Nguyễn Thị Quỳnh Anh
Chúng ta thật tử tế với Trung Quốc
Tây Phương càng ngày càng chiều theo sở thích của Trung Quốc
do từ sự sợ hãi các biện pháp trừng phạt của họ.
Jan van der Putten vận động cho vấn đề giữ chặt các nguyên tắc.
Với sự quan tâm cho động thái của Trung Quốc.
Các cuốn phim nước ngoài không thể nào nhập vào Trung Quốc nếu trong đó nhân vật gian ác là một người Trung Quốc. Chỉ khi nào anh chàng Trung Quốc trong phim này được thay thế bởi một người Nhật, Bắc Hàn hay người Trung Ɖông thì cuốn phim đó may ra còn có được một cơ hội. Ngày nay Hollywood thường chiều theo các kiểm duyệt Trung Quốc trước bằng những nội dung phim thân thiện đối với Trung Quốc hay qua những phiên bản đặc biệt. Cũng như trong phim 21 & Over, một phim hài hước về đời sống phóng túng của các sinh viên Mỹ, trong phiên bản Trung Quốc đã có những màn được xen vào làm cuốn phim trở thành một phim về đạo đức. Chàng sinh viên trong phim hồi đầu tỉnh ngộ, rời bỏ thế giới đồi trụy của Mỹ và quay về quê cha đất tổ một cách tinh khiết. Bởi vì các nguyên tắc thì đẹp đễ thật đấy, nhưng một thị trường phim lớn hạng nhì sau Hoa Kỳ còn đẹp hơn.
Các nhà sản xuất phim Mỹ cũng y như các nhà chế tạo xe hơi: họ sẵn lòng chiều theo sở thích của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của các chính phủ cũng hành xử y hệt như thế khi họ không tiếp Ɖức Ɖạt Lai Lạt Ma, không đề cập về các vấn đề nhân quyền trước các lãnh đạo Trung Quốc hoặc rút lại các liên hệ với Ɖài Loan. Hảng thông tấn Bloomberg của Mỹ đã hủy bỏ việc phát hành một bài báo đáng lẽ là một một thông tin riêng tuyệt vời về vấn đề tham nhũng ở Trung Quốc và như thế họ né tránh được những trả đũa của cường quốc mới của thế giới này. Bloomberg hành xử thật ra cũng như những người Trung Quốc đã phải chịu thua những đe dọa bởi chánh quyền của họ. Nhưng một người Trung Quốc hầu như không còn sự chọn lựa nào còn Bloomberg thì lại khác.
Sự đe dọa những người có tư tưởng khác cũng cổ xưa như đất nước Trung Quốc. Một thí dụ quyết liệt về điều này là cách đây 22 thế kỷ khi mà vị hoàng đế thứ nhất ra lệnh đốt sách nho giáo và chôn sống 460 học trò.Vị lãnh đạo Tập Cận Bình ngày nay tuy duy trì các phương thức ít quyết liệt hơn, nhưng chính ông cũng dị ứng với quyền tự do tư tưởng mặc dù nó đã được đặt định trong hiến pháp. Do gia tăng sự kiểm duyệt truyền thông xã hội chặt chẽ hơn – các thông tin được gán cho là các tin đồn thất thiệt có thể mang lại bản án ba năm tù. – đã làm những người phê phán xoay hướng sang các dịch vụ kiểu sms, nhưng giờ đây chính nơi đó cũng bị bàn tay kiểm duyệt nắm bắt. Sự nguy hiểm của việc dựng nên một quan điểm công khai mạnh mẽ đã tạm thời bị nhà nước chế ngự. Thay thế vào đó là là một hình thức kiểm duyệt tốt nhất đã đến mà đảng cộng sản có thể mơ ước: hình thức tự kiểm duyệt.
Chính các nước ngoài cũng tự mình áp đặt việc tự kiểm duyệt trong quan hệ với Trung Quốc. Như đã rõ, ai mà lỡ xúc phạm đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ biết trong lúc đó rằng các hậu quả có thể vô cùng tai hại. Thí dụ cụ thể là chính phủ và xí nghiệp của Na Uy đã kinh nghiệm điều đó khi công bố vào năm 2010 giải Nobel Hòa Bình cho nhà đấu tranh cho dân chủ Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc. Ông Lưu đã bị kết án 11 năm tù vào năm 2009 do vai trò của ông trong việc hình thành bản tuyên ngôn dân chủ Linh Bát Hiến Chương. Mặc dù chính phủ Na Uy chẳng liên hệ gì về giải Nobel, nhưng theo các lãnh đạo Trung Quốc, Oslo phải can thiệp vào cái gọi là “khiếm khuyết sự tôn trọng cho hệ thống luật pháp Trung Quốc”.
