Phạm Ɖình Lân
Việt Nam và Ukraine: Tương đồng và dị biệt
Trong những tháng vừa qua toàn thế giới theo dõi tin tức về cuộc nổi loạn ở Ukraine của phe chống Nga và chủ trương liên kết với Liên Âu; sự xâm lăng của Nga vào bán đảo Crimea và sát nhập bán đảo nầy vào Liên Bang Nga; rồi những cuộc nổi dậy của những người gốc Nga ở các tỉnh (oblast) miền đông và đông nam Ukraine đòi sáp nhập các tỉnh Donetz, Kharkhiv và Luhansk vào Nga bằng một cuộc trưng cầu dân ý như đã làm ở Crimea nhưng không cần có sự can thiệp quân sự của quân Nga như đã thấy ở Crimea vào tháng 3 vừa qua. Trước sự xâm lăng trắng trợn của Nga vào Crimea và tổ chức trưng cầu dân ý tách rời Crimea ra khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga bằng sức mạnh của võ khí bất chấp luật pháp quốc tế, chánh phủ Hà Nội tán đồng việc làm võ đoán của Nga. Một tiến sĩ họ Vũ ở Hà Nội mạt sát người Ukraine ở Kiev đã biểu tình và lật đổ tượng của Lenin. Beijing (Bắc Kinh) thích thú với việc làm của Putin nhưng giả vờ tỏ ra ‘không tán đồng’ bằng cách bỏ phiếu trắng trong quyết định lên án hành động của Nga ở Crimea tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Việt Nam không làm gì khác hơn là bỏ phiếu trắng như CHNDTQ.
Trong bài viết nầy chúng tôi cố đưa ra những tương đồng và dị biệt giữa Việt Nam và Ukraine trước hai cường lân: CHNDTQ và Liên Bang Nga.
Những tương đồng giữa Việt Nam và Ukraine:
1- Quá khứ thuộc địa
Việt Nam trải qua trên 1.000 năm bị Trung Hoa đô hộ và gần một thế kỷ đặt dưới sự đô hộ của Pháp. Trung Hoa là một cường lân và một đế quốc đối với Việt Nam. Ukraine trải qua trên 2 thế kỷ dưới ách đô hộ của Nga (thế kỷ XVIII đến 1917). Người Nga vẫn xem đông bộ và nam bộ Ukraine là Novorossiya có nghĩa là Tân Nga Quốc. Đó là các vùng Donetz, Odessa, Luhansk, Dnipropotrovsk. Bây giờ Putin nhấn mạnh thêm Kharkiv (trước kia vùng nầy không nằm trong Novorossiya của đế quốc Nga). Khi cách mạng tháng 10 thành công năm 1917, Lenin tỏ ra chế độ Cộng Sản do ông lãnh đạo khác với đế quốc Nga thời Nga Hoàng. Ông cho thi hành chánh sách Korenizatsiya nhằm bản địa hóa (indigenization) Ukraine thay vì Nga hóa như đã thi hành dưới chế độ Nga hoàng. Năm 1920 Ukraine trở thành Cộng Hòa Nhân Dân Sô Viết. Năm 1922 đó là một Cộng Hòa Sô Viết trong Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết. Stalin là tổng bí thơ đảng Cộng Sản Liên Sô chủ trương Nga hóa Ukraine. Tiếng Ukraine không được dạy trong trường học. Chánh sách Korenizatsiya chấm dứt. Năm 1932-1933 Ukraine bị nạn đói mà người Ukraine gọi là Holodomor (nạn đói giả tạo nhằm mục đích diệt chủng Ukraine).
2- Quá khứ Cộng sản
Khi Cách Mạng Tháng 10 thành công, Ukraine trở thành một nước Cộng Sản rồi một Cộng Hòa Sô Viết, một bộ phận của Liên Sô. Khrushchev và Brezhnev là người Ukraine trở thành hai vị lãnh đạo Liên Sô sau khi Stalin chết.
