Phạm Đình Lân


Vài thông điệp ngầm đầu năm 2016

 

Từ năm 2010 đến nay Tây Á tức vùng Trung Đông và Đông Á được xem như hai lò thuốc súng.

Ở Trung Đông ngoài những chuyện cũ liên quan đến Do Thái-Palestine, Do Thai-Iran-Hezbollah, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurds còn có cuộc nội chiến Syria, hoạt động tích cực của khủng bố Al Qaeda và nhất là khủng bố IS. Nhóm IS tự xưng là Quốc Gia Hồi Giáo chiếm vài thành phố lớn ở phía bắc Syria và Iraq gây ra những cuộc giết chóc đẫm máu nhằm vào những người Hồi Giáo không thuộc phái Sunni, người Sunni Kurds, tín đồ Thiên Chúa Giáo v.v... Nga và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rớt một phản lực cơ của Nga. Bang giao giữa Iran và Saudi Arabia căng thẳng vì những biến động chánh trị ở Yemen và việc Saudi Arabia xử tử hình một giáo phẩm Hồi Giáo Shiite ở Saudi Arabia khiến cho dân chúng Iran biểu tình đập phá sứ quán Saudi Arabia ở Tehran.

Ở Đông Á hòa bình trong vùng bị đe dọa bởi thái độ hung hăng của Trung Quốc trong việc tranh chấp biển đảo ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Đại Hàn, Nhật Bản luôn luôn đề cao cảnh giác trước hành động hiếu chiến của vị lãnh đạo trẻ của Bắc Hàn: Kim Jong Un. Nhật phải đương đầu với Trung Quốc về chủ quyền trên chòm đảo đá Senkaku không người ở nhưng nằm trong hệ thống hành chánh của Nhật từ đầu thập niên 1970. Năm 2013 Xi Jinping (Tập Cận Bình) nắm chức chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và tổng bí thơ đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông thừa hưởng thành quả của công cuộc hiện đại hóa do Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) khởi xướng và được Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) thực thi. Xi Jinping muốn theo gương Mao Zedong (Mao Trạch Đông) trong việc củng cố quyền hành và thiết lập chế độ tôn sùng cá nhân. Ông xem thường hai vị chủ tịch và tổng bí thơ đảng tiền nhiệm: Jiang Zemin và Hu Jintao bằng cách chặt vây cánh của hai vị này. Ông tự hào là Cộng Sản gốc còn hai vị kia không thuần túy Cộng Sản hay không xuất thân từ gia đình Cộng Sản. Nếu có cũng ở cấp thấp trong khi thân sinh Xi Jinping từng tham dự cuộc Vạn Lý Trường Chinh với Mao chủ tịch. Đối với dân lục địa ông kích thích tự hào Hán tộc qua:

– việc chửi bới Nhật, thách thức Hoa Kỳ

– bài trừ tham nhũng từ ruồi đến hổ.

– phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc với hỏa tiễn, bom đạn, phi cơ, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm (một chiếc mua của Ukraine và một chiếc đang đóng), hứa hẹn lên cung trăng, xây đắp đảo Trường Sa và thiết lập đường bay v.v...

– các cuộc thăm viếng Hoa Kỳ và Anh Quốc được trải thảm đỏ. Khi vợ chồng Xi Jinping đến Hà Nội, lần đầu tiên tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, cho vợ xuất hiện để đón tiếp vợ chồng Xi Jinping như một cuộc vận động chánh trị cá nhân trước khi Đại Hội Đảng lần thứ XII diễn ra ở Hà Nội vào ngày 20-01-2916.

Vào đầu năm 2016 có vài thông điệp gởi đến Xi Jinping. Đó là những thông điệp gì?

