Phạm Ɖình Lân
Năm Hợi nói chuyện Heo
Lợn ăn cây dáy. Tranh Đông Hồ
Năm 2019 là năm Kỷ Hợi, tức là năm con Heo. Nhân dịp nầy chúng ta thử tìm hiểu phần nào về loại động vật quen thuộc nầy, về những biến cố trong năm Hợi và những nhân vật quan trọng tuổi Hợi
Nguồn gốc
Tổ tiên của loài heo là các heo rừng. Tên khoa học của heo rừng (Dã Trư) là Sus scrofa, thuộc gia đình Suidae. Heo là động vật ăn tạp có xương sống, máu đỏ, có vú và sinh con.
Heo rừng (Dã Trư) Sus scrofa (Wikipedia) trái; và Heo thuần hóa Sus domesticus (phải)
Tên khoa học của heo thuần hóa mà chúng ta thường thấy là Sus domesticus hay dài dòng hơn là Sus scrofa domesticus, gia đình Suidae. Tên gọi thông thường của Trư tộc rất nhiều. Ɖiều đó cho thấy Trư tộc rất quan trọng trong xã hội loài người.
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Heo, Lợn, Trư, Hy (Hán Việt) |
Trung Hoa |
Zhu (Tru), Yezhu (Dã Trư: Heo Rừng) |
Nhật |
Buta |
Anh |
Pig, hog |
Pháp |
Porc, Cochon |
Tây Ban Nha |
Cerdo |
Trư tộc có mặt khắp thế giới với các loại chi tộc lớn như:
Heo Peccary (Image Credit: Stevee Hillebrand, US Fish and Wildlife)
Tapir được gọi là heo vòi vì có tướng mạo giống heo và mỏ dài tựa như vòi voi. Gọi là …heo vòi là vì thế. Heo vòi mang tên khoa học Tapir terrestris, thuộc gia đình Tapiridae. Ɖịa bàn sinh sống của heo vòi là Indonesia, Mã Lai, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Heo vòi lội và lặn dưới nước rất giỏi.
Heo trong xã hội loài người
Heo sớm được loài người thuần hóa. Trung Hoa thuần hóa heo cách đây 7000 năm, căn cứ vào bức tượng nửa rồng, nửa heo (Long Trư) được tìm thấy ở Hongshan (Hồng Sơn), Trung Hoa. Theo sự nghiên cứu của các nhà động vật học thì sự thuần hóa heo có thể xảy ra ở Cyprus cách đây 11.400 năm.
Heo là động vật ăn tạp, chân có bốn móng, mỏ dài, tai to. Thị giác của heo rất kém nhưng khứu giác rất bén nhạy. Vì vậy người ta dùng heo nái để đánh hơi tìm nấm truffle mọc dưới mặt đất.
Có 40 loại heo được thuần hóa. Các loại heo quan trọng là heo Duroc, Landrace, Berkshire, Yorkshire, Chester White, Hampshire, Poland China, v.v… Các màu lông của heo gồm có màu trắng, đen, vàng hung đỏ, trắng-đen và đen-vàng sậm. Ở Việt Nam các loại heo thường nghe là heo mọi (nhỏ con, màu đen), heo bông (heo có nhiều vá đen-trắng), heo ỉ (mỏ ngắn, mặt có nhiều nếp nhăn), heo lang (heo đen có vá trắng), heo Tây (heo lớn con xuất hiện ở nước ta sau khi tiếp xúc với người Pháp).
Tùy theo giống heo, chiều dài, chiều cao mà trọng lượng của heo khác nhau. Trọng lượng nặng nhất của heo xê dịch từ 400 - 500 kg. Trọng lượng nhẹ nhất lối 6 kg.
