Võ Thiện Hiếu


Nghi thức tế lễ cổ truyền Lệ Kỳ Yên Đình Điều Hòa

 


Phụng soạn để kính tưởng đến bác Hoàng Hoán,
Hội trưởng Hội Bảo Tồn Văn Hóa Lịch Sử Việt Nam tại Hoa Kỳ

Tế lễ cổ truyền là một sắc thái đặc thù của nền Văn Hóa Dân Tộc bằng những nghi thức truyền thống nhằm ghi nhớ và tưởng niệm đến công lao của Tiền nhân đã dày công xây dựng và giữ gìn đất nước, mở mang bờ cõi. Ở mỗi miền có những nghi thức tế lễ cổ truyền khác nhau giữa ba miền Bắc Trung Nam nhưng tựu trung đều có một mẫu số chung đó là Văn Hóa Truyền Thống Dân Tộc. Riêng tại miền Nam chúng ta thường thấy nghi thức tế lễ ngày nay còn lưu lại và tổ chức tế lễ trong những dịp cúng đình Lệ Kỳ Yên, điển hình là Đình Điều Hòa nằm trên đường Trịnh Hoài Đức thuộc Phường 2, thành phố Mỹ Tho.

Đây là một ngôi đình cổ được liệt vào hàng Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc với phong cách kiến trúc nghệ thuật thời nhà Nguyễn được xây dựng trên 200 năm mang đậm nét văn hóa dân tộc thể hiện qua cấu trúc xây dựng và các khuôn trang chạm khắc bên trong. Trước năm 1975 ngôi đình này được tu bổ nhiều lần và được sự bảo trợ danh dự của Đệ Nhất phu nhân Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, Bà Nguyễn Thị Mai-Anh (Bà là người Mỹ Tho, nhà gần Cầu Bắc sát bên giếng nước đường Ông Bà Nguyễn Trung Long) cho trùng tu lại rất khang trang. Trên mặt dựng của cổng đình có khắc 3 chữ Hán “Đình Điều Hòa”, mặt sau cổng có bức tranh “Thất Hiền Quá Hải”, hai bên thân trụ cổng có câu đối của Ông Cao Xuân Dục quan Đại Thần triều Nguyễn viết tặng khi ông về thăm đình vào năm Duy Tân thứ I:

Tứ hải bổn đồng phùng thuận trị.
Nhất thôn phong hóa hảo Điều Hòa”

Nơi đây tập trung và bảo tồn nhiều di sản văn hóa cổ như những đỉnh lư đồng lớn, bộ binh khí cổ và nhiều cổ vật gốm sứ của Trung Quốc từ thế kỷ XVIII. Qua cổng tam quan là sân kiểng ngay giữa sân là trụ cờ Đại ngũ sắc vuông khoảng 1 mét có viền rìa. Kế bên trụ cờ có một trụ sắt rổng đường kính khoảng 1 tấc, cao 1/2 mét để dựng cây Nêu mỗi khi Tết đến và trên cây Nêu có một lá phướng điều đuôi nheo có nội dung:”Thọ Tỷ Nam San Phước Như Đông Hải”. Bên trái sân có bàn thờ Thần Nông có mặt dựng cao 1 mét 1/2 có chạm nổi hình con Hổ Phục ở mặt trước, mặt sau là long phụng. Bước lên bậc tam cấp là mặt dựng nhà võ qui hình tháp trên đỉnh “Lưỡng Long Tranh Châu” bốn góc mái của tầng là trang trí chạm nổi hình Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phụng. Vào trong chánh điện phía bên trái có 3 gian và phía bên phải là võ ca có sân khấu giống như rạp hát có sức chứa khoảng 300 chổ ngồi.Trong chánh điện gian giữa với các mảng chạm khắc bằng gỗ quý như gỏ đỏ và cẩm lai đánh verni đen bóng bên trên là “Long Phụng Tranh Châu” bên dưới là “Bát Tiên Cỡi Thú”; phía trên bao lam là những khuôn trang chạm Tứ Quý, Tứ Linh, Mai Điểu Tùng Lộc, Liên Áp Quả. Bàn thờ chánh ở giữa có 2 bàn, bàn ngoài để mâm quả với phía trước bàn thờ có cặp hạc cao quá đầu người và trong gian giữa phía trong là bàn thờ để Sắc Thần (Sắc chiếu của Vua phong làm Thần Hoàng) được trang trọng để trong lồng kiếng có khung chạm thếp vàng, trên cùng là tấm Hoành Phi được sơn son thếp vàng chạm hình Tứ Linh. Hai bên trụ thờ sắc Thần chạm nổi hai lớp có 2 câu đối nội dung:

Miếu mạo nguy nga tân cựu tôn ty triêm thánh đức.
Oai linh hách diệu sỹ nông công mải mộc thần ân”.

