Nguyễn thị Cỏ May
Khi Việt nam và Tàu “một Tổ quốc, một Văn hóa”
.
Trong gần đây, nhiều người nói tới năm 2020, Việt nam sẽ lệ thuộc Tàu (*) vì sẽ trở thành “một vùng tự trị” hay “một tỉnh lẻ” của Tàu. Khi nói về ngày mai này, người ta nhắc lại “Hội nghị Thành Đô” tuy văn bản qui định việc này, không biết có ai thấy không?
Nhưng nói về “ảnh hưởng đậm”hay “lệ thuộc” Tàu thì trong nhiều sách vở và báo chí của chế độ, không thiếu những lời như “Việt nam và Trung quốc sông liền sông, núi liền núi” hoặc “môi hở răng lạnh” và, nhứt là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, hay lời của Trường Chinh kêu gọi người Việt nam hãy bỏ chữ quốc ngữ vì chữ này là của thực dân đem tới, không phải chữ của ta, hãy trở về học chữ hán (**), còntrongsách vở xưa, thì “Việt nam và Tàu đồng văn, đồng chủng”. Thực tế sẽ ra sao, chúng ta hãy chờ trả lời. Chỉ còn 2 năm nữa mà thôi.
Ngày nay, có điều chắc chắn, rõ ràng, ai cũng có thể ghi nhận không cần bàn cãi là hướng đi của Việt nam do đảng cộng sản lèo lái vẫn lấy Tàu làm khuôn vàng thước ngọc. Việt nam phải giống Tàu, phải bám theo sát Tàu. Tập Cận-bình là chuẩn mực. Qua 2 lần tuyên bố của Trọng, vào tháng 1-2018, trước Quốc Hội và đông đảo các nhà báo: “những đảng viên đòi đa nguyên đa đảng, từ bỏ xã hội chủ nghĩa, đòi thực hiện Tam quyền phân lập là bị tác động bởi bọn phản động, phải bị khai trừ ra khỏi đảng”, và tiếp theo, trong tháng 7, nặng lời hơn: “Những kẻ đòi đa nguyên đa đảng, từ bỏ CNXH, đòi Tam quyền phân lập, đều là bọn bất hảo” (chớ không phải kẻ có lý luận như Trọng), ai cũng nhận thấy đường lối lệ thuộc Tàu của Trọng thể hiện rất rõ: “Việt nam với Tàu là một. Một chế độ, một văn hóa…”.
Giờ đây, chúng ta thử hình dung cái “một” đó là gì, như thế nào, qua chánh sách của Tập Cận-bình?
Không thể dân chủ hóa chế độ
Theo Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chuyên viên về Tàu, nhận xét mang tính kết luận “Ở Tàu, cá nhơn làm giàu và tiêu thụ là ưu tiên, trước sự cần nới rộng tự do và những quyền chánh trị “.
Trong quyển sách mới xuất bản (Demain la Chine: Démocratie ou Dictature?, Gallimard, Paris, 3/2018), ông Cabestan cho rằng khả năng của dân chúng tàu thích nghi và sự đồng thuận trong nội bộ đảng cộng sản để duy trì quyền lực là sẽ không cần phải thay đổi chế độ hiện tại. Mặc dầu như vậy là không phù hợp với xu thế thời đại, xung đột mạnh với nền dân chủ tây phương. Nhiều học giả Tàu cũng lo ngại nghĩ rằng chánh trị và xã hội được tự do để lần lần sẽ dân chủ hóa chế độ là điều khó tránh làm cho đất nước bị xáo trộn, mất ổn định.
Sau Đại hội đảng cộng sản tàu thứ XIX đưa Tập Cận-bình lên làm Hoàng đế Tàu suốt đời, phân tách những khả năng thích nghi và đổi mới của một chế độ, ông Cabestan quả quyết Tàu “không thể dân chủ hóa” được. Chẳng những “dân chủ hóa không thể được”, mà ông còn cho đó, đúng hơn, là một “chế độ độc tài”.
