Minh Hạnh


'Cảnh tượng như kiểu Trung Quốc': vì sao Tây phương và châu Á quan niệm khác nhau về quyền riêng tư

.

Những phản ứng về cái ‘app-theo dõi corona’ nhấn mạnh cách nhìn khác nhau về
quyền riêng tư ở phương Tây và châu Á khác nhau ra sao.
Những sự khác biệt này đến từ đâu?

***

Vào cuối tháng 2, Bae Won-seok, dân Hàn Quốc và là người lập ra cái app, đã đạt được một mốc đáng ghi nhận: ‘app-theo dõi corona’ của ông đã được tải xuống hơn một triệu lần. Vào thời điểm đó, các quán cà phê ở Hòa Lan vẫn chật kín người, bạn vẫn có thể, như thường lệ, tính chuyện đi cắt tóc và cuối tuần sau đó còn được nhìn hơn 50 ngàn khán giả ngồi sát bên nhau cùng chứng kiến đội Ajax thua AZ với tỷ số 0-2

Nhưng tại Hàn Quốc, quốc gia thứ 2 bị đại nạn sau Trung Quốc, toán làm việc của Bae đã lập tức bắt tay vào việc sau ca tử vong đầu tiên.

Gây tranh cãi

Những ứng dụng (app) như kiểu ở Hàn Quốc lại gây tranh cãi ở Hòa Lan. Những người dùng app ‘Corona 100m’ của Bae nhận tín hiệu cảnh báo ngay khi họ ở trong vòng 100 thước cách một nơi có người đã nhiễm bệnh vừa ghé qua. Ứng dụng này hoạt động dựa trên cơ sở của dữ liệu về nơi chốn, chuyện mà ở Hòa Lan ông bộ trưởng Hugo de Jong đã loại ra ngay từ đầu vì nó xâm phạm nặng nề đến quyền riêng tư.

Những chuyên gia kỹ thuật Hàn Quốc thì lại được hướng dẫn phải làm sao ngăn chặn virus nhanh chóng hơn. Tất cả những dịch vụ cho mục đích này hoạt động với một kho lớn dữ liệu cá nhân do nhà nước cung cấp, thí dụ như tuổi tác, giới tính và nơi nào họ đã ghé thăm.

Tình nhân

Chính phủ không tự cung cấp phần ứng dụng, mà gởi một tin nhắn sms: ‘Phụ nữ, chừng 60 tuổi, vừa mới bị phát hiện dương tính. Hãy nhấn vào bản đồ này để xem nơi nào bà ta đã đi qua.’ Hệ quả là người ta, dựa theo những dữ kiện này để suy đoán ra người đó là ai. Điều đó đã mang lại những tình trạng gây mắc cở. Qua những tin nhắn của nhà nước, người ta đã lần ra rằng một ông 50 có gia đình nhưng lại lăng nhăng với cô thư ký trẻ hơn mình 20 tuổi, tờ The Guardian chạy tin. Ông ta và cô nhân tình đã bị nhiễm và đã đến các địa điểm giống nhau.

Thế nhưng dân chúng Hàn Quốc lại không nhất loạt phản đối sự xâm phạm quyền riêng tư của họ. Ngược lại: trong vòng hai tuần, cái app ‘Corona 100m’ được tải xuống hàng triệu lần – mà là do tự nguyện.

Trong thời gian dịch bệnh corona rõ ràng là dân Hòa Lan, nhất là trong thời gian đầu, sẵn sàng chịu mất đi một số quyền con người: quyền tự do đi lại tại các nơi công cộng, trong đó có những bãi biển và công viên không còn được phép lai vãng nữa. Quyền tự do tụ họp và hội họp, giờ đây với giới hạn tối đa là ba người được hẹn gặp nhau. Nhưng với quyền riêng tư thì nó lại là vấn đề nhạy cảm hơn.

