Nguyễn Gia Kiểng
Why America must not lead again?
.
Quyết định triệt thoái không điều kiện khỏi Afghanistan vừa một lần nữa chứng tỏ rằng
ngay cả với một tổng thống đầy tài năng, thiện chí và kinh nghiệm như Joe Biden
Mỹ vẫn có thể phải bội ước. Vậy có gì bảo đảm rằng Mỹ sẽ không phản bội giữa đường?
Có gì bảo đảm rằng trong tương lai người Mỹ lại sẽ không bầu một tổng thống như Donald Trump?
Biden ra lệnh rút hết quân đội Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11 tháng 9.
Ảnh minh họa: Đội hình bảo vệ một cuộc đổ quân bằng trực thăng của lực lượng đặc biệt Mỹ
tại một địa điểm không được tiết lộ ở Afghanistan ngày 17/03/2020
(Staff Sgt. Joel Pfiester/Air Force)
Đối với tôi, Joe Biden là vị tổng thống Mỹ có kiến thức và kinh nghiệm nhất về thế giới. Mặc dù tuổi già ông vẫn là người phù hợp nhất để đưa nước Mỹ ra khỏi cơn điên Donald Trump. Làm sao người ta có thể sai lầm đến độ nghĩ rằng nên co cụm lại và gây sự với các đồng minh trong một thế giới đang nhanh chóng toàn cầu hóa? Chính vì thế mà tôi đã băn khoăn khi nghe, và sau đó nghe lại, bài diễn văn trong đó ông tuyên bố quyết định rút hết quân Mỹ không điều kiện khỏi Afghanistan. Buồn cho người Afghanistan, lo cho thế giới và nước Mỹ.
Một cuộc bỏ chạy rất đáng xấu hổ
Joe Biden tuyên bố lý do khiến Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan là vì cuộc chiến đã kéo dài quá lâu, gần 20 năm, đã gây thiệt hại quá lớn cho Mỹ về tài chính cũng như về nhân mạng, trong khi mục đích ban đầu của Mỹ khi can thiệp vào Afghanistan đã đạt được.
Nếu có những trường hợp mà một giải thích thiếu trung thực gây hiểu lầm hơn là soi sáng, một biện hộ gượng gạo làm cho cái xấu mang thêm cái sai thì đây là một.
Phải chăng, như Biden nói, mục tiêu chính của cuộc tấn công vào Afghanistan chỉ là để đánh tan một sào huyệt của tổ chức Al Qaeda và trừng trị Bin Laden sau hành động khủng bố ngày 11/9/2001? Nếu thế thì chỉ cần oanh tạc các doanh trại Taliban và Al Qaeda và tìm tung tích của Bin Laden để đem biệt kích tới tiêu diệt. Cần gì phải huy động tới hơn 100.000 quân Mỹ và đồng Minh NATO để đánh chiếm cả nước Afghanistan và lập chính quyền mới? Vả lại sau này Bin Laden đã bị một toán biệt kích Mỹ giết tại Pakistan chứ không phải tại Afghanistan. Mục tiêu công khai của Mỹ và đồng minh lúc đó là thiết lập một chính quyền Afghanistan dân chủ. Chính quyền này đã được thành lập và đang chiến đấu với loạn quân Taliban thì bây giờ bị bỏ rơi. Hơn nữa, ngay cả mục tiêu đánh bại Al Qaeda cũng chưa đạt được vì, như tổng thống Biden đã nhìn nhận trong bài diễn văn này, Al Qaeda vẫn hiện diện ở nhiều nơi, bên cạnh nhiều tổ chức khủng bố khác.
Quân Mỹ đã ở lại Afghanistan gần 20 năm rồi, như vậy là quá lâu? Đây là một lập luận đặc thù của người Mỹ – nước Mỹ không kiên nhẫn – nhưng không thuyết phục. Trong chính trị cũng như trong chiến tranh nếu chiến đấu cho một mục tiêu chính đáng thì phải chiến đấu đến cùng chứ không thể vì cuộc chiến kéo dài mà bỏ cuộc. Quân Mỹ vẫn còn đồn trú tại Châu Âu và Nhật từ 76 năm qua, tại Hàn Quốc từ 70 năm qua.
