Phạm Ðình Lân
Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước năm 1911?
…Một thanh niên thích ăn mặc đẹp (com-lê, cà-vạt, nón nỉ của thời trang thập niên 1920) và tự đặt cho mình tên Pháp Paul Tất Thành với lời hứa sẽ trở nên hữu ích cho nước Pháp có đủ điều kiện đủ và cần để yêu nước và tìm đường cứu nước hay không?...
Năm 1911 nhà cách mạng Phan Châu Trinh rời nơi an trí ở Mỹ Tho để đi Pháp. Tháng 10 năm 1911 cách mạng Tân Hợi bùng nổ ở Trung Hoa chấm dứt 268 năm đô hộ của nhà Mãn Thanh (1644-1912). Vào năm nầy Nguyễn Tất Thành tìm được một công việc lao động dưới tàu Amiral Latouche Tréville để rời Sài Gòn sang Pháp. 34 năm sau người thanh niên lao động dưới tàu này trở thành người khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Các sử gia Cộng Sản xem đây là cuộc tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh).
Như chúng ta đã biết thân mẫu của Hồ Chí Minh, bà Hoàng Thị Loan, chết trong nghèo khổ năm 1900 khi thân sinh của ông, Nguyễn Sinh Huy hay Sắc chưa đậu phó bảng để được bổ nhiệm ra làm quan. Ông Nguyễn Sinh Huy là người đồng huyện Nam Đàn, đồng tỉnh Nghệ An với nhà cách mạng Phan Bội Châu. Nhưng không thấy các tài liệu lịch sử khác với sử liệu Cộng Sản nói về ông Nguyễn Sinh Huy với các phong trào cách mạng vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Phan Bội Châu đậu giải nguyên nhưng dấn thân vào con đường cách mạng trong khi ông Nguyễn Sinh Huy vẫn còn kỳ vọng vào lối học cử nghiệp. Năm 1901 ông đậu phó bảng cùng khóa với Phan Châu Trinh và cùng làm việc trong bộ Lễ với nhà cách mạng duy tân nầy. Phan Châu Trinh rũ áo từ quan để làm cách mạng và bị án tử hình năm 1908 vì những cuộc biểu tình chống sưu thuế mà lịch sử thời bấy giờ gọi là loạn đầu bào. Ông Nguyễn Sinh Huy (1) và con (Hồ Chí Minh) đang học Quốc Học không hề tham gia vào cuộc biểu tình chống sưu thuế ở các tỉnh miền Trung năm 1908 mà các quan lại Nam triều gọi là loạn đầu bào vì người biểu tình hớt tóc ngắn trước khi đi biểu tình. Nếu có thì ông đã bị tòa án Nam triều xử tử hình hay bị án lưu đầy Côn Đảo như Tiểu La Nguyễn Thành, Huỳnh Thúc Kháng... chớ đâu được bổ làm tri huyện Bình Khê năm1909. Ông Hồ Chí Minh bỏ học năm 1910 khi cha ông bị mất chức tri huyện vì lý do gì chớ không phải vì lý do chánh trị. Nếu vì lý do chánh trị ông không được tự do để đi vào Sài Gòn và sống bằng nghề bốc thuốc ở đó. Sau đó ông rời Sài Gòn và sống phiêu bạt vài nơi ở Nam Kỳ trước khi được một điền chủ giàu có và giàu lòng hào hiệp đưa về sống ở Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc.
Việc ông Hồ Chí Minh tìm được một công việc dưới tàu để xuất ngoại là một sự tình cờ khả dĩ giúp ông thực hiện mộng viễn du hải hồ của tuổi thanh niên. Khi ông bỏ Huế đi về phương Nam ông đâu có nghĩ đến việc tìm một công việc dưới tàu để đi tìm đường cứu nước. Bằng chứng là ông ghé Phan Thiết và tìm một công việc giảng dạy cho trường tiểu học Dục Thanh (2). Công việc nầy không thể nuôi sống ông được nên ông nghĩ đến việc vào Sài Gòn. Vào Sài Gòn ông nghĩ đến việc xin học trường kỹ thuật. Kế hoạch chưa thực hiện thì ông tìm được một công việc trên tàu Amiral Latouche Tréville. Chung qui mọi việc đối với Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ chỉ hướng vào việc tìm công việc làm hay học một nghề để kiếm sống chớ đâu có nghĩ đến những chuyện cứu nước xa vời ngoài khả năng của ông và không hợp với hoàn cảnh thiếu thốn trước mắt của ông. Thật là gượng ép nếu cho rằng ông ra đi tìm đường cứu nước như các tài liệu lịch sử Cộng Sản vẫn nói hay bài hát Từ Thành Phố Này Người Đã Ra Đi diễn tả.