Hồ Chí Minh được huấn luyện ở Liên Sô năm 1924 và1934. Ông thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam, sau đổi thành đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1930. Các ông Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn... đều được huấn luyện ở Liên Sô và có tên Nga. Năm 1945 Hồ Chí Minh cướp chánh quyền ở Hà Nội. Nhưng chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lúc bấy giờ chưa công khai là một chánh phủ Cộng Sản và chế độ Cộng Sản chưa được thực thi lúc bấy giờ. Mãi đến năm 1954 chế độ Cộng Sản mới được thiết lập ở miền Bắc Việt Nam. Năm 1975 chánh phủ Sài Gòn sụp đổ. Cộng Sản chiếm miền Nam Việt Nam và thống nhất đất nước dưới quốc hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Năm 1991 Liên Sô sụp đổ, Ukraine được độc lập khỏi Nga. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dưới thời Lê Duẩn sát cánh với Liên Sô và chống lại Trung Hoa Cộng Sản. Hai quốc gia Cộng Sản láng giềng đánh nhau đẫm máu ngoài biên giới năm 1979. Nhưng trước và sau khi Liên Sô sụp đổ, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam như Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh xin hàng phục Beijing và chấp nhận mọi điều kiện do Beijing đưa ra. Cho đến nay chế độ Cộng Sản vẫn tồn tại vững mạnh ở Việt Nam nhờ hậu thuẫn của Trung Hoa Cộng Sản. Cố nhiên Cộng Sản Việt Nam phải chịu một số điều kiện nặng nề nào đó không thể tiết lộ được.
3- Kinh tế yếu kém
Ukraine là xứ rộng lớn có đồng bằng phì nhiêu, có nhiều quặng mỏ và kỹ nghệ sắt, thép, xe hơi vận tải, phi cơ, võ khí... nhưng kinh tế Ukraine sau ngày độc lập vẫn còn thấp kém. Ukraine lệ thuộc Nga về dầu khí. Kinh tế Việt nam sau ngày ‘đổi mới’ theo kinh tế thị trường có nhiều tiến bộ so với thời kỳ kinh tế chỉ huy. Đời sống dân chúng có cải thiện nhưng nhìn chung kinh tế Việt Nam vẫn là kinh tế nông nghiệp thấp kém.
Quốc Gia Lợi Tức Thứ Hạng Trong Sạch
Việt Nam 1.900 MK 116/ 177
Ukraine 3.860 MK 144/ 177
4. Bị cường lân đe dọa
Ukraine bị cường lân Nga nằm về hướng đông đe dọa. Việt Nam bị cường lân Trung Hoa phía bắc đe dọa. Đó là những điểm tương đồng của hai nước Việt Nam và Ukraine. Giữa hai nước có sự dị biệt nào?
Những dị biệt:
1. Năm 1917 chế độ Nga hoàng sụp đổ ở Nga. Nhưng Ukraine không phải là nước độc lập. Ukraine đương nhiên trở thành một Cộng Hòa Nhân Dân theo chế độ Cộng Sản và chủ nghĩa Marx-Lenin từ vị thế của một vùng đất đặt dưới sự đô hộ của đế quốc Nga. Ông Hồ Chí Minh được đảng Cộng Sản Pháp đưa sang Liên Sô huấn luyện để trở thành cán bộ của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Ông là người đưa chủ nghĩa Marx- Lenin vào Việt Nam và tự nguyện đưa nước Việt Nam theo chế độ Cộng Sản dưới sự lãnh đạo của Moscow. Khi Liên Sô sụp đổ, Ukraine vui mừng vì được độc lập thoát khỏi chế độ Cộng Sản và sự kìm kẹp của Nga trong khi chế độ Cộng Sản vẫn tồn tại ở Việt Nam. Lần nầy Cộng Sản Việt Nam đổi chủ từ Liên Sô sang Trung Hoa Cộng Sản. Tượng của Lenin đứng sừng sững ở Hà Nội trong khi nhân dân Ukraine ở Kiev đập phá tượng Lenin. Như vậy người Cộng Sản Việt Nam nặng về việc cướp chánh quyền, bám lấy nó để hưởng quyền lợi chớ không bao giờ nghĩ đến quyền lợi, tương lai của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
