Phạm Ɖình Lân


Chuyện ba người

.

Ɖây không phải là Chuyện Ba Người lãng mạn trong bài hát hay trong tiểu thuyết mà chuyện ba nhân vật lịch sử đối chiếu dưới hai đế triều Ɖông-Tây. Một đế triều phương Ɖông do Quang Trung Hoàng Ɖế đại diện và một đế triều phương Tây do Napoléon I đại diện. Trụ cột của hai đế chế dựa vào người thành lập đế chế (Quang Trung Nguyễn Huệ và Napoléon Bonaparte)  với sự hỗ trợ của một vị tướng lãnh hữu công và một nhà ngoại giao lỗi lạc.  Ba người ấy là Quang Trung Hoàng Ɖế-tướng Trần Quang Diệu-nhà ngoại giao Ngô Thời Nhiệm một bên và Hoàng Ɖế Napoléon I- thống chế Ney-nhà ngoại giao Talleyrand phía bên kia. Chuyện ba người đối chiếu thành chuyện sáu người!

***

QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ - NAPOLÉON BONAPARTE

Nguyễn Huệ cầm quân, một toán quân hỗn tạp, vào năm 1771 khi Nguyễn Nhạc cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn, Qui Nhơn. Lúc ấy ông mới 19 tuổi.

Napoléon Bonaparte là sĩ quan pháo binh được biết đến sau khi cách mạng 1789 bùng nổ. Ông là một sĩ quan được đào luyện và xuất thân từ một gia đình quí phái trên đảo Corse. Hiệp ước Versailles ký kết năm 1768 xác nhận Cộng Hòa Génoa từ bỏ chủ quyền trên đảo Corse. Napoléon ra đời năm 1769, năm đầu tiên đảo Corse thuộc chủ quyền của Pháp trong Ɖịa Trung Hải.

Nguyễn Huệ biến đạo quân ô hợp thành đạo quân bất bại trong suốt đời binh nghiệp của ông. Ɖó là một thiên tài quân sự vì ông xuất thân từ một gia đình nông dân trong vùng đất hẻo lánh đầy núi đồi hiểm trở. Ông không được học hành suôn sẻ và cũng không được học về thuật tác chiến và chỉ huy quân đội ngày nào.

Napoléon Bonaparte trải qua 5 năm (1779 - 1784) trong trường Võ Bị Brienne trong vùng Champagne. Ông lập chiến công khi nước Pháp có bộ binh, thủy binh và kỵ binh hùng hậu. Ông được biết đến đầu tiên qua trận đánh Toulon năm 1793 đẩy lui tàu chiến của Anh ra khỏi cảng nầy và việc dùng đại bác nã vào những người bảo hoàng biểu tình ở Paris năm 1795.

Tượng Vua Quang Trung tại chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội.
Các nghệ nhân đã tạc pho tượng Quang Trung theo ký ức Nguyễn Kiên đã mô tả.
Nguyễn Kiên là tướng của Tây Sơn, vào ẩn trong chùa, tu hành khi nhà Tây Sơn sụp đổ, sau này trở thành vị sư trụ trì chùa
(Ảnh: https://nghiencuulichsu.com/)

Chiến công quân sự lừng lẫy đầu tiên của Nguyễn Huệ là đánh bại dũng tướng Tống Phước Hiệp ở Phú Yên năm 1775. Năm 1776 Nguyễn Lữ đánh chiếm Gia Ɖịnh nhưng bị Ɖỗ Thành Nhân đánh bại phải rút quân về Qui Nhơn.

Năm 1777 Nguyễn Huệ cầm quân đánh bại quân họ Nguyễn, tái chiếm đồng bằng sông Ɖồng Nai và Cửu Long.

Năm 1782 Nguyễn Huệ lại chỉ huy quân Tây Sơn đánh bại quân họ Nguyễn ở Nam Kỳ. Nguyễn Phúc Ánh phải chạy ra đảo Phú Quốc rồi lánh nạn ở Xiêm La (1783). Ông cầu viện vua Xiêm La lúc bấy giờ là Rama I (1737 - 1809,vua: 1782 - 1809), người khai sáng ra vương triều Thái Lan bây giờ.

Quân Xiêm sang Nam Kỳ theo lời cầu viện của chúa Nguyễn Phúc Ánh bị Nguyễn Huệ đánh tan trong trận Rạch Gầm, Ɖịnh Tường (1784).

