Phạm Đình Lân


Chuyện của Trời

.

Theo sự hiểu biết thô thiển của loài người, Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng Vạn Năng, là Thượng Đế. Đó là đấng vĩ đại không thấy được bằng mắt thường mà chỉ thấy bằng sự cảm nhận sau khi ta tự hỏi và chưa có câu trả lời thỏa đáng về:

Không thấy sao lại nói có?

- Ta có thấy không khí không? Tại sao không thấy không khí lại xác nhận có không khí?
- Với mắt thường ta không thấy vi trùng. Chúng vẫn hiện hữu khi ta dùng kiếng hiển vi.
- Trong chúng ta có biết bao nhiêu người không thấy và không biết ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại hay xa hơn ông cố, bà cố. Vậy các vị ấy có hiện hữu hay không?

Những câu hỏi tầm thường trên dẫn chúng ta đến sự hiện hữu của Trời.

Tiến sĩ Phan Thanh Giản là một trí thức Khổng Giáo ít nhiều duy vật khi đi sứ sang Pháp về và nhận xét về văn minh kỹ thuật của Pháp như sau:

Bá ban xảo kế tề Thiên Địa
Duy hữu tử sinh Tạo Hóa quyền.

Trời mà tiến sĩ Phan Thanh Giản gọi là Tạo Hóa chỉ có quyền TỬ, SINH mà thôi sao?

Con người dù giỏi và khéo léo đến đâu cũng không sao tề Thiên Địa được.

Chuyện Tề Thiên Đại Thánh “đại náo Thiên Đình" trong Tây Du Ký, "Ông Trời không có mắt” thường nghe trong các phim Hong Kong hay “con Cóc là cậu Ông Trời” trong truyện kể dân gian ở nước ta nói lên sự lộng ngôn của loài người đối với Trời. Sự hỗn láo đó bị trừng phạt lâu dài dưới nhiều dạng khác nhau.

Một nước Trung Hoa to lớn và đông dân nhất thế giới lại khiếp sợ rợ Hung Nô đến nỗi phải xây Vạn Lý Trường Thành dài hàng ngàn cây số để ngăn ngừa sự tấn công của nhóm người nhỏ bé ở phương bắc nước Trung Hoa: Hung Nô. Rồi nước ấy bị người Mông Cổ, người Mãn Châu và người Bạch Chủng kể cả người Nhật hoàng chủng xâm lấn và chiếm đóng vài hải cảng, quần đảo và thành phố (Hong Kong, Ma Cau, Port Arthur .<.Lữ Thuận.>, Wei Hai Wei .<.Uy Hải Vệ.>, quần đảo Penghu .<.Bành Hồ.>, đảo Taiwan .<.Đài Loan.> v.v. và chia ra nhiều tô giới địa ở các thành phố lớn. Rồi bị Nhật đánh bại thê thảm hai lần vào năm 1894 rồi 1937.

Dân tộc giễu cợt "con Cóc là cậu ông Trời" đã phải trải qua nhiều thế kỷ trầm luân lịch sử. Hết khổ nạn này đến khổ nhục khác. Khổ nhục nối tiếp nhau cơ hồ như không bao giờ dứt. Hết ngoại nhân này đến ngoại nhân khác để quanh năm suốt tháng chịu đau khổ, nhục nhã, uất hận và xào xáo lẫn nhau.

Có nhiều dân tộc tôn thờ các ông Marx, Lenin, Stalin, Mao Zedong, Hồ Chí Minh, Fidel Castro, Kim Il Sung… như Thánh sống nhưng họ mạnh miệng tự xem mình 'ngang Trời' hay 'quá Trời', 'thay Trời làm mưa', 'biến sỏi đá thành cơm' bằng công trình thủy lợi.

Khiếp sợ người nhưng xem thường Trời. Vì người hữu hình có dao, búa, súng ống, tay chân bộ hạ. Trời vô hình. Thực sự họ đã gặt hái được thành quả gì ngoài sự nghèo đói và ngượng ngập, trơ trẽn với dân tộc họ và nhân dân thế giới qua những lời nói ngạo mạn của họ?

Trời dường như biết được tánh ngạo mạn và tâm lý 'ỷ mạnh hiếp yếu', 'lấy thịt đè người', 'khôn sống dại chết' của loài người nên tạo con voi to lớn nhưng không đập chết con kiến mà còn sợ con sâu nữa! Đó là sự nhắc nhở loài người về một điều gì liên quan đến luật sinh tồn và quyền uy của đấng Tạo Hóa mà ta quen gọi là ông Trời.