 

Việc đập phá tượng Mao Zedong gần Kaifeng

Tượng Mao Trạch Đông ở Khải Phong khi vừa dựng và khi bị sập đổ

Năm 2013 Trung Quốc kỷ niệm 120 năm ngày sinh của chủ tịch Mao Zedong mà đảng Cộng Sản Trung Quốc xem là vị cứu tinh của Hán tộc. Hàng ngàn bức tượng lớn nhỏ, bằng thạch cao, đất sét, đồng, đá hay vàng được dựng lên khắp nước. Xi Jinping muốn dùng sự sùng bái lãnh tụ này cho chính ông. Ông ca ngợi Mao ở khía cạnh mà ông mong mỏi: xây dựng chế độ sùng bái lãnh tụ mà Deng Xiaoping lên án. Thực sự trong lòng ông cũng có sự oán ghét Mao vì cha ông là nạn nhân của Mao trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Nhưng ông muốn trở thành người được sùng bái như Mao. Ông dùng Mao để đối lại với Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) như gián tiếp chống lại Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) và Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) vì hai ông này được xem là hậu duệ chánh trị của Deng Xiaoping. Deng Xiaoping từng sống và học ở Pháp và được huấn luyện ở Moscow nên có cái nhìn tương đối phóng khoáng và thực tiễn hơn Mao Zedong.

Cuối năm 2015 một bức tượng Mao Zedong khổng lồ cao 120 feet (36,6m) được hoàn thành gần Kaifeng (Khải Phong), tỉnh Henan (Hà Nam). Tượng làm bằng bê-tông cốt thép sơn màu vàng. Một tượng cao gần 37m tức bằng chiều cao của một nhà lầu 10 từng nhưng phí tổn chỉ có 459.000 Mỹ Kim so với 30,3 triệu Mỹ Kim của bức tượng bằng vàng ở Tiananmen (Thiên An Môn).

Ngày 07-01-2016 tự nhiên nghe nói tượng cao gần 37m này bị đập; đầu của vị cứu tinh của dân tộc Hán văng xuống đất. Một mảnh vải đen phủ lên phần còn lại của bức tượng để không thấy tượng bị mất đầu. Lý do đập phá tượng chủ tịch Mao là vì tượng không được phép chánh thức của chánh quyền. Đó là một lý do khó thuyết phục người nghe. Người bàng quan đưa vài nhận xét khi thấy hình bức tượng màu vàng như sau:

– Nhà điêu khắc làm bức tượng của vị cứu tinh Hán tộc (theo lời của các nhà tuyên truyền Cộng Sản Trung Quốc) có vẻ không có đầy đủ cảm hứng, sự thương yêu và tôn kính tận đáy lòng đối với vị cứu tinh vì tượng không giống Mao Zedong, thiếu uy dũng và thiện cảm đối với người xem. Chủ tịch Mao là Thần, là Thánh đối với dân lục địa. Ông Thần, ông Thánh mà vẻ mặt không nói lên được chất Thần, chất Thánh. Nếu đó là Thần Ác bức tượng cũng không diễn tả được nét Ác trên mặt tượng.

– Ai ra lịnh đập phá bức tượng? Chánh quyền Beijing hay tỉnh Henan? Nếu có một họa sĩ nào đó vẽ hình Mao Zedong cao 10m trên vải và không có xin phép đảng hay chánh quyền, bức vẽ ấy sẽ bị xé không? Ông ấy vẽ hình vị cứu tinh Hán Tộc chớ không phải vẽ hình Chiang Kashek (Tưởng Giới Thạch) hay Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên). Thật vô lý khi chánh quyền Cộng Sản ra lịnh đập phá tượng của người mà họ gọi là cứu tinh.

– Tại sao chánh quyền hay đảng không ngăn chặn việc lập tượng vì không xin phép (nhưng chắc chắn có quyên tiền và tiền quyên rất lớn chớ không chỉ 459.000 Mỹ Kim) để đợi đến khi làm xong mới phá? Chi tiết về việc phá bức tượng không rõ lắm. Việc bức tượng rơi đầu cho thấy người phá có vẻ bực tức lắm. Có vẻ như tượng bị phá trước khi chánh quyền ra thông báo giải thích lý do đập phá bức tượng.

