Phạm Đình Lân
Từ Mãn Châu Quốc đến lưỡi bò 9 đoạn
.
Từ năm 1932 đến 2016, thế giới trải qua 84 năm biến đổi thăng trầm. Trong thời gian này tự thân nước Trung Hoa cũng có nhiều tang thương biến đổi, vinh nhục tiếp nối nhau liên tục. Trong 84 năm nay Trung Hoa đóng hai vai đối nghịch trên sân khấu chánh trị quốc tế.
Năm 1928 Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) thống nhất Trung Hoa sau khi mở cuộc Bắc phạt đánh bại các đốc quân ở Hoa Bắc. Năm 1929 cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ Hoa Kỳ. Ở Nhật đảng Hắc Long (Kokuryukai), một đảng yêu nước cực đoan bí mật, chủ trương bành trướng nước Nhật sang tận bờ sông Hắc Long Giang (Hei Longjiang) ở Mãn Châu, được nhóm quân phiệt Nhật nhiệt liệt hưởng ứng. Năm 1931 quân đội Nhật chiếm Mãn Châu. Năm 1932 họ thành lập Manchukuo (Mãn Châu Quốc) và đưa vị vua cuối cùng của nhà Thanh (Qing) là Pu Yi (Phổ Nghi) về làm vua Manchukuo, một quốc gia bù nhìn của đế quốc Nhật.
Mặc dù Chiang Kaishek đánh bại các đốc quân ở miền Bắc, Trung Hoa rất suy yếu. Một mặt chánh phủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng ở Nanjing (Nam Kinh) phải đương đầu với phong trào Cộng Sản. Năm 1931 Mao Zedong (Mao Trạch Đông) thành lập Cộng Hòa Sô Viết Jiangxi (Giang Tây). Mặt khác Nanjing phải đương đầu với sự bành trướng của Nhật nhắm vào Mãn Châu đất đai màu mỡ và có nhiều khoáng sản. Sự thành lập Manchukuo tách rời Mãn Châu ra khỏi nước Trung Hoa mặc dù lúc bấy giờ 90% dân số ở Manchukuo là người Hán và 10% là người Mãn. Trung Hoa yếu thế nên chỉ biết khiếu nại với Hội Quốc Liên (League of Nations gọi tắt là LN) mà thôi.
Hội Quốc Liên ra đời năm 1919 (hiệp ước Versailles) do sáng kiến của tổng thống Woodrow Wilson của Hoa Kỳ. Trụ sở đặt tại Genève, Thụy Sĩ. Hội Quốc Liên cử một ủy ban điều tra về sự chiếm đóng của Nhật ở Mãn Châu và sự thành lập Mãn Châu Quốc. Ủy ban này do Lord Lytton, một nhà quí tộc Anh, đứng đầu. Khi ông Lytton gặp Araki Sadao, tổng trưởng bộ Lục Quân Nhật, ông này có lời khinh miệt đối với Trung Hoa. Ông cho rằng Trung Hoa không phải là một quốc gia thống nhất và văn minh!
Sau hàng năm đi điều tra ở Nhật, Trung Hoa và Mãn Châu, Ủy Ban Lytton đi đến kết luận là Nhật phải rời khỏi Mãn Châu (1933). Nhật Bản không chấp nhận quyết định của Hội Quốc Liên căn cứ vào báo cáo của Ủy Ban Lytton. Trong vòng một tháng sau khi có quyết định của Ủy Ban Lytton, Nhật Bản rút khỏi Hội Quốc Liên. Hội Quốc Liên hoàn toàn thất bại vào thập niên 1930 trước vấn đề Mãn Châu Quốc, sự xâm lăng của Ý vào Ethiopia (1935), nội chiến Tây Ban Nha (1936 - 1939), Đức chiếm Sudetenland (1938) v. v…
Sự thất bại của Hội Quốc Liên trước tham vọng bành trướng lãnh thổ của các quốc gia phát xít Nhật ở Mãn Châu Quốc, Ý ở Ethiopia và Đức ở Sudetenland rất dễ hiểu:
1. Hội Quốc Liên ra đời do sáng kiến của Hoa Kỳ. Quốc Hội Hoa Kỳ lúc bấy giờ do đảng viên Cộng Hòa chiếm đa số. Quốc Hội không phê chuẩn hiệp ước Versailles. Hoa Kỳ không là thành viên của Hội Quốc Liên.