Người Việt Nam nuôi heo nhằm ba mục đích khác nhau:
Ɖối với loài người thì heo là một nguồn thịt to lớn, một quỹ tiết kiệm để sống. Việc nuôi heo tương đối dễ dàng trong một nước nông nghiệp có nhiều nước, nguồn cám, chuối, bèo. Các nước có khí hậu sa mạc không thuận lợi cho việc nuôi heo vì thiếu nước tắm cho heo và rửa sạch chuồng. Phân heo là một loại phân bón tốt nhưng nó cũng là nơi tập trung vi trùng độc. Có ít ra 130 loại vi trùng khác nhau trong phân heo.
Trên thế giới dân tộc nào cũng ăn thịt heo ngoại trừ các tín đồ Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Người Trung Hoa, Việt Nam và các dân tộc nông nghiệp khác ở Ɖông Nam Á và hải đảo Thái Bình Dương đều ăn nhiều thịt heo, cá, gà, vịt hơn là thịt bò. Các món ăn như hủ tiếu, bánh bao, xí mại, há cảo, lạp xưởng, heo quay, heo sữa quay, thịt xá xíu, lòng heo phá lấu,… của người Trung Hoa đều dùng trư nhục. Các món ăn của Việt Nam như thịt heo kho với nước dừa, thịt nướng, heo nướng, cháo lòng, bì cuốn, nem, nem nướng, bún bò Huế, tiết canh, cháo huyết, tré, heo nướng, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang, lỗ tai heo ngâm dấm, thịt đầu ngâm dấm,… đều dùng da, thịt, huyết và xương heo. Người Việt Nam ở miền Bắc thích món thịt đông ăn với dưa hành vào tiết Ɖông-Xuân. Người Tây Phương không dùng mỡ heo trong việc nấu nướng. Họ dùng thịt heo để làm đồ hộp, jambon (ham), xúc xích (sausage), thịt cốc lết (côtelette) nướng, nấu ra-gu (ragout), ba-tê (paté) gan và các món bacon như ba rọi lát mỏng nướng chín giòn được ưa thích ở Anh, Ái Nhĩ Lan và Hoa Kỳ.
Vì heo là động vật ăn tạp như loài người nên ngày xưa người ta quan niệm ăn bộ phận nào của con heo sẽ giúp cho bộ phận ấy của loài người được bổ dưỡng. Ăn óc heo để được bổ óc. Ăn tiết canh heo để được bổ máu. Ăn gan bổ gan, ăn thận bổ thận. Người ta hầm bao tử heo với tiêu sọ ăn cho ấm bao tử, nấu phổi heo với hẹ ăn cho bổ phổi v.v…
Phân heo và lông heo được dùng làm phân bón. Huyết heo được dùng làm một loại keo dán gỗ rất tốt.
Ờ Ai Cập cổ có thần Seth có vóc dáng heo. Ɖó là Ác Thần. Vào thời cổ người Ai Cập có tục tế Thần bằng heo con.
Người Ấn Ɖộ gọi heo là Varaha. Thần Varaha, hiện thân của Thần Vishnu trong Ấn Giáo, có ngoại hình của heo rừng chống quỉ sứ. Ɖó là biểu tượng của lòng can đảm.
Trong huyền thoại Hy Lạp có chuyện Hercules dùng lưới bẫy một heo rừng trên núi Erymanthus đem về cho vua Eurysthus.
Người Trung Hoa nuôi nhiều heo và tiêu thụ thịt heo nhiều nhất thế giới. Chúng ta vừa thấy tượng Long Trư đã có 7.000 năm tuổi. Người Trung Hoa làm những con heo đất để trẻ em tiết kiệm tiền. Trong Tây Du Ký (1590) tác giả Wu Cheng’en (Ngô Thừa Ân) mô tả Trư Bát Giới dưới dạng mặt heo, thân người, ăn mặc lè phè, tay cầm cái cào cỏ, ấn dấu của người nông dân và sinh hoạt nông nghiệp. Trư Bát Giới hội đủ các đặc tính của người nông dân Trung Hoa từ biểu hiện bên ngoài (ăn mặc lôi thôi phô bày cả bụng ngực) lẫn tư tưởng tiềm ẩn trong tâm (hiếu sắc, thích hưởng thụ v.v…).