2. Người Ukraine chán ghét người Nga và chế độ Cộng Sản mặc dù có hai người Ukraine nắm chánh quyền cao nhất ở Liên Sô: Nikita Khrushchev (1894-1917) và Leonid Brezhnev (1906-1982) khác với tỉnh Hà Tĩnh vinh hạnh sản xuất ba nhân kiệt lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam: Trần Phú (sinh ở Phú Yên nhưng gốc Hà Tĩnh), Hà Huy Tập và Lê Duẩn (gốc Hà Tĩnh nhưng sinh ở Quảng Trị). Trước đền thờ của Lê Duẩn ở Hà Tĩnh có câu đại để Chúng ta chiến đấu vì Liên Sô và Trung Quốc. Người Ukraine không hân hạnh có Khrushchev và Brezhnev giữa lúc quê hương họ mất trên bản đồ, tiếng nói của họ bị chôn lấp. Hàng triệu tiền nhân của họ bị ‘diệt chủng’ vì nạn đói giả tạo. Người Ukraine có nhiều liên hệ với Nga về chủng tộc, chữ viết Cyrillic và Chính Thống Giáo nhưng họ quá kinh sợ Nga. Trái lại bác Hồ xem Lenin là cha, thầy và cố vấn vĩ đại. Bác khóc òa khi hay tin Lenin mất như dân Bắc Hàn khóc trước đám tang của cha con nhà họ Kim năm 1992 và 2011. Tố Hữu khóc sướt mướt khi nghe Stalin chết.
3. Ukraine bị Nga thường xuyên đe dọa.Họ dám tỏ thái độ chống Nga và luôn luôn tìm cách thân thiện với các nước dân chủ Tây phương. Họ ao ước được như Ba Lan hay Latvia, Estonia, Lithuania..., nghĩa là được gia nhập vào Liên Âu và trở thành thành viên NATO. Việt Nam chuyển sự thán phục từ Liên Sô Sang Trung Hoa Cộng Sản sau khi Liên Sô sụp đổ. Bắc Hàn cũng chịu ảnh hưởng của Trung Hoa Cộng Sản. Kim II Sung (1912-1992) gia nhập đảng Cộng Sản Trung Hoa. Kinh tế Bắc Hàn lệ thuộc vào Trung Hoa Cộng Sản sâu đậm vì nước nầy không có quan hệ ngoại giao rộng rãi với cộng đồng thế giới. Tuy vậy mức độ thán phục của Bắc Hàn đối với Trung Hoa Cộng Sản không tệ hại như Việt Nam. Vì giữa Bắc Hàn và Trung Hoa Cộng Sản chưa có chiến tranh với nhau mặc dù Bắc Hàn và Việt Nam đều có chánh sách đu dây giữa Beijing và Moscow.
Liên hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa Cộng Sản bị ràng buộc bởi ‘Bốn Tốt’ và ‘Mười Sáu Chữ Vàng’. Đó là sự trừng phạt của Trung Hoa Cộng Sản đối với Cộng Sản Việt Nam một thời ngã theo Liên Sô và sung đột võ trang với họ vào năm 1979 và những năm kế tiếp ngoài các tỉnh biên giới. Từ năm 1950 Cộng Sản Trung Hoa đưa người vào guồng máy chánh quyền và đảng Cộng Sản Việt Nam. Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt (Hà Bá Cang), Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn (Thọ), Lê Đức Anh, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu... đều là những người Cộng Sản thuộc khuynh hướng Mao. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đong đưa giữa hai khuynh hướng Maoist và Sô Viết. Cả hai quay hẳn về Liên Sô khi Mao Zedong ân cần tiếp đón tổng thống Nixon của Hoa Kỳ năm 1972. Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng tái qui phục Trung Hoa Cộng Sản sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu (1989) và lung lay ở Liên Sô. Phan Văn Khải được đào luyện ở Liên Sô khi tập kết ra Bắc với tư cách là học sinh thuộc gia đình tham gia kháng chiến ở Nam Bộ. Ông trù trừ trong việc tán đồng các hiệp ước Hoa-Việt năm 1999 và 2000 chấp nhận mất đất ngoài biên giới Việt-Hoa, mất biển và đảo nên bị mang tiếng là người ‘tham nhũng nhất nước’. Nông Đức Mạnh là người Tầy trở thành người có quyền hành nhất nước vì lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, tự nhận mình là người Choang (Zhoang), một sắc tộc thiểu số ở Guangxi (Quảng Tây), và được xem là con của Bác Hồ với người đẹp họ Nông! Trong những năm 2009, 2010, 2011 những người biểu tình chống Trung Hoa Cộng Sản về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa đều bị công an đàn áp và lùng bắt gắt gao. Các tướng lãnh công an đều được thăng chức nhờ đàn áp những cuộc biểu tình chống Trung Hoa Cộng Sản tuy rằng những cuộc biểu tình nầy qui tụ không quá 300 người ở Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn). Năm 2010 lễ Ngàn Năm Thăng Long được cử hành đúng ngày Quốc Khánh của CHNDTQ (01-10) và bế mạc vào ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan-Đài Loan) (10-10 – ngày Song Thập). Cuối năm 2011, nhân chuyến viếng thăm Hà Nội của Xi Jinping (Tập Cận Bình), các học sinh mang cờ Trung Hoa Cộng Sản với 5 sao nhỏ chầu một ngôi sao lớn như ám chỉ Việt Nam là ngôi sao thứ năm tức là một quận hay một tỉnh của CHNDTQ. Tượng Lý Thái Tổ được đúc ở Trung Hoa lục địa. Phim vua Lý Thái Tổ thiên đô từ Hoa Lư về Thăng Long được quay trên lục địa Trung Hoa bằng đào kép người Hán! Chùa chiền mới ở Việt Nam đều nguy nga tráng lệ và đầy ắp chữ Hán.
4. Ukraine lo sợ bị Nga hóa. Họ tìm cách xích lại gần các nước Âu Châu ở phía Tây để học hỏi, phát triển và tìm tàn dù an ninh. Từ năm 1990 về sau CHXHCNVN tự Hán hóa để nhờ tàn dù Trung Hoa Cộng Sản bảo vệ chánh quyền để đảng viên CS trở thành QUAN CHỨC và ĐẠI GIA hầu thụ hưởng vinh hoa phú quí lâu dài. Khi Trung Hoa Cộng Sản tấn công và chiếm quần đảo Hoàng Sa 1974 của VNCH, Hà Nội im lặng. Năm 1988 một phần quần đảo Trường Sa, những đảo san hô nhỏ hẹp không người ở nhưng có khả năng có những túi dầu quan trọng, bị Trung Hoa Cộng Sản chiếm đoạt sau khi đánh bại Hải Quân của CHXHCNVN. Beijing càng ngày càng lấn dần vào hải phận Việt Nam để khai thác dầu khí cung ứng cho nhu cầu kỹ nghệ của họ. Họ tự cho có chủ quyền trên 3 triệu km2 ở Đông Hải mà người Trung Hoa gọi là Nam Hải (South China Sea) và cấm chánh quyền Hà Nội cấp giấy phép thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng Lưỡi Bò chạy dài từ Phi Luật Tân xuống đến Mã Lai - Indonesia.
***
Trong 5 quốc gia khiếu nại chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (Việt Nam, Phi Luật Tân, Trung Hoa Dân Quốc <Đài Loan – Taiwan>, Mã Lai, Brunei) chỉ có Phi Luật Tân kiện CHNDTQ sau khi nước nầy chiếm bãi cạn Scarborough. Việc kiện thưa nầy không có kết quả gì nhưng Phi Luật Tân không còn cách nào hơn. Quân sự? Không được. Chỉ còn nhờ luật pháp quốc tế. Nhưng luật pháp quốc tế không đủ sức ngăn chận tham vọng biển đảo và tài nguyên dưới lòng biển của một quốc gia đang vươn lên về phương diện kinh tế và kỹ nghệ.
