Nguyễn Văn Lục


“Chết không một nấm mồ”

Chết không chỗ để về, “không một nấm mồ”,
phải chăng là cái giá phải chăng không quá đắt?

Trong khoảng thời gian một năm gần đây, tôi đã dự trên dưới 10 đám tang bạn bè. Nó để lại trong tôi một cảm giác tẻ nhạt, buồn hiu hầu như vô nghĩa. Sự vô nghĩa ấy phải chăng như gián tiếp tố cáo hành trình đời sống của họ lúc sống chẳng có gì đáng nói? Và chính người ra đi đã chọn lựa một cách chết cho riêng họ. Hầu như không thông báo, lặng lẽ, không một vòng hoa, không có bày biện xác thân người đã qua đời. Hầu như không có gì. Dường như người chết không muốn phiền lụy ai, như đó là ý nguyện sau cùng và chuẩn bị như một chọn lựa không chọn lựa của một số bạn bè ngay cả khi còn sinh thời, theo cái tinh thần một cái chết định trước

Nó như bầy tỏ một cách chết, một thái độ chết, một thứ văn hóa “kiểu mới” của người chết.

Nhiều khi nó trái ngược hẳn với đời sống “sôi nổi” “tranh đấu” “tích cực|” với “thành tích” của họ lúc còn sống. Sống họ nắm chặt, chết họ buông. Điều đó xem ra nghịch lý với lẽ ở đời.

Kinh nghiệm ấy tôi đã trải qua và đôi khi không khỏi sững sờ và bàng hoàng. Vào tháng bảy năm 2018, khi tôi về California và có hẹn với một người bạn là sẽ gặp nhau. Anh đã chết đột ngột và thầm lặng. Không một vòng hoa. Không một nấm mồ. Không một lời để lại. Đứng trước bức ảnh của bạn, tôi tự hỏi đây là đich thực người bạn mình?

Một sự thầm lặng đến tuyệt đối của ngữ nghĩa. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng, phải chăng đây là người bạn mình lúc còn sống? Lúc sống và lúc chết sao khác nhau đến thế?

Trong số những người đã ra đi, nhiều người đã là ông nọ bà kia, có những thành tích hoạt động cho cộng đồng Việt Nam một cách đáng nể. Người khác đóng góp cho văn học với những công trình nghiên cứu ngoại khổ.

Họ phần đông đều có vóc dáng, đều có một chỉ số bản thân rõ rệt không lầm được với người khác. Khi sống họ là một nhân vật, một ai đó. Có đủ tham sân si thói đời. Bằng mọi giá họ bảo vệ cái căn cước của mình.

Khi chết, họ là một con số không. Chu kỳ sống-chết đó dường như không còn có gì tiếp nối liên hệ. Sao lại có thể vô lý như vậy?

Vậy mà đến lúc họ lìa khỏi cuộc đời một cách “vô danh” sau khi chọn lựa một cách ra đi là hỏa thiêu. Một thứ văn hóa về cái chết của thời đại, vừa sạch về môi trường, vừa gọn, vừa tránh phiền nhiễu, vừa đỡ tốn kém theo cái nghĩa, chết là hết!

Cách đây chỉ vài ba hôm, một người bạn sống một mình, chết không ai biết mà bản thân anh cũng bất cần càng làm cho người viết trăn trở thêm về ý nghĩa cái sống và nhất là cái chết. Cái sống nếu nó có ý nghĩa của nó thì cái chết không thể không có trong một chu kỳ sinh hóa. Sinh ra để chết hay Sống gửi, thác về.

Câu hỏi đặt ra ở đây là có thật sự chết là hết không? Hết theo nghĩa nào? Hết với họ hay với ai?

Và đến lúc này, tôi mới cảm thông được thế nào là một thân phận người theo đúng nghĩa của nó.

Văn hóa của sự sống đồng nhịp với văn hóa của sự chết

Con người sinh ra có một cội nguồn là từ lòng mẹ. Nó không từ chỗ nứt nẻ của trái đất mà ra. Cội nguồn ấy không đơn giản chỉ là lòng mẹ. Mỗi người sau này ra sao, thế nào thì từ một gốc rễ – gốc rễ dòng họ gia đình, anh em, họ hàng – gốc rễ xóm làng bà con thân thuộc, gốc rễ sinh hoạt làm ăn, phong tục, tập quán tôn giáo từ lúc chào đời đến lúc trưởng thành. Có một dòng sinh mệnh liên tục mà cái trước là nguồn cội, là sự hình thành của cái sau như một dòng sông.

Con người sau này là gì như thế nào là do cái bề dày, cái độ đặc, cái độ cảm nhiệm từ tấm bé cái mảnh đất từ lúc còn sơ sinh để suốt đời đứa trẻ lúc nào cũng là chính nó trong suốt cuộc hành trình dương thế.

Con người sau này ra sao đánh dấu cái nguồn cội rễ từ lúc chào đời. Vì thế, không có tổ tiên, không có cha mẹ, không có mảnh đất sinh thành, con người còn là cái gì?

Tôi đã cảm nghiệm được điều đó khi đọc tiểu sử của Charles de Gaulle, của Francois Mitterand của Giáo Hoàng Jean Paul II.

Họ đều làm nên sự nghiệp từ một cội rễ, từ một cội nguồn mà nếu không có cội rễ ấy, họ đã có thể không là họ.

