Phạm Trần Anh


Chữ Trung Hoa là chữ của Việt Tộc

Sau mấy ngàn năm bị che phủ bởi thời gian và sức mạnh của kẻ thống trị, lần đầu tiên dân tộc Việt đã tìm lại được nguồn cội của dân tộc
cùng với tiếng nói và chữ viết của tiền nhân.
 Đây là một thiên duyên phục hưng đại tộc Việt trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.

Với nền văn minh nông nghiệp của một dân tộc khai sáng ra nghề trồng lúa nước sớm nhất thế giới, một dân tộc đã có kỷ cương truyền thống với những điển chương thiết chế xã hội ngay từ thời cổ đại chắc chắn phải có chữ viết tự lâu đời. Hiến lệnh của sở, Việt quốc có Việt luật rồi Việt ca, Tập Sở từ, Thiên Vấn, Ly Tao là những tuyệt tác văn chương của Khuất Nguyên. Bản tấu trình của Mã Viện thời Hán đầu Dương lịch về 10 điều khác biệt của Việt luật so với Hán luật, tất cả đã xác định người Việt cổ đã có chữ viết từ xa xưa. Thế nhưng do hoàn cảnh lịch sử phải đối đầu với một kẻ thù bạo tàn quỷ quyệt chủ trương triệt tiêu văn tự, xóa nhòa lịch sử Việt. Trong gần một ngàn năm thống trị, các viên Thái Thú Hán bắt buộc dân ta phải học tiếng Hán để nô dịch đồng hóa nhưng dân tộc ta vẫn bảo lưu được văn hóa truyền thống. Ngày nay, các công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và ngoại quốc đã phục hồi một sự thật lịch sử về tiếng nói và chữ viết cổ của dân tộc Việt Nam.

Cổ sử Trung Hoa cũng như thực tế xác nhận người Việt cổ chi Âu Việt cư trú trên địa bàn liên tục từ Tây Bắc, Đông Bắc xuống tới Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc bây giờ. Thật vậy, người Âu Thục ở Tứ Xuyên, Lạc Lê ở Hồ Nam, La Việt ở Hồ Bắc Hồ Nam, Dạ Lang ở Quý Châu (Âu + Lạc + Miêu), Đông Âu ở Nam Triết Giang và Bắc Phúc Kiến, Tây Âu ở Quảng Tây và Quảng Đông. Địa bàn của chi Âu Việt nằm sát, đôi khi xen kẽ địa bàn chi Lạc Việt. Chi Âu Việt chiếm 18 tỉnh vùng rừng núi trong khi chi Lạc Việt chiếm các vùng đất đai phì nhiêu và đồng bằng ven biển tính ra hơn 12 tỉnh của Trung Quốc ngày nay. Các học giả phương Tây cũng nhận định người cổ Indonesian mà chúng tôi gọi là Malaynesian (Malayo-Viets) gồm hai nhóm chính là Malaynesian núi rừng và Malaynesian ven biển nói theo hai ngữ hệ chính:

- Ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatic) tức ngữ hệ vùng rừng núi gồm có Việt-Mường, Tày-Thái, Lào, Mèo Dao, Môn-Khmer, Hán, Tạng, Miến.

- Ngữ hệ Đa đảo (Austronesian) tức ngữ hệ vùng biển, ven biển gồm Chàm, GiaRai, Raglai, Êđê, Churu, Mã Lai (Malaysia), Nam Dương (Indonesia) và quần đảo Polynesia.[1]

Theo các nhà ngôn ngữ thì Trung Quốc có 10 phương âm, tiếng Quan Thoại được coi là chính thức vì nó được nói ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc. Tiếng Quan Thoại của Hán tộc chỉ dùng ở Thiểm Tây, Sơn Tây, Bắc Hà Nam và Nam Hà Bắc tức vùng Tây Bắc trong đó Tần ngữ được coi như cổ ngữ của Quan Thoại. Ngoài ra, tất cả dân Trung Hoa đều nói tiếng Việt cổ gồm: Thục ngữ (Âm của người Âu Việt xưa), Yên, Tề ngữ, Đông Di và Mạc Địch (tiếng Việt cổ chi Thái (Âu Việt), Sở ngữ (tiếng Việt cổ của Kinh Việt, Lạc bộ Trãi), Mân ngữ của Mân Việt ở Phúc Kiến, Giang Hoài ngữ (Dương Việt) của người Việt Triết Giang và Bắc Giang Tô, Ngô Việt ngữ (Bắc Giang Tô, Triết Giang), Điền, Kiềm ngữ (Âu Việt cổ ở Vân Nam) và Việt ngữ ở Quảng Đông, Quảng Tây.

Các công trình nghiên cứu ngôn ngữ cho thấy tiếng nói vùng Hoa Nam gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Triết Giang đều có âm Việt cổ chung hoàn toàn khác với phương ngữ Hán phương Bắc mà dân gian Hoa Nam gọi là tiếng Quan Thoại của giới quan lại thống trị từ thời Tần. Đây là Hán ngữ chính thống (Sino-Tibetan) mà giọng đọc gọi là Quan Thoại ở vùng Đông Thiểm Tây, Bắc Hà Nam, Nam Hà Bắc và Nam Sơn Tây. Tần ngữ là giọng nói ở Thiểm Tây được coi là giọng cổ Quan Thoại phát âm lơ lớ Quan Thoại, lơ lớ Mông Cổ, lơ lớ Tây Nhung còn lại 8 phương âm khác của Di Việt ở khắp Trung Nguyên gồm:

- Thục ngữ ở Tứ Xuyên của chi Âu Việt.

- Yên Tề ngữ của chi Lạc Việt (bộ Trãi) mà họ gọi là Rợ Đông Di gồm các tỉnh Sơn Đông và một phần Hà Bắc.

