Bùi Ngọc Tuấn


Giới thiệu đồ gốm cổ truyền Việt Nam

 

Văn hóa của một dân tộc bao gồm bốn khía cạnh: sinh hoạt xã hội (phong tục, tôn giáo) – văn chương (truyền khẩu và thành văn) – nghệ thuật tạo thanh (âm nhạc, ca vũ) – và nghệ thuật tạo hình (hội họa, điêu khắc, kiến trúc). Những biến động lịch sử trong vòng trăm năm qua đã ngăn trở việc tìm hiểu sâu rộng nền văn hóa phong phú và thuần nhất Việt Nam. Thêm vào đó, những sai lầm tạo nên những sự nghiên cứu thiếu sót và thiên lệch của một số học giả Tây Phương từ tiền bán thế kỷ 20 (và được lập lại nhiều lần bởi ‘trí thức’ Việt Nam) đã làm cho người ta tưởng rằng văn hóa Việt chỉ: (1) hoàn toàn bắt nguồn từ Trung Hoa, (2) là sự mô phỏng, là một nét của văn hóa Trung Hoa. Trong vòng hai mươi năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu ở Úc, Tân Gia Ba, Nhật Bản, Hương Cảng (như John Guy, John Stevenson, Mimoto Asako, William Willets, Keith Taylor, Barbara Harrisson, bà Kelly Nguyễn Long...), và một số người Việt trong và ngoài nước (Hà Thúc Cần, Đào Duy Từ, Nguyễn Đình Chiến, Phillip Trương, Tăng Bá Hoàng...) đã mạnh mẽ vạch rõ rằng văn hóa Việt dù chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhưng thật ra là một nền văn hóa riêng biệt với những bản sắc khác hẳn với Trung Hoa.

 Nghệ thuật tạo hình của Việt Nam ít được nghiên cứu; Sách báo khảo cứu về đồ đồng, đồ đá thì còn khá, nhưng về đồ gốm thì không có mấy. Đồ gốm Việt Nam chỉ mới được tìm hiểu nhiều trong thời gian gần đây. Vì thế số người Việt – trong và ngoài nước – biết và hiểu điều này còn rất ít. Sự hiểu biết này còn chỉ giới hạn trong số những nhà nghiên cứu hay sưu tập chuyên môn mà thôi. Bài viết ngắn này nhằm mục đích giới thiệu một cách rất tổng quát một khía cạnh nhỏ nghệ thuật tạo hình Việt Nam: Đồ gốm cổ truyền.

 Dân tộc, văn hóa Việt khởi nguồn độc lập và song song với văn hóa dân tộc Trung Hoa. Nền văn hóa Hòa Bình (8.000 BC) Bắc Sơn (6.000 BC) và Đông Sơn (1.000 BC) đã phát triển rực rỡ từ trước khi có những giao tiếp giữa hai dân tộc Việt, Hoa. (Nhiều trống đồng khai quật trong vài năm gần đây chỉ rõ nét đặc biệt, thuần Việt, phác họa lên cả một nền minh rực rỡ, với kỹ thuật điêu luyện). Cái nôi của văn hóa, dân tộc Việt quy tụ vào bốn vùng chính:

1. Châu Thổ sông Hồng: Hòa Bình - Bắc Sơn - Hải Hưng - Vĩnh Phúc - Hà Nội
2. Duyên hải Bắc Việt: Hạ Long - Vân Đồn - Hải Phòng
3. Thanh Hóa và
4. Nghệ An - Hà Tĩnh.

Trong bốn môi trường văn hóa ấy, đồ gốm Việt Nam thành hình và phát triển rực rỡ. Mỗi vùng, mỗi thời kỳ có những nét đẹp, tùy theo vật liệu, tùy theo kỹ thuật và nghệ thuật riêng. Chúng tôi giới hạn bài viết ngắn này vào những vật tích hiện có trong bộ sưu tầm riêng, cộng thêm sự tham cứu các sách báo xuất bản trong những năm gần đây. Chúng tôi tin rằng, trong những năm tới, nhiều cuộc khai quật quan trọng sẽ được thực hiện, nhiều vật tích đặc biệt sẽ được tìm thấy. Những khám phá này sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về nền văn hóa dân tộc Việt và cũng sẽ làm thay đổi quan niệm, ý kiến và sự hiểu biết phổ thông ngày nay. Chúng tôi ghi lại những thời điểm chính của lịch sử và sự phát triển nghệ thuật đồ gốm Việt Nam trong bản tóm lược lịch sử đính kèm. 

Trong những món đồ chúng tôi sưu tập, chỉ có vài món làm từ thời Bắc Thuộc, còn phần lớn là đồ làm từ đời Lý, đời Trần trở về sau (Đồ làm từ thế kỷ 11, 12 … tới thế kỷ 15, 16, 17). Chúng tôi cũng sẽ giới thiệu một loại đồ đặc biệt khác là đồ men trắng xanh (Thường được gọi qua tên ‘Đồ men lam Huế’ – hay phổ thông hơn là ‘Blue de Hue’) do vua quan Việt Nam họa kiểu riêng, đặt làm bên những lò gốm nổi danh bên Tàu. Khi sưu tập, hay tìm hiểu về đồ gốm Việt Nam, người ta vẫn lầm tưởng rằng đáng kể chỉ có đồ men lam Huế ( Bắt đầu từ đồ ‘Nội Phủ’ và ‘Khánh Xuân’ của chúa Trịnh Sâm đặt, rồi tới tô, đĩa chữ nhật của các vua triều Nguyễn, hay đồ ‘Mai Hạc’ do Nguyễn Du đặt làm khi đi sứ năm 1813). Các nhà sưu tập trong nước thì cũng chỉ chú trọng vào loại đồ hoặc của Trung Hoa hoặc men lam Huế này. (Học giả Vương Hồng Sển, với công trình sưu tập, nghiên cứu đồ sộ trong suốt hơn 50 năm, cũng chỉ viết chút ít về vài món Chu Đậu mà ông gọi lầm là đồ gốm Bát Tràng chứ không có các thứ đ̣ồ quý Việt Nam nào khác).