Năm 1786 Nguyễn Huệ đánh bại quân của họ Trịnh ở Thuận Hóa dưới sự chỉ huy của Phạm Ngô Cầu. Từ chiến thắng nầy Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn vượt sông Gianh, Bắc tiến gây sụp đổ hoàn toàn sự thống trị khắc nghiệt của họ Trịnh ở Bắc Hà ngót hai thế kỷ qua. Nguyễn Huệ đánh bại họ Nguyễn nhưng không tiêu diệt nổi tàn quân của Nguyễn Phúc Ánh ở Nam Kỳ. Họ Trịnh bị diệt năm 1786. Hai năm sau nhà Lê cũng sụp đổ mặc dù vua Lê Chiêu Thống có cầu viện nhà Thanh. Ɖạo quân xâm lăng trá hình nầy bị Nguyễn Huệ đánh tan trong cuộc chiến tranh 6 ngày vào năm 1789, sáu tháng trước khi cách mạng 1789 của Pháp bùng nổ. Trước khi đem quân ra Bắc Hà đánh đuổi quân Thanh, Nguyễn Huệ xưng đế, tức hoàng đế Quang Trung.

Trong suốt đời binh nghiệp từ năm 1771 đến 1792 Nguyễn Huệ chưa bại trận lần nào. Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự.

Napoléon Bonaparte (Ảnh: https://www.britannica.com/)

Napoléon Bonaparte là một nhân tài quân sự. Ông có những chiến thắng vang lừng như Auterlitz (1805), Jena-Auerstedt (1806), Friedland (1807) v.v. nhưng ông cũng có hàng loạt thất bại trên chiến trường Kim Tự Tháp (1798), Acre (1799 – khi mở đường máu về Pháp từ Ai Cập. Ông bỏ quân sĩ ở lại Ai Cập và dùng thuyền vượt Ɖịa Trung Hải về Pháp làm cuộc đảo chánh không đổ máu năm 1799 để làm đệ nhất Tổng Tài. Quân Pháp còn thua ở các trận Aspern-Essling (1809), Krasnoi (1812), Leipzig (1813), La Rothière (1814), Laon (1814) và Waterloo (1815). Ɖó là chưa kể đến những thất bại to lớn của hải quân Pháp ở Aboukir, Ai Cập năm 1798 và hải chiến Trafalgar năm 1805 trước hải quân Anh do đô đốc Nelson chỉ huy.

Napoléon Bonaparte lên đài danh vọng sau khi tàu bè của Pháp bị Anh đánh chìm ở Aboukir (1798). Ông bỏ quân sĩ ở lại Ai Cập và dùng thuyền nhỏ trở về Pháp làm cuộc đảo chánh không đổ máu để trở thành đệ nhất Tổng Tài (1799) rồi Tổng Tài đời đời (1802) và cuối cùng là hoàng đế (1804). Napoléon Bonaparte dùng chiến tranh nới rộng ảnh hưởng của Pháp dưới đế triều Napoléon I. Ông thi hành chánh sách gia đình trị khắp Âu Châu:

Nguyễn Huệ đánh bại họ Nguyễn, diệt họ Trịnh, đánh bại quân Xiêm, quân Mãn Thanh và xưng đế năm 1789 nhưng Việt Nam vẫn chưa thống nhất, trái lại có ba chánh quyền trên dải đất hình chữ S.

Từ Bến Vấn đến ải Nam Quan là vương quốc của Quang Trung Hoàng Ɖế với kinh đô là Phú Xuân (Huế).

Từ Bến Vấn vào Bình Thuận là vương quốc của Hoàng Ɖế Thái Ɖức (Nguyễn Nhạc) với kinh đô Qui Nhơn. Khí thế của quân Tây Sơn trên châu thổ sông Ɖồng Nai và Cửu Long không quan trọng như ở miền Trung. Nguyễn Lữ là cái bóng mờ trên vùng đất phì nhiêu ở phía Nam.

Họ Nguyễn vẫn còn hoạt động và được sự ủng hộ mạnh mẽ của cư dân Nam Kỳ. Họ Nguyễn được sự ủng hộ về tài chánh và nhân sự của người Minh Hương. Nam Kỳ là vựa lúa nuôi quân của họ Nguyễn. Nguồn nhân lực ủng hộ họ Nguyễn chống quân Tây Sơn gồm có: người Nam Kỳ + người miền Trung đa số gốc Thừa Thiên và Quảng Nam + người Minh Hương sống và lập nghiệp ở Nam Kỳ từ thế kỷ XVII.

***

Nguyễn Huệ và Napoléon đều là hai tướng lãnh xông pha trận mạc cùng với quân sĩ. Cả hai nêu gương dũng cảm của người chỉ huy quân đội với quân kỷ nghiêm minh nhưng không thiếu tình thương, sự cảm thông với thuộc cấp, sự công minh và lòng vị tha.