2. Hai cường quốc trong Hội Quốc Liên lúc bấy giờ là Anh và Pháp. Cả hai quốc gia này có nhiều thuộc địa trên thế giới. Họ không muốn gây chiến với các nước phát xít chuẩn bị chiến tranh bằng những chánh sách đầy gây hấn.
3. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930 làm cho các nước uể oải không hợp tác nhau chặt chẽ.
Nhật Bản khống chế Mãn Châu Quốc, một vùng đất phì nhiêu và có nhiều quặng mỏ rộng trên 1,5 triệu km2 từ năm 1932 đến 1945. Dùng Mãn Châu Quốc làm bàn đạp trên lục địa Á Châu, Nhật tấn công Trung Hoa năm 1937 mở đầu cho cuộc chiến tranh Hoa - Nhật (1937 - 1945).
Đó là lúc Trung Hoa kêu cứu Hội Quốc Liên và nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để đương đầu với sự xâm lăng của Nhật. Chiang Kaishek được mời tham dự Hội Nghị Cairo năm 1943. Năm 1945 Nhật bị bại trận, Trung Hoa nghiễm nhiên trở thành một trong 05 cường quốc thắng trận trên thế giới.
****
Lưỡi bò 11 đoạn 1946
Khi Hoa Kỳ liệng trái bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki ngày 09-08-1945 Liên Sô tuyên chiến với Nhật. Quân Liên Sô đánh bại lực lượng Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu. Đó là địa bàn mà Liên Sô dùng để tiếp tế võ khí cho Cộng Sản Trung Hoa sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt và cuộc nội chiến Quốc-Cộng tái diễn trên lục địa Trung Hoa. Trong đệ nhị thế chiến Nhật Bản chiếm vùng duyên hải đông bộ Trung Hoa. Chánh phủ Quốc Dân Đảng rời Nanjing (Nam Kinh) về Zhongqing (Trùng Khánh). Sau chiến tranh kinh tế, tài chánh và xã hội, Trung Hoa rách nát. Chiang Kaishek vẫn lạc quan và xem Trung Hoa là một cường quốc Đông Á. Trung Hoa được hội nghị Potsdam cho phép giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16. Năm 1947, giữa lúc quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng phải đương đầu với những cuộc tấn công của quân Cộng Sản một cách yếu ớt, chánh phủ Nanjing cho vẽ bản đồ chữ U (Lưỡi Bò) 11 đoạn trên Biển Đông và xem đó là vùng biển và đảo của Trung Hoa.
Năm 1949 Chiang Kaishek bị Mao Zedong đánh bại phải rút tàn quân ra đảo Taiwan (Đài Loan). Lục địa Trung Hoa theo chế độ Cộng Sản. Mao chiếm Tân Cương, Tây Tạng, Mãn Châu, Nội Mông nhưng chưa chiếm được đảo Taiwan (Đài Loan) vì chưa có lực lượng hải quân hùng hậu khả dĩ đánh bại Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương. Thời Mao Zedong cầm quyền (1949 - 1976) lục địa Trung Hoa rơi vào cảnh nghèo đói và chết chóc ghê rợn sau sự thất bại của Bước Tiến Nhảy Vọt (1958) và Cách Mạng Văn Hóa (1966 - 1976). Thời Mao, Trung Hoa Cộng Sản đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Thời Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) họ chiếm một phần của quần đảo Trường Sa (Spratley Islands) của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1988. Sau 20 năm theo kinh tế thị trường, Trung Hoa lục địa sớm trở thành cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới. Đến đầu thế kỷ XXI Beijing (Bắc Kinh) bắt đầu nghĩ đến sự phát triển hải quân và tự nhận chủ quyền trên hình chữ U chín đoạn được biết là đường 09 đoạn của Lưỡi Bò rộng lối 3 triệu km²2 trên Biển Đông với lối 140 đảo đá và đảo san hô. Ở Đông Bắc Á họ tranh chấp chủ quyền với Nhật trên chòm đảo đá không người ở Senkaku mà Trung Hoa gọi là Diaoyu (Điếu Ngư).
