Phạm Ɖình Lân
Năm Sửu nói chuyện Trâu
.
Theo Hán-Việt thì NGƯU hay NGÂU là bò. Nhưng ở nước ta trâu có vai trò quan trọng trong việc đồng áng hơn bò. Trâu mạnh hơn bò trong việc kéo xe và cày bừa dưới ruộng bùn lầy. Vì vậy người Việt đã biến NGƯU thành trâu. Ɖể phân biệt, người ta gọi bò là huỳnh ngưu vì phần lớn bò có lông màu vàng (thực tế bò có nhiều màu lông khác nhau) và trâu là thủy ngưu.
Năm 2021 là năm Tân Sửu. Tân là tân khổ, cay đắng. Trâu biểu tượng cho sức cần lao nặng nhọc, gian khổ và lắm nỗi đắng cay.
Ngưu tộc trong xã hội loài người
Ngưu tộc chia làm hai nhánh: Huỳnh Ngưu (Bò) và Thủy Ngưu (trâu) được loài người thuần hóa hàng ngàn năm trước đây.
HUỲNH NGƯU
Tổ tiên của huỳnh ngưu là bò Aurochs trên lục địa Âu Châu, Á Châu và Bắc Phi. Giống bò nầy bây giờ không còn nữa. Hậu duệ của bò Aurochs là bò Taurine Bos taurus taurus ở Tây Á. Bò Zebu của Ấn Ɖộ Bos indicus, thuộc gia đình Bovidae, cũng là hậu duệ của bò Aurochs Bos primigenius.
Bò vàng Việt Nam (https://vi.wikipedia.org/)
Bò là động vật ăn cỏ, nhai lại, có vú, có xương sống, máu đỏ và sinh con. Chân móng guốc. Bao tử bốn túi. Người Tây phương rất quí bò vì bò cung cấp cho họ thịt, sữa, da, sừng, ngưu hoàng. Hiện nay trên thế giới có hàng tỷ trẻ em được nuôi bằng sữa bò và hàng tỷ nhân loại sống nhờ thịt bò, bơ và phô-mai làm từ sữa bò. Vì vậy người Tây Phương có nhiều từ ngữ dành cho bò:
Quốc gia |
Bò đực |
Bò cái |
Bò thiến |
Bò con |
Anh |
Bull |
Cow |
Ox, Steer |
Calf |
Pháp |
Taureau |
Vache |
Boeuf |
Veau |
Bò ở Việt Nam có màu sắc và hình dạng giống bò Banteng Bos javanicus, được tìm thấy nhiều ở Indonesia, Thái Lan, Mã Lai, Miến Ɖiện, Lào, Cambodia và Ấn Ɖộ (Xem bài Ngưu Tộc Tâm Tình của cùng tác giả ).
Ở Phi Châu có bò Ankole-Watusi Bos taurus có sừng dài (bò cái có sừng dài hơn bò đực), bò Gnu Connochaetes taurinus là bò hoang trong rừng Phi Châu (Wilde beest). Bò Gnu có thân mình của bò, đuôi của ngựa và sừng của thủy ngưu (trâu).
Ở Bắc Mỹ có bò Bison mang tên khoa học Bison Bison hay Bos americanus. Giống bò Bison có sừng ngắn, lông dày. Bò Bison không kéo cày, kéo xe như các giống bò khác trên thế giới. Chúng sống trong trạng thái hoang dã như đã thấy trong Công Viên Quốc Gia Yellowstone, tiểu bang Wyoming. Steak thịt bò Bison đắt giá hơn steak thịt bò thường.
Ngày nay nông nghiệp được cơ giới hóa, vai trò của bò giảm thiểu rất nhiều. Ở các quốc gia Âu-Mỹ người ta nuôi bò Holstein-Friesian, bò Jerseys, Guernseys, Herefords, Aberdeen Angus để lấy thịt, sữa, da.
Trong thời đại ngày nay người ta ca tụng thịt bò Kobe hay thịt bò Wagyu của Nhật Bản. Bò Kobe được lai từ 4 giống bò:
Bò Kobe được nuôi bằng thức ăn đặc biệt, được uống rượu sake, rượu bia, được đấm bóp và nghe nhạc! Giá thịt bò Kobe ngon loại A-5 là 1.200 Mỹ kim/pound (01 pound: 453 grams tức dưới nửa kí- lô). THỦY NGƯU
Quê hương gốc của trâu là Nam Á, Ɖông Nam Á và Trung Hoa. Trâu cũng được tìm thấy ở Nam Mỹ, Phi Châu và Nam Âu Châu trong những vùng sông nước và đầm lầy.
