Nguyễn thị Cỏ May
Một hiện tượng lạ đầu năm:
Kinh Coran bán chạy như tôm tươi ở Paris
Dư luận Pháp trong tháng 4 này xôn xao về hiện tượng kinh Coran bán chạy như tôm tươi. Các nhà sách ở Paris đều bán sạch kinh Coran và trong kho cũng cạn kiệt. Độc giả không phải người Hồi giáo mà là người Pháp, cả tín đồ Thiên chúa giáo. Đa số muốn chính mình tìm hiểu Hồi giáo có phải thật sự là một tôn giáo bạo động hay không?
Thật vậy vì có nhiều người tỏ ra sợ hãi phải chăng Coran có dạy khủng bố người Thiên chúa giáo, người Do Thái,... nên người Hồi giáo mới làm khủng bố.
Đó là nỗi lo sợ của một số người Pháp sau vụ 3 công dân Pháp Hồi giáo giết 17 người trong đó có 8 nhà báo ở tòa soạn Charlie hôm đầu tháng giêng vừa qua nhưng không phải đại đa số người Pháp mang chung tâm trạng sợ hãi này. Đa số mua Coran để đọc cho biết thật sự Coran dạy người Hồi giáo những điều gì. Có dạy tình thương, sự bao dung,... giống như Thiên chúa giáo, tôn giáo của Pháp, hay không?
Họ muốn tìm hiểu vì họ không hiểu tại sao những người khủng bố, giết người rùng rợn như cắt cổ, chặt đầu, cắt rời tay chơn trên khắp thế giới đều là người Hồi giáo và nhơn danh Allah.
Sự tàn bạo này làm chấn động xã hội Pháp nơi có đông đảo của khối 5 triệu người Hồi giáo Âu châu đang sanh sống, hưởng rất nhiều quyền lợi xã hội, còn hơn cả người Pháp chánh gốc.
Kinh Coran hiện nay bán nhiều không chỉ ở Pháp, mà cả ở Bỉ và Anh.
Cố gắng tìm hiểu văn hóa Hồi giáo
Nhiều người Pháp ngày càng đọc kinh Coran và nhiều sách vở, báo chí nói về Hồi giáo. Từ sau vụ khủng bố ở tòa báo Charlie Hebdo, kinh Coran và sách viết về Hồi giáo bán nhiều gấp ba lần so với hai tam cá nguyệt cuối của năm 2014. Đó là kết quả đìều tra do hãng tin AFP của Pháp vừa công bố.
Tuy bán nhiều nhưng sách về Hồi giáo vẫn chỉ mới chiếm 1% trong số sách về tôn giáo trên kệ sách của các tiệm sách.
Ngày càng nhiều người Pháp đặt câu hỏi nhưng càng ít thỏa mãn về những câu trả lời khái quát của truyền thông. Tạp chí Triết ấn bản đặc biệt tháng 3-4/2015 về kinh Coran sau vài ngày phát hành đã không còn một tập nào trên các sạp báo ở Paris.
Nhu cầu chung của độc giả Pháp khi mua ấn phẩm về hôi giáo là “tìm hiểu và nắm vững cơ sở” để xây dựng cho chính mình một quan điểm.
Cách tìm hiểu này không vượt khỏi cung cách hàn lâm cố cựu. Mà đây cũng là tập quán của người Pháp khi muốn tiếp cận một biến cố nghiêm trọng.
Chẳng phải thế mà Học viện Collège de France –- một thứ Trung Tâm hiểu biết khoa học của nước Pháp – vừa cho khánh thành “Ban Nghiên cứu kinh Coran” (Une chaire consacrée à l’étude du Coran – Chaire là chiếc ghế ngồi của Giáo sư giảng dạy 1 môn học, có nghĩa là 1 Bộ môn – Có nhiều Giáo sư thật thụ nhưng chưa có ghế vị Giáo sư trưởng Bộ môn, Professeur à chaire, chưa chết nên ghế chưa trống) nhằm tìm hiểu lời dạy của Chúa Trời truyền qua Nhà Tiên tri Mohamed.
Ảnh hưởng biến cố Hồi giáo khủng bố nhà báo Pháp ở Paris hồi đầu năm, Ông Jean Rony, giảng dạy về văn hóa tổng quát cho sinh viên sửa soạn thi ngành Thẩm phán, đã tìm hiểu Coran và thêm vào chương trình về tôn giáo độc thần (religiơns monothéists) của ông.