Một lý do khác mà ông Biden nêu ra là Mỹ đã chịu đựng quá nhiều rồi, đã tốn kém gần 2.000 tỷ USD và 2.488 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng tại Afghanistan trong 20 năm qua. Ông cảm động móc từ trong túi ra tờ giấy có ghi con số chính xác những người đã hy sinh mà ông vừa viếng thăm mộ phần tại nghĩa trang Arlington. Dĩ nhiên ai cũng phải nhìn nhận đây là một tổn thất lớn, nhưng đấu tranh chống khủng bố có bao giờ dễ dàng đâu. Và cũng cần tương đối hóa. 2488 binh sĩ hy sinh trong 20 năm tương đương với trung bình 125 người mỗi năm, một con số rất nhỏ so với con số 20.000 người Mỹ bị bắn chết hàng năm tại ngay nước Mỹ, chủ yếu do những tên khùng có súng. Thảm kịch này đã kéo dài không phải 20 năm mà hàng trăm năm nay rồi, tại sao nước Mỹ vẫn không cấm hoặc kiểm soát chặt chẽ quyền sở hữu súng như tất cả mọi nước khác? Đó chỉ là vì các tập đoàn buôn bán súng quá mạnh và họ tài trợ rất nhiều cho các cuộc bầu cử. Số tiền 2.000 tỷ USD rất lớn nhưng cũng chỉ bằng một nửa số tiền mà 1% những người Mỹ giầu nhất đã giầu thêm chỉ riêng nhờ cổ phiếu chứng khoán trong một năm 2020. Cũng phải nói thêm rằng tốn kém về tiền cũng như tổn thất về nhân mạng tại Afghanistan chủ yếu là ở trong những năm đầu. Từ năm 2014 quân Mỹ không còn giao chiến nữa mà chỉ yểm trợ về kỹ thuật và hậu cần, số binh sĩ Mỹ tử nạn – tử nạn chứ không phải tử trận – rất ít, cùng lắm là vài người mỗi tháng. Cuộc chiến đã giảm cường độ nhiều rồi. Quân Mỹ cũng chỉ còn 3.500 người trên tổng số hơn 10.000 người của lực lượng NATO tại đây. Điều bất hạnh cho Afghanistan là khi Mỹ rút đi thì toàn bộ lực lượng này cũng rút theo.
Joe Biden cảnh cáo Taliban rằng nếu họ tấn công quân Mỹ trong lúc đang rút đi ông sẽ có những biện pháp trả đũa thích đáng, lời cảnh cáo này làm cho các thủ lãnh Taliban cười hơn là sợ.
Ông cũng nói Mỹ tuy triệt thoái nhưng không bỏ rơi chính quyền Kabul của tổng thống Ashraf Ghani. Cũng không khác một anh chàng bỏ vợ con để theo vợ mới trên ngưỡng cửa quay lại nói sẽ không bao giờ quên gia đình. Đó chỉ là một sự an ủi làm nạn nhân đau đớn hơn.
Tóm lại tất cả những lý do mà Joe Biden đưa ra đều hời hợt. Chúng chỉ là những lý cớ gượng gạo được sử dụng để cố bào chữa cho một quyết định bỏ cuộc bội ước đáng xấu hổ và không thể bào chữa. Thế giới sẽ trở thành nguy hiểm hơn vì Taliban và các tổ chức khủng bố sẽ có một vùng đất an toàn để củng cố lực lượng và chuẩn bị những hành động phá hoại. Nước Mỹ sẽ yếu hơn vì mất uy tín và ảnh hưởng.
Hậu quả sẽ ra sao?