Anh Cả

Tại Hòa Lan, Á châu là một hình ảnh gây sợ hãi. Aleid Wolfsen, giám đốc cơ quan Quản lý Dữ liệu Cá nhân, cho rằng dịch corona không được ‘để cho tùy tiện trở thành một xã hội có Anh Cả (bigbrother) dòm ngó khắp nơi’. Một tháng sau đó ông còn bồi thêm: ‘Chúng tôi không muốn là vài tháng nữa sẽ thức dậy trong một xã hội với kiểu như cảnh tượng thấy ở Trung Quốc, nơi chủ nhân liên tục rình xem bạn đang làm gì và ngay cả có thể lục xem những chi tiết về sức khỏe bệnh tật trong hồ sơ, để rồi từ những liên kết này phát sinh đủ mọi hậu quả.’ Nguồn gốc của nỗi lo lắng ‘cảnh tượng Trung Quốc’ này là những tin tức đưa ra là có chủ nhân ở Hòa Lan đo thân nhiệt của công nhân trước khi họ được phép vào cơ quan.

Những cảnh báo như vậy nghe rất hợp lý. Hay là người Hòa Lan đã nhắm mắt bước qua cái giá trị mà họ từng gắn vào dữ liệu cá nhân, ngay cả khi việc sử dụng chúng biết đâu có thể giúp ích trong cuộc chiến chống lại đại dịch? Hàn Quốc là quốc gia bị nạn thứ nhì, nhưng đã thoát khỏi đại dịch mà hầu như không có vết trầy xước nhờ một phản ứng hiệu quả và nhanh chóng. Tình hình ở Singapore cho thấy chỉ có một cái app thôi thì không giải quyết được khủng hoảng: vì quá ít công dân sử dụng nó, chính quyền thành phố vẫn phải đóng cửa sinh hoạt. Nhưng cũng ở nơi này, ‘thử nghiệm và truy tìm’ nhanh chóng các trường hợp nhiễm bệnh có thể dẫn đến số người chết, với con số trong thời điểm hiện tại, là chỉ có 22. [số liệu ngày 19 tháng 5 năm 2020]

Dân châu Âu có thể thấy sự riêng tư QUÁ quan trọng, theo các nhà triết học Hongkong Yuk Hui và Pak-Hang Wong. Họ tiến hành cuộc nghiên cứu độc lập với nhau về vấn đề đạo đức xung quanh các cách tân công nghệ, chẳng hạn như các ‘app-theo dõi corona’. Wong là thành viên của nhóm Đạo đức trong Công nghệ Thông tin tại Đại học Hamburg, Hui là giảng viên cao cấp tại Đại học Hongkong và thành lập Mạng Nghiên cứu Quốc tế về Triết học và Công nghệ, một phần để giúp các nước phương Tây hiểu được các giá trị Á châu. Để hiểu được sự khác biệt giữa các ý tưởng châu Á và phương Tây về quyền riêng tư, Wong và Hui nói, trước tiên chúng ta phải trở ngược lại 2.500 năm trong lịch sử châu Á.

Đại cuộc

Khi đó, Khổng Tử, triết gia Trung Quốc, đã đặt nền móng cho những gì vẫn là tư duy chủ đạo ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. Những ai sống có nhân nghĩa, sẽ không tự xác định mình là ai trong mối quan hệ của họ với Thượng đế hoặc với chính mình, mà là trong những quan hệ với tha nhân ở xung quanh. ‘Khi mọi người ở Hongkong hỏi tôi tôi là ai’, ông Wong nói, ‘tôi sẽ kể với họ về gia đình tôi và thầy nào đã dạy dỗ tôi. Không kể về công việc tôi làm và nhạc gì tôi thích, như các bạn ở Hòa Lan sẽ kể đâu.’

