Vũ Hiến


Thảm họa sông Mekong

Bây giờ đang là mùa mưa tại khu vực Đông Nam Á, và trong Tháng 7, mưa hầu như mỗi ngày.
Đặc biệt tại vùng Nam Lào, theo báo cáo của đài khí tượng, trong mấy ngày qua,
lượng nước mưa đổ xuống cao hơn gấp ba lần bình thường.
Với sức nặng của khối nước khổng lồ đó đã tạo áp suất quá lớn lên trên thành con đập Xe-Namnoy.

Công nhân Lào bỏ chạy khi đê vỡ tại đập Nam Ao – nguồn RFA

Trong suốt ngày Chủ Nhật (22/7/2018), các kỹ sư người Nam Hàn trong nhóm điều hành con đập đã cố gắng xả bớt nước và cảnh báo cho chính quyền địa phương biết có một vết nứt xuất hiện trên thành đập. Qua đến ngày Thứ Hai hôm sau, mưa vẫn không dứt, lượng nước mưa tiếp tục dâng cao, vượt quá sức chịu đựng và con đập Xe-Namnoy bị vỡ. Theo lời mô tả của người dân địa phương, cả một bức tường nước khổng lồ đổ ập xuống và chỉ trong ít phút đã làm ngập lụt nhiều làng mạc kế cận.

Một đoạn phim chiếu trên đài truyền hình Lào cho thấy cảnh nhiều người đã phải chen chúc nhau leo lên nóc nhà để chờ người đến giải cứu trong khi nước và bùn chảy xiết, đe dọa bên dưới chân họ. Cơn lũ không chỉ gây thiệt hại nhà cửa và tài sản, theo báo cáo của nhiều hãng thông tấn Tây phương, đã có ít nhất 26 người chết và cho đến nay vẫn còn hàng trăm người mất tích.

Lào là thành viên và cũng là quốc gia nghèo nhất trong khối ASEAN. Tuy nghèo nhưng quốc gia này may mắn có những nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, trong đó có hệ thống sông ngòi với con sông Mènam Khong (Sông Mẹ) chạy dọc theo biên giới giữa Thái Lan và Lào là một phần của hệ thống sông Mekong. Trong mấy năm qua, với giấc mộng trở thành “Bình ắc quy của châu Á”, chính phủ Lào đã cho phép xây dựng hàng chục dự án đập thủy điện ngang dọc hệ thống sông ngòi của họ với sự tài trợ của ngoại quốc, trong đó có đập Xe-Namnoy nằm ở một phụ nhánh của sông Mekong.

Tuy nhiên, sự lo ngại ảnh hưởng môi trường của những dự án đập thủy điện này – mà hầu hết điện năng thu được từ những con đập được xuất cảng sang những nước láng giềng như Thái Lan và Trung Quốc –  đã hầu như không được lắng nghe trong một đất nước bị kiểm soát chặt chẽ bởi đảng cộng sản.

Từ khi bắt đầu có những dự án xây dựng thủy điện, rất nhiều dân làng ở khắp nước Lào đã bị buộc phải di chuyển đến những nơi khác, có người còn bị di chuyển nhiều lần, để lấy đất xây dựng đập mà phần lớn lợi ích của những con đập này người dân Lào không được hưởng.

Ðây không phải lần đầu tiên xảy ra thảm họa đập thủy điện ở Lào. Tháng 9 năm ngoái, một mảng đê của hồ chứa nước đập Nam Ao nằm trong tỉnh Xieng Khouang thuộc vùng đông bắc nước Lào bị vỡ và khoảng 500.000 thước khối nước tràn xuống hạ nguồn gây ra tình trạng lũ lụt ở nhiều ngôi làng với những thiệt hại đáng kể. Trong trường hợp của thảm họa đập Xe-Namnoy, người ta phỏng đoán có khoảng 5 tỷ thước khối nước, tương đương bằng 2 triệu hồ bơi Thế vận hội, đã bị tràn ra những khu vực xung quanh.

