét “Mẫu tính” thì người mẹ là hình ảnh bao trùm mọi sanh hoạt xã hội. Ai cũng hiểu mẹ là người đảm nhiệm vai trò sanh đẻ để bảo tồn nòi giống (sinh), nuôi dạy con cái nên người (dưỡng, dục) để phát triển xã hội và sau cùng, mẹ còn chăm lo làm việc để đem lại hạnh phúc cho gia đình (lạc). Niềm hạnh phúc gia đình, chồng con hạnh phúc, chính là hạnh phúc thật sự của người mẹ:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng” (Trần Tế Xương)
Ngày Lễ Mẹ ở Âu-Mỹ có nói lên được con cái có lòng nhớ tới mẹ, thương mẹ nhưng chỉ mới đọng ở những món quà, sự thăm viếng trong khoảnh khắc, chớ chưa đủ sâu để đi vào tầng văn hóa dân tộc.
Ngày nay, ở Việt nam, nếu tình mẹ con có phai nhạt hay không còn nữa là do chế độ cộng sản chủ trương tách rời mọi người ra khỏi mái ấm gia đình, để dễ đoàn ngũ hóa trong mục đích giáo dục nhằm biến con người việt nam bình thường trở thành con người xã hội chủ nghĩa. Theo cộng sản, quan hệ gia đình là thứ tình cảm ủy mị của tiểu tư sản, cần phải dứt khoát cắt đứt. Con người xã hội chủ nghĩa chỉ có tình yêu cách mạng và chỉ có nghĩ tới cách mạng (Serge Netchaïev, Giáo lý của một người cách mạng – Le catéchisme d’un révolutionnaire).
Trong chế độ cộng sản, người phụ nữ chẳng những không được đề cao về đức hạnh nhân văn, mà còn bị biến thành công cụ xả thân phục vụ cho mục tiêu cộng sản. Vì vậy mà nhân phẩm phụ nữ bị cộng sản làm giải phóng dìm xuống hố thêm mấy độ sâu. Và ngày nay, đảng cộng sản hà nội, qua Bộ Thương binh Xã hội và Ngân hàng tài trợ chủ trương “xóa đói giảm nghèo”, đang ồ ạt xuất cảng gái nông thôn việt nam ra nước ngoài bán thân dưới hình thức đi lao động để hốt bạc.
Thân phận người phụ nữ việt nam qua các thời quân chủ, thực dân chưa bao giờ bất hạnh bằng dưới chế độ cộng sản hà nội ngày nay.
Tấm gương bà mẹ tranh đấu nữ quyền bằng chính mạng sống của mình
Đó là người Phụ nữ pháp đầu tiên đứng lên kiên cường tranh đấu đòi nữ quyền trước cách mạng 1789 và bà đã trả giá việc bà làm bằng chính mạng sống của bà. Bị chế độ “Khủng bố” (La Terreur do Robespierre thiết lập và sau đó, Robespierre bị chặt đầu) đưa lên máy chém năm 1793 vì bà phạm phải tội, năm 1791, đã viết và công bố bản “Tuyên ngôn Nữ Quyền và Nữ Công dân Quyền” (Déclaration des droits de la femme et de la citoyenne). Những điều bà đòi hỏi là chống lại những bất công mà, ngày nay, các phong trào phụ nữ đang tranh đấu, bởi Cách mạng Nhơn quyền và Dân quyền của Pháp đã hoàn toàn bỏ quên người phụ nữ.
Người phụ nữ kiên cường đó là Bà Olympe de Gouges hay Marie Gouze sanh ngày 7 tháng 5 năm 1748 tại Montauban (tỉnh Tarn et Garonne). Bà sanh ra và lớn lên trong bất hạnh vì người cha “chánh thức” từ chối ký tên sổ rửa tội của bà.
Bản Tuyên ngôn Nữ quyền và Nữ công dân quyềnđược đề tặng nữ hoàng Marie-Antoinette, Đệ Nhứt Phụ nữ, đã đặt nền Cộng hòa vừa ra đời trước việc phải thừa nhận người phụ nữ là một nữ công dân trọn vẹn, chánh thức đầy đủ nhơn quyền và dân quyền như người đàn ông. Mãi một thế kỷ rưỡi sau, Simone de Beauvoir mới viết quyển “Phái thứ hai” (Deuxième Sexe) để bênh vực nữ quyền. Bà Olympe de Gouges đã muốn vung dao chặt đứt quyền lực đàn ông vì bà cho rằng chính sự độc tôn nam giới đã ngăn cản xã hội thăng tiến.