Ở các nước phương Tây, người Hy Lạp từ thời cổ đại vẫn thường nghĩ theo nghĩa ‘riêng tư’ và ‘công cộng’. Nơi đó nằm sẵn những hạt giống của những tư tưởng Tây phương về sự riêng tư. Trong lịch sử châu Á, sự khác biệt giữa ‘riêng tư’ và ‘công cộng’ gần như không có, Hui nói. Điều này giải thích tại sao nó không phải là một vấn đề như vậy ở Hàn Quốc khi chính phủ ‘công khai hóa’ dữ liệu cá nhân’. Theo Hui, người châu Á không lớn lên với những ý tưởng về công cộng và riêng tư, nhưng với các khái niệm ‘tôi’ và ‘đại cuộc’ hay ‘bà con’, theo đó ‘tôi’ phục vụ cho ‘đại cuộc’.

Sự khác biệt trong suy nghĩ như vậy sẽ dẫn đến sự khác biệt lớn về văn hóa, ví dụ như bằng cách đối phó với một người mẹ bị bệnh nan y trong một gia đình. Người Hòa Lan sẽ nói với bà rằng mẹ bị ung thư phổi rồi chẳng hạn, vì bà mẹ là một cá nhân có quyền biết điều đó. Ở nhiều nước châu Á, theo ông Wong, việc giữ bí mật về căn bệnh này cho người mẹ là điều bình thường. ‘Ngay cả các bác sĩ cũng chỉ nói với gia đình.’ Điều này có cùng một đường hướng với ý tưởng của người Trung Quốc cổ đại rằng một gánh nặng nếu được ‘bà con’ gánh chịu giùm thì tốt hơn là để cho cá nhân, và như thế cuối cùng sẽ tốt hơn cho chính người mẹ. Bà ta không phải gánh chịu về sự suy sụp sức khỏe, đó là ý tưởng. ‘Gia đình làm điều đó cho bà.’

Tự do cá nhân

Cách đối phó với coronavirus của người châu Á cũng cho thấy ‘cái tôi’ ít quan trọng hơn. Trong một lần chịu lệnh đóng cửa, Wong thấy rằng người Đức và người Hòa Lan là những người đầu tiên tự hỏi: sự tự do di chuyển của tôi bị hạn chế ra sao? Tôi có thể tự do đi đến những nơi tôi muốn đi hay không? ‘Ở châu Á, mọi người sẽ tự ở nhà vì trước tiên họ nghĩ từ quan điểm ‘đại cuộc’, chứ không phải từ sự tự do di chuyển cá nhân của họ.’

‘Quan niệm về cái tôi’ theo cách khác này là một lời giải thích quan trọng cho phản ứng khác nhau đối với app-corona. Hay đối với các hệ thống nhận dạng khuôn mặt mà qua đó mọi người đều bị theo dõi. Hoặc đối với hệ thống tín dụng xã hội đang được bàn thảo nhiều và được dùng thử ở Trung Quốc. Sang đường khi đèn đỏ sẽ đưa đến chuyện bị nhận điểm phạt và cuối cùng dẫn đến hạng người bị đối xử thứ cấp.

Nếu sự phát triển công nghệ là để phục vụ cho đại cuộc, thì theo suy nghĩ, bạn phải tự coi mình là thứ yếu so với đại cuộc. Quyền riêng tư, đúng hơn, là một thứ xa xỉ. Từ ngàn xưa, sự riêng tư khi dịch sang tiếng Trung vốn đã mang nghĩa tiêu cực, Rogier Creemers, giáo sư phụ giảng của Nghiên cứu Trung Quốc hiện đại tại Đại học Leiden, nói. Từ ngữ được dịch mang nghĩa đại khái ‘những bí mật lén lút’, gợi ý rằng bạn với tư cách là một cá nhân coi bản thân mình quan trọng hơn nhóm. Một nhà báo Đài Loan viết rằng cha mẹ cô nhìn cô lạ lùng khi cô muốn đóng cửa phòng ngủ của mình khi còn nhỏ. ‘Con có gì phải giấu không?’

