Phan Văn Song
Gương sáng của đời tôi:
Bác sĩ Alexandre Yersin, Nhà Thám Hiểm, Nhà Bác Học, hậu duệ của Pasteur
Tuần qua, được anh láng giềng mời ăn tối. Nhà anh cách chúng tôi cỡ 500 thước, cùng đường, trên đầu dốc. Chúng tôi cùng sanh hoạt trong Hội đồng Xã. Thói quen, vẫn mời nhau ăn cơm. Anh chị bạn, cũng như vợ chồng chúng tôi, đều dân hưu trí, nên đều thích đi du lịch. Anh chị có một chiếc Mobil Car to lớn nên, xuân hạ thu đông, hai vợ chồng lái đều đều đi ngao du khi Pháp, khi âu châu. Mùa thủy triều cao, thì xuống biển lượm sò, mùa cá vượt suối đẻ, thì lên núi câu cá. Mỗi khi về đều có sò, có cá cho tôi cả. Nhưng tháng qua, anh chị vắng tin. Tuy nhiên vì hè, nên tôi không để ý. Có dịp qua đầu dốc, thấy nhà đóng cửa, vẫn chiếc xe nhỏ đậu cạnh nhà, nghĩ rằng hai ông bà lại cùng mobil car chu du đâu đó? Tuần qua, bỗng nhận điện thoại.
– Anh chị vừa đi du lịch về? Đi đâu?
– Tối mai, đến dùng cơm với vợ chồng mình, xem phim thì biết!
Bà xã mình tinh ý đoán: “Chắc tụi hắn về Việt Nam, làm surprise anh đấy!”. Tôi cãi lại: “Hắn đâu dám, nếu hắn đi Việt Nam hắn sẽ nhờ mình “cố vấn” sửa soạn buổi du lịch chứ? Hắn đâu dám “thày lay gồng mình” đi một mình?”
Vợ mình tủm tỉm cười kết luận: “Anh vexé – giận lẫy – em miễn bàn, tối mai đến xem sao!”.
Hai vợ chồng bấm chuông, một bó hoa hồng đỏ cho vợ hắn, một chai rượu ngon cho hắn! Hôn hôn (Xứ tui hôn bốn cái). Chào chào. Apéritifs ngoài vườn, hưởng những giọt nắng chiều cuối hạ. Hàn huyên đấu láo, chuyện con, chuyện cái, chuyện chánh trị, chánh em, chuyện thời sự, thể thao, nhưng… không một lời chuyện du lịch! Nóng ruột, bực mình, nhưng lễ phép, không hỏi, chờ chủ nhà bật mí. Và cứ thế… tà tà… hoàng hôn rực đỏ chơn trời, và “ánh sáng chìm dần vào bóng tối” đưa chúng tôi vào phòng ăn! Suốt buổi cơm cũng không một lời về… “chuyến du lịch bí mật!”. Một buổi cơm thuần túy “lô can Tây nhà quê - đặc sản cây nhà lá vườn xứ sở làng xã” – không một dấu hiệu đặc biệt, xứ lạ vật lạ nào cả – kể cả bánh ngọt tráng miệng cũng mua đặc sản làng là macarons của Hồi Nhơn Sơn. Cơm xong, chờ hai bà xã dọn dẹp bàn ăn xong, chàng chủ nhà mời qua salon, mở chai Champagne, và tuyên bố: “On boit au VietNam – Tụi mình uống mừng Việt Nam! Tuị tao mới ở Việt Nam về”. Bà xã mình ngó mình nháy mắt (anh phục tui chưa?). Và thằng tui chưởi thề trong bụng, sao nó không nhờ mình “quân sư tổ chức”! Nhưng mở miệng mắc quai vì đã ăn cơm nhà nó! Và mở PC ra chiếu hình ảnh du lịch ở Việt Nam.
Du lịch, từ Bắc vô Nam, ghé cả qua Pnom Pênh Cam Bốt, đi đúng ba tuần, chương trình hấp dẫn. Mở đầu với Hà nội, nóng bức, ồn ào, chụp giựt, lên Sa Pa, hưởng gió núi, xuống Hạ Long hóng gió biển! Khi hoài cổ, với cố đô Hoa Lư, cái nôi của đất nước và dân tộc Đại Việt, với cựu đô thời quân chủ, đất thần kinh Huế cổ kính, kín đáo với giòng sông Hương với Núi Ngự Bình. Lúc tân thời, Đà Nẵng nhộp nhịp, xô bồ. Khi ngoạn mục, Hội An, bảo tàng nhà cổ, phố xưa, cầu khỉ. Lúc thời trang, cát trắng Nha Trang, “miền thùy dương, bóng dừa ngập nắng” khách du lịch Nga Tàu ồn ào hỗn độn.