Quyết định triệt thoái của Mỹ khỏi Afghanistan chắc chắn phải làm nhiều quân nhân và viên chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, như tôi, nhớ lại những tâm tư trong lao tù sau ngày 30/04/1975. Vào lúc ký kết Hiệp Định Paris, tháng 01/1973, cuộc chiến Việt Nam đã gần như ngã ngũ. Tại miền Nam phe cộng sản chỉ còn giữ được hai trong số hơn hai trăm quận, tại miền Bắc họ đã gần như kiệt quệ. Tuy vậy Mỹ đã quyết định bỏ Việt Nam từ trước rồi và không thể làm gì khác, như cựu ngoại trưởng John Kerry sau này thừa nhận. Đặc tính của nước Mỹ là họ không thể thay đổi một chính sách lớn đã được quyết định ngay cả khi nhận ra là nó sai bởi vì nhân sự chính trị – establishment – của họ quá kém.
Trường hợp Afghanistan ngày nay cũng tương tự như Việt Nam 46 năm trước. Tuy vậy tương lai của chính quyền Kabul sẽ không đến nỗi hẩm hiu như số phận của chính quyền Sài Gòn năm 1975. Hầu như tất cả các chuyên gia về Afghanistan đều dự đoán thắng lợi của Taliban trong một tương lai gần sau khi quân Mỹ đã rút hết cùng với quân của các nước đồng minh. Tuy vậy sẽ không có đầu hàng, các ủy ban tiếp quản Taliban và các trại tập trung cải tạo. Giải pháp nhẹ nhàng nhất là sẽ có một chính quyền thỏa hiệp trong đó trọng lượng của Taliban sẽ tăng lên nhanh chóng. Nếu không sẽ có nội chiến kéo dài, Taliban có nhiều triển vọng sẽ chiếm được thủ đô Kabul, lực lượng của liên minh cầm quyền hiện nay sẽ rút về phía Bắc và cố thủ lâu dài ở đó. Nội chiến sứ quân là một hằng số trong lịch sử Afghanistan bởi vì nước này không giống một nước nào. George W. Bush và các cố vấn của ông đã không nghiên cứu kỹ trước khi quyết định can thiệp.
Rộng gấp hai lần Việt Nam với một dân số khoảng 1/3, Afghanistan là một vùng đất khô cằn, không có tài nguyên thiên nhiên, cũng không có luật pháp. Nguồn lợi chính là thuốc phiện, đặc điểm chính là nằm trên Đường Tơ Lụa lịch sử nối liền Phương Đông và Phương Tây. Một đặc điểm khác là chưa có chính quyền nào bình định hoàn toàn được Afghanistan. Từ ngàn xưa các đế quốc Ba Tư, Hy Lạp, Maurya đã đến chinh phục vùng đất này. Vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, vua Asoka đã đem Phật Giáo tới đây và có lẽ vì triết lý hiền lành bất sát của Phật Giáo đã là một cứu rỗi cho đất nước đầy bạo lực này mà Afghanistan đã trở thành trung tâm lớn nhất của Phật Giáo trong hơn 15 thế kỷ trước khi bị đế quốc Mông Cổ chinh phục và chuyển sang Hồi Giáo rồi dần dần trở thành vùng đất của chiến tranh bộ lạc và chủng tộc triền miên. Từ đó, ngay trong những giai đoạn yên bình nhất, Afghanistan cũng không bao giờ thực sự thống nhất. Lịch sử ba thế kỷ gần đây nhất của Afghanistan là chưa một đế quốc hay cường quốc nào muốn thống trị Afghanistan mà không thất bại nặng. Đế quốc Anh đã có ba cuộc chiến và sau cùng cũng thảm bại.