Lưỡi bò 9 đoạn
Trung Hoa Cộng Sản theo gương Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Pháp, Anh và Hoa Kỳ phát triển hải quân để thực hiện mộng đế quốc cổ điển của các nước vừa kể. Họ tự cho có chủ quyền không thể tranh cãi trên một diện tích biển rộng 3 triệu km2 chạy từ Việt Nam, Phi Luật Tân xuống tận Indonesia cách đảo Hainan (Hải Nam) 1.600 km. Họ đe dọa các nước trong vùng, ngăn chặn không cho ngư phủ trong vùng đánh cá; không cho chánh phủ các quốc gia trong vùng khai thác hay cho các công ty ngoại quốc thăm dò và khai thác dầu khí. Năm 2012 Trung Hoa Cộng Sản chiếm bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân và dùng tàu có võ trang đuổi ghe thuyền Phi Luật Tân lại gần vùng này.
Năm 2013 Phi Luật Tân đưa Trung Hoa Cộng Sản ra Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ở The Hague (PCA: Permanent Court of Arbitration) phân xử. Đại diện Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc không xuất hiện trước tòa và không nộp cho Tòa Án Quốc Tế The Hague những bằng chứng lịch sử chứng minh họ có chủ quyền trên bãi cạn Scarborough và trên đường 09 đoạn hình chữ U gọi nôm na là Lưỡi Bò như họ thường nói. Ngày 12-07-2016 Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế The Hague phán quyết sự khiếu nại của Phi Luật Tân là đúng. Bãi cạn Scarborough nằm cách Phi Luật Tân 160 km và cách đảo Hainan (Hải Nam) trên 800 km.
Tòa ghi nhận có ngư phủ Trung Hoa đánh cá trên các đảo không người cư trú trên Biển Đông nhưng không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy Trung Hoa kiểm soát các đảo ấy. Ngư phủ Nhật cũng có đánh cá và khai thác phần chìm trên đảo Hoàng Sa (Paracels). Nhưng không vì thế mà quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Nhật!
Trung Hoa Cộng Sản vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân khi ngăn chặn ngư phủ Phi Luật Tân hoạt động và ngăn chặn chánh phủ Phi thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Trung Hoa Cộng Sản xây dựng đảo nhân tạo và phá hủy nhiều rặng san hô làm hư hại hệ sinh thái trong vùng.
Đảo nhân tạo do TQ xây
Đường Lưỡi Bò 09 đoạn không có cơ sở pháp lý của nó. Nó vi phạm Công Ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS: United Nations Convention on the Law of the Sea). Công Ước này được phê chuẩn năm 1982 và được 166 quốc gia phê chuẩn và ký kết trong đó có Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Theo UNCLOS các đảo nhân tạo mà Trung Hoa Cộng Sản xây đắp không được xem là đảo. Đặc vùng kinh tế (EEZ: Exclusive Economic Zone) là quyền khai thác tài nguyên dưới lòng biển như hải sản, dầu khí, khoáng sản cách đảo (phần nổi lên khỏi mặt nước biển) hay cách đất liền 200 hải lý tức là 200 x 1,852 = 370 km.
Kết quả sự phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế The Hague tương đối dễ suy đoán nếu căn cứ vào luật biển, lịch sử và tổ chức hành chánh. Khi Xi Jinping thăm viếng Đức nữ thủ tướng Merkel tặng ông một tấm bản đồ như nhắc khéo ông một điều gì mà ông không muốn nghe. Trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) phán quyết, Xi Jinping đoán biết trước kết quả không mấy tốt đẹp của sự phán quyết này nên ông đã đi một vòng thế giới mua chuộc cảm tình các nước thăm viếng bằng những lời hứa viện trợ để được sự ủng hộ của các nước ấy. Ông tốn khá nhiều thì giờ và tiền bạc nhưng chỉ được 06 quốc gia ủng hộ Trung Hoa Cộng Sản về vấn đề Biển Đông mà họ gọi là vấn đề Nam Hải (South China Sea). Sáu quốc gia đó là: Cambodia, Angola, Liberia, Madagascar, Senegal, Papua New Guinea. Trong 06 quốc gia ấy có 04 quốc gia Phi Châu và hai quốc gia Đông Nam Á. Tất cả đều không có duyên hải trên Biển Đông.
Beijing phủ nhận quyền phán xử của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực và cho rằng vị chủ tịch Quốc Tế Pháp Đình Hải Luật (ITLOS: International Tribunal of the Law of the Sea) bổ nhiệm các thẩm phán trọng tài là người Nhật, ông Shunji Yanai. Sau khi bị xử thất kiện Xi Jinping bác bỏ kết quả vụ kiện quốc tế mà họ không cử đại diện tham dự vì không nắm vững phần thắng về mặt pháp lý. Ngoại trưởng Trung Hoa Cộng Sản là Wang Yi (Vương Nghi) gọi phán quyết của Tòa Án Quốc Tế The Hague là một trò hề.