Và Sài gòn, Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi! Được gặp lại hình ảnh một đô thị âu châu quen thuộc, được xuống biển tắm Bãi Trước Vũng Tàu, được lên non thăm Đà Lạt, với nhà Ga hình dáng quen thuộc rất Tây, của nhà Ga Deauville, miền Normandie. Đà Lạt, mình nhắc hắn, là thành phố thời niên thiếu của mình! Và hắn chiếu mình xem hình Hồ Xuân Hương, nhưng đối với mình, đã hết Xuân Hương rồi! Hắn chiếu mình ngắm Trường Yersin thân yêu, nhưng nay sao chỉ còn trơ trẽn cái tháp chuông và kiến trúc bằng gạch đỏ đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”! Chương trình du lịch tiếp tục đưa họ xuống thăm xứ Miệt Vườn, miền Tây, thăm giòng sông Cửu, thăm di tích nhà nữ văn hào Marguerite Duras, căn nhà thời tuổi trẻ của nàng ở Sa Đéc, di tích cầu Bắc Cần Thơ nơi nàng gặp người tình nhơn…Đoàn du lịch vượt biên giới thăm Biển Hồ xứ Chùa Tháp Nam Vang…
Hình, hình, bạn mình, bạn họ, đoàn du lịch, phong cảnh, nụ cười, tiệc tùng ăn uống… Chóng cả mặt! Vì rượu? Vì tình bạn? Vì tình quê hương? Không, vì thất vọng? Vì… Vài hình ảnh quen thuộc… ngoài nhà hàng, trời xanh, biển đẹp, phong cảnh Việt Nam hữu tình, đấy chất Á Đông, nhưng khi cố tìm quê hương gợi nhớ, quen thuộc… lại sao quá xa vời với ký ức? Lạ nhỉ? Cố tìm Việt Nam, nhưng sao chả thấy?
Và hôm ấy, mình làm một điều sai, ngày hôm sau phải mang hoa đến xin lỗi bà chị bạn. Vì mình nổi giận, lớn tiếng với bạn, khi bạn mình kể cho mình biết rằng lúc họ ghé Nha Trang họ được đoàn du lịch dắt đi viếng Nhà thờ Ông Nam Bác sĩ Yẹt Xinh… (Mình viết đúng âm diễn tả như ông bạn mình nói). Bạn mình kể theo lời hướng dẫn viên việt nam: “Ông ấy là người Pháp, đến Việt Nam và đã khai quang vùng chung quanh Nha Trang và làm phúc cho dân vùng Nha Trang... vân vân… Ông mất ở Nha Trang và dân Nha Trang thờ cúng ông gọi là ông Nam – và người hướng dẫn viên du lịch (việt nam) còn cường điệu cao ngạo và ngu dốt nói rằng, vì người Việt thương ông quá nên gọi ông là ông Nam vì xem ông là người (việt) Nam!
Mình nghe đến như vậy nổi điên, nên ngắt lời bạn và lớn tiếng gây bạn, trách bạn, “sao đi du lịch Việt Nam, mầy đi không hỏi ý kiến tao vân…vân…”. May quá là họ chỉ kể việc Bác sĩ Yersin sau khi duyệt hình ảnh xong. Gia đình bạn người Pháp hoàn toàn không biết Bác sĩ Yersin là ai cả. Và cả số đông người Pháp cũng không biết Ông Yersin là ai cả?
Có chăng là ai yêu đọc sách và theo dõi thời sự sách thì biết được và may ra có đọc dược cuốn sách tựa đề là La Peste et le Choléra, do nhà xuất bản Editions du Seuil ra ngày 23/8/2012 của nhà văn Patrick Deville viết chuyện về Bác sĩ Yersin, nhà vi khuẩn học, người khám phá ra vi khuẩn Peste – Dịch hạch, từ nay được đặt tên là Yersinia Pestis. Cuốn tiểu thuyết nhận được giải thưởng Fémina và giải của Tiểu thuyết – Romans Fnac cùng năm ấy. Không hiểu tại sao, tối đó gia đình bạn tôi không có hình nhà thờ ông Yersin. Có lẽ trong chương trình du lịch, Nhà thờ Yersin là phần phụ? Hay khách du lịch Pháp không chú ý đến Yersin, hiểu lầm là một vị quan quyền thực dân da trắng đế quốc nào đó chăng?
