Phạm Ɖình Lân


Thắng lợi và sa lầy của Putin

 

Putin không phải không biết điều đó nhưng ông ta không còn sự lựa chọn nào hơn ngoài sự phô trương sức mạnh quân sự để vuốt ve sự tự hào dân tộc Nga bằng những thành quả nhất thời vì ông không muốn và cũng không biết làm sao đưa đất nước và dân tộc Nga đến bến Tự Do, Hạnh Phúc thay vì dẫn họ đến xưởng sản xuất súng đạn dùng để đe dọa người khác…

 

***

 

Mùa Xuân Á Rập ở Syria biến thành cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay làm cho 250.000 người chết, 7 triệu người phải rời chỗ ở mất an ninh để di chuyển sang vùng tương đối có an ninh và 4 triệu người tỵ nạn sang các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan.

Nhà độc tài Ben Ali của Tunisia, Mubarak của Ai Cập, Qadafi của Libya đều bị lật đổ. Qadafi bị giết chết. Chỉ có tổng thống cha truyền con nối ở Syria là Bashar Assad vẫn còn tồn tại nhờ sự trợ giúp đắc lực của Nga, Iran và nhóm Hồi Giáo Shiite Hezbollah ở nam Lebanon. Sau 4 năm nội chiến, chánh quyền Assad đương nhiên mất quyền kiểm soát 48% dân trên 23 triệu dân số. 52% dân số còn lại đặt dưới sự kiểm soát của tổng thống Assad, nhóm ISIS mà trong vùng gọi là Daesh, Mặt Trận Nusra, nhóm Al Qaeda Syria, Nhóm Quân Ɖội Syria Tự Do, v.v. Hoa Kỳ, Liên Âu, các nước Á Rập Hồi Giáo Sunni và Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên của NATO, đều có hỗ trợ cho những nhóm ôn hòa chống Assad.

Tổng thống Assad và Nga cho rằng những nhóm chống Assad là những người phiến loạn thuộc thành phần khủng bố. Daesh tức ISIS bây giờ, Nusra, Al Qaeda đều được xem là thành phần quá khích và khủng bố. Nusra và Al Qaeda nổi tiếng là khủng bố bạo tợn lại bị Daesh lên án là các nhóm quá khích và khủng bố kia chưa đủ tàn bạo để thành công. Daesh không đông người lại thành công trong việc chiếm nhiều đất đai và thành phố lớn ở Iraq và Syria nhờ sự hiện diện của các quân nhân của Saddam Hussein thuộc Hồi Giáo Sunni và bằng cách gieo khủng bố gây ghê rợn khiến đối phương phải bỏ chạy khi nghe đến Daesh hay ISIL (Islamic State of Iraq and Levant), sau cải thành IS (Islamic State – Quốc Gia Hồi Giáo) và ISIS (Islamic State of Iraq and Syria: Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Syria). Hồi Giáo ở đây là Hồi Giáo phái Sunni. Việc lật đổ Assad còn nhì nhằng. Bây giờ cả phe chánh phủ Syria của Assad và các nhóm chống đối đòi lật đổ Assad đều xem ISIS là kẻ thù của mình. Các phe nổi dậy vừa đánh lẫn nhau vừa đánh phe chánh phủ của Assad.

Nga không can dự vào Libya năm 2011 mà chỉ nhìn kết quả việc lật đổ Qadafi của Hoa Kỳ và Liên Âu: chế độ độc tài được thay thế bằng một chế độ hỗn loạn, vô trật tự, trong đó nhóm khủng bố đóng vai trò nòng cốt. Một đại sứ Hoa Kỳ bị giết chết ở Benghazi (2012), hàng trăm ngàn người Libya vượt Ɖịa Trung Hải sang Ý Ɖại Lợi tạo cho Liên Âu một gánh nặng tỵ nạn Hồi Giáo có tổ chức. Người tỵ nạn được chở bằng tàu sắt to lớn trực chỉ đến Ý Ɖại Lợi.

Phản ứng của Nga ở Syria thì khác. Nga có ảnh hưởng ở Syria từ thời Sô Viết. Thân sinh tổng thống Bashar Assad là Hafez Assad (1930 - 2000) là một tướng Không Quân của Syria do Liên Sô huấn luyện. Phần lớn các sĩ quan Không Quân Syria đều được huấn luyện ở Liên Sô, rồi ở Nga sau này. Syria nhượng cảng Tartus cho Hải Quân Nga. Ɖó là cửa ngõ duy nhất của Nga trên Ɖịa Trung Hải. Ɖó là điều mà các Nga hoàng mong muốn nhưng không đạt được suốt thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Tổng thống Bashar Assad không được lòng dân Syria vì bị xem là nhà độc tài cha truyền con nối. Ɖiều quan trọng khiến ông bị dân chúng Syria không ưa thích vì ông là tín đồ phái Alawite, một nhánh nhỏ của phái Shiite giữa lúc 75% dân Syria theo Hồi Giáo Sunni.