Trâu – Thủy Ngưu (https://www.nationalgeographic.com/)
Tên khoa học của trâu là Bubalus bubalis thuộc gia đình Bovidae. Cũng như huỳnh ngưu, trâu là động vật có vú, có xương sống, có máu đỏ, sinh con và ăn cỏ nhai lại. Tên thường gọi của trâu là:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Trâu, Ngưu, Thủy ngưu |
Anh |
Buffalo, Water buffalo |
Pháp |
Buffle, Buffle d’eau |
Trung Hoa |
Shuiniu (Thủy ngưu) |
Nhật Bản |
Suigyu |
Trâu và bò khác nhau:
Trâu cò (wishquata.org)
Ở Ɖông Nam Á có trâu rừng mang tên khoa học Bubalus arnee. Trên thế giới người ta phân biệt trâu sông (Hy Lạp, Ý, Ai Cập) và trâu đầm lầy (Ấn Ɖộ, Ɖông Nam Á, đông bộ Trung Hoa). Người Ấn Ɖộ thuần hóa trâu cách đây 5.000 năm. Từ thung lũng sông Indus trâu được bán sang vùng Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia), hay nói rõ hơn là du nhập vào vùng Iraq bây giờ vào năm 2500 trước Tây Lịch.
Trâu rừng Bubalus arnee (https://vi.wikipedia.org/)
Trên thế giới có nhiều trại chăn nuôi bò nhưng rất ít trại nuôi trâu để lấy thịt và sữa. Trâu to lớn, mạnh khỏe nhưng dễ nhiễm bịnh như bịnh tiêu chảy do trùng E.coli gây ra, bịnh đau rún, sưng phổi, trùng lãi trong phổi, trùng Strongylus vulgaris trong máu, máu thiếu magnesium (hypomagnesemia). Do đó trên thế giới chỉ có 172 triệu con trâu so với 1,5 tỷ con bò (11,5%). 96% của 172 triệu con trâu trên thế giới đươc tìm thấy ở các nước nông nghiệp Á Châu. Việt Nam có 3 triệu con trâu (1,7% trên tổng số 172 triệu). Ấn Ɖộ có 98 triệu con (56,5%). Các loại trâu nổi tiếng của Ấn Ɖộ là trâu Murray, Nili-Ravi, Badhawari, Jafarabadi, Nagpur, Toda, v.v.
Trâu Yak ở Hy Mã Lạp Sơn (https://www.britannica.com/)
Trâu Yak có vóc dáng giống như thủy ngưu. Trâu Yak sống trên cao độ, khí hậu lạnh nên có bộ lông dài để cho thân được ấm áp. Ɖịa bàn sống của trâu Yak là vùng Hy Mã Lạp Sơn, Tây Tạng, Mông Cổ, miền nam nước Nga. Trâu Yak được thuần hóa mang tên khoa học Bos grunniens (Grunting bull: Bò càm ràm). Trâu Yak sống hoang dã mang tên khoa học Bos mutus (Silent bull: Bò thầm lặng). Người Tây Tạng dùng trâu Yak để chuyên chở hàng hóa trên miền đồi núi hiểm trở. Trâu Yak là nguồn thịt, sữa, da, lông và sừng. Người Tây Tạng dùng sữa trâu Yak làm một loại phô-mai đặc biệt gọi là Chhurpi. Phân trâu Yak phơi khô là nguồn chất đốt ở Tây Tạng. Người Tây Tạng thường tổ chức đua trâu Yak vào những ngày lễ lớn.
***
Bò hay trâu đều được loài người dùng trong việc chuyên chở, cày bừa và trong các trò chơi thể thao như đua bò, đua trâu, đấu bò (corrida de toros), trâu chém lẫn nhau v.v..
Quang cảnh một cuộc chọi trâu ở Việt Nam (https://www.nguoi-viet.com/)
Người Ấn Ɖộ theo Ấn Giáo (Hinduism) xem bò Zebu là vật thiêng. Bò cái được xem là hiện thân của nữ Thần Devi. Người Ấn không dùng thịt bò nhưng uống sữa bò. Nước tiểu của bò cái thiêng được trân quí như một linh dược. Có quan niệm cho rằng uống nước tiểu của bò cái còn trinh lấy vào lúc rạng đông tốt hơn cả. Cách trị bịnh bằng nước tiểu bò cái được tìm thấy ở Ấn Ɖộ, Miến Ɖiện và Nigeria. Phân bò được dùng làm phân bón. Phân bò phơi khô được dùng như chất đốt.
Ấn Giáo (Hinduism- Brahmanism), đạo Jain, đạo Zoroastria (đạo cổ xưa ở Iran) cấm tín đồ không được ăn thịt bò.
Ở Ai Cập thời cổ người ta xem bò là nữ thần Hathor. Ngưu thần Hapi được thờ ở Memphis. Thần Enlil là Ngưu Thần của Sumer thời cổ, tức miền nam xứ Iraq bây giờ.
Huyền thoại Hy Lạp có đề cập đến đàn bò của Thần Thái Dương Helios ăn cỏ trên đảo Thrinacia, tức đảo Sicily bây giờ. Trong Cựu Ước Kinh bò được nhắc đến rất nhiều, nhất là chuyện bảy con bò mập và bảy con bò ốm trong giấc mộng của vua Ai Cập và được Joseph diễn giải thành bảy năm thịnh vượng và bảy năm đói kém.