Với hai vụ thảm họa đập thủy điện liên tiếp xảy ra tại Lào chỉ trong khoảng thời gian chưa tới một năm một lần nữa lại dấy lên nỗi lo ngại về ảnh hưởng lâu dài của việc mở rộng việc xây cất liên tục những dự án thủy điện dọc theo lưu vực sông Mekong.

Trong khi quốc tế quan tâm nhiều đến những con đập lớn đang hoạt động hay đã được lên kế hoạch xây dựng nằm trên dòng chính của sông Mekong thuộc Trung Quốc và Lào, người ta lại ít chú ý tới những kế hoạch đã được thành hình và chuẩn bị cho việc xây dựng khoảng 120 đập nằm trên những nhánh phụ của sông Mekong – mà vụ vỡ đập Xe-Namnoy ở nam Lào vừa rồi là một thí dụ điển hình.

Và mặc dù một số đập thủy điện này tương đối nhỏ, những con đập khác, như đập Lower Se San 2 nằm ở khu vực tây bắc Campuchia, hiện đang hoạt động, thuộc loại khá lớn, với công suất là 400 megawatts và được đoán trước là sẽ gây ảnh hưởng rất lớn trong tương lai cho nhiều giống cá sống ở con sông Mekong này.

Tất cả các đập lớn nhỏ đã, đang và sắp được xây dựng dọc theo sông Mekong trong phần đất của Campuchia và Lào đều được sự tài trợ của các nhà đầu tư ngoại quốc như Thái Lan và Nam Hàn, nhưng phần đầu tư lớn nhất không ai khác hơn chính là Trung Quốc.

Bản đồ các đập đã, đang và sắp được xây dọc sông Mekong – nguồn researchgate.net

Tháng 4 vừa qua, Uỷ hội Sông Mekong (MRC) đã đưa ra bản phúc trình dài 3.600 trang phác họa một viễn ảnh tương lai khá ảm đạm về con sông này.

Một số điểm chính rút ra từ bản phúc trình này bao gồm dự kiến cho tới năm 2040 số lượng cá của sông sẽ bị giảm mạnh, với những quốc gia bị thiệt hại và tỷ lệ đánh bắt cá suy giảm so với lượng đánh bắt hiện nay: Thái Lan giảm 55%; Lào 50%; Campuchia 35%; và Việt Nam 30%. Sự thiệt hại đáng kể nhất là khi bản phúc trình ghi nhận về trường hợp của Campuchia, với 80% lượng chất đạm trong thực phẩm của người dân xứ này là lệ thuộc vào nguồn cá đánh bắt từ hệ thống sông Mekong. Ðó là chưa kể những thay đổi trong hoạt động của hệ sinh thái của sông Mekong về lâu về dài sẽ đưa tới tình trạng suy thoái sinh bồi của đất dọc theo hai bên bờ sông do hậu quả của sự suy giảm chất trầm tích và phù sa theo dòng chảy xuống hạ nguồn của con sông.

Ðã biết trước những thiệt hại không chỉ về môi trường mà cả về phần kinh tế của con sông Mekong nhưng nhiều người vẫn không thể tin được tại sao chính quyền của một số quốc gia trên, đặc biệt là Campuchia và Lào, vẫn ngửa tay nhận tài trợ xây dựng thủy điện từ các nhà đầu tư ngoại quốc, trong đó phần đầu tư lớn nhất là từ Trung Quốc, qua thể thức cho vay dài hạn. Phải chăng vì phần lại quả không nhỏ từ những dự án xây dựng này rơi vào tay những quan chức tham nhũng của chính quyền?

Các nhà nghiên cứu phỏng chừng có khoảng 60 triệu người sinh sống dọc theo con sông Mekong, bắt nguồn từ vùng đất tuyết phủ Tây Tạng kéo dài hơn 2.600 dặm, chảy qua các quốc gia Trung Quốc, Miến Ðiện, Thái Lan, Lào, Campuchia và kết thúc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi được phù sa bồi đắp và là một trong những vùng đồng bằng nông nghiệp sản xuất lúa gạo nhiều nhất trên thế giới. Sông Mekong cũng là nơi có nguồn cá nước ngọt bất tận với số lượng cá đánh bắt được đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau sông Amazon. Thế nên, nói cách khác, kiểm soát được nguồn nước của sông Mekong nghĩa là kiểm soát được một phần lớn kinh tế của khu vực Ðông Nam Á.

