Phan Văn Song


Hậu quả COP 21 Môi Trường và Kinh Tế Chánh Trị thế giới:

Từ thế giới của Tiêu Thụ đến thế giới của Tái Tạo? Cách Mạng Môi Trường, Cách Mạng Tư Duy?

Cũng trong hướng bài viết tuần qua, chúng tôi xin mời quý thân hữu cùng với chúng tôi quan tâm đến tình hình môi trường thế giới. Dĩ nhiên, từ những năm tháng gần đây chúng ta đã nhận thấy nền kinh tế thế giới và nền kỹ nghệ thế giới đang chuyển hướng suy nghĩ đặt trọng tâm hướng về môi trường. Lúc xưa, những nhà máy những cơ sở sản xuất vật liệu tiêu dùng không để ý đến sự phung phí lạm dụng nguyên nhiên liệu, không để ý đến ô nhiễm môi trường, xả rác, làm dơ môi sanh, sức sống, sức khỏe của sanh vật chung quanh nhà máy. Ngày nay, một sự chú ý đặc biệt về môi trường phải được đặt lên hàng đầu trong mọi chương trình hay đề án xây dựng. Bớt sử dụng những kỹ thuật kỹ nghệ thải nhiều CO2 tạo khí nhà kính, dùng những vật liệu được tái tạo, bền vững. Ấy là nói đến một đề án của một nhà máy. Còn nói đến một đề án quốc gia, một chương trình quốc gia, cũng phải nghĩ đến tương lai. Giảm bớt chăn nuôi, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch…, tìm những nguồn nguyên, nhiên liệu, năng lượng, hay cả lương thực, kiến trúc, cách sanh hoạt kinh tế, xã hôi, kỹ nghệ hay nông nghiệp phải hướng về… làm sao sử dụng ít hao tốn nguồn vốn, tài sản của thiên nhiên, và nếu tái tạo được lại càng tốt nữa! Người thường dùng từ vòng tròn đạo đức, dùng một nguyên liệu được tái tạo để bớt vứt bỏ phế thải, rác rến, tái sử dụng nhiều lần.

Đây phải là một cuộc đại cách mạng. Thoạt đầu có thể chỉ là kỹ thuật, nhưng cuối cùng khi chúng ta tổng kết mọi thay đổi, từ kinh tế, đến chánh trị xã hôi, chúng ta dần dần chuyển biến cách suy nghĩ tư duy, chúng ta sẽ đi vào lãnh vực văn hóa, quan niệm sanh hoạt và biến chuyển xã hội và có thể xa hơn nữasẽ thay đổi cả nhơn sanh quan và triết lý… Kết quả cuối cùng là Cứu Vản Trái Đất là Sự Sanh Tồn của Toàn Thể Nhơn Loại.

Hội Nghị COP 21 về Môi Trường Tại Paris:

Đối với cá nhơn chúng tôi, người viết, hiện tượng quan trọng nhứt của năm 2015, không phải là những thay đổi đường hướng chánh trị thế giới, chiến tranh Trung Đông, những cuộc đụng độ giữa những quốc gia vùng, những tập kích, đột kích khủng bố phá hoại, máy bay rơi, hay ngay cả những ồn ào, khua tay múa chơn của Cộng sản Bắc Kinh, Bắc Việt hay cả của Mỹ ở Biển Đông… vì đó chỉ có những hậu quả ngắn hạn, 1,2 năm thôi, mà là Hội Nghị về Môi Trường COP 21 ở Paris, vi nếu chúng ta không lo cho môi trường, cho thiên nhiên thì Quả Đất, Căn Nhà Chung của Nhơn loại sẽ nổ tung và Nhơn loại cũng chả còn để Chánh trị chánh em, kinh tế xã hội thị trường!