Loài người dùng thịt bò trong các món steak, Chateaubriand, steak thịt bò Kobe, thịt bò hộp, phở, bò lúc lắc, bò tái chanh, bê thui tương gừng, bò vò viên, lòng bò chấm mắm nêm v.v.. Vì bò lao lực nhiều nên dễ bị bịnh lao. Vi trùng lao nằm trong phổi bò. Vì vậy người Việt Nam dùng nhóm chữ dở như phổi bò để ngăn chận dân chúng đừng ăn phổi bò.
Người Tây phương không dùng trâu trong việc cày bừa như các dân tộc trồng lúa gạo. Họ không ăn thịt trâu hay uống sữa trâu.
Trâu được dùng trong việc đồng áng và chuyên chở hàng hóa ở vùng đầm lầy và miền núi. Trâu tạo ra nguồn sống cho nông dân Việt Nam. Giết trâu là hủy diệt phương tiện canh tác, tức hủy diệt nguồn sống của mình. Năm 1103 Ỷ Lan Thái Phi ra lịnh cấm giết trâu.
Trong truyện Tàu mỗi khi có chuyện vui mừng đặc biệt, người ta lại mổ trâu làm tiệc! Ngày nay người ta ăn thịt trâu và tập uống sữa trâu như uống sữa bò vậy. Người Anh gọi thịt bò là beef và thịt trâu là carabeef hay buffen. Ấn Ɖộ, Nepal, Pakistan, Bangladesh, Ý, Nga, Ai Cập, Bulgaria nuôi trâu để ăn thịt.
Loài người nhờ trâu, bò mà giảm bớt lao lực nhưng trong ngôn ngữ của loài người ít có lời nào nói tốt cho trâu, bò cả. Nào là ngu như bò, lì như bò, dở như phổi bò, kiếp trâu cày ngựa cỡi, khổ cực như trâu, đàn khảy tai trâu, trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, bò chết nhiều gã cầm dao, bò chết chẳng khỏi rơm, đầu trâu mặt ngựa, thà làm đầu chuột hơn làm đuôi trâu, ruộng sâu trâu nái, muốn có tiền thì nuôi trâu nái, có chửa trâu (tức sau 9 tháng 10 ngày mà chưa sinh con), lòng trâu dạ chó, trật con toán bán con trâu, trâu cột ghét trâu ăn:
Trâu cột thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn dài quần
Trâu chết bò cũng lột da, trâu chậm uống nước đục, trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò củ tỏi giắt lưng, trâu teo heo nở, trâu tìm cọc chớ cọc không tìm trâu, trâu già không nệ dao phay v.v..
Thỉnh thoảng có vài lời ngọt ngào khó hiểu như:
Trâu ơi ta bảo trâu nầy
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Ngày nào cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn!
*
Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đất bằng, uống nước bờ ao,
Ngày nào mầy ở với tao,
Ɖến khi mầy chết, (tao) cầm dao xẻ mầy!
Loài người mượn hình ảnh của trâu bò để thách đố kiến thức lẫn nhau:
Thấy anh hay chữ thử hỏi đôi câu
Ngày xưa vua Thuấn cày trâu hay bò?
Người Trung Hoa và Việt Nam nói nhiều về trâu hơn là bò. Các nghệ nhân Trung Hoa thường vẽ hình trâu bụng căng tròn như để diễn tả sự no đủ. Tranh vẽ mục đồng thổi sáo trên lưng trâu diễn tả cảnh thanh bình trong nước. Trong Tây Du Ký Lão Tử cỡi trâu xanh. Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có bài Ai Bảo Chăn Trâu Là Khổ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và chuyện cọp và trâu nói chuyện về trí khôn của loài người. Trong truyện kể dân gian có chuyện ông quan thanh liêm hỏi vợ: Sao bà không nói tôi tuổi Sửu? Ɖiển tích xưa của Trung Hoa có chuyện Ngưu Lang (Niu Lang) Chức Nữ (Zhi Nu). Mưa dầm ngày 07-07 Âm Lịch hàng năm được gọi là mưa Ngâu (Ngưu). Bản nhạc Sầu Ô Thước dựa vào cảm hứng của chuyện Ngưu Lang-Chức Nữ đẫm lệ nầy.
Cưỡi trâu thổi sáo – Tranh Ɖông Hồ (Ảnh internet)
Sừng trâu được dùng làm tù và thổi gọi công cấy. Da trâu, da bò dùng để làm túi xách, bịt trống. Các thầy thuốc Ɖông Y dùng sừng trâu thay thế sừng tê giác. Sạn trong túi mật của bò và trâu gọi là ngưu hoàng (niu huang – Bezoar, Ox gallstone) dùng để tẩy độc trong cơ thể trong Ɖông Y và làm thuốc hượt trường, tiết mật, hạ nhiệt, trị co giật, cao huyết áp trong Tây Y. Nước tiểu của bò cái được người Ấn Ɖộ gọi là Gomutra dùng để chữa bịnh nan y như tiểu đường, phong hủi, ho lao v.v.. Các thầy thuốc Tây Y chưa có ý kiến về phương pháp trị liệu nầy.
