Phạm Đình Lân
Bác Hồ và Cộng sản Việt Nam vì Liên Sô, Trung Quốc hay Việt Nam
…Nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam được cái gì sau 30 năm chinh chiến? Cởi một ách nô lệ (Pháp) để mang hai ách nô lệ mới: Liên Sô và Trung Quốc. Đó là lý tưởng của dân tộc? Là sự sáng suốt và nét ưu việt của Bác Hồ, đảng Cộng Sản Việt Nam và chủ nghĩa Marx-Lenin vô địch?
*****
Phó bảng Nguyễn Sinh Huy tức Sắc ( 1863- 1929), thân sinh của Bác Hồ là người làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, tức người cùng huyện và cùng tỉnh với nhà cách mạng và linh hồn của Phong Trào Đông Du: Phan Bội Châu tức Phan Sào Nam (1867-1940). Nhà cách mạng họ Phan từng hưởng ứng Phong Trào Cần Vương chống Pháp năm 19 tuổi. Năm 1900 ông đậu giải nguyên nhưng không ra làm quan mà dấn thân vào đường cách mạng, thành lập Duy Tân Hội rồi Phong Trào Đông Du đưa sinh viên sang Nhật học hỏi nơi nước nầy sau cuộc canh tân thành công dưới sự lãnh đạo của Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji Tenno).
Vào năm 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc đậu phó bảng và được bổ nhiệm phục vụ tại bộ Lễ dưới triều vua Thành Thái và cùng làm việc với Phan Châu Trinh (1872-1926). Chán ngán cảnh quan trường dưới triều Nguyễn thời Pháp thuộc, Phan Châu Trinh rũ áo từ quan và dấn thân vào đường cách mạng bằng cách cổ xúy phong trào duy tân xứ sở.
Ông Nguyễn Sinh Sắc thán phục sự sáng suốt của Phan Châu Trinh. Nhưng vì gia cảnh túng hụt, ông không có đủ sức mạnh tinh thần để rũ áo từ quan như Phan Châu Trinh. Ông tiếp tục quan trường và được bổ nhiệm làm tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (1909). Đến năm 1910 ông bị cách chức. Nguyên nhân việc cách chức nầy chưa được rõ ràng. Có tài liệu cho rằng ông có cảm tình với Phan Châu Trinh, người bị tòa án Nam triều tuyên án tử hình vì cuộc biểu tình chống thuế ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên năm 1908. Theo quyển Ho Chi Minh de L’indochine au Viet Nam của Daniel Hemery ông Sắc say rượu và đánh chết một tù nhân. Nếu ông Nguyễn Sinh Sắc thật sự ủng hộ Phan Châu Trinh và bày tỏ cảm tình với cuộc biểu tình chống thuế mà các quan lại Nam triều gọi là ‘loạn đầu bào’ thì ông bị xử tội hoặc ở tù, hoặc đi đày như Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La Nguyễn Thành, hoặc bị xử tử. Tiến sĩ Trần Quý Cáp không tham dự cuộc biểu tình, cũng không có mặt ở Quảng Nam vào những ngày biểu tình vẫn bị xử tử ở Nha Trang vì người ta thấy một bức thơ của ông gởi cho một người bạn ở Quảng Nam với lời lẽ phấn khởi về cuộc biểu tình trong tỉnh sinh quán của ông.
Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh trong tỉnh Nghệ An cách mạng của Phan Bội Châu nhưng ông không tham gia hay hưởng ứng Phong Trào Cần Vương, Phong Trào Văn Thân hay Phong Trào Đông Du. Ông lo lắng về cuộc sống nghèo khó. Vợ ông mất vì thiếu dinh dưỡng và thiếu thuốc men khi bị bịnh. Do đó ông trông đợi vào kết quả kỳ thi Hội năm 1901 để cải thiện cuộc sống cho gia đình. Đó là lý do vì sao ông đổi tên Nguyễn Sinh Huy thành Nguyễn Sinh Sắc. Sắc là màu sắc, bằng sắc, là ước vọng cuộc đời có màu sắc, sinh khí của sự sống và hy vọng đỗ đạt trong kỳ thi Hội ở Huế năm Tân Sửu 1901. Các con trai của ông đều đổi tên. Nguyễn Sinh Khiêm trở thành Nguyễn Tất Đạt; Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ): Nguyễn Tất Thành nghĩa là ông ước mong THÀNH ĐẠT hơn là sự KHIÊM CUNG mà ông yêu thích khi mới có con.