Đồ gốm Việt Nam đẹp, đa dạng, phong phú và giá trị hơn cả là đồ thời Lý - Trần, phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ 11-12, kéo dài đến cuối thế kỷ 16; với một số lượng lớn xuất cảng sang các nước Nam Thái Bình Dương, Nhật Bản, Đại Hàn, qua tận vùng Ả Rập từ thế kỷ thứ 7, mạnh mẽ vào thế kỷ 14-16. Một số đồ gốm Việt Nam đã rất được quý chuộng trong nghi lễ của Trà Đạo Nhật Bản từ cuối thế kỷ 15. (Bà Morimoto Asako, khi nghiên cứu các mảnh vỡ khai quật ở Dazaifu và Hakata đã viết rằng, đồ gốm Việt đã được dùng ở Nhật từ giữa thế kỷ 14). Muốn biết thêm về việc xuất cảng này, xin đọc ‘Vietnamese Ceramic – a Separate Tradition’ của nhóm ông John Stevenson và John Guy, xuất bản năm 1997 ở Chicago và ‘Vietnamese Ceramics’ của Southeast Asian Ceramic Society xuất bản năm 1982 ở Singapore, tạp chí ‘Arts of Asia’ của bà Tuyết Nguyệt xuất bản ở Hương Cảng v.v…

Đời Lý với tinh thần dân tộc mạnh mẽ, sau khi chấm dứt được một nghìn năm đô hộ của Tầu, nhà Lý, cũng với tinh thần Phật Giáo ảnh hưởng mạnh mẽ suốt từ triều đình ra đến đại chúng. Nhà Lý, với quyết tâm phát huy nền văn hóa thuần Việt (vẫn trường tồn qua nghìn năm lệ thuộc Trung Hoa) đã phát triển lên một nghệ thuật tạo hình riêng biệt Việt Nam rực rỡ, phong phú cũng như nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn trước đó. Người thợ Việt Nam đã sáng tạo ra những dáng kiểu, sắc men và hoa văn rất Việt Nam, thể hiện một tinh thần sáng tạo rất phóng túng và phong phú. (Nhiều thử nghiệm về sắc men, dáng kiểu, nhiều hoa văn đẹp lạ không thể thấy được ở văn hóa Trung Hoa vốn nhiều khuôn khổ gò bó).

Trong khung cảnh hứng khởi của nền tự chủ vừa tìm lại được, cùng các nhu cầu xây dựng thành quách, cung điện, đình chùa, ảnh hưởng mạnh của Phật Giáo, Lão Giáo và truyền thống văn minh Việt đã hội nhập trong các tô, chén, đĩa, bình Việt Nam. Sự khởi đầu đơn giản, với các món đồ còn ảnh hưởng đồ gốm nhà Tống, bỗng vươn mạnh lên qua bàn tay sáng tạo của người thợ Việt Nam thành một nền văn minh rực rỡ, mà ngày hôm nay, khi nâng niu những món đồ tuyệt đẹp đó trên tay, chúng ta còn cảm thấy bừng bừng sức sống mạnh mẽ của dân Việt, như nhìn thấy cái phóng túng của bàn tay nghệ sĩ trên bàn xoay, hay trên nét vẽ nhanh, thoát như gió thổi, nước trôi dưới nước men mỏng.

Người nghệ sĩ Trung Hoa vẽ đồ gốm một cách cẩn trọng, tỉ mỉ, họ vẽ như người quan sát thiên nhiên một cách khách quan, tuân theo những quy luật nhất định , đường thẳng như kẻ thước, đường cong như cánh cung, bên phải bên trái đối xứng, bên trên bên dưới đều đặn. Đề tài rất tôn nghiêm Long, Ly, Quy, Phụng, họ vẽ như cử hành một nghi lễ. Trong khi đó người nghệ sĩ Việt Nam vẽ tự nhiên, vẽ thoải mái, vẽ như chơi, như thả diều, như đánh đáo, vẽ tự nhiên như ăn như ngủ; Đề tài là hoa, là lá, là chim, là thú, là côn trùng, là thảo mộc của đồng ruộng, thôn quê kề cận bên mình, như chim sẻ, như tôm, như cua, chuồn chuồn, cóc nhái. Tại sao rồng cứ phải bay với mây không thôi, rồng với hoa càng đẹp, càng thân cận chứ sao, vậy thì ta cứ bỏ mặc cái luật lệ của anh Tàu, ta vẽ rồng hoa chung nhau cho nó thích. Anh Tàu ảnh không có voi thì kệ ảnh, xứ mình nhiều voi thì mình làm bình vòi voi chơi, mình thích bình con rồng, thì mình làm bình con rồng theo kiểu mình, mình thương con gà cục tác lá chanh, thì mình làm cái ấm con gà cho vui. Ngồi nặn tô thấy mấy con cóc nhảy quanh nhà, thì ta làm cái ấm hình con cóc, rồi tô cho nó một nước men xanh chơi, chao ơi là thú vị. Họ vẽ đời sống nông thôn của họ lên các món đồ gốm đó. Họ và đề tài của họ là một, Con chim sẻ, con cá bống, con chích chòe sống trong người họ rồi tràn ra nét bút tự nhiên, sống động, không cố gắng, Ôi! Khi cầm trên tay làm sao mà ta không cảm thấy được cái khoái trá của người nghệ sĩ đầu đời Lý khi họ làm cái bình rượu nhỏ với dạng con tôm càng cưỡi trên lưng con chép. Con cháu Khổng Tử nghiêm túc với Kinh Lễ, Kinh Thư, nghe cái chuyện đó cũng hết vía rồi, chứ làm sao dám nghĩ đến việc làm cái bình có cái hồn phóng khoáng đó được.