Trong ngành vi trùng học có ngưu đậu là vi khuẩn đậu mùa (variola virus hay smallpox virus – Orthopoxvirus) trong mủ của trâu do người ta cấy ra để trồng trái ngừa bịnh đậu mùa.
Trong thực vật học chữ trâu dùng để chỉ thảo mộc to lớn như: cần trâu Oenanthe stolonifera, hành trâu Allium robusta, cà phê trâu Coffea robusta, muồng trâu Cassia alata v.v. Thảo mộc có chữ NGƯU như ngưu bàng Arctium lappa, dã ngưu bàng Aster tartaricus, ngưu tất (tất: đầu gối) Achyranthes bidentata, ngưu thiệt (thiệt: lưỡi) Rumex wallichii, muồng trâu Cassia alata, dây sữa bò tức hà thủ ô Nam Streptocaulon juventas, cây vú bò Tabernaemontana garinifolia v.v..
Trên trời có sao Taurus tức sao Ngưu.
Ở Bắc Ninh có tu viện Phật Giáo Kim Ngưu. Ở Hoa Kỳ có thành phố Buffalo (Buffalo ám chỉ bò Bison)
Trong la bàn tử vi Tây Phương có cung Taurus. Người sinh từ ngày 20-04 đến 20-05 nằm trong cung Taurus (tạm xem là huỳnh ngưu: Bò). Bò không có trong số Ɖề cũng không có mặt trong 12 con giáp. Trong số Ɖề Trâu chiếm số 9, sau con thỏ số 8 và trước con rồng nằm số 10. Trong 12 con giáp năm Sửu (Trâu) nằm sau năm Tý (Chuột) và trước năm Dần (Cọp). Năm Sửu là là năm Âm (-).
Năm |
Hành |
Màu sắc |
Ất Sửu |
Kim |
Trắng |
Ɖinh Sửu |
Thủy |
Ɖen |
Kỷ Sửu |
Hỏa |
Ɖỏ |
Tân Sửu |
Thổ |
Vàng |
Quí Sửu |
Mộc |
Xanh |
Năm 1961 là năm Tân Sửu. Sáu chục năm sau tức 1961 + 60 = 2021 mới gặp lại năm Tân Sửu.
Biến cố lịch sử vào năm Sửu của thế kỷ XX
1901: Năm sinh của tổng thống Ngô Ɖình Diệm; đại biểu lập hiến Cuba muốn phỏng theo hiến pháp của Hoa Kỳ; thành phố San Francisco cấm đua ngựa; trên 1 triệu người Ấn Ɖộ chết vì hạn hán; William Howard Taft làm toàn quyền ở Phi Luật Tân, tuyên bố ân xá những người tham gia cuộc nổi dậy vào cuối thế kỷ XIX khi Hoa Kỳ tiếp thu quần đảo Phi Luật Tân từ Tây Ban Nha; chiến tranh Nam Phi giữa Anh và người Boers gốc Hòa Lan; Bát Quốc Liên Quân; phó tổng thống Theodore Roosevelt tuyên thệ hành sử chức vụ tổng thống sau khi tổng thống Mc Kinley bị một thành viên vô chánh phủ bắn chết ở Buffalo; tòa nhà Hành Pháp được cải danh thành Tòa Bạch Ốc (White House); hoàng thân Ito (Nhật) tìm cách liên minh với Anh.
1913: Năm sinh của vua Bảo Ɖại; Joseph Dzhugashvili bắt đầu dùng bí danh STALIN (Người Sắt Thép); Raymond Poincaré, thân nhân của nhà toán học Henri Poincaré, đắc cử tổng thống Pháp; Việt Nam Quang Phục Hội bạo động ở Hà Nội; Phan Bội Châu bị bắt giam ở Guangzhou (Quảng Châu); Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) kêu gọi chống tổng thống Yuan Shikai (Viên Thế Khải); hiệp ước London chấm dứt chiến tranh Balkan lần thứ nhất; hiệp ước Bucharest chấm dứt chiến tranh Balkan lần thứ hai (Bulgaria thua trận); Viện Ɖại Học Thiên Hoàng Tohoku nhận nữ sinh viên đầu tiên; Mahatma Gandhi bị bắt vì cầm đầu thợ mỏ Ấn Ɖộ đấu tranh ở Nam Phi; khâm sư Pháp Mahé ra lịnh đào mả vua Tự Ɖức để tìm vàng ngọc.
