Đào Viên
Đình làng Việt Nam
Lời nói đầu
Bài viết dưới đây là được trích dịch từ bài Tham luận viết bằng tiếng Pháp “Essai sur le “Đình” et le culte du génie tutélaire des villages du Tonkin của ông Nguyễn văn Khoan, một Phụ tá Khảo Cứu gia trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp – École Francaise d’Extrême Orient, viết tắt là EFEO trước đây dưới thời Pháp thuộc tọa lạc tại đường Henri Rivière Hà Nội.
Ông Nguyễn văn Khoan
Bài Tham luận này được đăng trên Tạp Chí Khoa học Bulletin de l’École Française d’Extrême Orient năm 1930, từ trang 107 đến trang 140. Ngoài bài tham luận này ông Nguyễn văn Khoan còn có một bài tham luận khác, cũng viết bằng tiếng Pháp dưới tên là “Le Repêchage de l’âme, avec une note sur les “Hồn” et les “Phách” d’après les croyances tonkinoises actuelles”, cũng được đăng trên Tạp Chí Khoa học Bulletin de l’École Française d’Extrême Orient năm 1933.
Theo lời giới thiệu của ông John Kleinen, cựu giáo sư về Nhân Chủng học và Xã Hội học tại trường Đại học Amsterdam: Ông Nguyễn văn Khoan, tác giả Luận án này, sinh năm 1890, mất năm 1975, sinh quán tại Huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh, tinh thông Hán tự và Pháp văn, vào làm cho Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp từ năm 1925.
Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp – EFEO – là một cơ quan khảo cứu khoa học: Nhân Chủng Học, Dân Tộc Học, Xã hội học, Lịch sử… – trực thuộc Collège de France bên Pháp. Giám đốc EFEO bao giờ cũng là một khảo cứu gia người Pháp được cử sang Việt Nam. Người Việt Nam làm việc cho EFEO thời đó không nhiều, như các ông Nguyễn văn Tố, Nguyễn văn Huyên, Trần văn Giáp, Nguyễn văn Phấn, và sau này ông Nghiêm Thẩm. Ông Hoàng xuân Hãn, một Khoa học gia nổi tiếng của Việt Nam, đã đến EFEO nhiều lần, với mục đích là khảo cứu các tài liệu của Trường để viết cuốn sách “Lý Thường Kiệt, Thời sự, Ngoại giao và Tôn Giáo Triều Lý”, xuất bản năm 1949.
Sau năm 1950, Việt Nam thành một quốc gia tự chủ, EFEO được đổi tên thành Vỉện Khảo Cổ.
Vì tài liệu này rất dài, trong đó tác giả đã tham cứu và chú giải nhiều tài liệu Hán Nôm như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự, Thọ Mai Gia Lễ, Nghi Lễ Phổ Thông… để kiểm chứng bài viết của mình, cho nên chúng tôi chỉ ghi chép lại những phần chính yếu của bài Tham luận mà thôi.
Những điểm đặc biệt của một cái “Đình”
Đình là đền thờ Thần Thành Hoàng làng là vị Thần bảo hộ cho làng. Đình được xây cất ở một nơi hơi xa cách với nhà dân chúng. Đình thường bao gồm một tổng thể những gian nhà khá rộng có thể chứa được bàn thờ Thần, đồ thờ, và chỗ để cho dân làng đến hội họp trong những ngày lễ.
Kiến trúc một cái Đình
Nói chung, Đình trước hết gồm có một tòa nhà hình chữ Đinh, chữ T lộn ngược, mà đường chính giữa dựng ngược là cung điện còn đường ngang là nhà tế. Gian ấy gọi là Hậu Cung hay Đình Trong. Trước mặt có một gian nhà khác. Gần dài như gian Hậu cung độ 3, 5 hay 7 hàng cột tuỳ theo từng làng giàu hay nghèo. Chính gian này gọi là Tiền tế hay Đình Ngoài mà các kỳ mục mặc áo thụng xanh làm lễ Thần vào ngày lễ chính thức. Giữa Hậu Cung và Tiền Tế có một cái sân ngăn cách.
