Nguyễn thị Quỳnh Anh


“Tư Duy Về Nhân Quyền Bị Thương Nghiệp Hóa”

 

 

“Hòa Lan có nhiều trách nhiệm hơn là chỉ bảo vệ nhân quyền”. Ɖó là phát biểu của cựu đại sứ Hòa Lan Lionel Veer. Trong thời gian sau này chúng ta có cảm giác dường như quyền lợi kinh tế chiếm ưu tiên hàng đầu trong khi nhân quyền chỉ là chuyện trang sức, không đáng kể trong các cuộc thăm viếng, tiếp xúc của lãnh đạo các quốc gia dân chủ Tây Phương với lãnh đạo các quốc gia độc tài, điển hình là Trung Quốc. Cái mà ngạn ngữ Hòa Lan gọi là gã lái buôn đã thắng vị mục sư, lợi nhuận thắng đạo đức. Tư duy nhân quyền và phương thức tiếp cận về vấn đề này đã thay đổi như thế nào? Bài phỏng vấn đại sứ nhân quyền Lionel Veer dưới đây cho chúng ta một ý niệm rõ hơn về vấn đề nhân quyền trong chính sách ngoại giao của Hòa Lan (và qua đó có thể hiểu rõ hơn về vấn đề nhân quyền qua Liên Âu) để chúng ta có một phương thức đấu tranh nhân quyền thích hợp, hữu hiệu hơn ở hải ngoại trong hoàn cảnh hiện tại. (Nguyễn Thị Quỳnh Anh)

 

***

Vào năm 2013 đại sứ nhân quyền Hòa Lan Lionel Veer đã mang theo bản dịch của quyển “Tôn Trọng Tự Do Cho Mỗi Con Người” sang Bắc Kinh. Ȏng đã trao tận tay tập tài liệu của thượng cấp ông, bộ trưởng bộ Ngoại Giao Frans Timmermans, cho nhà cầm quyền Trung Quốc. Với tài liệu này đại sứ Veer đã chứng thực sự tái lập đối thoại giữa hai quốc gia. Ɖôi thoại nầy đã ngừng nghỉ trong bốn năm nay.

Cuộc thăm viếng là cao điểm của nhiệm kỳ gần bốn năm của ông Veer (59 tuổi) trong tư cách đại sứ nhân quyền. Ȏng vừa mới công tác trong tư cách đại sứ của Unesco thuộc tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Paris. Người thay thế ông là Kees van Baar, cựu đại sứ ở Nam Sudan.

Ở Trung Quốc ông Veer đã tình cờ gặp phải cái mà ông gọi là “một thái độ ngoại giao quả quyết hơn”. Diễn đạt một cách mạnh mẻ hơn: “Bạn thấy điều đó trong các cường quốc đang phát triển kinh tế như Nga, Brazil, Ấn Ɖộ: các chính phủ ở nơi đó đã vượt qua sự hổ thẹn. Các quốc gia này muốn tự quyết định họ sẽ tiếp cận với nhân quyền như thế nào. Họ không có nhu cầu cần những người dạy dỗ họ về nhân quyền. Họ xem điều đó là chuyện xâm phạm vào chủ quyền quốc gia.

“Hãy xem, Trung Quốc đã từng đề nghị cùng với Hòa Lan thông qua một “đối thoại có cơ cấu” về vấn đề nhân quyền. Bắc Kinh muốn tô điểm bộ mặt của họ. Nếu tôi vận động cho tự do cá nhân của người dân thì phản ứng của họ là: chúng tôi nhận thấy rằng quyền kinh tế xã hội là ưu tiên hơn cả. Nhà cầm quyền Trung Quốc viện dẫn rằng trong vòng 25 năm sau này (kề từ vụ đàn áp đẫm máu cuộc chống đối ở quảng trường Thiên An Môn) họ đã giúp cho hơn 500 triệu người vượt lên khỏi ranh giới nghèo đói. Ɖó là một thành tích mà họ xứng đáng nhận được. Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng sự phồn vinh thiếu vắng quyền tự do tư tưởng không phải là một đáp án.