Trong một nước Cộng Sản như Trung Quốc, Mao đã được Thánh hóa khi còn sống cũng như sau khi chết lại được lãnh tụ đương quyền hết lời tán tụng ai dám phá tượng của vị cứu tinh ngoại trừ kẻ ẩn danh oán hận người trong tượng tận xương tủy. Chi tiết này không hoàn toàn phi lý vì đặt một bức tượng cao bằng nhà lầu 10 từng ngay trong tỉnh đã có hàng triệu người chết đói vì chánh sách Cải Cách Ruộng Đất, Bước Tiến Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa của Mao. Dù người Trung Hoa chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo họ cũng không có đủ quân tử tính của đức Khổng Tử, sự thanh tịnh trong tâm của Lão Tử và lòng từ bi hỉ xả của đức Phật để dựng tượng tôn thờ người ra lịnh giết và gây chết đói 60 triệu người bằng chánh sách Cải Cách Ruộng Đất, Bước Tiến Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa suốt 27 năm cầm quyền (1949 - 1976).

Chuyện đập phá bức tượng là một chuyện nhỏ nhưng đó là thông điệp quan trọng gởi cho Xi Jinping. Thông điệp ấy cho thấy dân Trung Hoa không còn hứng thú trở lại thời kỳ tôn thờ cá nhân. Xa hơn họ quá chán ghét chế độ Cộng Sản. Trước kia họ ngả theo Cộng Sản vì sự thối nát của chánh quyền Quốc Dân Đảng. 66 năm dưới chế độ Cộng Sản, bất công và tham nhũng gia tăng gấp 1000 lần so với thời Quốc Dân Đảng. Làm thế nào họ sung sướng Thánh hóa và tôn vinh Xi Jinping lên làm cứu tinh như đã tôn vinh Mao Zedong, người nhảy múa trên 60 triệu xác người Trung Hoa?

 

Sự thắng cử của Đảng Dân Chủ Tiến Bộ ở Taiwan

Trên lục địa Cộng Sản, Trung Quốc sáp nhập Mãn Châu, Nội Mông, Tây Tạng và Tân Cương vào lục địa Trung Hoa một cách dễ dàng. Năm 1997 Anh hoàn trả Hong Kong cho Beijing (Bắc Kinh). Năm 1999 Ma Cao được giao hoàn lại cho Trung Quốc sau 400 năm đặt dưới sự kiểm soát của Bồ Đào Nha. Mộng của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc là thống nhất Taiwan hoặc bằng võ lực hoặc bằng thương thuyết hòa bình như họ đã thành công với Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của tổng thống Ma Yingjeou (Mã Anh Cửu). Dùng võ lực? Đe dọa quân sự? Các nhà lãnh đạo Cộng Sản từ Mao đến Hu Jintao đều không thành công. Taiwan rắc rối hơn Hong Kong và Macao. Taiwan rộng lớn hơn, đông dân cư hơn và có quá khứ lịch sử phức tạp hơn hai thành phố Hong Kong và Macao. Quá khứ lịch sử Taiwan gắn liền với Nhật Bản và Hoa Kỳ nhiều hơn Trung Hoa. Taiwan có chánh phủ (Trung Hoa Dân Quốc), có đảng cầm quyền, có quốc kỳ, quốc ca và có nền kinh tế ổn định và phồn thịnh. Trong hai thập niên qua dân chúng Taiwan có một định chế chánh trị dân chủ. Các cuộc bầu cử tổng thống và dân biểu quốc hội đều trong sạch.

Sự thắng cử của Tsai Yingwen (Thái Anh Văn) của đảng Dân Chủ Tiến Bộ là một thông điệp mà dân chúng Taiwan gởi cho Xi Jinping. Thông điệp ấy nói rằng Taiwan muốn giữ nguyên trạng hay xa hơn muốn trở thành nước Taiwan hơn là muốn sáp nhập với Trung Quốc để bị tước đoạt tự do và hạnh phúc mà họ đang có do công sức bồi đắp và gầy dựng của họ. Kết quả bầu cử ngày 16-01-2016 vừa qua ở Taiwan cho thấy ngay cả chánh quyền Quốc Dân Đảng hiện đang nắm quyền Hành Pháp lẫn Lập Pháp cũng né tránh sự gian lận bầu cử mặc dù Beijing ủng hộ họ và luôn luôn dùng lời đe dọa đối với Tsai Yingwen và đảng Dân Chủ Tiến Bộ với khuynh hướng Taiwan độc lập. Về phương diện chánh trị Quốc Dân Đảng làm sao dám nói họ không phải là Trung Hoa? Nhưng chắc chắn trong thâm tâm họ vẫn nghĩ rằng nên giữ nguyên trạng để Taiwan được hưởng độc lập, tự do và hạnh phúc như chủ nghĩa Tam Dân đã đề ra:

Dân tộc Độc Lập.
Dân Quyền Tự Do
Dân Sinh Hạnh Phúc

James Soong từng là đảng viên có uy tín của Quốc Dân Đảng đã tách ra khỏi đảng để lập đảng riêng. Năm 2000 ông ra tranh cử khiến cho ứng cử viên đảng Dân Chủ Tiến Bộ là Chen Shui Bian (Trần Thủy Biển) đắc cử tổng thống. Năm 2016 ông ra tranh cử. Tsai Yingwen của đảng Dân Chủ Tiến Bộ được đắc cử. Nếu không có James Soong bà Tsai Yingwen cùng đắc cử vì người Taiwan bừng tỉnh với bánh vẽ có độc về một nước hai hệ thống mà Hong Kong đang gánh chịu, và sự mất tích của những người xuất bản và bán sách nói về các lãnh tụ Trung Quốc kể cả Xi Jinping và một nhà tỷ phú Trung Hoa v.v...

Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước bang giao với Trung Quốc đều phải chấp nhận Trung Hoa một nước nghĩa là không thể bang giao với Taiwan khi đã bang giao với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Dù vậy Hoa Kỳ hay Nhật vẫn giao thương với Taiwan và không muốn Taiwan công khai tuyên bố độc lập để Trung Quốc dùng võ lực xâm chiếm Taiwan làm cho họ khó xử trí. Điều quan trọng đối với Tsai Yingwen là kéo dài tình trạng hiện hữu cho đến khi gặp thời cơ thuận lợi. Chẳng những Hoa Kỳ giao thương với Taiwan mà còn bán võ khí cho đảo này nữa! Ba quốc gia đầu tiên chúc mừng sự thắng cử của Tsai Yingwen là Singapore, Nhật và Hoa Kỳ. Singapore nhắc khéo với Tsai Yingwen về một Trung Hoa. Để được hòa bình? hay để chờ ngày thống nhất? Cả hai điều vừa nêu ra tùy thuộc vào sức mạnh hay suy yếu kinh tế, quân sự và sự tồn tại hay biến dạng của chế độ Cộng Sản trên lục địa.

Taiwan là sông. Trung Quốc là biển. Biển thu hút nước sông hay trong biển vẫn có lưu hà? Người Taiwan thích dân chủ. Người dân lục địa thích độc tài hay thích dân chủ? Nếu họ thích dân chủ thì lưu hà sưởi ấm biển. Dân chủ Taiwan cải hóa lục địa.

Vụ thử nghiệm nổ bom khinh khí của Bắc Hàn

Bắc Hàn và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là hai nước Cộng Sản có quá khứ triều cống Trung Hoa. Năm 1950 Trung Quốc tái lập ảnh hưởng ở Bắc Hàn và Việt Nam bằng cách xua quân giúp Bắc Hàn đánh nhau với quân Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ chỉ huy và viện trợ cố vấn quân sự, chánh trị, võ khí, thuốc men, lương thực cho Việt Minh đánh nhau với Pháp. Trung Quốc tái lập ảnh hưởng chánh trị đã mất ở Việt Nam sau năm 1884 và trên bán đảo Triều Tiên sau năm 1894. Kim Il Sung là một nhà độc tài Cộng Sản có tinh thần độc lập, mạo hiểm và sáng tạo hơn bất cứ lãnh tụ Cộng Sản nào trên thế giới. Đảng kỳ của các nước Cộng Sản trên thế giới gồm nền đỏ và hình Búa và Liềm vàng giống như đảng kỳ của Liên Sô. Đảng kỳ của Cộng Sản Bắc Hàn có nền đỏ với hình Búa và Liềm màu vàng không giống hình Búa (Công Nhân) và Liềm (Nông Dân) của Liên Sô. Chẳng những vậy còn có thêm Cây Bút tượng trưng cho giai cấp TRÍ THỨC mà Mao Zedong chê không giá trị bằng cục phân. Hồ Chí Minh, Trần Phú, Trường Chinh hô hào:

Trí, Phú, Địa, Hào
Đào tận gốc, trốc tận rễ.

Lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Il Sung (1912 - 1992), vừa là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa là sĩ quan của Liên Sô được Stalin hậu thuẫn để nắm quyền ở Bắc Hàn. Con ông là Kim Jong Il không được lòng Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình). Ông vẫn phải lui tới Beijing để tranh thủ viện trợ của Trung Quốc. Chánh sách kinh tế của Cộng Sản Bắc Hàn đưa nước này vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Nạn đói xảy ra ở các địa phương hẻo lánh. Kim Il Sung chú trọng đến việc chế tạo hỏa tiễn, tàu ngầm và bom nguyên tử.

Kim Jong Il chết năm 2011. Con ông là Kim Jong Un (1983 -) (không ai rõ năm sinh của ông là 1982 hay 1983. Theo tài liệu Bắc Hàn năm sinh của Kim là 1982 như nâng thêm tuổi và được sinh vào năm Nhâm Tuất để có cách nam Nhâm nữ Quí!!) lên nắm quyền. Kim Jong Un có học ở Thụy Sĩ. Dư luận thế giới có vẻ không thích ông ta. Vì tướng mạo? Vì mái tóc lạ mắt? Vì bản chất ương ngạnh của người có nguồn gốc vương tôn công tử? Vì tính độc ác sau khi giết dượng và là người hướng dẫn ông ta giữ chánh quyền sau năm 2011? Sự ngông nghênh và độc ác khi giết người dượng tiềm ẩn tinh thần độc lập của ông ta đối với Trung Quốc. Kim Jong Un kính trọng ông nội và cha của ông nhưng, không giống ông nội và cha ông, ông không bước chân sang Trung Quốc láng giềng, đồng chế độ và là quốc gia giúp đỡ Bắc Hàn về lương thực và năng lượng. Khác với Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng phải sang Trung Quốc để nghe huấn thị của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc vì ngôi vị của họ được Beijing chuẩn nhận, ban bố và chấp thuận. Ngôi vị của Kim Jong Un không tuỳ thuộc vào sự chuẩn nhận hay không chuẩn nhận của Trung Quốc. Bắc Hàn có các nhà khoa học làm được bom nguyên tử và bom H (khinh khí) mặc dù qua cuộc thí nghiệm dưới hầm ngày 06-01-2016 các chuyên viên cho rằng trái bom thí nghiệm đó không có sức mạnh của bom H. Cả thế giới đều lên án cuộc thí nghiệm bom H của Bắc Hàn. Hoa Kỳ, Đại Hàn (Nam Hàn), Nhật bày tỏ sự lo ngại. Trung Quốc lên án mạnh mẽ. Vì sao?

1. Cuộc thí nghiệm bom nguyên tử và khinh khí của Bắc Hàn cho thấy Trung Quốc mất uy đối với Bắc Hàn. Năm 2013 Kim Jong Un giết dượng là Jang Song Thaek vì ông này có thể là con cờ của Trung Quốc để thay thế ông. Một người anh dị bào của Kim Jong Un ở Trung Quốc khả dĩ được nước này dùng để thay thế Kim Jong Un. Ngừng viện trợ lương thực? Sự thiếu hụt lương thực ở Bắc Hàn do chánh sách nông nghiệp Cộng Sản mà ra. Chánh sách này hoàn toàn thất bại ở bất cứ quốc gia Cộng Sản nào trên thế giới chớ không riêng gì Bắc Hàn. Nếu Trung Quốc không viện trợ, Bắc Hàn chỉ cần thay đổi phần nào chánh sách nông nghiệp thì vẫn có đủ thóc lúa để ăn. Đó là chưa nói đến viện trợ nhân đạo từ các nước thù nghịch như Đại Hàn, Nhật Bản, Hoa Kỳ! Đem quân tấn công buộc Bắc Hàn phải trung thành với Bắc Kinh? Khó thực hiện. Trung Quốc to lớn như con bò hay con chó. Bắc Hàn nhỏ như con cóc. Con bò hay con chó to lớn thừa sức chà đạp con cóc nhưng con cóc Bắc Hàn có nọc độc sẵn sàng gây tử vong cho con bò hay con chó trước khi bị đập chết.