Thời niên thiếu Bác Hồ sống trong sự nghèo khổ và thiếu thốn ở Nghệ An rồi Huế. Năm 1905 Nguyễn Tất Thành vào Huế học. Dù là con quan người thiếu niên xứ Nghệ mang ít nhiều mặc cảm nghèo khó của làng Sen tức Kim Liên nơi đa số dân làng lấy khố thay quần và ăn khoai cháo thay cơm. Gia đình thiếu niên Nguyễn Tất Thành không tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp. Nhưng vì xuất phát từ tỉnh Nghệ An của nhà cách mạng Phan Bội Châu, linh hồn của Phong Trào Đông Du, nên ông Nguyễn Sinh Sắc cũng bị các bạn đồng liêu và các quan thuộc địa Pháp để ý đến. Năm 1910 thanh niên Nguyễn Tất Thành rời khỏi Huế trên đường về phía Nam không phải vì lý do chánh trị mà vì thân sinh ông bị mất chức tri huyện Bình Khê. Ông Nguyễn Sinh Sắc mất chức nhưng không bị tòa án Nam triều xử lý nên ông được tự do đi vào Sài Gòn và sống bằng nghề bốc thuốc trước khi được một vị mạnh thường quân họ Lê đem về Cao Lãnh sống và mất ở đó năm 1929. Điều nầy cho thấy việc mất chức tri huyện Bình Khê của ông không liên quan gì đến ‘quốc sự’ cũng không dính líu gì đến Phan Châu Trinh hay cuộc biểu tình năm 1908 ở miền Trung vì ông được bổ nhiệm tri huyện năm 1909 tức một năm sau cuộc biểu tình chống sưu thuế ở miền Trung.
Tìm sinh lộ gặp đường Cách mạng
Từ năm 1910 đến năm 1917 Bác Hồ rời Huế vào dạy học ở trường tiểu học tư thục Dục Thanh ở Phan Thiết, vào Sài Gòn và tìm được một công việc lao động dưới tàu Amiral Latouche Tréville để sang Pháp (1911). Thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Bác Hồ sau nầy) không hề nghĩ đến chuyện chống Pháp giải phóng xứ sở mà chỉ lo đến cuộc sống hàng ngày bằng những công việc lao động trên đất khách khi thì ở Pháp, lúc ở Hoa Kỳ rồi ở Anh. Năm 1914 đệ nhất thế chiến bùng nổ giữa Pháp và Đức. Nguyễn Tất Thành không về Pháp mà sống ở Anh làm thợ nhồi bột làm bánh ngọt cho một nhà hàng trong một khách sạn nổi tiếng ở London. Ông sợ về Pháp bị động viên với tư cách là một công dân thuộc địa Pháp để cầm súng đánh nhau với Đức. Nguyễn Tất Thành biết đến chánh trị khi nhận được thơ của Phan Châu Trinh về Paris và sống gần nhà cách mạng Phan Châu Trinh, tiến sĩ Phan Văn Trường, kỹ sư Nguyễn Thế Truyền và sau nầy có thêm luật gia Nguyễn An Ninh. Phan Châu Trinh là huynh trưởng của nhóm được gọi là Ngũ Long nầy. Nguyễn Tất Thành là người trẻ tuổi thứ tư trong nhóm và là người có học lực kém nhất. Nhưng người ta biết đến ông vì ông đem các bài viết của nhóm Ngũ Long đến các báo Xã Hội Pháp để đăng. Năm1919 Nguyễn Tất Thành mang bản Thỉnh Nguyện Tám Điểm đến hội nghị Versailles. Mặc dù không có đại biểu Tam Cường (Hoa Kỳ, Anh , Pháp) nào đọc bản Thỉnh Nguyện nhưng nó có tiếng vang rất to ở Việt Nam. Vì lý do an ninh, nhóm Ngũ Long dùng Nguyen Le Patriote (Nguyễn Ái Quốc) làm bút ký tập thể. Mật thám Pháp nghi là bút ký của Phan Châu Trinh nhưng Nguyễn Tất Thành đứng ra nhận là bút danh của mình được viết thành tiếng Việt là Nguyễn Ái Quấc. Ông nghiễm nhiên trở thành tác giả của các bài báo xuất hiện trên các báo Xã Hội Pháp, tờ Le Paria (Người Cùng Khổ), Le Populaire, L’Humanité (Nhân Loại), cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Pháp, Việt Nam Hồn và hai quyển sách nhỏ Le Dragon de Bambou (Con Rồng Tre), Le Procès de la Colonisation Française (Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp).
Từ năm 1917 đến 1920, do ảnh hưởng của nhóm Ngũ Long do Phan Châu Trinh lãnh đạo, Nguyễn Tất Thành có vài khái niệm về việc tranh đấu cho độc lập đất nước. Trong đại hội thành lập đảng Cộng Sản Pháp ở Tours cuối năm 1920 ông có đặt câu hỏi: “Quốc Tế nào giúp cho các dân tộc thuộc địa?”.