CHXHCNVN không dám làm như Phi Luật Tân với hàng loạt lý do tiêu cực che phủ bởi sự ‘yêu hòa bình’ và ‘đời sống của dân chúng’. Yêu hòa bình hay bị Trung Hoa Cộng Sản nắm thóp từ thời Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đến thời Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang…? Luận điệu của Hà Nội rất hùng hổ, sắt máu và ngạo nghễ khi nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975. Nào là Chín năm làm một Điện Biên. Nào là Ai thắng ai? Nào là đánh thắng mọi kẻ thù dù to lớn đến đâu và xuất phát từ đâu. Nhưng họ cấm đặt vòng hoa tưởng niệm các bộ đội tử trận trong Chiến Tranh Biên Giới với Trung Hoa Cộng Sản năm 1979. Các lãnh đạo đảng Cộng Sản, chánh phủ CHXHCNVN phải sang Trung Hoa lục địa báo cáo những điều mà Beijing cần biết, nhất là ngoại giao, nội vụ và quốc phòng. Cuối năm 2011, trước khi chánh thức cầm quyền trên lục địa, Xi Jinping thăm viếng Hà Nội. Người mà ông cần gặp và trao mệnh lệnh là đại tướng Lê Hồng Anh đặc trách Công An có bổn phận đàn áp biểu tình, theo dõi những đảng viên Cộng Sản không theo chủ nghĩa Mao, lùng bắt những người đấu tranh đòi dân chủ v.v... Đó là tất cả những ẩ̉n dấu cho thấy Việt Nam đặt dưới gông kìm của CHNDTQ.
Việc Việt Nam mua võ khí, tàu bè, phi cơ, tàu chiến không cùng ý nghĩa tự vệ và bảo vệ đất nước như các nước khác mà chỉ là một hành động có tính tượng trưng mà thôi. Các nước khác mua võ khí, tàu bè, phi cơ nhằm tự vệ và bảo quốc vẫn biết rằng họ không đủ sức đương đầu với một kẻ thù to lớn có một nền kinh tế đang lên. Các nước ASEAN đó khác với Việt Nam vì họ không lệ thuộc Trung Hoa Cộng Sản như Việt Nam. Tổng thống, thủ tướng, tổng trưởng quốc phòng hay tổng trưởng bộ nội vụ các nước ấy không phải đến Trung Hoa lục địa để báo cáo như Việt Nam đã làm vì cùng đảng Cộng Sản, cùng chủ nghĩa Marx-Lenin-Mao nên Việt Nam còn bị ràng buộc bởi Bốn Tốt và Mười Sáu Chữ Vàng như là điều kiện để được Beijing chấp nhận cho tái thần phục! Chánh quyềnViệt Nam có thối nát, vô khả năng và gây tai hại cho đất nước đến đâu nó vẫn bền vững vì được Beijing bảo vệ. Việc đưa tàu ra phản đối Trung Hoa Cộng Sản thiết lập giàn khoan dầu cách đảo Lý Sơn 220 km và bị tàu Trung Hoa Cộng Sản đụng bể nhưng họ lại tạo cho Cộng Sản Việt Nam một thiên anh hùng ca là đã tấn công tàu của họ 171 lần! Người nhái Cộng Sản Việt Nam lặn gần tàu của họ 5m và thả lưới có vật kim khí nặng (ý muốn nói thủy lôi)! Cách nói đó tạo sự hào hùng giùm cho Cộng Sản Việt Nam. Sau đó không còn có tin gì về cách đối phó của CHXHCNVN trước sự lấn biển và tạo việc đã rồi trong vùng Lưỡi Bò rộng 3 triệu km2 trong Biển Đông để dần dần xác lập chủ quyền theo ý muốn của Beijing. Trong im lặng Việt Nam tuân lịnh Beijing, tự cô lập mình về phương diện ngoại giao quốc tế.
ASEAN nể sợ Trung Hoa Cộng Sản nên quan tâm đến vấn đề Biển Đông một cách dè dặt. Hội nghị ASEAN năm nay họp ở Miến Điện. Thông cáo chung của hội nghị có đề cập đến vấn đề Biển Đông khác với hội nghị ASEAN năm 2012 ở Cambodia. Nhưng thông cáo chung không đề cập đến giàn khoan HD-981 hay nói đích danh đến Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.