Hợp đồng xã hội

Ở Âu châu, sự riêng tư cũng không phải luôn luôn là thiêng liêng. Trong thời trung cổ thần quyền, cá nhân là bầy tôi của Thiên Chúa, người trong mọi trường hợp thấu suốt những gì bạn mưu tính và là người mà bạn không thể giữ bí mật. Vào đầu thế kỷ 17, triết gia kiêm chính trị gia Thomas Hobbes vẫn cho rằng quyền cá nhân của công dân không quan trọng lắm.

Theo ông, công dân phải phục tùng quyền lực tuyệt đối của pháp luật. Đổi lại, họ nhận được một lời hứa rằng nhà nước trông chừng cho sự an toàn của họ. Bởi thế, có một hợp đồng xã hội: đổi tự do để lấy hòa bình và an ninh. Chính quyền trung ương biết điều gì là tốt.

Với tư duy triết học thời Khai sáng, quan điểm này bắt đầu chuyển dịch ở Châu Âu. Con người – cũng từ ý ‘tôi suy tưởng, tức là tôi hiện hữu’ của Descartes – ngày càng được coi là một thực thể tự chủ, hợp lý. Mọi người ngày càng tự do lựa chọn nơi để đi và những thông tin nào họ muốn chia sẻ hoặc không thích chia sẻ.

Bí mật thư từ

Ngay cả nhà nước cũng không được giới hạn tự do cá nhân của chúng ta, nhà triết học kiêm chính trị gia người Anh John Locke (1632 - 1704) có nói. Hơn thế nữa, họ phải làm mọi cách để tăng sự tự do của mọi cá nhân. Chúng ta phải có được quyền bày tỏ ý kiến ​​của mình, quyền đến với nhau và quyền được hưởng sự bảo vệ của chính ngôi nhà của chúng ta.

Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên những nguyên tắc đó, giáo sư danh dự về bộ môn luật và công nghệ Jan Smits (Đại học Kỹ thuật TU / Eindhoven) giải thích, ‘và cũng tại Hòa Lan, suy nghĩ này làm nên cơ sở cho các luật đầu tiên về quyền riêng tư.’ Từ đầu thế kỷ 19, chính phủ Hòa Lan đã chấp nhận ‘quyền tư gia’ và ‘bảo mật thư từ’ làm quyền cơ bản. Kể từ khi đó, chính phủ không thể tự tiện xông vào nhà của ai đó mà không có lệnh khám xét. Các công chức được pháp luật yêu cầu không được để mắt đến những bức thư tình ‘nhạy cảm về quyền riêng tư’, cũng giống như ai đó vào năm 2020 không được phép, trong cơn say xỉn, tự ý xem các tin nhắn cho những bạn trai hoặc bạn gái mà họ đã chia tay.

Luật ‘Sleepwet’ (luật về các dịch vụ do thám và an ninh 2017 – chú thích của người dịch)

Điều này dẫn đến tầm quan trọng của sự riêng tư ở Hòa Lan. Khi chính phủ muốn có thể nghe lén dân chúng dễ dàng hơn vào năm 2017 để theo dõi tội phạm và khủng bố tốt hơn, là có một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc để chống lại cái gọi là luật ‘lưới vét’ (sleepwet) này. Khi luật bảo vệ quyền riêng tư có hiệu lực bao trùm cả châu Âu vào năm 2018, những người tranh đấu cho quyền này tổ chức các bữa tiệc tại gia để ăn mừng.

Người Hòa Lan đang nổi nóng với cái app-corona, họ sợ rằng dữ liệu cá nhân sẽ không được bảo mật đúng cách. Điều này là bình thường ở Tây Âu, Wong thấy chuyện này đáng gọi là nổi bật. Nếu bạn chọn cách tránh xa một cái app tìm-và-theo ở Hòa Lan hoặc Đức vì bạn sợ rằng quyền riêng tư của bạn có thể bị tổn hại, mọi người sẽ hiểu. ‘Ở châu Á thì khác. Tại sao bạn không muốn tự mình đóng góp để kiềm chế virus cho ‘bà con’? Những người chung quanh bạn sẽ hỏi: có chuyện gì không ổn nơi bạn vậy?’