Phan Châu Trinh là bạn đồng liêu của thân sinh Bác Hồ. Chính nhà cách mạng Duy Tân nầy gởi thơ gọi Bác Hồ về Paris và hướng dẫn cho ông nghề rửa ảnh để mưu sinh. Phan Châu Trinh là phó bảng Hán học nhưng tinh thần rất Tây học khi say mê tinh thần dân chủ Tây phương. Khác với các nhà nho khác, ông hớt tóc ngắn, để râu kiểu Napoléon III, mặc Âu phục và mang giày da. Ông cổ xúy việc duy tân xứ sở, bài bỏ lối học từ chương, cử nghiệp; phát triển nền giáo dục thực nghiệm tập chú vào khoa học, kỹ thuật, kinh tế v.v... Không độc lập kinh tế thì không có độc lập chánh trị. Ông không tán đồng chế độ quân chủ lập hiến với giải pháp Cường Để cũng như việc cầu viện Nhật của nhà cách mạng Phan Bội Châu. Phan Châu Trinh không tin tưởng giải pháp quân sự đem lại độc lập cho xứ sở mà chỉ gây đổ máu nhưng không có kết quả cụ thể nào giữa lúc Việt Nam quá yếu về mặt nầy (không có võ khí, không chỉ huy quân sự, dân tâm, dân trí còn thấp kém). Dưới nhãn quan của ông, cuộc kháng chiến của Hoàng Hoa Thám chỉ giới hạn trong một địa bàn nhỏ chớ không lan rộng khắp cả nước để dẫn đến thành công. Phan Châu Trinh là nhà Nho Việt Nam mạnh dạn tấn công chế độ quân chủ khi gây gổ với Cường Để ở Nhật năm1906 và chỉ trích vua Khải Định khi tham dự cuộc đấu xảo ở Marseille năm 1922. Là một phó bảng Hán học, Phan Châu Trinh không bao giờ đề cao văn hóa Trung Hoa ngoại trừ chữ Hán mà ông học, mà say sưa với tinh thần dân chủ Tây Phương với Contrat Social của Jean Jacques Rousseau, Esprit des Lois của Montesquieu mà ông đọc qua các bản dịch chữ Hán. Là người sống giữa kinh đô ánh sáng Paris ông không quan tâm đến Công Xã Paris, chủ nghĩa Marx, cách mạng tháng10 Nga do Lenin lãnh đạo hay các Quốc Tế Cộng Sản được bàn cãi sôi nổi ở Paris sau đệ nhất thế chiến. Phan Văn Trường không phải là Marxist nhưng ông có đề cập chủ nghĩa Marxism trong luận án của ông. Nguyễn Thế Truyền được xem là người Marxist đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1954 ông di cư vào Nam và hai lần làm ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh Hồ Văn Nhựt-Nguyễn Thế Truyền năm 1961 và Nguyễn Hòa Hiệp-Nguyễn Thế Truyền năm 1967. Nguyễn An Ninh có viết một cuốn sách tựa đề Chủ Nghĩa Mã KhắcTư (tức Karl Marx). Có sự bất đồng chánh kiến giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quấc (Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ) khi vị sau nầy gia nhập vào đảng Cộng Sản Pháp năm 1920. Sự sứt mẻ tư tưởng giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành dẫn đến sự rạn nứt tình phụ tử giữa ông Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành. Từ đó Nguyễn Tất Thành không còn liên lạc với cha ông nữa.
Vì Việt Nam hay Liên Sô và Trung Quốc?
Năm 1923 đảng Cộng Sản Pháp cử Nguyễn Ái Quấc (Bác Hồ) sang Liên Sô dự Quốc Tế Nông Dân Cộng Sản. Năm 1924 ông trở về lại Moscow, có tên Nga để được huấn luyện trở thành một cán bộ của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern). Từ đây khái niệm ‘quốc gia’ biến hẳn trong tâm não Lin, tên Nga của Bác Hồ.
Để có câu trả lời chính xác Bác Hồ vì Việt Nam hay Liên Sô chúng ta lần lượt tìm hiểu các điểm sau đây:
1.Nước Nga là quốc gia to lớn nhất thế giới và đông dân nhất ở Âu Châu. Dưới thời Nga hoàng, Nga là một quốc gia nông nghiệp so với các quốc gia kỹ nghệ Tây Âu như Anh, Pháp; thậm chí so với một nước nhỏ như Hòa Lan. Nước Đức vừa mới thống nhất năm 1870 đã sớm vươn lên trở thành một cường quốc kỹ nghệ ở Âu Châu. Nga bị Nhật đánh bại tang thương ở Mãn Châu năm 1904 và eo biển Tsushima năm 1905. Trong những ngày đầu của đệ nhất thế chiến Nga bị Đức đánh bại. Lenin oán hận chế độ Nga hoàng vì đã xử tử anh ông trong vụ ám sát Nga hoàng Alexander II (1818-1881- tại vị 1855-1881) và cho rằng các Nga hoàng bất lực trong việc trị quốc. Điều cần lưu ý là Lenin không phải là người lật đổ Nga hoàng Nicholas II bằng cách mạng tháng 10 năm 1917 (theo lịch Julian). Nicholas II thoái vị vào tháng hai năm 1917 sau một cuộc cách mạng (lịch Julian). Lenin nhờ sự giúp đỡ của Đức đưa về Nga làm cuộc cách mạng tháng 10 để Đức yên ổn mặt trận phía Đông. Cách mạng tháng10 của Lenin chỉ lật đổ chánh phủ lâm thời của Kerensky. Năm 1918 Lenin ra lịnh tàn sát toàn gia đình Nga hoàng Nicholas II. Năm 1919 Lenin thành lập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern) ở Moscow với tham vọng biến nước Nga thành một đế quốc tóm thâu thế giới bằng chủ nghĩa Marx-Lenin. Đó là cảnh trâu cột ghét trâu ăn vì Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và cả Nhật bản chiếm nhiều thuộc địa trên thế giới. Bây giờ với Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản Nga sẽ lấy các thuộc địa trong tay các đế quốc Tây Phương và chinh phục luôn cả các nước ấy bằng chủ nghĩa Marx-Lenin mà không cần phi cơ, tàu bè hay xương máu của người Nga để đi xâm lược!
