Nguyễn thị Cỏ May
Hòa-lan, Vương quốc của xe đạp
Xe đạp có thùng, một phương tiện đưa đón trẻ tới trường, phổ thông nơi những thành phố lớn ở Hòa Lan. Thùng xe có đủ chỗ cho 2 bé ngồi, với cặp sách để phía trước
Cỏ May đã tới Hòa-lan ngay từ những năm đầu 80 của thế kỷ trước khi người Việt nam tới tỵ nạn ở đây đông đảo.
Nay, Cỏ May trở lại Hòa-lan, ở tại trung tâm Amsterdam khá lâu, nên có thì giờ làm quen với Hòa-lan nhiều hơn. Truớc khi quen biết những thứ khác, Cỏ May nghĩ nhiều người tới Hòa-lan chắc ai cũng sẽ kinh ngạc trước khối lượng xe đạp kiểu xưa xẻ dọc, xẻ ngang xứ Hòa-lan và người đi bộ phải cẩn thận tránh tai nạn lưu thông xe đạp, chớ không phải xe hơi như ở Pháp.
Hòa-lan / Hà-lan
Khi nghe Hà-lan thay vì Hòa-lan thì biết ngay người nói đó phải từ Miền Bắc cộng sản chớ không phải người trong Miền nam. Thật ra Hà-lan đã phổ biến trước đây. Trong các sách đều viết Hà-lan. Ở Miền nam từ sau 54, báo chí, sách vở bỗng thay đổi, viết lại là Hòa-lan. Và từ đó, mọi người quen gọi là Hòa-lan và đinh ninh cách gọi tên nước Hòa-lan là chính xác.
Mà Hòa-lan hay Hà-lan cũng đều chuyển âm từ tiếng hán việt chữ Hollande nhưng người Tàu đọc Hollande theo phiên âm Tàu là Hà-lan (Hé-lén). Việt nam thường mượn phiên âm của Tàu đọc lại bằng hán việt mà không nghĩ nó sai lạc với chữ gốc mấy độ xa. Như “France” thành “Pháp-lang-sa”, rồi chỉ còn “Pháp” ngắn gọn mà người Việt nam nào cũng hiểu.
Gọi xứ Hòa-lan / Hà-lan phiên âm từ Hollande lại cũng không đúng vì La Hollande theo người Pháp gọi không đúng nhưng rất quen thuộc. Vì Hollande chỉ là 2 tỉnh, chia làm Hollande Bắc và Hollande Nam vào giữa thế kỷ XIX, trong 12 tỉnh họp thành nước “Hòa-lan / Hà-lan” ngày nay. Trong lịch sử, chỉ gọi Hòa-lan/Hà-lan – Hollande là đúng và thống nhứt. Đó là vào đầu thế kỷ XIX khi Napoléon làm vua Hollande. Gọi cho đúng tên, phải là “Xứ-Thấp” – “Pays-Bas” hay “Nederland” có nghĩa là đất thấp theo tiếng Hòa-lan. Và đầy đủ thì phải nói “Vương quốc Xứ-Thấp” (Le Royaume des Pays-Bas). Vì Hòa-lan / Hà-lan, theo Hiến pháp, chỉ là một phần của Xứ-Thấp (Pays-Bas) mà thôi.
Gọi Hòa-lan là Xứ-Thấp vì thế đất của Hòa-lan không chỉ thấp dưới mặt biển mà còn phẳng lì, không có lấy một chỗ cao khả dĩ phụ nữ Hòa-lan không thể bước qua khỏi nên dân Hòa-lan phải tìm cách đặt tên thành phố thành đồi núi. Từ đó, Hòa-lan trở thành nước cũng có nhiều núi như:
– Driebergen hay Ba Núi (Drie: 3, berg: núi, bergen: nhiều núi) là thị xã nhỏ bên cạnh tỉnh Utrecht (nằm giữa Hòa-lan),
– Bergen op Zoom hay Dãy Núi Ở Bìa Rừng (Bergen: dãy núi, op: ở trên, zoom: bìa, mé rừng) là thị xã nằm sát biên giới Bỉ,
– Zevenbergen hay Bảy Núi (Zeven: 7, bergen: nhiều núi) là một xóm nhỏ thuộc thị xã Etten-Leur gần Breda.
Hòa-lan/Hà-lan, Vương quốc xe đạp
Ai tới Hòa-lan đều khó tránh bị ngạc nhiên trước cảnh xe đạp nhiều hơn xe hơi. Hòa-lan có 16,9 triệu dân (tháng 04/2015), 18 triệu chiếc xe đạp. Hòa-lan có cái thuận lợi để xử dụng xe đạp là đất đai bằng phẳng nhưng cái bất lợi lớn là nhiều gió và gió lại mạnh. Đạp xe ngược gió vất vả hơn leo núi.