2. Bắc Hàn càng thí nghiệm bom đạn, hỏa tiễn thì Đại Hàn càng thấy an ninh của họ bị đe dọa giữa lúc Trung Quốc tìm cách ve vãn Đại Hàn thù ghét Nhật nhằm làm suy yếu thế liên minh Hoa Kỳ-Đại Hàn-Nhật Bản ở Đông Bắc Á. Trung Quốc ve vãn Đại Hàn thì Nhật ve vãn Bắc Hàn! Kim Jong Un không dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Nhật ở Beijing năm 2015 nhưng nữ tổng thống Đại Hàn là Park Geun-Hye tham dự và được ngồi bên cạnh Xi Jinping. Việc thí nghiệm bom H vừa qua làm cho sự đồng minh của Hoa Kỳ-Nhật Bản-Đại Hàn gắn bó nhau hơn. Nhằm mục đích làm bá chủ Á Châu hay ít ra bá chủ ở Đông Á, Trung Quốc không muốn thấy sự hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng. Bắc Hàn càng thí nghiệm bom A hay bom H càng làm cho Hoa Kỳ chú trọng đến Á Châu và tiến gần Trung Quốc nhiều hơn qua cửa ngõ Đại Hàn. Sự hiện diện của quân Hoa Kỳ trên lãnh thổ Đại Hàn càng cần thiết và quí giá đối với an ninh của Đại Hàn. Chính vì vậy mà ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, Donald Trump, muốn Đại Hàn phải trả kinh phí cho quân sĩ Hoa Kỳ ở Đại Hàn.

3. Nếu Bắc Hàn thực sự gây chiến với Đại Hàn tức đụng độ với Hoa Kỳ và Nhật Bản bắt buộc Trung Quốc phải nhập cuộc. Đó là điều Trung Quốc không muốn vì chỉ có lợi cho Nga mà thôi. Đó là trường hợp đã xảy ra năm 1950. Nếu chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Bắc Hàn thì Trung Quốc càng lo sợ nhiều hơn: lo sợ dân Bắc Hàn tràn qua Trung Quốc và lo ngại Hoa Kỳ và chế độ dân chủ nằm sát nách Trung Quốc. Beijing sợ Hoa Kỳ ít hơn sợ chế độ dân chủ.

 

Tăng trưởng kinh tế kém

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2015 được xem là kém nhất trong vòng 25 năm nay. Tỷ lệ tăng trưởng kém đó do chánh phủ đưa ra. Tỷ lệ thật có lẽ thê thảm hơn nữa. Thị trường chứng khoán khủng hoảng. Các nhà đầu tư ngoại quốc lo ngại nên chuyển vốn đầu tư sang các nước khác. Nợ quốc gia chồng chất. Ngành địa ốc bị tê liệt. 63 triệu căn nhà mọc lên như nấm nhưng không bán được. Trung Quốc lại phải chạy đua với Hoa Kỳ và Nga trong kỹ nghệ quốc phòng sản xuất bom đạn, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm, hỏa tiễn, vệ tinh lên cung trăng, bom nguyên tử, xây dựng sân bay, đắp đảo nhân tạo để giành chủ quyền biển đảo với các nước lân bang ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Đó là những thông điệp ngầm mà Xi Jinping nhận được vào đầu năm 2016. Thế giới đang chờ đợi xem cách thực hiện mộng lãnh tụ và gồm thu thiên hạ bằng văn hóa Cộng Sản Mao kết hợp với văn hóa Khổng Giáo và bằng sức mạnh kinh tế và quân sự hiện có của Trung Quốc. Nói theo văn chương cờ bạc người ta cho ông Xi Jinping đánh canh bạc tạm gọi là:

Nhất Chín Nhì Bù
Được Ăn Cả Ngã Về Không.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2016