- Sở ngữ là giọng nói ở Hồ Bắc, Hồ Nam của chi Lạc Việt bộ Mã mà Hán tộc gọi là rợ Kinh man. Vào đầu kỷ nguyên Dương lịch, Yên Tề Sở ngữ giống Việt ngữ, Sở ngữ còn gọi chung là giọng Hồ Quảng.

- Mân ngữ (Hoklo) là giọng nói của chi Mân Việt (Min-Yueh) ở Phúc Kiến (Lạc bộ Mã).

- Việt ngữ vùng Quảng Đông và Quảng Tây của chi Âu Việt còn gọi là Tây Âu của đồng bào Thái (Thái Việt)

- Giang Hoài ngữ là giọng nói vùng giữa sông Hoài và Sông Dương Tử thuộc nước Ngô thời chiến quốc ở Bắc Giang Tô và Triết Giang của U-Việt còn gọi là Đông Việt.  

- Điền Kiềm ngữ là giọng nói vùng Vân Nam và vùng phụ cận của chi Điền Việt.

- Ngô Việt ngữ.[2]

Bản đồ “Tối Tân Trung Quốc Phân Tỉnh Đồ Bản” mới nhất của Trung Quốc đã xác nhận tất cả các dân cư bản địa thời cổ ở Hoa Nam ngày xưa đều còn hiện diện trên lãnh thổ Trung Quốc. Bức bản đồ ngôn ngữ đầy đủ nhất “Ethnolinguistes groups of Mainland Southeast Asia” do Human Relations Area Files, Yale University xuất bản cho biết hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Quý Châu là địa bàn hiện nay của dân Thái tức người Âu Việt cổ. Mặt khác Tối tân Trung Quốc Phân Tỉnh Đồ còn cho biết là không hề có nhóm người Hán nào gọi là người Quảng Tây mà dân ở mấy tỉnh đó đều là người Quảng Đông còn gọi là người Việt Đông, là người Việt và giọng đọc tiếng Trung Quốc của dân Quảng Đông được gọi là Việt ngữ.

Các công trình khảo cổ, ngôn ngữ và di truyền học đã kết luận như nhà ngôn ngữ học J.Norman là tiếng Hakka, Mân (Min) và Quảng Đông (Việt ngữ: Yue) cùng chung một cội nguồn lịch sử và được gọi chung là tiếng cổ Nam Trung Hoa (Old Southern Chinese). Nhà ngôn ngữ học Laurent Sagart nghiên cứu về nguồn gốc tiếng Hakka cho biết lớp tầng cổ nhất thuộc họ ngôn ngữ Mèo-Dao (Miao-Yao) hay còn gọi là Hmong-Mien và người She thuộc họ ngôn ngữ Hmong-Mien là tổ tiên của người Hakka và Gan. Giáo sư Fong Hok Ka trong công trình nghiên cứu “Investigating in dept about the origin of Hakka đã công nhận Hakka với một nền văn minh rất cao từ lâu trước thời kỳ Tần Hán xâm lăng đánh chiếm các dân tộc phương Nam. Hakka chữ Hán có nghĩa là khách trú do người Quảng Đông chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán dùng để chỉ người từ phương Bắc di cư xuống vùng Bắc Quảng Đông và Nam Phúc Kiến. Người Hakka đã cư trú lâu đời từ hàng ngàn năm trước ở vùng phía Nam sông Dương Tử mà địa bàn chính ở phía Nam tỉnh Giang Tây giáp với tỉnh Phúc Kiến.

Cộng đồng các quốc gia Bách Việt cư trú tản mác trên cả địa bàn trung nguyên rộng lớn bao gồm lưu vực 2 con sông Hoàng Hà Dương Tử. Chính vì vậy, mỗi quốc gia có những sinh hoạt riêng biệt và theo thời gian xa cách, mỗi nơi nói một ngôn ngữ, một phương ngữ riêng và hình thành chữ viết riêng.

Truy cứu lại lịch sử chữ viết của Trung Hoa cho chúng ta biết rằng chữ Bát quái của Phục Hi, chữ Kết Thằng là lối chữ ký hiệu bằng cách thắt nút dây của Đế Thần Nông. Đến đời Đế Hoàng, sử gia Thương Hiệt đã thống nhất được lối chữ cổ kể trên, đồng thời theo dấu hình chân chim thú bay nhảy mà biết văn lý phân biệt rồi khuếch trương bằng hình thanh đặt ra lối chữ Điểu Triện. Mãi tới thời Chu Tuyên Vương của Hán tộc mới sai Thái Sử Trứu thêm bớt lối chữ Khoa Đẩu, Điểu Triện  đặt ra lối chữ “Đại Triện” nét tròn thường viết bằng sơn trên gỗ tre. Bởi vậy, lối chữ đại triện này gọi là Trứu thư được xem là của Hán tộc vì nó có phần khác với lối chữ Khoa Đẩu, Điểu Triện thời Đế Hoàng của Việt tộc. Ngược dòng lịch sử, tìm về nguồn cội dân tộc từ thời lập quốc chúng ta thấy cộng đồng Bách Việt đã hình thành các lối chữ sau:

Chữ Kết Thằng

Lối chữ thuở ban sơ là lối chữ thắt nút mà sách sử cổ gọi là “Kết Thằng” của dòng Thần Nông. Lối chữ này được người Việt cổ mang theo đến châu Mỹ nên thổ dân châu Mỹ Ameriviets cũng có lối chữ thắt nút mà các nhà nghiên cứu gọi là “Quipus”. Sách “Đại Việt Sử Lược” Chép “Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, lấy hiệu là nước Văn Lang. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương. Phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối thắt nút (Kết Thằng)”. Từ các nguồn sử liệu trong thư tịch cổ Trung Hoa đến các công trình khảo cổ, nghiên cứu về ngôn ngữ và dân tộc học, cộng với kết quả của khoa khảo tiền sử đã góp phần xác định minh chứng sự thật lịch sử là Việt tộc, hậu duệ chính thống của Viêm Đế Thần Nông thời cổ đại đã có lối chữ “Kết Thằng” để ghi lại những sự kiện bằng màu sắc và cách thắt nút dây do Thần Nông đặt ra. Lối chữ này còn được thổ dân châu Mỹ gốc Bách Việt (Malayo-Viets) bảo lưu. Các nhà nghiên cứu gọi lối chữ này là Kipus. Nhà nghiên cứu E. Nordenskiold nhận định: “Cũng giống như chúng ta, với sự kết hợp 24 chữ cái bằng nhiều cách, chúng ta tạo thành những câu vô tận. Người Indian cũng vậy, với những nút và màu sắc, họ biểu thị vô số ý nghĩa của sự vật”.[3]