Trống đồng Sông Ðà

Nét bút người nghệ sĩ Việt múa nhẹ, mũi tre cắt vào đất sắc mà nhanh, men chỗ dầy chỗ mỏng thì càng tự nhiên chứ đâu có sao, cái hình bên này nhỏ hơn cái phía bên kia một chút thì lại càng ngộ càng xinh chứ hề chi. (Trong trống đồng tên là ‘Sông Đà’, khi chạm xong con chim hạc thứ mười sáu, người nghệ sĩ thời Đông Sơn mới thấy mình chỉ chia vòng tròn làm mười bẩy phần, làm sao chạm mười tám chim hạc bây giờ, thôi thì ta giải quyết bằng cách chạm chim hạc số mười bẩy và mười tám sát nhau, mà đứng chứ không bay, cho đủ chỗ. Xin xem ‘ Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam’ của Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh, do Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam ở Hà Nội xuất bản năm 1975. Ông thợ Trung Hoa mà gặp lỗi này thì phải bỏ hết để làm lại từ đầu chứ đâu có dám tự tiện như vậy). Nói như thế không phải là chê đồ gốm Tàu không đẹp, đồ Tàu cực đẹp là đằng khác. Nhưng hai cái cách làm đẹp và hưởng đẹp rất khác nhau. Đồ gốm Tàu đẹp như một cô gái trang điểm lộng lẫy của dạ hội, đồ gốm Việt đẹp như cô gái hàng xóm thơ ngây, tươi mát. Cái đẹp của đồ Tàu là cái đẹp của thơ Lý Bạch:

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng

trong khi cái đẹp của đồ Việt là thơ Nguyễn Khuyến:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí.
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

Một bên đẽo gọt tinh xảo, một bên gần gũi đơn sơ, một bên là cái đẹp của trí tuệ, một bên là cái đẹp của tâm hồn.

Nghệ thuật tạo hình đặc sắc này của văn hóa Việt có thể tóm tắt qua các điểm chính:

(1) Dáng kiểu,
(2) Nước men,
(3) Hoa văn và
(4) Chất đất.

Dáng kiểu

  1. Tô, chén, đĩa: Tô chén thường có chân khá cao. Nhiều bát nhỏ và đĩa nhỏ có hình con rùa hay cá nổi giữa lòng, khi đổ nước vào ta có cảm giác như nhìn xuống lòng giếng, lòng ao, thấy cá và rùa bơi ở giữa. Đĩa thời Chu Đậu khá lớn (rộng khoảng từ 10 tới 12 inch). Đồ ‘men lam Huế’ có kích thước khá gần với các món đồ dùng hiện nay (đĩa Khánh Xuân Long Lân của Trịnh Sâm rộng 14 inch, đĩa Mai Hạc của Nguyễn Du, rộng khoảng 8 inch....).
  2. Lư hương, bát hương, chân đèn: Lư hương khá to, cao khoảng 15-20 inch. Nhiều chân đèn hai hay ba tầng cao khoảng 30-40 inch. Đây là chân đèn để cắm nến, ngoài ra còn nhiều chân đèn dầu hình chim, hình gà. Nhà Lý vốn sùng đạo Phật (Lý Công Uẩn vốn dựng nước từ mái ngói tam quan), khi dời kinh đô về Thăng Long ngoài nhu cầu xây cất cung điện còn tạo dựng lên rất nhiều chùa chiền. Tiếc thay nhà Minh đã phá hủy gần như hoàn toàn các công trình kiến trúc này; phần còn sót lại bị đốt phá năm 1784, bởi loạn Kiêu Binh dưới đời Trịnh Khải. Kế đó khi lên ngôi, vua Gia Long lại không muốn Thăng Long lớn hơn kinh thành Huế, nên đã phá đi xây thành mới, nhỏ hơn. Nguyễn Du, người chứng kiến cuộc đổi thay đã than rằng: thiên niên cự thất thành quan đạo, nhất phiến tân thành một cố cung’ nghĩa là: 'nhà cổ phá đi làm đường phố, thành mới xây trên nền cung xưa’.
  3. Bình, ấm, âu, hũ, bình vôi: đủ mọi loại, đủ cỡ lớn nhỏ, sản xuất trong nhiều trăm năm. Có nhiều ấm hình chim, hình thú, hay có nhiều ấm mà voi, quai là hình đầu thú. Có hũ nâu cao đời Lý khắc hình người, hình hoa, có hũ trắng ngà đời Bắc Thuộc vẽ hình voi và người như trên trống đồng Đông Sơn. Một trong loại bình rất Việt Nam là hình một con tôm càng đứng trên lưng con cá chép, ấm hình con cóc, bình hình quả dưa, lọ bình quả cà...
  4. Hộp trang sức: Hộp nhỏ thường là hình tròn, để để đựng phấn hay dầu trang sức phụ nữ. Những hộp này có lẽ là để xuất cảng sang vùng Ả Rập nhiều hơn là để bán trong nước. Hộp thời Lý thường có mầu trắng, trang trí hình hoa hay hình cánh sen nổi, đường kính độ 2,3 inch. Hộp Lý nâu nhỏ có những nét trang trí mang ảnh hưởng Chiêm Thành. Hộp làm vào thế kỷ 14,15, 16 thường mầu trắng ngà, trơn, trên nắp vẽ hoa, cành mầu chàm, hay vẽ hồi văn... Những hộp này nhỏ hơn, đường kính độ 1,5 tới 2,5 inch. Một số hộp tìm được trong khi khai quật mộ cổ ở Phi Luật Tân, Nam Dương; một số lớn tìm được trong vài năm gần đây, khi vớt các xác tầu buôn cổ chìm ở Hội An, Đà Nẵng. Có những hộp mầu xám đậm, có hộp hình bí ngô hay hình tròn nhưng chung quanh chia làm nhiều phần (6 hay 8) trang trí tạo nên ấn tượng là hộp thật sự có nhiều cạnh.
  5. Gạch trang trí, ngói: Men trắng xanh, tìm thấy ở trên tường nhà thờ Hồi Giáo ở Nam Dương, mộ cổ ở Phi Luật Tân (cùng các ấm, bình, tô, đĩa Việt Nam). Điểm tức cười là trong khi người Hồi Giáo Nam Dương mua gạch ngói men lam của Việt Nam để xây giáo đường (như xây Mosque ở Demak, Java) thì nhà Nguyễn lại nhập cảng gạch men lam từ nước Anh về xây lăng vua Khải Định.

