Nguyễn Hiền


Hàng trăm vây cá mập trên mái nhà ở Providencia gây sốc trong cộng đồng khoa học quốc gia và quốc tế

Phát hiện bất ngờ cả trăm vây cá mập (trên mái của văn phòng thương mại của trụ sở ngoại giao ở Eliodoro Yáñez, đã cảnh báo không những các nhà khoa học đang có mặt tại Hội nghị Tương Lai mà trong hôm nay có buổi tiếp tân tại Cung điện La Moneda, mà còn tại Sernapesca (Cục Dịch Vụ Quốc Gia về Ngư Nghiệp và Thủy Canh – chú thích của người dịch), có sự tham dự của Thủ tướng và các nhà hoạt động về môi trường quan trọng của tổ chức National Geografic và Greenpeace. Từ dư luận là họ không có giấy phép do chính quyền địa phương ban hành, người ta cho rằng chúng có thể là sản phẩm của hành vi “chặt vây” một cách tàn bạo. Báo El Mostrador đã hai lần thử liên lạc với đại sứ quán, họ không phủ nhận sự kiện, rồi trong cả hai lần họ cắt điện thoại.

Bối rối, không tin nổi và kinh ngạc. Ba từ này tóm tắt phản ứng ban đầu của cộng đồng khoa học quốc gia và quốc tế, cũng như của các nhà hoạt động bảo vệ đại dương, sau khi sự phát hiện được thực hiện bởi El Mostrador, là có ít nhất 100 vây cá mập, của các con đã trưởng thành, nằm phơi dưới ánh mặt trời tại một địa chỉ nằm ngay giữa Eliodoro Yáñez, ở Providencia.

Những hình ảnh này đã được chụp vào thứ năm này, nhìn từ một tòa nhà trong khu xóm, nơi những người hàng xóm cảnh báo về mùi hôi thối và sự hiện diện của các bộ phận trong cơ thể cá mập trên mái của một tòa nhà ngoại giao.

Những mảnh động vật cho đến ngày nay đã được phát hiện là nằm trên mái của văn phòng thương mại của Đại sứ quán Việt Nam, kế cận nơi cư ngụ của ngoại giao đoàn, nằm ở số 2897 đường Eliodoro Yáñez.

Hình ảnh chụp được ngày thứ năm 18/01/2018, lúc 16:00 giờ

Các vây, đã được cắt từ phần đuôi của loài động vật có xương sống này, bắt đầu được đặt trên mái của văn phòng thương mại vào ngày 13 tháng 1 năm nay. Theo lời hàng xóm, đầu tiên họ đặt một lượng nhỏ, rồi sau đó có thêm nhiều miếng nữa, cho đến sau năm ngày đã có hơn một trăm vây cá mập cao cấp. Theo những người đã quan sát, đây là những vết cắt tươi, tại chỗ đó vẫn có thể thấy rõ cấu trúc xương của chúng.

Vây cá mập đang trải qua quá trình làm khô, một công đoạn trước khi được chế biến bằng các nguyên tố độc hại để làm giảm phần chất hữu cơ còn sót lại trong các mô sợi nhuyễn, để tạo thành nguyên liệu cho món canh đắt giá nhất thế giới: súp cá mập. Món này, được tiêu thụ chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam, được coi là nằm trong sự chú ý của cộng đồng khoa học bảo vệ biển trên khắp thế giới, thí dụ như trách nhiệm trong việc săn bắt một cách lén lút và man rợ nhất những loài cá mập hiện còn tồn tại, mỗi năm có tới gần 100 triệu con bị giết chết trên thế giới, nhiều hơn khả năng sinh sản của chúng.

Ngay cả ở Chilê, cá mập – một nguồn tài nguyên trong ngư nghiệp, sự “chặt vây” nổi tiếng, bao gồm việc cắt xén vây cá mập khi chúng còn sống và sau đó ném thân cá xuống biển trở lại, tuy là một thực tế được chấp nhận ở Chilê, nhưng tần suất của chúng tương đối và chúng thường được phát hiện trên biển bởi cơ quan hàng hải hoặc trên đất liền bởi tổ chức Sernapesca. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên những mảnh này được phát hiện trong quá trình sấy, đã thoát khỏi các sự kiểm soát.