Giảm thiểu mạnh về nhập khẩu
Liền sau đó là hình phạt: giảm thiểu mạnh trong nhập khẩu cá hồi và các sản phẩm khác của Na Uy, đình chỉ thảo luận về thoả thuận tự do mậu dịch, cho đóng băng các quan hệ chính trị, tạo các vấn để trong việc cấp thị thực nhập cảnh cho những người Na Uy ở Trung Quốc. Vào tháng 5-2014 Ɖức Ɖạt Lai Lạt Ma ở Na Uy, nơi ông đã được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình vào năm 1989. Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao và chủ tịch quốc hội từ chối tiếp chuyện Ngài. Thủ tướng Na Uy đã công nhận rằng điều đó là thái độ nhằm hướng về Trung Quốc. Người giàu nhất Na Uy, Stein Erik Hagen, đã từng nói rằng chính Trung Quốc mới xứng đáng nhận giải Nobel Hòa Bình bởi vì quốc gia này đã nâng đỡ hàng trăm triệu người thoát ra khỏi cảnh nghèo khổ. Chắc không bao lâu nữa thì Na Uy sẽ hưởng được ân huệ của Trung Quốc ban cho.
Ɖức Ɖạt Lai Lạt Ma, thời xưa đã từng được các ông hoàng, các vị tổng thống và thủ tướng đón mời, đã phải gặp thường xuyên hơn những cánh cửa đóng kín trong những chuyến viếng thăm nước ngoài. Ở Hòa Lan vào năm 1999 ông còn được hoàng thái tử và thủ tưởng tiếp đón, vào năm 2009 được bộ trưởng Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Hòa Lan tiếp đón, vào năm 2014 chỉ còn có bộ trưởng Bộ Ngoại Giao đón tiếp ông và được nhấn mạnh rõ ràng là chỉ tiếp ông trong tư cách của một vị lãnh đạo tinh thần. Sự đi xuống của con đường đẳng cấp này phản ánh sự tăng trưởng của quyền lợi kinh tế Trung Quốc dành cho Hòa Lan.
Ɖức Ɖạt Lai Lạt Ma đã hai lần không được Nam Phi cấp thị thực nhập cảnh, quốc gia này cảm thấy chẳng có lợi lộc gì để làm phật lòng người bạn hàng thương mại lớn nhất của mình. Các quốc gia đã đón tiếp vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng ở cấp cao nhất đểu nhận sự trừng phạt của Trung Quốc, hầu hết qua hình thức giảm thiểu nhập khẩu. Trung bình khoảng trong vòng hai năm sau chuyến viếng thăm lang bạt của “con sói trong bộ áo thầy tu” thì các quan hệ lại trở nên bình thường.
Sự tiếp đón Ɖức Ɖạt Lai Lạt Ma bởi những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của các đại cường thế giới, Anh và Pháp, là một dịp tốt để Bắc Kinh làm cho rõ ràng rằng hoàn cảnh đã thay đổi kể từ khi quân đội Anh và Pháp vào thế kỷ 19 đã mang lại cho đất nước kiêu hãnh Trung Quốc từ nhục nhã này đến nhục nhã khác. Pháp bị trừng phạt với biện pháp chế tài về thương mại và sự tẩy chay hội nghị thượng đỉnh Liên Âu-Trung Quốc ở Lyon. Anh bị trừng phạt với sự đóng băng các quan hệ về chính trị và thương mại với Trung Quốc. Vào cuồi năm qua, thủ tướng Anh Cameron đã mở lối đến Canossa. Sau lờì hứa hẹn rằng ông sẽ không bao giờ mời ông tu sĩ già Tây Tạng nữa thì ông lại có thể trải thảm đỏ để đón tiếp các nhà đầu tư Trung Quốc.
Các lãnh đạo Trung Quốc đối xử càng cứng rắn với Anh và Pháp thì họ lại càng phản ứng nhũn nhặn vể giây phút Ɖạt Lai Lạt Ma của nữ thủ tướng Ɖức Merkel. Như đã biết, Ɖức là bạn hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc vượt xa các quốc gia khác ở Âu Châu và nhất là người Trung Quốc không thể thiếu được kỹ thuật của Ɖức. Nếu các quốc gia của Liên Âu, tập họp lại với nhau là một bạn hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc, có cùng một đồng thuận về vấn đề Tây Tạng thì có thể những vị thủ tướng như Cameron đâu phải bị ngã ngựa trong khi những thủ tướng cứng rắn như bà Merkel vẫn đứng vững vàng.