 

Nước men

Những điểm khác biệt chính giữa nước men của đồ gốm Tàu và Việt là:

  1. Nước men Việt thường rất mỏng, men pha loãng, tráng không đều, trong khi đó, nước men Tàu rất dầy, bóng và đều khắp.
  2. Lò gốm Việt thường có độ nung thấp, thường không ngấm sâu vào chất đất nên nhiều vật tích tìm được có những phần đã tróc mất men. Lò gốm Tàu có độ nung cao, men bền.
  3. Chân đế và dưới đáy đồ Việt thường được để mộc. Dưới đáy thường được tô một lớp son nâu đậm (điểm không thể thấy trong đồ gốm Trung Hoa)

Tước men ngọc đời Lý (trái) --- Men lam Huế: Đọi (tô) chữ nhật của vua Tự Đức, có bài thơ ‘Một thức nước in trời’ (phải)
(Chụp từ bộ sưu tập của Bùi Ngọc Tuấn)

Nước men rạn tự nhiên, rất đẹp. Màu men thay đổi từ trắng ngà sang vàng hồng, nâu với rất nhiều sắc từ nhạt đến đậm, nâu đen, nâu đỏ, xanh cánh lục biếc, xanh chàm, xanh lam nhạt, xanh lam đậm. Ngoài ra đồ gốm Việt Nam còn khác đồ Trung Hoa ở các điểm: (1) trong lòng tô hay đĩa thường sót lại các dấu in của con kê (dùng ngăn đĩa, tô chồng lên nhau khi nung) hay (2) trong lòng đĩa, tô khi men còn ướt, trước khi nung, thường bị cạo đi một vòng hình vành khăn để trơ lại đất mộc, và (3) miệng tô, đĩa cũng thường để mộc, không men. Đây là những cách đơn giản, để tránh cho các món đồ không bị dính chặt vào nhau khi nung. Ngược lại, người thợ Trung Hoa không bao giờ để trơ đất mộc ở chỗ nào, họ rất tỉ mỉ trong việc pha men, tráng men và xếp nung. Họ muốn món đồ được toàn hảo. Kỹ thuật lò và độ nung cũng rất cao tạo nên một lớp men dày bóng và đều khắp. Lò gốm của Việt Nam thường có độ nóng thấp hơn, chất men pha, tráng một cách phóng túng. Người thợ Việt Nam thường chú trọng đến vẻ đẹp giản dị, tự nhiên. Họ không bận tâm đến những gò bó, tiểu tiết. (Xin nói thêm rằng, bắt đầu từ thế kỷ thứ 18, người Trung Hoa lại cũng làm nhiều đĩa có vòng men cạo theo như thế. Vì người Nhật rất thích mua các món đồ đơn giản của ta, nên chúng tôi độ rằng các lò gốm Trung Hoa đã làm đồ kiểu Việt Nam để bán qua Nhật).

Một loại đồ gốm Việt Nam cần được nhắc tới là ‘men Thanh Hóa’. Đây là một nước men được các nhà nghiên cứu ngoại quốc viết về khá nhiều vì so những loại men khác, men Thanh Hóa dầy, đều và đẹp, nước rạn nhỏ, chứng tỏ rằng người thợ Việt Nam ở Thanh Hóa trong thời kỳ này đã xử dụng một kỷ thuật rất cao trong việc chọn, pha tráng và nung men.

Hoa văn

Hoa văn thường được vẽ bằng sáu kỹ thuật chính:

  1. dùng khuôn mẫu in rập lên đồ mới nặn cho hoa văn in lên (nổi hay chìm) trước khi tráng men và nung (gọi là ám họa).
  2. dùng bút vẽ lên mặt đồ đã khô, trước khi tráng men và nung.
  3. tráng men mầu nhạt rồi dùng dao nhỏ hay mảnh tre cạo bỏ men theo hình định trước, rồi dùng men mầu đậm vẽ trong chỗ đã cạo, nhưng lại để chừa nét viền không men.
  4. ngược lại với cách trên. Tráng men mầu nâu đậm lên toàn bình hay ấm rồi dung mảnh tre cạo theo hình định sẵn, tạo nên hoa văn mầu nhạt, không men trên nền men nâu đậm.
  5. tráng men mầu nhạt lên rồi nhỏ vài giọt men mầu khác lên một hay vài chỗ, để cho giọt men này chảy tự nhiên.
  6. Tráng men xong rồi nhỏ những giọt nước lên, hay tạt nước vào để nước làm men chảy loang tạo nên những hình tự nhiên.

c- d- e và f là bốn kỹ thuật thuần Việt. Đồ gốm Trung Hoa không bao giờ được trang trí bằng cách này.

 

Chất đất:

Đồ gốm Việt Nam dưới thời Bắc Thuộc (Nhà Hán) thường làm bằng đất sét, pha cát và vỏ sò hến nghiền nát. Sang đời Lý, nhiều món đồ không còn pha cát nữa, chất đất mịn hơn. Đồ Chu Đậu làm bằng kaolin trắng mịn. Đồ men ngọc (Celadon) đời Lý cũng khác đồ men ngọc Tàu ở chỗ chất đất không pha bột đá, đồ dầy hơn, men mỏng, gõ vào tiếng kêu không thanh và không ngân lâu bằng.