Kẻ xâm lăng gần đây nhất là Liên Bang Xô Viết trong thời gian 1978 - 1983 (nếu không kể Mỹ vì Mỹ chỉ muốn đánh dẹp tổ chức khủng bố Al Qaeda để thành lập một nước dân chủ chứ không có tham vọng chiếm đóng). Kết quả là Liên Xô không chỉ thất bại mà còn sụp đổ vì kiệt quệ trong cuộc chiến Afghanistan kéo theo sự sụp đổ của cả khối cộng sản. Điều cần phải biết là trong cuộc chiến này Mỹ đã là đồng minh của Taliban và mượn tay Taliban và các lực lượng khác để đánh sập Liên Xô. Theo tiết lộ của Michael Pillsbury, chuyên gia lớn về Châu Á và chủ tịch viện nghiên cứu Hudson Institute, thì Mỹ đã giúp cho Taliban khoảng 3 tỷ USD viện trợ đủ loại qua trung gian của Trung Quốc để đánh Liên Xô. Không biết tình xưa nghĩa cũ này bây giờ còn lại gì và có tác dụng nào trong lúc này nhưng điều chắc chắn là Afghanistan sắp tới sẽ không như Việt Nam năm 1975.
Điều cũng chắc chắn không kém là Afghanistan, trong ít nhất một thập niên sắp tới, sẽ là một trung tâm Hồi Giáo cực đoan và do đó sẽ trở thành một đe dọa cho cả Nga lẫn Trung Quốc vì cả hai nước này đều có vấn đề với Hồi Giáo. Trung Quốc đang cố liên kết với Nga để đương đầu với Mỹ và các nước dân chủ, nhưng liên minh Nga-Trung Quốc sẽ chặt chẽ và thành thực đến mức nào khi mà Nga đã biết rằng ngày trước Trung Quốc đã từng ngấm ngầm giúp Mỹ đánh họ vào lúc mà bề ngoài vẫn là đồng chí của họ?
Afghanistan phải khiến thế giới nhìn thấy rằng bội ước là một tập quán trong chính sách đối ngoại của Mỹ. America First không bắt đầu với Donald Trump. Trump chỉ đề cao và khai thác một tâm lý đã có sẵn và đã ăn sâu trong tâm thức người Mỹ. Chính vì thế mà ông vẫn được ủng hộ sau tất cả những gì đã làm. Mỹ đã ruồng rẫy Đài Loan, hất Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc và nhìn nhận Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc, sau khi tưởng rằng đã tranh thủ được Bắc Kinh. Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, đã bỏ rơi Iraq rồi lại hối hả trở lại sau khi ISIS bùng phát rồi lại bỏ rơi, đã phản bội người Kurd và Lực Lượng Dân Chủ Syria, đã rút khỏi thỏa ước khí hậu COP21, thỏa ước hạt nhân Iran, hủy bỏ thỏa ước hợp tác xuyên Thái Bình Dương TPP, thỏa ước NAFTA, rút khỏi Tổ Chức Y Tế Quốc Tế WHO, Tổ Chức UNESCO. Không thể kể hết những lần trở mặt và bội ước của Mỹ. Bây giờ đến lượt Afghanistan. Với Donald Trump, Mỹ còn phản bội một cách sỗ sàng. Từ nay ai còn kính trọng nước Mỹ, ai còn dám tin vào những hứa hẹn của Mỹ?
Nước Mỹ đã 8 lần bội ước người Kurd ở Trung Đông -
Ảnh minh họa:
Người Kurd ở Syria đã biểu tình hôm Chủ nhật bên ngoài căn cứ liên minh quốc tế
do Mỹ dẫn đầu gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Ảnh: Delil Souleiman / AFP qua Getty Images
Mỹ không còn mạnh như nhiều người nghĩ…
Với kiến thức và kinh nghiệm, ông Joe Biden thừa biết quyết định triệt thoái không điều kiện khỏi Afghanistan là sai. Trước và ngay sau khi đắc cử ông đã tuyên bố sẽ không rút quân. Có lẽ bộ tham mưu của ông sau đó đã khiến ông thay đổi quyết định.