Sau khi đánh bại quân họ Trịnh ở Thuận Hóa, Nguyễn Huệ ra lịnh giết Phạm Ngô Cầu để răn dạy các tướng chỉ huy đừng hành hạ quân sĩ để phục dịch thầy bói, thầy tướng, thầy tụng giải nghiệp, giải sao hạn vì mê tín dị đoan mà quên nhiệm vụ và trọng trách to lớn của mình. Nhưng khi chúa Trịnh Khải cắn lưỡi chết để khỏi phải chịu nhục nhã trước kẻ chiến thắng thì Nguyễn Huệ cởi chiến bào của mình đắp vào xác chết của Trịnh Khải và ra lịnh cử hành tang lễ của chúa Trịnh Khải một cách trịnh trọng. Một động thái nhỏ như thế chinh phục được cảm tình của dân Bắc Hà và diễn tả trọn vẹn phong thái của một đấng anh hùng.

Một đêm hoàng đế Napoléon I thanh sát một trại binh ngoài mặt trận. Ông gặp một người lính gác ngủ gục, súng rớt xuống đất. Ông cầm súng và ngồi gác thay cho người lính. Khi giựt mình mở mắt, anh lính hoảng sợ thấy hoàng đế ngồi gác thay mình. Anh bập bẹ nói không ra lời. Hoàng đế Napoléon I trao súng cho anh tiếp tục canh gác với những lời khuyến cáo đầy cảm thông với hoàn cảnh của thuộc cấp của mình.

Nguyễn Huệ xây dựng ngôi vị cho anh là Nguyễn Nhạc và xây dựng đế quyền cho chính bản thân ông.

Napoléon Bonaparte là một sĩ quan trong quân đội Pháp. Em của nhà độc tài Maximilien Robespièrre là Augustin Robespièrre của nhóm Jacobins giúp đỡ ông rất nhiều trên đường công danh sự nghiệp. Năm 1794 nhà độc tài Maximilien Robespièrre bị lật đổ. Napoléon Bonaparte trải qua hai năm lận đận sau cái chết của nhà độc tài nầy. Ɖó là lúc ông được sự giúp đỡ hữu hiệu của  người tình thứ hai của ông với chánh giới Pháp lúc bấy giờ: Joséphine, góa phụ của tướng Alexandre Beauharnais bị xử bằng máy chém năm 1794 vì bại trận ở Mainz trước quân Áo-Phổ. Tướng Napoléon bỏ Désirée Clary, người tình đầu và là ân nhân của gia đình ông khi bỏ chạy khỏi đảo Corse vào Marseille, để cưới Joséphine với hy vọng có cơ hội lập thành tích quân sự chống các nước quân chủ Âu Châu như Anh, Áo, Phổ và Nga sau nầy.

Ba người xây đắp đường công danh cho Napoléon Bonaparte là Augustin Robespièrre, Joséphine và Murat. Năm 1804 Napoléon xưng hoàng đế, Joséphine trở thành hoàng hậu. Bà sống chung với Napoléon từ năm 1796. Ɖến năm 1810 hoàng đế Napoléon I ly dị Joséphine vì bà có hai người con riêng với tướng Alexandre Beauharnais nhưng không có con với hoàng đế Napoléon I.

Nguyễn Huệ là người có sức khỏe tốt nên tánh tình thăng bằng hơn Napoléon Bonaparte bị đau dạ dày, trong hình vẽ thấy ông dùng tay ôm lấy bụng. Cả hai vị đều có vợ trẻ đẹp gốc hoàng phái. Năm 1786 Nguyễn Huệ cưới Ngọc Hân công chúa, ái nữ của vua Lê Hiến Tôn. Lúc ấy Nguyễn Huệ 34 tuổi và Ngọc Hân mới 16 tuổi.

Napoléon Bonaparte bỏ người yêu đầu tiên của ông là Désirée Clary để cưới Joséphine, một góa phụ trẻ đẹp lộng lẫy gốc quý tộc, lớn hơn ông 6 tuổi, để được gần gũi với giới quyền thế thời hậu khủng bố Robespièrre trên đường tạo công danh sự nghiệp. Từ năm 1804 đến 1810 Joséphine là hoàng hậu. Hoàng đế Napoléon I ly dị bà để cưới Marie Louise, ái nữ của hoàng đế Francis II của đế quốc Áo. Marie Louise trẻ hơn Napoléon 22 tuổi.

Nguyễn Huệ sủng ái công chúa Ngọc Hân nhưng vẫn yêu quí người vợ đầu tiên của mình, chánh cung hoàng hậu Phạm Thị Liên (1). Công chúa Ngọc Hân yêu kính phong cách và tài năng của vị tướng trẻ xuất thân từ ấp Tây Sơn hẻo lánh. Ở điểm này, Nguyễn Huệ và Napoléon Bonaparte khác biệt nhau rất nhiều.