Bàn thờ gian bên trái thờ các vị quan tiền vãng, bàn thờ gian bên phải là thờ các vị tiền vãng có công thành lập Đình thần như các ông Nguyễn văn Kiên, Nguyễn văn Trước, Trương văn Ân, 3 vị tiền bối này được tôn là Tiền Hiền Cẩm Địa Hậu Hiền Khai Khẩn. Những lễ cụ của Đình gồm chiêng đặt gian giữa, trống để gian bên trái với giàn nhạc lễ, mõ thần bằng gỗ mít dài 2 mét đặt ở gian bên trái.

Trong những công trình trên thuộc di sản văn hóa vật thể, chúng ta cũng không thể không nhắc đến di sản phi vật thể rất đặc biệt còn lưu lại đó là Nghi thức Tế Lễ Cổ Truyền trong 2 dịp cúng Lệ Kỳ Yên hằng năm vào các ngày 16-17-18 tháng Hai và tháng Mười âm lịch.

Trong phần hạn hẹp của bài này tác giả muốn nhắc lại Nghi thức Tế Lễ Cổ Truyền của Đình Điều Hòa do dưỡng phụ là thành viên của Ban Hương chức đình, ông Chánh Bái Trần Thoại Còn, trao truyền lại cho tác giả đó là Nghi Thức Tế Lễ Cổ Truyền, một nét đẹp của truyền thống văn hóa của địa phương.

Nghi thức tế lễ về nhân sự thì có toàn thể thành viên của Ban Hương Chức với áo thụng xanh, đỏ và chít khăn đống (bây giờ gọi là Ban Hương Hội) gồm Chánh Niệm Hương, Chánh Tế, Chánh Bái, Phó Bái, Bồi tế, Hương Lễ chỉ huy ban gia lễ tức học trò lễ có 8 em thiếu niên trong làng mặc lễ phục hia mão có đai và di chuyển theo lễ bộ tấn thối khi tế, Hương Nhạc chỉ huy giàn nhạc lễ.

Trong nghi thức tế lễ này tác giả muốn dùng ngôn ngữ Hán Nho theo đúng văn tự của tế cổ truyền để giữ nguyên sắc thái cổ văn của nghi thức.

Bàn thờ chánh điện có Hương Lễ đứng bên phải bàn thờ. Hai bàn thờ hai bên cũng có các Hương chức sẵn sàng cúng tế. Học trò lễ có hai gia lễ đứng hai bên bàn thờ chánh gọi là Đông hiến và Tây hiến.

Hương lễ thường đứng bên Đông hiến có nhiệm vụ nhắc tuồng để hai học trò lễ Đông Tây hiến xướng lớn tiếng. Sáu gia lễ đứng hai bên bàn dẫn sớ cách xa trước bàn thờ chánh khoảng 9 bước, tức đứng ngoài chiếu tế. Trên bàn dẫn sớ đặt hai chưn đèn, một khay trà, một khay rượu, 6 cây nhang và một đế sớ sơn son thếp vàng dùng để đặt bài văn tế. Khi nghe xướng “Gia lễ tựu vị” thì hai gia lễ đầu bưng hai chưn đèn gọi là dâng đăng, 4 gia lễ còn lại bưng khay trà, khay rượu, 6 cây nhang và bưng đế sớ đặt sẵn  bài Văn tế trên đế sớ chuẩn bị bước tấn thối theo lễ bộ 9 bước để vào chiếu tế trước bàn thờ. Ba người Bồi tế phụ trách chiêng trống và mõ gọi là Đồng văn. Sau một bài nhạc lễ thường là bài ngắn Ngũ Đối Hạ hoặc tùy theo Hương nhạc thì bắt đầu vào chánh lễ. Các vị Chánh niệm hương, Chánh tế, Chánh bái, Phó bái sẵn  sàng đứng ở 3 bàn thờ làm theo lời xướng của Đông Hiến và Tây Hiến. Đương nhiên Chánh Niệm Hương và Chánh tế phụ trách bàn thờ chánh ở giữa. Mỗi câu xướng lên thì hai bàn tay của Đông Tây hiến cúc cung nâng hai bàn tay ngang tầm mắt, xướng xong hạ tay về vị thế khoanh tay.