Khoa Đẩu Tự

Lối chữ thứ hai là lối chữ hình con nòng nọc gọi là “Khoa Đẩu Tự” còn lưu lại trong chữ viết của các dân tộc ở Trung Đông, Ấn Độ, Thái Lan, Cao Miên và đồng bào Chăm… Vua Lê Thánh Tông là một vị vua yêu nước đã gửi gấm cho thế hệ sau những ưu tư về cội nguồn chữ Việt cổ còn lưu lại trong tập “Thánh Tông Dị Thảo”. Hình dáng của lối chữ Việt cổ có nét chữ ngoằn ngoèo và hiện lối chữ ấy còn bảo lưu ở một đồng bào Mường Mán của chúng ta. Sự thực này đã được chính thư tịch cổ Trung Quốc xác nhận là Việt tộc đã có thứ chữ riêng hình con Nòng Nọc mà họ gọi là “Khoa Đẩu Tự” từ thời xa xưa. Tiền Hán thư ghi rõ là ngay từ thời Đào Đường khoảng thiên niên kỷ thứ II trước Dương lịch, người Việt cổ đã có một thứ chữ riêng biệt trông như con nòng nọc. Sách Thông Chí do Trịnh Tiêu đời Tống chép: “Đời Đào Đường, Nam Di có Việt Thường Thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa được nghìn tuổi, rộng hơn 3 thước, trên lưng có chữ “Khoa Đẩu” chép việc từ lúc khai thiên lập địa tới nay. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Qui Lịch”. Sách  “Lĩnh Nam Dật sử” chép “Lối chữ cổ của vua Đại Vũ viết trên tấm bia chôn ở núi Cú Lũ (tên cổ là hang rùa) là bảng chữ Việt”.[4]

Việt Thường là một chi tộc trong đại tộc Bách Việt đã có chữ viết và một nền văn minh khá cao nên mới làm được lịch gọi là lịch rùa (Quy Lịch). Đặc biệt, trên lưng rùa có ghi chép những sự việc từ thời khai thiên lập địa được xem như khởi đầu của triết học với vũ trụ quan phương Đông với Âm Dương Dịch biến luận của người Việt cổ. Kiến thức về địa lý và thiên văn của Việt Thường cao hơn thời Đường Nghiêu, Việt Thường đã có chữ viết Khoa Đẩu tức lối viết theo hình loăn quăn ngoằn ngoèo như con Nòng Nọc trong khi Hán tộc (Trung Quốc) còn trong tình trạng du mục bán khai ở Tây Bắc nước Trung Quốc bây giờ. 

Các công trình tìm kiếm, nghiên cứu thực tế đã chứng minh là người Việt cổ đã sử dụng tiếng nói và có chữ viết tự xa xưa. Tháng 8 năm 1924, Jean Batherllier đã tìm thấy các hình khắc chi chít trên mặt các tảng đá lớn nằm rải rác giữa các khu ruộng bậc thang ven dòng suối Mường Hoa cách thị trấn Sapa khoảng 6 km. Đó là những tảng đá trên bề mặt có nhiều nét chạm trổ nằm rải rác xen giữa những thửa ruộng bậc thang của đồng bào Hmong-Dao. Di tích bãi đá cổ rộng với những hình vẽ người, nhà sàn và các dấu hiệu có thể là hình thức phôi thai của chữ viết, kế đến là đàn hổ đá và tấm bia có khắc chữ Việt cổ.      

Các nhà ngôn ngữ học ghi nhận ở vùng Nghệ Tĩnh ngôn ngữ địa phương vẫn còn giữ lại được nhiều chữ tiếng Việt cổ như xưa họ nói nác nay là nước, cơn nay gọi là cây, lả là lửa, ló là lúa. Năm 1903, Vương Duy Trinh là Hiệp Biện Đại Học Sĩ làm Tổng Đốc Thanh Hóa đã sưu tập đựơc 35 mẫu tự của chữ cổ ở Châu, đó là “Phụ Man Mẫu Tự Tam Thập Ngũ Tự” (Ba mươi lăm mẫu tự của chữ ở Châu). Vương Duy Trinh, tác giả “Thanh Hoá Quan phong” (thế kỷ XIX) viết: “Đây là chữ Châu tiếng Châu (vùng sơn cước). Trên kia đã dịch làm tiếng chợ (vùng đồng bằng), một khúc ca có 12 đoạn, có tầng thứ, có nông sâu, có mở đóng, có hồi cố. Có khác gì 13 nước Phong-thi. Người làm bài ca là người có học. Vậy mới biết có văn tự thì phải có văn chương. Tỉnh Thanh Hóa một châu quan có lối chữ thập châu đó. Người ta thường nói rằng Việt Nam không có chữ, tôi nghĩ rằng không phải. Thập Châu vốn là đất nước ta. Trên Châu còn có chữ lẽ nào dưới chợ lại không? Lối chữ trên Châu chính là lối chữ nước ta đó. Nay xem chữ trên Châu với chữ Xiêm, chữ Lào tuy rằng viết dọc viết ngang có khác dạng nhưng cũng là một lối chữ “Loan Phụng Khoa Đẩu”.