Napoléon Bonaparte vất bỏ mối tình đầu thơ mộng với Désirée Clary. Gia đình Désirée là ân nhân của gia đình ông khi rời bỏ đảo Corse vào đất liền. Napoléon Bonaparte hậm hực lúc chạy khỏi đảo Corse với câu nói bất hủ: “Ingrate patrie” (Tổ Quốc Vong Ân). Joséphine bắt nhịp cầu sự nghiệp cho ông sau khi nhà độc tài Robespièrre bị hành quyết. Ɖạt được đỉnh cao danh vọng, ông ly dị bà không thương tiếc chỉ vì bà không có con để nối ngôi sau nầy.

Ông không hạnh phúc với Joséphine, cũng không hạnh phúc với bà hoàng hậu trẻ Marie Louise. Mối tình nầy là mối tình chánh trị do tể tướng Metternich sắp xếp sau khi Nga hoàng Alexander I từ chối gả em gái là công chúa Ekaterina Pavlovna cho Napoléon. Nếu cuộc hôn nhân chánh trị nầy thành hình thì đế quốc Áo nằm giữa gọng kềm của Pháp ở phía Tây và Nga ở phía đông. Tể tướng Metternich thuyết phục Áo hoàng Francis II gả công chúa Marie Louise cho hoàng đế Pháp để phá vỡ ý định hình thành liên minh Pháp-Nga bằng hôn nhân.

Matternich thành công lớn khi Napoléon I mang đại quân tấn công vào nước Nga (1812). Sự xâm lăng vào Nga là nguồn gốc sự suy sụp đế triều Napoléon. Trên đường rút quân về Pháp quân sĩ Pháp chết vô số và bị quân Phổ chận đánh. Paris bị vây hãm. Napoléon I phải thoái vị (1814) và bị đày ra đảo Elba thuộc Ý. Ông lén trở về Pháp từ đảo Elba và thành lập chánh phủ 100 ngày để tiếp tục đánh nhau với liên minh Anh-Áo-Phổ và Nga. Thua trận Waterloo năm 1815, Napoléon I bị đày sang đảo St Helena, Phi Châu. Marie Louise không hề thăm viếng ông một lần. Bà có hai đời chồng sau khi rời khỏi nước Pháp. Con của bà với Napoléon I là Napoléon II, tên thật là Napoléon Francis Joseph Charles Bonaparte (1811 - 1832), không được bên ngoại thương mến mặc dù được ban tước quận công. Ông mất năm 1832 vì bệnh lao trong niềm thương nỗi nhớ một người cha hào hùng, danh tiếng vang động khắp Âu Châu. Có lần Napoléon II than rằng: “Nếu mẹ tôi là Joséphine thì cha tôi không chôn thây trên đảo St Helena.” Hoàng triều Áo ngăn cản không cho ông đi Ý hay về Pháp và cũng không cho phép ông cầm quân dẹp loạn mặc dù Napoléon II được đào luyện để trở thành người chỉ huy quân đội.

TRẦN QUANG DIỆU -  MICHEL NEY

Trần Quang Diệu là một hổ tướng của quân Tây Sơn. Ɖiểm nổi bật của ông chẳng những được gói ghém trong tài dùng binh mà còn trong sự dũng cảm, gan dạ, nhân ái và sự trung thành của ông đối với Quang Trung Nguyễn Huệ.

Tượng thờ Trần Quang Diệu trong Điện thờ Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh: wikipedia.org)

Một điều đáng buồn là một danh tướng với tất cả đặc tính của một đấng trượng phu như vậy mà chúng ta không có những dữ kiện chính xác về sinh quán và năm sinh của ông. Dữ kiện hiện có phần lớn là những chuyện truyền khẩu hay những suy luận từ những chuyện truyền khẩu.

Về sinh quán của ông có 3 giả thuyết: 1. Qui Nhơn. 2. Quảng Nam. 3.Quảng Ngãi.

Về năm sinh của ông có hai năm: a. 1746 và b. 1760.

Luận theo suy đoán (khả năng đúng trên dưới 50%) thì ông là người Qui Nhơn vì ông theo Nguyễn Nhạc ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa và vì vợ ông là Bùi Thị Xuân, người Qui Nhơn. Những người theo Nguyễn Nhạc là những người gốc Qui Nhơn hay người thiểu số trên cao nguyên Kontum. Nguyễn Nhạc chỉ là một biện lại thâu thuế nên uy tín chỉ giới hạn ở các xã thôn phía tây Qui Nhơn mà thôi. Nhiều người Quảng Nam phò chúa Nguyễn chạy về phía Nam khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ và khi quân họ Trịnh đánh chiếm Thuận Hóa (1774). Những chữ gió Nồm, canh Xiêm Lo là cách phát âm của người Quảng Nam theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh sang Xiêm La vào hậu bán thế kỷ XVIII. Gió Nồm là gió alizé hay gió mậu dịch, gió mùa thổi từ phương Nam. Canh Xiêm Lo là canh rau thường thấy trong các bữa ăn bình dân của người Xiêm La (Siam), tức người Thái Lan, được du nhập vào Nam Kỳ trong thời kỳ nội chiến giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn.