Vấn đề bức thiết trước mắt một người thanh niên cô đơn bị sự nghèo đói đe dọa là đi tìm được công việc làm dưới tàu để sống và được viễn du miễn phí hay để đi tìm đường cứu nước?
Nếu ông đau lòng vì cảnh nước mất nhà tan, vì sự đô hộ của ngoại nhân, sao ông không tìm cách tham gia vào các phong trào cách mạng trong và ngoài nước như cuộc đấu tranh võ trang của Hoàng Hoa Thám (3) ở Yên Thế hay của Phan Bội Châu, Cường Để với Việt Nam Quang Phục Hội ở Guangzhou (Quảng Châu). Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong tức Lê Huy Doãn là những thanh niên trẻ hơn ông đã vượt biên sang Lào, Xiêm La để tìm đường sang Trung Quốc hầu tham gia vào những hoạt động cách mạng.
Một thanh niên 21 tuổi với trình độ học vấn giới hạn như Hồ Chí Minh lúc bấy giờ có hoài bão sẽ làm gì để cứu nước khi đến Pháp? Ông đã làm gì từ khi đến Pháp, Hoa Kỳ, Anh ngoại trừ những công việc lao động để mưu sinh hay gởi thơ xin chánh phủ Pháp thâu nhận vào Trường Thuộc Địa (École Coloniale) với lời hứa sẽ trở nên ‘hữu ích’ cho nước Pháp và xin các quan thuộc địa Pháp can thiệp với chánh phủ Nam triều cho thân sinh ông được phục chức?
Một thanh niên thích ăn mặc đẹp (com-lê, cà-vạt, nón nỉ của thời trang thập niên 1920) và tự đặt cho mình tên Pháp Paul Tất Thành với lời hứa sẽ trở nên hữu ích cho nước Pháp có đủ điều kiện đủ và cần để yêu nước và tìm đường cứu nước hay không?
Ý thức chánh trị của Hồ Chí Minh nẩy nở mạnh mẽ từ khi về Paris năm 1917 và sống gần Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền. Bút hiệu Nguyễn Ái Quấc, bí danh Hồ Chí Minh và những bài xã luận, những cuốn sách Le Dragon de Bambou (Con Rồng Tre), Le Procès de la Colonisation Française (Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp), Yêu Sách Tám Điểm đều không thuộc về Nguyễn Tất Thành nhưng được ông mạo nhận. Cách hành văn, từ ngữ chánh trị và luật pháp dùng trong những bài viết, yêu sách tám điểm hay hai cuốn sách nói trên đều đòi hỏi tác giả phải có kiến thức rộng rãi và trình độ học vấn uyên bác. Trình độ Pháp Văn của ông chỉ đủ giao dịch chớ không đủ để viết sách. Bằng chứng là trong cuộc phỏng vấn của một nhà báo Pháp năm 1964, ông hỏi một người Việt Nam (không thấy mặt trong video) động từ sa lầy trong tiếng Pháp là gì và được trả lời là s’enliser. Hồ Chí Minh không hội đủ những điền kiện ngôn ngữ lẫn kiến thức chánh trị và luật pháp để hoàn thành những công trình văn hóa, chánh trị nói trên nên không thể nói việc ông ngồi tàu Amiral Latouche Tréville sang Pháp năm 1911 là đi tìm đường cứu nước được.
Nếu ông đủ sức viết Yêu Sách Tám Điểm hay các cuốn sách bằng Pháp ngữ nói trên thì tại sao ông ngơ ngác không hiểu các đại biểu trong đại hội Tours thảo luận về Đệ Nhị Quốc Tế và Đệ Tam Quốc Tế và phải hỏi:
“Quốc Tế nào giải phóng dân tộc thuộc địa?”
Nếu ông tìm đường cứu nước và hiểu được tham vọng thật của Lenin là tạo một đế quốc rộng lớn khắp hoàn cầu mà không cần phi cơ, tàu chiến, đại bác hay xương máu quân sĩ xâm lăng thì ông đã không gia nhập đảng Cộng Sản Pháp năm 1920.
Nếu Hồ Chí Minh là người yêu nước, ông nghĩ sao khi Stalin ủy nhiệm cho đảng Cộng Sản Pháp giám sát đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1936 nghĩa là một năm sau khi Pháp và Liên Sô ký hiệp ước tương trợ hỗ tương?