Nói đó là một chế độ độc tài vì quyền lực thật sự được thể hiện ở con người Tập Cận-bình, đứng đầu một đảng duy nhứt cai trị nước Tàu theo một mô hình đổi mới độc đoán.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều nước cộng sản đã lần lượt thay đổi theo dân chủ. Nhưng Tàu là trường hợp khá đặc biệt. Ngoại lệ chăng? Liệu Tàu sẽ đứng vững được bao lâu khi Tàu hoàn toàn không nghĩ tới từng bước tiến lên theo hướng dân chủ trong lúc thế giới tranh chấp nhau với những ý hệ ngày càng công khai?
Tập Cận-bình chủ trương mở cửa ra thế giới, tiếp xúc với những nước dân chủ nhưng vẫn chống lại những nước này, tìm cách áp đặt tương quan lực lượng có lợi cho mình. Tập tìm cách xuất cảng mô hình tàu ra thế giới, nhứt là nhắm những nước kém mở mang. Không phải chỉ để bảo vệ chế độ hay củng cố tính chánh thống của chế độ, mà đó chính là tham vọng bá chủ thế giới của Tập Cận-bình.
Khi nói dân chủ, người Tàu cũng nói họ có dân chủ. Chế độ ở Tàu của họ là chế độ dân chủ. Thứ dân chủ tốt hơn dân chủ tư bản cả vạn lần. Nhưng thứ gọi là dân chủ ở Tàu đó lại từ chối nhơn quyền, từ chối những quyền căn bản như quyền bầu cử tự do, quyền lập đảng, tự do thông tin, tự do phát biểu, công khai ngân sách của đảng cộng sản,…
Đừng quên mô hình độc tài của Liên-xô. Chế độ tàu là một copie lénino-staliniste: 1 đảng duy nhứt lãnh đạo toàn diện và triệt để, chọn đảng viên “ưu tú” (cốt cán) cầm quyền, đàn áp mọi chống đối, nhứt là không tha những người có ý muốn thay đổi chế độ theo dân chủ tự do thật sự.
Kinh tế phát triển, Tàu sẽ thay đổi theo dân chủ?
Tuy ngày nay, chế độ độc tài ở Tàu không còn như trước khi bức tường bá linh sụp đổ nhưng đó vẫn là một chế độ cực kỳ phản động. Thật ra chế độ cộng sản là phản động.
Nhiều nhà phân tách cho rằng tham nhũng và khủng hoảng kinh tế như tăng trưởng xuống, công nợ tăng, thất nghiệp đông, sẽ làm cho chế độ sụp đổ. Thật ra khả năng thích nghi của dân chúng sẽ giúp chế độ tồn tại. Nhứt là giới dân chúng biết dựa vào chế độ làm giàu vẫn là lực lượng bảo vệ chế độ vững mạnh. Đồng thời Tập quan tâm thực hiện những thay đổi kinh tế nhưng vẫn lo sợ những nhà đầu tư tư nhơn sẽ gây ra nhiều rủi ro cho chế độ nên Tập càng kiểm soát đảng chặt chẽ hơn.
Ngày nay, Tập biết mình có nhiều kẻ thù nên Tập phải tìm cách nắm trọn quyền lãnh đạo trong tay suốt đời. Buông đảng ra là chết. Chỉ yên tâm khi nào Tập loại được hết kẻ thù, đào tạo một thế hệ nối tiếp biết trung thành với Tập. Nhưng liệu toan tính này có vượt quá tầm tay một cá nhơn hay không?
Tóm lại, nhìn vào thực tế ở Tàu, người ta thấy rõ đó là chế độ độc tài nhưng sẽ bền vững nhờ ở khả năng biết thích ứng của đảng, kiểm soát được xã hội, và dân chúng thấy yên lòng, sống được, còn có lắm kẻ làm giàu. Điều này trước đây, mơ cũng không có. Và hơn hết, dân Tàu không biết dân chủ, văn hóa tàu không có dân chủ. Người Tàu chỉ biết mong đợi ở một minh quân nên ở Tàu không có sự đòi hỏi dân chủ, tự do quan trọng trong dân chúng.
