Nguyễn thị Quỳnh Anh
Trung Quốc đón nhận năm 2017 một cách đầy tự tin
.
Với cuộc bầu cử của Donald Trump các lá bài ở Ɖông Nam Á hoàn toàn bị xốc tung lên.
“Ɖại cường Trung Quốc vào năm 2017 sẽ đóng dấu ấn của mình còn sâu hơn nữa trên vùng này và phần còn lại của thế giới”,
Stefan Blommaert đã nhận định như thế…
Không còn nghi ngờ gì nữa về điều mà truyền thông Trung Quốc xem như là biến cố quan trọng nhất của năm 2017. Ɖó là Ɖại Hội Ɖảng của đảng Cộng Sản Trung Quốc vào một thời điểm của mùa thu. Trong con mắt của chúng ta nó là một nghị hội buồn nản với những bài diễn văn dài lê thê và một diễn tiến được đạo diễn cực kỳ hoàn hảo, nhưng cho giới lãnh đạo Trung Quốc nó là một thánh lễ lớn cứ năm năm một lần trong hệ thống chính trị nhà nước độc đảng. Cái gọi là bầu cử tổng thống cho Hoa Kỳ được gọi là đại hội đảng cho Trung Quốc.
Dĩ nhiên sự so sánh điều này với các cuộc bầu cử thì không đúng nghĩa lắm, bởi vì ở đây hoàn toàn vắng bóng sự tham gia lớn lao của nhân dân. Nhưng mỗi đại hội đều chấm dứt với cuộc bầu cử một ban lãnh đạo mới của đảng và qua đó rõ ràng ai sẽ là nhân vật nắm vai trò lãnh đạo trong tay cho năm năm tới. Lần này thì hai lãnh đạo cao cấp nhất (tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường – trên nguyên tắc sẽ hết nhiệm kỳ sau đại hội đảng vào năm 2022) sẽ còn ngồi lại, nhưng trong ban thường vụ sắp tới chúng ta sẽ làm quen với năm nhân vật mới. Tên của hai nhân vật đã xuất hiện trước trong hầu hết các dự đoán: một là tên của “nhân vật trẻ” (bởi vì ở vào tuổi năm mươi), ông Tôn Chính Tài, bí thư Trùng Khánh và hai là ông Hồ Xuân Hoa, bí thư Quảng Ɖông.
Quan hệ với Hoa Kỳ
Không thể nào đếm được số trang báo ở Trung Quốc và số giờ của đài truyền hình dành cho đại hội đảng trong năm 2017. Nhưng – cách đây khoảng hai tháng thì ít rõ ràng hơn – sự quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chắc chắn cũng sẽ chiếm nhiều trang báo và thời giờ trong các thông tin và bình luận của truyền thông Trung Quốc. Việc bầu Donald Trump làm tổng thống của của Hoa Kỳ cũng làm cho năm 2017 trở thành một năm gây đầy sự ngạc nhiên cho Trung Quốc. Trong suốt thời gian vận động bầu cử Trump thường xuyên sử dụng ngôn ngữ cứng rắn với Bắc Kinh: “Trung Quốc là một quốc gia thao túng hối xuất tiền tệ”, “quốc gia đánh cắp công ăn việc làm của chúng ta”, “các xí nghiệp Hoa Kỳ dọn sang Trung Quốc sẽ phải bị phạt bằng thuế vụ” hay “sẽ có các giá biểu nhập khẩu cao cho hàng hóa Trung Quốc”, đó chỉ là một loạt từ các phát biểu cấm kỵ của vị tổng thống được bầu.
Sự kiện rằng Trump sau khi thắng cử đã hồ hởi thông báo qua Twitter về việc liên lạc điện thoại với nữ tổng thống Ɖài Loan và sau đó lạnh lùng đặt vấn đề rằng, sự đồng ý của Hoa Kỳ với “chính sách một Trung Quốc” kể từ nay sẽ tùy thuộc vào những nhượng bộ của Trung Quốc, đã làm vang lên những tiếng chuông báo động ở Bắc Kinh. Ɖiều đó cũng tương tự như tin tức về việc đặt nhân vật được đánh giá cao là phê phán Trung Quốc một cách sắc bén, ông Peter Navarro, vào chức vụ chủ tịch của ủy ban cố vấn thương mại Hoa Kỳ. Nhiều chỉ trích độc địa về Trung Quốc trong các bài diễn văn của Trump dường như chép lại nguyên văn từ quyển sách “Chết Vì Trung Quốc” của Navarro (hoặc là từ phim tài liệu cùng tên của ông, nên nhớ rằng ông Trump không phải là hạng người mê đọc sách lắm). Việc đề cử một người đã quen biết với tổng bí thư Tập Cận Bình để làm đại sứ ở Bắc Kinh có lẽ sẽ là một niềm an ùi nho nhỏ cho các lãnh đạo Trung Quốc.
Trung Quốc được rảnh tay
Sự không thể tiên đoán về Trump trong lúc này đã trở thành thương hiệu của ông. Và hãy để sự không thể tiên đoán này chỉ vừa đủ là cái mà các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay rất chán ghét. Cũng như việc thiếu tôn trọng các nghi thức ngoại giao và sự nhã nhặn của tổng thống Hoa Kỳ tương lai sẽ làm cho các lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên nhảy dựng lên.