"Tôi không thể tin được, tôi luôn muốn biết nơi nào họ sấy khô vây. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng nó nằm chình ình ngay giữa khu Providencia. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chuyện như thế này ở Chilê!”, Alex Muñoz, giám đốc phân bộ Châu Mỹ Latin của kế hoạch Pristine Seas, thuộc Hiệp hội National Geographic, ngạc nhiên cho biết.

Trong mối nguy bị tuyệt chủng

Việc khám phá ra những phần mảnh thân của loài ăn thịt hàng đầu của các đại dương đã không thể xảy ra trong một giây phút nào mang tính biểu tượng hơn. Thông tin đầu tiên gởi đi mà tòa báo El Mostrador đã thu được đúng vào thời điểm mà nhà sinh vật học Sylvia Earle, một trong những nhân vật có thẩm quyền của thế giới được kính trọng nhất trong việc bảo tồn đa dạng sinh học biển, được mệnh danh là "phụ nữ của các đại dương" có bài phát biểu trong khuôn khổ của Hội nghị Tương Lai, là dịp quảng bá khoa học quan trọng nhất ở châu Mỹ Latinh, và trong số những chủ đề thảo luận chính là tình trạng mong manh của cá mập và tình trạng săn trộm chúng đang đe dọa sự cân bằng của các đại dương”, mà có thể nói một cách khác là "nguồn của đời sống trên trái đất."

Max Bello, người Chilê và là một trong những chuyên gia đã cống hiến cuộc đời mình cho việc bảo vệ cá mập thông qua công việc của ông tại The Pew Charitable Trust và người đi cùng bà Sylvia Earle trên đường đi qua Chilê, giải thích rằng không được để những con vật này thành một loài với mục đích khai thác cá, bởi vì, hơn nữa, chúng có phong cách sinh hoạt giống như loài động vật có vú.

"Nhiều loài trong số này có rất ít con và cứ mỗi hai hoặc ba năm chúng mới sinh con, và thêm vào đó chúng trưởng thành rất muộn, vì vậy khi biết rằng có hơn 100 triệu con bị săn bắt hàng năm –  đó vẫn là một con số khiêm tốn theo những gì mà nhiều nhà khoa học nghĩ – con số này vẫn lớn hơn nhiều so với những gì cá mập phải đạt được để có thể duy trì mức tồn tại", ông giải thích.

Max Bello của tổ hợp Hiệp hội Pew Charitable

Ông nói thêm: "Nếu chúng ta phá hoại cá mập theo hình thức này, chúng ta đang gây nguy hiểm cho biển cả, chúng là loài ăn thịt hàng đầu, chúng là loài rất quan trọng, chúng đóng một vai trò trong việc kiểm soát quần thể của các loài cá khác, trong việc kiểm soát bệnh tật hoặc các tình huống đặc biệt khác. Nếu chúng ta không có những loài ăn thịt này, sẽ có nhiều khả năng là những hệ sinh thái này sẽ sụp đổ và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến đại dương và con người ".

Cũng cùng điểm cảm nhận đó, Matías Asun, giám đốc quốc gia của Greenpeace, chỉ ra rằng "cá mập là một loài đang gặp nguy cấp, từ nhiều năm nay, phong trào môi trường đã cố gắng bảo vệ chúng. Việc bắt và chặt vây cá mập, thường được sử dụng trong nhà bếp, là một hành động tàn bạo bị lên án tại Chilê và là bất hợp pháp, và theo như những cơ quan như Sernapesca, phải bị xử phạt và phải tiến hành điều tra vụ án. Cá mập trên toàn hành tinh bị đe dọa, chúng là loài di cư, do đó nó đòi hỏi một công trình phối hợp của tất cả các quốc gia để bảo vệ chúng. "

“Chặt vây”, một hành vi tàn bạo

Alex Muñoz của NatGeo thừa nhận rằng "chúng tôi biết rằng ở cá mập Chilê bị giết bởi vây của chúng, nhưng cho đến bây giờ tôi chưa từng thấy một bức ảnh chụp nơi họ làm khô chúng. Chặt vây là một hành vi tàn bạo và độc ác, nó bao gồm chặt vây cá mập và ném cơ thể chúng xuống biển trong khi cá vẫn còn sống. Nếu những vây này xuất phát từ hành động vừa nói, họ xứng đáng nhận được sự lên án của chúng ta".

Ông luật sư giải thích rằng ở Chilê "chặt vây" đã bị cấm kể từ năm 2012.

Muñoz quả quyết: "Sự kiện là có vây phơi khô trên mái nhà chắc chắn phải được đưa ra ánh sáng tại Công tố viện, vì đó có thể là vây lấy được thông qua những vụ chặt vây phạm pháp hoặc mua từ những người phạm tội đó.”.