Nguyễn Đổng Chi trong tác phẩm Việt Nam Cổ Văn Học Sử đã sưu tầm được 35 chữ cái của đồng bào Mường. Đó là lối chữ ngoằn ngoèo như con nòng nọc đúng như Tiền Hán thư chép. Hình dạng chữ viết của đồng bào Mường gần giống như những hoa văn với những đường cong lạ trên mặt trống đồng Lũng cú, Hà Tuyên mới được phát hiện trong thập niên 70 với những hoa văn kỷ hà có những nét giống chữ Phạn cổ trên bia đá Võ Canh ở Khánh Hoà và chữ cổ khắc trên đá ở di chỉ Óc Eo (An Giang). 

Nghiên cứu các hoa văn trên mặt trống đồng, chúng ta thấy rằng tất cả tự dạng trên có một điểm chung nhất là ký hiệu sổ ngang sổ uốn tròn như bộ di chuyển của con Nòng nọc mang tính biểu trưng của lối chữ tượng ý. Bên cạnh hình ngôi sao 12 cánh, hoa văn vòng tròn có chấm, đường thẳng song song hướng tâm, đường gấp khúc hoặc nửa hình thoi, hình người hóa trang cách điệu, người ta còn thấy những đường nét uốn lượn tạo thành các hình dạng ngoằn ngoèo. Đó chính là dấu tích của lối chữ viết ngoằn ngoèo như con nòng nọc được khắc họa trên trống đồng Lũng Cú Hà Tuyên. 

Nền văn minh tối cổ của người Hòa Bình Hoabinhoid của cư dân Dravidian với nền văn minh sông Ấn. Nền văn minh này phát sinh rất sớm vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ III TDL và tàn lụi vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ II TDL vì sự xâm lấn của chủng Ấn Âu (Arian). Cư dân Dravidian tôn thờ mặt trời, thờ nữ thần Mẹ và nhiều vị thần có liên quan đến nông nghiệp và chăn nuôi. Cư dân Dravidian có tín ngưỡng phồn thực và đã sáng tạo ra lối chữ cổ Ấn Độ. Đặc biệt trong sử thi Anh hùng ca Ramayana của Ấn Độ cổ cũng có truyền thuyết về cội nguồn được xem như dị bản của huyền thoại Rồng Tiên với khái niệm Bách Việt mà Hoàng tử Rama là con trai trưởng giống như Hùng Quốc vương trong huyền thoại Rồng Tiên.

Các nhà ngôn ngữ học đã ghi nhận là chữ viết Ấn Độ đã đi sâu vào vùng Đông Nam Á, làm cơ sở cho sự hình thành chữ viết của một số nước như Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cambodia. Các thứ chữ Chăm, Khmer, Thái đều bắt nguồn từ chữ Ấn Độ cổ gọi là Brahmi có trước tiếng Sansckrit. Về phía  Bắc, chữ Brahmi cũng góp phần vào việc tạo ra chữ viết cho Tây Tạng, Turkistan và ở các đảo lớn tại Thái Bình Dương như Java, Sumatra, Célèbres cho đến tận Phillippine. Đây chính là tiếng Nam Á của Hoabinhian được người Ấn Độ cổ Dravidian bảo lưu văn tự nên các nhà ngôn ngữ học cho là của Ấn Độ, thực ra đây chính là là ngôn ngữ Hoabinhian Protoviets (Tiền Việt) của cư dân văn hóa Hòa Bình .

Các học gỉa Benedickt và Jerry Norman cũng đã cho rằng người Trung Quốc vay mượn tên của các con vật chỉ năm tuổi gồm Tý Sửu Dần Mão Thìn Tị Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi của tiếng nói  các nước Đông Nam Á. Công trình nghiên cứu giá trị của học giả Lacouperie, giáo sư ngôn ngữ, trong sách “Beginning of writing”, xuất bản tại Luân Đôn đã trưng bằng cớ của bốn mẫu chữ Đông Nam Á. Điểm độc đáo là  gần một thế  kỷ sau, các nhà  khảo cổ  mới tìm thấy những mẫu chữ này được ghi trên trống đồng Lũng Cú vừa tìm thấy ở Lũng Cú Hà Tuyên, Việt Nam. Đặc biệt, nhà ngôn ngữ học Paul Rivert cho rằng nền văn hóa Hòa Bình cùng với lối chữ con nòng nọc này đã được truyền bá khắp nơi góp phần tạo nên các chữ viết của các dân tộc Thái Lan, Lào, Chăm, Cao Miên (Cambodia), Nam Dương (Indonesia), Miến Điện (Myannmar), Tây Tạng, Ấn Độ, Srilanka, Đại Hàn và Nhật Bản.[5]

Trong bộ “Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt” và “Từ Điển Đồng nguyên tiếng Việt-Đông Nam Á”, nhà ngôn ngữ Nguyễn Hy Vọng đã đưa ra 275 ngàn tiếng một đồng nguyên của tiếng Việt với hàng trăm ngàn bằng chứng thực tế rõ ràng,  những chi tiết phong phú đa dạng của tiếng Việt.  Lối chữ “Nòng Nọc” của người Việt cổ cùng với nền văn hóa Hòa Bình đã lan truyền khắp Trung Đông, góp phần tạo nên những nền văn minh cổ đại khác của nhân loại.