Khẩu truyền cho rằng Trần Quang Diệu và vợ là Bùi Thị Xuân rất giỏi võ nghệ. Qui Nhơn nổi tiếng là đất võ thuật ở miền Trung. Trên lộ trình Nam Tiến, võ thuật Qui Nhơn (Bình Ɖịnh) được du nhập vào vùng Tân Khánh, Bà Trà trong tỉnh Bình Dương bấy giờ vào cuối thế kỷ XVII khi chúa Nguyễn thành lập hai huyện Phước Long và Tân Bình.

Dựa vào nấm mộ gần Ngũ Hành Sơn ghi năm chết 1792 và được cho là mộ của mẹ tướng Trần Quang Diệu để kết luận rằng ông là người Quảng Nam có vẻ không vững lắm. Vì người ta có thể sinh nơi nầy nhưng sống, chết và chôn ở nơi khác trong một quốc gia có nhiều chinh chiến như nước ta. Vả lại, theo lịch sử thì Trần Quang Diệu bị xử lột da năm 1802. Trước khi chết ông yêu cầu vua Gia Long tha chết cho mẹ ông. Lời yêu cầu của ông được vua Gia Long chấp thuận. Vậy ngôi mộ với bia 1792 không phải là mộ của mẹ tướng Trần Quang Diệu vì cụ bà mất sau năm 1802.

Về năm sinh của tướng Trần Quang Diệu thì năm 1746 hợp lý hơn 1760. Theo khẩu truyền thì Trần Quang Diệu tham dự cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn ngay từ đầu. Nếu năm sinh của ông là 1760 thì ông tham gia khởi nghĩa năm 11 tuổi!! Năm sinh 1746 thì có vẻ hợp lý hơn. Ba anh em Tây Sơn khởi nghĩa năm 1771. Nếu ông sinh năm 1746 thì lúc ấy ông được 25 tuổi. Bà Bùi Thị Xuân, vợ ông, nhỏ hơn ông 6 tuổi. Vậy năm sinh 1746 có vẻ hợp lý hơn năm 1760 vì ngày xưa các ông chồng đều lớn tuổi hơn vợ.

***

Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt
(Bảo tàng Quang Trung, Bình Định - Ảnh:
https://vi.wikipedia.org/)

Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là cặp vợ chồng võ tướng góp phần đắc lực vào những chiến thắng lẫy lừng dưới sự chỉ huy của Quang Trung Nguyễn Huệ. Cả hai vợ chồng nghiêng về Quang Trung Nguyễn Huệ chớ không nghiêng theo Nguyễn Nhạc. Cả hai đều thấu suốt viễn kiến xây dựng đất nước của Quang Trung Nguyễn Huệ. Sau khi Quang Trung băng hà, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân hết lòng phục vụ ấu quân Cảnh Thịnh lên ngôi khi mới 9 tuổi (1783 -1792). Bùi Ɖắc Tuyên, cậu của vua Cảnh Thịnh, làm thái sư. Ông là chủ của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Nhưng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân không tán đồng sự lộng quyền của Bùi Ɖắc Tuyên. Năm 1795 Bùi Ɖắc Tuyên và con trai bị tướng Võ Văn Dũng giết chết. Trần Quang Diệu không tán đồng cũng không lên án Võ Văn Dũng. Sau việc trừ khử Bùi Ɖắc Tuyên, Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu hợp tác nhau ngăn chận những đợt tấn công của quân họ Nguyễn nhắm vào quân Tây Sơn. Từ năm 1793 vua Cảnh Thịnh ngự trị luôn phần lãnh thổ do Nguyễn Nhạc (hoàng đế Thái Ɖức) ngự trị trước kia. Chiến thắng cuối cùng của Trần Quang Diệu là chiếm lại thành Qui Nhơn (1801) giữa lúc quân họ Nguyễn chiếm Phú Xuân. Quân Tây Sơn bị đánh bại. Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, tức là vua Gia Long. Vua thái tổ nhà Nguyễn hứa tha tội chết cho Trần Quang Diệu nếu vị tướng nầy hợp tác với nhà Nguyễn. Trần Quang Diệu khước từ. Ông xin vua Gia Long cho ông về quê làm ruộng và đóng thuế cho triều đình. Vua Gia Long từ chối. Ông bị hành quyết.

Sự thành bại là chuyện thường. Từ chối danh lợi để chấp nhận cái chết ghê rợn chỉ vì trung thành với một bóng hình đã khuất là một điều hiếm thấy. Cái chết của tướng Trần Quang Diệu và vợ, nữ tướng Bùi Thị Xuân, đã đi vào lịch sử. Một hành động anh hùng khác của Trần Quang Diệu khi tái chiếm thành Qui Nhơn năm 1801 là ra lịnh cho quân sĩ không được giết hại quân họ Nguyễn trong thành. Mặt khác ông ra lịnh chôn cất Võ Tánh và Ngô Tùng Châu một cách trịnh trọng ngay giữa thành.