Người Pháp gọi heo là Cochon với nhiều nghĩa không mấy tốt đẹp như trụy lạc, bẩn thỉu, dâm đảng. Do đó có Cinéma cochon (phim dâm dật). Nhưng da Cochon de lait (heo sữa quay) ăn với bánh bao không nhưn ở các cao lâu Chợ Lớn thời Pháp thuộc được nhiệt liệt hoan nghinh.
Trong thực vật học có:
Cây cứt lợn Ageratum conyzoides tức cây bù xít (https://www.cabi.org)
Trong y học có chứng bịnh Scrofula, chứng lao sơ đẳng của hạch bạch huyết trên cổ. Trước kia heo có bịnh sên, lãi. Heo có trứng sên được gọi là heo gạo. Ɖền đầu thế kỷ XXI heo bị nhiều chứng bịnh lạ như đau móng chân, xùi bọt mép, cảm cúm heo H1N1 (Swine influenza). Gần đây có vài người Trung Hoa có vi khuẩn Streptococcus suis trong người khiến da bị rỉ máu, nhức đầu, ói mửa dữ dội.
Người Việt Nam cho rằng heo nái đẻ một con là điềm xui xẻo.
Họ rất sợ heo năm móng vì nghĩ rằng tiền kiếp của heo năm móng là người.
Heo đi lạc vào xóm cũng bị xem là điềm xấu. Ɖể tránh điềm xấu, người ta chặt đuôi heo rồi đem đi chôn!
Người Việt Nam không thích ăn thịt cá bông, bò vá, heo vá, vịt Xiêm lai vì cho rằng thịt các động vật có đốm, vá đều độc.
Ngôn từ của Việt Nam nói về heo có: ngu như heo; lười như heo; một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ; làm trò con heo; con lợn lòng; lợn lành chữa thành lợn toi; lợn trong chuồng thả ra mà đuổi; lòng lợn cách đêm v.v…
Về kinh nghiệm lựa heo để nuôi và chọn gái làm vợ, ca dao Việt Nam có câu:
Mua heo lựa nái
Cưới gái chọn dòng.
Heo được dùng trong hôn lễ của những gia đình giàu có. Ca dao có câu:
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Trong xã hội Khổng Giáo nữ quyền hầu như vắng bóng nên có những câu ca dao phũ phàng như sau:
Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.
Tục xẻo mũi heo quay ngày nhị hỷ của người Trung Hoa là cách hạ nhục gia đình cô dâu đã mất trinh trước khi có chồng.
Các thầy tướng cho rằng người có mặt heo thì tham thực, dâm dật, ích kỷ và độc ác. Vua Lê Tương Dực (lên ngôi từ 1510 - 1516) là vị vua có tướng Trư.
Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có chuyện Cái Lưỡi. Ngon, dở, tốt, xấu, hiền, dữ đều do cái lưỡi mà ra cả.
Trong đề 40 con, heo mang số 7 sau Cọp (số 6) và Thỏ (số 8).
Trong 12 con giáp heo đứng hạng 12 sau Chó (Tuất). Năm con heo tức năm Hợi.
Năm Hợi là năm Âm ( - ). Cứ 60 năm ta có một năm cùng can chi. Thí dụ: năm 1935 là năm Ẩt Hợi. Năm 1935 + 60 = 1995 – Ất Hợi. Năm 2019 là năm Kỷ Hợi. Năm 2019 + 60 = 2079 sẽ là năm Kỷ Hợi.
Năm |
Hành |
Màu sắc |
Ẩt Hợi: 1875, 1935, 1995, 2055 |
Hỏa |
Ɖỏ |
Ɖinh Hợi: 1947, 2007, 2067, 2127 |
Thổ |
Vàng |
Kỷ Hợi: 1959, 2019, 2079, 2139 |
Mộc |
Xanh |
Tân Hợi: 1911, 1971, 2031, 2091 |
Kim |
Trắng |
Quí Hợi: 1923, 1983, 2043, 2103 |
Thủy |
Ɖen |
Tuổi Hợi hợp với Mùi, Mão; không hợp với Dần, Thân, Tỵ.