Chữ Vuông

Ngoài 2 lối chữ “Kết Thằng” và “Khoa Đẩu” các công trình nghiên cứu gần đây đã phục nguyên lại chữ Việt cổ đã bị vùi lấp hàng ngàn năm lịch sử. Lối chữ thứ ba này là lối chữ “Vuông” của cư dân Bách Việt định cư ở lưu vực 2 con sông Hoàng Hà - Dương Tử lãnh thổ Trung Quốc bây giờ đã hình thành những nền văn hóa Long Sơn, Ngưỡng Thiều, Hà Mẫu Độ… Các nhà khảo cổ ghi nhận trên những di chỉ văn hóa ở Bán Pha, Long Sơn, Ngưỡng Thiều, Cảm Tang (Quảng Tây), Đông Sơn (Bắc VN)… đều có dấu tích các chữ viết cổ sơ của cộng đồng Bách Việt. Sử sách Trung Quốc chép là lối chữ của họ đã có từ thời Thương nhưng các chứng cớ khảo cổ và công trình nghiên cứu đã xác định lối chữ này đã thành hình ngay từ thời nhà Hạ của Việt tộc còn để lại trên giáp cốt văn.

Sử sách Trung Quốc gọi miệt thị cư dân của nền văn hóa Long Sơn là Đông Di. (Dongyi東夷) để chỉ chi Lạc bộ Trãi (Trĩ) của tộc Việt ở bán đảo Sơn Đông và cả vùng Đông Bắc Trung Quốc. Cư dân Việt ở đây đã hình thành những nền văn hóa như văn hóa Hậu Lý, văn hóa Bắc Tân, Đại Vấn Khẩu, Nhạc Thạch và Long Sơn (Longshan) là những nền văn hóa cổ đại từ thời đá mới. Giới nghiên cứu đã tìm thấy 20 ký tự tượng hình trong các hầm mộ Đông Di. Đặc biệt trong  mộ táng văn hóa Đại Vấn Khẩu ở huyện Cử tỉnh Sơn Đông, giới nghiên cứu đã thấy nhiều chữ như Đán=旦,Việt=钺,  cân=斤, hoàng=皇, phong=封, tửu=酒, phách=昃 và trắc=拍là những chữ vẫn còn được dùng đến ngày nay để viết tiếng Hán hiện đại. Đây là chứng cớ thuyết phục nhất về sự hiện diện của cư dân Việt mà sử sách Trung Quốc gọi là Đông Di ở vùng Đông Bắc Trung Quốc với lối chữ vuông mà ngày nay Trung Quốc vẫn sử dụng gọi là Hán tự. Các công trình nghiên cứu và di chỉ khảo cổ đã xác nhận người Đông Di đã sáng chế ra cung tên và thờ chim là vật tổ biểu trưng của chi Âu việt. Chữ “Di” là sự kết hợp giữa chữ “đại” 大 nghĩa là “lớn” và chữ “cung” 弓 chỉ cung tên mà các sách sử Trung Quốc như Tả Truyện, Thuyết văn Giải tự và Kinh Lễ đều kể chuyện Hậu Nghệ, một lãnh đạo Đông Di có tài bắn cung đã bắn rụng mặt trời…[6]

Sách “Nhĩ Nhã” của môn đệ Khổng Tử ghi: “Rợ Đông Di (Lạc bộ Trãi) định cư từ lưu vực sông Bộc ra tới biển Đông và lên tới cực Bắc Trung Hoa cũng có tục nhuộm răng xâm mình”. Sách Nhĩ Nhã viết chữ Lạc của Lạc bộ Trãi (Trĩ) giống hệt chữ Lạc trong họ của Lạc Long Quân. Lê Huy Yêm trong tác phẩm “Lê Phổ Chí Tục Biên” đã viết về lối chữ cổ của dân tộc ta như sau: “Con Rồng cháu Tiên, chữ con chữ Rồng viết như thế này… Bọn Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp sang cai trị dân ta bắt đốt hết sách ta, nhà nào cất giữ thì bị giết hại. Đây không phải chữ Nôm đâu, chữ Nôm về sau, cách đây khoảng năm trăm năm do Nguyễn Thuyên, tức Hàn Thuyên đặt ra bằng cách ghép chữ, còn chữ cổ Việt Nam đã có hàng mấy nghìn năm về trước. Nhà ta cất giữ được quyển sách này từ cụ Lê Huy Nghiêm. Các cháu phải biết là nước ta có chữ trước chữ Hán rất lâu”.

Sách Thuyết uyển” do Lưu Hướng viết vào khoảng năm 16 TDL đã xác nhận một cách đúng đắn là người Việt đã có ngôn ngữ riêng, âm nhạc riêng đó là bài “Việt Ca”. “Lục Độ Tập Kinh cùng với Cựu Tạp Thí Dụ Kinh đã để lại cho chúng ta một loạt những cấu trúc tiếng Việt cổ quý giá mà từ đó, chúng ta tham khảo thêm bài Việt ca do Lưu Hướng chép lại trong Thuyết Uyển để có thể phục chế lại một phần nào tiếng nói dân tộc ta cách đây mấy ngàn năm. Đặc biệt, ngoài bản Việt Ca còn bảo lưu được trên 15 trường hợp các cấu trúc ngữ học theo văn pháp tiếng Việt cổ. Toàn văn Lục Độ Tập Kinh thể hiện một cách có hệ thống và toàn diện, liên tục nhất quán của ngữ pháp, cú pháp về ngữ vựng của tiếng Việt ví dụ như tiếng Tàu gọi Trời xanh là thanh thiên, mây trắng là bạch vân hoàn toàn khác với tiếng Việt. Học giả Trương Vĩnh Ký cũng cho rằng dân tộc ta đã có chữ viết trước thời Hán thuộc nhưng sau khi bị Hán tộc thống trị cấm sử dụng tiếng Việt cổ, đồng thời bắt dân ta phải học tiếng Hán nên sau hơn một ngàn năm nô lệ, tiếng Việt cổ mai một dần theo thời gian. Bản tấu trình lên Hán đế của Mã Viện về luật Việt viết khác Hán luật 10 điều. Thực tế lịch sử này một lần nữa đã xác minh là tiền nhân chúng ta đã có chữ viết và xã hội thời Hùng Vương đã được thể chế cụ thể bằng bộ Việt luật”.[7]

Mãi tới năm 1965, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy một thanh gươm cổ trong ngôi mộ cổ ở núi Vọng Sơn, Gia Lăng tỉnh Hồ Bắc thuộc địa bàn cư trú của Bách Việt xưa. Đặc biệt trên thân thanh gươm báu có 8 chữ “Vua Việt Câu Tiễn đúc gươm để dùng” được nạm sợi bạc, khắc theo lối Điểu triện tức lối chữ Triện viết theo dạng hình chân chim: “Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng gươm”. Toàn thân và cán gươm có cẩn ngọc Minh Châu màu lam và lục tùng rất đẹp. Lối chữ “Điểu Triện” của người Việt cổ chính là lối chữ Thương Hiệt thời Đế Hoàng.