Đã bị tẩy não

Chúng ta sẽ nhanh chóng thấy điều ‘đáng sợ’: phải cài đặt một ứng dụng theo dõi như vậy trên điện thoại của mình mà không được quyền tự lựa chọn. ‘Dân Á châu đã bị tẩy não’, là một phản ứng đôi khi bạn nghe thấy khi người ta bày tỏ suy nghĩ về ‘quyền riêng tư’ theo cách khác. Nhưng, cả hai nhà triết học Hongkong đều nhấn mạnh, người Tây Âu cũng bị ‘tẩy não’ giống như vậy, bởi những ý tưởng về văn hóa đã bao trùm lên trên hết và chi phối luôn cả cá nhân và quyền tự chủ. ‘Có lẽ các giá trị tốt nhất không phải nằm ở Hòa Lan hay châu Á’, ông Wong nói, ‘nhưng ở đâu đó giữa chừng. Công dân châu Á dường như có thể giải quyết một cuộc khủng hoảng như thế này một cách nhanh chóng và tập thể. Các nước phương Tây cũng có thể học hỏi từ đó: tạm gạt sang một bên cái ‘tôi’ mà họ luôn coi là quan trọng.

Được nuông chiều

Ông Creemers cũng chỉ ra những gì ông thấy trước mắt là chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây đã đi quá trớn. ‘Cho dù đó là về một ứng dụng hay về việc giảm giới hạn tốc độ, chúng ta không muốn bị hạn chế trong tự do của chúng ta. Chúng ta có quyền lái xe 130 km/giờ, quyền được du lịch bằng phi cơ và quyền riêng tư.’ Nhưng muốn có những thứ này người ta phải trả giá bằng cái khác, ông Creemers nói. ‘Nếu ông Bộ trưởng nói rằng quyền riêng tư là tối quan trọng, thì ông không thành thật khi nói rằng điều đó có nghĩa là việc đóng cửa sẽ kéo dài hơn nếu chính phủ của chúng tôi nhanh chóng chuyển sang một ứng dụng kém thân thiện với quyền riêng tư nhưng có hiệu quả hơn.’

Theo ông Creemers, người Tây Âu đã được nuông chiều quá mức và do đó không thể đưa ra những lựa chọn sắc bén: ‘Chúng tôi muốn mọi thứ. Cả sự riêng tư, cả sự trở lại hoàn toàn sau khi chấm dứt lệnh đóng cửa. Chúng tôi muốn tất cả mọi thứ mà không phải trả gì cả.’ Theo ông Creemers, những gì bạn chính xác muốn có từ một cái app là một lựa chọn chính trị, không phải là một lựa chọn khoa học. Nói thẳng ra: ít riêng tư hơn có thể mang nghĩa là một cách thoát ra khỏi tình trạng bị đóng cửa một cách nhanh hơn. Creemers tin rằng nó tùy thuộc vào nhà lãnh đạo chính trị để có thể đưa ra quyết định như vậy. Ở các nước châu Á, ngay chính công dân đã phàn nàn về sự thiếu quyết đoán trong đại dịch MERS, dể rồi sau đó luật về quyền riêng tư được nới lỏng.