Hiện nay có khoảng một chục con đập lớn nằm trên dòng chính, trong đó riêng tại Trung Quốc có sáu đập nằm trên đoạn sông Mekong chảy qua tỉnh Vân Nam có cái tên rất mỹ miều là Lan Thương Giang.

Vì là nước đầu nguồn nên cũng có thể nói Trung Quốc đang kiểm soát lưu lượng của sông Mekong qua những con đập trên. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Elliot Brennan, thuộc viện nghiên cứu Lowy, kiểm soát lưu lượng của sông Mekong có nghĩa là kiểm soát được nguồn lương thực, và do đó kiểm soát sinh kế của hàng chục triệu người dân sống trong các cộng đồng ở hạ nguồn.

Sáu con đập này có khả năng chứa được 23 tỷ thước khối nước, tương đương 27% lưu lượng của con sông ở đoạn giữa Trung Quốc và Thái Lan mỗi năm. Nói cách khác, sáu con đập ở trên phần đất Trung Quốc nay đã có thể kiểm soát được lưu lượng của sông Mekong.

Ðiều này còn thấy rõ hơn nữa trong mùa khô khi vùng cao nguyên Tây Tạng đóng góp từ 40 đến 70% lưu lượng của con sông. Và vì vậy ảnh hưởng lên nguồn thực phẩm và sinh kế của người dân sống ở hạ nguồn đến nay có thể cho là đáng kể, tuy nhiên sắp tới đây 11 dự án xây đập loại cực lớn, một nửa trong số đó có phần tham gia của phía Trung Quốc, nếu được chấp thuận cho tiến hành thì tình trạng trên có thể còn xấu hơn nhiều.

Ðiều lo ngại hơn nữa, những lý do đưa ra trong những con đập được đề nghị và những hứa hẹn trong việc sản xuất điện giữ một vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế của các nước hạ nguồn cho thấy, do những lợi ích riêng, các nhóm nghiên cứu của chính phủ các nước đã đưa ra những con số sai lạc. Nhiều con đập được đề nghị xây dựng ở hạ nguồn sẽ xuất cảng điện tới Trung Quốc và sẽ gây ảnh hưởng xấu trực tiếp tới kinh tế. Nhiều cuộc nghiên cứu cho biết trong vòng 50 năm tới, nếu những con đập này được xây dựng, nền kinh tế ở hạ nguồn sông Mekong sẽ bị thiệt hại khoảng $7,3 tỷ, trong đó Việt Nam và Campuchia là bị thiệt hại nhiều nhất.

Ủy hội Sông Mekong được thành lập năm 1995 để tìm sự hợp tác chung của sáu quốc gia nằm hai bên bờ sông Mekong nhưng Trung Quốc không chịu tham gia. Năm 2016, Bắc Kinh cho thành lập tổ chức Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) và ép buộc các quốc gia khác phải tham gia. Như một phần thưởng củ cà rốt ban cho các quốc gia Ðông Nam Á đã chịu tham gia trong hội nghị đầu tiên của LMC được tổ chức vào Tháng 3, 2016, Bắc Kinh đã cho xả nước xuống cho các quốc gia hạ nguồn đang bị nạn hạn hán.

Hành động này chứng tỏ cho các quốc gia hạ nguồn biết rằng Trung Quốc đang kiểm soát con sông Mekong và nó đặt ra một tiền lệ sẽ chỉ đưa tới những xung đột và tranh chấp trong tương lai trên con sông này chứ không hẳn là sự hợp tác chung. Giống y như chiến lược xâm lấn khu vực Biển Ðông của Trung Quốc vậy.

.

Vũ Hiến
(baotreonline.com, 06.08.2018)


Cái Đình - 2018