Dĩ nhiên có vài bạn thân cùng thân hữu, chiến hữu của chúng tôi cho rằng COP 21 chỉ là một hoạt động thuần túy chánh trị. Và một lần nữa cũng như bao lần khác, các nhà lãnh đạo, các nhà cầm quyền, các nhà văn, nhà báo, các chánh trị gia, thường các người tự tôn mình là những “con người CỦA lương tâm”, những “con người YÊU thiên nhiên”, những “con người CỦA Môi Trường” … Riêng đối với cá nhơn chúng tôi, đây là lần đầu tiên, không còn thấy những câu nói nữa, những tuyên bố đầu môi chót lưỡi nữa, mà thật sự đã có những quyết định “Cứu Trái Đất”, căn Nhà Chung, nơi cư ngụ của sắp “7 tỷ con người”. Ngày nay, “Họa Di Dân do Chiến Tranh, Họa Di Dân do Kinh Tế” nhưng ngày mai “Họa Di Dân sẽ do Môi Trường” sẽ là cái lý do chánh để người dân bỏ nơi họ đang sanh sống để ra đi. Những từ ngữ, quan niệm, “chôn nhau cắt rún, quê hương, tổ quốc” sẽ không còn nữa, và cũng sẽ không còn nữa những “biên cương, dân tộc, sắc dân” hay cả văn hóa, văn hiến gì cả… Lý do tất cả 7 tỷ người sẽ chen chúc nhau sống còn sanh hoạt trên những khoảng “đất sống” vì tất cả còn có những “ô đất sống” nhỏ lấm chấm, rải rác trên toàn bộ một trái đất hoặc đầy sa mạc khô cằn, đầy đất đai nhiễm độc, hoặc với những vùng biển chết, không có sự sống, vì nhiễm độc … Những hiện tượng đang xảy ra hiện nay ở Việt Nam, như Cá chết, như Biển Đông bị nhiễm độc, như Đồng Bàng Sông Cửu Long khô cằn, nhiễm mặn… Bắc Kinh thủ đô Tàu ô nhiễm,… là những dấu hiệu bắt đầu của một biến chuyển địa lý, địa dư do thời tiết. Nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng thêm 2 độ C thôi sẽ có một lô hiện tượng khí tượng thay đổi! Mưa lũ bất thường trái mùa, hạn hán trái mùa, sẽ tạo những thất mùa thiếu hụt nông sản phẩm lương thực. Nhiệt dô tăng, băng tuyết tan, nước biển sẽ dâng cao, vài quốc gia ngụ trên các hòn đảo sẽ không còn nữa, công dân các quốc gia hải đảo ấy sẽ phải nhập vào là công dân các quốc gia láng giềng (nếu các quốc gia ấy chấp nhận). Quan niệm Tổ Quốc Quốc Gia không còn nữa, vì Biên cương không còn. Vậy thì, tiếng nói quốc gia, quốc ngữ, quốc văn còn tồn tại không? Và quan niệm Dân tộc, văn hóa Dân tộc? Nước dâng, bờ biển thâu nhỏ lại. Diện tích đất đai quốc gia chắc chắn sẽ bị thâu nhỏ lại. Đồng bằng Sông Cửu của Việt Nam chúng ta có còn không? Diện tích Việt Nam sẽ còn bao nhiêu? Chẳng còn đồng bằng Sông Cửu, nhưng cũng chẳng còn đồng bằng Sông Hồng. Những Hải đảo Trường Sa Hoàng Sa tranh chấp Biển Đông còn được mấy đảo? Biển Đông sẽ còn đó nhưng những Đảo đá ngầm hiện nay sẽ chìm vào lòng biển.

COP 21 và Tương Lai của Nhơn Loại:

Quyết định quan trọng nhứt, cách mạng nhứt của COP 21 năm ngoái là sự nhứt trí của 20 quốc gia hoàn toàn chấp nhận tăng 20% quỹ Nghiên cứu và Phát triển các kỹ nghệ sạch và bền vững. Lần đầu tiên, ngay ngày khai mạc, 150 nhà lãnh đạo các quốc gia lần lượt lên diễn đàn của Liên Hiệp Quốc để đóng góp tiếng nói kêu gọi làm sao hạn chế lại sự tăng nhiệt độ của Trái Đất, giữ lại không cho tăng quá 2 độ C, hạn chế sức thải của CO2. Và cũng ngay ngày khai mạc, Tổng Thống Pháp, quốc gia chủ nhà, nơi Họp COP21, Tổng Thống Obama, nhà lãnh đạo Quốc gia giàu và mạnh nhứt thế giới, và Bill Gates, nhà tài phiệt số 1 thế giới, cùng nhiều nguyên thủ các quốc gia tiên tiến và nhiều đại tư gia tuyên bố cho ra đời dự án Công Tác Sáng Kiến - Mission Innovation. Mission Innovation là một dự án đầu tư khổng lồ, tổng số chưa rõ ràng, nhưng mục đích là để phát minh, phát triển tất cả những kỹ thuật “kỹ nghệ carbone thấp”, nghĩa là hạn chế thải và có thể không thải hẳng CO2.

Trong công tác nầy, 20 quốc gia lãnh trách nhiệm và nhiệm vụ là 20 quốc gia chiếm hàng đầu ô nhiễm thải Thán khí – Pháp, Đại Hàn, Ấn Độ, Nam Dương, A Rập SêÚt, Liên Hiệp Vương Quốc Anh, Ba Tây, và Huê Kỳ và Trung Cộng… Nay tất cả cương quyết hứa sẽ nhơn đôi quỹ Nghiên Cứu và Phát Triển Kỹ Nghệ Xanh từ đây đến 2020 (trong vòng 5 năm).

Chưa hết. Song song với Công Tác Sáng Kiến – Mission Innovation, một Chương Trình khác do Bill Gates đứng ra tổ chức sẽ cùng đồng hành hỗ tương cùng với dự án. Chương trình Breakthrough Energy Coalition do một nhóm gồm 27 tỷ phú của 27 quốc gia, sẵn sàng đầu tư vào những kỹ thuật của công nghệ Xanh mới nầy. Gồm có Mark Zuckerberg, FaceBook; Jeffrey Bezos, Amazon; Richard Branson, chủ tịch tập đoàn Virgin; George Soros; Xavier Niel, người Pháp người sáng lập Free… có cả một ông hoàng Ả Rập SêÚt, một vài triệu phú Phi Châu, Trung Cộng, hay Đài Loan, Nam Mỹ hay Bắc Mỹ Đức, hay Bắc Âu bỏ tiền để đầu tư. Nhưng các nhà đầu tư không được có ý kiến trong các nghiên cứu hay thí nghiệm! Tất cả phải trung thành cam kết ủng hộ triệt để các mẫu thử, các mô hình nghiên cứu cho đến lúc thành công được áp dụng và được thị trường hóa.

Hợp tác giữa Nhà Nước và Tư Nhơn?

Chúng ta phải tìm cho được các nguồn năng lượng, bền vững, rẻ tiền và không thải chất CO2”, Bill Gates đặt ra mục tiêu, Branson nói tiếp: “Thế giới đang cần có một thế giới sạch CO2 vào năm 2050. Như vậy phải cần một sự tương đồng hợp tác giữa các Chánh Phủ và các kỹ nghệ gia tư nhơn, để tạo một Cuộc Cách Mạnh nguồn Năng Lượng”. Cái quan niệm nầy sẽ dẫn đến một mẫu mô hình Sáng Kiến và Phát Triển hợp tác giữa Chánh Phủ và Tư nhơn, giữa các cơ quan công quyền, những Cơ quan với những chương trình Nghiên Cứu, Thí Nghiệm và các đại tư bản đầu tư mạnh thường quân.

Chúng ta không cần biết những sáng kiến ấy đến từ đâu nhưng mục đích là phải chuyển đổi sanh hoạt năng lượng phục vụ con người để đi đến một thế giới ngày mai với zêro sức thải CO2. Vì vậy, chúng ta cần phải đầu tư vào tất cả những hướng nghiên cứu khác nhau: vào các phương tiện sản xuất và tồn trữ năng lượng, vào phương cách chuyên chở, vận chuyển, vào những phương trình kỹ nghệ, nông nghiệp, quyết nhắm vào hiệu quả… để tạo một tập hợp năng lượng sáng tạo và hữu hiệp nhứt” Branson tiếp tục phát biểu.