Mình bèn kể cho gia đình bạn mình biết Ông YERSIN là ai! Đọc là Dẹt Xanh theo âm Pháp chứ không phải là Yét Xinh theo âm Mỹ. Mình cho biết Alexandre Yersin sanh ở Thụy Sĩ năm 1863, là người có tôn Giáo Tin Lành Cải Cách Calviniste. Ông qua Pháp làm việc ở Viện Pasteur, năm 1885. Vì say tình viễn xứ nên ông tình nguyện đi phục vụ ở xứ thuộc địa Pháp, đến Việt Nam năm 1890, trên một chiếc tàu của Hãng Thương Thuyền Messageries Maritimes đi đường Marseille Manille, trong chức vụ Bác Sĩ… Năm 1892, để tiện làm việc với Viện Pasteur ở Sài Gòn lúc bấy giờ theo lời gọi của Bác Sĩ Calmette (Calmette et Guérin hai nhà Y sĩ bác học tìm ra vi khuẩn BCG lao phổi), và cũng để tiện bề sanh nhai kinh tế, ông nhập vào Quân Y Thuộc địa ngày 30 tháng 12/1892 với chức vụ Bác sĩ Quân Y hạng 2 tức là Trung Úy. Năm 1913, Ông là Bác sĩ Quân Y trưởng hạnh nhứt – Médecin principal de 1ère classe tức là Đại Tá, với 5 gạch vàng trên tay áo – mang theo hải quân. Vì Năm Gạch đó, nên người Việt làm việc và dân chúng khi ông săn sóc gọi ông là Ông Năm (Con số 5 vì năm gạch). Thời bấy giờ không có Thiếu Úy, Trung Úy gì cả – những chức vụ lon lá ấy là thời của quân đội Quốc Gia Việt Nam sau nầy thôi!
Mình cũng cho hai bạn mình biết là Bác sĩ Yersin là người thám hiểm tìm ra Đà lạt, một thành phố dưỡng sức của ngườp Pháp thời ấy. Ngài cũng là người khám phá ra Vi khuẩn bệnh dịch hạch Peste, cùng Émile Roux phát mình thuốc ngừa chủng bệnh Yết hầu – Diphtérie. Chính Ngài đem hột giống trồng Hévéa Cây cao su, hột giống trồng cây Quinquina tìm chất quinine trị bệnh sốt rét, đem bò sữa… vào Việt Nam…
Vì vậy hôm nay, ba năm sau năm kỷ niệm (2013, năm Yersin, năm kỷ niệm 150 năm ngày sanh) của Alexandre Yersin, người đã đặt tên và cắt băng khánh thành Trường Trung học thânyêu của chúng tôi, Xin có bài viết để tưởng niệm và để cám ơn Ông Năm! Trễ còn hơn không!
Mộ bác sĩ Alexandre Yersin – Hình: Trần Ngọc Quang
1/ Alexandre Yersin, Nhà Khoa Học:
Khinói tên Louis Pasteur, ta nghĩ ngay bệnh Dại. Calmette và Guérin: Lao phổi và vi khuẩn BCG – Bacille Calmette et Guérin.
Nhưng Alexandre Yersin? Là ai vậy? Chỉ có chúng tôi, một nhóm cựu học sanh của Trường Trung học Yersin Đà Lạt Việt Nam, mới biết rõ ràng đến – chưa chắc hẳn là tất cả các cựu học sanh? – tiểu sử của Bác sĩ Alexandre Yersin.
Alexandre Yersin sanh năm 1863 ở Lavaux Thụy sĩ, trong một gia đình thuộc Nhà Thờ Tin lành Cải cách – Église réformée hệ phái Calvin – cùng Nhà Thờ người viết, chúng tôi – Mồ côi cha sớm, lúc vừa 3 tuổi, mẹ dọn về sanh sống ở Morges bên hồ Léman, nên dễ dàng qua lại Pháp. Ngài tốt nghiệp y sĩ sinh học – médecin biologiste, là một nhà bác học, nhà nghiên cứu hơn là một y sĩ y khoa tổng quát, chữa bệnh. Năm 1894, Bác sĩ Yersin đã tìm ra được vi khuẩn bệnh Dịch hạch – Peste. Từ đó trở về sau ông sống ở Nha Trang, mất ở Nha Trang năm 1943, trong tình thương tiếc của dân cư Việt Nam ở vùng ấy. Thật vậy, ngày nay, nếu ai về Suối Dầu, một địa lý gần Nha Trang sẽ gặp Nhà thờ Ông Năm Yersin, cạnh mộ phần Ông Năm quanh năm hương khói thờ phượng nghi ngút.