2. Đệ Tam Quốc Tế huấn luyện Bác Hồ, cung cấp tiền bạc cho Bác, đặt tên Nga cho Bác để Bác lo cho Việt Nam sao? Việt Nam là một quốc gia phong kiến, nông nghiệp và thuộc địa hoàn toàn xa lạ đối với Lenin và Stalin. Liên Sô đào tạo Bác Hồ khuấy động cách mạng Cộng Sản nhằm biến đổi Việt Nam từ tình trạng thuộc địa Pháp sang quốc gia lệ thuộc Liên Sô, tức là thay đổi chủ nô. Tất cả các đảng Cộng Sản trên thế giới đều phải dùng cờ búa liềm của Liên Sô và tuân theo mệnh lịnh của lãnh tụ Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản là Lenin và Stalin sau khi Lenin mất. Năm 1918 Lenin bị ám sát và bị trọng thương. Ông phải dưỡng bịnh ở ngoại ô Moscow. Quyền hành thực sự nằm trong tay Stalin. Nhà độc tài nầy bất kính Lenin cũng như có lời thô tục sỗ sàng đối với vợ của Lenin, bà Nadezhda Krupskaya (1869-1939). Nên việc Bác Hồ xem Lenin là cha, thầy và cố vấn vĩ đại cũng như khóc òa khi hay tin Lenin chết năm 1924 không làm cho Stalin hài lòng. Án tử hình treo năm 1933 mà Stalin dành cho Bác Hồ sau khi bị Maurice Thorez tố cáo Bác thuộc khuynh hướng Trotskyite làm cho Bác càng khiếp sợ và trung thành với Stalin và Liên Sô nhiều hơn. Bác thoát chết nhờ sự đỡ đầu của Dimitrov, tổng bí thơ Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản và cố vấn của Stalin trong thời kỳ Đại Thanh Trừng. Tình yêu nước Việt Nam vốn không bắt rễ sâu trong tâm não Bác Hồ nên sớm nhường chỗ cho nghĩa vụ của Bác đối với đất nước của Lenin đã đào luyện và nuôi dưỡng Bác.
3. Bác Hồ theo chủ nghĩa quốc tế (Internationalism) tức là từ bỏ quốc gia của mình sau khi gia nhập đảng Cộng Sản Pháp (1920), nhận sự huấn luyện của Liên Sô hai lần (1924,1934) và có hàng trăm bí danh Việt, Nga, Trung Hoa v.v... Cuối năm 1924 Bác sang Guangzhou (Quảng Châu) phục vụ cho Borodin, Cố Vấn Liên Sô bên cạnh Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) trong thời kỳ Quốc-Cộng Liên Minh lần thứ nhất. Năm 1927 Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) phá vỡ Liên Minh Quốc Cộng bằng cách đàn áp đảng Cộng Sản Trung Hoa. Borodin rời Guangzhou chạy về Moscow. Bác Hồ (lúc ấy mang bí danh Lý Thụy) tự tìm đường chạy về Moscow. Trong thời gian1928-1930 , theo lệnh của Stalin Bác đi Bỉ, Ý rồi Xiêm La (Thái Lan), Hong Kong, thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam đổi thành đảng Cộng Sản Đông Dương (1930). Bác Hồ bị Anh bắt đưa về Hong Kong năm 1931 vì là một cán bộ của Đệ Tam Quốc Tế. Bác được sự giúp đỡ tích cực của vợ chồng luật sư Loseby, một thành viên của Phong Trào Phản Đế Anh, để vượt thoát bịnh viện khám đường Hong Kong chạy sang Ma Cao rồi lên Shanghai (Thượng Hải). Tại đây Bác Hồ được sự móc nối của Vaillant Couturier, ủy viên trung ương đảng Cộng Sản Pháp, và được sự giúp đỡ của bà Sun Yatsen tức Song Qingling (Tống Khánh Linh) để xuống tàu đi Vladivostok (Hải Sâm Uy), hải cảng của Liên Sô trên Nhật Hải, trước khi về Moscow bằng đường hỏa xa Xuyên Tây Bá Lợi Á. Từ năm 1925 đến 1941 Bác Hồ không hoạt động ngày nào ở Việt Nam và cho nước Việt Nam. Bác hoạt động cho Đệ Tam Quốc Tế, cho Liên Sô.