Báo chí và truyền thông Trung Hoa Cộng Sản lên tiếng chửi bới, đe dọa Phi Luật Tân và cương quyết không tuân hành phán quyết của Tòa Án Quốc Tế. Quân đội Trung Hoa Cộng Sản cương quyết dùng sức mạnh quân sự của mình để bảo vệ chủ quyền của họ trên Lưỡi Bò 09 đoạn. Liu Zhenmin (Lưu Chấn Dân), thứ trưởng bộ Ngoại Giao Trung Hoa Cộng Sản, dọa sẽ thành lập Vùng Phòng Không và Nhận Dạng (ADIZ) trên các đảo nhân tạo. Có người dọa Phi Luật Tân muốn thành tỉnh Phi Luật Tân không, nghĩa là Trung Hoa Cộng Sản sẽ đánh chiếm Phi Luật Tân và biến quần đảo này thành một tỉnh của Trung Hoa? v. v…
Tòa Án Trọng Tài The Hague chỉ phân xử trên cơ sở pháp luật. Còn việc thi hành bản án hay không tòa không có cảnh sát để bắt buộc người thua kiện (quốc gia) tuân theo bản án. Phán quyết của Tòa Án The Hague ngày 12-07-2016 làm cho Trung Hoa Cộng Sản bị một vết thương tinh thần rất nặng.
1. Bản án ngày 12-07 cho thấy Trung Hoa Cộng Sản không xứng đáng là một cường quốc lãnh đạo thế giới vì thiếu tinh thần trọng pháp.
2. Lưỡi Bò Chín Đoạn là một sản phẩm làm càn của một quốc gia không xứng đáng có quyền phủ quyết tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
3. Một quốc gia tự nhận mình có văn hóa lâu đời, có văn minh và từng xem người Da Trắng là Bạch Quỉ và các dân tộc khác là Man Di lại là một quốc gia chà đạp luật pháp quốc tế, vi phạm những gì mình đã ký kết và hứa tuân thủ như Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hành động như vậy khác với các dân tộc Man Di ở chỗ nào?
4. Phán quyết của Tòa Án The Hague ngày 12-07-2016 chẳng những đánh dấu sự thắng kiện của Phi Luật Tân trên bãi cạn Scarborough mà còn là sự phá vỡ chánh sách bành trướng lãnh hải của Trung Hoa Cộng Sản trên Biển Đông. Nó cô lập Trung Hoa Cộng Sản và đặt Beijing vào hai sự lựa chọn đối nghịch nhau: a. tôn trọng sự phán quyết của Tòa Án Quốc Tế. b. không tuân thủ sự phán quyết để sẵn sàng chạy theo chánh sách bành trướng bằng sức mạnh quân sự.
Năm 1932 Trung Hoa than vãn và nhờ sự can thiệp của Hội Quốc Liên để làm áp lực cho Nhật Bản rút ra khỏi Mãn Châu. Ủy Ban Lytton có những kết luận dựa theo luật pháp và chủ quyền hợp pháp của Trung Hoa khi buộc Nhật phải rời khỏi Mãn Châu tức là không có nước Mãn Châu Quốc tách rời ra khỏi Trung Hoa. Nhật không công nhận quyết định của Hội Quốc Liên dựa vào báo cáo của Ủy Ban Lytton. Quân đội Nhật vẫn hiện diện ở Mãn Châu cho đến ngày bị bại trận năm 1945. Đó là thời gian Trung Hoa quá yếu trước Nhật nên họ cần đến công lý quốc tế.
Vào đầu thế kỷ XXI Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là một cường quốc kinh tế số 2 và cường quốc quân sự số 3 trên thế giới. Việc tự cho chủ quyền trên Đường Chín Đoạn Chữ U gọi nôm na là Lưỡi Bò rộng 3 triệu km2 với 140 đảo đá, san hô cho thấy điều ấy. Beijing xem thường quyết định của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở The Hague, Hòa Lan. Lần này Trung Hoa đóng vai người xâm lấn lãnh hải bất chấp công lý quốc tế.
Trong 84 năm Trung Hoa đóng hai vai đối ngược nhau.
Năm 1932 Trung Hoa van xin công lý và sự che chở của Hội Quốc Liên.