Tàu và Việt nam là “một”, thì hi vọng chế độ ở Việt nam sẽ thay đổi chỉ khi nào dân chúng việt nam hiểu dân chủ, cần đòi hỏi dân chủ, để tự mình cai trị chính mình, tự mình giữ gìn và bảo vệ đất nước nguyên vẹn cho mình.
Về văn hóa, tuy ngày xưa, học chữ nho, học văn hóa tàu nhưng cái học đã được việt hóa rất căn bản nên giữa 2 nền văn hóa vẫn có nhiều khác biệt.
Một Văn hóa
Những người học chữ nho thời xưa theo lối nhồi sọ của Tống nho, không kịp suy nghĩ, đều nằm lòng Việt nam và Tàu “đồng văn, đồng chủng”. Trân trọng chữ tàu vì đó là chữ của thánh hiền. Thấy một miếng giấy chữ tàu lăn lóc trên mặt đất vội lượm lên đem đốt. Không dám bỏ bậy.
Ngày nay, chữ tàu, tiếng tàu bắt đầu xuất hiện ở Việt nam rộng rãi với một ưu thế mới. Học tiếng tàu như một ngoại ngữ là bình thường, không mang ý nghĩa lệ thuộc văn hóa. Nhưng nếu người Việt nam tiếp thu văn hóa tàu theo tinh thần tống nho thì sự lệ thuộc này mới kinh khủng hơn mất đất do dời cột mốc biên giới, mất đảo, mất biển,… Mất văn hóa là mất chính người Việt nam!
Thật ra văn hóa tàu có mặt đẹp của nó nên nó mới tồn tại tới ngày nay. Nhưng về chánh trị, Tàu có những tấm gương tuân phục vua/tôi vô cùng rùng rợn. Khi lệ thuộc văn hóa thì dĩ nhiên Việt nam sẽ phải được học thứ văn hóa chánh trị này để thể hiện ý nghĩa “một văn hóa” theo chánh sách xâm lược cố hữu của Tàu..
Đây, Cỏ May tôi xin kể một câu chuyện lịch sử tàu để minh họa thứ văn hóa chánh trị ghê rợn của Tàu.
Chuyện kể:
“Vua Tề hoàn Công nhờ có Quản Trọng, Bão thúc Nha và nhiều trung thần hào kiệt giúp sức nên đã dựng lên cơ nghiệp bá vương, xứ sở cường thạnh, dân chúng ấm no. Quản Trọng được mọi người kính trọng và biết ơn, Tề Hoàn Công đã coi ông như một người cha và luôn gọi ông là Trọng Phụ, và không cho phép mọi người gọi tên húy hoặc tên thật của Quản Trọng. Cùng làm việc trong cung đình, còn có nịnh thần như Thụ Điêu, Dịch Nha và Khai Phương.
Thụ Điêu thì tự thiến mình để xin vào cung hầu hạ, vì thế vua rất cảm động và thương yêu cách đặc biệt.
Dịch Nha có tài nấu ăn và là người nấu ăn riêng của vua. Một hôm vua nói, các món sơn hào hải vị và trân châu bát bửu ta đều đã dùng qua, có món đã làm ta thật chán. Chỉ duy có món thịt người là ta chưa được nếm thử bao giờ.
Ngay ngày hôm sau, Dịch Nha liền dâng lên vua một món thịt chế biến rất hấp dẫn. Ăn xong, nhà vua hết lời khen ngon và hỏi thịt gì. Dịch Nha nói, đó là thịt đứa con 3 tuổi của hạ thần”.