Sau đây là toàn bài nghi thức tế gồm phần Niệm Hương, phần Tế Lễ gồm Hành Sơ Hiến Lễ dâng rượu tuần thứ nhất và đọc Văn tế, Hành Á Hiến Lễ chỉ dâng rượu tuần thứ nhì và Hành Chung Hiến Lễ dâng rượu lần thứ ba và cuối cùng là Hành Tạ Hiến Lễ để dâng trà và đốt sớ.

I. PHẦN NIỆM HƯƠNG:

- “Chấp sự giả các tư kỳ sự”

- “Gia lễ tựu vi” khởi 3 hồi 9 chập trống bảng của ban nhạc lễ. Tám học trò lễ đến trước bàn thờ đứng 2 hàng dọc, xá 3 xá.

- “Phục vị” Tất cả vào vị trí của mình. Hai gia lễ tiến về bàn thờ đứng khoanh tay hai bên làm Đông Hiến và Tây Hiến. Sáu gia lễ còn lại thì quay về bàn Dẫn sớ đứng hai bên khoanh tay chờ nghe xướng.

- “Khởi chinh cổ” Ba Bồi tế đánh 3 hồi chiêng 3 chập, trống 3 hồi 3 chập và mõ 3 hồi 3 chập.

- “Nhã nhạc tấu”Ban nhạc tế trổi nhạc tế hoặc nhã nhạc cung đình. Đồng thời chiêng trống mõ liên tục đánh chập ba, tức hai tiếng nhặt một tiếng khoan.

- “Chánh niệm hương tựu vị” Chánh niệm hương bước vào chiếu tế.

- “Chánh niệm hương nghệ quán tẩy sở - thế cân”. Chánh niệm hương bước ra chổ để thau nước sạch và một khăn điều, rửa tay và lau tay bằng khăn điều.

- “Quỳ” Chánh niệm hương quỳ.

- “Phần hương” Bồi tế đưa 3 cây nhang mỗi vị được đốt sẵn  cho Chánh Niệm Hương.

- “Niệm hương” Chánh Niệm Hương để nhang lên trán và đọc bài niệm hương.

- “Thượng hương” Đưa nhang cho bồi tế cắm lên bát nhang.

- “Bình thân”, “Nghinh thần phủ phục cúc cung ngũ bái” Chánh Niệm Hương đứng dậy rồi lạy 5 lạy theo lời xướng của Đông hiến và Tây hiến.

- “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”;

- “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”;

- “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”;

- "Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”.

- “Bình thân” Đứng dậy xá 3 xá.

- “Chánh niệm hương từ thần phối khước” Chánh niệm hương bước ra khỏi chiếu tế

 

II. PHẦN TẾ LỄ:

- “Chánh tế tựu vị” Chánh tế bước ra chiếu tế.

- “Chấp sự giả nghệ quán tẩy sở - Thế cân” Chánh tế bước ra chỗ để thau nước sạch và một khăn điều, rửa tay và lau tay bằng khăn điều.

- “Phục vị” Nghiêm trang vào lại chiếu tế.

- “Nghênh Thần phủ phục, Cúc cung ngủ bái” Chánh tế lạy 5 lạy.

- “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”;

-“Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”;

- “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”;

- “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”.

- “Hưng bình thân” Đứng dậy.

- “Gia lễ tấn tước, nghệ hương án tiền” 6 học trò lễ bưng nhang đèn, khay rượu trà cùng đế sớ lễ bộ tiến lên ngang chánh tế, đặt khay trước mặt Chánh tế.

- “Giai quỳ” Tất cả cùng quỳ.

- “Phần hương” Bồi tế lấy 3 cây nhang gia lễ vừa mang vào trao cho chánh tế.

- “Nguyện hương” Chánh tế để nhang lên trán khấn 3 lễ.

- “Thượng hương” Bồi tế lấy 3 cây nhang từ tay chánh tế cắm lên bát nhang đặt trên bàn thờ.

- “Hưng bình thân” Tất cả đứng dậy.

- “Phủ phục cúc cung nhị bái” Chánh tế lạy 2 lạy. Gia lễ xá 2 xá “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”.

- “Hưng bình thân” Tất cả đứng dậy.

- “Hành sơ hiến lễ” Dâng rượu tuần thứ nhất.