1925: Thủ đô Christiania của Na Uy cải danh thành Oslo; tranh chấp quyền hành giữa Stalin và Trotsky; sự thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ɖồng Chí Hội, tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam; Phan Bội Châu bị bắt ở Shanghai (Thượng Hải); bang giao Nhật-Liên Sô; vua Khải Ɖịnh băng hà; Sun Yatsen mất; Hitler xuất bản Mein Kampf (Cuộc Ɖời Tranh Ɖấu Của Tôi); Ý chiếm Somalia; hiệp ước bất tương xâm Liên Sô-Thổ Nhĩ Kỳ; sự thành lập đảng Cộng Sản Ấn Ɖộ
1937: Ý (thời phát xít) cấm công dân Ý kết hôn với người Abyssinia tức Ethiopia; Karl Radek và 16 đảng viên cao cấp Cộng Sản Quốc Tế bị tuyên án tử hình trong cuộc đại thanh trừng của Stalin; ngày tuyên thệ của tổng thống Hoa Kỳ 04-03 được đổi thành 20-01 hay 21-01 nếu ngày 20-01 nhằm ngày chúa nhật; nội các Léon Blum, Mặt Trận Bình Dân; chiến tranh Hoa-Nhật (vụ Lư Cầu Kiều – Marco Polo Bridge); hiệp ước Hoa Kỳ-Liên Sô; Nhật nhìn nhận chánh phủ của nhà độc tài Franco ở Tây Ban Nha.
1949: Bảo Ɖại về nước lãnh đạo chánh phủ quốc gia; chiến tranh lạnh Hoa Kỳ-Liên Sô; sự thành lập NATO; sự thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc; Liên Sô thí nghiệm thành công trái bom nguyên tử đầu tiên; Liên Sô chấm dứt cuộc phong tỏa Berlin; Cuba công nhận Do Thái; hiệp ước đình chiến Do Thái-Ai Cập, Do Thái-Jordan; Xiêm La được cải thành Thailand; quốc vương Iran Reza Pahlavi bị ám sát hụt; Indonesia độc lập; Ấn Ɖộ công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc; Quốc Dân Ɖảng chiếm đảo Taiwan (Ɖài Loan) và biến đảo nầy thành Trung Hoa Dân Quốc.
1961: Bức tường Berlin phân chia Ɖông Ɖức và Tây Ɖức; nhà độc tài Trujillo của Cộng Hòa Dominican bị ám sát; tổng thống Kennedy gia tăng cố vấn Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam; Yuri Gagarin (Liên Sô), người vũ trụ đầu tiên trên thế giới; vệ tinh Explorer 9 của Hoa Kỳ được phóng vào quỹ đạo trái đất; tổng thống Kennedy bổ nhiệm Henry Kissinger làm cố vấn đặc biệt; Nam Phi rút khỏi Liên Hiệp Anh, vệ tinh Spunik 10 của Liên Sô được đưa vào quỹ đạo trái đất với một con chó; Do Thái xử Adolf Eichmann về tội ác chiến tranh; vụ người Cuba được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đổ bộ lên Bay of the Pigs (Vịnh Con Heo) nhằm lật đổ Fidel Castro thất bại; tổng thống Kennedy gặp tổng thống De Gaulle ở Paris; Khrushchev gặp Kennedy ở Vienna; Hoa Kỳ và Liên Sô đua nhau thí nghiệm bom nguyên tử; hài cốt nhà độc tài Stalin bị đưa ra khỏi Quảng Trường Ɖỏ; Malenkov bị khai trừ khỏi đảng Cộng Sản Nga.
1973: Hiệp định Paris được ký kết bởi các phe lâm chiến trong chiến tranh Việt Nam: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa-Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng Hòa-Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam; tổng thống Johnson chết; Liên Sô phóng Luna 21 lên cung trăng; hiến pháp Phi Luật Tân xem tổng thống Marcos là tổng thống đời đời; đồng đô la mất giá 10%; Henry Kissinger gặp Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông). Lãnh tụ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nói khôi hài rằng ông sẽ hiến Hoa Kỳ 10 triệu phụ nữ!); Brezhnev thăm viếng Tây Ɖức, Pháp, Hoa Kỳ; Hòa Lan và Pháp công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc Việt Nam); đảo chánh ở Afghanistan, vua Zahir Shah chạy thoát; đảo chánh do tướng Pinochet cầm đầu ở Chile lật đổ Salvador Allende; Do Thái bắn hạ 3 chiếc Mig-21 của Syria; Thái Lan dùng xe tăng giải tán sinh viên biểu tình: 300 người chết; chiến tranh Yom Kippur (Do Thái chống Syria và Ai Cập); phó tổng thống Agnew từ chức; Gerald Ford được cử thay thế; Kissinger và Lê Ɖức Thọ được giải Nobel Hòa Bình; OPEC lên giá dầu từ 5,12 đến 11,65 Mỹ kim/thùng (barrel).
1985: Mikhail Gorbachev nắm chức tổng bí thơ đảng; cựu bí thơ Konstantin Chernenko chết; Hoa Kỳ phóng phi thuyền con thoi Challenger 7; Pháp thí nghiệm bom nguyên tử trên đảo san hô Mururoa; tổng thống Reagan chấm dứt lịnh cấm vận đối với Nicaragua; Liên Sô thí nghiệm bom nguyên tử trong lòng đất; Tunisia đoạn giao với Libya; Do Thái tấn công bộ tư lịnh của PLO (Tổ Chức Giải Phóng Palestine) ở Tunis; Gorbachev viếng Paris; Garry Kasparov (Nga) là kỳ vương trẻ tuổi nhất: 22 tuổi; nhà xuất bản Random House mua hồi ký của cựu tổng thống Nixon với giá 3 triệu Mỹ kim; tổng thống Reagan qui trách Gaddafi (Libya) về việc khủng bố giết chết 20 người ở Rome và Vienna.