Thứ văn hóa chánh trị tuân phục vì quyền lợi riêng tư này thật kinh khủng. Ngày xưa, để làm vui lòng nhà vua mưu cầu quyền lợi cho mình, Dịch Nha đã không ngần ngại làm thịt con dâng cho nhà vua đổi món ăn. Điều này, về ý nghĩa chánh trị, không khác gì lắm khi trước đây Hồ Chí Minh đã long trọng “sông liền sông, núi liền núi” và “môi hở răng lạnh”, theo sát tàu, trước sau chỉ nhằm thực hiện tham vọng lãnh tụ, phục hận quá khứ gia đình. Tới Lê Duẩn xua mười triệu thanh niên Việt nam vào lửa đạn (***) cũng chỉ để “phục vụ Liên-xô và Trung quốc”. Ngày nay, Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản sẵn sàng đem đất nước dâng cho vua tàu Tập Cận-bình để đổi lấy sự giàu có.
Bắt đầu từng bước thực hiện thứ văn hóa chánh trị tuân phục, Trọng đã mở rộng cửa cho Tàu tràn ngập qua Việt nam, cho thiết lập khắp nơi nhà máy Tàu thải chất dơ phá hủy môi trường đất nước, bán những vùng đất quan trọng về chiến lược cho Tàu khai thác đời đời.
So sánh với giết con, tự thiến của thời xưa để được làm quan thì tội ác của Hồ Chí Minh, của Lê Duẩn, của Nguyễn Phú Trọng sau này mới thật là tày trời hơn cả vạn lần. Đặc tính của thứ văn hóa chánh trị tàu xưa nay vốn ác. Nhìn lại chế độ Mao để đừng quên có 80 triệu người Tàu chết, từ vạn lý trường chinh, những bước đại nhảy vọt đến cách mạng văn hóa. Vậy khi Việt nam lệ thuộc Tàu, cái ác đó chắc chắn sẽ được đem áp dụng ở Việt nam để giữ sự lệ thuộc, đời sống dân chúng sẽ lầm than đến đâu? Như dân Tây Tạng, dân Duy Ngô Nhĩ?
.
Nguyễn thị Cỏ May
————————————
Ghi chú:
(*) Khi nói Việt nam sẽ bị lệ thuộc Tàu, rất nhiều tác giả việt nam dẫn chứng “lời” của Hồ Chí Minh nói với Đại diện của Mao Trạch-đông là 2 Tướng Trần Canh và Vị Quốc Thanh năm 1926 và bốn năm sau, năm 1930, nhơn lúc thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, được Hồ Chí Minh lập lại một lần nữa với Tổng Lý Chu Ân Lai: “Việt Nam và Trung Quốc tuy hai mà một. Một dân tộc. Một Nền văn hóa. Một phong tục. Một tổ quốc. Nếu giúp chúng tôi thắng Pháp, thắng Nhật, thắng tất cả bọn tư bản vùng Đông Nam Á, nắm được chính quyền, thì nợ viện trợ sẽ hoàn trả dưới mọi hình thức, kể cả cắt đất, cắt đảo, lùi biên giới nhượng lại cho Trung Quốc, chúng tôi cũng làm, để đền ơn đáp nghĩa….”.
Rất tiếc xuất xứ của lời này không được rõ ràng lắm. Hơn nữa, năm 1926, chỉ có chế độ thực dân pháp ở Việt nam.
(**) Trường Chinh, Tổng Bí thư đảng Lao Động, Văn thư số 284/LĐ đang trên Nhựt báo Tiếng Dội, 5/1951, Sài gòn.
(***) Duẩn vâng lệnh Mao làm chiến tranh biển người. Lý thuyết chiến tranh biển người của Mao là “Càng nhiều người bị giết, cách mạng càng thành công” (D. Acemoglu và J.A. Robinson, “Tại sao các quốc gia thất bại”, NXB Trẻ, 2013, trang 545).
Về mười triệu người chết trong chiến tranh do Lê Duẩn gây ra được bà 7 Vân, vợ 2 của Duẩn, xác nhận trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Xuân Hồng (BBC). Bà 7 Vân nói thêm nếu Tàu không giúp, Lê Duẩn sẽ phải hi sanh thêm nữa, để giải phóng cho được Miền nam.