Cả người Hồi giáo cũng đi mua Coran và đọc tìm hiểu sự thật ở Hồi giáo. Nghĩa là Hồi giáo nhưng chưa bao giờ đọc Coran.
Cũng như những người cộng sản Trung ương đảng và Bộ chánh trị ở Hà nội từ trước giờ vẫn chưa có ai đã đọc qua Mác, như bộ Tư bản luận là kinh điển nền tảng. Nói như vậy nhưng không muốn đề cập tới Đỗ Mười và Nông Đức Mạnh tuy đây là 2 người lãnh đạo đảng nhưng thuộc trường hợp ngoại lệ.
Theo Ông Mansour, Giám đốc nhà xưất bản Albouraq ở ngoại ô Paris, chuyên về sách Hồi giáo, cho biết sách Hồi giáo bán tăng 30% từ đầu năm tới nay. Giống như sau vụ 9/11 ở Nữu Uớc (NY). Ông tin tưởng sách về Hồi giáo sẽ còn bán được nhiều trong tương lai vì tình hình khủng bố, thánh chiến của Hồi giáo chưa có thể kết thúc.
Ông Mansour khuyên những người không phải Hồi giáo đọc Coran sẽ thấy khó hiểu nên cần phải được hướng dẫn. Nên tránh tách rời 1 đoạn ra khỏi toàn bộ. Những người Hồi giáo làm khủng bố đã nhơn danh Coran theo cách diễn dịch này quá máy móc, rất nguy hiểm.
Hiện nay, Pháp đã có hằng trăm thanh niên tự nguyện đi qua Syrie làm thánh chiến. Chúng mua vội quyển “Hồi giáo cho những người không biết gì về Hồi giáo” (L’islam pour les nuls) mang đi để đọc cho bìết Hồi giáo mà chúng đi chiến đấu và sẽ chết.
Coran thật sự nói gì?
Không có Thượng Đế đích thực nào khác ngoài Allah, Muhammad là vị Thiên sứ của Allah.
Nhiều người liên tục tìm hiểu để giải thích ý nghĩa thật sự của Coran để trấn an những người đang mang nỗi sợ hải những cảnh khủng bố do những người Hồi giáo gây ra ngay nơi mình đang sanh sống bình an. Nhưng ai đã hiểu đúng mức nội dung kinh Coran?
Sau vụ tuần báo Charlie Hebdo và một tháng sau ở Copenhague, Đan-mạch, những kẻ khủng bố liền được lãnh tụ Al-Qaida Ayman al-Zawahiri “phong thánh”, đó là những “chiến sĩ dưới cờ của Đấng Tiên tri” đã không tránh khỏi làm cho nhiều người kinh khiếp sự cuồng tín Hồi giáo.
Đứng như Ông Mansour, chủ nhà xuất bản sách Hồi giáo đã nói, “người đọc kinh Coran để tìm hiểu nội dung đích thực là gì thì không khác nào chàng rể ngày cưới vén khăn phủ mặt để nhìn mặt cô dâu là vợ mình mà chẳng bao giờ nhìn ngay được mặt nàng”.
Vì chẳng mấy ai đọc được Coran từ trong cổ ngữ Ba-tư nên nghĩa của Coran thay đổi từ bản dịch này qua bản dịch kia. Vậy đi tìm đọc những bản văn diễn dịch cho dễ hiểu? Nhưng bản văn nào đáng tin cậy?
Hồi giáo, cả Hồi giáo cực đoan đi làm thánh chiến, chẳng có mấy người đọc và hiều quyển sách thánh của họ. Thực tế, chỉ có không quá 5% khả dỉ hiểu được tiếng Á-rập của Coran. Nhưng hiểu ý nghĩa tôn giáo của những biến cố gần đây vẫn chưa đủ bởi còn những vấn đề xã hội, văn hóa và nhứt là địa chánh sâu xa nữa.
Theo nhà Hồi giáo học Jean-Pierre Filiu, không chỉ những người có ác cảm với Hồi giáo do định kiến trích ra một đoạn để phê phán mà cả những người Hồi giáo làm thánh chiến đều chỉ cần chọn 2 trang để hiểu Hồi giáo và diễn dịch Coran như cả quyển Coran được rút gọn. Hai trang đó là cơ sở để dựa lên đó làm cách mạng Hồi giáo nhằm Hồi giáo hóa Âu châu và thế giới, nêu cao ngọn cờ của Đấng Tiên tri và sẵn sàng chết cho Đấng Tiên tri để được lên Thiên đàng, được ban thưởng 72 trinh nữ đẹp.
