Trọng Thành
Vì sao sách giáo khoa Việt Nam vẫn ‘‘né tránh’’ cuộc chiến biên giới với Trung Quốc?
.
Một góc thị xã Lào Cai, tây bắc Việt Nam, bị tàn phá trong
cuộc tấn công của Trung Quốc, tháng 2/1979. © Flirkt
Ngày 17/02/1979, Trung Quốc mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam. Cuộc chiến biên giới khốc liệt giữa hai quốc gia “cộng sản” còn âm ỉ kéo dài đến tận năm 1989 tại một số địa điểm. Tuy nhiên, cho đến nay “cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba”, theo cách gọi của một số sử gia, vẫn gần như hoàn toàn vắng mặt trong sách giáo khoa môn lịch sử Việt Nam.
Thực trạng giảng dạy về cuộc chiến biên giới Việt - Trung ra sao? Những lý do gì khiến cuộc chiến Việt - Trung gần như bị gạt khỏi môn lịch sử? RFI tổng hợp một số thông tin về chủ đề này, đặc biệt qua bài “Why Won’t Vietnam Teach the History of the Sino-Vietnamese War?” của Travis Vincent (trên The Diplomat, ngày 09/02/2022).
***
1/ Việc giảng dạy về lịch sử cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung hiện tại ra sao trong nhà trường Việt Nam?
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ cuộc chiến 1979, nhưng việc giảng dạy về cuộc xung đột này vẫn gần như vắng bóng trong các trường học phổ thông cũng như đại học. Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 ở Việt Nam, phiên bản 2001, thuật lại cuộc chiến biên giới Việt - Trung năm 1979 vỏn vẹn với 24 dòng ở cuối cuốn sách. Phiên bản năm 2018 về chủ đề này thậm chí rút lại nội dung xuống chỉ còn 11 dòng.
Sự cố tình quên lãng này tương phản một cách kỳ lạ với lịch sử chiến tranh chống lại các triều đại phương Bắc được giảng dạy rất cặn kẽ trong nhà trường Việt Nam. Từ lớp 6, lớp 7, học sinh Việt Nam đã được học về một nghìn năm Bắc thuộc, về các cuộc chiến tranh giải phóng và kháng chiến kể từ chiến thắng Bạch Đằng năm 938 chống lại nhà Nam Hán. Các cuộc chiến tranh được tìm hiểu sâu hơn từ lớp 10. Sự im lặng trước cuộc chiến cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người, thường dân và bộ đội Việt Nam, cùng binh sĩ Trung Quốc, đặt ra nhiều dấu hỏi.
Tác giả bài viết “Why Won’t Vietnam Teach the History of the Sino-Vietnamese War?”, nhà hoạt động xã hội Travis Vincent đã tập hợp nhiều nhân chứng về vấn đề này. Cô Nguyễn Ngọc Trâm, giáo viên lịch sử tại một trường trung học tư thục ở Hà Nội, nhận định: cuộc chiến tranh nà được đưa vào cuối chương trình của năm học, vì vậy không ai chú ý đến nó. Chiến tranh biên giới Việt - Trung cũng không phải là nội dung thi, nên học sinh không có động lực. Theo cô giáo Nguyễn Ngọc Trâm, rất nhiều bạn bè cô – không học chuyên ngành lịch sử – đã không hề hay biết về cuộc chiến này.
Đặng Ngọc Oanh, một sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sở dĩ biết đến cuộc chiến này là nhờ bố, một cựu chiến binh. Cô đã bị sốc khi biết có một cuộc chiến như vậy. Phạm Kim Ngọc, một sinh viên năm thứ 3 ngành Quan hệ quốc tế tại TP. HCM, thuật lại việc cô giáo đề cập đến cuộc chiến trong một bài giảng ngắn, nhưng không có sách giáo khoa nào về chủ đề này. Với các sinh viên, “một sự kiện như vậy vẫn còn được coi là nhạy cảm”, trong lúc Trung Quốc được coi như một quốc gia quan trọng hàng đầu trong chương trình.
Cho đến nay, những lời kêu gọi của các chuyên gia về cải cách sách giáo khoa lịch sử, để đưa đầy đủ thông tin hơn về cuộc chiến Việt - Trung 1979, nhưng chính quyền vẫn im hơi lặng tiếng, mặc dù chính phủ đã cho phép thông tin và thảo luận cởi mở hơn về cuộc chiến nói trên trên truyền thông nhà nước.
2/ Những lý do gì khiến cuộc chiến Việt - Trung gần như bị gạt khỏi môn lịch sử?