Vì gia đình Assad thuộc phái Alawite nên Syria theo đường lối thân Iran, quốc gia có nhiều tín đồ Hồi Giáo Shiite lớn nhất trong thế giới Hồi Giáo. Iran dùng Hồi Giáo Shiite và chánh sách quyết liệt chống sự hiện diện của Do Thái ở Trung Ɖông để tìm đường ra Ɖịa Trung Hải bằng miền Nam Iraq, nơi Hồi Giáo Shiite chiếm đa số (60% dân số Iraq) và Syria, nơi nhà độc tài Assad thuộc một nhánh nhỏ của phái Shiite trong một quốc gia có 75% dân số thuộc phái Sunni. Cộng Hòa Hồi Giáo Iran nuôi dưỡng Hezbollah, một nhóm Hồi Giáo cực đoan ở nam Lebanon để nhóm này chống lại Do Thái và hỗ trợ cho người Palestine (thuộc phái Sunni) ở West Bank, nhất là ở Gaza để chống Do Thái hầu xứng danh là thủ lãnh các quốc gia Hồi Giáo trong vùng.

Putin tỏ ra trên cơ Hoa Kỳ trong vấn đề Iran và Syria. Năm 2013 Obama không giữ đúng lời hứa sẽ ra tay trong vấn đề Syria nếu Assad dùng võ khí hóa học. Nhưng khi Assad dùng võ khí hóa học thì Nga lo sợ Hoa Kỳ sẽ tấn công Assad nên cho tàu chiến lai vãng ngoài khơi Ɖịa Trung Hải như sẵn sàng can thiệp võ lực nếu Hoa Kỳ tấn công Syria. Putin đưa đề nghị giải giới võ khí hóa học của Syria để tránh việc Hoa Kỳ dùng võ lực như đã hứa khi Syria vượt qua “lằn ranh đỏ”. Giải pháp của Putin như cái phao hòa bình cứu vãn sự can thiệp võ lực của Hoa Kỳ vào việc lật đổ Assad, một con cờ sáng giá của Nga ở Trung Ɖông. Obama làm cho Saudi Arabia và các vương quốc dầu hỏa trong vùng Vịnh thất vọng vì các nước nầy theo Hồi Giáo Sunni muốn lật đổ vị tổng thống thuộc phái Alawite ở Syria. Dĩ nhiên những nước này cũng có tài trợ cho những thành phần chống đối Assad trong cuộc nội chiến Syria. Tổng thống Obama có vẻ cần đến Putin trong việc thương thuyết với Iran mặc dù phải đụng chạm với Do Thái. Dù vậy giữa Obama và Putin vẫn có những cuộc đấu đá ngầm lẫn nhau. Mỗi người sử dụng tối đa lợi khí của mình. Trong vấn đề Ukraine phe thân Tây Phương lật đổ tổng thống thân Nga là Viktor Yanukovich (2010 – 2014). Putin cho quân sĩ Nga tiến chiếm bán đảo Crimea, tổ chức bầu cử và sát nhập bán đảo nầy vào Liên Bang Nga. Vấn đề Crimea và sự nổi dậy của người Ukraine gốc Nga ở đông bộ Ukraine cô lập Putin đến nỗi ông phải bỏ hội nghị G20 ở Úc để về nước. Nga bị Hoa Kỳ và Liên Âu trừng phạt kinh tế. Ɖó là “võ khí” tâm đắc của Obama đối với Putin của Nga lẫn Xi Jinping của Trung Quốc.