Tất cả hiện đang nghĩ đến phương pháp, “giữ CO2” để “nhốt” vào những hang động, “chọn” trong lòng đất.

Thế nhưng, câu hỏi quan trọng và chánh vẫn còn chưa được trả lời.

Số tiền là bao nhiêu?

Đến nay, vẫn chưa rõ ràng, nhưng chúng ta cũng biết những ước lượng chi tiêu. Cần:

1000 tỷ dollars Mỹ, để Phát Triển Năng Lượng Mặt Trời. Đây là con số ước lượng của 120 quốc gia trong Chương trình Liên Hiệp Quốc tế về Năng Lượng Mặt Trời – Alliance Solaire Internationale do Thủ Tướng Ấn Độ Narenda Modi và Tổng Thống Pháp François Holland kêu gọi hợp song song với Mission Innovation, “mục đích nhơn làm 25 lần phần đóng góp của năng lượng Mặt Trời vào năm 2050”.

400 triệu mẫu rừng phải được bảo vệ. Đức, Anh, và Na Uy gây một quỹ 5 tỷ euros để giúp đỡ các quốc gia có kỹ nghệ Rừng bảo quản hữu hiệu Rừng hơn. Như vậy Rừng sẽ giúp làm giảm khí nhà kiếng. Thật vậy, mỗi năm, ngày nay, 12 triệu mẫu rừng ở Vùng Amazonie (Nam Mỹ) bị khai thác, đây là nguyên nhơn của 11% của khí nhà kiếng và CO2 của thế giới.

6 tỷ euros để Phát Triển Năng Lượng Xanh dành riêng cho Phi Châu.

Đó là ước tính của những yêu cầu trước mắt. Còn phần còn lại. 20 quốc gia ngày nay vẫn chưa nói rõ con số dành cho quỹ Nghiên Cứu các Năng Lượng Xanh. Các đại tư bản vẫn chưa nói rõ con số dành cho sự tham gia của họ. Nhưng, Bill Gates vừa qua nói rõ ông rất lạc quan trong những tiếp xúc vận động gần đây cho Môi Trường. Ông đã dành hẳn từ 1 đến 2 tỷ dollars của gia tài ông riêng cho Môi Trường trong suốt 5 năm đến dây. Nhưng cớ sao Foundation Melinda và Bill Gates vẫn tiếp tục giữ cổ đông và phần hùn (1,4 tỷ dollars) trong các công ty kỹ nghệ năng lượng hóa thạch thải khí CO2 như BP (British Petroleum)? Và cũng như Fatih Birol, đã yêu cầu trong buổi họp, “một hành động hữu hiệu giúp thay đổi cách sử dụng năng lượng và giúp đỡ sự phát triển của các nguồn năng lượng Xanh ít khí CO2, là “không bơm tiền” vào kỹ nghệ khai thác năng lượng hóa thạch nữa!” Và sẵn trớn, ông cũng khôn khéo nhắc nhở nhấn mạnh rằng: “500 tỷ dollars vẫn tiếp tục hằng năm vẫn được bơm vào ngành kỹ nghệ khai thác năng lượng hóa thạch

Và để so sánh, chúng ta chỉ cần có 100 tỷ dollars hằng năm từ đây đến năm 2020, là đủ hoàn tất những dự án nói trên thôi!

Và Việt Nam?