Các đế quốc ngày xưa đều là những nước nhỏ.

Macedonia là một vùng nhỏ hẹp ở phía bắc bán đảo Balkans. Alexander III (356 - 323 trước Tây Lịch) lên ngôi năm 20 tuổi (năm 336 trước Tây Lịch). Bằng những chiến công lẫy lừng vị vua trẻ này đã đi vào lịch sử khi nới rộng đế quốc từ bán đảo Balkans sang Bắc Phi (Ai Cập), bắc Ấn Độ và đánh bại vua Darius III (380 - 330 trước Tây Lịch) của đế quốc Persia (Ba Tư tức Iran bây giờ). Lịch sử gọi vua Alexander III là Alexander Đại Đế. Ông thành lập Đế Quốc Macedonia năm 30 tuổi. Ông mất ở tuổi 33! Đế quốc Macedonia là đế quốc Hy Lạp. Nước này cống hiến cho nhân loại nhiều nhà triết học (Plato, Aristotle), toán học (Pythagore, Euclid), kiến trúc (Phidias 480 - 430 trước Tây Lịch), vật lý học (Archimedes) và y học (Hippocrates, tổ ngành Tây Y), nhiều công trình kiến trúc vĩ đại (tượng thần Zeus, một trong bảy kỳ quan thế giới, tượng nữ thần Athena trên cổ thành Acropolis ở Athens, đền Parthenon v.v...) và nhiều huyền thoại và văn thơ nổi tiếng trên thế giới. Các từ khoa học, y học, dược học, động vật học, thảo mộc học đều có gốc La Mã - Hy Lạp (Greco-Latin). Thế Vận Hội Olympic, chạy Marathon 40 km đều bắt nguồn từ xứ Hy Lạp cổ. Hàng trăm thành phố cảng dọc theo Địa Trung Hải và Hắc Hải do người Hy Lạp cổ xây dựng kể cả Alexandria ở Ai Cập, Marsalia (tức cảng Marseille của Pháp), Kourion (Cyprus), Dardanelles (Thổ Nhĩ Kỳ) v.v…

Đế quốc La Mã vững mạnh từ năm 27 trước Tây Lịch đến năm 1453 với ba giai đoạn thời gian quan trọng:

1. từ 27 trước Tây Lịch đến 395 sau Tây Lịch (Thủ đô: Rome)
2. từ 395 sau Tây Lịch đến 476 sau Tây Lịch (Đế Quốc La Mã Phương Tây - Thủ đô: Rome)
3. từ 395 sau Tây Lịch đến 1453 (Đế Quốc La Mã Phương Đông - Thủ đô: Constantinople).

Trên đỉnh cao, đế quốc La Mã rộng 5.000.000 km2 chạy dài từ Đại Tây Dương (Anh) sang Địa Trung Hải, Hắc Hải bao gồm Tây Âu, Trung và Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi bây giờ. Các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập từng đặt dưới sự thống trị của các hoàng đế La Mã.

Đế Quốc Mông Cổ hình thành từ thời Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn) từ năm 1206.

Đến năm 1309 Đế Quốc Mông Cổ rộng 24.000.000 km2 (24 triệu km2) trải dài từ Trung Hoa, nam Nga, bắc Ấn Độ, Persia (Ba Tư) sang Trung Đông, Trung Âu! Người Mông Cổ thiết lập triều Nguyên (Yuan) ở Trung Hoa từ năm 1271 đến 1368. Triều Yuan của người Mông Cổ ở Trung Hoa kéo dài 97 năm.

Mông Cổ gồm:

- Nội Mông ngày nay rộng 456.000 km2 với 25 triệu dân
- Ngoại Mông rộng 1.556.000 km2 với trên 3 triệu dân.

Ngày nay Nội Mông xem như là một bộ phận của Trung Quốc.

Ngoại Mông là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Liên Sô và Trung Hoa. Đó là vùng đất rộng mênh mông nhưng chỉ có trên 3 triệu dân.