Để phân biệt một cách tổng quát, ta có thể tạm xếp đồ gốm Việt Nam làm các loại đồ chính:

1. Đồ thời Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn

Không tráng men, nặn bằng tay với hình trang trí tạo nên do dây thừng và khuôn giỏ đan ấn lên, hay do mũi dao, mũi tre khắc những hình trang trí đặc biệt của văn hóa Việt thời này (Hình kỷ hà như thường thấy trên trống đồng gọi là ‘hồi văn’, nhưng đơn giản hơn) làm bằng đất sét pha cát và vỏ sò hến nghiền nhỏ. Hình dạng thuần Việt hiện rõ ràng (đồ gốm Trung Hoa không làm hình voi hay vẽ hình voi, ngược lại, ấm hình thú, ấm đầu voi, ấm vòi voi rất thường thấy. Viện Bảo Tàng ở Hà Nội có nhiều vật tích như bình cao, trang trí những hình khắc cong và thẳng làm vào khoảng 2000 BC cho tới những ấm, âu làm từ 300 tới 500 BC. Museum of Fine Art ở Boston có trưng bầy ấm vòi voi của Việt Nam làm vào khoảng thế kỷ 3 BC tới thế kỷ 1 BC).

2. Đồ thời Bắc Thuộc

Bàn xoay bắt đầu được dùng nhiều, dáng kiểu, hoa văn và nước men có ảnh hưởng đồ nhà Hán pha trộn những nét Việt của văn hóa Đông Sơn. (Có chum, vại to, vẽ hình voi, hình người đóng khố, tay cầm giáo, cầm cung…) làm bằng đất sét pha cát mịn. Để món đồ này bên cạnh đồ nhà Hán của Trung Hoa, ta vẫn nhìn thấy những nét giống và những nét rất khác của hai loại đồ gốm. (Trong suốt thời Bắc Thuộc, người Trung Hoa đã thất bại trong việc hủy diệt văn hóa Việt, và đồng hóa người Việt như họ đã thành công với các dân tộc khác. Ngược lại người Việt đã thành công trong việc thu nhập học hỏi, và áp dụng những nét đẹp, kỹ thuật hay của Trung Hoa). Loại đồ Việt Nam này thường mỏng hơn và thường được nung với độ cao hơn đồ nhà Hán. Đồ nhà Hán thường có men xanh lục, đồ Việt Nam thường mầu trắng, trang trí bằng men giọt xanh.

3. Đồ Lý - Trần gồm các loại chính:

a. Đồ men ngọc (Celadon): Thường trang trí hình cánh sen, hoa sen do ảnh hưởng nhà Phật; hoa văn có khi ảnh hưởng nhà Tống (như ám họa hình 2, 3 hay 4 bé trai chơi trong vườn hoa); có khi Việt hóa (như ám họa hai lực sĩ đô vật đấu võ trong vườn hoa); có ảnh hưởng Ấn Độ (như tô trang trí toàn chữ Phạn). Nước men khá dầy (nhưng so với đồ men ngọc nhà Tống thì vẫn rất mỏng). Người Tàu còn tiếp tục làm các món men ngọc này cho mãi đến gần đây. Nhưng sau đời Lý - Trần thì các lò gốm Việt Nam không làm các loại này nữa. (Ảnh hưởng xã hội, chính trị nào đã tạo nên thay đổi này là một đề tài mà chúng tôi sẽ bàn tới trong một dịp khác). Men ngọc thường có mầu xanh olive với rất nhiều sắc từ màu ngọc xanh nhạt tới mầu xanh rất đậm, gần như xanh đen. Nước men nhiều khi che mờ các ám họa ở đáy tô, chén. ̣ đất sét mịn dùng có khi pha cát, có khi không, nhưng không hề pha đá nghiền như đồ men ngọc Trung Hoa (Vùng Bắc Việt không có loại đá trắng dùng làm men ngọc như Trung Hoa) do đó khi búng ngón tay lên tô, ta không nghe tiếng vang cao, trong và ngân lâu như thấy ở đồ men ngọc Tàu.

b. Đồ Lý trắng - Lý nâu - Lý lục
Ðồ Lý nâu
(Chụp từ bộ sưu tập của Bùi Ngọc Tuấn)

Đồ Lý trắng thường có ám họa hoa văn, không vẽ hình mầu, men mỏng, khá đều, tiếng gõ thanh. Đồ Lý nâu thường là nâu đậm cả trong lẫn ngoài, nhưng cũng có nhiều tô, chén trắng trong, nâu ngoài. Hiếm hơn là đồ nâu da báo. (Sau khi tráng men nâu, người thợ úp tô xuống, rồi nhỏ vài giọt nước lên chung quanh tô, giọt nước làm men nâu chảy loang xuống thành đốm da báo tự nhiên rất đẹp). Những tô chén thời này, nhiều cái có men dầy mỏng không đều, nhiều chỗ họ để men ướt chảy đóng thành từng giọt, từng vệt dầy, rất đẹp, rất phóng túng. Đồ Lý lục có mầu xanh sắc từ nhạt đến đậm. Ám họa hoa sen, hoa cúc, hoặc có dấu con kê, hoặc có vành men cạo trong lòng. Chúng tôi có một tô Lý trắng với ám họa toàn là biểu tượng văn hóa Ả Rập (hình trăng lưỡi liềm và sao, hình hai đoạn dao bắt chéo...). Ảnh hưởng Phật Giáo rõ rệt, nhiều món phối hợp hình tượng cả ba nền văn hóa Việt – Hoa và Chiêm Thành. (Phật Giáo truyền vào Việt Nam trước Trung Hoa do các nhà sư Ấn Độ, đi vòng theo bờ biển Đông Nam Thái Bình Dương tới. Đạt Ma Sư Tổ cũng đi thuyền tới Việt Nam trước rồi sau đó mới sang Trung Hoa để lập Thiền Tông và chùa Thiếu Lâm).