Ông nghĩ sao khi Stalin không công nhận chánh phủ của ông năm 1945, không để ý gì đến lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của ông ngày 19-12-1946 và cũng không có một lời giúp cho nước VNDCCH gia nhập Liên Hiệp Quốc? Ông Hồ Chí Minh có biết Liên Sô và Pháp ký hiệp ước liên minh và tương trợ hỗ tương 20 năm ngày 10-12-1944?
Ông nghĩ sao khi thủ lãnh đảng Cộng Sản Pháp (Hồ Chí Minh là đảng viên đảng Cộng Sản Pháp năm 1920) là Maurice Thorez, người tố cáo ông với Stalin rằng ông thuộc khuynh hướng Trotskyite năm 1933, tán đồng chủ trương tái chiếm thuộc địa của Charles de Gaulle để biểu dương sự vĩ đại của Pháp khi ông làm phó thủ tướng (1946)?
Maurice Thorez khen Sainteny tạo sức ép buộc Hồ Chí Minh phải ký hiệp ước sơ bộ 06-03-1946 và nói rằng nếu Hồ Chí Minh không thi hành sơ ước thì dùng súng bắt ông phải thi hành.
Marius Moutet, một đảng viên đảng Xã Hội và tổng trưởng Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại, đã giúp gì cho Hồ Chí Minh với bản tạm ước mà ông đã nài nỉ Moutet ký ngay tại giường ngủ đêm 14-09-1946 khi ông này còn mặc đồ ngủ?
Dù là Cộng Sản, Xã Hội hay hữu phải, Maurice Thorez, Marius Moutet, Charles de Gaulle chỉ nghĩ đến quyền lợi của nước Pháp cũng như Stalin lo cho quyền lợi của Liên Sô trong khi ông Hồ Chí Minh chỉ nghĩ đến Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản để dẫn dắt nước Việt Nam đến Thế Giới Đại Đồng với:
Tôi dắt năm châu đến đại đồng.
Cho rằng ông Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước tức là lấy QUẢ để giải thích NHÂN. Ông không tìm đường cứu nước Việt Nam. Chỉ có Liên Sô thành công trong việc đào tạo một người phục vụ hăng say, đắc lực và kiến hiệu cho Liên Sô như ông. Ông há không gọi người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn từng đánh bại quân Nguyên (Yuan), quân đội đã chinh phục Trung Hoa, Nga, Ấn Độ và tiến quân đến tận Đông Âu, bằng BÁC và gọi Lenin bằng CHA, THẦY, CỐ VẤN VĨ ĐẠI với một bức tượng khổng lồ đứng sừng sững giữa thủ đô Hà Nội? Năm 1924 ông khóc thét khi nghe tin Lenin mất nhưng không nhỏ lệ khi nghe tin cha ông mất năm 1929 tại Cao Lãnh. Như vậy ông vì nước nào? Việt Nam? Hay Liên Sô?
Phạm Ðình Lân, F.A. B.I.
_____________________________
Ghi chú:
(1) Nguyễn Sinh Huy hay Sắc (1863-1929) là thân sinh của Nguyễn Sinh Cung tức Nguyễn Tất Thành tức Hồ Chí Minh sau nầy. Ông đậu phó bảng năm 1901 và làm quan ở bộ Lễ, Huế. Năm 1909 ông làm tri huyện Bình Khê, Bình Định. Năm 1910 ông bị cất chức. Lý do cất chức không được rõ. Theo Daniel Hemery trong quyển De I’Indochine au Viêt Nam, ông Sắc bị cắt chức vì tội hung bạo đánh chết một tù nhân khi say rượu.
(2) Trường Dục Thanh ở Phan Thiết là trường tiểu học tư thục có lối 70 học sinh lúc bấy giờ. Trường được thành lập bởi các chủ hãng nước mắm tại địa phương như là sự hưởng ứng lời kêu gọi duy tân của Phan Châu Trinh.
(3) Hoàng Hoa Thám hay Trương Văn Thám (?-1913) còn được biết dưới biệt danh Đề Thám (Đề: đề đốc. Thực sự ông không được phong chức nầy), khởi nghĩa chống Pháp ở Yên Thế, Bắc Giang từ năm 1885 đến 1913. Ông bị Lương Tam Kỳ phản bội giết ông khi đang ngủ và chặt đầu nộp cho người Pháp để lấy tiền thưởng.