***

Thống chế Michel Ney là đệ nhất thống chế dưới đế triều Napoléon I. Hoàng đế Napoléon mến mộ tài năng quân sự của ông. Ông được Napoléon I phong đệ nhất Quận Công Elchingen và đệ nhất hoàng thân Moskva. Ông thần phục và thân thiện với Napoléon I đến nỗi một người con trai của ông mang tên Napoléon Joseph Ney.

Thống chế Michel Ney (Ảnh: https://alchetron.com/)

Thống chế Michel Ney tham dự tất cả các trận lớn dưới triều Napoléon và được Napoléon I gọi là “người dũng cảm của những người dũng cảm”.

Quân Pháp đại bại trên chiến trường Nga. Năm 1814 Paris bị liên minh các nước quân chủ Âu Châu vây hãm. Ngày 04-04-1814 thống chế Ney là phát ngôn viên của các tướng lãnh kêu gọi Napoléon I thoái vị. Ɖế triều Napoléon sụp đổ. Napoléon I bị đày ra đảo Elba thuộc Ý trên Ɖịa Trung Hải. Thống chế Ney ngả theo tân vương thuộc dòng Bourbons, vua Louis XVIII. Tân chế độ chấp nhận sự tùng phục của ông nhưng xem thường ông vì ông thuộc thành phần thứ dân bẩm sinh.

Từ đảo Elba Napoléon I trốn về Pháp. Ɖược tin nầy, Louis XVIII ra lịnh cho thống chế Ney đem quân chận bắt cựu hoàng Napoléon I. Thống chế Ney hứa sẽ bắt sống Napoléon, bỏ vào lồng sắt đem về Paris. Trong đêm tối dày đặc, quân sĩ của Ney được lịnh nổ súng nếu Napoléon kháng cự. Napoléon dõng dạc hô to: “Ta là hoàng đế Napoléon. Kẻ nào muốn giết hoàng đế của mình thì cứ nổ súng”. Tất cả quân sĩ đều hô to: “Hoàng Ɖế Vạn Tuế! Hoàng Ɖế Vạn Tuế!”. Thống chế Ney không còn biết phải làm gì đành cùng Napoléon và quân sĩ tiến về Paris. Chuyện xảy ra ngày 18-03-1815 tại Auxerre. Vua Louis XVIII thoát chạy khỏi Paris. Napoléon lên nắm chánh quyền trở lại cho đến khi bại trận ở Waterloo (19-06-1815). Lịch sử gọi đó là chánh phủ 100 ngày. Ông bị đày sang đảo St Helena, tây nam Phi Châu, và mất ở đó năm 1821.

Thống chế Ney bị Nguyên Lão Nghị Viện (Chambres de Pairs - Chamber of Peers) buộc tội phản quốc và bị xử bắn ngày 07-12-1815.

Khi Nguyên Lão Nghị Viện biểu quyết tử hình thống chế Ney, luật sư biện hộ cho ông nói rằng ông sinh ở Saarlouis trên lãnh thổ Ɖức. Pháp không có quyền xử tử một công dân Ɖức (lúc ấy Phổ – Prussia – là một thành viên thắng trận). Thống chế Ney cãi lại rằng, ông là người Pháp và mãi mãi vẫn là người Pháp! Ông chấp nhận bị xử bắn chớ không chối bỏ quốc tịch Pháp của mình.

Trần Quang Diệu thà chết chớ không quên người anh hùng mà ông ngưỡng mộ và tôn kính.

Thống chế Ney thà chết chớ không chối bỏ ông là người Pháp.

NGÔ THỜI NHIỆM - CHARLES MAURICE DE TALLEYRAND-PÉRIGORD

Quang Trung hoàng đế và hoàng đế Napoléon I có hai nhà ngoại giao lỗi lạc. Ɖó là Ngô Thời Nhiệm và Charles Maurice de Talleyrand. Cả hai đều có học vị cao.

Ngô Thời Nhiệm là một tiến sĩ, một nhà trí thức nổi tiếng ở Bắc Hà. Ông được xem là người đứng về phe chúa Trịnh Sâm-Ɖặng Thị Huệ-Trịnh Cán và quận công Hoàng Ɖình Bảo khi báo cho phủ chúa biết âm mưu gây biến ở Thăng Long của những người ủng hộ Trịnh Khải, con trưởng của chúa Trịnh Sâm năm 1780. Âm mưu gây biến thất bại. Trịnh Khải (Trịnh Tông) bị cô lập. Bè đảng bị hành hình. Nhưng đến năm 1782 quân tam phủ (2) nổi dậy ở Thăng Long, đưa Trịnh Khải lên ngôi chúa. Vì có công giúp cho Trịnh Khải lên ngôi chúa, quân tam phủ trở thành những kiêu binh ức hiếp dân lành, kể cả các quan lại ở kinh đô. Năm 1786 Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn Bắc tiến lật đổ họ Trịnh. Trịnh Khải bị bắt và cắn lưỡi chết.