Lý do chính là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 sắp tới. Đảng Cộng Hòa chắc chắn 100% sẽ khai thác sự hiện diện kéo dài của Mỹ tại Afghanistan và họ có nhiều triển vọng sẽ giành được đa số tại Hạ Viện, không chừng luôn cả Thượng Viện, nhất là nếu xảy ra một biến cố bất lợi, với hậu quả là Joe Biden sẽ bị trói tay sau đó.
Sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan cần thiết cho thế giới và cho cả Mỹ nhưng trong nhất thời nó là một tốn kém cho nước Mỹ và Đảng Cộng Hòa sẽ khai thác. Chính trị Mỹ đã xuống cấp tới độ mà các chính trị gia chỉ còn một ưu tư duy nhất là được bầu, bất chấp đúng, sai, lợi, hại. Ngay cả một dự luật rất đúng và thực ra đã phải có từ lâu rồi như dự luật Kết Cấu Hạ Tầng (Infrastructure) cũng bị toàn bộ Đảng Cộng Hòa chống lại và một vài dân biểu và thượng nghị sĩ Dân Chủ do dự, không phải vì không đồng ý mà vì sợ mất phiếu và thất cử.
Nền dân chủ Mỹ đang rất bệnh hoạn. Hạ Viện, định chế quyền lực quan trọng nhất, chỉ có nhiệm kỳ hai năm. Các dân biểu vừa được bầu thì đã phải lo tranh cử, còn thời giờ nào để nghiên cứu và suy nghĩ về những vấn đề lớn và dài hạn? Thượng Viện chỉ có rất ít tính chính đáng dân chủ – vì quá 2/3 thượng nghị sĩ chỉ do 13% cử tri toàn quốc bầu ra – nhưng lại có quá nhiều quyền. Chi phí tranh cử rất cao và không được ngân sách quốc gia tài trợ đã khiến các dân biểu và thượng nghị sĩ, cấp bang cũng như cấp liên bang, trên thực tế đều do một thiểu số rất nhỏ các nhà tài trợ – khoảng 65.000 người hay 0,02% dân số Mỹ – chọn trước. 99,98% người Mỹ còn lại chỉ được bầu giữa những ứng cử viên đã được họ chấp nhận. Lối bầu tổng thống qua cử tri đoàn không chỉ khiến một người được nhiều phiếu nhất có thể thất bại mà còn đưa tới hậu quả tai hại là kết quả bầu cử thực ra chỉ được quyết định trong một vài bang đong đưa (swing states). Đó chỉ là vài thí dụ trong vô số những tật bệnh cần được chữa trị – nhưng khó chữa trị vì đã để quá lâu – trong chế độ chính trị Mỹ.
Tất cả những cải tổ thể chế cần thiết đều rất khó thực hiện, nếu không muốn nói là không thể thực hiện, nếu Mỹ không thay thế được chế độ tổng thống. Chế độ tổng thống đã là một tiến bộ rất lớn so với các chế độ quân chủ và độc tài, đã giúp Mỹ vươn lên trở thành siêu cường số 1 trên thế giới nhưng ngày nay nó đã lỗi thời và phải được thay thế. Cũng như máy hơi nước đã là một phát minh lớn tạo ra một bước nhảy vọt cho thế giới nhưng rồi cũng phải bỏ đi vì thế giới đã tiến. Chế độ tổng thống tự nhiên giữ dân trí ở mức độ thấp và dẫn tới chủ nghĩa dân túy. Donald Trump đã là một thí dụ. Sự kiện ông ta vẫn còn được gần một nửa dân Mỹ ngưỡng mộ là một báo động rất nghiêm trọng về dân trí Mỹ.