Cũng như mọi người Việt tỵ nạn ở hải ngoại khác, mỗi bài báo đọc, mỗi tin tức nghe, mỗi cuốn sách đọc, cá nhơn chúng tôi, từ lâu rồi, lòng dạ khô khan, đầu óc khô cằn, không thích tiểu thuyết, không yêu thơ, phú, văn chương, chỉ biết đọc tin tức chánh trị kinh tế, xã hội, những chuyện của biến động hằng ngày, những tin khoa học… mơ một thế giới ngày mai hoàn chỉnh hơn với những con người đạo đức, tử tế hơn. Và khổ tâm, mỗi lần như vậy, lại so sánh đến Việt Nam mình, đến người dân Đại Việt mình. Tại sao một nước khá đông dân, đầy tiềm lực, 90 triệu người, trẻ, đầy sức lao động, đầy siêng năng sáng kiến không tạo được của cải, không tạo được tự túc tự cường… Có lẽ dân ta vì theo văn mình Tàu phó mặc cho Trời, phó mặc cho Quan, cho Vua cho Thiên Tử, cho Mệnh Trời? Vì ảnh hưởng Văn hóa Tàu, với quá khứ lịch sử “mẫu văn minh Tàu”, với các Triều đình, của chế độ Quân chủ ngu si ích kỷ, bế môn tỏa cảng, bịt mắt, bịt tai, ngậm miệng buộc dân tụng Tứ Thư Ngũ Kinh của Văn Hóa Khổng Tử, của chủ thuyết Đại Hán, buộc người dân làm nô dịch suốt gần 2000 năm – những Triều Đại gọi là Độc Lập, Đinh Lê Lý Trần hay Lê thật sự là chánh trị mà nói chỉ là Tự Chủ Gia Đình Trị thôi chứ chưa hẳn Độc Lập – dân chúng Việt Nam vẫn tiếp tục bị u mê Hán Hóa. Bằng chứng dân quan chúng ta chấp nhận triều cống Tàu hằng năm, nhưng chúng ta không chấp nhận ở trong Liên Hiệp Pháp với Pháp! Khác nhau thế nào? Thật lạ lùng! Chúng ta chấp nhận học tiếng Hán Việt, viết và nói tiếng Hán Việt? Rủi hay may? Một loại ngôn ngữ chỉ người ở một giai cấp có học Hán Việt hiểu thôi, người thường không hiểu, giống như chữ la tinh đối với người dân Pháp! Cá nhơn chúng tôi gặp nhiều bài thơ của tổ tiên người Việt viết như Cụ Cao Bá Quát, hoặc của Vua Tự Đức phải cần người dịch người chuyển ngữ.

Nền Văn hóa Hán Việt từ chữ viết, đến suy nghĩ phong tục đều bị Hán Thuộc. Cả hai áng văn gọi là tuyệt tác đệ nhứt thiên hạ là Kim Vân Kiều và Chinh Phụ Ngâm cũng là chuyện Tàu. Bằng chứng, khi một nhà hội họa, muốn họa thơ Kim Vân Kiều, khi vẽ, khi họa Thúy Kiều đều từ y phục đến tóc tai đều Tàu, khi Kiều đờn thì vẽ cây đờn tỳ bà… Tại sao Kiều không vấn khăn mỏ quạ, không đờn tranh, đờn nhị? Do đó tôi càng ngày càng bất mãn với quý niên trưởng đầy văn hóa chữ nghĩa, ca tụng văn hóa tiền nhơn Việt Nam… nhưng khi diễn tả đều thiếu hẳn tinh thần dân tộc. Đến cả những bức tượng, thí dụ tượng TướngTrần Hưng Đạo. Từ mão hia đến áo giáp đều kiểu Tàu. Các tướng nước Đại Việt ta có thể áo vải ngắn tay không? Cườm tay bó vải được không? Ngực được che chở với những mảnh giáp bằng tre, bằng da trâu, giống như áo giáp Nhựt chẳng hạn, được không? Kiếm ta có thể khác kiếm tàu không? Mũi kiếm ta nhọn chữ Vê, hay nhọn xiên như kiếm nhựt? Kiếm ta thẳng hay cong? Chơn quan quân ta bó vải hay mang giày, hay mang ủng da trâu? Đế da hay đế gỗ?… vân vân… Nói như vậy để chúng ta nói rõ chúng còn vướng víu với Tàu nhiều lắm. Và vì còn vướng víu, vương vấn, nên chúng ta dù sẵn sàng bỏ Cộng sản, như chưa chắc bỏ đi cái “con người Tàu” của chúng ta.

Ít hàng chia sẻ với quý thân hữu. Thành thật đa tạ!

Hồi Nhơn Sơn, đầu hè 2016
Phan Văn Song

 


Cái Đình - 2016