Biến cố lịch sử quan trọng vào năm Hợi
1911: Cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa: cách mạng ở Mexico; Quốc Hội Ɖức thông đạo luật biến Alsace và Lorraine thành quốc gia tự trị; tàu Titanic hạ thủy ở Belfast; Bồ Ɖào Nha trục xuất các giáo sĩ dòng Jesuits; thủ tướng Nga Stolypin bị ám sát ở Kiev, Ukraine.
1923: Thành lập Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô-Viết (Liên Sô); quân Hoa Kỳ rút khỏi Rhineland (Ɖức); Lenin bị tai biến mạch máu não lần thứ ba; bang giao giữa Liên Sô và chánh phủ Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên); trường võ bị Whampoa (Hoàng Phố) ra đời do sự giúp đỡ của Liên Sô; lạm phát ở Ɖức: 1 đô la = 600.000 đồng Mark; Mustapha Kemal thành lập Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
1935: Mustapha Kemal tự xưng là Ataturk, tức Quốc Phụ của Thổ Nhĩ Kỳ; hiệp ước Pháp-Ý (phát xít); Hitler tái võ trang Ɖức bất chấp sự vi phạm hiệp ước Versailles (1919); thương ước Hoa Kỳ-Liên Sô có hiệu lực; luật Nuremberg (Ɖức) tước đoạt quyền công dân của người Do Thái ở Ɖức; Ý xâm lăng Abyssinia (Ethiopia); cuộc Vạn Lý Trường Chinh chấm dứt khi đến Yenan (Diên An), Shaanxi (Thiểm Tây).
1947: Kế hoạch Marshall phục hồi kinh tế các nước Tây Âu; chủ nghĩa Truman chống Cộng Sản; trận đánh sông Lô; biểu tình chống Kuomintang (Quốc Dân Ɖảng) trên đảo Taiwan (Ɖài Loan); hiến pháp Lào theo chế độ quân chủ lập hiến, dân chủ đại nghị; Cộng Sản nắm chánh quyền ở Hung Gia Lợi; Liên Sô sản xuất súng AK-47 do Mikhail Kalashnikov sáng chế; tướng Franco được bầu làm lãnh tụ đời đời; Ấn Ɖộ độc lập; tướng Aung San (cha của bà Aung San Suu Kyi) bị ám sát chết; vua Michael của Romania bị Cộng Sản nước nầy lật đổ.
1959: Ɖức Ɖạt Lai Lạt Ma lưu vong ở Ấn Ɖộ; Fidel Castro lật đổ Batista ở Cuba; Alaska và Hawaii trở thành tiểu bang 49 và 50 của Hoa Kỳ; phi thuyền Luna (Mechta) của Liên Sô chụp hình mặt trăng; De Gaulle, tổng thống Ɖệ Ngũ Cộng Hòa; hiệp ước kinh tế và quân sự Hoa Kỳ-Iran; Iraq rút khỏi Minh Ước Baghdad; Mao Zedong mất chức Chủ Tịch CHNDTQ vì thất bại trong chương trình Bước Tiến Nhảy Vọt; Lee Kuan Yew, thủ tướng Singapore; gián điệp nguyên tử Klaus Fuchs được tự do và được phép về Dresden (Ɖức), tiếp tục nghiên cứu khoa học; khánh thành hải lộ St Lawrence Hoa Kỳ-Canada; phó Tổng Thống Nixon viếng Liên Sô; Liên Sô ký khế ước với Iraq về việc thiết lập lò nguyên tử; vệ tinh Discovery 6; Food Stamps cho người nghèo ở Hoa Kỳ; Krushchev viếng Hoa Kỳ nhưng không được đến Disneyland; Liên Sô ký khế ước xây đập Aswan cho Ai Cập; tổng giám mục Makarios, tổng thống đầu tiên của đảo Cyprus.