Một nguy cơ lớn mà một cách lạ lùng ít ai đề cập tới là sự mất thăng bằng quá lớn và ngày càng lớn thêm giữa tài đức và quyền lực, giữa bộ máy nhà nước và nhân sự chính trị tại Mỹ. Các tướng lãnh và các viên chức cao cấp trong các cơ quan nhà nước Mỹ có trình độ văn hóa, kiến thức và chuyên nghiệp rất cao. Trái lại nhân sự chính trị, kể cả các tổng thống như Bill Clinton, George W. Bush, Donald Trump, thì lại quá kém về tài (như Bush) hoặc về đức (Clinton) hoặc cả tài lẫn đức (Donald Trump). Những người tài đức tại Mỹ, nhất là các tướng lãnh, còn đủ kiên nhẫn để chịu đựng quyền lãnh đạo của đám chính trị gia tồi dở bao lâu nữa? Phải coi chừng, tức nước có thể dẫn đến vỡ bờ.
Nước Mỹ đã quá chia rẽ vào giữa lúc đang cần những cải tổ lớn và khó khăn. Sức mạnh của một dân tộc trước hết là sự đoàn kết. Gần một nửa người Mỹ không còn nghĩ tới quốc gia nữa và nhìn nhiều người Mỹ khác như thù địch chỉ vì khác màu da, tôn giáo hay khác quan điểm trên những vấn đề như phá thai, di dân, môi trường v.v.. Nước Mỹ không còn là một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung. Giấc mơ Hoa Kỳ – The American Dream – cũng ít còn được nhắc tới. Sự chia rẽ đang khiến nước Mỹ tê liệt mặc dù những phương tiện đồ sộ. Nước Mỹ không còn sức mạnh như đáng lẽ nó phải có.
…và không còn vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ
Joe Biden trong khi tranh cử tổng thống đã công bố chính sách của ông qua một bài báo rất hay trên tạp chí Foreign Affairs với tựa đề Why America must lead again? (Tại sao Mỹ lại phải lãnh đạo?). Ông cam kết sẽ triệu tập ngay trong năm 2021 một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về dân chủ để thành lập một mặt trận dân chủ thống nhất với mục tiêu thiết lập một trật tự dân chủ trên thế giới và ngăn chặn các chế độ độc tài tại Trung Quốc và Nga. Mặt trận dân chủ này chắc chắn sẽ thiết lập được vì các nước dân chủ đều cần và muốn nhưng câu hỏi lớn đặt ra là Mỹ còn xứng đáng và còn có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo như Joe Biden mong muốn hay không?
Quyết định triệt thoái không điều kiện khỏi Afghanistan vừa một lần nữa chứng tỏ rằng: ngay cả với một tổng thống đầy tài năng, thiện chí và kinh nghiệm như Joe Biden, Mỹ vẫn có thể phải bội ước. Vậy có gì bảo đảm rằng Mỹ sẽ không phản bội giữa đường? Có gì bảo đảm rằng trong tương lai người Mỹ lại sẽ không bầu một tổng thống như Donald Trump?
Vậy thì câu trả lời chỉ có thể là "Không, dứt khoát không !".
Mỹ không còn xứng đáng và cũng không còn khả năng lãnh đạo thế giới dân chủ. Trong trung hạn Mỹ vẫn là nước dân chủ mạnh nhất và có vai trò quan trọng nhất trong mặt trận dân chủ nhưng sẽ chỉ là vai trò thứ nhất trong số các đồng minh và đối tác ngang hàng.
Một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư trong lịch sử thế giới, đã bắt đầu từ mười năm nay nhưng đã bị khựng lại vì phong trào dân túy đột phát tại nhiều nơi, kể cả tại Mỹ. Làn sóng dân chủ này đang hồi phục và sắp dâng lên không phải nhờ nước nào hay vĩ nhân nào mà giản dị là vì nhân loại đã văn minh hơn. Với Mỹ trong vai trò lãnh đạo nó có thể gặp những rủi ro bất ngờ đáng lẽ không có. America must not lead again.
.
Nguyễn Gia Kiểng
(23/04/2021)
Xem toàn bộ bài diễn văn, do Hồng Việt dịch: “Vì sao Hoa Kỳ phải nắm lại vai trò lãnh đạo”
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thoisu/whyamericamustnot.htm