Năm 2016 Trung Hoa chà đạp công lý quốc tế với vai trò của kẻ xâm lăng bất chấp luật pháp và an ninh, trật tự quốc tế.
Nếu so sánh thái độ kẻ mạnh của Nhật năm 1932 và Trung Hoa Cộng Sản năm 2016 ta thấy:
1. Nhật Bản hào hùng hơn nhiều. Năm 1932 Nhật là một quốc gia độc lập. Địa vị của họ trên thế giới chưa quan trọng bằng Hoa Kỳ, Anh hay Pháp. Nhưng từ năm 1894 họ đã đánh bại Trung Hoa trên chiến trường Triều Tiên, cùng các liệt cường Bạch Chủng tham gia Bát Quốc Liên Quân; chi phối Yuan Shikai (Viên Thế Khải) và các bộ hạ của ông, các đốc quân ở Hoa Bắc; chiếm bán đảo Shandong năm 1919 (Sơn Đông); chiếm Mãn Châu (1931) và thành lập Mãn Châu Quốc (1932). Nhật Bản là một nước nhỏ ít dân so với diện tích và dân số lớn nhất thế giới của Trung Hoa. Năm 1937 Nhật tấn công Trung Hoa và chiếm toàn thể các thành phố duyên hải của nước này.
2. Trên đường thực thi chủ nghĩa Đại Đông Á Thịnh Vượng Chung, Nhật Bản đối đầu với các cường quốc Tây Phương như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hòa Lan ở Đông Nam Á. Năm 1905 họ từng đánh bại Nga tan tác ở Mãn Châu và tại eo biển Tsushima.
3. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc hiện nay là một trong Ngũ Cường tại tổ chức Liên Hiệp Quốc, một cường quốc kinh tế và quân sự khả dĩ thay thế Hoa Kỳ để lãnh đạo thế giới. Nhưng họ thiếu tinh thần trọng pháp và sự hào hùng mà họ rêu rao mà chỉ dùng số đông về người, về tàu bè để áp đảo kẻ yếu nằm trong Lưỡi Bò Chín Đoạn như Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Brunei và cả Indonesia nữa. Một nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, ông Ben Cardin, đưa ra một nhận xét rất thực nhưng đầy tính khôi hài như sau: “Họ (Trung Hoa Cộng Sản) không ngại đối đầu với một tàu cá Việt Nam nhưng họ không muốn đối đầu với Hoa Kỳ.”
Phi Luật Tân thắng kiện nhưng chánh phủ Phi khuyên dân chúng đừng reo mừng chiến thắng pháp lý này, e sợ va chạm tự ái của Xi Jinping (Tập Cận Bình). Hoa Kỳ, Nhật Bản xem phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực The Hague là cách giải quyết vấn đề Biển Đông một cách ôn hòa tốt đẹp nhất. Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước Liên Âu và ASEAN (ngoại trừ Cambodia và Lào) đều mong muốn Trung Hoa Cộng Sản tuân hành phán quyết. Việt Nam không dám kiện Trung Hoa Cộng Sản như Phi Luật Tân nhưng luôn luôn nói có bằng chứng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam!! Xi Jinping, phe quân đội chủ chiến và một số dân Hán chủ chiến vẫn tiếp tục xây đảo nhân tạo, lập phi trường, tổ chức du lịch để chứng minh các hải đảo trong Lưỡi Bò thuộc chủ quyền Trung Hoa Cộng Sản. Các phi trường trên đảo nhân tạo cho thấy Trung Hoa Cộng Sản chuẩn bị chiến tranh lớn.
Hoa Kỳ và Nhật Bản như hai võ sĩ thượng thừa đang nhìn một võ sinh hiếu chiến và hiếu thắng sau khi học được một vài thế võ học lỏm của Hoa Kỳ và Nga. Họ nhìn xem tên võ sinh nhảy múa tung tăng đe dọa mấy đứa trẻ láng giềng hoang mang sợ hãi nhưng có vẻ ngưỡng mộ võ thuật của tên võ sinh. Phán quyết của Tòa Án Quốc Tế The Hague không ngăn chặn được mộng bành trướng lãnh hải của Beijing nhưng nó là một cảnh báo vô tư của các thẩm phán quốc tế như: Thomas Mensah (Ghana), Jean Pierre Cot (Pháp), Rudiger Wolfrum (Đức), Alfred H. Soons (Hòa Lan), Stanislaw Pawlak (Ba Lan). Những vị thẩm phán này phân xử theo luật biển đảo của UNCLOS hay theo cảm tính cá nhân hay quốc gia? Nếu các vị ấy vì quyền lợi cá nhân hay quốc gia của họ thì họ phải xử cho Trung Hoa Cộng Sản thắng vì ở đời người ta phù thịnh bất phù suy. Đằng này họ xử Phi Luật Tân thắng vì luật pháp, lương tri và công lý chớ không vì cảm tình cá nhân hay lợi ích của quốc gia họ.
