Nguyễn thị Cỏ May
Chào nhau thời dịch Bắc Kinh
.
Người Pháp gặp nhau, bắt tay, hoặc ôm hun ở má, tay vừa vỗ lưng vài cái nếu thân mật lắm, buông ra, nhìn nhau và hỏi “Mạnh giỏi thế nào?”. Người Pháp mang tâm lý sợ sệt, nhứt là sợ chết sau nhiều trận đại dịch, từ dịch Tây-Ban-Nha giết chết gần phân nửa dân số âu châu. Người Tàu, gặp nhau, chào và hỏi ngay “Ăn cơm chưa?”. Ăn cơm rồi là hôm đó sống hạnh phúc vì phần đông người Tàu đói triền miên. Trốn nạn đói, chạy qua Việt Nam tỵ nạn, vẫn còn mang nỗi ám ảnh nạn đói. Còn người Việt nam xứ Nam kỳ chào nhau và hỏi thăm “Mần ăn ra sao?”. Gốc nghèo khó ở ngoài Bắc, ngoài Trung, đơn thân độc mã, vào Nam sanh sống giữa cảnh trời nước mênh mông, đồng hoang lau sậy, thoát cái nghèo là niềm mong ước từ lúc rời người làng, kẻ nước.
Người Việt và người Tàu, theo văn hóa Đông phương, giữ cách chào truyền thống là chắp tay, xá, đứng cách nhau cả thước. Khác với người Pháp bắt tay, ôm nhau.
Cách người Pháp chào hỏi nhau rất nồng nhiệt, đầy thân tình, nhưng nay, trong thời cấm cửa vì đề phòng bệnh dịch vũ hán lây lan, bị cấm nghiêm ngặt. Bắt tay, đứng gần, virus bắc kinh dễ bám vào người lây bệnh. Nay mở cửa, nhưng dân chúng vẫn còn đề phòng, chưa dám bắt tay, ôm hun như trước.
Chào nhau, họ bắt chước Á đông chắp tay từ xa. Nhưng họ cũng nghĩ ra nhiều cách chào vừa vui vẻ, vừa bộc lộ tình cảm mà vẫn tránh được bệnh dịch bắc-kinh. Tuy chỉ để nhằm ứng xử trong thời kỳ cấm cửa nhưng lại kéo dài tới nay, mọi nơi đều đã mở cửa.
Chào nhau thời mở cửa
Những tập quán tốt đẹp trong văn phòng như sáng vào, mọi người đi một vòng bắt tay nhau hoặc hôn nhau, nay được thay thế bằng gật đầu, mỉm cười. Sự cữ kiêng kiểu “nam, nữ, thọ thọ bất tương thân” của ngày xưa nay bỗng trở thành phức tạp, nan giải, trong phim trường, tới cảnh hai người phải ôm nhau tỏ tình âu yếm hay nhiều người phải tụ họp, đứng gần nhau. Khó hơn nữa là trong ngành phim X. Phải làm sao đây? Thực tế đã xảy ra trong thời cấm cửa và còn chi phối tới thời mở cửa hiện nay.
Dĩ nhiên, trong gia đình, những trìu mến, âu yếm vẫn giữ nguyên.
Trong giao tế, để tránh lây bệnh cho người khác, người ta nghĩ ra nhiều cách chào rất đẹp mà lại an toàn, đáp ứng đúng mức lệnh của Tổng thống Cộng hòa Pháp không dược bắt tay (bonjour). Nhưng phải làm cách nào đây để gởi cho nhau một cử chỉ, một dấu hiệu lịch sự biểu đạt sự thân tình mà không vi phạm lệnh cấm, cũng không sợ bị lây bệnh?
Thúc cùi chỏ với nhau
Sáng kiến này xuất hiện từ thời dịch Ebola hoành hành ở Tây-Phi nên có tên là “Ebola handshake”. Thói quen gặp nhau là bắt tay thì nay, gặp nhau, không bắt tay nhau nữa mà xếp cánh tay lại, đưa cùi chỏ đụng vào cùi chỏ người đối diện để chào nhau. Cái bắt tay, thật ra, rất khó thay thế bởi nó hàm xúc một nội dung tế nhị về tâm tình giữa hai người. Siết tay nhau mạnh, kéo dài, cơ hồ như không muốn buông ra hay chỉ đủ chạm nhau, hời hợt, lạnh nhạt! Bắt tay một hợp đồng thành công không giống cái bắt tay khi hợp đồng thất bại.
Cách chào bằng cùi chỏ, biết nó không thật đẹp nhưng vẫn còn hơn không. Bà Samantha Power, Đại sứ Huê kỳ tại Liên Hiệp Quốc, đã chào theo cách này với Tổng thống xứ Libéria, Bà Ellen Johnson Sireleaf và Đại diện Y tế Thế giới (OMS) ở Libéria, ông Peter Graaf. Vậy thử hỏi Bộ Y tế Pháp khuyên nên xì mũi ở cùi chỏ tốt hơn vào lòng bàn tay, có phải là lời khuyên thích hợp hay không?