Thế mà Hòa-lan vẫn là xứ xe đạp, ngoài những lý do như tránh ô nhiễm, có nhiều lối đi dành riêng cho xe đạp rất thuận lợi và khang trang mà những nước khác không có được, tránh nạn kẹt xe, còn lý do gắn liền với lịch sử nữa. Hòa-lan muốn cổ võ sức mạnh dân tộc trước cường quốc Đức được Bismarck thống nhứt vào cuối thế kỷ XIX. Theo Ông Frédéric Héran dạy Kinh tế tại Đại học Lille ở Pháp, “người dân Hòa-lan nhận thấy đi xe đạp vừa là phương tiện khám phá đất nước, vừa là sự trở về thời Hoàng kim của xứ sở thế kỷ XVII, một biểu tượng của sức mạnh, sự quân bình, tự lực, tự do và độc lập”. Hoàng gia và phần lớn giới thượng lưu chọn xe đạp là “cách di chuyển thân dân”. Bà Hoàng Wilhelmina qua Paris được dân chúng Pháp nhiệt liệt hoan nghênh và ca ngợi chiếc xe đạp của Hòa-lan là “Nữ hoàng nhỏ”. Con gái nữ hoàng, Công nương Juliana, năm 1936, đi xe đạp một vòng cử hành lễ cưới của bà, tới cháu gái Béatrix, Nữ hoàng ngự trị Hòa-lan từ 1980 tới 2013, tiếp tục truyền thống đi xe đạp của Hoàng gia. Do đó, đi xe đạp ở Hòa-lan thể hiện một hình ảnh đẹp và tích cực.
Ngoài ra chánh sách đô thị rất cân đối giữa phần dành cho hệ thống xe lớn và phần dành cho xe đạp để hội nhập với khu dân cư.
Từ xa xưa, dân chúng phần đông xử dụng phần đất công trước nhà như lề đường và ngay cả mặt đường để trẻ con chơi giỡn. Do đó mà nhà cửa ở Hòa-lan có nhiều cửa kiếng và cửa kiếng rất lớn lại không treo màn để từ trong nhà có thể trông chừng trẻ con ở trước nhà.
Tại sao xe đạp phát triển ở Hòa-lan và Bắc âu ?
Ở Hòa-lan và Bắc âu, xe đạp là cách di chuyển được nâng lên hàng ưu tiên trong lúc đó các nước phía Nam như Pháp, Ý, di chuyển bằng xe đạp hãy còn quá hạn chế. Xe đạp chỉ được dùng tập thể thao.
Một bài điều tra trên nhựt báo Le Monde cho biết thành phố Amsterdam có 800.000 dân mà mỗi ngày có 500.000 người di chuyển bằng xe đạp chạy hết 2 triệu km đường của thành phố.
Khi đặt vấn đề dùng xe đạp để tránh nạn ô nhiễm, kẹt xe, tốn kém,... người Pháp sẽ trả lời ngay “Ý kiến rất hay nhưng nên nhớ cho ở đây chớ không phải ở Hòa-lan”.
Người Pháp thường chỉ thấy Hòa-lan là bông tulipes và coffee-shops. Xe đạp ở Hòa-lan đối với họ là thứ “địa ngục trần gian”.
Đúng vậy. Hòa-lan đầu tư rất lớn vào chương trình phát triển xe đạp nhưng vẫn không theo kịp đà người dân xử dụng xe đạp. Ở nhà ga Amsterdam có 2 bãi xe đạp cho 15.000 chiếc, một nằm cạnh bờ kênh và bãi kia thụt vào bên trong. Vậy mà còn nhiều xe phải dựng ở chỗ trống vì không đủ chỗ cho tất cả xe đạp của hành khách của nhà ga.
Ở những thành phố lớn của Pháp, xe đạp và đường dành riêng cho xe đạp chỉ chiếm từ 1 đến 5% không phải vì ở Pháp trời lạnh, nhiều gió, tuyết, mưa, thế đất gồ ghề nên khó dùng xe đạp. Ở Hòa-lan mới mưa nhiều và thường xuyên, gió lại mạnh thổi rát mặt.
Vậy phải chăng sự khác nhau giữa Pháp và Hòa-lan thuộc phạm trù văn hóa? Văn hóa la-tinh và văn hóa phương bắc hay tin lành.
Sự khác nhau này có thể làm cho nhiều người suy nghĩ phải chăng đây chỉ là sự ngẫu nhiên khi thành phố Strasbourg, phía Đông-Bắc, nằm sát Đức, gần như một thành phố của Đức, có thời gian dài thuộc Đức (2 tỉnh Alsace và Lorraine) lại có được tới 10% dân chúng xử dụng xe đạp di chuyển?
Người ta cho rằng ở những nước Bắc âu có tính hợp lý thực tế mà các nước la-tinh không có. Điều này liên hệ với truyền thống tin lành. Trên thực tế, người ta thấy rõ ở những nước văn hóa la-tinh có nhiều xe hơi hơn ở những nước theo tin lành. Người tin lành trọng sự cực khổ, tính hợp lý, sự hữu hiệu mà những điều này dễ tìm thấy ở sự xử dụng xe đạp (theo Max Weber trong “L’éthique protestante et l’esprit du capitalisme”).