Chẳng hạn, làm sao hiểu được tất cả sự dấn thân và hoạt động của Giáo Hoàng J.P. II với một nguồn đam mê vào đức tin, một người dấn thân tranh đấu cho quê hương xứ sở, cho nhân loại, nếu không tìm về cội nguồn của gia đình, của quê hương xứ sở của Giáo Hoàng?

Chính do những cảm nghiệm về những cái chết yểu trong gia đình của anh em Giáo Hoàng, nhất là cái chết của người mẹ lúc mới 45 tuổi và Karol Wojtyla (Giáo hoàng John Paul II) lúc đó mới được 9 tuổi.

Đến nỗi những cái chết đó đã hằn lên cuộc đời người thanh niên về cái Mysterium mortis. Hình như không lúc nào ông có niềm vui trọn vẹn? Nhưng thay vì những cái chết đó làm ông chán nản, buông xuôi, ông trở nên vững mạnh hơn, kiên quyết hơn mà trong mỗi phút giây hoạt động. Bóng dáng người mẹ luôn luôn bên cạnh ông như một cổ võ, thúc dục. Mà bà thâm tín rằng con bà, dù chỉ là một đứa trẻ, sau này sẽ làm nên chuyện lớn. Bà đã nhiều lần tâm sự cho những người hàng xóm rằng con bà sau này sẽ là một vĩ nhân.

Sự ưng thuận đời sống, cái gật đầu không điều kiện, sự dấn thân nhập cuộc của vị giáo hoàng này làm sao hiểu được nếu không tìm về cội nguồn, từ cảm nghiệm từ bà mẹ, cảm nghiệm về cái chết đã làm cho người thanh niên ấy sau này làm nên những công việc vĩ đại. (Xem Jean-Paul II. Une vie engagée. Éditions: de la Martinière)

Tổng thống François Mitterand cũng là một trường hợp tương tự. Ông vẫn cho rằng phải sống ở một vùng quê, một tỉnh lẻ và động chạm đến gốc rễ xa xôi ấy như thuộc bản năng con người trong mối tương giao xã hội con người tại mảnh đất mà con người ấy đã sinh ra và đã sống. Ông quen biết mọi người và mọi người biết ông. Nếu không có những cảm nghiệm đầu đời ấy thì không cách gì hiểu một con người!

Phải cộng lại tất cả những yếu tố ấy: dòng họ, nhà cửa, bà con thân thuộc, lịch sử, mảnh đất vùng Berry, truyền thống đã cắm rễ sâu vào một con người. Ông cũng cho rằng chính trong ông một sợi giây bền chặt bất biến của thời tuổi trẻ đã làm nên con người ông với cá tính, bản chất và nhân cách con người ấy đã được un đúc để không có gì có thể thay đổi được nữa.

Vì thế, khi mỗi lần về quê, ông tìm lại căn nhà mà tổ tiên ông đã sống ở đó bao nhiêu đời nay từ thế kỷ trước, ông đến ngồi thinh lặng hàng giờ ở đầu giường có treo một tượng Thánh giá khảm xà cừ, nơi mà mẹ ông vẫn ngồi, trước khi bà chết trong bệnh tật vào 12-1-1936.

Và trong cái nghĩa địa gia đình, nơi an nghỉ tổ tiên ông từ ông bà cha mẹ anh em thì nay còn một chỗ trống. Chỗ trống ấy vẫn còn đó như chờ đợi và 15 năm sau, sau khi đã làm Tổng thống rồi qua đời, F. Mitterand đã được chôn ở đấy. (Xem Robert Schneider. Les Mitterand. Perrin. 2005)

Hạnh phúc thay nếu chúng ta có một cội nguồn để tìm về!

Và phải chăng cộng đồng người Việt ở hải ngoại này đã không còn chốn quê hương đã làm nên họ, đã mất cội rễ cội nguồn và đến khi lìa đời đã chọn lựa một cái chết “không một nấm mồ” như một hành trình dương thế đầy bất hạnh dù đã lập nên sự nghiệp ở xứ người.

Cuộc sống mặc dầu dư đủ về nhiều mặt. Nhưng nó vẫn thiếu một cái gì trong tâm thức tìm về cội nguồn. Nó vẫn có một khoảng trống cần lấp đầy và hình như có gì thiếu hay mất mát và một cách nào đó đã chọn một cách chết sạch sẽ và hiu quạnh như một giải thoát ra khỏi chốn lưu đầy?

Bài viết chỉ nói đến người Việt xa xứ mà không đả động gì đến hoàn cảnh xã hội bên Việt Nam. Ở nơi đó, càng ngày càng có nhu cầu chen sống đi đến tình trạng là người sống xua đuổi người chết để chiếm chỗ.

Bố mẹ người viết đã hai lần bị bốc mộ đuổi ra xa khỏi các thành phố và gia đình đành thiêu hài cốt để dành đất cho người sống.

Còn nhớ thời kỳ mà mỗi xứ đạo ngoài việc xây nhà thờ, còn xây một trường học bên cạnh. Và xa xa là một nghĩa địa Đất Thánh để người chết luôn luôn được che chở dưới bóng Thánh giá.

Chết không chỗ để về, “không một nấm mồ”, phải chăng là cái giá phải chăng không quá đắt?

.

Nguyễn Văn Lục
Trích từ: DCVOnline.net


Cái Đình - 2019