Tượng thờ Ngô Thời Nhiệm trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt
(Bảo tàng Quang Trung, Bình Định - Ảnh:
https://vi.wikipedia.org/)

Trần Văn Kỷ giúp Nguyễn Huệ chiêu mộ hiền tài ở Bắc Hà. Ɖó là cơ hội để các danh sĩ Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch, Nguyễn Huy Lượng,… hợp tác với nhà Tây Sơn. Khi Nguyễn Huệ xưng đế, Ngô Thời Nhiệm được bổ làm thượng thơ Bộ Lại (Nội Vụ), rồi thượng thơ Bộ Binh (Quốc Phòng) nhưng vai trò quan trọng của ông là ngoại giao với nhà Thanh nhằm đem lại hòa bình để có thời gian xây dựng đất nước.

Năm 1792 hoàng đế Quang Trung băng hà. Vua Cảnh Thịnh là một ấu quân. Mọi việc đều nằm trong tay của người cậu, thái sư Bùi Ɖắc Tuyên, một người thiếu khả năng nhưng có nhiều tham vọng khiến cho nhân tài từng hết lòng với Quang Trung Nguyễn Huệ phải ngã lòng. Mười năm sau ngày hoàng đế Quang Trung băng hà, họ Nguyễn khôi phục chánh quyền. Ngô Thời Nhiệm và các danh sĩ Bắc Hà theo Quang Trung Nguyễn Huệ bị đánh bằng roi trước Văn Miếu ở Thăng Long như một hình thức hạ nhục. Người đặc trách việc hạ nhục các danh sĩ hợp tác với quân Tây Sơn là Ɖặng Trần Thường. Vì có tư thù với Ngô Thời Nhiệm, nên Ɖặng Trần Thường ra lịnh cho thuộc hạ đánh Ngô Thời Nhiệm một cách tàn bạo. Ngô Thời Nhiệm chết vì những lằn roi đẫm máu nầy (1802).

Talleyrand là một tu sĩ (giám mục), một nhà thần học, một triết gia và một nhà chánh trị nổi tiếng trước, sau cách mạng 1789, dưới đế triều Napoléon và sau sự sụp đổ của đế triều nầy. Ông là bất đảo ông (con lật đật) qua các thời kỳ chánh trị khác nhau.

Charles Maurice de Talleyrand (Ảnh: https://nl.wikipedia.org/)

Cách mạng 1789 tách rời tôn giáo và quốc gia. Nói cách khác, cách mạng 1789 chống chế độ quân chủ do dòng Boubons đại diện và chống luôn cả giáo hội Thiên Chúa Giáo. Một giám mục như Talleyrand sớm ngả theo cách mạng 1789, từ bỏ đạo để trở thành một nhà chánh trị sáng chói dưới đế triều Napoléon. Ông là người theo chủ nghĩa cơ hội một cách hữu hiệu, nghĩa là thời nào cũng là thời của ông. Khi đế triều Napoléon sụp đổ, ông ủng hộ sự hồi phục vương quyền của dòng Bourbons. Ông có mặt trong hội nghị quốc tế ở Vienne 1814 - 1815. Ông được trọng dụng dưới triều Louis XVIII. Từ năm 1830 đến 1834 ông là đại sứ Pháp ở Anh. Ông mất năm 1838.

Người Pháp có câu: “Il est un Talleyrand”, ám chỉ người xoay sở và có nhiều mánh khóe xảo trá với nghĩa nửa tốt, nửa xấu. Talleyrand thu lợi cho ông nhiều hơn cho nước Pháp. Sản nghiệp mà ông có, cuộc sống xa hoa và gần gũi với nhiều phụ nữ cho thấy ông có rất nhiều tiền lúc có chức quyền. Ông có vợ nhưng không có con với người vợ chánh thức. Bù lại, người ta tính ông có hàng chục đứa con ngoại hôn. Sự liêm khiết và lòng trong sạch của ông bị hoài nghi.

***

Quang Trung Nguyễn Huệ và Napoléon I là những nhà lãnh đạo có khả năng và bản lãnh thật sự nên không sợ trọng dụng những người có tài như Trần Quang Diệu, Ngô Thời Nhiệm, thống chế Ney và nhà ngoại giao Talleyrand.