Benjamin Franklin

Có phải nhận thức và đánh giá cao của chúng ta về quyền riêng tư thực sự đã đi quá trớn vào năm 2020? Giáo sư danh dự Smits nghĩ rằng ‘hoàn toàn’ không. Trước đó, ông đã phản đối mạnh mẽ để chống lại ‘luật vét’ và cảnh báo rằng việc ‘tạm thời’ xóa bỏ quyền riêng tư – ví dụ như với các ứng dụng theo dõi corona – thường được chứng tỏ là không phải tạm thời. Luật đặc biệt về nghe lén tại Hoa Kỳ ‘tạm thời’ được ban hành sau ngày 11/9 vẫn còn được áp dụng vào năm 2020. Vị giáo sư này xin được dẫn chứng với câu nói của ‘người cha sáng lập’ ra Hoa Kỳ, là Benjamin Franklin: ‘Nếu chúng ta từ bỏ tự do để bảo vệ sự an toàn của mình, chúng ta sẽ mất cả hai.’ Đối với ông, bảo vệ quyền riêng tư về cơ bản là bảo vệ phẩm giá con người, ‘giá trị cốt lõi’ của văn hóa tự do mà chúng ta đã phải tranh đấu để có được.

Quan điểm của Tây phương tốt hơn của châu Á, hay ngược lại? Bạn không thể nói được, Wong và Hui cho biết. ‘Về cơ bản, nó khác biệt’, ông Wong nói, ‘và nó sẽ luôn luôn hiện diện, ở một mức độ nào đó.’ Hai ông thấy những ưu và nhược điểm trong cả hai hệ thống giá trị. Ví dụ, công dân Trung Quốc có thể tin tưởng chính quyền quá dễ dàng, Hui nói, và họ có thể gán cho quyền riêng tư của họ một giá trị quá thấp. Xe bus có gắn camera chạy vào các làng nghèo để chụp ảnh các cư dân ít học. Mục tiêu là: ‘luyện tập’ các hệ thống mới trong công tác nhận diện khuôn mặt. Để đổi lấy những bức ảnh, các cư dân nhận được một món quà nhỏ. ‘Có lẽ những cư dân đó suy nghĩ quá hời hợt là họ ủng hộ ‘đại cuộc’, rằng chính phủ sẽ phát hiện tội phạm nhanh gấp mười lần so với hiện tại, mà không đặt câu hỏi liệu nó có ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của họ hay không.’

Internet của riêng mình

Đồng thời, theo cả hai nhà triết học, cách đối phó với con corona chứng tỏ rằng các nước phương Tây cũng có thể học hỏi từ châu Á. Nếu suy xét từ ‘đại cuộc’ thay vì từ ‘tôi’ sẽ làm cho việc đóng cửa một cách thông minh không chỉ có hiệu quả hơn mà còn có thể dễ dàng hơn đối với người dân. Miễn là khi nào họ còn đóng góp cho ‘đại cuộc’, thì họ đang làm tốt, Hui nói. Nó cũng chẳng hại gì khi họ trong chốc lát tạm thời không nghĩ đến việc ‘tự phát triển’ – một ý tưởng điển hình của phương Tây.

Là một nhà đạo đức trong lãnh vực kỹ thuật, điều ông Wong hy vọng nhất là hai hệ thống giá trị nên ‘nói chuyện với nhau’ để các nước châu Á có thể học hỏi từ châu Âu và ngược lại. Do đó, hàng tháng ông phát biểu tại các hội nghị, thí dụ như tại Oxford vào tháng 12. Ông sẽ tiếp tục làm chuyện này (trực tuyến) trong tương lai gần. Nhưng ông vẫn hơi hoài nghi về mức độ mà các nền văn hóa sẽ tự thích nghi với nhau, sau một lịch sử tư duy dài như vậy. Chắc chắn tình hình ở Trung Quốc làm cho ông Wong trở nên u sầu. Quốc gia này muốn xây dựng một hệ thống internet cho riêng mình, ông giải thích, hoàn toàn ngăn cách với các trang web phương Tây. ‘Tất nhiên điều đó không thúc đẩy cuộc trò chuyện.’

.

Nguyên tác: ‘Chinese toestanden’: waarom het Westen en Azië zo anders denken over privacy.
Tác giả Laurens Verhagen & Maarten Van Gestel, de Volkskrant, 22/05/2020.
Người dịch: Minh Hạnh


Cái Đình - 2020