Năm 1999 các nhà khảo cổ Trung Quốc đã công bố trên tạp chí Nature đã tìm thấy nhiều chiếc sáo làm bằng xương ống chân hoặc xương cánh của loài sếu (hạc) đầu đỏ, khoét từ 5 đến 8 lỗ thoát hơi, cỡ 9.000 năm tuổi. Một chiếc sáo còn nguyên vẹn có 7 lỗ, âm vực trải đủ một quãng tám Tây phương, vẫn thổi được, âm thanh của chúng rất hay. Chúng là những nhạc cụ xưa nhất, kỳ diệu nhất mà con người đã được biết và được nghe. Tháng 3 năm 2003, các nhà khảo cổ lại công bố những nét khắc 11 ký hiệu đơn lẻ khắc trên mai rùa. Những chiếc mai rùa được chôn theo người chết trong 24 mộ phần, định tuổi bằng đồng vị carbon là từ năm 6.600 đến 6.200 TDL. Nghiên cứu cho thấy ký hiệu này mang những nét tương đồng với chữ viết được dùng hàng ngàn năm sau trong thời Thương (1776-1100 TDL).  Như vậy các ký tự trên mai rùa tại Giả Hồ thuộc về thời Đồ đá hoặc Đồ đá mới, sớm hơn chữ Ai Cập 2.900 năm và sớm hơn chữ tiền Lưỡng Hà – Ấn Độ 2.700 năm. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các tài liệu về khảo cổ học, ngữ học và nhân chủng học đã cho rằng nguồn gốc của thời đá mới ở phiá Bắc Trung Hoa bắt nguồn từ phương Nam vì triều Thương mới thành lập năm 1766 TDL nghĩa là sau các ký tự cổ trên hàng ngàn năm.

Gần đây, các nhà khảo cổ Trung Quốc lại tìm thấy một món đồ cổ hình rồng 3.700 tuổi, được làm từ hơn 2.000 mảnh ngọc lam, đã được xác định là vật tổ hình rồng cổ nhất Trung Quốc. Món đồ cổ được được khai quật từ ngôi mộ của một vị quan trong cung điện ở Erlitou ở khu di tích Erlitou ở thành phố Yanshi, tỉnh Hà Nam. Bức tượng làm từ ngọc lam được tìm thấy nằm giữa vai và xương chậu của chủ nhân ngôi mộ.[8]  

Yanshi là thủ phủ nhà Hạ của Việt tộc (2.100 – 1.600 TDL). Những chứng cớ khảo cổ này một lần nữa cho chúng ta thấy những cư dân này thuộc dân nhà Hạ của Việt tộc bị tộc Thương đánh đuổi tiêu diệt năm 1776TDL để thành lập triều Thương đầu tiên của lịch sử Trung Quốc.

Các công trình nghiên cứu khai quật ngôn ngữ Hán cổ đã tìm ra rất nhiều bằng chứng cho thấy chữ Hán chính là chữ Việt cổ cực kỳ phong phú của đại tộc Việt. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thành thì những di chỉ văn hóa như Bán Pha, Ngưỡng Thiều, Đông Sơn… đều có dấu tích các chữ viết thuộc về tiền thân của Giáp Cốt Văn và chữ Vuông ngày nay. Chữ “Vuông 文” của người Việt đi từ phôi thai cho đến phổ cập từ đời nhà Hạ đến ngày nay. Thật vậy, ngày nay chỉ có Việt ngữ phương Nam mới có âm đọc và chữ để viết “chữ Vuông” bằng hai tiếng “chữ 字 Vuông 文”. Tuy rằng người Việt Nam ngày nay đã đọc “文 vuông” là “Văn 文” theo Hán Việt, nhưng dấu tích “văn 文” là “Vuông 文” mà tiếng Triều Châu còn sử dụng. Người Mân Việt-Triều Châu cho đến nay vẫn chỉ đọc chữ “văn 文” là “Vuông 文” mà  không bao giờ đọc là “văn 文”. “Văn” là do đọc trệch âm “Vuông 文” mà thành.

Tiếng Mân Việt - Triều Châu là một phương ngữ rất xưa, được nhìn nhận là có ít nhất là 7000 năm lịch sử, xưa hơn chữ đời Thương, Chu và âm Hán Việt thời Hán, Đường và thời Tống rất nhiều! Chữ Nôm với âm Nôm có trước là “Diệt 日”, chứ không phải là âm “Nhật 日” của Hán Việt, chữ Nguyệt ngày xưa cũng đọc là “Việt/ Duyệt 月”. Tiếng Quảng Đông ngày nay vẫn đọc “Nguyệt 月” là “Duyệt 月” y như phát âm của chữ “Việt 粵 ” và “Việt 越”.  Theo nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đỗ Thành thì chữ Hạ 夏 cũng là chữ “Diệt 夏 Việt”, tiếng Triều châu đọc là “He 夏” như “Hè 夏” trong tiếng Việt để chỉ “mùa hè 夏”. Chữ “hè 夏” nầy có chữ “Hiệt 頁” phía trên, phát âm “Hiệt 頁” ngày xưa cũng  tương đương là chữ “Diềt 夏 =Việt”. Việt 夏/Hè cũng chính là “Hùng 夏 Vương”, Họ Mỵ 芈 hay Mi 芈 của vua Việt và “Hoa 華  Hạ 夏” thì đủ biết chữ Hoa 華 nầy chính là Hạ 夏 là Yue = Việt. Như vậy, chữ Hạ 夏 cũng là chữ “Diềt 夏 Việt” và Việt 夏/Hè cũng chính là “Hùng 夏 Vương”, Họ Mỵ 芈 hay Mi 芈 của vua Việt và Hoa 華 – Hạ 夏” đã xác định nhà Hạ là của tộc Việt.[9]  