Họ lý luận không thể xử dụng một dụng cụ nặng cả tấn, thảy ra cũng cả tấn CO2/năm mà chỉ chở có 1 hay 2 người không quá 150 kg.
Trong đời sống gia đình cũng vậy, người Hòa-lan tính toán rất kỹ lưỡng. Họ sống theo chương trình, làm việc theo kế hoặch, ăn uống theo ngân sách dự chi. Một người tiêu xài trung bình cho ăn uống khoảng 200 €/tháng, thêm 50 € cho quần áo, giày dép. Còn xe cộ, xăng nhớt, giao tế, tính riêng. Người đi làm mang theo vài lát bánh mì, bơ, thịt nguội ăn trưa. Tây ăn trưa phải ở nhà hàng hay căn-tin, nhưng phải đủ 3 món, tráng miệng, phó-mát và chai rượu chát.
Người Hòa-lan có tiếng là hà tiện. Chuyện không cần, 1 xu, họ không bỏ ra. Nhưng khi chánh phủ kêu gọi làm từ thiện thì họ mở hầu bao dễ dàng.
Về tánh hà tiện Hòa-lan, có câu chuyện thật và xảy ra ở Pháp. Cặp vợ chồng trẻ chở bà mẹ vợ qua Pháp nghỉ hè. Chẳng may, bà chết bất ngờ vì tim mạch. Hai vợ chồng vội về Hòa-lan để chôn cất mẹ. Họ đặt bà mẹ vào cái hộp hành lý như chiếc thuyền nhỏ gắn trên mui xe chở thẳng về Hòa-lan cho đỡ tốn kém nếu khai báo ở Pháp.
Mỗi khi Cỏ May trông thấy xe Hòa-lan nào có chở trên mui cái hộp hành lý là nghĩ ngay không biết trong đó là hành lý hay bà mẹ vợ?
Người Việt nam ở Hòa-lan
Khi có phong trào tỵ nạn cộng sản, người Việt nam tới Hòa-lan vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước vào khoảng 15.000 người. Trong số này, ngày nay, có 99% sanh sống hoàn toàn hợp pháp. Số còn lại tới sau này. Và phức tạp nên đã ảnh hưởng ít nhiều không mấy đẹp cho cộng đồng người Việt ở Hòa-lan.
Người Việt nam ở Hòa-lan phần lớn làm công nhơn trong các xưởng. Số ít bán chả giò ở chợ trời. Lại kiếm được khá tiền hơn đi làm lãnh lương. Ít nhứt cũng được 2000 € /tháng mà thì giờ ít hơn. Chỉ bán một hai buổi chợ / tuần. Nhưng ngày nay, số người bán chả giò ít đi dần vì lớn tuổi. Con em không nối nghiệp vì không chịu nổi nắng mưa.
Thế hệ II thành công hơn. Có nhiều người học giỏi tuy tiếng Hòa-lan rất khó học vì thứ tiếng chẳng giống ai cả.
Sau này, có sinh viên từ Việt nam qua du học. Lối 1500 cô cậu theo học các Đại học Hòa-lan và học bằng tiếng Anh. Phần đông theo các ngành thương mãi, kinh tế. Chúng nó ít tiếp xúc với bà con người Việt tị nạn có lẽ vì không được phép của công an ở Tòa Đại sứ.
Theo một người bạn lớn tuổi, làm Tham vấn gia đình nay hưu trí, nhận xét Hòa-lan rất hòa đồng cởi mở, khôn ngoan, kế hoạch tính trước cả trăm năm vì nước nhỏ ở ngay ngã tư quốc tế và cạnh các đế quốc sừng sỏ. Họ không kỳ thị mà mình hội nhập không vô, mình chỉ thích ứng từng bước thôi. Tiếng Hòa-lan khó học. Làm việc gì cũng đòi hỏi phải có bằng cấp. Có đủ tiền mở tiệm hớt tóc, phải có bằng tốt nghiệp hớt tóc. Muốn mở tiệm bán quần áo, phải đến khai ở phòng thương mại, phòng thương mại hỏi bằng kinh tế.
Còn kinh doanh chung với người Hòa-lan, trước sau gì cơ sở của mình cũng sẽ qua tay họ một cách danh chính, ngôn thuận, chớ không hề bị lường gạt, cướp đoạt như ở Việt nam mà điển hình trước đây là trường hợp người Hòa-lan gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình.
Tiếng Hòa-lan khó nên là trở ngại cho sự hội nhập của thế hệ sau. Nhưng là cái hay cho trẻ con Việt nam hầu hết, lớn nhỏ, đều nói rành tiếng Việt. Với cha mẹ và cả với chúng nó. Khác hơn trẻ con ở Pháp.
Nếp sống và cách suy nghĩ của người Hòa-lan có nhiều điều đáng cho người Việt ở Hòa-lan học hỏi.
Người Hòa-lan nói “Xứ Hòa-lan nhỏ, tiếng nói quá khó khăn nên ít ai chịu học. Để mở rộng quan hệ ra bên ngoài, người Hòa-lan phải chịu khó học nhiều tiếng nước ngoài”.
Nguyễn thị Cỏ May