Kế nhà Tiền Tế, ở đàng trước có hai hàng nhà dọc xây ở bên trái và bên phải đối diện nhau, đấy là 2 bên Hành Lang. Hành lang dài chừng 3 đến 7 hàng cột, có khi nhiều hơn. Chính ở tại hai bên hành lang này, dân làng đến sửa soạn việc tế lễ, làm đồ sính lễ thịt trâu, bò, lợn, gà và xôi cúng, cùng là dọn cỗ bàn ăn ở Đình.
Sân Đình có thể có cửa ba cánh đồ sộ đóng lại giữa khoảng đầu hồi hai hành lang. Thường thì sân Đình bỏ ngỏ cửa ra vào chỉ có bốn cột xây, có khi nối với nhau bằng những bức tường.
Trong hậu cung có bàn thờ Thần, hoặc là tượng hay thông thường là một cái Ngai còn gọi là Ỷ, phủ lụa đỏ hay vàng, ở trên đặt một chiếc mũ quan và đôi ủng. Linh hồn hay vía thần được biểu hiệu bằng sắc phong của nhà vua, mà người ta dựng trong một Hòm sắc sơn son thiếp vàng. Hậu cung luôn luôn đóng kín trong những ngày thường, ngăn cách với gian Tiền tế bằng những cánh cửa đặc hay lủng, chỉ được mở vào ngày lễ. Vì thế mới gọi hậu cung là Cung Cấm, chỉ có người kỳ mục làm chức Cai Đám hay Tế Đám với người Thủ Từ mới có quyền ra vào mà thôi.
Ở khoảng hàng cột chính giữa gian Tiền Tế và ngay trước mặt Hậu Cung có dựng cái Hương Án bằng gỗ trạm và sơn, ở trên mặt có bầy Đồ Thờ: những đỉnh trầm, cây nến, đèn treo, ống bình nhang, bình cắm hoa, cờ quạt, lộ bộ và bát bửu. (Bát bửu: đàn sáo, lẵng hoa, thư kiếm, bầu rượu, túi thơ, thơ, bút, khánh, quạt).
Ở các gian giữa các hàng cột khác, đất được kê cao lên thành một cái bục sàn bằng gỗ hay nền xây. Trên nền ấy có trải chiếu, các vị bô lão đứng với kỳ mục vào những ngày lễ và hội đồng trong làng.
Ở gian Tiền Tế cũng thế: gian hàng cột giữa dành cho việc thờ cúng nghi lễ. Trên các bục là dành các người không thuộc hạng bô lão và kỳ mục đứng dự lễ.
Ngựa Gỗ trong Đình
Trong các Đình thờ nam thần thường thấy có một con ngựa gỗ sơn đỏ hay trắng kích thước bằng ngựa thật, đặt trên cái khung gỗ có bánh xe. Ngựa gỗ được đặt ở một trong các gian trên, hay ở một gian riêng biệt của nó. Nếu là Đình thờ nữ thần thì con ngựa kia được thay thế bằng cái võng gai điều mắc vào đòn trạm trồng ở hai đầu. Cái đòn ấy đặt trên cái giá ba gian chéo, lợp mái tre đan theo hình mai rùa.
Trong ngày lễ lớn, ngựa được đóng yên cương rực rỡ, cáng được kết lụa và phủ màn the màu.
Võng cho Nữ Thần
Mọi người hiểu là trong đó có linh hồn Thần linh. Người ta rước ra khỏi Đình trong cuộc rước long trọng, đi theo Xe Thần, là Ngựa được giắt đi bằng dây lụa, Võng cáng được các cô con gái đồng trinh khiêng.
Xe của thần tức là Kiệu cũng thuộc vào bộ đồ lễ là một cái ngai hay long đình làm bằng gỗ trạm và sơn son thiếp vàng. Có từ 8, 12 đến 16 người đàn ông khiêng trên cái khung chữ nhật bằng gỗ trạm rồng, sơn son thiếp vàng do các đòn hợp thành. Đấy là yếu tố chính trong cuộc rước.