Giống như sinh hoạt của tổ tiên của họ, chăn nuôi và đời sống du mục vẫn còn quan trọng trong sinh hoạt của người Mông Cổ. Với một diện tích rộng lớn và một dân số quá nhỏ hiện nay chúng ta khó tưởng tượng một nhóm người du mục Mông Cổ cách đây 08 thế kỷ đã thành lập một đế quốc rộng lớn trải dài trên hai lục địa Á - Âu.

Đế quốc Mông Cổ xây dựng trên sức mạnh quân sự và có những cống hiến nghèo nàn cho văn minh nhân loại.

Bồ Đào Nha là một nước nhỏ trên bán đảo Iberia. Nước này sớm phát triển hàng hải và trở thành một đế quốc với 10.400.000 km2 rải rác từ Đại Tây Dương sang lục địa Phi Châu, Á Châu và Châu Mỹ.

Bồ Đào Nha chiếm Ceuta gần eo biển Gibraltar năm 1415. Ceuta chỉ rộng 18,5 km2 trước kia do người Hồi Giáo kiểm soát. Ở Phi Châu Angola, Mozambique, Cape Verde, Guinea, Sao Tome… đều là thuộc địa của Bồ Đào Nha. Nước nầy chiếm Brazil ở Nam Mỹ năm 1500; Goa của Ấn Độ năm 1510; Malacca năm 1511 và đến Indonesia, New Guinea. Họ đến Trung Hoa đặt tên đảo Taiwan (Đài Loan) là Formosa (Đào Đẹp). Giáo sĩ François Xavier của dòng Jesuits truyền giảng đạo ở Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản. Người Bồ chiếm đóng Ma Cau trong tỉnh Guangdong (Quảng Đông) từ năm 1557 đến 1999 tức 442 năm. Họ hoàn trả thành phố Goa cho Ấn Độ năm 1961 sau khi chiếm đóng được 451 năm! Suốt 03 thế kỷ XV, XVI, XVII Bồ Đào Nha làm giàu nhờ độc quyền khai thác và buôn bán hương liệu (đinh hương, quế, đậu khấu, hồi hương, hồ tiêu v.v…), đường mía, gỗ quí miền nhiệt đới, khai thác vàng ở Phi Châu và Brazil.

Hòa Lan là một quốc gia nhỏ rộng 41.000 km2 (2/3 diện tích Nam Bộ); lãnh thổ thấp hơn mặt nước biển. Hòa Lan phát triển hàng hải và là quốc gia Tây Âu nhỏ bé được Nga Hoàng Peter Alexeyevich Romanov (1672 - 1725) (Pierre theo tiếng Pháp) giả dạng thường dân đến để học hỏi kỹ thuật hàng hải của Hòa Lan năm 1697.

Hòa Lan theo đạo Tin Lành. Khác với Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha theo đạo Thiên Chúa, Hòa Lan không chú trọng đến việc truyền giảng đạo mà chỉ chú trọng đến thương mại. Vào thế kỷ XVII các tướng quân dòng Tokugawa ở Nhật cấm người Bồ Đào Nha không được giảng đạo Thiên Chúa ở Nhật nhưng Hòa Lan là người Âu Châu duy nhất được cho buôn bán ở miền Nam nước Nhật. Hòa Lan có hai Công Ty lớn vào thế kỷ XVII:

- Công Ty Đông Ấn Hòa Lan ở Á Châu nơi Hòa Lan giao thương với Ấn Độ, chiếm Ceylon (Sri Lanka), biến Indonesia thành thuộc địa từ trong tay người Bồ Đào Nha để độc quyền khai thác hương liệu trên quần đảo này. Một thời Hòa Lan chiếm Formosa (Đài Loan), nam Ba Tư (Persia).

- Công Ty Tây Ấn Hòa Lan ở Mỹ Châu: Hòa Lan chiếm Nam Phi (1619 - 1677 – sau bị người Anh chiếm), New Amsterdam (sau bị người Anh chiếm và đổi thành New York), Virgin Islands (1648 đến năm 1672 bị người Anh chiếm đoạt). Ngoài ra trên luc địa Mỹ Châu Hòa Lan còn có Suriname, Guyana.