Trung Quốc là thế lực chủ yếu hậu thuẫn chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong các cuộc chiến chống lại Pháp, và sau này là Mỹ, và chế độ Việt Nam Cộng Hòa do Mỹ hậu thuẫn, tuy nhiên quan hệ giữa hai nước xuống dốc nhanh chóng kể từ những năm 1970. Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, trong lúc Việt Nam vẫn gắn bó với khối Liên Xô. Sau khi Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, được Trung Quốc hậu thuẫn, Bắc Kinh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới năm 1979, mà Trung Quốc gọi là để dạy cho “tiểu bá” Việt Nam một bài học. Trong bản Hiến pháp năm 1980, chế độ cộng sản Việt Nam đã gọi quốc gia đàn anh “môi hở răng lạnh” trước đây là “bá quyền Trung Quốc xâm lược”, “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm hiểm nhất”.
Từ năm 1980 đến năm 1987, Hà Nội đã có nhiều động thái chính thức và bí mật để nối lại đàm phán bình thường hóa với Bắc Kinh, nhưng không có kết quả. Tháng 3/1988, Trung Quốc cưỡng chiếm nhiều khu vực thuộc quần đảo Trường Sa, do Việt Nam kiểm soát, với vụ Gạc Ma khiến 64 binh sĩ Việt Nam hy sinh. Tuy nhiên, cũng chính vào tháng 12/1988, Quốc Hội Việt Nam đã từ bỏ diễn đạt Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất” ra khỏi Hiến pháp, để mở đường cho quá trình bình thường hóa quan hệ.
Trong bối cảnh khối Liên Xô sụp đổ, Việt Nam bị cô lập, Bắc Kinh cũng bị quốc tế cô lập sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, hai đảng Cộng Sản đã tổ chức họp bí mật năm 1990 tại Thành Đô, Trung Quốc. Kết quả là chính quyền Việt Nam đã chọn không kỷ niệm chính thức cuộc chiến Việt - Trung năm 1979. Quan hệ được bình thường hóa năm 1991. Năm 1999, Hà Nội và Bắc Kinh thiết lập “quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện”.
Thỏa thuận giữa ban lãnh đạo hai đảng Cộng Sản đóng vai trò chính trong việc cuộc chiến 1979 và giai đoạn chiến tranh biên giới dai dẳng trong thập niên 1980 bị chìm trong quên lãng, trong xã hội nói chung và bị gạt ra khỏi sách giáo khoa nói riêng. Ngoài sách giáo khoa, trong nhiều bảo tàng, cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc năm 1979 đã được tránh nhắc đến. Nhiều vết tích liên quan đến cuộc xâm lăng của Trung Quốc bị xóa bỏ, vùi trong quên lãng.
3/ Những năm gần đây dường như đã có một số thay đổi quan trọng? Đâu là những tác nhân chính mang lại thay đổi?
Năm 2016 được coi là bước ngoặt đáng chú ý trong thái độ của chính quyền đối với biến cố lịch sử này. Tháng 2/2016, chủ tịch nước Trương Tấn Sang là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam có chuyến viếng thăm tưởng niệm các binh sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc, tại Cao Bằng. Kể từ đó, các dịp kỷ niệm 17/02, thông tin về cuộc chiến Việt - Trung 1979 được nhắc đến nhiều hơn trên truyền thông Nhà nước, cho dù bài vở vẫn bị kiểm duyệt.
Đầu năm nay, thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Đài tưởng niệm liệt sĩ chống Trung Quốc năm 1979 tại tỉnh Quảng Ninh. Việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ hy sinh tại Vị Xuyên (Hà Giang), nơi chiến tranh diễn ra dữ dội từ 1984 đến 1989, đã được chính quyền ủng hộ.
Về phía chính quyền, tác giả bài tổng thuật trên The Diplomat ghi nhận, Hà Nội đã có một thay đổi đáng kể, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn ở Biển Đông. Năm 2014, căng thẳng giữa hai nước leo thang đến đỉnh điểm với việc Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu vào trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc bùng lên khắp cả nước. Ký ức về cuộc chiến sống lại trong công chúng. Nhiều người bắt đầu quan tâm hơn đến các xung đột vũ trang trong quá khứ gần đây với láng giềng phương Bắc. Một số người dân tổ chức biểu tình, kiến nghị, yêu cầu Nhà nước chính thức tưởng niệm các liệt sĩ, nạn nhân cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc xâm lược.