Ba vị Tổng thống đang khuấy động vùng Trung Đông: Putin (Nga). Assad (Syria) và Obama (Hoa Kỳ)

Sự ra đời của ISIS trên lãnh thổ Iraq và Syria làm cho tình hình Trung Ɖông càng trở nên phức tạp. Việc minh định bạn-thù trở nên khó khăn. ISIS là kẻ thù của Hoa Kỳ, Liên Âu, Assad, Hồi Giáo Shiite, Hồi Giáo Sunni của người Kurds,… ISIS đe dọa chánh phủ Iraq thuộc Hồi Giáo Shiite do Hoa Kỳ hậu thuẫn. ISIS đe dọa người Kurds ở phía bắc Iraq đang được sự ủng hộ của Hoa Kỳ vì miền Bắc Iraq cũng là vùng dồi dào dầu hỏa. ISIS không ưa Iran vì thuộc phía Shiite và vì yểm trợ cho Bashar Assad. Iran mất 8 năm chiến tranh với Iraq (1980 – 1988) nhưng không lật đổ được Saddam Hussein (thuộc Hồi giáo Sunni). Sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein năm 2003 và việc rút quân của Hoa Kỳ ra khỏi Iraq cuối năm 2011 tạo cơ hội cho Iran gây ảnh hưởng ở Iraq và Trung Ɖông. Sự ra đời và lớn mạnh của ISIS giúp cho ảnh hưởng của Iran đối với chánh quyền Baghdad và Damascus càng to lớn hơn. Iran cố vấn cho quân đội Iraq tái chiếm Tikrit (04-2015) do ISIS chiếm giữ từ năm 2014. Vệ Binh Cộng Hòa Iran có thể có mặt trên chiến trường Iraq lẫn Syria dưới danh nghĩa giúp đỡ chánh phủ Baghdad và Damascus đánh khủng bố ISIS. Bề ngoài xem như Iran và Hoa Kỳ có cùng kẻ thù chung là ISIS. Thực tế Hoa Kỳ và Iran vẫn chưa là bạn. Hoa Kỳ chi xài hàng trăm tỷ Mỹ kim cho chiến tranh Iraq và Afghanistan để Iran trực tiếp ảnh hưởng đến chánh quyền Iraq qua việc tái chiếm Tikrit. Uy tín của Hoa Kỳ và các nước đồng minh Liên Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Á Rập Hồi Giáo Sunni trong việc đánh dẹp ISIS không rõ ràng vì ISIS chưa trực tiếp bị đánh bại như đã bị bại trước Iran và quân Iraq thuộc phái Shiite ở Tikrit.

Cuộc khủng hoảng di dân Hồi Giáo ở Âu Châu làm cho Putin phấn khởi. Liên Âu sẽ cưu mang gánh nặng tôn giáo, chánh trị, xã hội bất tận và có nguy cơ chiến tranh tôn giáo và văn hóa trên lục địa nầy giữa lúc tình hình kinh tế của nhiều quốc gia Liên Âu không mấy khả quan. Ba Lan cương quyết không nhận người di cư Hồi Giáo mà chỉ nhận người Thiên Chúa Giáo mà thôi. Ɖiều nầy cho thấy người ta lo sợ văn minh và văn hóa Thiên Chúa Giáo ở Âu Châu lung lay trước làn sóng di cư ồ ạt của người Hồi Giáo vào lục địa rộng bằng diện tích Hoa Kỳ nhưng có đến 50 quốc gia nầy.

Cuối tháng 9 năm 2015 Putin mượn diễn đàn Liên Hiệp Quốc để phản công tổng thống Obama. Nga viện trợ cho Assad thêm nhiều võ khí và bắt đầu oanh tạc vào những vùng do quân nổi dậy chống Assad chiếm đóng. Nga cho rằng họ tham gia việc đánh phá ISIS. Nhưng Hoa Kỳ, Liên Âu và các vương quốc Hồi giáo vùng Vịnh Persian (Ba Tư) không tin như vậy mà tin rằng Nga can thiệp vào nội chiến để cứu Assad. Thực tế Nga không oanh tạc vào vùng do ISIS chiếm đóng mà oanh tạc vào Idlib, Aleppo, Homs, Hama, tức những nơi tập trung quân nổi dậy kể cả quân nổi dậy do Hoa Kỳ huấn luyện và tài trợ. ISIS không bị suy suyển mà còn đưa người chiếm đóng 6 làng bị oanh tạc quanh thành phố Aleppo. Chiều ngày 08-10-2015 tướng Hossein Hamedani của Vệ Binh Cộng Hòa Iran bị ISIS giết chết ở Syria. Chi tiết về cái chết của vị tướng nầy không được Iran nói rõ. Chỉ biết rằng ông chết gần Aleppo. Chết vì bom Nga hay ISIS? Vào đầu năm 2015 đã có một tướng Iran của Vệ Binh Cộng Hòa là Mohammed Ali Allahdadi bị giết chết ở Syria. Như vậy có quân Vệ Binh Cộng Hòa Iran chiến đấu trên chiến trường Syria và Iraq. Khi Nga oanh tạc ở Syria, chánh phủ Iran, Iraq và Syria tỏ ra phấn khởi. Iraq như muốn rời bỏ Hoa Kỳ để hướng mặt về Nga khi bày tỏ ý muốn chia sẻ tin tức tình báo với Iran và Nga để chống Daesh (ISIS). Nga và Iran lấn sân của Hoa Kỳ ở Iraq, nơi Hoa Kỳ tốn nhiều tiền bạc, sinh mạng và chịu nhiều tiếng xấu từ năm 2003 đến 2011. Iran hưởng lợi nhiều hơn cả vì lý do đồng đạo và đồng biên giới địa lý. Dưới thời Saddam Hussein nhiều khuôn mặt lãnh đạo Iraq phái Shiite tỵ nạn ở Iran.