Bà Samantha Power chào theo kiểu "Ebola handshake" với Dr. Peter Graaff – 29.10.2014.
©UPI/Facebook/US Embassy Monrovia
Đá chân chào nhau
Bà Angès Buzyn, cựu Tổng trưởng Y tế, khi thấy người Pháp dùng cùi chỏ chào nhau khá hay nên khuyên thêm tại sao không lấy bàn chơn của mình đá vào bàn chơn của người kia để chào. Chơn mặt đá chơn trái và ngược lại. Người Pháp đã áp dụng. Không biết họ làm vì nghe theo lời khuyên của bà Buzyn hay cách chào này đã có mà nay được bắt chước trong tình hình mới này. Đúng vậy, cách chào “đá bàn chơn”, theo báo chí (AFP), đã có ở Iran. Cũng trong thời dịch bắc-kinh, hai người đàn ông cùng mang mặt nạ, tay thọc túi quần, chào nhau bằng cách đưa bàn chơn đá bàn chơn của người kia. Đẹp chớ? Và hợp vệ sinh!
Chắp tay chào
Người Việt Nam, Tàu, Thái lan, Lèo, Ấn độ…, các nước theo văn minh Đông phương, đều có cách chào giống nhau. Chắp tay chào là bày tỏ niềm tin của mình đối với người mình chào. Chào là làm dấu hiệu nhìn nhận nhau. Một nội dung rất thâm thúy. Bảo đảm không bị lây virus.
Cách nào thì chào cũng là dấu hiệu nhận nhau. Đưa nắm tay lên như hướng đạo, đưa cánh tay thẳng ra trước ngang tầm trán, bàn tay xòe, chỉ thẳng về phía trước như Hitler, mắt nhìn vào mắt người mình muốn chào, vừa nói “Chào Bà”, hay “Chào Ông”, thè lưởi ra để chào như người Népal, dở nón cầm tay vừa cúi đầu như dưới thời Cựu Đế chào các ông hoàng bà chúa, các tăng lữ hay người quí tộc, mở bàn tay ra, áp lòng bàn tay ngay tim để chào theo người hồi giáo,…
Đã cấm bắt tay, cấm ôm hôn thì tưởng mỗi người nên có sáng kiến tìm ra cách chào mới. Nếu thấy hay, có ý nghĩa, thì nó sẽ tồn tại với thời gian.
Như nay, bắt tay, ôm hôn bị cấm chỉ vì để phòng bịnh nhưng biết đâu nó sẽ không phải là lý do khách quan để bị mai một?
Nguồn gốc của bắt tay (bonjour) và hôn má (bise/bisou)
Khi chào nhau bằng cái bắt tay hay hôn mà bị cấm, người ta mới chợt nhớ ra ý nghĩa tốt đẹp của nó trong quan hệ xã hội nay bị đánh mất.
Vậy thử tìm hiểu hai tập tục lịch sự đó có nguồn gốc từ đâu tưởng cũng là điều thú vị.
Bắt tay (bonjour)
Bắt tay giữa hai người, nhứt là giữa hai người đàn ông, dĩ nhiên trong lịch sử, sự việc chỉ thường xảy ra ở người đàn ông, không hẳn mang ý nghĩa chào nhau, như ta hiểu ngày nay.
Cái bắt tay có nguồn gốc ở người hi-lạp cổ, vào thế kỷ thứ V trước công nguyên, có nội dung là kết thúc một hợp đồng, một thỏa thuận hay một vụ hôn nhơn. Nhưng cái bắt tay không chỉ có ý nghĩa hiền hòa như vậy. Nên để ý khi người ta xòe bàn tay ra, và bàn tay mặt, và siết bàn tay, cũng tay mặt, người trước mặt, cho thấy họ không có võ khí trong tay. Đây mới thật sự là ý nghĩa gốc của cái chào bắt tay. Ý nghĩa của sự tín nhiệm.
Ý nghĩa này được người hi-lạp cổ khai triển tiếp trong những thế kỷ sau. Lúc bấy giờ, ở Hi-lạp, việc ám sát rất thạnh hành, như một dịch vụ được trả tiền hậu hỉ nên người Hi lạp thay đổi cách chào bắt tay bằng cách bắt và nắm chặt cánh tay của người mình chào để như thế xác nhận trong tay áo không có giấu võ khí.
Cho đến thời Trung cổ, bắt tay mới được các kỵ sĩ thật sự nhìn nhận là cách chào và định chế thành một qui luật. Nhưng vẫn trong tầm nhìn là tạo một mối quan hệ an toàn và tin cậy. Vì khi bắt tay như vậy, không ai có thể rút võ khí ra để muu hại đối phương được. Và cũng từ đây, bắt tay nhau phải là tay mặt vì tất cả kỵ sĩ đều được huấn luyện sử dụng võ khí bằng tay mặt.