Xem ra giống như cuộc đối thoại giữa hai người điếc. Bản dịch Hoa ngữ công bố về nhân quyền đã bị nằm trong sọt rác.

“Nếu tôi đề cập về vấn đề hành hạ tù nhân thì nhà cầm quyền Trung Quốc nhìn nhận có vấn đề đó. Trung Quốc cũng tự gởi những cai tù đến Hòa Lan để theo các khóa học. Hòa Lan cũng huấn luyện các nhân viên cảnh sát Trung Quốc. Họ học hỏi cách thẩm vấn mọi người mà không phải sử dụng bạo lực vật lý, rằng có những phương cách khác để thu thập các bằng chứng như xác nghiệm các dấu vết chẳng hạn.”

(Cựu) bộ trưởng Timmermans tuyên bố nhân quyền là “viên gạch nền tảng” của chính sách ngoại giao của ông. Cùng lúc, chính phủ lại bám chặt vào các quyền lợi kinh tế quốc gia. Cuộc viếng thăm của ông chỉ khả dĩ sau chuyến đi Trung Quốc của thủ tướng Rutte cùng với các nhà doanh nghiệp.

(Thở dài) ”Ȏng ám chỉ cuộc tranh luận gay gắt rằng Hòa Lan là gã lái buôn hay là vị mục sư? Ɖó là sự phân hai lỗi thời. Chúng ta còn có nhiều trách nhiệm hơn là chỉ bảo vệ nhân quyền.

“Có ba ưu tiên trong chính sách ngoại giao: an toàn, phồn vinh, nhân quyền. Cả trong các thập niên qua đều như thế. Trong năm 1979 (dưới chính phủ trung ương khuynh hữu Van Agt-Wiegel), ba ưu tiên đó đã được hình thành. Trong thời điểm đó vấn đề bảo vệ nhân quyền là “tối quan trọng cho chính sách ngoại giao”. Nhưng điều đó không được phép mang lại “sự thiệt hại thiếu cân xứng cho hai ưu tiên còn lại”. Ɖoạn đó sau này đã bị gạch bỏ.

“Không phải vô cớ mà Hòa Lan gọi nhân quyền là viên gạch nền tảng của chính sách ngoại giao. Nhưng tư duy về nhân quyền đã thay đổi. Thương nghiệp hóa. Ngày xưa chúng ta lên tiếng kêu gọi đạo đức đến các quốc gia khác. Bây giờ chúng ta nói: ông sẽ bị mất đầu tư nếu ông không phải là một nhà nước pháp quyền, không cung cấp được sự an toàn luật pháp – tạm diễn tả một cách đơn giản như thế. Chúng ta sẳn sàng trả một cái giá cho các quan niệm của chúng ta. Với những biện pháp chế tài của Âu Châu đối với Nga, chúng ta đã tròng vào cổ mình những vấn nạn kinh tế.”

Hòa Lan cũng nhận lãnh những chỉ trích của nước ngoài. Một thẩm phán Ɖức đã ngăn trở cách đây không lâu việc gởi trả lại Hòa Lan một người Somalia xin tỵ nạn bởi vì một “sự hiện hữu có nhân phẩm tối thiểu” không thể được bảo đảm ở đây. Hội Ɖồng Âu Châu, tổ chức luôn đấu tranh cho nhân quyền, chỉ trích biện pháp của Hòa Lan giải quyết tệ nạn buôn người.

Do những phê phán, Hòa Lan có đủ quyền hạn để có thể thuyết phục các quốc gia khác không?

“Nếu bạn muốn một cuộc đối thoại về nhân quyền, bạn phải sẵn sàng hứng chịu những chỉ trích. Ɖiều đó tốt cho uy tín của chúng ta rằng chúng ta không hành xử như thể tất cả đều hoàn hảo ở đất nước chúng ta. Tôi thường nhiều lần đặt câu hỏi trong những chuyến viếng thăm: Quí vị có ghi nhận gì về chính sách của chúng tôi? Trong các quốc gia Hồi Giáo người ta thường hỏi: bộ Hòa Lan đang trở nên kinh sợ Hồi Giáo hay sao, và có còn là một quốc gia cởi mở, khoan dung nữa không? Tôi công nhận rằng có những căng thẳng giữa các nhóm công dân với nhau. Nhưng dĩ nhiên tôi cũng chỉ đến tự do tôn giáo ở Hòa Lan.”