Hòa Lan đụng chạm với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh. Trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh làm ranh giới, người Hòa Lan giúp cho chúa Trịnh ở Đàng Ngoài; người Bồ Đào Nha giúp cho chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Anh Quốc trong thời phát triển thuộc địa chỉ rộng 209.000 km2 tức 63% diện tích nước Việt Nam. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phát triển hàng hải trước Anh. Dưới triều vua Philip II (1527 - 1598 – vua: 1556 - 1598) Tây Ban Nha có hạm đội Armada. Đế quốc Tây Ban Nha lan rộng đều khắp thế giới đặc biệt là vùng Trung và Nam Mỹ (ngoại trừ Brazil). Trong vùng Thái Bình Dương họ chiếm quần đảo Phi Luật Tân. Quốc hiệu Philippines có nghĩa là quần đảo của vua Philip II. Vì vậy có câu: "Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc của vua Philip II”. Đến thế kỷ XIX câu này được thay thế bằng câu: "Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”.

Năm 1588 vua Philip II của Tây Ban Nha có ý định xâm lăng Anh Quốc. Anh Quốc phá tan hạm đội Armada của Tây Ban Nha. Từ đó Anh Quốc bắt đầu làm chủ trên mặt biển Đại Tây Dương. Đế quốc Anh bành trướng khắp năm châu từ thế kỷ XVII, XVIII, XIX và những năm đầu của thế kỷ XX. Anh chiếm Ấn Độ, Nam Phi, Canada, miền Đông Bắc Hoa Kỳ ngày nay, Úc Đại Lợi; kiểm soát Địa Trung Hải, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, kinh đào Suez, chiếm Miến Điện, Mã Lai, Hong Kong (của Trung Hoa), ảnh hưởng lớn ở Iran và vùng Trung Đông. Đế quốc Anh rộng 36.500.000 km2 (25% diện tích đất nổi trên địa cầu) nằm rải rác khắp năm châu thế giới.

Nhật Bản rộng 380.000 km2 bằng 1,15 diện tích nước Việt Nam. Nhật Bản trở thành một đế quốc như các quốc gia Bạch Chủng sau cuộc canh tân của Meiji năm 1868. Nhật đánh thắng Trung Hoa trên bán đảo Triều Tiên năm 1894 và chiếm quần đảo Penghu (Bành Hồ), đảo Taiwan (Đài Loan) của Trung Hoa năm 1895. Năm 1904 Nhật đánh bại Nga ở Mãn Châu. Năm 1905 Nga đại bại trong trận hải chiến tại eo biển Tsushima nên phải nhường cho Nhật phân nửa đảo Sakhalin ở phía nam. Năm 1910 Nhật sáp nhập bán đảo Triều Tiên vào Nhật Bản. Sau đệ nhất thế chiến Nhật tiếp thu bán đảo Shandong (Sơn Đông) của Đức với tư cách là đồng minh các nước Tây Phương chống Đức trong đệ nhất thế chiến mặc dù không có quân chiến đấu ở Âu Châu. Năm 1932 Nhật thành lập Manchukuo (Mãn Châu Quốc) như một quốc gia phụ thuộc của họ trên lục địa Đông Bắc Á. Năm 1937 Nhật chiếm đông bộ Trung Hoa và toàn thể các nước Đông Nam Á, thuộc địa của Hoa Kỳ (Phi Luật Tân), Anh (Miến Điện, Mã Lai), Pháp (ba nước Đông Dương), Hòa Lan (Indonesia), Bồ Đào Nha (New Guinea). Đến năm 1940 đế quốc Nhật rộng 1.950.000 km2.

Chúng tôi chỉ đề cập đến những quốc gia có diện tích dưới 500.000 km2 nhưng có đế quốc rộng lớn mà không đề cập đến. Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung Hoa, Hoa Kỳ với 48 rồi 50 tiểu bang là những nước lớn có diện tích trên 500.000 km2.

Hoa Kỳ là quốc gia hợp chủng, nơi những người từ Âu Châu đến vì lý do chánh trị, kinh tế, tôn giáo, xã hội đã vùng lên chống lại đế quốc Anh vào thế kỷ XVIII và thành lập một quốc gia 13 tiểu bang nằm dọc theo Đại Tây Dương rộng lối 190.000 km2. Vùng đất này trở thành Thiên Đàng Địa Giới của những người nghèo khổ về kinh tế, bị áp bức vì lý do chánh trị hay tôn giáo đi tìm lẽ sống và được vui hưởng quyền tự do, dân chủ và quyền làm người.

Trong Cựu Ước Kinh có chuyện chiếc thuyền khổng lồ của Noah tồn giữ các giống thú, thảo mộc trong thời kỳ Đại Hồng Thủy.