Sau thời Trung cổ, bắt tay trở thành một nét văn minh đặc thù của giới thượng luu trước khi từ từ được phổ biến trong các từng lớp xã hội vào thế kỷ XIX. Nhưng chỉ trong giới đàn ông. Về sau này, trong xí nghiệp, bắt tay mới được phụ nữ hưởng ứng theo.
Ôm hôn má (bise)
Cách chào này nghiêm chỉnh, giàu ý nghĩa như bắt tay. Nó thường được giới hạn trong vòng thân mật. Nhưng ôm hôn cũng diễn tiến theo lịch sử về cách ôm hôn và cả về ý nghĩa của nó. Ôm hôn (la bise) là tên gọi gần đây thôi vì trước kia người ta nói “baiser”, trong ý nghĩa rộng hơn hiện nay.
Tìm hiểu cái “ôm hôn” (bise/baiser) lại cũng phải chịu khó quay về thời quá khứ xa xưa mới tìm được vết tích của nó. Ở thời la-mã cổ đại, ôm hôn rất phổ thông trong đời sống hằng ngày. Hơn thế nữa, nó còn được định chế hóa. Nên mới có 3 loại ôm hôn:
Ảnh hưởng thiên chúa giáo làm thay đổi cách hôn và cả ý nghĩa. Trước tiên, những người thiên chúa giáo đầu tiên hôn chiếc nhẫn trên ngón tay như dấu hiệu nhìn nhau cùng con của Thiên Chúa, kế đó, người ta hôn chiếc nhẫn của vị chức sắc để tỏ lòng biết ơn sau khi làm thánh lễ.
Cái hôn này lại bién chất thêm một lần nữa: hôn để xác nhận mình lệ thuộc một vị lãnh chúa. Và trở thành một thứ nghi lễ trong triều đình Đế quốc Pháp, nó biểu lộ đậm nét mối quan hệ giữa hai người, bầy tôi với vua chúa. Cũng từ cái hôn này xuất hiện cách chào “hôn bàn tay” (le baisemain) khi người đàn ông chào một người phụ nữ, muốn tỏ sự “nịnh đầm” của mình.
Như đã nói qua, cách chào ôm hôn chỉ dành trong phạm vi gia dình hoặc với người thân. Nhưng từ sau Đệ II Thế chiến, nhứt là từ sau vụ nổi loạn tháng 5/68 ở Paris phá bỏ những trật tự đã có, ôm hôn trở thành cách chào phổ biến rộng rãi trong các từng lớp xã hội.
Từ mươi năm nay, ôm hôn vẫn tiếp tục diễn tiến và phổ cập mạnh, cả trong nam giới mà trước kia hảy còn hạn chế lắm. Ôm hôn thấy thân tình hơn bắt tay. Nó nói lên đó là những người thân nhau, cùng trong một nhóm, một tổ chức, đồng chí hướng…
Một văn hóa cần bảo vệ?
Bắt tay hay ôm hôn thật sự không phải là những cử chỉ vô nghĩa, làm cũng được, mà bỏ qua cũng không quan trọng. Nó là những biểu hiện nhận ra nhau, tình thân, qui định quan hệ xã hội của chúng ta có từ hằng ngàn năm qua. Nay, bỗng chốc nó bị ngăn cấm lưu hành vì phòng ngừa lây bịnh nên khó tránh trở thành một mất mát lớn. Nhiều người tìm thay thế. Mỗi người một sáng kiến. Hơn là để mất luôn.
Những cách chào mới thời bệnh dịch
“Cụng hai nắm tay”, “thúc cùi chỏ”, “đá bàn chơn”,… đúng là những cái chào nhau. Nhưng vẫn chưa phải là cái bắt tay nhau, cái hôn nhau. “Bắt tay”, “ôm hôn” là tiếng nói không lời từ con tim của hai người tin nhau, thân tình nhau, yêu thương nhau.
Tuy nhiên có người muốn nhơn cơ hội ngăn cấm này, bỏ luôn cái chào ôm hôn vì có khi người ta làm mà trong lòng không thấy thoải mái lắm. Có người chọn cách chào, như Á đông, chấp tay xá nhẹ hay cúi đầu. Nhưng có người chỉ muốn bảo vệ cái bắt tay làm nghi thức truyền thống.
Thật ra có giữ ôm hôn như nghi thức chào nhau thân mật càng hay, không có gì là xúc phạm tới phẩm hạnh người mình chào nhưng tuyệt đối phải tránh cách “ôm hôn kiểu hồ chí minh”, cả với trẻ con đi nữa!
.
Nguyễn thị Cỏ May