Ở điều I của bản Tuyên ngôn, bà viết “Người phụ nữ sanh ra có đủ quyền tự do và bình đẳng với nam giới”.
Ở thế kỷ XVIII, bà tranh đấu những điều mà ngày nay, người phụ nữ pháp và cả thế giới vẫn còn tiếp tục tranh đấu. Như thừa nhận quyền sống của những người cùng khổ, người da đen, phụ nữ, trẻ con ngoại hôn, bệnh tật,… Trong bức thư gởi dân pháp, bà đề nghị vua Louis XVI lập một Quỹ ái quốc bằng một thứ thuế tự nguyện để ngăn chận sự nghèo đói. Bà còn kêu gọi thành lập những trung tâm đón nhận và săn sóc những phụ nữ góa bụa, người già yếu, trẻ mồ côi, người thất nghìệp. Một thứ an sinh xã hội ngày nay. Tìm ngân khoản, bà đưa ra ý kiến đánh thuế nhà giàu dựa trên “tài sản, số người hầu, tranh ảnh nghệ thuật,…”. Tiếp theo, bà đòi quyền ly dị, lập nhà bảo sanh, hệ thống bảo vệ mẫu nhi, nữ hóa những danh từ nghề nghiệp (bác sĩ – le docteur, nữ bác sĩ – la doctoresse, le député, la députée – dân biểu,…). Chính Công tước Mirabeau đã phải thốt lên “Chúng ta mang nợ nhiều điều mới mẻ ở một phụ nữ dốt”.
Đúng vậy. Ở thời đại của bà, hơn 90% phụ nữ không biết chữ. Bà đọc và viết được nhờ tự học. Năm 17 tuổi, bà phải lấy chồng. Qua năm sau, bà sanh được người con trai và sau đó chồng chết. Bà không tái giá để dấn thân tranh đấu cải thiện thân phận người phụ nữ và cũng để phục hận cho chính mình. Bà viết “Hôn nhơn là nấm mồ chôn lòng tín nhiệm và tình yêu”.
Bà đề nghị làm hợp đồng chung sống, điều này, hai trăm năm sau, chánh phủ pháp thực hiện bằng luật “Le Pacs”.
Gương sáng bị bỏ quên
Olympe de Gouges là người phụ nữ ái quốc và nặng tinh thần dân chủ. Bà chỉ biết có nước Pháp là tổ quốc. Ngày 20 tháng 7 năm 1793, bà phổ biến bích chương kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý để người dân chọn chánh phủ. Lập tức, bà bị chánh quyền cách mạng buộc tội “phản cách mạng, muốn lên làm vua”, tức muốn lật đổ chánh quyền cách mạng của nhơn dân, đưa bà ra tòa án cách mạng xét xử. Bản án tử hình được thi hành trong vòng 24 giờ. Olympe de Gouges, 45 tuổi, bước lên đoạn đầu đài tại Công trường Cách mạng (ngày nay là Công trường La Concorde, Paris) vừa thét lớn “Hỡi những người con của Tổ quốc, hãy trả thù cho cái chết của tôi!”.
Lịch sử pháp chẳng những hoàn toàn bỏ quên Olympe de Gouges mà còn sỉ nhục bà trong lúc đó, Huê kỳ và Nhựt lại vinh danh bà. Nhiều nơi, đường phố, công trường, trường học,… mang tên bà. Cả trong sách vở.
Mãi tới năm 1981, sử gia Olivier Blanc mới xóa được những bất công lịch sử, đưa bà ra ánh sáng và phục hồi danh dự to lớn của bà “Olympe de Gouges là một nhà nhân bản pháp cuối thế kỷ XVIII”.
Cùng là phụ nữ can trường chống lại sự bạo ngược, gian ác của nhà cầm quyền độc tài, ở Hà nội thời Nhân văn Giai phẩm, có nhà văn Thụy An bị đảng cộng sản trù dập vì tội không biết nghĩ và nói theo đảng. Căm tức, bà đã tự móc bỏ một con mắt và nói “Chỉ cần một mắt cũng đủ nhìn thấy tội ác của đảng”. Bà cũng như những người chống đảng khác đều bị bỏ quên.
Nếu ngày nay, bà còn sống, nhìn thấy đất nước bị đảng hồ chí minh bán cho Tàu, chắc bà sẽ móc bỏ thêm một mắt nữa vì như thế, bà vẫn thấy được bản chất hèn hạ và gian ác vĩ đại của cái đảng ấy.
Nguyễn thị Cỏ May