Giả sử Trung Hoa Cộng Sản tấn công Việt Nam trên biển, phần thua nghiêng về phía Việt Nam. Hải chiến thời nay không có điểm nào giống với các chiếc thuyền gỗ và cọc gỗ lim đóng dưới lòng sông Bạch Đằng thời Ngô Quyền và Trần Quốc Tuấn cả. Việt Nam hoàn toàn xa lạ với hải chiến, việc xử dụng tàu chiến ngoài biển cả.
Biểu tình?- Không làm cho Trung Hoa Cộng Sản nao núng đến nỗi phải tháo gỡ giàn khoan, nhất là những cuộc biểu tình do chánh quyền cho phép, có nghĩa là không xuất phát từ sự đoàn kết của toàn dân và lòng yêu nước cao độ của họ. Những cuộc biểu tình trước đây đều bị đàn áp, bắt bớ thì bây giờ những người đi biểu tình do chánh quyền Cộng Sản bật đèn xanh cũng sẽ bị bắt sau khi thành phần có thẩm quyền ở Việt Nam thân Beijing được lịnh phải bắt những người biểu tình bằng hình thức Trăm Hoa Đua Nở?
Trông đợi Hoa Kỳ? Giữa CHXHCNVN và Hoa Kỳ có cam kết gì mà Hoa Kỳ phải đụng độ với một đối thủ nặng cân? CHXHCNVN vẫn xem Hoa Kỳ là cựu thù.
Trông đợi vào Nga? Sự trông đợi nầy càng mơ hồ. Nga bán võ khí cho cả CHNDTQ, nước đe dọa tấn công, và CHXHCNVN, nước bị đe dọa tấn công. Nga bây giờ không còn là nước Cộng Sản. Nga đang hợp tác với Trung Hoa Cộng Sản tập trận ở Đông Bắc Á hầu gây rối loạn cho Hoa Kỳ, nghĩa là Nga âm thầm ủng hộ việc làm của Trung Hoa Cộng Sản ở Biển Đông!! Trước kia giữa Liên Sô và CHXHCNVN có ký hiệp ước hữu nghị 1978. Năm 1979 CHNDTQ tấn công CHXHCNVN ở các tỉnh biên giới năm 1979 và Trường Sa năm 1988 nhưng Liên Sô có can thiệp để giúp đỡ cho CHXHCNVN không?
Hòa Bình? Đó là điều kẻ gây hấn ước mong. Không ai yêu hòa bình bằng kẻ xâm lăng.
Giả sử Việt Nam bị tấn công trên bộ, Việt Nam cũng không có khả năng thắng trận vì Trung Hoa Cộng Sản có người khắp ba miền đất nước từ hai thập niên nay. Cambodia và Lào ngã theo họ nên khả năng bại trận của Việt Nam rất rõ ràng.
Kháng chiến? Các chiến khu rải rác khắp ba miền đã bị Trung Hoa Cộng Sản khai thác (trồng rừng, lập xa lộ, khai thác quặng mỏ). Các dân tộc thiểu số ở miền bắc gốc ở Yunnan (Vân Nam) hay Guangxi (Quảng Tây) sẽ nghiêng theo Trung Hoa Cộng Sản hay theo Cộng Sản Việt Nam? Ho ̣gần với ai? Nghiêng theo bên mạnh hay bên yếu? Người Việt gốc Hoa ngã theo Việt Nam? Toàn dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản? Đó là những giấc mơ hiếm khi xảy ra. Nhưng đó lại là sự thật hãi hùng.