Khi có biến thì chạy về Liên Sô (1927, 1933) rồi nhận lịnh tiếp tục công tác cho lợi ích của Liên Sô. Năm 1938 Bác được lịnh của Stalin phải giả làm người ăn mày mù để vượt biên giới Sô-Trung tiến về chiến khu Yenan (Diên An), nhờ sự giúp đỡ của Cộng Sản Trung Hoa đưa về phía Nam để lôi cuốn quân Nhật tiến về phía Nam thay vì tiến về phía Tây đe dọa Liên Sô. Bác Hồ không bị thực dân Pháp giam giữ ngày nào ở Việt Nam. Trong tâm Bác Hồ nước Việt Nam không lưu lại ở Bác những kỷ niệm đẹp mà mang lại sự tủi hổ vì nghèo túng từ Nghệ An vào Huế và Sài Gòn. Đảng Cộng Sản Pháp và Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản ban cho Bác nhiều danh dự và lợi lộc ngoài sự ước mơ của Bác. Lúc vào Sài Gòn Bác chỉ ước muốn được vào học trường Kỹ Thuật để có một nghề sinh sống. Làm việc dưới tàu Amiral Latouche Tréville, ở Pháp, Anh, Bác phải làm lao động tay chân cực khổ như gọt khoai tây, xúc than đá, làm vườn, hốt tuyết, nhồi bột làm bánh, thợ rửa ảnh và viết chữ Hán trên đồ cổ Trung Hoa giả v.v... Bác nghiễm nhiên trở thành người ‘quốc tế’ tham dự đại hội Tours thành lập Đảng Cộng Sản Pháp, sang Moscow dự Quốc Tế Nông Dân Cộng Sản rồi thụ huấn chính trị, tình báo ở đây để làm nhiệm vụ ở Trung Hoa, Xiêm La và Việt Nam. Bác Hồ khóc òa khi hay tin Lenin mất mặc dù chưa gặp mặt Lenin lần nào. Nhưng Bác không buồn biết thân sinh của Bác phiêu dạt nơi nào ở Nam Kỳ và sống chết ra sao. Bác và các đảng viên Cộng Sản Việt Nam ra sức tán tụng Lenin, Stalin, Mao Zedong (Mao Trạch Đông), dựng tượng Lenin ở Hà Nội nhưng không dám nhắc đến tên một anh hùng Việt Nam nào. Bác xem Karl Marx như ‘công cha như núi Thái Sơn’ và Lenin như ‘nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra’ khi đặt tên núi Các Mác và suối Lê Nin (1941). Trước khi chết Bác để lại một Di Chúc trong đó Bác chỉ đề cập đến Đảng, việc thăm viếng Karl Marx, Lenin dưới tuyền đài và sự chua xót vì hai quốc gia Cộng Sản đàn anh (Liên Sô và Trung Quốc) hục hặc nhau.
4.Bác Hồ có liên hệ gì đến Trung Hoa và đảng Cộng Sản Trung Hoa?
– Bác hoạt động ở Guangzhou (Quảng Châu) năm1925 và đến chiến khu Yenan năm1938.
– Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội và đảng Cộng Sản Việt Nam cải danh thành Cộng Sản Đông Dương được thành lập ở Trung Hoa (1925, 1930).
– Đại hội đảng Cộng Sản Đông Dương do Hà Huy Tập chủ trì được tổ chức ở Ma Cao năm 1935.
– Bác Hồ ở tù ở Trung Hoa hai lần (1931-1933 và 1942-1943). Bí danh Hồ Chí Minh xuất hiện song song với lần ở tù thứ hai nầy.
– Khi đến Guangzhou phục vụ cho Borodin, Bác sống trong nhà của Lâm Đức Thụ (Nguyễn Công Viễn). Vợ của Lâm Đức Thụ là người Hoa thuộc gia đình họ Lý giàu có nổi tiếng ở Guangzhou thời bấy giờ. Vì liên hệ mật thiết giữa bác Hồ và Lâm Đức Thụ người ta nghi ngờ Bác có dính líu vào việc bán đứng nhà cách mạng Phan Bội Châu năm 1925 để nhận 100.000 đồng tiền thưởng. Đối với Bác Hồ sự biến mất của nhà cách mạng Phan Bội Châu giúp cho Bác hoạt động dễ dàng hơn. Các thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội và Tam Tâm Xã sẽ gia nhập vào Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Dưới sự nhận xét của Pháp lúc bấy giờ, Phan Bội Châu có uy tín ở Việt Nam, được cảm tình của Trung Hoa Quốc Dân Đảng nên nguy hiểm cho sự đô hộ của họ rất nhiều. Lúc ấy bác Hồ còn vô danh. Bác là đảng viên Cộng Sản Pháp được đảng nầy cử sang học ở Liên Sô để phục vụ cho Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Năm1946 Bác Hồ ký hiệp ước sơ bộ 06-03-1946 với Sainteny chấp nhận cho 15.000 quân Pháp vào Hà Nội để đẩy quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng ra khỏi Bắc Bộ. Điều nầy cho thấy Bác lo ngại quân Trung Hoa Quốc Đảng hơn là Pháp. Thứ nhất: Pháp là đoàn quân thấm mệt từ xa đến. Họ là kẻ thù trực diện của dân thuộc địa. Thứ hai: Quốc Dân Đảng Trung Hoa ủng hộ cho Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ, gây trở ngại cho chánh phủ Hồ Chí Minh. Thứ ba: Trước sau gì cũng có chiến tranh với Pháp. Bác Hồ sẽ độc quyền lãnh đạo kháng chiến chống Pháp nếu vắng bóng Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng và các đoàn thể chánh trị khác.