(Lần nữa xin nhắc nhở các hướng dẫn viên Nha du lịch, hay Sở du lịch hay Cục du lịch… – Xin hãy đọc phát âm đúng tên của Bác sĩ Yersin! Ông sanh ở Thụy sĩ, quốc tịch Pháp, suốt đời ông phục vụ ở Việt Nam, ông là người Pháp nên không thể phát âm Yẹt Xinh, như Pu Tinh, hay Ga Ga Rinh, Ma ri Linh như âm Mỹ hay âm Nga được! Và cũng ráng học rõ tiểu sử của Ông Năm (như số 5 chứ không phải Nam nhé) Và mặc dù từ Năm nghe rất quê mùa, nhưng đấy là tiếng gọi thân thương cũng những người xưa ngưỡng mộ Ông Năm và nay thờ phượng Ông Năm. Và cũng nhắc một lần nữa khi nói đúng sự thật, là kính trọng khách du lịch, khi kể một đoạn di tích, một đoạn lịch sử thật là kính trọng lịch sử và di tích của đất nước mình đấy!)
Năm 1885, sanh viên Y khoa Alexandre Yersin đến đất Pháp, Ngài nhập nội trú – interne des hôpitaux vào Tổng Y viện Hôtel-Dieu, tiếp tục ngành y khoa với Giáo sư Y Khoa, Bác sĩ Cornil. Trong một buổi phẫu thuật, Yersin bị thương nơi bàn tay. Tai nạn nầy thay đổi quyết định và hướng đi của cậu sanh viên nầy!
Nhà Bác học Bác sĩ Émile Roux nhìn thấy nơi cậu sanh viên nầy, dưới cái vẻ rụt rè, nhút nhát có một nghị lực phi thường và một đam mê về nghiên cứu. Vốn là một y sĩ – médecin, nhưng chuyên ngành về vi khuẩn học – bactériologiste và kháng sanh học – immunologiste, bèn kéo Yersin về làm phụ tá nghiên cứu sanh cho cơ sở thí nghiệm của ông.
Pierre Paul Émile Roux người Pháp sanh ngày 17/12/1853 tại Confolens (gần nhà người viết) mất tại Paris năm 1933, là một cộng sự viên đắc lực với Louis Pasteur (1822-1895) và cũng là người cùng sáng lập các Viện Pasteur. Émile Roux là người phát minh thuốc chủng ngừa – vaccin chống bệnh Yết hầu – Diphtérie, chữa trừ hẳn con bệnh nầy (cùng người phụ tá là Yersin).
Yersin trình luận án Tiến sĩ Y khoa năm 1888, luận án dưới sự dẫn dắt của Bác học Vi Khuẩn Học người Đức Robert Koch. Năm sau, ngài về lại Paris làm việc với Émile Roux nghiên cứu về bệnh Lao phổi và bệnh Yết hầu – Diphtérie. Năm 1889, Yersin là chuyên viên hạng nhứt ở Viện Pasteur. Năm ấy ngài nhập quốc tịch Pháp.
Năm 1890, chán cảnh văn phòng và phòng thí ngiệm, Ngài tình nguyện đi phục vụ hành chánh thuộc địa. Tháng 9 năm ấy, Alexandre Yersin đến Đông dương, phục vụ trên một thương thuyền của Hãng Massageries Maritimes trong vai trò Bác sĩ Hàng Hải. Thoạt đầu trên tuyến Saigon Manille. Sau đó Sàigòn Hải Phòng! Đây là định mệnh.
2/ Alexandre Yersin, Nhà Thám Hiểm:
Và Bác sĩ Yersin “mê” Đông dương ngay. Năm 1891, Ông xin phép Hãng Messageries Maritimes cho ông nghỉ dài hạn để “thám hiểm” Đông dương. Ba lần, ba cuộc hành trình thám hiểm thăm dò những rừng Việt Nam. Xuyên rừng, lội suối, ông lục lạo, biên chép và xoay quanh một địa lý biến thành nơi ông yêu quý nhứt: vùng Nha Trang.