Do đó, sách sử cổ Trung Hoa viết nền văn minh Hoa Hạ chính là nền văn minh Việt của thời nhà Hạ. Từ thời nhà Hạ trở về trước, sách sử cổ chép là Trung Hoa, mãi đến thời Thương tiêu diệt nhà Hạ mới lấy tên Trung Quốc để gọi tên nước của tộc người này.

Kết quả của công trình khảo cổ đã xác nhận là cư dân nhà Hạ đã có một nền văn hóa cao nên đã kiểu thức hóa chữ viết Việt cổ được 11 ký hiệu đơn lẻ khắc trên mai rùa bao gồm: chữ “mục” (mắt), “hộ” (cửa nhỏ, 1 cánh), và các số 1, 2, 8, 10, 20. Những chiếc mai rùa này được chôn cùng với thi thể người trong 24 mộ phần, định tuổi bằng đồng vị carbon là từ năm 6.600 đến 6.200 TDL trong khi tộc Thương mới đến xâm chiếm đất đai của nhà Hạ và thành lập triều Thương năm 1776 TDL. Trương QuangTrực (Chang Kwang Chih), sử gia hàng đầu hiện nay của Trung Quốc đã thừa nhận một sự thực lịch sử là tuy Trung Quốc là một quốc gia lớn với một nền văn hóa lớn nhưng nó đã phải thâu nhập tinh hoa của nhiều nền văn hóa hợp lại. Ông viết: “Những nền văn hóa địa phương thời tiền sử, sau khi thống nhất đã trở thành một bộ phận của văn hóa Trung Quốc”. Về nguồn gốc chủng tộc, Trương Quang Trực cho rằng: “Nguồn gốc thực sự của Hoa Hán chỉ là phần nhỏ nhưng sau khi triều Tần thống nhất thì dân tộc cả nước thống nhất ấy là dân tộc Trung Hoa”. Thực tế này đã được sử gia Trung Quốc Hoàng văn Nội thừa nhận là quá nửa dân số TQ ngày nay là người gốc Viêm tộc (Viêm Việt) bị Hán tộc thống trị đồng hóa thành người Trung Quốc gốc Việt cổ.

Đặc biệt, Việt tộc có chữ viết và tiếng nói ăn khớp với nhau được chứng minh bởi Đồ phổ Trống đồng. Thuở xa xưa, tộc Việt cư ngụ ở Trung nguyên nên tiếng Việt tổng hợp các ngữ vị và âm vị của 4 phương thiên hạ. Tiếng Việt và chữ Việt là hệ thống Tiêu âm là thiết âm tức là loại tiếng đánh vần được. Nhờ đó âm lại được mọi thứ tiếng của các nước nên ngữ vị và âm vị tiếng Việt hết sức phong phú. Tiếng Việt chữ Việt theo bản chữ đời Hùng để lại từ đời Thánh Tản viên cho Cao Thông, đệ tử của Thánh Tản Viên. Sau này, Trịnh Bồng đã được bản chữ đó và chính bản chữ đó đã giúp cho Raphael Quý dạy cho giáo sĩ  Alexandre de Rhodes để dịch sang mẫu tự La tinh, là chữ quốc ngữ bây giờ. Giáo Sĩ Đắc Lộ ở trong Nam (Đàng Trong) nghe ở Thanh Hoá (Đàng Ngoài) còn có người biết tiếng Việt cổ nên đã ra địa phận Thanh Hoá gặp được thầy Raphael Quý là người có duyên còn giữ được bản chữ đời Hùng. Nhờ thiên phú có tài về ngôn ngữ nên cả hai đã cùng nhau hợp tác giải mã những dấu hiệu chữ mô tả âm thanh của đời Hùng theo chữ La Tinh để chúng ta có được lối chữ quốc ngữ ngày nay. Như vậy, ông Tổ chữ quốc ngữ là bản chữ đời vua Hùng theo lối tiêu âm mà ghép thành văn tự. Người xưa đã có thứ chữ viết mô tả được đủ mọi thanh âm tự nhiên nghe thấy trong trời đất. Chữ viết đó là loại chữ Tiêu âm ghép vần rất tài tình và đúng âm luật, chữ Việt cổ lại có đủ số, đủ dấu làm toán, đủ dấu chấm câu, có 5 dấu nên biến hoá vô cùng theo sát nguyên lý vũ trụ.[10] Chính vì vậy, đại thi hào Nguyễn Trãi mới tuyên xưng: “Chỉ nước Đại Việt ta từ trước, mới có nền văn hiến ngàn năm” trong Bình Ngô Đại Cáo với những anh hùng dân tộc, những danh nhân khai sáng văn hoá, những điển chương văn hóa, những kỷ cương truyền thống của một dân tộc có lịch sử lâu đời nhất với gần năm ngàn năm văn hiến.

So sánh đối chiếu tự dạng từ đơn giản đến chữ viết và độ tuổi khảo cổ với lộ trình thiên cư của người Việt cổ cho chúng ta nhận định như sau:

1. Cư dân Hòa Bình Hoabinhian tức người Tiền Việt Protoviets đã để lại hình khắc trên đá ở Sapa.

2. Khi biển tiến cách đây 14 ngàn năm, cư dân Hòa Bình phải di cư lên vùng cao rồi khi biển lùi thì những người Hoabinhian = Malaynesian = Malayoviets lại di chuyển xuống lưu vực sông Hoàng Hà định cư đã lưu lại những chữ viết cổ trên bình gốm ở di chỉ Bán Pha 2 có niên đại cách ngày nay 12 ngàn năm.