1997: Công nương Diana chết vì tai nạn xe hơi ở Paris; Trung Quốc dùng 3,8 tỷ Mỹ kim để chống sạt lở và ô nhiễm không khí trên thung lũng sông Huang-He (Hoàng Hà) và Yang Tse kiang (Dương Tử Giang); Deng Xiaoping (Ɖặng Tiểu Bình) mất và được hỏa thiêu; Tony Blair trở thành thủ tướng Anh; Nga và Chechnya ký hiệp ước hòa bình sau 400 năm tranh chấp; một phụ nữ Úc, Susie Maroney, lần đầu tiên lội từ Cuba sang Florida; tổng thống Nga Yeltsin ký hiệp ước với NATO; Trung Quốc thành công trong việc phóng vệ tinh Feng yun-2B Long March 3; Pol Pot ra lịnh hành quyết tổng trưởng bộ quốc phòng Son Sen và gia đình; Anh Quốc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc; quốc tang Mẹ Teresa ở Ấn Ɖộ; xe lửa Nhật Bản đạt kỷ lục về tốc độ: 332 miles/giờ, tức 558 km/giờ; Hong Kong giết gà để ngừa dịch cúm.
2009: Tổng thống Obama, vị tổng thống da đen đầu tiên, tuyên thệ nhậm chức; Do Thái xâm nhập vào Gaza; cựu tổng thống Peru Alberto Fujinori gốc Nhật bị xử 25 năm tù vì ra lịnh an ninh mật vụ bắt cóc và giết người; Thụy Ɖiển hợp thức hóa hôn nhân đồng tính; chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Il tiếp cựu tổng thống Clinton; tổng thống Obama nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Nhân vật nổi tiếng sinh vào năm Sửu
Các nhân vật nổi tiếng sinh vào năm Sửu gồm có: vua Bảo Ɖại (1913 - 1997); tổng thống Ngô Ɖình Diệm (1901 - 1963); tổng thống Barack Obama (1961 -); công nương Diana (1961 - 1997); tổng thống Sukarno (1901 - 1970); tổng thống Richard Nixon (1913 - 1994); tổng thống Gerald Ford (1913 - 2006); thủ tướng Do Thái Menachem Begin (1913 - 1992); nữ thủ tướng Anh Margaret Thatcher (1925 - 2013); Robert F. Kennedy (1925 - 1968), tổng thống Saddam Hussein (1937 - 2006), đại tướng Colin Powell (1937 -); bà Madelein Albright (1937 -), nghị sĩ Elizabeth Warren (1949 - ), thủ tướng Do Thái Benjamin Netayahu (1949 -), André Malraux (1901 - 1976), Albert Camus (1913 - 1960) v.v..
BẢO ƉẠI (1913 - 1997)
(Ảnh: pinterst.com)
Bảo Ɖại là vị vua thứ 13 và là vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn. Tên thật của vua Bảo Ɖại là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, con vua Khải Ɖịnh (vua: 1916 - 1925). Năm chín tuổi hoàng tử Vĩnh Thụy sang Pháp học. Năm 1925 ông về nước chịu tang phụ hoàng Khải Ɖịnh rồi sang Pháp tiếp tục học đến năm 1932 mới trở về nước trực tiếp nắm quyền hành trên hai vùng đất bảo hộ (Trung Kỳ và Bắc Kỳ).
Năm 1945, trước áp lực của Việt Minh dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh, vua Bảo Ɖại thoái vị sau khi nhận một điện tín gởi từ Hà Nội nhưng không biết ai gởi? Cựu vương được mời ra Hà Nội giữ chức cố vấn cho chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946 ông được cho hay đắc cử dân biểu ở Thanh Hóa. Cũng năm nầy, ông tháp tùng với các dân biểu khác đi Chongqing (Trùng Khánh), nơi chính phủ Quốc Dân Ɖảng do Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) lãnh đạo cuộc kháng Nhật trong đệ nhị thế chiến. Cựu vương Bảo Ɖại ở lại Trùng Khánh, rồi Hong Kong và Pháp.