Hũ bình loại này đẹp, gồm nhiều thứ, có hũ men trắng ngà cao khoảng 16 inch, đường kính 12 inch, bên ngoài vẽ hình chim, hoa nâu đậm. Có ấm da trắng, da nâu hình tròn thường không vẽ hình mà có ám họa cánh sen hay vòi voi, vòi đầu gà, đầu thú, dạng con cóc, con gà, con chim, con nghê... Bình vôi thường có mầu xanh nâu đậm. Có nghiên mực hình con cua rất sống động, khi nhấc mai cua lên, thì mình cua trở thành nghiên mực nhỏ.

c. Đồ Thanh Hóa

Đồ được gọi là men Thanh Hóa cũng được làm vào khoảng thế kỷ 12-14 ở các lò gốm trong vùng Thanh Hóa. Những ấm, đĩa, tô chén thường có mầu xanh nâu đậm, nước men rất đều, bóng, trong vắt, với nét rạn nhỏ, rất được quý chuộng. Kỹ thuật tráng men cao lộ qua cái tài tráng men trong như thủy tinh mà không thấy dầy, rất thanh nhã, và hơn nữa còn cho thấy người thợ hoàn toàn làm chủ nước men của mình do cách biến đổi chất men pha để làm cho nước rạn to hay nhỏ theo ý muốn. (Những món đồ này có nước rạn thay đổi theo từng phần, từ trên miệng bình xuống phía dưới chân đế).

4. Đồ Chu Đậu

Bắt đầu từ thế kỷ 14, 15 xuất hiện một loại đồ (mà có người gọi là ‘đồ trắng chàm’) có nước men trắng với hoa văn mầu xanh blue (mầu chàm). Hình dáng và hoa văn đặc biệt Việt Nam, rất đẹp, men mỏng nhưng rất đều. Loại đồ này thường được xuất cảng sang Phi Luật Tân, Nam Dương, Ả Rập... từ thế kỷ 14 đến 16. Chu Đậu là một làng thuộc tỉnh Hải Hưng bây giờ. Làng này xưa kia chuyên làm đồ gốm, nhưng không biết tại sao họ chuyển sang dệt chiếu từ trăm năm gần đây. Tên Chu Đậu được dùng không phải để chỉ những món đồ cùng loại này. Thời Chu Đậu kéo dài mấy trăm năm, với nhiều lò gốm ở rải rác khắp nơi. Bình, đĩa Chu Đậu trang trí hình hoa mẫu đơn (Peonie), chim sẻ, chim chích chòe, hoa cúc, lá tre, hình vẽ khi thì phóng túng, phác bút, khi thì tỉ mỉ với nhiều chi tiết. Nét vẽ đậm nhạt khi rõ khi mờ, chứng tỏ người nghệ sĩ đã rất ý thức trong việc sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật nhiều hơn là sản xuất một món đồ dùng hàng ngày. Vì thế cái phóng túng của người nghệ sĩ Việt càng biểu lộ rõ.

Những hoa văn hoàn toàn thoát khỏi những khuôn khổ Trung Hoa. Đây là thời kỳ với những bình, những ấm mà khi vẽ vừa xong, men còn ướt, người thợ tạt nước lên cho hình vẽ nhòe đi, mờ mờ, ảo ảo nhìn rất thích mắt. Họ lựa chọn những hình ảnh mà người nghệ sĩ Trung Hoa không bao giờ nghĩ đến (Con tôm, con cua, con chuồn chuồn, chim sẻ, chim chích chòe, cá bống, cá chép hóa rồng... Người Trung Hoa khi vẽ rồng bao giờ cũng chỉ vẽ rồng với mây mà thôi, người Việt Nam lại thêm hoa sen, hoa cúc vào...). Người nghệ sĩ Việt coi mỗi món đồ là một tác phẩm nghệ thuật nên nhiều khi họ đã ký tên, đề ngày và đôi khi viết cả tên người đặt món đồ nữa.(Cuối thế kỷ 14, Đặng Huyền Thông ở Nam Sách thường ghi rõ tên mình trên rất nhiều món đồ rất đẹp do ông làm. Nhóm ông Tăng Bá Hoành, ở Viện Bảo Tàng tỉnh Hải Hưng, đã nêu lên một chân hương với câu: ‘Hưng Trị tam niên, nhị nguyệt tạo, Nam Sách Phủ, Thanh Liêm huyện, Hùng Thắng xã, Đặng Huyền Thông thê Nguyễn Thị Đỉnh’ - nghĩa là: Đặng Huyền Thông cùng vợ Nguyễn Thị Đỉnh làm vào tháng hai năm Hưng Trị thứ ba (1590) tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách. Trên một chân hương khác, làm năm Diên Thành thứ 3 -1580, Đặng Huyền Thông ghi tên người đặt làm là sãi vãi Nguyễn Thị Liên, Vũ Thị Dương. Xin đọc thêm ‘Gốm Chu Đậu’ của Tăng Bá Hoành, Đặng Đình Thể, Vũ Danh Thắng, Nguyễn Duy Cương, và Nguyễn Khắc Minh, Bảo Tàng Tỉnh Hải Hưng xuất bản năm 1993).

Một bình Chu Đậu tuyệt đẹp, mang tên ‘Topkapi Saray’ (vì được giữ ở Topkari Saray Museum, Istanbul, Turkey nơi lưu giữ tài sản của hoàng gia Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ) có viết vòng quanh cổ câu: ‘ Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút’- nghĩa là: ‘bà nghệ sĩ họ Bùi ở phủ Nam Sách vẽ cho vui năm Thái Hòa thứ tám (1450)’. Bình nổi tiếng khác là một bình tròn, to khoảng 15 inch do Duke of Florence tặng Prince Elector of Saxony năm 1590. Bình này hiện được giữ ở viện bảo tàng Johannaun Museum, Dresden, Thụy Điển. (Tưởng cũng nên nhấn mạnh ở đây một điểm đặc biệt khác là sự tôn trọng vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Những món đồ kể trên cho thấy vợ chồng Đặng Huyền Thông và Nguyẽn Thị Đỉnh cùng ký tên vào tác phẩm, sãi vãi Nguyễn Thị Liên, Vũ Thị Dương được ghi tên vào món đồ họ đặt làm, đáng kể nữa là người nữ họa sĩ họ Bùi ở Phủ Nam Sách còn ký tên mình vào một món đồ tuyệt đẹp làm để xuất cảng – hãy thử tìm, văn hóa Tàu, Nhật... làm gì có sự tôn trọng, ngợi ca người đàn bà như thế).