Thực tế Trung Hoa Cộng Sản không cần đánh vẫn chiếm được Việt Nam qua những người lãnh đạo do họ đào tạo, nuôi dưỡng và tiếp sức từ nửa thế kỷ qua. Họ cũng không có lợi gì biến Việt Nam thành thuộc địa vừa mang tiếng vừa có trách nhiệm nuôi dân thuộc địa. Họ giữ nguyên trạng như hàng chục năm qua để đưa dân sang Việt Nam còn dễ dàng hơn sự đi lại của dân họ trong nước. Họ mua đất đai, cưới vợ người bản xứ và Hán hóa phần đất chữ S nầy không mấy khó khăn. Họ khai thác tài nguyên Việt Nam và biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ hàng hư mục hay độc hại của họ. Việc nuôi dân nghèo Việt Nam có 3 triệu người Việt Nam ở ngoài nước chăm lo. Những con số dưới đây làm cho chúng ta ngạc nhiên không biết tại sao Việt Nam luôn luôn mang ơn Trung Hoa Cộng Sản và cảm thấy mình quá nhỏ nhoi với dân số 90 triệu người khác với luận điệu hùng hổ thường ngày vào năm 1975 .
Quốc Gia | Trị Giá | |
---|---|---|
Nhập Cảng | CHNDTQ | 29,2 tỷ Mỹ Kim |
Hoa Kỳ | 06,3 tỷ Mỹ Kim | |
Xuất Cảng | CHNDTQ | 14,2 tỷ Mỹ Kim |
Hoa Kỳ | 19 tỷ Mỹ Kim |
Nga chiếm Ukraine khó khăn hơn Trung Hoa Cộng Sản thôn tính Việt Nam bằng giá rẻ nhất: đào tạo, nuôi dưỡng và chỉ huy giới lãnh đạo do họ tạo ra để họ xé nát đoàn kết dân tộc bằng chiến tranh, chánh sách cai trị hà khắc, kỳ thị giai cấp, kỳ thị địa phương, tham nhũng, hối lộ, bất công xã hội... để biến nhân dân lân quốc nhược tiểu thành những người nô lệ tự nguyện. Giới lãnh đạo được hưởng vinh hoa phú quí lâu dài; con cháu được quyền ‘thế tập’. Quần chúng được ru ngủ bằng tứ đổ tường nhưng tự hào hưởng thụ những tiện nghi xa xí nhất trên một đất nước chưa sản xuất được một chiếc xe đạp hoàn chỉnh được người trong nước ưa chuộng sau 40 năm hòa bình! Thế giới chỉ đưa ra những phản ứng thông lệ trước vụ tàu Trung Hoa Cộng Sản đụng tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam gần giàn khoan HD-981 cách đảo Lý Sơn 220 km bằng những ngôn từ ngoại giao được lập đi lập lại từ hàng chục năm qua.
Phản ứng của Liên Âu và Hoa Kỳ trong vấn đề Ukraine có vẻ tích cực hơn nhiều. Nga bị Liên Âu và Hoa Kỳ lên án về việc sáp nhập Crimea và cuốc trưng cầu dân ý ở Donetz và Luhansk (11-05-14) và dọa có biện pháp trừng phạt Nga về phương diện kinh tế. Quỹ Tiền Tệ Thế Giới cho Ukraine vay 17 tỷ để giải quyết những khó khăn kinh tế. Ukraine có lập trường rõ rệt. Liên Hiệp Quốc nhóm họp và lên án Nga xâm lăng Crimea và phủ nhận tính pháp lý của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea và việc sáp nhập bán đảo nầy vào Liên Bang Nga.