Đến đây, chúng ta phải nói đến một chỗ thứ hai cho cuộc rước, hay là sự tiếp theo của cuộc rước. Tôi định nói đến cái Nghè. Nguồn gốc của cái nghè thì không ai biết, tôi chỉ miêu tả cái Nghè đó ra mà thôi. Nghè là nơi cuối cùng của cuộc rước hàng năm thờ Thần Hoàng Làng. Nghè là một chỗ được đắp cao lên như một cái bục dễ ra vào, khá cao cho nước khỏi ngập khi trời mưa, trên đó có trồng cây và cỏ. Vì đây là một chỗ linh thiêng nên cấm ra vào. Có làng xây hẳn một cái Nghè bằng gạch, không mái lợp. Khi cuộc rước Thần đến nơi, dân làng làm một ban Thờ để bái lễ. Nếu không có ban thờ, dân làng chỉ việc để cái Kiệu của Thần xuống đất mà bái lễ Thần. Xong xuôi, đám rước trở về Đình. Tại một số làng trong hai Tỉnh Hà Đông và Hưng Yên, dân làng không xây Bục cao cho Nghè xa làng. Họ chỉ xây một cái Miếu nhỏ ngay trong làng. Cuộc rước Thần sẽ không xa, từ Đình ra Miếu rồi từ Miếu trở về Đình.
Vị Thần có thể là một vị Thiên Thần như Thần núi Tản Viên tỉnh Sơn Tây là Thần Hoàng làng Nhân Lý tỉnh Hà Đông, hoặc Thần Đế Thích là Thần Hoàng Làng Nhật Tảo tỉnh Thái Bình.
Vị Thần có thể là một vị Phúc thần như Lý Ông Trọng là Thần Hoàng Làng Thụy Phương tỉnh Hà Đông.
Một ông Quan lại cũng có thể được dân một làng tôn là Thần Hoàng Làng, vì ông quan này đã giúp làng khi còn sinh tiền. Đó là ông Hoàng Cao Khải, làm Kinh Lược Bắc hà, người lập ra làng Thái Hà Ấp gần Hà Nội. Một ông quan lại khác là ông Nguyễn Cẩn làm Tuần Phủ huyện Từ Sơn. Ông này lập ra làng Đông Lâm tình Hải Dương, nên được tôn là Thần của làng.
Một làng có thể thờ hai vị Thần như tại làng Nội Duệ tỉnh Bắc Ninh, thờ hai Thần là Trương Hồng và Trương Hát. Làng Hát Môn, tỉnh Hà Đông có hai Thần Hoàng Làng là Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Ngược lại, nhiều làng có thể thờ chung một hay nhiều Thần, như Thần Tản Viên – thờ tại hai làng Nhân Lý và Tiến Tiên, tỉnh Hà Đông, hoặc Thần Đế Thích thờ tại hai làng La Tràng và Nhật Tảo, tỉnh Thái Bình.
Nghi Lễ trong “Đình”
a- Trong một năm, ngày lễ tại Đình được ấn định theo Âm Lịch như sau:
Quan Viên làm lễ trong Đình
b- Ngoài những ngày lễ nhất định trên, dân làng có thể tế lễ ở Đình, nhân một dịp vui nào đó, như một đám cưới lớn mà khổ chủ chịu bỏ ra nhiền tiền; hoặc một dân trong làng mới lên chức lớn, muốn khao cả làng.
c- Ngày lễ quan trọng nhất trong làng, tổ chức tại Đình là ngày giỗ –tức là ngày Thất lộc – của ông Thần Hoàng Làng. Ngày lễ này được gọi là Ngày Vào Đám hay Vào Hội, thường kéo dài nhiều ngày, Trong Ngày Vào Đám, sẽ không có đám ma. Gia đình nào muốn tổ chức một đám ma thì phải tránh những con đường lớn trong làng hay làm thật sớm khi Vào Đám chưa bắt đầu. Trong ngày Vào Đám dân làng tổ chức nhiều cuộc chơi vui như Hát Tuồng, Hát Chèo, Cướp Cầu, đánh Cờ, Chọi gà…
d- Nhiều làng thờ một vị Thần mà lúc sinh tiền làm một việc đó, rất đặc biệt, khác hẳn người bình thường. Vì thế, để tưởng nhớ vị Thần dân làng đã quyết định tổ chức một buổi lễ đặc biệt khác hẳn cuộc tế lễ thông thường, người ta gọi là Hèm.