Năm 1949 ông về Việt Nam từ Pháp để lãnh đạo chánh phủ quốc gia với tư cách một Quốc Trưởng (Chef d’État). Thực tế quyền hành của Quốc Trưởng lu mờ trước các Cao Ủy người Pháp (Haut Commissaire). Trước năm 1945 vua Bảo Ɖại chỉ có quyền hành ở Trung và Bắc Kỳ. Bây giờ, trên lý thuyết, Quốc Trưởng Bảo Ɖại có quyền khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Năm 1954, trước khi hiệp định đình chiến được ký kết ở Genève qua phân Việt Nam, Quốc Trưởng Bảo Ɖại chọn ông Ngô Ɖình Diệm làm thủ tướng. Ngày 23-10-1955, nhằm ngày sinh nhật thứ 42 của Quốc Trưởng Bảo Ɖại, ông bị thủ tướng Ngô Ɖình Diệm lật đổ trong một cuộc trưng cầu dân ý. Ông mất ở Pháp năm 1997.
Ɖặc điểm của vua Bảo Ɖại: SUKARNO (1901 - 1970)
(Ảnh: https://www.gettyimages.nl/) ===>
Tên khai sinh của tổng thống Sukarno là Kusno Sosrodihardjo. Ông là một nhà cách mạng Indonesia đấu tranh chống lại Hòa Lan giành độc lập cho Indonesia. Trong đệ nhị thế chiến ông dựa vào thế lực của Nhật để lật đổ chánh quyền thuộc địa.
Năm 1945 ông trở thành nhà lãnh đạo của Indonesia. Nhưng mãi đến năm 1949 Hòa Lan mới công nhận sự độc lập của Indonesia. Ông Sukarno là nhà cách mạng. Ông oán ghét chủ nghĩa thực dân. Năm 1955 hội nghị các nước Á-Phi vừa thu hồi độc lập được tổ chức tại Bandung, Indonesia. Suharno và Zhou Enlai (Châu Ân Lai) đóng vai trò năng nổ trong hội nghị. Ɖó là sự liên kết ngầm giữa hai quốc gia đông dân ở Á Châu: một nước Cộng Sản đông dân nhất trong thế giới từng bị các quốc gia bạch chủng xâu xé và một nước đông dân nhất trong thế giới Hồi Giáo từng là thuộc địa của Hòa Lan. Liên Sô không được xem là quốc gia Á Châu mà là một nước Bạch Chủng như Anh, Pháp, Hòa Lan, Hoa Kỳ, Bồ Ɖào Nha v.v.. Năm 1961 một hội nghị các nước Á-Phi khác được triệu tập tại Belgrade do sáng kiến của Nehru (Ấn Ɖộ), Tito (Nam Tư), Sukarno (Indonesia), Nasser (Ai Cập) tiến đến sự hình thành Phong Trào Không Liên Kết (Non-aligned Movement) bao gồm 120 quốc gia trên thế giới. Ɖường lối thiên tả và bất thân thiện với Tây Phương của Sukarno rất rõ. Thế nhưng tổng thống Sukarno vẫn bị phe thiên tả đảo chánh năm 1965. Quân đội chặn đứng cuộc đảo chánh và một cuộc thảm sát đảng viên Cộng Sản Indonesia diễn ra đẫm máu. Năm 1967 tướng Suharto thay thế tổng thống Sukarno. Vị tướng nầy thân Hoa Kỳ. Năm 1970 ông Sukarno mất. BARACK H. OBAMA (1961 - ) (Ảnh: https://www.usnews.com/)
Barack H. Obama là người da đen lai da trắng. Cha ông là sinh viên du học gốc ở Kenya, Phi châu. Mẹ ông là người da trắng mang dòng máu Ái Nhĩ Lan + Anh + Ɖức. Ông sinh năm 1961 ở Honolulu. Ba năm sau cha mẹ ông ly dị. Sau khi lấy bằng Master về kinh tế học ở đại học Harvard, cha ông về Kenya năm 1964. Mẹ ông tái giá với một người Indonesia. Vì vậy ông có một thời gian sống ở Indonesia. Rồi trở về Honolulu để được sự chăm sóc của bà ngoại.
Obama là người thông minh và linh hoạt. Ông thừa hưởng sự thông minh của cha lẫn mẹ. Cha ông có Master về kinh tế. Mẹ ông có PhD về nhân chủng học. Ông Obama tốt nghiệp đại học Harvard với bằng tiến sĩ luật (Jurist Doctor) với hạng Magna cum Laude. Ông dạy luật Hiến Pháp ở trường Luật Khoa Chicago. Từ năm 1997 - 2004 ông là nghị sĩ tiểu bang Illinois; và là nghị sĩ Liên Bang từ năm 2005 - 2008. Ông làm nghị sĩ Liên Bang được nửa nhiệm kỳ và được đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống Obama được xem là một trong những tổng thống có những thành tựu lớn: RICHARD NIXON (1913 - 1994)
(Ảnh:https://www.politico.com/ ) ===>
Tổng thống Richard Nixon xuất thân từ một gia đình tiểu thương. Vì người anh bị bịnh mà ông phải bỏ học bổng đi Boston học ở đại học Harvard để ở nhà trông coi cửa tiệm.
Năm 1934 ông tốt nghiệp cử nhân Sử Học với hạng Summa cum Laude. Ông được học bổng theo học trường đại học Luật Khoa Duke, tiểu bang North Carolina. Ông tốt nghiệp JD (Jurist Doctor) năm 1937.