Hạm đội Nga từ biển chết Caspian bắn hỏa tiễn sang Syria nhưng rớt ở Iran.

Sự can thiệp của Nga vào nội chiến Syria tạm giải thích như sau:

Nội chiến của Syria có thể còn kéo dài vì phe cầm quyền của Assad không dẹp được phe nổi dậy và phe nổi dậy cũng không đánh bại nổi Bashar Assad đã được Nga, Iran và Hezbollah chống đỡ. Sự can thiệp trực tiếp của Nga cũng không thể làm đảo lộn thế cờ, nghĩa là không thể phục hồi lại quyền hành của Assad trên toàn thể xứ Syria 23 triệu dân. Nga muốn duy trì Assad. Hoa Kỳ, Liên Âu và các nước Á Rập vùng Vịnh Persian muốn Assad phải ra đi. Ȏng Obama ngưng chương trình huấn luyện người Syria chống Assad. Hoa Kỳ tìm cách thương thuyết với Nga để tránh sự đụng chạm giữa các phản lực cơ Hoa Kỳ và Nga trên không phận Syria và Iraq. Như vậy những nhóm đối kháng Assad còn lại là những thành phần khủng bố như ISIS, NUSRA, AL QAEDA. Nga và Iran xác định vai trò họ ở Syria. Nga cũng có thể lấn sân của Hoa Kỳ ở Iraq nữa. Dù Bashar Assad còn quyền hay không, việc giải quyết vấn đề Syria phải có sự hiện diện của Nga với Iran.

Syria rơi vào số phận của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước năm 1975: chịu ảnh hưởng của hai nước ngoài. VNDCCH chịu ảnh hưởng và bị chi phối bởi Liên Sô và Trung Quốc. Syria chịu ảnh hưởng của Nga và Iran. Liên Sô và Trung Quốc là hai nước Cộng Sản và là hai nước láng giềng có nợ lịch sử trong quá khứ và từng đánh nhau vào năm 1969 trên đảo Damansky. Nga và Iran cũng là hai nước láng giềng từng có những liên hệ lịch sử thù nghịch.

Nếu Syria chịu ảnh hưởng của Nga và Iran thì Iraq có thể chịu ảnh hưởng của Iran, Nga và Hoa Kỳ (sắp theo thứ tự của tầm quan trọng). Thủ lãnh ISIS Abu Bakr al-Baghdadi (1971 - ) là người Iraq thuộc phái Sunni. ISIS kiểm soát Mosul, Fallujah, Ramadi và có uy thế lớn ở phía bắc Iraq. Chánh phủ Iraq thuộc phái Shiite ở Baghdad cần Iran và Nga để diệt nhóm Daesch (theo cách gọi của Baghdad thay vì ISIS). Người Iraq phái Shiite xem Putin như thần tượng khi ra lịnh oanh tạc ở Syria.