3. Lần biển tiến cách đây 11.500 năm, người Tiền Việt Hòa Bình lại phải di chuyển lên vùng cao rồi khi nước biển rút thì thiên cư xuống vùng đồng bằng sinh sống đã khắc trên yếm rùa chữ cổ có niên đại cách đây 9 ngàn năm.

4. Lần biển tiến cách ngày nay 8.000 năm, người Việt cổ lại phải thiên cư, khi nước rút dân thì người Malayoviets xuống định cư lâu dài hình thành các nền văn hóa Việt khắp trung nguyên như nền văn hóa Cảm Tang ở Quảng Tây với chữ Việt cổ trên vách đá, xương thú có độ tuổi 4-6 ngàn năm. Việt tộc là cư dân nông nghiệp đời sống thiên về văn hóa nên những người Việt cổ Malayoviets định cư từ lâu mà hậu duệ là cư dân nhà Hạ sau này đã kiểu thức hoá chữ viết Việt cổ được 11 ký hiệu đơn lẻ bao gồm: chữ “mục” (mắt), “hộ” (cửa nhỏ, 1 cánh), và các số 1, 2, 8, 10, 20 …

Giới nghiên cứu thống nhất nhận định rằng hệ thống chữ viết của người Đông Di được xem là hệ thống chữ viết sớm nhất vào thời kỳ đồ đá mới ở Trung Hoa. Người ta đã tìm thấy 20 ký tự tượng hình trong các hầm mộ Đông Di ở Sơn Đông (mộ táng văn hóa Đại Vấn Khẩu ở huyện Cử), trong đó có nhiều chữ như “旦,鉞,斤,皇,封,酒,拍,昃” (đán, Việt, cân, hoàng, phong, tửu, phách, trắc), vẫn còn được dùng đến ngày nay để viết tiếng Hán hiện đại. Hệ thống chữ viết này tiếp tục phát triển cho đến khi tộc Thương đánh chiếm nhà Hạ rồi với sức mạnh của kẻ thống trị, Thái Sử Trứu đời Chu Thành Vương đã sửa đổi lối chữ vuông của người Việt cổ thành lối chữ Hán gọi là Trứu Thư. Đến thời đế quốc Tần, Tần Thủy Hoàng thống nhất văn tự, đốt bỏ tất cả sách sử các nước, bắt người dân các nước phải học Tần Ngữ, nói tiếng Quan Thoại nên theo thời gian chúng ta không còn chữ viết riêng của dân tộc Việt. Mãi đến cuối thiên niên kỷ thứ hai, hàng loạt các công trình nghiên cứu của các học giả ngoại quốc đã phục hồi nền văn minh Hòa Bình của Habinhian= Người Tiền Việt là nền văn minh tối cổ của nhân loại. Khoa Di truyền học với những kết quả thuyết phục cùng với khoa Đại Dương Học đã giúp chúng ta tìm về nguồn cội dân tộc cùng với nền văn minh Việt cổ của dân tộc Việt.

Phạm Trần Anh
Trích: www.vietthuc.org

_____________

Chú thích:

[1] Bình Nguyên Lộc: Bình Nguyên Lộc: Nguồn Gốc Mã Lai của Dân tộc Ta, NXB Bách Bộc Sài Gòn, tr 346-349.

[2] Bình Nguyên Lộc: Bình Nguyên Lộc: Nguồn Gốc Mã Lai của Dân tộc Ta, NXB Bách Bộc Sài Gòn, tr 346-349.

[3] E. Nordenskiold: The Secret of the Peruvian Quipus. Kipus (Quipus) bao gồm những đoạn giây to nhỏ có thắt nút và màu sắc khác nhau. Khi dùng vào công việc thống kê thì màu sắc chỉ đối tượng thống kê, mỗi nút thể hiện một con số. Phía dưới là đơn vị, phía trên là hàng chục, trên nữa là hàng trăm, hàng ngàn… Kipus là bị vong lục, ngoài ra nó còn được dùng làm bùa, làm lịch và cũng biểu hiện cả tư tưởng đơn giản nữa”.

[4] Nguyễn Đoàn Tuân: Truyện Kiều, Hồn Tính Việt Ngàn Đời. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đoàn Tuân thì đây chính là thứ chữ trong Lạc Thư Bách Việt. Người xưa tin Lạc là Thần, phát xuất từ cái nôi sinh tụ của Bách Việt là Rượu Cô Dịch sau di chuyển về Tiểu Côn Lôn là vùng núi Vụ Uyển nơi vua Đại Vũ nhà Hạ đã chôn giấu tấm bia mà sách Lĩnh Nam Dật Sử nhắc tới.

[5] Vũ Hữu San: Địa Lý Biển Đông, NXB San Clement 2007, tr 25.

[6] Nguồn Wikipedia: Đông Di (Dong yi).

[7] Lê Mạnh Thát: Lục Độ Tập kinh và Lịch sử Khởi nguyên của Dân tộc. NXB Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, tr 149.

[8] Andreson J.G: Children of the Yellow Earth Studies in Prehistoric China, London 1934. Cung Đình Thanh: Tìm về Nguồn gốc Văn minh Việt Nam, tr 224 dẫn Richard Peason 1980 “The Ch’ing-Lien-Kang Culture Chinese Civilization”, University of California Press, Berkerley and Los Angeles California 1983, p 125.

[9] Đỗ Thành: Nhannamphi Blog “Chữ Nôm cổ xưa và ý nghĩa của chữ Việt.

[10] Nguyễn Đoàn Tuân: Truyện Kiều, Hồn Tính Việt Ngàn Đời.


Cái Đình - 2014