Ukraine không cô đơn. Trái lại Việt Nam rất đơn côi, hậu quả của đường lối độc tài, giáo điều, kiêu căng, hiếu chiến khiến cho Hà Nội tự cô lập mình về phương diện ngoại giao và cắt đứt quan hệ hữu hảo giữa chánh quyền và dân chúng. Việt Nam là một nước độc lập có 90 triệu dân lại thấy mình nhỏ nhoi trước Trung Hoa Cộng Sản. Nước Nhật có 127 triệu dân nhưng không có cảm giác thấp hèn trước quốc gia đông dân hơn họ gấp 10 lần. Ngoài sức mạnh kỹ thuật và võ khí họ có sức mạnh tinh thần: đoàn kết dân tộc và niềm tin trọn vẹn của toàn dân đối với những người lãnh đạo họ. Lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm và có viễn kiến cho tương lai đất nước và dân tộc mới tạo được sự đoàn kết dân tộc chặt chẽ như vậy. Họ không tự gán cho họ tinh thầ̀n hiếu hòa hay hiếu chiến mà phải có những hành động thích nghi khi tình thế đòi hỏi. Trước khi hành động họ phải nghiên cứu kỹ lưỡng Lợi, Hại, Thành, Bại để tránh những hậu quả tệ hại do sự thành hay bại gây ra. Họ không thấy nhỏ nhoi trước Trung Hoa trong chiến tranh năm 1894 và 1937. Họ không nhỏ nhoi trước Nga trong chiến tranh năm 1904 và 1905. Họ đụng độ với Hoa Kỳ năm 1941 nhưng họ là người Á Châu duy nhất nể phục Hoa Kỳ không phải vì bại trận do bom nguyên tử mà vì tinh thần nhân bản, dân chủ, sự kiến hiệu của tổ chức và quản lý, sự phát triển khoa học kỹ thuật, kinh tế tài chánh kỳ diệu của Hoa Kỳ. Họ vẫn kỷ niệm ngày Hiroshima và Nagasaki (06 và 09-08) nhưng không xem Hoa Kỳ là kẻ thù mà là ân nhân đã giúp cho kinh tế của họ vươn lên thời hậu chiến như đã giúp cho Đức và Ý ở Âu Châu.
Việc giúp đỡ cho kẻ cựu thù giàu mạnh là điều không thể có trong lịch sử nhân loại nhưng nó đã xảy ra với Hoa Kỳ và các nước trong phe Trục (Đức, Ý, Nhật). Chẳng những vậy Hoa Kỳ còn viện trợ cho cả Nam Tư (theo chế độ Cộng Sản) của thống chế Tito nữa. Trong thời kỳ cấm vận CHXHCNVN Hoa Kỳ làm ngơ cho người tỵ nạn Cộng Sản gởi tiền về giúp thân nhân ở Việt Nam. Sau khi bang giao với Việt Nam, Hoa Kỳ mua hàng xuất cảng của Việt Nam trị giá 19 tỷ Mỹ Kim mà chỉ bán cho Việt Nam 6 tỷ Mỹ Kim. Ngoài ra hàng năm người Việt Nam ở Hoa Kỳ gởi về nước gần 10 tỷ Mỹ Kim. Việt Nam có 10 tỷ Mỹ Kim mà không phải làm gì đổ mồ hôi. Nhật khuyến khích trẻ em Nhật trau dồi Anh ngữ. Bộ Giáo Dục Nhật dùng Anh ngữ trong các phiên họp của bộ. Họ không vong bản cũng không mất bản sắc Nhật khi làm như vậy. Trái lại họ ý thức rằng Hoa Kỳ là quốc gia mà họ cần học hỏi rất nhiều trên mọi lãnh vực. Trong tâm não họ không chối bỏ là con cháu của Amaterasu (Thái Dương Thần Nữ), cũng không từ bỏ sự kính trọng và yêu kính Nhật hoàng của họ.
Ukraine có thể mất một phần lãnh thổ nào đó như Crimea và một phần lãnh thổ ở phía đông và đông nam, nơi tổ chức trưng cầu dân ý đòi tự trị 11-05 vừa qua. Việt Nam có thể mất lý lịch nếu tình trạng hiện hữu tồn tại và kéo dài trong một thế giới phi chiến, phi hòa và phi đồng thuận nhau về mọi vấn đề từ quyền lợi kinh tế đến không gian sinh tồn. Sự hiện hữu danh dự hay đau đớn tủi nhục của nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam tùy vào sự định đoạt và lựa chọn của những người lãnh đạo hiện nay và 90 triệu dân Việt Nam. Chủ Nghĩa Cộng Sản, đảng Cộng Sản, sự tôn thờ lãnh tụ anh minh và những hào hùng gia trưởng không mang lại Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc thực sự cho đất nước và dân tộc.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.