Với sự đỡ đầu của Pasteur, ông được nhận vào phái đoàn đi thám hiểm vùng từ ven biển miền Trung đến cửa sông Cửu Long. Thành công của đoàn nầy được nhập vào kết quả của hai đoàn thám hiểm địa lý Nam Việt Nam là đoàn của Doudart de Lagrée và đoàn của Francis Garnier của thời 1860, và cả sau nầy của thời mới hơn với phái đoàn Pavie để hoàn chỉnh việc hiểu biết và khảo sát địa dư Việt Nam.
Cũng trong cuộc thám hiểm nầy, Yersin đã tìm ra địa lý một vùng có một không khí trong lành tươi mát như nước Thụy sĩ quê nhà của Ông: Bình nguyên Langbian. Với cái nhìn thực tiển của một nhà khoa học, ông chấm ngay tọa độ của một vùng để lập ra một nơi nghỉ mát cho các công chức hành chánh thuộc địa bị khó khăn về cái nóng nhiệt đới dưới đồng bằng lên nghỉ mát. Và ông đề nghị với Toàn Quyền lúc bấy giờ là Paul Doumer hãy thành lập ra thành phố nghỉ mát ấy.
Thành phố Đà Lạt. Nơi nghỉ mát của toàn bộ quan chức hành chánh Pháp thuộc địa và sau nầy của toàn bộ người Việt Nam miệt đồng bằng của xứ nhiệt đới ra đời.
Lycée Yersin. Kiến trúc trường trung học Lycée Yersin với cái tháp cao được khánh thành năm 1927. Công trình do kiến trúc sư Paul Moncet. Kiến trúc toàn bộ bằng gạch đỏ -briques nhập từ Pháp, mái bằng đá đen-ardoises cũng nhập từ Pháp (Mái về sau năm1950 được lợp lại bằng ngói đỏ Việt Nam). Toàn bộ căn nhà chánh cao ba từng với 24 phòng. Chiều cao với tháp chuông là 54 thước. Toàn bộ kiến trúc hình cánh cung. Tháp chuông có cả một đồng hồ. Năm 1954, khi chúng tôi nhập nội trú học lớp 6ème (Đệ thất Việt Nam), đồng hồ đã ngưng chạy rồi. Công trình được Hội kiến trúc Sư Thế Giới Quốc tế - the World Association of Architects nhìn nhận là một trong 1000 kỳ công của thế kỷ 20. Năm 1935, ngày 10 tháng Năm, Trường Trung học Yersin chánh thức được đặt tên Lycée Yersin do chính Bác sĩ Yersin đặt tên dưới sự chủ tọa của Toàn Quyền Jules Brévié.
3/ Alexandre Yersin Nhà Bác Học:
Năm 1894, Yersin bỏ hẳn thú thám hiểm. Đồng thời, một cơn dịch đang tràn từ Mông Cổ qua phía Nam xứ Tàu và đã đến Hong Kong. Chánh phủ Pháp và Viện Pasteur bèn phái Yersin qua, phải làm sao nghiên cứu lý do và cố chặn cơn sóng dịch hạnh đang làm chết 100 ngàn người.
Từ ngày 12 đến ngày 15 tháng sáu: Yersin đến Hong Kong với một ít phụ tùng nghiên cứu rất sơ sài, lấy vội ở một phòng thí nghiệm về vi khuẩn học của bệnh viện quân y Sài gòn (Nhà thương Grall sau nầy).
17 đến 19 tháng 6: Giải phẩu liên tục các tử thi người bệnh để tìm hiểu: không kết quả. Bèn quyết định dựng một căn phòng phụ cạnh, độc lập hẳn, với Nhà thương Hong Kong để dễ dàng ra vào tự do nghiên cứu. Ông quan sát, thấy nhóm cộng đồng người Âu không bị bệnh dịch hạch nhiều. Tại Sao? Do đâu? Do người Âu sống trong một tình trạng đầy đủ vệ sinh hơn người Tàu?
20 tháng 6: Trong một tình trạng khó khăn và thiếu thốn phương tiện. Bác sĩ Yersin đã khám phá ra vi khuẩn Dịch Hạch. Ông trích hẳn một con “vi khuẩn lạ” trên tử thi một người lính Anh đồn trú ở Hong Kong. Đoạn ông cấy và nuôi con vi khuẩn ấy và chích nhiểm trên các con chuột phòng thí nghiệm. Và tìm ra vi khuẩn bệnh dịch hạch.