Cũng tương tự như thế cho sự tiếp cận về vấn đề nhân quyền. Chỉ với một phương thức có phối hợp thỉ mới có thể đạt được một điều gì. Nhân quyền thương là không hay gần như không hề được đề cập trong các liên hệ với Trung Quốc, hay các cuộc đàm thoại diễn ra bằng một màn kịch nhỏ: nhà lãnh đạo Tây Phương bày tỏ sự lo ngại về nhân quyền, nhà lãnh đạo Trung Quốc đáp lại rằng hoàn cảnh quả thật chưa được lý tưởng nhưng mọi người vẫn tiếp tục cố gắng cho sự tiến triễn. Sau đó thì ai nấy đề bỏ ra ngoài tai những chuyẹn này để quay ra bàn chuyện lâm ăn
Các xí nghiệp IT của Tây Phương , ngày xưa tự tuyên bố rằng mình là những chiến sĩ của tự do và dân chủ, không cần phải học hỏi ai rằng mình phải quỳ lụy trước sự kiểm duyệt của Trung Quốc hay phải thực hiện các công tác hỗ trợ cho họ như thế nào. Vào năm 2005 Cisco Systems đã bán cho Trung Quốc 200 router để cải thiện tinh vi hơn hệ thống Tường Lửa Vĩ Ɖại của Trung Quốc, một hệ thống kiểm duyệt tiến bộ nhất trên thế giới. Thời gian sau trong năm đó Microsoft đã làm blogger Trung Quốc Michael Anti nổi tiếng bằng cách hủy bỏ một bài phê bình của ông. Yahoo đã chuyển cho chánh quyền các tài khoản e-mail của hai người đấu tranh và dựa vào dữ liệu này, họ bị kết án mười năm tù “do tiết lộ bí mật của nhà nước”.
Ɖể có chân đứng trên một thị trường internet lớn nhất thế giới, vào năm 2005 Google đã bắt đầu thực hiện sự kiểm duyệt trong phiên bản Trung Quốc của bộ máy dò tìm dữ liệu này. Khi công ty tin học này sau đó vẫn trung thành với nguyên tắc tự do của dữ liệu, ngày tàn của Google ở Trung Quốc xem như đã điểm. Trong tháng 06-2014, trước chiều ngày kỷ niệm 25 năm biến cố Thiên An Môn, chỉ còn một nhóm nhỏ người ở Trung Quốc còn nhận được dịch vụ của Google củng bị khóa hoàn toàn..
Cùng lúc đó LinkedIn đã cho biết họ gặp đòn kiểm duyệt của Trung Quốc. Chuyện xảy ra đã không gây ngạc nhiên. Trước đó trong năm khi tung ra hệ thống Trung Quốc tương tự, xí nghiệp này đã nói rằng họ sẵn sàng nhận chịu bị khóa mõm. Cho tất cả các xí nghiệp IT này chỉ có một điều tuyệt vời hơn tự do tư tưởng: đó là lợi nhuận thu được ở Trung Quốc.
Một triết lý tương tự cũng gây hứng khởi Bloomberg. Vào năm 2012 hảng thông tấn về tài chánh này của Hoa Kỳ phát hành một bài báo có tính cách tài liệu cực kỳ chính xác về tài sản hàng trăm triệu Mỹ kim được thu nhập do gia đình của cựu phó chủ tịch nước Tập Cận Bình khi đó, người hiện giớ là tổng bí thư-chủ tịch nhà nước Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch gay gắt chống tham những. Ống Tập đã phẩn nộ. Những biện pháp trả đũa tiếp liền theo sau, trong đó website Trung Quốc của Bloomberg bị đóng cửa và những đe dọa rằng hộ chiếu của các thông tín viên sẽ không được gia hạn.
Với sự đóng góp tài chánh của Trung Quốc, phim được chiếu ở Trung Quốc
gồm cả những màn đặc biệt thêm vào với nữ dỉễn viêm Trung Quốc Phạm Băng Băng
Tống cổ khỏi Trung Quốc
Cuối năm 2013 một bài báo mới về quan hệ giữa các tỷ phú Trung Quốc và các lãnh đạo chóp bu lại nằm trên kệ của tổng biên tập. Bài báo này sẽ nằm đó cho tới tết Congo, tổng biên tập Winkler đã quyết định như thế. “Bởi vì nếu chúng ta đăng bài này, chúng ta sẽ bị tống cổ khỏi Trung Quốc”. Tác giả của bài báo, Mike Fosythe, tiết lộ tại sao Winkler quá lo sợ vì xúc phạm các lãnh đạo Trung Quốc: sự sợ hãi của ông ta là Bloomberg sẽ mất một dịch vụ thu lợi nhiều nhất ở Trung Quốc : việc bán các data-terminal cho các ngân hàng nhà nước và các cơ quan chính phủ. Forsythe hiện là một trong những thông tín viên của tờ The New York Times.