1971: Disney World khánh thành ở Florida; chiến tranh biên giới Ấn-Pakistan; Apollo 14; khánh thành đập Aswan (Ai Cập); Amin đảo chánh ở Uganda; 12.000 quân VNCH trong chiến dịch Hạ Lào; hạ thấp tuổi đi bầu ở Hoa Kỳ: 18 tuổi; Hafez al Assad đắc cử tổng thống Syria; trung úy William Calley bị xử chung thân vì vụ thảm sát ở Mỹ Lai; Liên Bang Ai Cập-Lybia-Syria; biểu tình phản chiến ở Washington D.C.; Trung Quốc đại diện cho Trung Hoa tại tổ chức LHQ; Qatar độc lập khỏi sự độ hộ của Anh; Thụy Sĩ công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; Libya quốc hữu hóa các giếng dầu nhượng cho Anh; Kissinger đi Trung Quốc chuẩn bị chuyến viếng thăm của tổng thốngixon.
1983: Nữ thủ tướng Anh, Thatcher, viếng quần đảo Falklands; Jiang Qing (Giang Thanh), vợ của Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông) được chuyển từ án tử hình sang án chung thân; sáng kiến Phòng Thủ Chiến Lược (Star War) của tổng thống Reagan; Nhật khánh thành Disneyland Tokyo; bom nổ trước tòa đại sứ Mỹ ở Lebanon; Ɖức Giáo Hoàng John Paul II viếng Ba Lan, quê sinh quán của Ngài; Syria bỏ rơi lãnh tụ Arafat của PLO (Tổ Chức Giải Phóng Palestine); Liên Sô bắn phi cơ chở hành khách của Nam Hàn trên không phận Tây Bá Lợi Á; Hoa Kỳ xâm lăng Grenada.
1995: Bang giao Hoa Kỳ-Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; Ɖức Giáo Hoàng John Paul II viếng Úc Ɖại Lợi; 1 Mỹ kim: 3,947 rubles (đơn vị tiền tệ Nga); Hoa Kỳ cho Mexico vay 20 tỷ Mỹ kim để ổn định kinh tế; bom nổ ở Oklahoma; cây xúc xích dài nhất thế giới của Canada: 28,77 miles, khoảng 46 km!; bom hơi ngạt nổ dưới đường hầm xe lửa Tokyo; phi thuyền con thoi Atlantis 14; Arafat (PLO) và Rabin (Do Thái) ký thỏa ước chuyển giao West Bank cho PLO; thủ tướng Rabin (Do Thái) bị ám sát chết.
2007: Tổng thống Bush II nhận trách nhiệm về những lầm lẫn ở Iraq và xin thêm quân; Bulgaria và Romania gia nhập Liên Âu; Nancy Pelosi (Dân Chủ) là nữ dân biểu đầu tiên nắm chức vụ Chủ Tịch Hạ Viện; vệ tinh gián điệp thứ tư của Nhật; Yeltsin mất; Ɖức Ɖạt Lai Lạt Ma nhận huy chương vàng của Quốc Hội Hoa Kỳ; cựu nữ thủ tướng Pakistan, Benazir Bhutto về nước và bị ám sát chết; Bà Cristina Fernandez de Kirchner đắc cử Tổng Thống Argentina; vệ tinh Trung Quốc quanh quỹ đạo mặt trăng; vua Juan Carlos chửi Tổng Thống Hugo Chávez của Venezuela: “Tại sao không im miệng?”; tàu chở 154 người chìm khi đụng băng sơn ở phía nam quần đảo Shetland, Argentina.