Hoa Kỳ hay Nhật Bản đều không muốn có chiến tranh với Trung Hoa Cộng Sản. Hoa Kỳ không can dự hay đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông. Họ chỉ nghĩ đến sự tự do hàng hải trong vùng. Đường hàng hải này chiếm 5.000 tỷ Mỹ kim trong giao thương thế giới mỗi năm.
Đường lối cố hữu của Hoa Kỳ xưa nay vẫn là củ cà rốt và cây gậy (carrot and stick). Năm 1932 Hội Quốc Liên không có sự hiện diện của Hoa Kỳ. Nhật không quan tâm đến Ủy Ban Lytton và tự ý rút ra khỏi Hội Quốc Liên. Năm 2016 Hoa Kỳ là thành viên quan trọng của Liên Hiệp Quốc. Trung Hoa Cộng Sản xem thường sự phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực The Hague với tư cách là một thành viên có quyền phủ quyết tại tổ chức quốc tế này. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc dám rút khỏi LHQ như Nhật đã làm năm 1933 không? Xi Jinping, phe Cộng Sản quân phiệt trên lục địa và nhóm quần chúng hiếu chiến sẽ đưa Trung Hoa vào chiến tranh không sao tránh khỏi nếu tiếp tục thực hiện mộng Lưỡi Bò Chín Đoạn (nine-dash line) trên Biển Đông bằng cách lập vùng Phòng Không và Nhận Dạng ADIZ trên các đảo họ chiếm lấy của Phi Luật Tân và Việt Nam?
Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực The Hague là bản án sơ khởi tố cáo mộng bành trướng lãnh hải của Trung Hoa Cộng Sản. Đối với Beijing tuân theo phán quyết thì mất mặt. Mà không tuân thì hậu quả sẽ không ngờ được vì LỢI NHỎ HẠI TO không lường trước được. Cái hại trước mắt là một nước tự nhận có văn hóa ngàn năm, tự xem là siêu cường lãnh đạo thế giới lại không tôn trọng luật pháp quốc tế. Trung Hoa là một thành viên được xem là có mặt trong ngày thành lập tổ chức LHQ, một tổ chức quốc tế nhằm bảo vệ hòa bình thế giới, trở thành nước gây hấn và phá hoại hòa bình ở tây Thái Bình Dương. Đó là sự tổn thương danh dự mà Trung Hoa Cộng Sản đang gánh chịu. Hoa Kỳ, Nhật và các nước Tây Phương không muốn khêu gợi sự tổn thương to tát này nên kêu gọi các nước không nên nhảy múa trước thắng lợi pháp lý ngày 12-07-2016 này. Tất cả chỉ mong muốn có hòa bình và hy vọng Beijing tuân thủ phán quyết của Tòa Án Quốc Tế The Hague.
Chánh sách mềm của Hoa Kỳ là kiên nhẫn chờ đợi tinh thần phục thiện và tôn trọng luật pháp của Trung Hoa. Trung Hoa càng ngoan cố, họ càng tốn kém rất nhiều trong việc bồi đắp đảo nhân tạo, xây cất phi đạo, dùng tiền để có nhiều nước ủng hộ đường lối của mình như Cambodia, Kenya, Liberia, Angola, Madagascar, Senegal, Papua New Guinea. Không ủng hộ viên nào làm việc không công.
Chánh sách cứng là tiếp tục cho tàu bè và phi cơ tuần tiễu trong hải phận và không phận của những đảo nhân tạo với ước vọng mong manh rằng Trung Hoa Cộng Sản không ngại đối đầu với một tàu cá Việt Nam nhưng họ không muốn đối đầu với Hoa Kỳ như nghị sĩ Ben Cardin nói. Đến thời gian T không xa, nhận xét đó không đứng vững. Đó là lúc chánh sách cây gậy phải được thực thi. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc sẽ làm bá chủ hoàn cầu hay mất sạch những gì đang có?
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.