Vấn đề này làm cho câu hỏi trở nên có tính thời sự: làm thế nào trong một quốc gia như Trung Quốc báo chí ngoại quốc có thể tiết lộ các dữ kiện bất lợi cho nhà nước mà không phải lo sợ sẽ bị các biện pháp trả đũa. Nếu mà họ cùng liên đới với nhau, họ sẽ có thể đạt thắng lợi nhiều hơn. Các biện pháp trả thù dành cho một trong những người của họ sẽ được đáp lại bằng một sự rút lui tập thể ra khỏi Trung Quốc của tất cả thông tín viên. Nhưng bao lâu mà giới truyền thông ngoại quốc còn cân nhắc các nguyên tắc cạnh tranh nặng ký hơn sự liên đới quyết liệt này thì đảng cộng sản chẳng có gì để sợ hãi.
Xa nhất trong việc tự kiểm duyệt khởi từ Hollywood. Vào năm 1997 phim Seven years in Tibet (Bảy năm ở Tây Tạng) làm cho người Trung Quốc nổi giận và vai chánh trong phim, Brad Pitt đã vĩnh viễn bị cấm vào Trung Quốc. Mười sáu năm sau, Leonardo DiCaprio, Nicole Kidman cùng hàng chục ngôi sao điện ảnh và nhà sản xuất phim đến Trung Quốc để quảng cáo phim của họ trên một thị trường sẽ trở thành lớn nhất thế giới không bao lâu nữa, nơi mỗi năm các thu nhập trong các rạp chiếu phim tăng 30 tới 40 %. Hàng năm Trung Quốc chỉ cho phép chỉếu 34 phim nước ngoài và chẳng có một phim trường Hollywood nào muốn bị lọt sổ. Vì thế cho nên “dễ thương đối với Trung Quốc” trở thành câu thần chú của ngành điện ảnh Hoa Kỳ.
Ɖừng thực hiện các nhân vật, các màn hay các đối thoại làm phật lòng Trung Quốc. Chêm vào phim của bạn các hình ảnh từ đó nói lên sự tiến bộ của Trung Quốc, như các nhà chọc trời ở Thượng Hải. Thêm vào các tình tiết phụ Trung Quốc, mướn các tài tử Trung Quốc, hợp tác với người Trung Quốc, quảng cáo cho các sản phẩm Trung Quốc như trong phim Iron Man 3, hay cho vào miệng của một ngôi sao điện ảnh như Bruce Willis câu Trung Quốc là tương lai chẳng hạn. Có phải là sự tình cờ rằng trong phim Gravity Sandra Bullock và George Clooney bị đe dọa bởi những mảnh vụn của một vệ tinh do Nga làm nổ tung và họ được cứu thoát nhờ một phi thuyền Trung Quốc? Cũng cần nên biết rằng Trung Quốc vào năm 2007, để cảnh cáo người Hoa Kỳ, đã làm nổ tung một vệ tinh cũ của họ. Hàng ngàn mảnh vụn sẽ còn đe dọa sự du hành trong không gian trong nhiều năm nữa.
Có phải Tây Phương, được nhìn từ mối tương quan quyền lực mới, bị bắt buộc phải nói cho vừa lòng Trung Quốc? Thật ra có lẽ không tránh khỏi được khi nào Tây Phương còn đến với Trung Quốc như kẻ kiêu ngạo và gia trưởng. Trung Quốc không cần ai chỉ bảo họ. Quốc Gia phục sinh ở Trung Tâm, Trung Hoa, chỉ kính trọng những quốc gia nào mà họ nhận được sự kính trọng.
Ai muốn tạo ảnh hưởng trên Trung Quốc phải biết chắc chắn là không được khinh thị họ hay đập bàn đập ghế thị uy với họ. Hãy tìm những cảm thông và tỏ ra cương quyết nhưng lễ phép lảm minh bạch quan điểm chung. Khám phá những động cơ thúc đầy họ, tư duy cùng họ, chứng tỏ rằng sự kính trọng các quyền căn bản làm lắng dịu các căng thẳng và như thế có lợi cho Trung Quốc. Nhưng đừng nhượng bộ với những nguyên tắc của bạn, bởi vỉ người nào tỏ ra nhu nhược sẽ mất tất cả sự kính trọng của Trung Quốc.
Jan van der Putten
Nguyên tác: We zijn te lief tegen China, de Volkskrant, 21-06-2014
Nguyễn Thị Quỳnh Anh chuyển ngữ