- “Giai quỳ” Tất cả quỳ.

- “Nghệ tửu tương sở hiến trước chước tửu” Chánh tế rót rượu.

- “Nguyện trước” Chánh tế bưng rượu khấn “Kính cẩn dâng tuần rượu này lên Tiên Đế thọ dụng”.

- “Tiến trước” Bồi tế lấy chung rượu để lên bàn thờ.

- “Hưng bình thân” Tất cả đứng dậy.

- “Phủ phục cúc cung nhị bái” Chánh tế lạy 2 lạy, Gia lễ xá 2 xá - “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”.

- “Hưng bình thân” Tất cả đứng dậy.

- “Giai quỳ” Tất cả cùng quỳ.

- “Lệ chuyển chúc vị” Bồi tế lấy bài Văn tế trên đế sớ trao cho Chánh tế.

- “Nghệ độc chúc sở” Gia lễ kê 2 đèn châu vào đế sớ, Chánh Tế đọc văn tế.

- “Tấn chúc” Đọc xong Bồi tế lấy đế sớ có bài Văn tế để lên bàn thờ.

- “Hưng bình thân” Tất cả đứng dậy.

- “Phủ phục cúc cung nhị bái” Chánh Tế lạy 2 lạy, Gia lễ xá 2 xá . _“Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”.

- “Hưng bình thân” Tất cả cùng đứng dậy.

- “Hành á hiến lễ” Dâng rượu lần nhì, giống như lần nhất.

- “Giai quỳ” Tất cả quỳ xuống.

- “Hiến trước chước tửu” Chánh tế rót rượu.

- “Nguyện trước” Chánh tế bưng rượu khấn “Kính cẩn dâng tuần rượu này lên Tiên Đế thọ dụng”.

- “Tiến trước” Bồi tế lấy chung rượu để lên bàn thờ.

- “Hưng bình thân” Tất cả đứng dậy.

- “Phủ phục cúc cung nhị bái” Chánh tế lạy 2 lạy, Gia lễ xá 2 xá _“Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”.

- “Hưng bình thân” Tất cả cùng đứng dậy.

- “Hành chung hiến lễ” Dâng rượu lần ba.

- “Giai quỳ”Tất cả quỳ xuống.

- “Hiến trước chước tửu” Chánh tế rót rượu.

- “Nguyện trước” Chánh tế khấn “Kính cẩn dâng tuần rượu này lên Tiên Đế thọ dụng”.

- “Tiến trước”Bồi tế lấy chung rượu để lên bàn thờ.

- “Hưng bình thân” Tất cả cùng đứng dậy.

- “Phủ phục cúc cung nhị bái” Chánh tế lạy 2 lạy, Gia lễ xá 2 xá. _ “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”.

- “Hưng bình thân, Phần chúc”Tất cả cùng đứng dậy.Tế chủ và Gia lễ đi đốt sớ.

- “Lễ tất, hành tạ hiến lễ”. Dâng trà.

- “Điểm trà” Chánh tế rót ba chung trà.

- “Hưng bình thân , Chánh tế phối khước từ Thần phục vị” Chánh tế 1 xá và rời khỏi chiếu tế.

- “Gia lễ giai quỳ lễ tạ cúc cung ngủ bái” Gia lễ lạy 5 lạy theo lễ bộ của gia lễ.

- “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”;

- “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”;

- “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”;

- “Hưng - đứng dậy – Bái - lạy”.

- “Hưng bình thân, Gia lễ từ thần phục vị” Gia lễ chỉ bưng 2 đèn đi hai hàng quay về bàn dẫn sớ đặt đèn lên bàn và chuẩn bị cùng đào kép hát bội làm lễ thỉnh Thần.

- “Chiêng trống hồi - Lễ tất” Ba Bồi tế đánh 1 hồi chiêng 3 chập, 1 hồi trống 3 chập, 1 hồi mõ 3 chập rồi dứt.

Buổi Tế Thần chấm dứt. Sáu học trò lễ quay trở lại bàn Dẫn Sớ để chuẩn bị cùng các đào kép hát bội cũng đứng hai bên bàn dẫn sớ để làm lễ Thỉnh Thần theo nhạc hát bội, ngân nga múa hát trước Thần xong thì quay về hướng sân khấu để làm lễ “Xây Chầu” thường hát tuồng “San Hậu” cho đến khoảng 3, 4 giờ sáng.

Võ Thiện Hiếu


Cái Đình - 2014