Cả ngay ở Hòa Lan cũng âm vang những chỉ trích. Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, cơ sở Hòa Lan, tự hỏi rằng sự đối thoại ở Saudi Arabia có giá trị gì? Quốc gia đó thi hành luật tử hình thường xuyên hơn.

“Tôi đã từng đến đó hai lần và đã phát biểu mạnh bạo hơn. Người ta cũng chưa từng nói: Quí vị không được đề cập đến án tử hình với chúng tôi.”

Sau đó trong năm, bộ trưởng Timmermans đi đến quốc gia đó để củng cố các quyền lợi thương mại. Như thế gã lái buôn đã thắng vị mục sư?

“Có một chuyện khác hơn. Trong mắt của người Saudi Arabia, lãnh tự đảng PVV Wilders (đảng bảo thủ cực hữu Hòa Lan) xúc phạm vị giáo chủ với các đoạn văn trên các giấy dán có hình quốc kỳ của quốc gia này. Ɖó là điều nhạy cảm. Viên đá của sự đụng chạm không phải Wilders than phiền về nhân quyền ở Saudi Arabia.”

Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cũng nói: chấm dứt ngoại giao thầm lặng, hỗ trợ công khai những người bảo vệ nhân quyền.

“Chúng ta cũng đã làm điều đó ở một số quốc gia. Hòa Lan còn tiến xa hơn là chỉ nỗ lực để đạt được một sự đối thoại. Chúng ta đã cống hiến nơi cư trú và sự bảo vệ cho những người tranh đấu cho nhân quyền đang cảm thấy bị đe dọa. Dự án Shelter City ở The Hague đã cho mười người mỗi năm có cơ hội, với chiếu khán nhập cảnh, để được thở phào ở đây trong vòng ba tháng. Một luật sư ở Rwanda, một nhà đấu tranh nhân quyền ở Nam Sudan, một nghệ sĩ Cuba,… Một dự án rất thành công đến nỗi nó được mở rộng sang các thành phố khác.

“Quan điểm của chúng ta là chúng ta không quy định phải như thế nào ở The Hague mà chúng ta tìm sự nối kết nơi những người đang đấu tranh trên quốc gia của họ. Nơi đây bạn sẽ rơi vào tình trạng khó xử. Sự hỗ trợ hoạt động – cả tài chánh – của chúng ta cho những người đấu tranh nhân quyền ở một quốc gia như Nga chẳng hạn thì chắc chắn đạt hiệu quả. Họ đã nói điều đó với tôi, cũng như những người đấu tranh cho quyền của những người đồng tính luyến ái vào năm rồi trong Canal Pride ở Amsterdam. Các tổ chức nhân quyền nhận thấy họ phải đối đầu ở Nga với đủ loại biện pháp chống trả. Như vậy họ phải đăng ký như ‘một thứ văn phòng ngoại quốc’ ở Nga..”

“Các chính phủ đổ lỗi cho tôi rằng Hòa Lan hỗ trợ cho những người và những nhóm mà họ xem là thành phần đối lập. Trong suốt những cuộc thăm viếng của tôi, tôi tiếp chuyện với những nhà bảo vệ nhân quyền, những người chống đối, những trí thức, các blogger chỉ trích nhà nước. Cách hành xử của chúng tôi đôi khi gây nên sự phẫn nộ của các chính phủ. Nhưng chúng tôi không hề bận tâm đến điều đó.

Nguyên tác: “Het Denken over Mensenrechten Is Verzakelijkt”, Theo Koele, De Volkskrant, 05-08-2014
Chuyển ngữ: Nguyễn thị Quỳnh Anh

 


Cái Đình - 2014