Nhưng Bắc Kinh chắc chắn cũng nhìn được các điểm sáng. Rằng Trump muốn bãi bỏ thỏa ước thương mại TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement – viết tắt TPP) phải là tiếng nhã nhạc vang trong tai của các lãnh đạo Trung Quốc. Hiệp Ɖịnh Ɖối Tác Xuyên Thái Bình Dương là một thỏa ước giữa 12 quốc gia chung quanh biển Thái Bình, qua đó các trở ngại về thương mại phải được giảm thiểu theo các chỉ tiêu riêng để làm lợi ích cho việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, năng xuất và sự canh tân – có thể so sánh với TTIP (Transatlantic Trade and Investment Partnership – Hiệp Ɖịnh Ɖối Tác Ɖầu Tư và Thương Mại Xuyên Đại Tây Dương) giữa Hoa Kỳ và Âu châu. Nhưng rõ ràng là Trung Quốc đặc biệt bị loại ra ngoài vòng. Do đó ở Bắc Kinh TPP trước hết được xem như một hiệp ước chống Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ không bỏ lỡ cơ hội để xúc tiến những khởi xướng kinh tế quốc tế của chính mình như hình thức thay thế cho TPP. Ngân Hàng Ɖầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu (AIIB: Asian Infrastructure Investment Bank) chẳng hạn, nơi Nhật và Hoa Kỳ không được gia nhập. AIIB – với 57 quốc gia gia nhập – phải thúc đẩy các đầu tư vào hạ tầng cơ sở, cũng ở trong vùng trải rộng chung quanh Thái Bình Dương. Một đối thủ cạnh tranh của Ngân Hàng Thế giới hay của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, nơi mà ảnh hưởng của Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương quá lớn theo nhận định của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng có sáng kiến One Belt-One Road (Một Vành Ɖai - Một Con Ɖường), trong đó Trung Quốc muốn canh tân đường xá, các đường hỏa xa, các hải cảng, phi cảng ở các quốc gia dọc theo con Ɖường Tơ Lụa lịch sử. Một sáng kiến rằng người Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng kinh tế và chính trị cả toàn thể lục địa Âu-Á Châu, từ Trung Tâm Á Châu trải dài qua Iran cho đến Ɖông Nam Âu.
Biển Ɖông
Các nhà chính trị Trung Quốc cũng sẽ không hề mủi lòng về cái chết dứt khoát của cái gọi là “Xoay Trục về Á Châu” của Hoa Kỳ, một chủ nghĩa chính trị địa lý được thực hiện dưới thời Hillary Clinton khi bà còn là bộ trưởng Bộ Ngoại Giao. Sáng kiến giảm thiểu sự quan tâm đến các cuộn len rối nùi Trung Ɖông và chuyển sự chú tâm về Á Châu, tức là bảo vệ quân sự nhiều hơn cho các đồng minh Á Châu (như Nhật, Phi Luật Tân hay Thái Lan) và một hợp tác kinh tế sâu sắc hơn với các quốc gia này. Không phải trước hết là chủ trương chống Trung Quốc, nhưng thông điệp đã đến Bắc kinh như thế đó.
Nhưng “cái trục” đã đang chết một cái chết thầm lặng trong thời gian qua bởi vì những hoàn cảnh khủng hoảng dai dẳng ở Trung Ɖông đã làm khó khăn cho một giao ước nhỏ hơn của Hoa Kỳ ở nơi đó và những ngân quỹ cần thiết không được thành lập để sử dụng cho một sự hiện diện lớn lao hơn ở Á Châu. Nhát dao kết liễu cuối cùng sẽ có lẽ sẽ đến từ Donald Trump khi ông vào ngồi trong tòa Nhà Trắng. Dù thế nào đi nữa vị tổng thống tương lai muốn giảm thiểu sự liên hệ quốc tế của Hoa Kỳ, và cũng như ông đã phát biểu về các quốc gia của khối NATO, ông cũng cho rằng các quốc gia đồng minh Á Châu phải tự thanh toán chi phí quốc phòng của mình.
Trung Quốc hoàn toàn không buồn rầu về điều này. Hơn cả trường hợp bây giờ, người Trung Quốc sẽ xem Ɖông Nam Á là sân chơi của họ. Việc giành chủ quyền trên hầu hết Biển Ɖông là một cái gai trong mắt của nhiều quốc gia trong vùng. Trung Quốc xua đuổi ngư phủ và các tàu chiến của những quốc gia tranh chấp ra khỏi các quần đảo mà họ giành chủ quyền, xây dựng các phi trường và cơ sở quân sự ở nơi đó. Trung Quốc bác bỏ vào mùa hè năm rồi sự khuyến cáo của Tòa Trọng Tài Quốc Tế về vấn đề giành chủ quyền. Và sau đó chắc bạn sẽ mong đợi một sự phối trí quân sự của các quốc gia đang tranh chấp với Trung Quốc: điều hoàn toàn ngược lại đã xảy ra với Phi Luật Tân trong khi chính quốc gia này đã khởi kiện trước Tòa Trọng Tài. Vị tổng thống thái quá Phi Luật Tân đã bỏ rơi đồng minh trong nhiều thập niên là Washington và đến thăm viếng Bắc Kinh, nơi ông được trải thảm đỏ đón tiếp, rồi sau đó trở về nhà với một số hợp đồng thương nghiệp trong túi.