Thí dụ như tại làng Phù Đổng, tỉnh Hưng Yên, thờ Thần Thành Hoàng Làng là Phù Đổng Thiên Vương, mà theo lịch sử và truyền thuyết đã ngay khi còn nhỏ đứng lên cưỡi ngựa sắt đánh đuổi giặc Ân bên Tầu đang chiếm nước ta. Dân làng Phù Đổng tổ chức một cái Hèm trong đó có hai đội quân đánh nhau tượng trưng chiến công của Phù Đổng Thiên Vương cho mọi người xem.
Một thí dụ khác là Hèm tại làng Cổ Nhuế, thỉnh Hà Đông. Vị Thần thờ tại làng này lúc sinh tiền là một người đi hót phân, để bón cây. Đồ cúng trong Đình là một cái rỏ và hai cái đồ hót. Đến ngày Lễ trong Đình, người ta bóc vỏ chuối vứt đi, còn chuối thì giả làm phân người, được rải trên chiếu. Cai đám sẽ dùng rỏ và hai đồ hót, diễn tả lại công việc của vị Thần Thành Hoàng Làng.
Cuộc Tế lễ trong Đình làng
a- Tế lễ trong Đình là một việc quan trọng cần đến nhiều người chung tay làm. Người đứng đầu cuộc Tế lễ đuọc gọi là Chủ Tế. Chủ Tế cần có ít ra là 2 người giúp gọi là Bồi Tế. Ngoài những người trên, trong Đình còn cần đến 2 người khác, gọi là Đông Xướng và Tây Xướng mà việc chính yếu là hô to mời các vị Thần phía Đông và phía Tây đến dự lễ, Đôi khi, hai người Đông Xướng và Tây Xướng phải lớn tiếng nhắc lại câu lễ bái của Chủ Tế hay Bồi tế. Sau cùng, Chủ Tế và Bồi Tế còn cần một số – từ 2 đến 8 – người giúp việc lặt vặt, gọi là Chấp Sự. Tất cả những người này đều phải mặc áo thụng mầu xanh, khi nói thì phải nói lớn tiếng cho mọi người trong Đình nghe thấy.
Chủ Tế, Bổi tế và Chấp Sự
b- Trong Đình, khi có Tế lễ, đều có trải ra 3 cái chiếu lớn. Cái đầu tiên, ngay sau Hương án là chỗ cho Bồi Tế hay Chấp Sự đứng để trông nom cái Hương Án, Chủ Tế bao giờ cũng đứng trên Chiếu thứ 3. Bồi Tế đứng sau Chủ Tế. Còn Chấp Sự đứng sang hai bên.
Trên Hương Án, người ta bầy các phẩm vật để cúng Thần. Những phẩm vật này bao gồm Trầu Cau, Rượu đế – hai phẩm vật bắt buộc. Rồi đến Trái cây theo mùa như Cam Quít, Chuối, Oản, Xôi nếp, sau cùng là Tam Sinh, tức là 3 loại thịt heo, gà vịt, bò, trâu, đôi khi có cả thịt dê.
c- Cuộc Tế lễ trong Đình kéo dài nhiều giờ. Nhiều làng tổ chức Tế lễ Thần theo tục lệ ghi trong cuốn Thọ Mai Gia Lễ. Sau khi cuộc Tế lễ kết thúc, người dân trong làng mới được vào Tiền Tế trong Đình lễ Thần 4 lạy để lấy phước hay lấy may từ Thần bảo hộ làng.
.
Đào Viên
Trích từ website của tác giả:
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/dinhlangvietnam.htm