– Năm 1926 Bác Hồ cưới một nữ y tá và đảng viên Cộng Sản Trung Hoa: Zheng Xue Ming (Tăng Tuyết Minh). Lúc bấy giờ đảng Cộng Sản Trung Hoa còn chịu ảnh hưởng của Liên Sô. Mao Zedong chưa có vai trò quan trọng trong đảng.
– Một số thanh niên Việt Nam hoạt động cách mạng trên lục địa Trung Hoa gia nhập vào đảng Cộng Sản Trung Hoa như Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Hoan, Hồ Tùng Mậu, người cùng Bác Hồ thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội v.v...
– Bác Hồ mang nhiều bí danh Trung Hoa như Lý Thụy, Tống Văn Sơ, Vương Sơn Nhị, Hồ Quang, Hồ Chí Minh (Hu Zhi Ming, bí danh của Hồ Học Lãm, chú của Hồ Tùng Mậu. Hồ Học Lãm hưởng ứng đường lối của nhà cách mạng Phan Bội Châu. Sau này ông là đại tá của Trung Hoa Quốc Dân Đảng).
Cơ hội cho Trung Hoa tái lập ảnh hưởng chánh trị ở Việt Nam là sự chiến thắng của Cộng Sản Trung Hoa năm1949 trên lục địa và sự viện trợ của CHNDTQ cho cuộc kháng chiến chống Pháp do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Cộng Sản Trung Hoa viện trợ võ khí, lương thực, thuốc men, cố vấn chánh trị, cố vấn quân sự và biến vùng biên giới Hoa-Việt thành nơi huấn luyện Việt Minh, nơi dưỡng bịnh cho thương binh và nơi ẩn trốn khi bị quân Pháp đánh bại. Vai trò của các đảng viên Cộng Sản thân Trung Hoa như Trường Chinh, Nguyễn Sơn, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan, Hoàng Quốc Việt được nổi bật. Trường Chinh là tổng bí thơ đảng Lao Động Việt Nam (đảng Cộng Sản Việt Nam phục sinh), các chánh ủy trong quân đội và hành chánh kháng chiến đều là đảng viên Cộng Sản thân Trung Hoa hay nói theo từ ngữ chánh trị ngày nay là khuynh hướng Maoist . Beijing tái lập ảnh hưởng ở Việt Nam bằng xương máu của người Việt hết lòng kháng Pháp, bằng chánh sách đấu tố địa chủ, tòa án nhân dân xử trí, phú, địa, hào trong chánh sách cải cách ruộng đất, sự qua phân Việt Nam, sự di cư của hàng triệu người miền Bắc vào miền Nam. Địa vị của Hồ Chí Minh bị lung lay trước thanh thế đang lên của Trường Chinh. Trường Chinh bị hạ bệ năm 1956 nhưng vây cánh của ông ở miền Bắc rất lớn. Ông vẫn là nhân vật quan trọng đứng hạng thứ ba trong Bộ Chánh Trị sau Hồ Chí Minh và Lê Duẩn mà thôi. Trong thời kỳ kháng chiến ảnh của Lenin và Stalin được treo tại văn phòng làm việc của Bác Hồ giữa lúc Việt Minh nhận viện trợ của CHNDTQ. Stalin không đoái hoài đến chánh phủ Hồ Chí Minh năm 1945, và cuộc kháng chiến chống Pháp do ông lãnh đạo từ năm 1946 đến 1950. Sau ngày đất nước qua phân Bác gắng gượng hướng về Liên Sô mặc dù Bác không thích chánh sách xét lại và hạ bệ Stalin của Khrushchev nhưng lúc nầy Bác cũng tự nhắc nhở mình rằng Bác là người do Liên Sô đào tạo và mang ơn Liên Sô. Thời hậu Stalin, Bác Hồ và Mao Zedong gặp nhau ở một số điểm chung:
1. Mao Zedong ghét Hoa Kỳ ngăn cản ông đánh úp Taiwan để thống nhất Trung Hoa. Hồ Chí Minh xem Hoa Kỳ là chướng ngại vật cho ý đồ đánh chiếm miền Nam của ông.