Nhân vật lịch sử sinh vào năm Hợi
Những yếu nhân trên thế giới sinh vào năm Hợi gồm có: Ronald Reagan (1911-2004), Klaus Fuchs (1911-1988), George Pompidou (1911-1973), Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001), Henry Kissinger (1923- ), Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu, 1923-2015), Shimon Peres (1923-2016), Ɖức Ɖạt Lai Lạt Ma (1935- ), Mahmoud Abbas (Palestine) (1935- ), Vua Hussein của Jordan (1935-1999); Hillary Clinton (1947- ); Gloria Macapagal Arroyo (1947- ), Mitt Romney (1947- ), Dilma Rousseff (Brazil) (1947- ), Mike Pence (1959- ), v.v…
Ronald Reagan (1911-2004)
(https://historiek.net)
Ông là vị tổng thống cao niên nhất khi nhậm chức vào năm 1981 (70 tuổi). Ông là một tài tử chiếu bóng, một nhà bình luận thể thao. Trong đệ nhị thế chiến ông phục vụ trong binh chủng Không Quân với cấp bậc đại úy. Từ năm 1967 đến năm 1975 ông là Thống Ɖốc (Cộng Hòa) của California. Từ năm 1981 đến 1989 ông là tổng thống Hoa Kỳ đại thắng trong hai cuộc bầu cử. Trong cuộc bầu cử năm 1980 ông thắng 45 tiểu bang trên 50, kể cả thành trì của đảng Dân Chủ là California và New York. Ɖối thủ của ông lúc ấy là Tổng Thống Carter (DC). Trong cuộc bầu cử năm 1984 ông thắng phiếu ở 48 tiểu bang trong khi ông Mondale chỉ được hai tiểu bang. Năm 1989 ông được 68% dân chúng công nhận những thành quả do ông mang lại cho Hoa Kỳ: kinh tế phồn thịnh, sự góp phần to tát trong việc chấm dứt chiến tranh lạnh, mạnh tay với đường lối khủng bố của Qadafi (Libya). Nổi tiếng nhất là lời kêu gọi Gorbachev đập bỏ bức tường Berlin. Sự thành công trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông giúp cho phó tổng thống Bush đắc cử dễ dàng trong cuộc bầu cử năm 1988.
Klaus Fuchs (1911-1988)
(www.atomicarchive.com/)
Ông là nhà vật lý Ɖức gia nhập đảng Cộng Sản năm 1932. Khi Hitler nắm chánh quyền năm 1933, ông tìm cách tránh né sự đàn áp của Ɖức Quốc Xã. Ông chạy sang Anh lấy tiến sĩ vật lý ở đó năm 1937. Năm 1942 ông có quốc tịch Anh và sang Hoa Kỳ tham gia vào chương trình nguyên tử của Hoa Kỳ cùng các nhà bác học Anh, Canada và Hoa Kỳ. Ngay từ năm 1944 Klaus đã thông tài liệu nguyên tử cho Liên Sô. Năm 1950 ông bị đưa ra tòa án về tội làm gián điệp nguyên tử cho Liên Sô. Tòa án Anh xử ông 14 năm tù. Ở tù 9 năm, ông được tự do. Ông mất quốc tịch Anh và được cho phép về Ɖông Ɖức. Ông tiếp tục việc nghiên cứu khoa học cho chánh phủ Cộng Sản ở Ɖông Ɖức
George Pompidou (1911-1973)
(https://www.britannica.com/)
Ông là nhà giáo tốt nghiệp École Normale Supérieure ở Paris năm 1931 nhưng chỉ đi dạy vào năm 1934 sau khi được chấm đậu agrégation. George Pompidou có liên lạc với tướng De Gaulle trong đệ nhị thế chiến. Khi De Gaulle trở lại cầm quyền năm 1958, ông làm thủ tướng Ɖệ Ngũ Cộng Hòa từ 1962-1968. Năm 1969 môt lần nữa tướng De Gaulle rút lui khỏi chánh trường sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý. Ông Pompidou trở thành tổng thống thay thế tổng thống De Gaulle. Tổng thống George Pompidou có đường lối hòa dịu với Anh, Hoa Kỳ và NATO hơn tổng thống De Gaulle.
Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001)
(https://commons.wikimedia.org)
Căn cứ vào giấy tờ, năm sinh của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là năm 1923. Nhưng theo tin truyền khẩu thì ông sinh vào năm 1924 (Giáp Tý). Trước cuộc đảo chánh năm 1963 ông là đại tá chỉ huy Sư Ɖoàn V Bộ Binh. Sau cuộc đảo chánh một năm ông được vinh thăng thiếu tướng rồi trung tướng trong quân đội. Vai trò chánh trị và quân đội của ông trở nên sáng chói sau ngày 19-06-1965, ngày quân đội nắm chánh quyền. Ông là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ɖạo Quốc Gia. Năm 1967 ông và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ thành lập một liên danh do ông thụ ủy. Liên danh đắc cử với 37% phiếu bầu. Năm 1971 ông chọn giáo sư Trần Văn Hương làm ứng cử viên phó tổng thống và tướng Trần Thiện Khiêm làm ứng cử viên phó tổng thống dự khuyết. Trong cuộc bầu cử năm 1971 chỉ có một liên danh mà thôi. Hạ tuần tháng tư năm 1975 tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay được một tuần thì trao quyền cho đại tướng Dương Văn Minh. Tướng Dương Văn Minh làm tổng thống được hai ngày thì tuyên bố đầu hàng.
Henry Kissinger (1923- )
(https://www.who2.com)
Ông là người Ɖức gốc Do Thái di cư sang Hoa Kỳ năm 1938 để tránh chánh sách bài Do Thái của Hitler. Từ năm 1943 đến 1946 ông là trung sĩ trong quân đội Hoa Kỳ. Ông là là bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đầu tiên không sinh ở Hoa Kỳ. Hai việc làm nổi bật của ông là:
Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu: 1923-2015)
(https://www.who2.com)
Ông là người lập quốc đảo Singapore năm 1965. Singapore có 75% dân số là người Hoa. Số còn lại là người Ấn Ɖộ và Mã Lai. Một quốc đảo rộng lối 720 km2 với 5,6 triệu dân, Singapore là một quốc gia phồn vinh nhất ở Ɖông Nam Á. Lợi tức đồng niên tính theo đầu người là 61.766 Mỹ kim/năm. Ông biến đảo quốc thành một hợp chủng quốc Hoa + Ấn + Mã, kết hợp hài hòa một đảo quốc nhỏ, đa văn hóa, đa chủng tộc để phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và phương thức quản trị kinh doanh Tây Phương để biến Singapore thành một viên ngọc kinh tế trên thế giới. Ngôn ngữ thông dụng ở Singapore là: Anh, Mã, Quan Thoại và Tamil. Dù là người lập quốc và là người tạo phồn vinh cho Singapore, Lee Kuan Yew không bao giờ xem mình là Cha Già Dân Tộc.
Simon Peres (1923-2016)
(https://www.britannica.com)
Ông là người Do Tháì sinh ở Ba Lan. Cha ông về vùng Ủy Trị Palestine vào năm 1932. Hai năm sau ông Peres về vùng đất nầy. Ông tham gia vào việc thành lập Haganah vào năm 1947. Ɖó là tiền thân của của Quân Ɖội Do Thái sau nầy. Simon Peres là người hiện diện trong chánh quyền Do Thái lâu nhất sau ngày lập quốc năm 1948. Vào đầu thập niên 1950 ông công tác ở Hoa Kỳ. Trong thời gian nầy ông học đại học New York rồi Harvard. Ông giữ nhiều bộ trong chánh phủ Do Thái như bộ Giao Thông Vận Tải (1974-1977), bộ Quốc Phòng (1974-1977, 1995-1996), bộ Tài Chánh (1988-1990), bộ Ngoại Giao (1986-1988, 1992-1995, 2001-2002), hai lần làm Thủ Tướng (1984-1986, 1995-1996) và cuối cùng là Tổng Thống Do Thái từ năm 2007 đến 2014. Ông Peres được lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1994 (giải thưởng chia ba: Rabin/Do Thái, Peres/Do Thái, Arafat/PLO)
.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.