Đấng Tạo Hóa như muốn tạo một nước Hoa Kỳ tập hợp đủ các sắc dân trên thế giới (bạch chủng, hắc chủng, hoàng chủng) với đủ mọi tôn giáo trên thế giới như Thiên Chúa Giáo, Tin Lành Giáo, Chính Thống Giáo, Anh Quốc Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Khổng Giáo, Phật Giáo, Bà La Môn Giáo, (Ấn Giáo), Hoàng Giáo Tây Tạng, Thần Giáo (Nhật Bản) v.v…. Họ sống chung trong hòa bình, cùng xây dựng một quốc gia cường thịnh, phú túc nơi con người được tự do, ấm no và hạnh phúc để phát triển khả năng thiên phú của mình. Quốc gia ấy vươn lên từ những người nhập cư từ Âu Châu và các nơi khác bị người Anh cai trị để sớm trở thành một đại cường quốc lãnh đạo thế giới.

Nếu mỗi con người đều có định số riêng thì mỗi quốc gia cũng có định số của nó.

Người sống siêng năng, đức độ và nhân ái luôn luôn được hưởng phúc như tổ tiên người Việt Nam vẫn nói nôm na: "Có đức mặc sức mà ăn.” Hoa Kỳ cũng vậy. Hoa Kỳ là nơi dung chứa những người nhập cư hoặc nghèo khổ, hoặc bị áp bức vì lý do chánh trị, tôn giáo hay kỳ thị giai cấp xã hội hay sắc tộc. Người Do Thái bị ngược đãi ở các nước Âu Châu. Nhưng họ không bị đối xử như vậy ở Hoa Kỳ. Trái lại họ được ưu đãi và có vai trò quan trọng trong xã hội Hoa Kỳ mặc dù cho đến nay Hoa Kỳ chưa có một vị tổng thống gốc Do Thái nào. Đất nước Hoa Kỳ biến những người cùng khổ, bị áp bức vì bất cứ lý do gì trở thành những người tự do, ấm no, được hưởng quyền giáo dục đầy đủ. Quốc gia phát triển không ngừng vì mọi người sống trong quốc gia đó không ngừng lao động, phát huy trí tuệ, óc sáng tạo và sức lực của họ để góp phần vào việc phát triển quốc gia. Việc gì có thể xảy ra khi lòng nhân ái trở nên cằn cỗi, ân đức quốc gia cạn kiệt? Loài người không thấy TRỜI nhưng TRỜI thấy việc làm tốt, xấu, nhân ái, bất nhân, ích kỷ và tham lam của loài người dù khéo léo che đậy đến đâu.

Do Thái là dân tộc chịu nhiều thử thách suốt chiều dài lịch sử. Đó là một nước nhỏ khô cằn nhưng Do Thái có nhiều đóng góp cho nhân loại với đạo Christ, quyển Thánh Kinh, các nhà lý tài, nhà khoa học đủ các ngành. Sau 2.000 năm ly hương họ ồ ạt trở về Đất Hứa để lập quốc sau những cuộc thảm sát ghê rợn của 6 triệu người Do Thái trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Đó không phải là phép lạ sao?

Thụy Sĩ có diện tích ngang hàng với Hòa Lan. Nếu Hòa Lan có nhiều nước thì Thụy Sĩ có nhiều núi và hồ. Đó là một quốc gia an bình sau hai thế chiến. Lợi tức trung bình tính theo đầu người ở Thụy Sĩ là 61.360 Mỹ kim/năm. Thụy Sĩ có đại học đầu tiên ở Basel vào năm 1460. Đại Học Zurich của Thụy sĩ thành lập năm 1833 là nơi đào tạo nhà vật lý học trứ danh gốc Do Thái: Einstein.

Singapore là một đảo quốc tân lập vào năm 1965, rộng 721 km2. Xứ nhỏ bé này có ba sắc dân: Trung Hoa, Mã Lai, Ấn Độ. Bốn ngôn ngữ được công nhận là ngôn ngữ chánh thức. Đó là: Anh ngữ, Quan Thoại, Mã ngữ, Tamil ngữ. Đào quốc nhỏ bé này trở thành một xứ đa chủng tộc với nền kinh tế phồn thịnh nhất ở Đông Nam Á. Trình độ Anh ngữ của người Singapore trội hơn tất các nước khác ở Đông Nam Á và hơn cả Hong Kong nữa.