Tàu sân bay Liêu Ninh trên Biển Đông trong một cuộc phô trương lực lượng
Năm 2017 báo hiệu như là một năm trong đó Trung Quốc sẽ yêu sách nhiều hơn để tự do hành động trong vườn sau nhà. Như một thử nghiệm nhỏ Trung Quốc đã gởi một hàng không mẫu hạm (duy nhất) Liêu Ninh (Liaoning) đến Biển Ɖông trong những ngày qua. Chỉ là tập trận và hoàn toàn nằm trong khuôn khổ pháp luật theo theo phát ngôn của Bắc Kinh, nhưng ở trong vùng, và ở cả Washington điều đó được xem như việc phô trương cơ bắp một cách tự phụ. Một chỉ dấu rằng Trung Quốc trong những năm tới cũng sẽ tiếp tục biểu dương quân sự và sẽ tiếp tục việc hiện đại hóa quân đội không ngừng nghỉ. Ngay cả bây giờ, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc lên đến 10% hàng năm, và đây là con số công khai, một số chuyên gia dự đoán rằng ngân quỹ thật sự còn cao hơn nữa. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng nhiều lần họ không hề có chủ trương quân sự và bành trướng nhưng điều đó không phải là lời tuyên bố có tính thuyết phục đối với các quốc gia láng giềng.
Âu châu
Và Trung Quốc sẽ đối đầu như thế nào đối với chúng ta, đối với Âu Châu? Âu Châu đối với Trung Quốc là đối tác thương mại thứ nhất, còn hơn cả Hoa Kỳ. Nhưng cán cân thương mại không được quân bình trong lợi thế của của Bắc Kinh. Ngoài điều đó Trung Quốc với khối tiền dự trữ to lớn tiếp tục mua lại các xí nghiệp Âu Châu. Chúng ta ở Bỉ cũng đã từng kinh qua điều đó vào đầu năm nay do sự rắc rối chung quanh xí nghiệp Eandis qua việc mua 14% cổ phần của Eandis trong thời gian này.
Thao tác đó đụng chạm đến đối lập chính trị nhưng điều đó không ngăn cản Trung Quốc tiếp tục bỏ tiền đầu tư vào việc mua các xí nghiệp có lợi cho họ. Hoặc đó là việc mua lại xí nghiệp Volvo của Thụy Ɖiển cách đây vài năm, hoặc việc xâm nhập tuy ít gây thiệt hại hơn của Trung Quốc vào trung tâm thương mại Waasland và Wijnegem, hoặc Trung Quốc nắm lấy các quyền lợi trong Deurganckdok ở Antwerpen (Bỉ). Vào năm 2015 Trung Quốc đã đầu tư khoảng 20 tỷ Âu kim vào Liên Âu. Ɖể so sánh: vào năm 2009 chỉ có 2 tỷ. Con số này sẽ chỉ gia tăng trong tương lai.
Ɖiều mà chúng ta trong năm 2017 và các năm kế tiếp cần phải để mắt đến Trung Quốc là lãnh vực năng lượng bền vững. Chúng ta đã biết đến các hình ảnh gợi ảo giác của cảnh khói bụi ngạt thở ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Ít phổ biến hơn là việc Trung Quốc rất tích cực trong trong các vấn đề như thiết kế các quạt gió hay tấm năng lượng mặt trời. Trung Quốc đứng hàng thứ nhất trên thế giới về việc đầu tư vào năng lượng bền vững. Ɖiều đó cho phép Trung Quốc hành xử trong Nghị Hội Khí Hậu ở Paris vào năm rồi vô cùng uyển chuyển và tích cực, hoàn toàn ngược hẳn thái độ của họ trong nghị hội trước đó ở Copenhagen vào năm 2009. Và như thế có thể Trung Quốc – nếu Trump thành công rút chân ra khỏi Hiệp Ước Khí Hậu – sẽ cùng các quốc gia đã ký nhận hiệp ước này, trong đó có Liên Âu, một vai trò đầu tàu trong việc chống lại vấn đề hâm nóng quả địa cầu. Từ một kẻ cực kỳ gây dơ bẩn cho khí hậu cho đến một thiên thần khí hậu, ồ quả thật là sự mỉa mai của lịch sử.
Nguyên tác: China ziet 2017 vol vertrouwen tegemoet
Tác giả: Stefan Blommaert
Trích từ: Deredactie.be, 31/12/2016
Người dịch: Nguyễn thị Quỳnh Anh
_______
(Stefan Blommaert hiện là người đưa tin nước ngoài của ra dô và đài truyền hình VRT (Bỉ), đã từng là người đưa tin của VRT ở Trung Quốc).