Sau khi hỏi ý kiến của cơ quan Sernapesca, đã biết về vụ khiếu nại, ông xác nhận là họ sẽ phát động  quá trình kiểm tra hình sự, mặc dù họ biết rằng đây là trong trường hợp một văn phòng có quyền "bất khả xâm phạm" của cơ sở ngoại giao, nhưng họ sẽ tham khảo ý kiến với các nhân vật thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.

Việc cấm chặt vây được quy định trong Luật Thủy sản và Thủy canh, trong Điều 5 bis nêu như sau: "Cấm xâm hại vây của bất cứ loài cá mập nào, hành vi gọi là chặt vây hay finning, trên tàu hoặc trên tàu cá hoặc tàu chuyên chở. Điều bắt buộc phải thực hiện là khi đưa từ tàu lên bờ những cá thuộc các loại đã đề cập trước đây là phải có vây vẫn còn gắn chặt hoàn toàn hoặc một phần vào cơ thể trong dạng tự nhiên."

Hình ảnh được chụp ngày thứ ba 16/01 lúc 11:00 giờ

Chính quyền cũng giải thích tương tự rằng: "nếu vây có nguồn gốc quốc gia, chủ sở hữu phải có tài liệu thuế (phiếu tính tiền hoặc hóa đơn) và Giấy Công Nhận Nguồn Gốc là Hợp Pháp, tài liệu cho thấy những thông tin các loại về nguyên liệu này (loài, địa điểm khai thác, ngày tháng, v.v.). Nếu vây là một sản phẩm nhập khẩu, phải có giấy của hải quan và tài liệu vệ sinh cho phép nhập cảnh vào quốc gia của bạn".

Phân tích các hình ảnh, Max Bello – người vừa có cuộc nói chuyện hôm nay về việc bảo tồn các đại dương ở Valdivia, trong khuôn khổ của Hội nghị Tương Lai, cho rằng ông gợi được rất nhiều sự chú ý về những cách hành sử với động vật trưởng thành và có kích thước lớn.

"Điều đó còn tồn tại trong một số mùa ở Chilê, nơi những động vật lớn và trưởng thành kéo đàn tụ họp nơi các bờ biển của quốc gia. Chúng cũng trông tương đối còn tươi, có nghĩa là chúng được lấy từ một nơi nào đó tương đối gần Santiago. Mặc dù có một số hạn chế đối với một số loài như cá mập đầu búa và loài cá nhám thu (Lamna nasus, có hình thon giống cá thu – chú thích của người dịch) hay các loài khác đã nằm trong danh sách của CITES (Công ước về Thương mãi Quốc tế Các Giống Đang Gặp Nguy Hiểm – chú thích của người dịch), nếu có vây nào trong số này rời khỏi quốc gia, chúng phải có kèm theo một văn kiện cho thấy chúng đã nằm trong dạng khai thác cá có kế hoạch bền vững".

Alex Muñoz, giám đốc phân bộ Châu Mỹ Latinh của NatGeo

Tình trạng này, đối với Bello, là một điểm rất quan trọng, vì ngày nay chúng ta không có khả năng phân biệt rành rẽ giữa những vây lấy một cách bất hợp pháp và những vây khác lấy một cách hợp pháp.

"Hiện nay không có một hệ thống giá trị nào có thể cấp giấy chứng nhận được chuyện này, để có thể cho bạn niềm tin. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, Chilê nên ngừng đánh bắt cá mập, đặc biệt là những loài được bảo vệ. Chừng nào mà Chilê không có sự rõ ràng về nguồn gốc của những loài này, tôi xin thỉnh cầu sự đóng cửa các ngành ngư nghiệp đang thực hiện loại săn bắt này", ông nói.

Trở ngại về ngoại giao?

Việc phát hiện những vây cá mập trên mái nhà của Đại sứ quán Việt Nam có thể dẫn đến một vấn đề ngoại giao, bởi vì ngoài việc đó, họ có thể dựa vào quyền "bất khả xâm phạm" của cơ sở của họ, để phạm tội, hoặc mua những loại sản phẩm từ một tội phạm, điều này đã xảy ra ở Chilê.