Người lập quốc Singapore là Lee Kuan Yew chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hoá Anh. Là một nước rộng trên 700 km2 không đến 6 triệu dân, Singapore là quốc gia duy nhất gần đường xích đạo được toàn thể thế giới thán phục về những thành quả kinh tế, tài chánh và xã hội. Lợi tức đồng niên tính theo đầu người của Singapore là 61.766 Mỹ kim.

***

Chúng tôi chọn những quốc gia từng có quá khứ đế quốc có diện tích nhỏ hay ngang hàng với Việt Nam (1) để thấy phần nào quyền uy của đấng Tạo Hóa với thông điệp rõ ràng không phải vì nước nhỏ bé mà không thể sống an lành, thịnh vượng và không được sự kính trọng của những nước to lớn.

Hy Lạp, La Mã há không khai hóa Âu Châu và góp phần đáng kể vào văn minh nhân loại?

Anh và Nhật là hai quốc gia hải đảo tôn kính các quân vương và có dòng lịch sử sáng sủa. Nhật là quốc gia duy nhất trên thế giới có dòng lịch sử hiếm hoi:

1. Nhật chưa hề bị ngoại quốc xâm lăng ngoại trừ năm 1945 quân Hoa Kỳ đổ bộ lên Okinawa.

2. Nhật chưa bị thua trận ngoại trừ năm 1945 khi bị Hoa Kỳ thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.

3. Từ ngày lập quốc năm 600 trước Tây Lịch đến nay Nhật chỉ có một dòng vua mà thôi.

Người Nhật trọng Nhật hoàng mà họ gọi là Mikado (Thiên Hoàng) và xem Người là dòng dõi của Thái Dương Thần Nữ Amaterasu. Nhật hoàng thương dân; dân kính yêu Nhật hoàng. Liên lạc giữa dân và nhà cầm quyền rất tốt đẹp. Sự đoàn kết chặt chẽ giữa dân chúng các địa phương rất keo sơn. Với sự đoàn kết dân tộc keo sơn và quan hệ gắn bó thân thương giữa chánh quyền và nhân dân như vậy khó lòng có quốc gia to lớn hay đông dân nào có thể bắt nạt được.

Tính bất khả xâm phạm của Anh vẫn còn kém Nhật vì Anh Quốc từng:

a. bị Pháp, Tây Ban Nha, Scotland, Hòa Lan xâm lăng vào thời Trung Cổ đến thời Phục Hưng.

b. Oliver Cromwell (1599 - 1658) lật đổ và giết vua Charles I năm 1649.

Sức mạnh của một quốc gia chẳng những là sức mạnh của VÕ KHÍ, PHỒN VINH KINH TẾ mà còn phải có SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT DÂN TỘC và TƯƠNG QUAN HỮU HẢO GIỮA LÃNH ĐẠO VÀ TOÀN DÂN.

Vạn vật đều chuyển động và biến hóa không ngừng.

Anh, Pháp, Đức từng nằm trong đế quốc La Mã. Ngày nay họ vượt hẳn nước Ý.

Hoa Kỳ đã vượt xa Anh Quốc và trở thành đại cường quốc lãnh đạo thế giới.

Hòa Lan, Thụy Sĩ, Do Thái, Singapore là những nước nhỏ đã tạo cho họ một chỗ đứng danh dự trên thế giới.

Việt Nam nổi tiếng với hai cuộc chiến tranh sau đệ nhị thế chiến. Chiến thắng Điện Biên Phủ dẫn đến sự phân chia đất nước. Chiến thắng 1975 dẫn đến lệ thuộc sâu đậm vào Liên Sô (1975 - 1990) rồi Trung Quốc (từ 1990 -). Lắm lúc người chiến thắng còn kêu cứu đến kẻ cựu thù chiến bại (Pháp, Hoa Kỳ). Với một nước rộng 330.000 km2 và gần 95 triệu dân, tại sao Việt Nam vẫn không thấy mình to lớn trưởng thành mà vẫn xem mình bé bỏng, yếu hèn trước cường lân phương Bắc?

 

Vài hàng viết cho quê hương sinh quán.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

____________________

(1) Mông Cổ có diện tích rộng lớn nhưng rất ít dân! Đó là những người du mục không biên cương, di động trên một không gian rộng lớn từ Đông Á sang đến Tây Á.


Cái Đình - 2018