2. Mao Zedong ghét thái độ ‘kẻ cả’ của Stalin. Hồ Chí Minh khiếp sợ sự độc ác của nhà độc tài Liên Sô. Nhưng cả Mao lẫn Hồ đều thích đường lối độc tài, sắt máu của Stalin.
3. Mao Zedong đả kích chánh sách xét lại của Khrushchev. Thực chất là ông ghét Khrushchev không muốn giúp đỡ CHNDTQ có bom nguyên tử!! Hồ Chí Minh là người Cộng Sản giáo điều và hiếu chiến nên không thích thú với chánh sách xét lại, sống chung hòa bình với tư bản của Khrushchev cũng như chánh sách hạ bệ Stalin của nhà lãnh đạo gốc Ukraine nầy. Mao Zedong ngần ngại không dám đánh chiếm Taiwan vì sợ sự can thiệp của đệ thất hạm đội Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh và Lê Duẩn dùng chiến tranh nhân dân của Mao và viện trợ của Trung Quốc lẫn Liên Sô để đánh chiếm miền Nam. Với dân chúng Việt Nam, Bác Hồ đánh Mỹ cứu nước. Với Liên Sô và Trung Hoa, Bác Hồ đánh Mỹ cho Liên Sô và Trung Quốc được yên ổn xây dựng quê hương. Ở Tây Bán Cầu Liên Sô có Cuba. Ở Đông Á Liên Sô có VNDCCH, pháo đài canh phòng hòa bình cho Liên Sô ở phương Đông như Nguyễn Minh Triết nhắc lại Việt Nam thức thì Cuba ngủ. Mao Zedong thích thú với Bác Hồ và các đảng viên Cộng Sản của Bác qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu chống Pháp, chống Mỹ và người Việt chống và giết lẫn nhau say sưa và tận tụy. Đất nước Việt Nam bị bom đạn tàn phá. Mao muốn được chiến tranh Việt Nam lần thứ nhì kéo dài triền miên để làm cho Mỹ ‘mất máu’ và cho máu người Việt đổ triền miên, lai láng và vô tận. Đó là cách Bác Hồ và Cộng Sản Việt Nam diệt chủng Việt để người Hán đến định cư không khác gì chánh sách diệt chủng của Pol Pot, một người Khmer gốc Hoa, đã làm ở Cambodia từ năm 1975 đến 1978. Trong 3 năm cầm quyền Khmer Đỏ của Pol Pot giết sạch 1/3 dân số Cambodia. Trong 30 năm sau đệ nhị thế chiến, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và đảng Cộng Sản Việt Nam, nước ta rơi vào cảnh chinh chiến triền miên. Đất nước bị phân ly, đoàn kết dân tộc được thay thế bằng hận thù, nghi kỵ, oán ghét nhau. Hàng chục triệu người chết, bị thương và ly tán gia đình. Một triệu người miền Bắc rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn năm 1954. Trên ba triệu người Việt Nam vĩnh viễn rời khỏi quê hương khi Cộng Sản nắm chánh quyền trên toàn thể đất nước. Nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam được cái gì sau 30 năm chinh chiến? Cởi một ách nô lệ (Pháp) để mang hai ách nô lệ mới: Liên Sô và Trung Quốc. Đó là lý tưởng của dân tộc? Là sự sáng suốt và nét ưu việt của Bác Hồ, đảng Cộng Sản Việt Nam và chủ nghĩa Marx-Lenin vô địch? Hay chỉ là:
Thương công chú Cộng chan dầm
Vào sanh ra tử lại lầm kế ai?
(Sấm ký Phật Giáo Hòa Hảo)
Dù theo Liên Sô hay theo Trung Quốc hay làm nghĩa vụ quốc tế bằng xương máu và mồ hôi, nước mắt của dân tộc Việt Nam đều đưa đất nước và dân tộc đến lụn bại và tình trạng nô lệ. ‘Ta chiến đấu cho Liên Sô và cho Trung quốc’ như lời Lê Duẩn nói để rồi ta mang nợ Liên Sô và Trung Quốc. Không có gì làm cho đất nước mau lụn bại bằng chiến tranh. Cộng Sản Việt Nam lừng danh trên thế giới vì đánh thắng đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ bằng võ khí Liên Sô, Trung Quốc và sự chỉ đạo của hai quốc gia to lớn nầy. Vì theo Liên Sô, Cộng Sản Việt Nam đánh nhau với Khmer Đỏ thuộc Maoist năm 1978 và với Cộng Sản Trung Hoa năm1979. Liên Sô sụp đổ; Đảng Cộng Sản Việt Nam phải sang Trung Quốc xin tái thần phục với nét đặc thù ngoại giao dựa trên Bốn Tốt và Mười Sáu Chữ Vàng. Gọi là đặc thù vì chỉ có CHXHCNVN có mà thôi. Bắc Hàn, một nước Cộng Sản chịu ảnh hưởng Trung Quốc, không bị những ràng buộc gay gắt như vậy. Beijing chi phối CHXHCNVN qua những nhà lãnh đạo do họ lựa chọn, sắp xếp và chuẩn thuận. Cộng Sản Việt Nam phải ký hiệp ước 1999, 2000 nhường đất ngoài biên giới, biển đảo trong vịnh Bắc Bộ; im lặng về chủ quyền trên hòn đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiến trong tay VNCH năm 1974 và một phần của Trường Sa mà Trung Hoa chiếm bằng võ lực sau khi đánh bại hải quân CHXHCNVN; không được nhắc đến tên một anh hùng dân tộc chống Bắc quốc; không được tưởng niệm các bộ đội chết trong chiến tranh biên giới năm 1979 và hải chiến Trường Sa năm 1988; tổ chức ngày Ngàn Năm Thăng Long vào ngày Quốc Khánh CHNDTQ (01-10); thấp thoáng cờ Trung Quốc với năm ngôi sao nhỏ (Ngoại Tỉnh) chầu ngôi sao lớn (Trung Nguyên) báo hiệu sự sáp nhập Việt Nam vào Trung Quốc; cho người Trung Quốc vào Việt Nam tự do; cho người Trung Quốc kể cả Hong Kong, Taiwan (Đài Loan) thuê đất trồng rừng trong 50 năm; cho Trung Quốc thuê bờ biển; khai thác hầm mỏ, thành lập công ty sử dụng thuần người Trung Quốc; lập phố Tàu (Chinatowns) rải rác khắp nước; lập viện Khổng Tử; dạy Quan Thoại từ cấp tiểu học v.v... Các ảnh chụp các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam như Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng... khúm núm, rụt rè trước Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) và Xi Jinping (Tập Cận Bình) khác với ảnh chụp của tổng thống Ukraine Poroshenko khi gặp Putin ở Pháp cùng với nữ thủ tướng Đức Merkel (tháng 06 năm 2014).
Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam bị ‘kẹt’ nhiều chuyện khó nói. Họ sợ Trung Quốc đến nỗi công an thẳng tay đàn áp những người còn chút lòng yêu nước. Tàu đánh cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đụng chìm hay chận cướp cá, cướp tàu, đánh đập ngư dân đòi tiền chuộc nhưng chánh quyền Việt Nam không dám nêu đích danh tàu Trung Quốc mà mà chỉ nói là tàu lạ. Vụ giàn khoan HD-981 làm cho Trung Quốc lẫn thế giới ngạc nhiên về phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam. Nhưng Việt Nam vẫn chưa dám kiện Trung Quốc như Phi Luật Tân đã làm. Tại hội nghị G-7 Nhật lưu ý về thái độ gây hấn của Trung Quốc ở Đông Bắc Á và Đông Hải. Bộ trưởng bộ quốc phòng Hoa Kỳ Hagel cho rằng Trung Quốc gây bất ổn ở Biển Đông tại diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore (tháng 06-2014). Cũng tại diễn đàn nầy thủ tướng Abe của Nhật gián tiếp chỉ trích thái độ gây hấn của Trung Quốc về vụ giàn khoan HD-981, tàu Trung Quốc đâm thủng tàu cảnh sát biển Việt Nam và cho biết Nhật có vai trò trong việc giúp đỡ cho các quốc gia bị đe dọa trung vùng.
Việc gây hấn của Trung Quốc khi đâm thủng tàu cảnh sát biển Việt Nam và cố ý đụng chìm một chiếc tàu đánh cá Việt Nam làm cho Trung Quốc bị dư luận thế giới lên án nghiêm khắc. Xi Jinping và Putin rơi vào cảnh cô đơn ngoại giao. Beijing phản công bằng cách đưa vấn đề Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa - Xisha) và việc Việt Nam tấn công tàu của họ 1.471 lần ra Liên Hiệp Quốc. Đây là một phần thắng lợi nhỏ mà Hoa Kỳ và các nước ước mong nhằm giải quyết vấn đề bằng luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế hầu tránh xung đột võ trang. Việc kiện thưa nầy gây nhột nhạt cho Việt Nam rất nhiều vì Trung Quốc sẽ đưa ra một số văn kiện kể cả sách giáo khoa địa lý lớp 9 của VNDCCH năm 1974 xác nhận quần đảo Hoàng Sa của họ. Họ cũng đưa bản đồ Atlas 1972 ghi quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) thuộc Trung Quốc và có thể còn nhiều văn kiện mật từ thời Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang. Đó là nhược điểm mà từ trước đến giờ Cộng Sản Việt Nam giấu không cho dân chúng biết. Về phía Trung Quốc vụ kiện nầy cho thấy họ lật lọng khi cho rằng Việt Nam tấn công tàu của họ 1.471 lần! Đó là sự lật lọng của kẻ cướp la làng! Nó sẽ làm cho Liên Hiệp Quốc bối rối khó xử hơn so với vụ tranh chấp giữa Thái Lan và Cambodia về ngôi đền ngoài biên giới. LHQ sẽ điên đầu về những bằng chứng vu vơ về chủ quyền của một cường quốc đang lên trên Lưỡi Bò chiếm 90% diện tích Biển Đông.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.