Ông Nixon sớm nổi tiếng sau khi đắc cử vào Hạ Viện Liên Bang năm 1946. Năm 1950 ông đắc cử vào Thượng Viện Liên Bang. Năm 1952, sau khi nhậm chức nghị sĩ Liên Bang được một năm, ông được tướng Eisenhower, ứng cử viên tổng thống do đảng Cộng Hòa đề cử, chọn làm ứng cử viên phó tổng thống. Ông Richard Nixon làm phó tổng thống 8 năm (1953 - 1961).
Năm 1960 ông thất cử trước ứng cử viên trẻ và ít kinh nghiệm chánh trị của đảng Dân Chủ, John F. Kennedy.
Tám năm sau ông thắng ứng cử viên của đảng Dân Chủ, ông Humphrey, với 301 phiếu cử tri đoàn. Ông Humphrey chỉ được 191 phiếu cử tri đoàn; ông Wallace được 46 phiếu.
Năm 1972 ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai trước ứng cử viên đảng Dân Chủ Mc Govern. Ông thắng ở 49 tiểu bang với 520 phiếu cử tri đoàn trong khi ông Mc Govern chỉ được 17 phiếu cử tri đoàn ở 1 tiểu bang + DC.
Hai việc làm lớn của của tổng thống Richard Nixon là mở đầu cho việc thiết lập bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và ký kết hiệp định Paris năm 1973, đưa quân sĩ Hoa Kỳ tham dự chiến tranh ở Nam Việt Nam về nước sau một cuộc oanh tạc Hà Nội và Hải Phòng bằng B-52 vào thời gian Giáng Sinh 1972. Năm 1974 tổng thống Nixon từ chức vì vụ Watergate để tránh bị bãi miễn.
Tổng thống Nixon là vị tổng thống có nhiều kinh nghiệm đa dạng: ANDRÉ MALRAUX (1901 - 1976)
(Ảnh: https://www.britannica.com/)
André Malraux là nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng của Pháp. Ông sinh năm 1901 tại Paris trong một gia đình không mấy hạnh phúc. Cha và mẹ ông ly thân rồi ly dị. Ông sống nhờ tình thương của mẹ và người dì có một cửa hàng buôn bán nhỏ trong một thành phố nhỏ. Cha ông tự tử chết vì phá sản trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1930.
Các nhà nghiên cứu về tâm trạng và tư tưởng của André Malraux cho rằng ông bị hội chứng Tourelle (Tourelle syndrome), tức rối loạn thần kinh. André Malraux chịu ảnh huởng triết lý Siêu Nhân của nhà triết học Ɖức Friedrich Nietzche. Ông tin rằng với uy lực chí, người ta có thể đạt được những thành tựu vĩ đại và chiến thắng bất cứ chuyện khó khăn, phức tạp nào.
André Malraux vừa là người Pháp làm rạng danh nước Pháp qua những hoạt động văn hóa của ông, vừa là người của thế giới đại đồng. Ông sang Ɖông Dương và Trung Hoa nghiên cứu văn hóa Ɖông-Tây. Ông sáng lập tờ L’Indochine đòi Pháp trao trả độc lập cho các nước Ɖông Dương. Năm 1925 ông đến Trung Hoa cùng lúc Borodin đến Guangzhou (Quảng Châu) làm cố vấn cho Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) trong thời kỳ Quốc-Cộng Liên Minh lần thứ nhất. Ông quen biết với các đảng viên Kuomintang (Quốc Dân Ɖảng) và đảng viên Cộng Sản Trung Hoa. Ông viết quyển Les Conquérants và La Condition Humaine, hai quyển tiểu thuyết văn hóa-chánh trị về Trung Hoa. Quyển La Condition Humaine được giải thưởng Goncourt.
Năm 1940 quân Ɖức chiếm miền Bắc nước Pháp. Ông bị Ɖức bắt làm tù binh. Ông vượt ngục và theo lực lượng kháng chiến chống Ɖức dưới sự lãnh đạo của thiếu tướng Charles de Gaulle. Sau khi Pháp được giải phóng, ông được tướng De Gaulle bổ nhiệm làm tổng trưởng bộ Thông Tin (1945 - 1946).
Năm 1958 tướng De Gaulle trở lại chánh trường. André Malraux được bổ nhiệm làm tổng trưởng Văn Hóa Vụ (1958 - 1969). Giữa ông và tổng thống De Gaulle có sự thông hiểu nhau rốt ráo. Tổ chức OAS (Organisation de l’Armée Secrète: Tổ Chức Quân Ɖội Bí Mật) do tướng Salan cầm đầu xem André Malraux là đối tượng để ám sát vì ông cố vấn cho tổng thống De Gaulle trao trả độc lập cho Algeria.
André Malraux chết năm 1976. Tro hài cốt của ông được cải táng ở Panthéon, Paris, như một đại danh nhân của nước Pháp.
.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I. Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/namsuunoichuyen_2021.htm
Cái Đình - 2021