Sự bành trướng và ảnh hưởng của Iran ở Iraq và Syria là mối đe dọa đối với Do Thái và là một gáo nước lạnh đối với Hoa Kỳ. Syria mất cao nguyên Golan vào tay Do Thái năm 1967. Cao nguyên Golan rộng 1.800 km2. Do Thái chiếm phần phía nam Golan rộng 1.150 km2. Năm 1981 Do Thái sát nhập Golan vào lãnh thổ của nước họ mặc cho sự phản đối của Syria và Liên Hiệp Quốc. Sau gần nửa thế kỷ chiếm đóng Golan, Do Thái đã biến đổi Golan thành một vùng canh nông trù phú. Các nhà địa chất phát hiện túi dầu trên một diện tích 385 km2 trong vùng nầy. Syria có Nga và Iran làm hậu thuẫn. Ɖó là mối lo ngại của Do Thái ở phía bắc. Ở West Bank hiện cuộc tranh chấp giữa Do Thái và Palestine về Jerusalem bằng những cuộc chém giết qua lại giữa người Do Thái vào cầu kinh ở Bức Tường Than Khóc, nơi bây giờ có đền Hồi Giáo trên đó. Tổng thống Abbas của Palestine tỏ ra cứng rắn hơn xưa vì Palestine được hậu thuẫn của LHQ. Cờ Palestine lần đầu tiên được kéo lên kỳ đài LHQ năm 2015. Nếu Iran và Hezbollah có mặt ở Syria thì quốc gia nầy có thể là kho võ khí chống Do Thái và nguồn tiếp liệu quan trọng cho người Palestine ở West Bank lẫn Gaza.

Iran không những là mối đe dọa to lớn đối với Do Thái mà còn là kẻ thù bất cộng đái thiên đối với Saudi Arabia. Hiện nay uy thế của Iran rất rõ rệt ở Yemen, nơi nhóm Houthis (Shiite) lật đổ chánh quyền do Mansur Hadi đứng đầu và được sự yểm trợ của Saudi Arabia.

Hoa Kỳ đã rút quân ra khỏi Afghanistan năm 2014 nhưng vẫn còn giữ 9.800 quân ở lại đó. Tổng thống Afghanistan là Mohammed Ashraf Ghani thăm viếng Trung Quốc sau khi vừa nhậm chức. Taliban hoạt động mạnh mẽ sau khi quân Hoa Kỳ và NATO rút khỏi Afghanistan. Hoa Kỳ phải dùng không quân hỗ trợ cho quân đội Afghanistan do Hoa Kỳ huấn luyện và tài trợ tái chiếm Kunduz. Trong lúc oanh tạc, không biết vì lý do gì bom rơi vào một bịnh viện gây thiệt mạng cho hàng chục nhân viên y tế thuộc nhóm Y Sĩ Không Biên Giới hoạt động ở Afghanistan.

Ɖệ nhất phó tổng thống Afghanistan hiện nay là tướng Abdul Rashid Dostum, từng chiến đấu bên hàng ngũ Liên Sô trong thời kỳ Liên Sô xâm lăng Afghanistan. Ȏng nầy từng được huấn luyện ở trường Võ Bị Liên Sô vào thập niên 1980. Trước hiểm họa Taliban, chánh phủ Kabul cầu cứu các quốc gia Hồi giáo láng giềng như Uzbekistan, Kazakhstan, từng là những Cộng Hòa Sô Viết cũ, để được giúp đỡ hầu chống lại Taliban. Kết quả cuộc vận động đều không có kết quả cụ thể nào. Ɖầu tháng 10-2015 Dostum sang Nga hy vọng được sự viện trợ trực tiếp của Nga để chống lại Taliban hiện rất mạnh ở Pakistan và Afghanistan. Nếu sứ mệnh của Dostum thành công thì Nga có cơ hội trở lại Afghanistan. Hoa Kỳ phải ăn trái đắng một lần nữa. Trước kia dân chúng Afghanistan chán ghét Liên Sô vì là Cộng Sản. Bây giờ họ thích thú với Putin chăng? Nếu thế Putin lấn đất sang thế giới Hồi Giáo bằng ngả Syria, Afghanistan, Iraq và chứng minh cho dân Nga cùng thế giới uy thế của Nga dưới sự lãnh đạo của ông. Dân chúng Nga được sự tự hào về chủng tộc Slav của mình để quên đi một nền kinh tế bịnh hoạn của một nước Nga chỉ chú trọng đến kỹ nghệ võ khí mà thôi!