"Sẽ tốt hơn nếu các quan chức và đại sứ quán cũng như ở Việt Nam có thể làm rõ tình trạng này và cho thông tin là nơi nào cung cấp những vây này và những vây đó đến từ đâu. Tại Chilê, không có trung tâm chế biến nào để làm công nghệ tẩy màu của vây, do đó với những vây này, rất có thể khi họ phải rời khỏi đất nước và nếu trong số những vật mang theo có những loài được bảo vệ, họ sẽ gặp rắc rối", ông Bello nói.

Hình ảnh chụp ngày thứ sáu 19/01/2018, lúc 12:00 giờ, sau khi El Mostrador gọi điện cho trụ sở ngoại giao.

Mặc dù ở Bộ Ngoại Giao, các nhân viên thông báo rằng trong ngày họ sẽ có câu trả lời, nhưng các nguồn tin thân cận với Bộ này vẫn cho rằng đặc biệt với đại sứ quán Việt Nam, họ có những vấn đề cụ thể, bởi vì không có đại sứ, và ngày 24 của tháng này là ngày trình ủy nhiệm thư, và cho đến nay chưa có bất kỳ liên lạc nào. Và trên thực tế, các nguồn tin nói, họ thậm chí không trả lời điện thoại trong hơn một tháng. Hiện nay, người được ủy quyền duy nhất là người phụ trách kinh doanh của bộ phận ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Sau nhiều lần cố gắng liên lạc với đại sứ quán, El Mostrador đã có thể liên lạc với một vài người không muốn xưng danh tính, và mặc dù họ không phủ nhận sự hiện diện của đám vây cá, trong cả hai lần họ đều cắt điện thoại.

Đối với Greenpeace, vấn đề là với chính quyền địa phương. "Nó thuộc trách nhiệm của Sernapesca để hành động càng sớm càng tốt cho những gì được thấy trong hình. Chúng tôi thấy rất nghiêm trọng là một tình huống như thế này có thể xảy ra trên lãnh thổ Chilê", Matías Asun biện hộ.

Món súp đắt giá nhất thế giới

Giá một phần súp cá mập, món ăn cho nhà giàu, có thể lên tới 130 ngàn peso tiền Chilê.

Súp vây cá mập, với giá có thể lên tới 1.600 nhân dân tệ mỗi phần, khoảng 130.000 peso Chilê, từ lâu đã là một trong những món ăn châu Á được đánh giá cao nhất, nổi tiếng vì những dược tính được cho là của nó và là một biểu tượng của sự giàu có.

"Những con cá mập đã tồn tại trong hơn 400 triệu năm nay đang có nguy cơ tuyệt chủng, chủ yếu là sản phẩm của món súp không chỉ là một món xa xỉ mà còn không có giá trị dinh dưỡng hay hương vị gì. Do đó, nó gây nguy hiểm cho sự lành mạnh của các đại dương, và những kẻ thù quan trọng nhất của chúng, chỉ có thể diễn đạt bằng lòng tham của chúng ta, là sự thiếu quan tâm và sự thiếu hiểu biết về cách các đại dương hoạt động", Bello bổ sung.

Điều đó là chắc chắn. Ngày nay, súp vây cá mập, thí dụ như ở Trung Quốc, là một món ăn thượng lưu, một mặt hàng xa xỉ, được coi là một trong những hải sản quý giá nhất, nhưng vẫn có thể được dọn lên tại các bữa tiệc chính thức, đám cưới, bữa chiêu đãi mang tính chính trị và kinh doanh và trong các dịp tổ chức hội họp xã hội quan trọng khác. Đó là một món ăn đại diện cho uy tín, là biểu tượng của thứ bực xã hội, nó cho thấy sự giàu có và hào phóng của những người dùng nó đãi khách, cùng sự tôn trọng và đánh giá cao của chủ nhân đối với khách họ mời.

Matías Asun, giám đốc quốc gia của Greenpeace

Súp vây cá mập có giá cao. Nó thúc đẩy việc buôn bán vây, săn bắn và "chặt vây" cá mập, và do đó, là cái chết của hàng triệu con vật này mỗi năm. Và theo đánh giá của ông, đằng sau chuyện đó là nó mang lại rất ít lợi ích cho sức khỏe.

Hiện nay có khoảng 100 triệu con cá mập bị săn bắt hàng năm.

.

Nguyên tác: Cientos de aletas de tiburón sobre tejado en Providencia conmocionan a la comunidad científica nacional e internacional – Héctor Cossio López (El Mostrador 19/01/2018)
Người dịch: Nguyễn Hiền


Cái Đình - 2018