3 tháng 8: Ông rời Hong Kong trở về Sài gòn. Thành công. Đã tìm ra vi khuẩn Dịch Hạch. Gởi sang Paris đễ tạo sérum-dung dịch - chủng chích ngừa vaccin Dịch Hạch. Từ đó, các thuốc chủng ngừa dịch đều do vi khuẩn Yersin (Yersinia Pestis).
Ông về ngụ tại Nha Trang. Vừa xa Sài gòn ồn ào, vừa trên hải lộ đi Tàu và Ấn, hai nơi ấy vẫn là những cái nôi bệnh dịch hạch.
Năm 1895 Ông thành lập Viện Pasteur Nhatrang, và lập ở đấy phòng sản xuất dung dịch ngừa Dịch Hạch.
Năm 1896 Dịch hạch lại hoành hành Quảng Đông, bên Tàu. Ông bèn chạy qua, chích thử loại thuốc trừ Dịch Hạch do Viện Pasteur sản xuất. Thành công.
Viện Pasteur Nhatrang biến thành chuyên nghiệp sản xuất tất cả những chích ngừa các bệnh nhiệt đới cho súc vật. Như Dịch Hạch của Bò (Peste bovine). Vì cách nghiên cứu khác nhau vể bệnh dịch giữa người và giữa bò. Ông bèn cho nhập càng loại bò giống thụy sĩ, ông cho nuôi bò sữa và tổ chức dạy người Việt Nam uống sữa bò tươi. Đồng thời ông cũng nhập giống gà âu châu để làm tốt giống giống gà ta.
Để kiếm tiền, thêm nguồn tài chánh cho Viện Pasteur và công trình sánh tạo y khoa. Ông nghiên thực vật. Cho nhập trồng cây cao su, nhập cấy và tạo hột giống cây Hevea bresiliensis. Ông Michelin mua giống ông, trồng đồn điền cao su mang lợi tức cho xí nghiệp bánh xe và Việt Nam sau nầy.
Được khguyến khích ông nghiên cứu cho trồng một lô loại cây kỹ nghệ. Không thành công cho lắm Nhưng ông cũng gặp hái được kết quả với cây Cinchonas - tức là quinquina để bào chế chất quinine chữa trị bệnh sốt rét. Được trồng thử trên các đồi núi ở Dran phía Tây Nam Dalat, các đồn điền Quinquina đã sản xuất được 26 ngàn tấn vỏ cây quinquina năm 1939, trước thế chiến 2 bùng nổ. Nhờ những thành công ấy ông tự túc nuôi sống những khảo cứu nghiên cứu của cơ sở ông.
Kết Luận: Ông Năm:
Cuối đời (từ 1894 dến 1943), ông sống ở Nha Trang. Ông chữa bệnh miễn phí. Ông thường bào “Hoặc túi tiền hay cái sống – la bourse ou la vie” Và Ông bỏ cái bourse đi lựa chọn cái sống. Người Việt Nam trong vùng gọi ông là Ông Năm một cái trìu mến. Ông còn ham mê về thiên văn học - astronomie, về dự đoán thời tiết - prévisions métérologiques: nhờ vậy ông được tay đánh cá vùng thương ông lắm!
Ngày 1 tháng 3 năm 1943, vừa tính xong bảng dự tính thời tiết cho các bạn đánh cá trong vùng, ông mệt, nằm xuống và mất trong căn nhà nhỏ ở Nhatrang.
“Bienfaiteur et humaniste, vénéré du peuple vietnamien – Ơn Nhơn và Nhơn Nghĩa, Người Dân Việt Biết Ơn” Câu nầy được viết trên mộ Ông. Một nhà thờ được xây đề tạ ơn ông, hương khói ngày đêm suốt từ 70 năm nay không lúc nào ngưng.
Bác sĩ Alexandre Yersin để lại cho hậu thế và cho Việt Nam 55 công trình nghiên cứu cho tất cả ngành nghề: Y khoa, thú y, thực vật, nhơn chủng học, địa dư, thiên văn, còn thêm về truyền tin – radiophonie vì suốt đời Alexandre Yersin, ông tò mò, học hỏi, tìm kiếm, nghiên cứu. Năm cuối cùng trước khi mất ông quyết định học lại Cổ ngữ Hy lạp để dịch lại Thánh Kinh La Bible.
Cám Ơn Thầy? Cám Ơn Ông Năm!
Hồi Nhơn Sơn Lập Thu Bính Thìn.
Phan Văn Song
Cư dân Đà Lạt 1951-1961 (Thiếu Sinh Quân 54-Lycée Yersin 61)