Tiến sâu vào Syria, Iraq và Afghanistan, Nga sẽ bị sa lầy. Dù Nga hoàng, Nga Cộng Sản hay Nga thời hậu Cộng Sản người Nga vẫn là người Nga với hình hài da trắng, mắt xanh, theo Chính Thống Giáo nhưng tinh thần bảo thủ, độc đoán, ưa trả thù như người Á Châu phương Ɖông. Liên Sô từng giúp cho Nasser xây dựng đập Assouan và gởi nhiều cố vấn sang Ai Cập và Syria. Không bao lâu dân chúng Ai Cập chịu ảnh hưởng Hồi giáo sâu đậm chán ghét các cố vấn Liên Sô vì thái độ hống hách, sự sàm sỡ đối với phụ nữ Hồi Giáo, sự xem thường văn hóa và tôn giáo Hồi của những người được dạy tôn thờ chủ nghĩa vô thần. Nói chung không có điểm chung nào giữa người Nga với người Hồi giáo từ tôn giáo, chủng tộc đến thức ăn và cách sống. Các cố vấn Liên Sô bị chánh quyền Ai Cập đuổi về nước sau khi Nasser mất. Từ năm 1979 đến 1988 Liên Sô xâm lăng Afghanistan và gặp sự đề kháng hung bạo từ phía các du kích Hồi Giáo trong nước và sự đối kháng âm thầm của toàn dân Hồi Giáo. Việc rút quân của Liên Sô ra khỏi Afghanistan cho thấy sự thất bại của họ và chế độ Cộng Sản do họ thiết lập và yểm trợ ở Afghanistan. Nó tạo cảm hứng chính trị cho các quốc gia Cộng Sản ở Ɖông Âu đã chán ghét Liên Sô và chế độ độc tài Cộng Sản vùng lên đòi tự do (1989). Chế độ Cộng Sản cáo chung trên đất Nga năm 1991.

Dù có nỗ lực giúp cho Assad, Nga cũng không thể làm sống lại một chánh quyền Damascus trước 2011 được. Nga can thiệp vào Syria cho thấy Assad bị phe nổi dậy bao vây nguy khốn. Ɖi sâu hơn vào Syria, Nga chẳng những sẽ gặp sự đối kháng của ISIS, NUSRA, AL QAEDA mà còn gặp sự đối kháng của dân chúng Syria, các quốc gia Á Rập Hồi Giáo Sunni ở vùng Vịnh Ba Tư và sự lên án của Hoa Kỳ và Liên Âu. Họ sẽ bị xem là quân xâm lăng và chuốc lấy bại vong vì những tiêu hao khủng khiếp mà không thu hoạch được kết quả gì rõ rệt. Ɖó là chưa nói tới sự cạnh tranh ảnh hưởng ngầm giữa Nga và Iran sau đó.

Putin không phải không biết điều đó nhưng ông ta không còn sự lựa chọn nào hơn ngoài sự phô trương sức mạnh quân sự để vuốt ve sự tự hào dân tộc Nga bằng những thành quả nhất thời vì ông không muốn và cũng không biết làm sao đưa đất nước và dân tộc Nga đến bến Tự Do, Hạnh Phúc thay vì dẫn họ đến xưởng sản xuất súng đạn dùng để đe dọa người khác. Kinh nghiệm Hồi Giáo của Liên Sô được tìm thấy đầu tiên ở Ai Cập. Nó không cay đắng và dẫn đến sự sụp đổ của Liên Sô bằng sự thất bại trên chiến trường Afghanistan. Putin theo gương nữ hoàng Catherine II khi sát nhập bán đảo Crimea vào Liên Bang Nga. Nhưng ông không thể nào theo gương Stalin để hồi sinh cựu Liên Sô thời hậu Cộng Sản được. Ȏng chưa thành công với các cựu cộng hòa Sô Viết có biên giới chung với Nga nhưng lại bất đồng văn, bất đồng chủng và bất đồng tôn giáo. Hoa Kỳ là một siêu cường quốc kinh tế và quân sự trên một thế kỷ, nay đã uể oải và mang nợ nhưng chưa đến nỗi phá sản vì hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq (cả hai đều là quốc gia Hồi Giáo) trong tổng cộng 21 năm: 8 năm ở Iraq (2003 – 2011) và 13 năm ở Afghanistan (2001 – 2014)! Nga là một cường quốc quân sự chớ không phải là một cường quốc kinh tế. Hoa Kỳ mất 8 năm trong chiến tranh Việt Nam (1965 – 1973). Họ không thành công nhưng không bại trận mà có lối thoát vinh dự qui định bởi hiệp định Paris năm 1973. Liên Sô mất 9 năm (1979 – 1988) trong chiến tranh xâm lược Afghanistan và đã rời khỏi nước nầy như một quốc gia xâm lăng chiến bại. Putin chỉ có vài thắng lợi nhỏ chớ không thành công trong việc thực thi những hoài bão đầy tham vọng của ông. Kẻ thắng nhờ sự hung bạo và liều lĩnh sẽ thua vì sự hung bạo và liều lĩnh. Công thức nầy đã được chứng minh qua sự thất bại của các quốc gia Phát Xít, Cộng Sản và sẽ được kiểm chứng với ISIS trong những ngày sắp tới.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2015