Những người am tường Hồi giáo và Coran chủ trương phải chia ra làm 2 thời kỳ lúc Mohamed ở La Mecque và Médine để chọn bản văn được viết lúc nào là có giá trị đạo lý tôn giáo thật sự.
Ý tưởng đưa Hồi giáo thoát khỏi vị “Chúa mờ ám” không phải là mới mẻ tuy ngày nay ý này đang trở thành thời sự. Ông Mahmoud Taha, được xem như thánh Ghandi của Á-rập Saoudite, chủ trương trong thập niên 70-80, nên phân bìệt tách bạch 2 giai đoạn trong đời sống của Mohamed. Lúc sống ở La Mecque, ông sáng lập Hồi giáo trên căn bản trách nhiệm con người. Khi lánh nạn ở Médine, ông trở thành lãnh chúa chiến tranh. Ông Taha đề nghị bỏ phần Coran của giai đoạn này vì nó không có giá trị xuyên thời gian. Phần Coran của giai đoạn trước mới có giá trị thật sự tôn giáo và những giá trị phổ quát. Lập tức ông bị treo cổ trước công chúng. Gần đây, năm 2007, Bà Lubna Hussein, người xứ Soudan, tiếp tục đòi hỏi canh tân thần học cho Hồi giáo bị phạt 40 cú roi nhưng với lý do bà dám mặc quần đi trong thành phố Khartoum. Những đòi hỏi đổi mới tư tưởng Hồi giáo xuất hiện rầm rộ ở những cuộc biểu tình Mùa Xuân Á-rập năm 2011.
Cho tới nay, mọi ý kiến tìm hiểu khoa học Hồi giáo và Coran đều không thể thực hiện được. Triết gia Yousef Neđick, người Tunisie, gọi hiện tượng “bất khả xâm phạm” đó là một cổ máy giáo điều vĩ đại và kiên cố.
Có lẽ cộng sản ở Việt nam học theo Hồi giáo bảo vệ cỗ máy giáo điều của họ!
Coran bị hiểu theo thực tế
Trước những vụ khủng bố dồn dập và thánh chiến tàn bạo ở Cận đông do người Hồi giáo chủ trương, nhiều người tìm hiểu Hồi giáo và Coran đã phải chấp nhận ý nghĩa tiêu cực Coran là một văn kiện tuyên bố chiến tranh thôn tính và Hồi giáo không phải là một tôn giáo đơn thuần mà là một hệ thống bản chất độc tài tai hại cho dân chủ, cho hòa hợp quốc gia, cho bình đẳng nam/nữ, cho tự do diễn tả và cho quyền không tín ngưỡng. Hồi giáo không thể chấp nhận một nền Cộng hòa và Dân chủ phổ quát.
Về nội dung Coran, Ông Alain Franquignon, tốt nghiệp Cao Đẳng sư phạm, thạc sĩ Văn chương, đã đọc kỹ Coran và lược ra vài nhận xét căn bản. Coran nặng về chiến tranh hơn tình yêu thương. Hăm dọa để người sợ hãi đứng về phía người hăm dọa.
Tác giả Coran say mê quyền lực, với bất cứ giá nào cũng phải thống trị, trừng phạt, thanh toán,...
Trong 58.562 chữ chánh yếu, chữ “tình yêu” xuất hiện 10 lần: 3 lần để nói Allah thương tín đồ, 2 lần nói tín đồ thương Allah, 4 lần về sự giàu có, 1 lần nói phụ nữ thương đàn ông.
Riêng động từ “yêu” xuất hiện 55 lần để nói Allah yêu tín đồ, kẻ ngay thẳng, trung thành với Hồi giáo, kẻ ngoan đạo, kẻ tin Allah.
Đặc tính của Coran là không giải thích mà quả quyết, dạy phải sợ Chúa Trời và làm cho người khác cũng biết sợ theo. Chúa Trời sẽ phạt người đang sống ở thế gian có tội.
Bà Christine Tassin, Thạc sĩ Cổ văn, sau thời gian dài đọc tìm hiểu nội dung Coran và theo dõi tình hình thực tế Hồi giáo, tự hỏi “nếu không có Coran thì liệu người Hồi giáo sẽ không khủng bố và làm thánh chiến nữa hay không?”.
Nguyễn thị Cỏ May