Cùng đồ Lý trắng, nâu, đồ Chu Đậu (kéo dài suốt từ đời Lý, Trần qua đến đời Hậu Lê) rất phong phú về cả phẩm lẫn lượng. Đủ mọi thứ, đủ mọi thứ hoa văn Việt Nam, thứ thì chỉ đề dùng trong nước, thứ thì chỉ để xuất cảng, thứ thì làm theo mẫu đặt của người Nhật Bản, người Nam Dương, người Ả Rập... Thế kỷ 12-16 là thời kỳ mà sức sáng tạo nghệ thuật, sự phát triển kỹ thuật lên đến cao nhất, mà sự thành công về thương mãi cũng lên đến cao nhất của đồ gốm Việt Nam. Xuống dốc từ đời Hậu Lê, suy tàn qua những năm xáo trộn chính trị, quân sự từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, bị bỏ quên dưới thời nhà Nguyễn, cộng thêm ảnh hưởng của việc cấm buôn bán với nước ngoài của các triều đại này, đồ gốm Việt Nam không duy trì được truyền thống độc lập, được giá trị sáng tạo nghệ thuật trước đây nữa. Tiếc thay, sự thiếu xót trong việc thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục của các chính quyền Nam, Bắc trong năm chục năm vừa qua càng làm cái gia sản thuần Việt này mai một thêm.

5. Đồ gốm Bát Tràng: 

Bát Tràng đi vào ca dao với những viên gạch lót sân, nhưng thật ra gạch chỉ là một phó sản. Gạch Bát Tràng (dân địa phương gọi là gạch da sắt, thật ra là bao nung để nung các món khác, sau 3 lần nung, thì trở thành gạch da sắt) được bán để lót sân, lót hè. Bát Tràng sản xuất rất nhiều đồ gốm các loại, dùng trong đời sống hàng ngày, trong việc thờ phụng Phật, Thánh, đình làng… như chén đĩa, lu, hũ, bình, ấm, bình vôi, điếu bát, chân đèn, lư hương, hình tượng, mâm, đỉnh… Gốm bát tràng cũng gồm nhiều nước men màu, trắng ngà, trắng xám, nâu, xanh rêu… Hoa văn phong phú, đủ mọi thể loại, từ hoa lá, muông thú đến các sử tích Trung Hoa (bát tiên quá hải, Tô Vũ chăn dê…). Ðồ Bát Tràng ghi những niên hiệu nhà Mạc, nhà Lê, nhà Tây Sơn, Nguyễn, niên hiệu cổ nhất ghi năm làm là năm Sùng Khang thứ 7 đời nhà Mạc (1572). [1] Cho đến nay, Bát Tràng vẫn liên tục sản xuất đồ gốm cho thị trường nội địa. So với đồ gốm Chu Đậu thì nước men Bát Tràng không mỏng bằng và nét vẽ lem luốc hơn. 

6. Đồ ‘Men Lam Huế’

Men lam Huế: Ðĩa Mai Hạc, do Nguyễn Du đặt (trái), đĩa Nội Phủ, của chúa Trịnh Tùng (giữa) và đĩa Khánh Xuân, của chúa Trịnh Tùng (phải)
(Chụp từ bộ sưu tập của Bùi Ngọc Tuấn)

Trước hết xin nhắc lại rằng cái mầu men xanh biếc của đồ sứ đời Minh, đời Thanh chính là của men xanh Persian, chỉ mới được nhập cảng vào Trung Hoa bắt đầu từ đời nhà Nguyên, theo gót chân quân Mông Cổ (Trung Hoa và Việt Nam không có khoáng chất cobalt tạo nên mầu men xanh nước biển đậm đó), chắc vì chất men này giá đắt nên ở Việt Nam, mầu men lam này chỉ được dùng chung với mầu chàm (đồ Chu Đậu) để tạo nên hai sắc lam đậm nhạt trong đồ gốm Việt. Những đồ men lam thường được sưu tập là đồ nhập cảng nguyên chiếc hay đặt làm từ Trung Hoa vào. Vì đồ này được dùng rất nhiều ở cung đình Huế nên thường được gọi là đồ ‘men lam Huế’. Chúng tôi lại chia loại này thành: (1) Đồ Nội Phủ và đồ Khánh Xuân do Trịnh Sâm đặt bên Tàu. (2) Đồ đời Nguyễn do các vua Gia Long, Thiệu Trị, do sứ bộ Nguyễn Du, sứ bộ Đặng Huy Trứ... họa kiểu đặt làm bên Tàu.

a. Đồ Nội Phủ và Khánh Xuân:

Trịnh Sâm họa kiểu và cho đặt tại lò Cảnh Đức Trấn bên Tàu (Đây là lò gốm dành riêng cho việc chế tạo đồ dùng trong cung điện Trung Hoa, thời này do Đường Anh, một tay kỳ tài của đồ gốm Trung Hoa điều khiển). Theo Ông Vương Hồng Sến, mới đầu Trịnh Sâm làm đồ ‘Nội Phủ’ (dưới đáy viết mấy chữ: ‘nội phủ thị trung’, ‘nội phủ thị tả’, ‘nội phủ thị hữu’, ‘ nội phủ thị đoài’... Phủ đây là Phủ Chúa, để phân biệt với Cung Vua). Vài năm sau, khi sửa soạn chiếm ngôi vua của nhà Hậu Lê, Trịnh Sâm bỏ đồ ‘Nội Phủ’, mang hết các món này cho vua Lê, rồi đặt làm cho mình một loại đồ đẹp hơn, dưới viết mấy chữ ‘Khánh Xuân thị tả’. Tuy làm cùng một lò, nhưng đồ ‘Khánh Xuân’ đẹp hơn và lộ ý muốn chiếm ngai vàng nhà Lê một cách rõ rệt. Chúng tôi có được một đĩa Khánh Xuân lớn 14 inch, với hình rồng và lân (Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán). Rồng trong hình này có năm móng (biểu hiệu dành riêng cho vua) và hai đĩa khác cũng lớn 14 inch, cũng với đôi rồng năm móng). Muốn biết rõ về loại đồ này xin đọc sách ‘Lược khảo về đồ sứ cổ men lam Huế’ của Vương Hồng Sển. Đồ Nội Phủ và Khánh Xuân được người ta xếp vào loại ‘Men Lam Huế’ vì ngoài những nét tương tự, những đồ này cũng lại được tìm thấy ở Huế, khi bà Từ Dũ cho bán đi mấy chục năm trước đây. Học giả Vương Hồng Sến nói rõ rằng: khi ra chiếm Thăng Long, vua Quang Trung đã mang hết các đồ dùng của chúa Trịnh về Phú Xuân rồi kế đó, khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long lấy lại đồ của nhà Tây Sơn mà dùng tiếp, vì thế đồ Nội Phủ và Khánh Xuân mới xuất hiện nhiều ở Huế. Ngẫm lại thấy nhà Trịnh, nhà Nguyễn, nhà Tây Sơn đánh nhau chết bỏ mà lại ăn uống trong cùng các tô, đĩa này. Bây giờ cầm mấy món đồ này trong tay xăm xoi, ngắm nghía chúng tôi không thể ngưng bàng hoàng xúc động. Sao họ không cùng ngồi chén chú chén anh, ăn trong cái tô Lý Lục có ám họa hoa cúc, uống từ cái ấm Lý Nâu vẽ chân chim như cái đời sống an bình mà người thợ đồ gốm đã làm ra cho mình, thì chẳng sướng hơn sao?

b. Đồ đời Nguyễn:

Dưới đời Nguyễn, kỹ nghệ đồ gốm của người Việt suy sụp, thị trường trong nước và quốc tế bị mất vào tay người Tàu, người Nhật, vua quan nhà Nguyễn thì lại mê chuông văn hóa Trung Hoa, cái gì cũng rập theo nhà Thanh. Triều đình nhà Nguyễn đặt rất nhiều đồ men Lam làm bởi lò Cảnh Đức Trấn, bên Tàu. Thời vua Gia Long, đồ lấy được của Tây Sơn - Chúa Trịnh còn nhiều, khá dư dùng. Gia Long lại dựng nước trên mình ngựa, ít thì giờ chú trọng đến việc này nên số đồ đặt bên Tàu còn ít hơn, nhưng sang các đời sau (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) thì đồ đặt rất nhiều. Tên húy của các vua nhà Nguyễn (Ánh, Đảm, Thì...) thuộc bộ ‘nhật’ (日) của chữ Hán, nên các tô đặt làm có chữ nhật dưới đáy), nhưng khi gặp tô chữ nhật (nếu không phải là đồ giả do Nhật Bản làm bán cho những người mới sưu tập), ta biết ngay đây là đồ dùng trong cung điện nhà Nguyễn. Những tô chữ nhật này khá lớn, trong lòng tráng men trắng, bên ngoài có vẽ cảnh phong thủy Việt Nam, và có thơ chữ nôm. Người Tàu không đọc được chũ nôm nên đôi khi đã viết sai (Ông Trần Ngọc Sơn, ở Huế có tìm được một tô chữ nhật với bài thơ ‘một sắc nước in trời’ mà câu thứ hai được lập lại hai lần còn câu thứ ba thì lại thiếu trọn. Xin xem ‘ Đồ sứ men Lam Huế – những trao đổi học thuật, nxb Thuận Hóa,1997).

Nổi tiếng nhiều trong loại đồ này là những bộ chén, đĩa trà vẽ hình cây mai và chim hạc cùng hai câu thơ nôm của Nguyễn Du: ‘Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người quen’. Đồ này được đặt làm lần đầu bởi Nguyễn Du khi đi sứ nhà Thanh năm 1813. Ngoài những đồ đặt làm, đời Nguyễn còn nhập cảng nhiều đồ men lam khác của nhà Thanh. Những món này rất ưa chuộng bởi giới quan lại và các nhà giàu Việt Nam.

Hy vọng bài viết sẽ tạo nên những hiểu biết và ý thích khởi đầu, để việc tìm hiểu, duy trì và phổ biến những giá trị đặc biệt rất đáng được ngợi ca, hãnh diện của văn hóa Việt Nam nơi những người trẻ tuổi. Trong suốt giòng lịch sử dân tộc, những chuyển biến chính trị dù xáo động đến thế nào cũng chỉ có giới hạn ngắn. Những ảnh hưởng, chủ thuyết ngoại lai thảy rồi cũng bị gạn lọc, đào thải để chỉ có phần hay đẹp mới được hòa nhập vào dòng văn hóa Việt Nam. Cho nên chúng tôi tin rằng những thay đổi tốt đẹp trong xã hội, văn hóa, dân tộc Việt sẽ từ từ chuyển biến đến. Và trong khung cảnh đó, các cuộc khai quật nghiên cứu, duy trì và phổ biến của đồ gốm, đồ đồng dân tộc sẽ phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhà nghiên cứu ngoại quốc đã khám phá, nghiên cứu và ca ngợi đồ gốm Việt Nam. (trong những cuộc đấu giá của nhà Christie of London, của Sothebys có những món đồ gốm Việt được bán với giá hàng chục nghìn Mỹ Kim). Thế giới nhìn ra và đánh giá rất cao khía cạnh này của văn hóa Việt, tại sao chúng ta lại lơ là? Tại sao chúng ta không khuyến khích những lò gốm ở Việt Nam hiện nay trở lại học và làm những món đồ giống như đồ Lý - Trần, đồ Chu Đậu đó để dùng hàng ngày? Những đồ này đẹp ăn đứt chén đĩa làm bằng máy, sản xuất hàng loạt của Tàu, của Nhật, của Âu Mỹ.

 

Bùi Ngọc Tuấn

_____________________

Xem: Bảng tóm lược lịch sử đồ gốm Việt Nam  

 


Cái Đình - 2014