Đóng vai trò hàng đầu trong việc mở lại các thảo luận về chiến tranh biên giới Việt - Trung, là các cựu chiến binh Việt Nam, từng tham gia xung đột, cùng các thân nhân của họ. Đặc biệt là những quân nhân tham gia chiến đấu tại Vị Xuyên (Hà Giang). Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an Việt Nam, thừa nhận “có thể kéo dài đến năm 2014 tức là 35 năm chúng ta không kỷ niệm mít tinh, không hội thảo, truyền thông cũng không nói về cuộc chiến này” (Dân Việt, ngày 17/02/2022).
Tuy nhiên, nhìn chung, các lễ kỷ niệm hàng năm cuộc chiến Việt - Trung được đánh giá là ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với các chiến thắng chống Pháp và Mỹ. Trong nhiều xuất bản báo chí, hay sách, nhiều người vẫn tránh nhắc đến từ Trung Quốc. Cuốn “Những người đi giữ biên cương”, một trong những cuốn sách hiếm hoi về chiến tranh biên giới phía Bắc xuất bản năm 1979, cũng tránh nhắc đến từ Trung Quốc. Cô giáo dạy môn sử tại trường trung học ở Hà Nội, Nguyễn Ngọc Trâm, vẫn phải rất thận trọng khi đưa các nội dung liên quan đến cuộc chiến vào bài giảng, do lo ngại sẽ bị phụ huynh “phàn nàn vì nội dung dạy khác với sách giáo khoa”.
4/ Những trở lực nào khiến sách giáo khoa vẫn sẽ gần như không nói đến cuộc chiến biên giới Việt - Trung?
Bài viết của Travis Vincent trên The Diplomat dẫn lại nhận định của ông Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, trả lời BBC năm 2018, cho biết hiện tại khó nói là ai đã “đạo diễn” không khí im lặng về cuộc chiến biên giới Việt - Trung.
Còn theo giáo sư Vũ Tường, Khoa Chính trị học đại học Oregon (Hoa Kỳ), cho đến nay, cuộc chiến tranh Trung-Việt vẫn chia rẽ giới lãnh đạo Hà Nội. Giáo sư Vũ Tường nói đến hai phe, có lập trường đối kháng về chủ đề này: một phe đổ lỗi cho Lê Duẩn, cố lãnh đạo đầy quyền uy của đảng Cộng Sản Việt Nam (1907 - 1986), do lập trường chống Trung Quốc, phe kia ngược lại cho rằng đảng đã mắc sai lầm, khi quá tin vào Trung Quốc. Một trong những câu hỏi mà nhiều lãnh đạo Việt Nam có thể lo ngại khi phải đối mặt, đó là “Liệu Việt Nam có thể tránh được cuộc chiến năm 1979 với Trung Quốc?”. Giả thiết được nhiều nhà quan sát chia sẻ là Bắc Kinh “sẽ không dám tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô chống lại Việt Nam, nếu Việt - Mỹ sớm bình thường hóa quan hệ” sau 1975.
Trả lời tác giả Travis Vincent qua email, giáo sư Vũ Tường nhận định: “Việc cho phép bất kỳ cuộc thảo luận nào về cuộc chiến đều có nguy cơ làm sâu sắc thêm rạn nứt đó,… phơi bày những sai lầm của ban lãnh đạo đảng”. Giáo sư Vũ Tường nhấn mạnh là: ”việc dạy trẻ em về cuộc chiến này có thể tạo ra áp lực dư luận buộc đảng phải rời xa Trung Quốc, và xích lại gần Mỹ hơn. Đây là điều mà đảng không muốn”.
Trả lời RFI tiếng Việt, nhà văn Phạm Viết Đào, tác giả của nhiều khảo cứu về cuộc chiến biên giới Việt Trung (trong đó có bộ biên khảo Vị Xuyên: Thế sự Việt - Trung) nhận định: giới lãnh đạo Việt Nam hiện tại có thể có nhiều “vướng víu” với Trung Quốc, họ bị “há miệng mắc quai”, nên không thể đưa ra được các thay đổi trong vấn đề sách giáo khoa, cho dù đòi hỏi trong xã hội về chuyện này trong những năm gần đây đã rất rõ ràng. Những phụ thuộc nặng nề về tài chính có thể là một nguyên nhân chính. Nhưng người dân không thể có bằng chứng về câu chuyện diễn ra trên thượng đỉnh quyền lực này.
.
Trọng Thành
Trích từ www.rfi.fr/vi, 18/02/2022
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/visaosachgiaokhoa.htm