Trần Quang Diệu và Ngô Thời Nhiệm vẫn trung thành và mến phục Quang Trung Nguyễn Huệ 10 năm sau sự băng hà của vị tướng lãnh và hoàng đế bất bại nầy để chấp nhận những hình phạt đau đớn và ghê rợn của phe thắng trận. Ɖiều đó cho thấy Quang Trung Nguyễn Huệ đã lưu lại cho những người chung quanh ông cái UY + DŨNG + TRÍ + ƉỨC hiếm có. Ông là một quân nhân không có học vị nhưng ông rất trọng Hiền. Trần Văn Kỷ là cố vấn thân tín của ông. Ông tìm hiểu tình hình Bắc Hà qua Nguyễn Hữu Chỉnh. Qua đó ông thấy được tham vọng của Nguyễn Hữu Chỉnh. Ông không dùng quyền uy để đe dọa hay thúc ép La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân phục vụ cho đế triều. Trái lại ông dùng sự khiêm tốn, kiên nhẫn và sự thiết tha qui tụ hiền tài để xây dựng quê hương. Ông thành công trong việc cảm hóa vị nho gia từ bỏ danh lợi đi tìm sự thanh tịnh vô vi. Cuối cùng La Sơn Phu Tử thấy được chân tâm của hoàng đế Quang Trung nên rời núi rừng Hà Tĩnh để vào Phú Xuân góp phần vào việc xây dựng quê hương.

Ngôi vị của Quang Trung và Napoléon I được xây dựng trên các chiến công quân sự.

Quang Trung cần HÒA BÌNH để xây dựng đất nước.

Napoléon cần CHIẾN TRANH để củng cố đế quyền.

Quang Trung không thực hiện được hoài bão của mình về một Việt Nam độc lập và hùng cường vì ở trên ngôi không đầy 3 năm (1789 - 1792).

Về Uy-Dũng, Napoléon I cũng có như Quang Trung. Nhưng Trí-Ɖức của ông có vẻ yếu hơn Quang Trung. DANH, LỢI, QUYỀN làm mờ TRÍ, ƉỨC của ông. Ông vì ông và gia đình ông hơn là vì nước Pháp. Việc ông rời bỏ Désirée Clary; ly dị Joséphine; đay nghiến, hạ nhục đô đốc Villeneuve; bố trí anh, em, em rể làm vua khắp Âu Châu; tạo chiến tranh liên tục khắp lục địa Âu Châu; xâm lăng Nga năm 1812 vì tự ái bị xúc phạm… phản ảnh đầy đủ TRÍ và ƉỨC của ông. Chúng không có chiều sâu và chiều rộng. Chúng ảnh hưởng nặng nề đến an nguy, khủng hoảng kinh tế, tài chánh và danh dự của nước Pháp thời hậu Napoléon. Vào phút hấp hối của đế triều, thống chế Ney và Talleyrand đều ngoảnh mặt với Napoléon. Có thể văn hóa Tây Phương thực tiễn và thích hợp với tâm trạng “nắng chiều nào nương theo chiều nấy” của đại đa số loài người hơn văn hóa Khổng Tử. Trung thần bất sự nhị quân là khẩu hiệu chánh trị của văn hóa Khổng Tử. Trung thần nặng về việc phục vụ vua hơn là phục vụ đất nước.

Với sở học uyên bác Talleyrand và Ney có thể biện hộ rằng: “Chúng tôi phục vụ cho đất nước (Pháp) dưới sự lãnh đạo của vua chớ không phải chỉ phục vụ cho vua. Chế độ quân chủ qua đi nhưng tổ quốc vẫn còn”. Sự biện minh nầy rất hay nhưng có chút gượng gạo, chống chế và không mấy thuyết phục vì nó xuất phát từ LÝ NGỤY BIỆN, áo giáp bảo vệ con người yếu đuối, sợ sệt trước HIỂM NGUY và sa ngã trước sự cám dỗ của DANH, LỢI, QUYỀN chớ không xuất phát từ sự THÀNH TÂM và tinh thần VÔ VỊ LỢỊ.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

_____________

Chú thích:

(1): Bà Phạm Thị Liên có hai người con trai với Nguyễn Huệ: Nguyễn Quang Thụy và Nguyễn Quang Bàng. Bà thường hay đau yếu. Năm 1782 Nguyễn Huệ cưới bà Bùi Thị Nhạn. Nguyễn Quang Toản, tức vua Cảnh Thịnh sau nầy (1792 - 1801), là con của Nguyễn Huệ và Bùi Thị Nhạn. Lúc lên ngôi, Nguyễn Quang Toản mới 9 tuổi nên cần sự phò trợ của cậu là Bùi Ɖắc Tuyên. Không rõ vì sao người nối ngôi Quang Trung không phải là Nguyễn Quang Thùy. Dù vậy, ông vẫn hết lòng giúp đỡ cho người em dị bào.

(2): Tam Phủ: Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/chuyenbanguoi.htm


Cái Đình - 2020